trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
1.5.2007
Bình Nguyên Lộc
Lột trần Việt ngữ
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
Chương II - Việt ngữ đa âm trước Mã Viện

Ta đã thấy rằng vua Hùng Vương, Hai Bà Trưng không nói Tôi, Cá, mà nói AI, AKA, và nếu ta biết rằng luật Swadesh đúng, thì ta không phải ngạc nhiên nữa.

Nhưng ta cần thêm chứng tích. Việt ngữ nằm trong đại khối Mã Lai ngữ, mà các nhà ngữ học đều cho rằng Mã Lai ngữ đa âm vì ảnh hưởng Ấn Độ tại Nam Dương thì làm thế nào mà Việt ngữ ở lưu vực Hồng Hà, không thọ lãnh ảnh hưởng Ấn Độ, lại đa âm được.

Chúng ta sẽ thấy rằng Mã Lai ngữ đã tự động đa âm hoá trước khi một số người Mã Lai di cư đi Nam Dương, ngược hẳn với quan niệm thông thường. Thế thì Việt ngữ cũng có thể tự động đa âm hoá được. Về chủ trương này, tưởng không cần phải chứng minh. Ta nói CÁM ƠN là nói tiếng Tàu. Người Khả Lá Vàng nói tiếng Việt cổ thời là TÔWAYKÔ, tức nói với tam âm. Một số người Đa Đảo cũng nói Tôwaykô. Đó là kẻ đã nói Ai, nói AKA.

Nhưng ta cần càng nhiều chứng tích càng hay. Ta thử nghiên cứu biểu đối chiếu dưới đây:

Việt Nam:
XINH
Ra Đê:
MSIN
Đa Đảo:
SINI
Miền Dưới:
ASAM ASIN
Chàm Bình Tuy:
SAM
Nhật Bổn:
SHAN

Theo nghĩa đen thì Asam Asin chỉ là CHUA MẶN. Tĩnh từ kép của Miền Dưới được dùng theo nghĩa bóng. Nhan sắc Chua Mặn là nhan sắc dễ ưa, tức XINH.

Các cô Sài Gòn thích ăn cóc ngâm nước muối, các cô gốc Hà Nội thích ăn ô mai thì phải chăng của Chua Mặn là của dễ ưa?

I – Các dân tộc đều độc âm hoá cái tĩnh từ vừa kép vừa nhị âm này và chỉ nói Mặn mà thôi, người Nam Dương thì còn giữ đúng hai từ.

II – Chàm Bình Tuy và Nhựt biến cái Phonème SIN khác xa Phonème gốc nó phải là ASIN, SIN, hoặc XINH hoặc SINI.

III – XINH của Việt Nam và SHAN của Nhựt Bổn đã bị quên nghĩa đen, còn các dân tộc khác thì còn nhớ cả hai nghĩa.

IV – Tại sao Việt và Nhựt lại quên? Vì họ tân tạo hai tính từ mới để diễn nghĩa đen là MẶN và SHIO và danh từ mới được dùng lối 200 năm là danh từ cũ chỉ còn mang nghĩa bóng.

V – Tại sao họ lại tân tạo tĩnh từ thứ nhì? Vì một tĩnh từ chỉ hai ý niệm thì không hay, thường gây rắc rối. Riêng Việt Nam, tân tạo MẶN rồi thì lại tân tạo MẶN MÀ nữa, và cũng cứ dùng tĩnh từ mới theo nghĩa bóng, có lẽ Mặn Mà còn non tuổi cho nên ta chưa kịp quên nghĩa đen của Mặn Mà.

Chúng tôi nói rằng Việt và Nhựt quên nghĩa đen của XINH và SHAN, chắc không ai tin. Nhưng ở cuối Chương quí vị sẽ thấy rõ là dân tộc nào cũng đã quên hàng ngàn danh từ cổ của họ. Việt Nam may mắn nhất thế giới là đại khối Mã Lai còn giữ được và tục ngữ ca dao ta còn nằm đó để làm chứng. Hễ trong tục ngữ ca dao có danh từ nào ta không hiểu thì ta cứ học các sinh ngữ quanh ta là hiểu ngay. Thí dụ không còn ai biết BÍT là gì nữa, cả trong câu tục ngữ MÂN SON BÁT BÍT. Nhưng còn hai trăm triệu người đang dùng mạnh danh từ đó. Đó là danh từ Mã Lai BIKA có nghĩa là SỨ. Đồ Sứ là tiếng Tàu mà ta vay mượn sau Mã Viện rồi quên Bít đi. Đó là luật Swadesh. Không có Mã Viện, ta vẫn quên một số danh từ như thường.

Cái may là các dân tộc gốc Mã Lai không quên giống nhau, hễ Nam Dương quên thì ta nhớ, ta quên thì Nhựt nhớ, nhưng ta may hơn họ là ta có học ngôn ngữ của họ còn họ thì không học ngôn ngữ của ta. Hiện ta rất bí về BÚA trong CHỢ BÚA. Nam Dương thì biết Búa là gì. Trái lại họ rất bí về CON CHIM MÚA (con Công) bởi họ đã mượn động từ Múa của Mã Lai. Nhựt Bổn lại rất bí về KI trong KIMONO, nhưng ta thì biết KI là gì. Ta rất bí về MAY trong MÁU MAY, nhưng Nhựt Bổn biết rõ MAY là gì.

Nhưng đó là chuyện về sau. Xin trở lại điều đối chiếu. Ta nghiên cứu tĩnh từ Asam. Asam là Chua, như đã nói (xưa kia ta cũng có Asam, nhưng ta đánh mất. Nam Dương còn giữ được cả hai Asam và CHUKA). Nhưng thật ra thì hồi cổ thời, nó chỉ là SAM. (Xin đừng lẫn lộn Sam này với SAM của Chàm Bình Tuy có nghĩa là Mặn).

A chỉ là tiếp đầu ngữ mới được thêm sau.

(A) sam
= Trái chua


(Ma) sam
= Giấm chua


(Ba) sam
= Sữa chua (Yaourt)



Mỗi món chua, mỗi mang một tiếp đầu ngữ khác nhau. Thế thì Mã Lai ngữ xưa kia chỉ là độc âm. Việt ngữ cũng thế. Nhưng nó đa âm từ thời nào, có phải chăng là vì ảnh hưởng Ấn Độ?

Chúng tôi giải quyết rằng nó đa âm thuở dân Mã Lai chưa di cư đi Nam Dương. Ta nghiên cứu lại tĩnh từ ASAM ASIN thì rõ. Họ nói ASAM ASIN, nhưng họ cũng nói ASAM GARAM. Garam là Muối. Nhan sắc chua mặn hay chua muối, cũng thế thôi.

Biết danh từ MUỐI của họ rồi, biết thêm văn phạm của họ nữa thì một sự kiện vô cùng quan trọng sẽ lộ ra. Muốn diễn cái ý niệm BỎ THÊM MUỐI VÀO, họ không nói BUBỎ GARAM (Bubỏ = Bỏ thêm vào), mà thêm tiếp vĩ ngữ I, hoặc UI, nó hoá ra là GARAMI, hoặc GARAMUI.

Nếu họ đi Nam Dương rồi mới đa âm hoá thì ta đào đâu cho ra vĩ ngữ MUI để giữ lại hầu biến thành MUỐI, sau khi ta bị Mã Viện độc âm hoá?

Hình như quí vị không tin lối giải thích đó. Chúng tôi xin giải thích một cách khác nữa.

Người Chàm đã tự động và tự lực đa âm hoá từ lâu đời lắm rồi. Họ có tiếp đầu ngữ MƠM, MƠNG có nghĩa là LÀM và bị ta vay mượn, biến thành MẦN: “Mi nói rứa, ta biết mần răng bây chừ?”

Có lẽ quí vị lại bác: "Chính người Chàm cũng thọ lãnh ảnh hưởng Ấn Độ từ đầu Tây Lịch”.

Chúng tôi chỉ mong cho quý vị bác như thế để đưa luận cứ lớn ra. Người Chàm Bình Tuy nói độc âm. Từ hai ngàn năm nay, ảnh hưởng Ấn Độ thừa thì giờ để tới Bình Tuy chớ không phải chưa kịp xuống Bình Tuy. Thế thì có phải chăng là ảnh hưởng Ấn Độ hoàn toàn không chi phối ngôn ngữ Chàm? Trong biểu đối chiếu, chúng tôi cố ý dùng danh từ Bình Tuy là SAM để quý vị thấy ngay rằng người Chàm Bình Tuy nói độc âm. Bao nhiêu âm của Chàm, đều bị Chàm Bình Tuy nuốt hết, chỉ chừa lại một âm độc nhất, bất kể ảnh hưởng Ấn Độ.

Người Chàm Bình Tuy không phải là người Chàm chăng? Đúng thế vì biên giới Chiêm - Phù Nam nằm tại Bắc Khánh Hoà Nhưng cả Phù Nam lẫn Chàm đều là Lạc bộ Mã, nói y hệt với nhau và đều thọ lãnh ảnh hưởng Ấn Độ cùng lúc với nhau. Quốc tịch chẳng liên hệ gì với vấn đề. Vấn đề là có ảnh hưởng Ấn Độ hay không và ảnh hưởng đó có chi phối ngôn ngữ hay không?

Người Cao Miên cũng cùng chung số phận với người Chàm, những ngôn ngữ có bao giờ đa âm hay không?

Ta có thể kết luận mà không sợ sai lầm rằng một số người Mã Lai đã tự động và tự lực đa âm hoá ngôn ngữ của họ trước khi họ di cư đi Nam Dương. Việt ngữ ở trong khối đó, nên vua Hùng Vương mới nói AI, AKA, TÔWAYKÔ.

Hiện tượng sau đây trong Việt ngữ cũng là một chứng tích hùng biện tiết lộ tánh cách đa âm của Việt ngữ trước Mã Viện. Tất cả danh từ kép của ta đều gồm hai từ đồng nghĩa với nhau, không khác một nét.

Nhiều học giả, nhiều nhà văn phạm cứ chủ trương rằng từ thứ nhì trong danh từ, tĩnh từ kép của ta hoàn toàn vô nghĩa, chỉ thêm chơi cho êm tai. Thí dụ CÂY CỐI, MÚA MAY vân vân.

Ta quên hàng ngàn danh từ cổ. Khi ta lật quyển Tục ngữ phong dao của Nguyễn Văn Ngọc thì ta thấy có vô số danh từ mà ta không hiểu, như MÂM SON BÁT BÍT đã viện dẫn đến khi nãy.

Có quả thật CỐI vô nghĩa hay không trong CÂY CỐI ? Không. Chủng Mã Lai có hai danh từ chỉ CÂY.

Khả Lá Vàng:
KI
Mạ:
KI
Nhựt Bổn:
KI
Việt Nam:
CÂY
Miền Dưới:
KÂYU
Đa Đảo:
KAIWI (ĐẢO FUGUSON)
Ra đê:
KIÂO


Nhưng đồng thời họ cũng có:


Ngô, Việt, Sở:
BÔ CỐC
Miền Dưới:
BÔ CỐC
Việt Nam:
CỐI
Nhựt Bổn:
BÔKU
Đa Đảo:
BUKÔ


Vậy CỐI chỉ là Cây, không hề vô nghĩa bao giờ hết và nó là danh từ thứ nhì của chủng tộc.

MAY cũng không vô nghĩa. Trong Nhựt ngữ MAI (I cụt) đích thị là MÚA. Và MÚA MAY cũng có nghĩa hẳn hoi. Nhưng MAY còn nằm trong ngôn ngữ ta, mặc dù ta không dùng động từ MAY nữa. Gió HEO MAY, là gió gì? HEO là biến dạng của HIU (hắt) còn MAY là MÚA. Gió đó LÀM MÚA cây cỏ dữ lắm, bằng vào câu tục ngữ: “Gió heo may chẳng mưa thì bão.”

NỘI là gì trong ĐỒNG NỘI? NỘI cũng chưa biến mất, nhưng tuổi trẻ ngày nay tuyệt đối không biết, nếu họ không có đi học, không có nghiên cứu truyện Kiều.

NỘI chỉ là ĐỒNG mà thôi. Đó là danh từ của Lạc bộ Trãi, được dùng mạnh ở Nhựt Bổn, dưới hình thức là NÔ còn ở xứ ta thì hầu gần như bị quên.

Danh từ cũng có đời sống như sinh vật, có sinh, bịnh, lão, tử, thế nên mặc dầu không bị ảnh hưởng ngoại lai, cũng có thể mất, bằng chứng là Nguyễn Du chỉ mới đây thôi, thế mà người đã dùng mạnh danh từ NỘI, còn ta thì đã hết dùng danh từ đó rồi.

Nhưng Tây lại không hề bắt ép ta bỏ danh từ NỘI. Chính luật Swadesh đã chi phối tất cả. Khi chúng tôi nói rằng ta bị độc âm hoá sau Mã Viện là chúng tôi chỉ mượn thời Bắc thuộc để chỉ thời điểm chứ không có ý gì đổ lỗi cho Mã Viện cả đâu. Vả lại Mã Viện chỉ có mặt mấy năm rồi đi mất thì làm sao kịp thi hành biện pháp sâu rộng nào. Nhưng quả ta đã bị nhiễm ảnh hưởng độc âm của người Tàu khi ta tiếp xúc lâu dài và nhất là theo học với họ.

Nhưng tổ tiên ta đã nhiễm bịnh nhưng vẫn còn nhờ dấu tích tiền nhơn mà họ hoài cổ khi họ tạo ra danh từ kép để nuôi nấng cái ảo tưởng rằng họ còn đa âm như trước đó.

Một danh từ gồm hai từ hoàn toàn đồng nghĩa là một chế tạo rất vô lý. Nhưng tổ tiên ta không vô lý. Họ chỉ tạo ảo tưởng đa âm khi chợt thấy là họ bị độc âm, và chợt ngậm ngùi nhớ xưa.

Không còn ai biết NHỎ NHOI là gì cả. Nhưng những người thạo tiếng Thái thì hiểu, nếu họ chịu nghiên cứu. NOI là NHỎ trong Thái ngữ. Chẳng còn ai biết Sá là gì trong ĐƯỜNG SÁ. Nhưng khi ta nói ĐÀNG SÁ thì Nam Dương nói TÀNG SÁNA. Sána là hướng, là phía của con đường.

Chẳng còn ai biết BÚA là gì cả trong CHỢ BÚA nhưng Miền Dưới biết rất rõ. BÚA là HỚ trong giá cả. Chợ búa là nơi con người thường mua hớ.

Chúng tôi bắt được dấu vết độc âm hoá của Việt ngữ, nó gồm năm phương pháp sau:

I) Ta tách đôi một danh từ Mã Lai ra làm hai âm khi nào danh từ đó mang hai nghĩa. Thí dụ KAYA, Kaya được người Miền Dưới dùng với cái nghĩa là LỚN như BIỂN CẢ, NGHIỆP CẢ, và GIÀU.

KA/YA = Cả + giàu

Với KA, ta chỉ thêm dấu hỏi. Nhưng với GIÀU thì ta thêm cả một nguyên âm U.(Về phương diện Phonnème thì YA giống hệt GIA nên kể như YA không bị biến dạng).

Chúng tôi cho rằng ta nói tiếng Mã Lai đúng hơn người Chàm, không ai tin cả, kể cả người Chàm cũng không tin. Nhưng trong Chàm ngữ thì KAYA là QUÀ BÁNH chớ không có gì là CẢ là GIÀU hết như trong Mã ngữ và Việt ngữ. Còn giàu của Chàm là MƠ TÀ.

Trái lại ta với Nam Dương thì đã giống hệt nhau ở KAYA lại giống hệt nhau ở Quà:

Việt Nam:
Quà
Nam Dương:
Kúé


II) Ta tách đôi một tiếng Mã Lai để làm một danh từ Kép mà từ thứ nhì hoàn toàn vô nghĩa vì danh từ Mã Lai ấy chỉ mang có một nghĩa. Thí dụ KUYU.

KU/YU = Cù Dù = Buồn thảm

Tuy nhiên rồi ta vẫn cố cho nó một nghĩa,

KU/YU = Cú Vọ

Chúng tôi không bao giờ thấy con Vọ. Vài cụ tả thì ra đó là con chim mèo (Chat huant) và Vọ chỉ được sáng tác bâng quơ rồi gán đại cho một con chim đã có tên rồi.

III) Ta tách hai một danh từ Mã Lai và lần này thì ta không còn làm sao mà gán từ thứ nhì cho ai được nữa, ta đành để nó vô nghĩa thực sự. Thí dụ: LƠ LÀ.

Lo/lai = Lơ là (là vô nghĩa)

IV) Ta nuốt hết tất cả mọi âm của Mã Lai khi nào danh từ mang ba âm sấp lên và chừa lại một độc nhất:

Kơmarau = Ráo

Kơma đã bị nuốt chửng, chỉ còn lại cái đuôi Rau ( Ráo.

Tơmbikar = đồ sứ

Tơm và Kar bị nuốt chửng chỉ còn lại khúc giữa BIK ( BÍT (mâm son, bát bít)

V) Ta dịch khi nào danh từ Mã Lai là một danh từ kép mà trong đó gồm hai từ chung cho Trãi và Mã. Cái từ riêng ấy bị ta thay bằng một từ riêng của Trãi. Đây là trường hợp ngộ nghĩnh hơn hết trong các phương pháp độc âm hoá.

Thí dụ danh từ SOAN (cây soan). Danh từ ấy dưới thời Hai Bà Trưng không có giản dị như thế đâu.

Trong quyển Tục ngữ phong dao, ông Nguyễn Văn Ngọc ghi câu tục ngữ sau đây:”Ăn cây táo rào cây soan đâu” rồi thì ông đánh một cái dấu nơi chữ ĐÂU, chua ở dưới là ĐÀO. Thế nghĩa là ông đã quên ĐÂU là gì, và chua như vậy là một lối giải thích riêng của ông. Nhưng đáng kính ông lắm là ông đã ghép y như đã nghe thiên hạ nói chứ không tự ý sửa đổi. Nếu ông đã sửa đổi thì từ năm sách này ra đời đến nay, 40 năm đã qua rồi, chưa chắc câu tục ngữ ấy còn được ai nói đến nữa và dấu cũ đã bị xoá.

Nhưng dấu cũ còn và ta sẽ biết SOAN ĐÂU là cái gì. Chữ ĐÂU đã bị miền Bắc sửa lại là ĐẤU (chung lưng đấu cật) Nhưng nếu miền Bắc không sửa, còn nói là ĐÂU như miền Nam, thì cũng không ai biết SOAN ĐÂU là gì. Nhưng học tiếng Nam Dương rồi thì biết cây soan, Nam Dương gọi là : KAYU ĐOAN MAMBU.

MAMBU là Nhỏ và ĐẤU LẠI (Feuilles composées) vì có một loại soan có lá như thế. Còn Đoan là danh từ thứ nhì của chủng Mã Lai, chỉ LÁ, mà ta đã đánh mất.

Vậy cây soan đâu là cây lá nhỏ và đâu (đấu) lại. Ta biến KAYU thành CÂY, ĐOAN thành SOAN, MAMBU là tĩnh từ riêng của Lạc bộ Mã, nên ta không dùng, mà dịch là ĐÂU, ĐÂU có nghĩa tương đương với MAMBU.

Nhưng khi SOAN đã bị quên rằng là LÁ thì không còn ai biết ĐÂU, ĐẤU là gì nữa hết, cho dẫu nó ở dưới hình thức nào đi nữa.

(Tên của loại cây ấy có một lịch sử rất ngộ nghĩnh qua ba hình thức sau đây:

Cao Miên:
So Đau
Miền Nam:
Sầu Đâu
Miền Trung:
Sầu Đông


Vậy, ai học của ai? Thấy rõ là Cao Miên đã học của Việt Nam, hay của Phù Nam hồi cổ thời vì Phù Nam có ngôn ngữ như Nam Dương. Ta biết được rằng chính họ đã học vì hai tiếng So Đau của họ chẳng có nghĩa gì dính líu đến LÁ và ĐÂU cả. Đó là họ mượn âm đọc chứ không phải dịch mà cũng không phải là đồng gốc.

Nhưng miền Trung và miền Nam thì rõ là đã học của Cao Miên, vì SOAN ĐÂU không thể biến thành SẦU ĐÔNG, SẦU ĐÂU, mà SO ĐAU của Cao Miên thì có khả năng đó.

Chúng tôi tạm xem như Cao Miên học của Phù Nam, còn miền Trung thì học của Cao Miên; qua đèo Mụ Già, hồi nước Cao Miên còn ở Trung Lào).

Dân ta đã quên Việt ngữ hết. Chúng tôi đối chiếu PRI của Mạ và Rừng của ta, trong quyển sử, đã bị công kích dữ. Nhưng cứ lật Nguyễn Văn Ngọc mà xem:

Miệng tu hú ăn lở rú lở ri.

Phải chăng RI là tiếng Việt cổ có nghĩa là Rừng?

Chúng tôi cho rằng VĂN LANG do CAU SỌC mà ra, cũng bị chê là nguỵ biện. Nhưng tại sao MO CAU không gọi là Mo Cau mà gọi là MO NANG? Vì tổ tiên ta gọi Cây Cau là Cây Nang. Danh từ Cau chỉ mới có đây thôi vì luật Swadesh.

Thương Việt:
PƠNANG
Chàm:
NÂNG
Nam Dương:
PINANG
Cổ Việt:
NANG


Còn sọc thì

Nam Dương:
BƠ LANG
Thương Việt:
VLANG


Nam:
VẰN
Bắc:
RẰN

Ta biến thành

Văn Lang: Nang Vlang = Cau Sọc

Bị các nhà nho cho ký hiệu Con trai xâm mình.

Cứ lật Nguyễn Văn Ngọc ra là học được hàng tá danh từ Mã Lai, Nhựt Bổn, Trung Mỹ.

Cô kia có tính dở hơi
Nấu cơm ra cháo, nấu khoai ra bù.

Chẳng ai biết BÙ là gì cả kể cả Tự điển Khai trí Tiến đức. Bù là cháo. Cháo là tiếng Tàu nó đã đẩy Bù ra khỏi Việt ngữ sau Mã Viện, nhưng Bù cứng đầu, di cư vào Trung và Nam dưới hình thức Bồi = Cháo đặt.

Mạ:

Churu:

Lào:

Kôhô:

Sơ Đăng :

Cao Miên:
BOBO
Nam Dương:
BÙBO
Nam Việt:
(CHÁO) BỒI


Nguyên nhơn làm mất ngôn ngữ chỉ xảy ra ở Bắc Việt dưới thời Lê Trịnh. Lưu dân đi Trung, đi Nam cứu vãn được khá nhiều danh từ mà GHE là một.

Có người đưa ra câu hỏi sau đây: "Tiếng ta vốn đa âm, nhưng đã bị chận đứng sau Mã Viện. Bây giờ có nên tái khởi hành cho nó đa âm trở lại hay không?”

Câu hỏi này, tưởng không nên đặt ra vì quyền lực ở trong tay dân chúng, chớ không ở trong tay ta. Nếu họ muốn thì họ cứ cho đa âm, bằng không, ta không làm sao mà bắt ép họ được.

Nhưng chủ trương sau đây thì nên chận đứng: Bỏ gạch nối liền, viết dính các danh, động, tĩnh từ kép lại.

Ta nên chận đứng nó vì nó sẽ làm cho ta bối rối lắm, không còn biết đầu đuôi ra sao nữa, trong vài chục năm tới, cái hoạ mà hiện Nhựt đang mắc phải.

Ta thấy, mặc dù có những danh từ viết dài, người Nam Dương không bao giờ viết dính các danh từ ngắn của họ. Thí dụ: XÀO XẠC thì cứ là SOK-SEK; CHUA MẶN thì cứ là Asam Asin, để còn biết ngữ căn ở đâu. Họ làm y hệt như Tây, dùng tiếp đầu ngữ, tiếp vĩ ngữ, nhưng chỉ có vài cái như Pháp. Thí dụ Pháp có tiếp vĩ ngữ ABLE chỉ sự có thể được thì Nam Dương có AN, dùng hoài hoài, trong mọi trường hợp:

Makan
= Ăn
Makan + an
= Ăn được


Thế nên nhìn vào một từ dài là họ biết ngữ căn ra sao rồi.

Nhật Bổn thì trái lại, làm hệt như đề nghị của Việt Nam trên kia, nên giờ có lắm tiếng dài họ quên mất nghĩa của các phần tử hợp thành.

Thí dụ trong Nhựt ngữ, cần lấy động từ Makan mới xong. Nhựt đã đánh mất động từ ấy của họ, chỉ còn giữ được trong môi trường hợp độc nhất là MAKAN - AI có nghĩa là THỰC PHẨM. Nhưng AI lại không phải dùng hoài hoài để chỉ phẩm chất, thành thử nhìn vào MAKANAI họ không biết nó do đâu mà ra nữa. Đó là hai từ Makan và Ai bị viết dính, và khi quên nghĩa của một, thì chẳng biết nghĩa của từ khác.

Trường hợp điển hình là hiện họ đang bí về phần tử KI trong KIMONO, y hệt Việt Nam bí về BÚA trong CHỢ BÚA, và Nam Dương bí về MÚA trong con CHIM MÚA.

Họ biết MONO là MÓN, nên họ dịch ra tiếng Tàu là Vật. Thế thì KIMONO là hai từ rời được viết dính, nhưng không theo luật nào cả nên họ quên mất KI là gì, và dịch càn là MẶC. MÓN MẶC thì rất ổn, nhưng đó là dịch vì đoán hiểu chớ không phải vì biết, vì ở các chữ KI rời, không hề có chữ KI nào được dịch là MẶC hết vì cái lẽ dễ hiểu rằng KI không bao giờ có nghĩa là MẶC trong Nhựt ngữ.

Nghiên cứu ngôn ngữ của Lạc bộ Trãi xong, ta mới biết KI là gì. Tất cả âm AI của Lạc bộ Trãi đều biến thành âm I của Nhựt:

Cây
= Ki
Trái
= Ki


Vậy KI trong KIMONO, chỉ có thể là Cài (nút)

Tại sao lại là Món Cài (nút)? Ai biết đâu! Có lẽ trước khi KIMONO được phát minh, loại áo xa xưa hơn được cột bằng dây chăng?

Đó là chúng tôi đoán hiểu vì thấy từ điển Nhựt bối rối vì quên nghĩa của KI. Những chữ KI rời không bao giờ được dịch ra tiếng Tàu là TRƯỚC tức MẶC, thế mà thình lình KI trong KIMONO được dịch là Trước Vật = Món mặc thì hơi khó chấp nhận.


Phụ chú

Chủng Mã Lai có tĩnh từ thứ hai để chỉ sự chua mà vài học giả Việt Nam cứ cho là mượn của Tàu. Nhưng TSÚA của Quan Thoại chỉ là Giấm, CHUA của họ là TOAN mà họ đọc là XỐL hoàn toàn không dính líu tới CHUA của Mã Lai:

Việt Nam:
CHUA
Nam Dương:
CHUKA
Sơ Đăng:
CHÔU
Cao Miên:
MÔCHU
Nhựt Bổn:
SUI


Nhựt đã mượn TSÚA của Quan Thoại và đọc là SU = Giấm, mượn XÔL và đọc là SAN = Chua, nhưng SUI là tĩnh từ Mã Lai mà họ còn giữ được.


Chương III - Những đảo âm nội bộ trong chủng Mã Lai

Chương này vẫn cứ nghiên cứu về ngôn ngữ, nhưng nó sẽ đưa ta về dân tộc học, và chúng tôi phải điên đầu với những nhận xét sau đây, không còn biết kết luận ra sao cho ổn, nên chỉ giải thích theo chủ quan và đợi người khác rút tỉa ra từ đó những kết luận về chủng tộc học cần thiết.

I – Những âm AU của Nhật Bổn đều biến thành âm UA của Việt Nam, và ngược lại:

Nhựt
Việt


IRAU
RỬA
MAU
MÚA
KAU
MUA
NAO
NỮA
NIAO
VỪA (VẶN)


Không phải luôn luôn biến như vậy thí dụ CÂY SÀO thì cứ là SAO, nhưng thường biến như vậy và hễ có biến là theo cái luật trên. Luật đó, đúng cho tất cả các nhóm Mã Lai khác đối với Việt Nam, chớ không phải chỉ đúng cho Nhựt Bổn. Thí dụ:

Sơ Đăng
Việt


BÁU
LÚA
RAU
RỪA (DỪA)
CHÔU
CHUA

Mạ và các phụ chi
Việt


LAU
DỪA
RAU
RỬA
KA LAUUA
CÁ LẤU (CHẠCH LẤU)


Nhưng kì lạ thay, đối với Nam Dương thì ta không có biến, mặc dầu người Thượng là Lạc bộ Trãi, tức thẳng dòng với ta hơn, còn Nam Dương là Lạc bộ Mã, tức không thẳng dòng.

Nam Dương
Việt


KURA
RÙA
SUA
(ĐỒNG) THOÀ
PUA
THOẢ
SUAI
THÓI


Nhìn vào các bảng đối chiếu trên, ta thấy Nhựt giống hệt Thượng Việt.

Thượng Việt:
KI
(CÂY)
Nhật Bổn:
KI
(CÂY)

Mạ:
RAU
(RỬA)
Nhựt Bổn:
ARAU
(RỬA)

Khả Lá Vàng:
KITA
(HƯỚNG BẮC)
Nhựt Bổn:
KITA
(HƯỚNG BẮC)


Thoạt nhìn, có người sẽ cho rằng không có gì là lạ, trừ Rađê và Giarai, còn thì toàn thể Thượng Việt đều là Lạc bộ Trãi hết vì toàn thể nói CHƠN, Rađê, Giarai và Chàm nói CẲNG. Còn ở Nhựt thì là MÃ Lai hỗn hợp Trãi + Mã y hệt như ở lưu vực Hồng Hà. Thế thì Nhựt có giống Thượng Việt là chuyện dĩ nhiên.

Nhưng không dĩ nhiên chút nào hết vì ta là Lạc bộ Trãi đa số thế mà lại khác Thượng Việt và giống Lạc bộ Mã là Nam Dương.

Về danh từ thì ta giống Thượng Việt hơn, nhưng về âm AU thì như thế đó. Đây là một cuộc đi sâu vào môn đối chiếu ngôn ngữ, chớ nếu chỉ dừng chân tại các cuộc đối chiếu phớt qua, không thể thấy được chi tiết này.

Chúng tôi thử giải thích, nhưng không lấy gì làm chắc thật chắc đến một trăm phần trăm. Trước khi di cư đi Nam Dương một nhóm Lạc bộ Mã rất lớn đã sống chung với ta tại lưu vực Hồng Hà, mà không có lên Cao Nguyên. Họ còn để lại hậu duệ là người Mường.

Ta chịu ảnh hưởng của họ về sự đảo âm AU thành UA, còn người Thượng vốn Lạc bộ Trãi như ta thì lại thoát.

Thí dụ Cây Dừa thì trước khi bọn Lạc bộ Trãi đến ta vẫn gọi là DAU y như Thượng Việt, Lúa, ta gọi là LÁU, RỬA ta gọi là RẢU v.v.

Không thể nói là họ chịu ảnh hưởng của ta vì chỉ có một nhóm là có ở lưu vực sông Hồng Hà, mà toàn thể Nam Dương, Mã Lai Á, Phi Luật Tân đều nói giống nhau về điểm đó. Nếu họ chịu ảnh hưởng của ta thì cái khối kể trên không thể giống nhau như thế được, bởi đa số không chịu ảnh hưởng, còn kẻ chịu ảnh hưởng thì lại quá ít.

Nhưng giải thích như vậy xong rồi, tạm ổn rồi thì vấp phải điều này là Nhựt không biến luôn luôn như vậy mà chỉ biến có nửa chừng thôi. Thí dụ:

Nhựt
Việt


Sitxuua (Setsewa)
Tích xưa


Nói một cách khác, ta chịu ảnh hưởng của Lạc bộ Mã nhưng chỉ chịu có nửa chừng, còn một phần thì cứ giống Lạc bộ Trãi vì Xưa là danh từ của Lạc bộ Trãi chắc một trăm phần trăm, mà Lạc bộ Mã không có.

(Cả hai Việt và Nhựt đều mượn TÍCH của Tàu. Ở Nhựt bọn Lạc bộ Trãi đã thua trận và bị Lạc bộ Mã lãnh đạo từ hai ngàn năm nay, khác hẳn ở Việt Nam là vua Hùng cứ vững ngôi.)

Nhựt có hai danh từ để chỉ hai văn thể thì đều là danh từ của Lạc bộ Trãi:

Tích xưa = Sitxuua (Setsewa)
Món xưa = Xuuamônô (Sewa mono)

Văn thể thứ nhứt chỉ chuyện cổ tích, còn văn thể thứ hai là một loại kịch chuyên diễn tuồng phong tục.

Quả xưa kia bọn Lạc bộ Trãi đã dùng XUUA để chỉ phong tục nữa, chớ không phải chỉ chỏ chuyện cổ không mà thôi, có lẽ đó là nghĩa rộng của CỔ. Người Sơ Đăng còn giữ được danh từ XUUA có nghĩa là Phong Tục dưới hình thức XRUA.

Hai danh từ đó, cho thấy vai trò văn hoá của Lạc bộ Trãi ở Nhựt rất lớn lao, thành thử âm UA không lấn âm AU được trong toàn thể Nhựt ngữ.

Có hơi kỳ khôi là ở Việt Nam Lạc Mã đã chịu thần phục vua Hùng Vương thuộc Lạc Trãi, nhưng Lạc Trãi lại bị truyền nhiễm âm đọc.

Chúng tôi giải thích như vậy, nhưng không dám tin cho lắm là đã giải thích đúng. Có cái gì trục trặc trong vấn đề dân tộc vì vấn đề đảo âm UA này, rất khó mà truy ra manh mối, nó không được xuôi chèo mát mái là Trãi Việt Nam lại giống Mã mà khác Trãi Thượng.

Có thế nào mà các đời vua Hùng Vương, sau là bọn Mã chăng, vì Trãi đã bị tràn ngập khi Mã đến quá đông, y hệt như ở Nhựt Bổn? Truyền thuyết Mường không nói gì hết về một cuộc đảo chánh, cướp ngôi nào cả, nhưng sự đảo lộn của âm UA lại bắt ta nghĩ rằng Trãi Việt Nam đã bị tràn ngập.

Đây là Chương ngắn nhứt của quyển sách, nhưng nó sẽ mở ra một đám đất mênh mông cho những người khác nhiều khả năng hơn khai thác, tìm tòi để biết có sự dời đổi vai trò lãnh đạo dưới các đời Hùng Vương hay không?

Tưởng cũng nên nói rõ một lần nữa về cách phân biệt hai thứ Lạc ở địa bàn Mã Lai. Danh từ riêng của hai thứ Lạc đó, rất dễ biết, nhưng con người của họ thì không, vì Mã Lai thì giống nhau hết thảy, và vì có nhóm Lạc bộ Trãi chịu ảnh hưởng nặng nề của Lạc bộ Mã, khiến ta lẫn lộn hai thứ với nhau.

Trên miền Thượng có nhiều chi nhóm như Churu, Roglai, Lào, vừa dùng danh từ của Chàm (Lạc bộ Mã), vừa dùng danh từ của Lạc bộ Trãi, tức giống Việt Nam hơn.

Đó là các nhóm ở gần Ninh Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, họ có chịu ảnh hưởng của Chàm.

Rất khó lòng mà biết họ thuộc Lạc Mã hay Lạc Trãi vì nếu nhìn kỹ vào ngôn ngữ của họ, ta thường thấy số danh từ của hai nhóm Mã và Trãi đồng số lượng với nhau.

Chúng tôi có thử dựa vào danh từ dùng làm căn bản, nhưng không chắc gì hết.

Người Churu gọi lúa là Pơđai, tức đó là tiếng Chàm đọc sai chút ít. Nhưng đồng thời họ cũng gọi lúa là KUÊ, hình thức đầu của danh từ LÚA của nhóm Trãi.

Họ dùng RƠGƠI là hình thức đầu tiên của GIỎI của bộ Trãi, nhưng CON thì gọi là ANA, tức tiếng Chàm đọc sai.

Họ là Trãi nhưng được Chàm khai hoá.

Theo chúng tôi thì chế độ hôn nhân là bằng chứng vững chắc hơn cả. Hiện trên thế giới, không có nhóm Lạc bộ Trãi nào còn theo mẫu hệ hết thì tình trạng dân Cao Nguyên chắc cũng thế.

Vậy đối với những nhóm chắc một phần trăm là Trãi, như Sơ Đăng, Ba Na, Mạ, thì không có vấn đề. Các nhóm chắc một trăm phần trăm là Mã như Rađê và Giarai, cũng không có vấn đề.

Đối với các nhóm khác, ta cứ dựa vào chế độ hôn nhân của họ là ăn chắc, chớ không dựa vào ngôn ngữ một cách đơn phương được. Tuy Mã và Trãi có đến 40% danh từ chung, nhưng vẫn khác nhau, mà sự khác nhau ấy cần được biết và yếu tố giúp ta biết chắc là yếu tố độc nhứt: hôn nhân.

Nhưng cũng không nên biết điều này là nhân loại phải mất ít lắm là một ngàn năm mới bước sang từ mẫu hệ đến phụ hệ được, chớ không phải đầu hôm sớm mai mà xong việc. Nhưng ở Việt Nam thì ba nhóm Mã lớn là Chàm, Giarai và Rađê không có dấu hiệu muốn bước sang phụ hệ.

Vậy chỉ có dấu hiệu đó là đủ chứng tích họ là Trãi rồi, chớ không cần đợi thấy họ theo phụ hệ hẳn. Thí dụ tục đi ở nhà vợ một thời gian rồi mới về nhà mình là tang tích mẫu hệ mà cũng là dấu hiệu đang bước sang phụ hệ của vài nhóm Trãi chậm tiến.

Các ông Tây thường cứ bằng vào số lượng danh từ để cho nhóm này thuộc vào nhóm nọ thì không đúng.

Chúng tôi tìm khắp Đ. N. Á. lục địa và Đ.N.Á hải dương mà chỉ gặp có hai nơi độc nhứt có động từ HÔN là động từ riêng của Lạc bộ Trãi. Động từ này chỉ có mặt ở Nhựt Bổn, dưới hình thức HOOZURI và ở đảo Marquises, dưới hình thức HÔNGHI: nhưng Nhựt Bổn có, không đáng ngạc nhiên vì ở Nhựt, Trãi và Mã đồng số dân với nhau. Sự kiện Đa Đảo có, mới là lạ. Đa Đảo còn theo mẫu hệ toàn loạt, không có đảo nào bước sang phụ hệ hết. Thế thì họ là Mã. Nhưng lại có HÔN ở quần đảo Marquises.

Điều này chứng tỏ rằng tiền sử học làm việc thiếu sót. Lạc bộ Trãi có đi xa khỏi Nam Dương, chớ không phải là chỉ có ghé tại đảo Célèbes không mà thôi. Trái lại đảo Célèbes là địa bàn của Lạc bộ Trãi, thế mà dân ở đó không có động từ HÔN, vì rồi về sau họ bị Nam Dương lấn át và chịu ảnh hưởng rất nặng của Lạc bộ Mã.

Thế nên trong việc học ngôn ngữ, chúng tôi phải học quá xa, học tận đảo Pâques ở cực Nam Mỹ vì ở đó có vài danh từ Việt Nam. Vài dân Tộc Sơ Đăng, có mặt tại Đa Đảo.

(động từ của Nam Dương là CHIUM, có thể nối kết với HÔN, nhưng chúng tôi chỉ tìm được có một cái khoen độc nhứt ở miền Nam nước việt là HUN, phát âm với chữ U, trong khi phải có hai ba chục cái khoen, thành thử chúng tôi không thể CHIUM được).


Chương IV - Nguyên nhân mất mát âm D và GI của miền Bắc

Một người Bắc Việt mới vào Nam, không thể nào phát âm được hai âm D và Gi giống người Nam cả, chỉ dẫn thế nào họ cũng thất bại. Đó là người khác chỉ dẫn, còn chúng tôi chỉ dẫn thì họ có thể đọc ngay tức khắc. Thí dụ DA THỊT, thay vì viết như vậy, tôi viết là YA THỊT và chỉ dẫn rằng phải qua hai giai đoạn:
  1. Tách rời Y và A
  2. Nhập lại thật nhanh.

Thế là họ thành công liền. Chỉ tốn có hai phút.

Sự kiện ấy chứng tỏ nhiều điều kì lạ lắm. Là lưỡi của hai miền không có khác nhau chút nào hết và họ vẫn phát âm được y hệt như Trung, Nam và bất kì nhóm Mã Lai nào, và cả Trung Hoa cũng phát âm được.

Nhiều người hay đổ thừa cho sự lai Trung Hoa, nhưng chúng tôi nghe Trung Hoa nói mỗi ngày hai tiếng XÌ DẦU cả chục bận. Họ vẫn phát âm được chữ D thì thủ phạm không phải là người Tàu.

Đồng bào miền Bắc đọc được, như bất kì ai, nhưng phải qua một thời kì tập sự, ngắn hay dài tuỳ người chỉ dẫn, thí dụ với tôi thì chỉ tốn có hai phút, còn người khác có khi chỉ dẫn hai ba năm, họ đọc cũng không được.

Thế nghĩa là khi xưa, có một thời họ đọc được, nhưng họ đã đánh mất khả năng của họ chăng? Không.

Thế giới không có chữ D của Nam Kì. Đó sáng tác riêng của các cố đạo. Thế nghĩa là loài người không có âm D. Vậy viết ra chữ D rồi bắt thiên hạ phải đọc chữ đầu đó như Nam Kì thì làm thế nào mà người miền Bắc đọc cho được. Họ đã nỗ lực đến mức tối đa, nhưng nó chỉ hoá ra Dz mà thôi.

Trong ngôn ngữ những gì nhân tạo và cưỡng ép thì không xong. Nếu phải cải cách quốc ngữ thì công việc cần làm trước nhứt là bỏ chữ D.

Ở khắp các địa bàn Mã Lai, ngày nay các nhà ngữ học đã dùng chữ Y để kí hiệu cái âm mà các cố đạo đã ký bằng D và họ thành công 100%.

Thế thì cái lưỡi của đồng bào miền Bắc không có bịnh tật gì cả, tại kí hiệu sai không giúp họ đọc được âm ấy.

Nhưng ta nên tự đặt câu hỏi. Trước khi chữ Quốc ngữ được các cố đạo chế ra, đồng bào miền Bắc phát âm chữ D ra sao? Có phải là Dz như ngày nay hay không?

Đã bảo nhân loại không có âm D thì họ không bao giờ có dịp phát âm D mà nghĩ rằng họ đã phát âm đúng hay sai. Ngày nay họ phát âm là Dz thì chỉ là một nỗ lực đặc biệt (nhưng không thành công) để diễn tả chữ D nhân tạo đó.

Có một âm gần gần như thế, đó là âm Y, và họ đã phát âm được, nay thì thế xưa chắc cũng thế, trước khi ngoại nhân đưa vào một kí hiệu kém khả năng miêu tả là D.

Sự miêu tả văn phạm và giọng đọc rất là quan trọng và ngày nay tất cả các nhà ngôn ngữ học thế giới đều chú tâm vào đó.

Nhưng đừng tưởng là các cố dốt. Về phương diện Phonème thì Y chỉ có giá trị bằng phân nửa I. Đó là một bán nguyên âm (Semi – voyelle). Nhưng dân ta phát âm DA rất mạnh ở D, thành thử các cố thấy là Y không ổn nên mới phát minh D mà cả thế giới đều không có. Nhưng các cố phát minh GI thì quả thật là dị kì. Hồi tiền chiến ở Hà Nội người ta đã cãi nhau ầm ĩ về chữ DÒNG và GIÒNG. Sở dĩ có cãi nhau là tại hai chữ đó đọc như nhau. Thế thì GI thậm vô ích.

Sự bối rối của các cố trước Y đọc thật mạnh của ta do ta có âm IA trong chữ KIA. Người Chàm không có âm IA nên họ viết IA cho Chàm và Chàm đọc thật đúng là D như Nam Kì, vì I mạnh lắm. Các cố không làm như vậy được cho Việt vì sợ IA (DA) lẫn lộn với IA ( KIA), nên đành phát minh D kém khả năng miêu tả.

Nhưng nếu các cố cứ dùng Y như các nhà ngữ học Âu Mỹ đã dùng cho Nam Dương và Thái Lan , rồi đưa ra ước lệ này là Y có đầy đủ giá trị như I, tức đọc mạnh được, thì đã không xảy ra rắc rối nào hết.

Ở Nam Dương và Thái Lan, người công dân cũng phát âm rất mạnh ở DA vì họ cũng là Mã Lai như ta, nhưng khi dùng ký hiệu Y thì các nhà ngữ học đã đưa ra ước lệ đó, nên không có gì trục trặc cả.

Kết luận, miền Bắc không bao giờ mất âm D vì không bao giờ có âm D mà họ chỉ có âm Y đọc mạnh như I.

Vậy nếu có cải cách ta sẽ cải cách với ước lệ như ở Nam Dương và Thái Lan, tức bất kể luật quốc tế, cho phép đọc Y thật mạnh như I.

Nghiên cứu ngôn ngữ của toàn khối Mã Lai, chúng tôi lại nhận thấy điều nầy là Mã Lai không có âm V, hoặc rất hiếm có. Nhưng Việt Nam thì rất giàu V. Tại sao Mã Lai lưu vực Hồng Hà lại làm khác?

Đó là một cải cách lớn có mục đích hẳn hoi, xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm. Muốn biết mục đích của cuộc cải cách cổ thời ấy, ta cần biết thêm đặc điểm nữa của ngôn ngữ Mã Lai. Đại khối Mã Lai lạm phát nguyên âm. Đôi khi có đến năm nguyên âm dính liền với nhau.

Thí dụ ĐÙA của Nam Dương là TAUÙA, còn ĐÙA của Nhựt Bổn là: Tauuamurê, tức cũng có bốn nguyên âm, AUUA dính nhau y hệt như Nam Dương, chỉ khác có cái đuôi MURÊ.

Danh từ CON DIỀU của Thái còn kinh khủng hơn nữa. Nó là HYIAOU tức chứa đến 5 nguyên âm dính liền nhau, THỪA MỨA của Nam Dương là MIỨUA.

Những danh từ ấy, có tánh cách đa âm. Khi ta độc âm hoá ngôn ngữ ta sau Mã Viện thì dĩ nhiên ta phải thu ngắn những danh từ đó, bằng cách phát âm V để thay cho hai, ba nguyên âm, hoặc nuốt mất một số nguyên âm.

Các dân của tộc khác không độc âm hoá thì cứ tiếp tục đọc dài cho tới thế kỷ 19, các nhà ngữ học Âu Mỹ cho họ mượn W thì giải quyết được sự kì dị khi ký hiệu bằng La Tinh. TAUUA của Nam Dương biến thành TAWA TAUUAMURÊ của Nhựt biến thành TAWAUMRÊ.

Chủng Mã Lai lại cũng không có dấu ngã bao giờ và người ta lại tự hỏi lưu vực Hồng Hà đã sáng tác dấu ngã làm gì cho rắc rối đến thế.

Những gì chúng tôi viết ra dưới đây là chỉ viết riêng cho các nhà nghiên cứu và xin báo trước rằng chúng tôi không bảo đảm một phần trăm nào hết cho chủ trương dưới đây, chính vì ông bạn Trung Hoa đã dạy chúng tôi học Quan thoại cũng chỉ tưởng thế thôi mà không dám chắc gì hết.

Chúng tôi đã chứng minh trong quyển sử, bằng một biểu đối chiếu rằng dân tộc ta đã học với thầy Hoa Bắc vào đời Hán, nên ta nói tiếng Tàu giống giọng Quan Thoại hơn là giống các giọng khác, mặc dầu ta có đọc sai Quan Thoại, vẫn còn cứ khá giống Quan Thoại.

Ông bạn Trung Hoa của chúng tôi vốn người Thất Mân đồng ý về điểm đó, nhưng có thêm ý kiến nầy là Quan Thoại ngày nay đã sai giọng Quan Thoại đời Hán, và người Tàu vừa trở về với Quan Thoại đời Hán mà ta gọi là Tân Âm nhưng nó vốn là Cựu Âm. Đó là Quan Thoại của khu tam giác mà chúng tôi đã nói đến trong quyển sử.

Cái Quan Thoại Tân Âm nhưng mà là Cựu Âm đó có dấu huyền rất là kỳ dị là hơi giống dấu ngã của Bắc Việt, tức xuống rồi lên, nhưng chỉ ít thôi, và rất khó nhận ra.

Chỉ có người Việt châu thổ Hồng Hà mới đủ thính tai để nhận diện được cái dấu huyền kỳ dị đó, còn cho đến cả người Tàu ở xa kinh đô cũng không nhận được, không đọc được.

Thế nên họ đã sáng tác dấu ngã để diễn tả cái dấu huyền đó mà trên thế giới chỉ có họ là nhận ra mà thôi. Nhưng họ lại đi quá lố, chớ thật ra thì cái dấu huyền Quan Thoại đời xưa, không có lên cao đến thế, vì vậy mà trừ Bắc Việt ra, trên thế giới không ai nhận ra được hết, kể cả người Tàu ở ngoài khu tam giác đó.

Ông bạn người Trung Hoa ấy đã đưa ra thí dụ cụ thể để minh chứng chủ quan của ông:

Quan thoại
Bắc Việt



Mã (ngựa)
Wùa
Vũ (mưa)
Dèl
Nguyễn (họ)
Luỳ
Lữ (họ)
Nài
Nãi (sữa)

MỸ


Chúng tôi chất vấn ông bạn Trung Hoa đó: “Nói thế thì tại sao những danh từ không do tiếng Tàu mà ra, cũng viết với dấu ngã?”

Ông bạn Trung Hoa nầy đã theo dõi chúng tôi khi chúng tôi viết sử, và đã biết tất cả những gì chúng tôi viết trong đó, nên ông bạn đáp ngay: “Đó là tại những danh từ ấy không phải là của Lạc bộ Trãi. Các anh đã vay mượn của các nhóm khác rồi quên mất chủ nhơn, cứ ngỡ là của Tàu”.

Thí dụ ẴM BỒNG, anh đã nói là do AMBING của Lạc bộ Mã mà ra (Nam Dương: Ambing = Ẵm bồng).

Chúng tôi cười hơi mỉa mai: “Có thế nào mà chúng tôi quên cả chủ nợ hay không?”

“Có. Thuở đó Trung Hoa là số dzách khiến ai cũng ngỡ cái gì cũng của Tàu mà ra cả. Anh có biết hiện nay (năm 1972) người Thái Lan gọi người Trung Hoa là gì không?”

“Không.”

“Họ gọi đồng bào của chúng tôi, kể cả cu li nữa là CHAOU JIN, tức là CHỦ NHƠN. Họ gọi theo đời Tần, mà họ bị đánh chiếm, rồi thì nó quen miệng đi. Các anh không có gọi Trung Hoa như vậy, nhưng hẳn các anh có phục Trung Hoa, khi Mã Viện bình định xong, và các anh bắt đầu an phận, theo học văn hoá Tàu.”

Chúng tôi lại chất vấn thêm, và ông bạn vẫn cứ trả lời xuôi rót:

“Tôi còn thắc mắc. Có những tiếng Tàu mang âm huyền rõ ràng thế sao Bắc Việt vẫn phát âm hỏi.”

“Hà, cái nầy dễ hiểu quá mà, tại các anh học với lính Quảng Đông, Phúc Kiến, tức bọn quân bổ túc cho đạo binh viễn chinh, mà người Quảng Đông, Phúc Kiến chỉ mới bị trị trước các anh không tới một trăm năm. Họ chỉ vừa bị Hoa hoá và cho tới ngày nay họ không nhận diện được cái dấu huyền đó, thế nên họ phát âm sai, tức với dấu hỏi.”

Ông bạn lại đưa ra thí dụ:

Quan thoại
Quảng Đông
Bắc Việt



Quò
Quỏ
Quả
Chường
Chưởng
Thưởng
Pèo
ẻo
Biểu


Chúng tôi xin lặp lại là chúng tôi không đảm bảo gì hết, và chúng tôi chỉ viết ra để các nhà học giả thạo hơn chúng tôi nghiên cứu thử, chớ chính chúng tôi cũng chẳng nhận diện được dấu huyền Quan Thoại đó, và chính kẻ dạy chúng tôi học cũng không đọc được cái dấu huyền hoặc đó.

Dầu sao sự kiện nầy cũng có và còn nguyên vẹn, là trong đại khối Mã Lai đông hơn 300 triệu, chỉ còn Bắc Việt là có dấu ngã, khiến ta phải nghĩ rằng họ mới sáng tác về sau, không biết để làm gì, còn gốc tổ thì không có.

Mặc dù không tin chủ trương trên đây, chúng tôi vẫn băn khoăn tự hỏi những luật hỏi ngã của văn phạm ta sao mà hơi kỳ kỳ, đại khái như thế này: khi mà các danh từ gốc Hán Việt mà bắt đầu bằng D, L, M v.v. thì phải viết với dấu ngã.

Ở đây, nguyên nhơn tại chữ D, chữ L, chữ M. Tại sao các chữ đó là nguyên nhơn được? Chủ trương của ông bạn Trung Hoa tuy không được chúng tôi tin, nhưng nguyên nhơn mà ông bạn ấy đưa ra có vẻ là nguyên nhơn thật sự, chớ còn chữ D, chữ L, chữ M làm thế nào lại là nguyên nhơn được.

Nếu chủ trương của ông bạn Trung Hoa nói trên mà sai, tưởng ta cũng cần tìm nguyên nhơn khác hơn là chữ D, chữ L, chữ M, nó không có vẻ gì là nguyên nhơn cả.
Nguồn: Bình Nguyên Lá»™c. Lá»™t trần Việt ngữ. Nguồn XÆ°a xuất bản. Sài Gòn 1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.