trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
2.5.2007
Bình Nguyên Lộc
Lột trần Việt ngữ
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13 
 
Chương V - Tài ba của Việt ngữ

Mẹ hát con khen hay thì chẳng được ai khen theo hết. Nhưng chúng tôi khen vì MẸ CHÚNG TA tài tình thật sự.

Nam Dương và Nhựt Bổn đã chế biến ra lắm trò, nào là Nam Dương gắn đầu gắn đuôi như Tây, Nhựt Bổn chia động từ như Tây, nhưng diễn tả không hơn Việt Nam chút nào hết mà lại còn kém hơn nhiều bực.

Các nhóm Mã Lai khác đều mắc nạn đồng âm dị nghĩa mà vô địch là Miền Dưới và Nhựt. Việt Nam cũng có danh từ đồng âm dị nghĩa, nhưng rất là ít, thí dụ Đồng (bằng), Đồng (thau), trong khi đó thì các dân tộc khác mỗi nhóm có hai ba chục tiếng đồng âm.

Ta cũng đã có như họ, vì tất cả đều là Mã Lai, nhưng ta đã uyển chuyển cho mất sự lạm phát đồng âm, còn họ không biết làm thế.

Đó là nguyên nhơn của các dấu sắc, huyền, hỏi, nặng của ta mà các nhóm khác rất hiếm có. Thí dụ GIÁ RẺ ở Nam Dương, thì rẻ chỉ là MURAH. Chữ H cuối chỉ có giá trị của 1/3 cái dấu hỏi hay dấu sắc của ta mà thôi, tức như là MURẢ, nhưng RẢ phải đọc thật nhẹ, chữ H được đọc nửa chừng thì người đọc đứt hơi thình lình.

Quý vị đã thấy ta biến PƠAKA thành BÓI CÁ một cách tài tình. Chúng tôi đếm được trong các tự điển Miền Dưới 40 chữ Tơrăng chẵn chòi, không thiếu một nét.

Việt Nam cứ sử dụng dấu sắc huyền hỏi nặng là dẹp tan hết:

Tơrăng = Trằn
Tơrăng = Trảng
Tơrăng = Trắng trợn
Tơrăng = Trong

Vân vân và vân vân…

Ta biến dạng mà không hề làm mất Phonème, làm mất nghĩa, và trái lại còn thêm nghĩa rất dồi dào. Xem người Mạ và ta biến dạng một từ ngữ Mã Lai thì thấy rõ là ta quá tài.

Con sulong= Filsainé, Elder

Người Mạ biến thành: KON TABÔNG. Phonème đã sai rồi, mà TABÔNG thì chẳng có nghĩa gì cả trong ngôn ngữ Mạ.

Việt Nam biến: CON ĐẦU LÒNG

Có tài tình chưa? Phonème còn nguyên vẹn, nhứt là trong CON SO và SỔ LÒNG, mà ĐẦU LÒNG cũng đầy ý nghĩa. Đó là một cuộc biến có cố ý, có ý thức vì hiểu nghĩa, chứ không phải là kẻ vay mượn, chỉ mượn âm, như Cao Miên đã biến Kayu Đoan Đâu thành So Đau.

Kẻ hiểu nghĩa để biến cho còn nghĩa là kẻ có danh từ đó, chớ không phải vay mượn.

Sự biến dạng của Tơrăng trong Việt ngữ, tuy hay về số lượng, nhưng không hay về phẩm chất vì ta chỉ bỏ dấu khác mà thôi, ngoài ra không có sửa đổi bao nhiêu. Nhưng sự biến dạng của một động từ, động từ CHẾT thì tài vượt bực.

Chủng Mã Lai có hai động từ chỉ ý niệm chết, mà Miền Dưới chỉ dùng có một là MATI.

Nam Dương:
Mati
Chàm Ninh Thuận:
Mưtai
Chàm Bình Tuy:
Htai
Thái:
Tai
Việt Nam:
Mất

Thái cũng biến nhưng biến một cách vô ích, và nếu không có cái khoen Chàm Bình Tuy, không làm sao mà nhận ra được TAI do MATI mà ra.

Nhưng Việt Nam biến có mục đích hẳn hòi, để xoá đồng âm U như với tĩnh từ Tơrăng.

Vậy Mati = mất.

Ta nuốt chữ I cuối. Thí dụ: Ông tôi mất năm ngoái.

Người Nam Dương cũng có ao nuôi cá và lũy tre quanh làng y như ở Bắc Việt, và họ gọi ao đó là:

Ao mati = Ao chết

Tại sao ao lại chết? Vì nước ao không được thay đổi tức đó là nước chết. Việt Nam không bằng lòng như thế và trong trường hợp này, ta không nuốt chữ I mà nuốt âm MA. Âm TI còn lại được biến thành ra là TÙ.

Ao mati = Ao tù

Xin lưu ý các nhà làm từ điển. Chữ Tù hồi cổ thời chỉ có nghĩa là (nước) Chết.

Đèn không cháy nữa, người Nam Dương gọi là:

Đian mati = Đèn chết

Tại sao chết? Vì ngọn lửa đã chết. Trong bài hát Au clair de la lune, của Pháp ta cũng thấy câu: Ma chandelle est morte, tức cây nến của tôi đã chết.

Việt Nam cũng chẳng bằng lòng vàa lần nầy ta biến âm TI thành TẮT.

Đian mati = Đèn tắt

Có tài tình chưa? Và cũng xin các nhà làm tự điển biết rằng vào cổ thời TẮT, chỉ có nghĩa là CHẾT. Hiện nay trong Việt ngữ, ta vẫn còn nói TẮT để chỉ ý niệm Chết. Thí dụ: “Ông tôi tắt nghỉ hôm qua”.

Sự tài tình ở đây, còn hơn cả trong từ ngữ CON ĐẦU LÒNG nữa. Và có hằng ngàn trường hợp biến tài tình như cái vụ Ti →Tù, Ti →Tắt.

Khi ta so tự điển Việt Nam với tụ điển các dân tộc khác gốc Mã Lai, ta thấy luôn luôn tự điển ta dày hơn tự điển họ quá nhiều, bởi họ chỉ định nghĩa có một chữ MATI còn ta thì phải định nghĩa cho ba chữ: MẤT, TÙ và TẮT.

Nhưng hủy bỏ đồng âm, tuy là tài, nhưng vẫn không tài bằng mỹ hoá như trường hợp CHIM BÓI CÁ đã cho thấy.

pơraka = Bắt cá→ Bói cá

BÓI CÁ đậm ý nghĩa hơn BẮT CÁ, nhưng không khác âm bao nhiêu. Thế thì không cần gì tiến tới đa âm như họ, ta vẫn diễn ý được nhiều hơn họ và nhứt là hay hơn họ.

Xem ra sự đa âm hoá không đem đến cái lợi nào đáng kể hết, và nếu không bị ảnh hưởng Trung Hoa chận đứng cái đà đa âm của ta, ta vẫn không hơn gì ngày nay đâu, bằng chứng là Nam Dương, mặc dầu đa âm hoá, vẫn kém hơn ta về sự phong phú của ngôn ngữ.

Khi mà ta sáng tác được chữ TÙ rồi thì nó đẻ ra một bầy con: TÙ TÚNG, TÙ HÃM, TÙ BINH, VÀO TÙ, Ở TÙ, NGỒI TÙ, TÙ MỌT GÔNG, TÙ RŨ XƯƠNG, TÙ TỘI, CƠM TÙ, CAI TÙ, RŨ TÙ, MÃN TÙ, BỎ TÙ, NHÀ TÙ, CHẾ ĐỘ LAO TÙ, VƯỢT TÙ, NƯỚC TÙ, TÙ TREO, TÙ Ở, TÙ ĐÀY, TÙ BIỆT XỨ, vân vân và vân vân.

Các người ham bắt ta làm nô lệ Trung Hoa, chắc cho rằng ĐÈN là do ĐĂNG của Tàu. Nhưng Tàu đọc ĐĂNG là TẨN, mà TẨN thì quá xa ĐÈN, không như ĐIAN của Nam Dương. Và tiền sử học đã nói rõ là Lạc bộ Mã, khi di cư không có chịu ảnh hưởng của Tàu.

Chúng tôi có hai chứng tích cho rằng ta không học của Tàu:

I - Tất cả đều dùng âm đầu Đ trong khi Tàu dùng T.

II - Nhưng chứng tích đó rất yếu. Các nhà khảo cổ đã tìm được một cây đèn La Mã tại Cao Miên, vì năm 17 OS.K La Mã có gởi sang Trung Hoa một đoàn trò xiếc, bọn ấy có đi ngang qua Cao Miên. Họ lại tìm được đèn đời Hán tại Trung Hoa. Đèn Trung Hoa và đèn La Mã xấu hơn đèn Đông Sơn nhiều lắm. Không lẽ thầy lại kém hơn trò?

Chính Nhật là đã học của Tàu vì họ nói là Tô. Tô do Tẩn mà ra chớ không do Đian được.

Con khen mẹ bấy nhiêu đó là vừa, mặc dầu còn hàng ngàn biến dạng tài tình và nhứt là có mục đích rõ rệt nữa. Khen nhiều quá người khác sẽ khó chịu, nhứt là những quốc gia có 30 chục danh từ đồng âm dị nghĩa, trong hàng trăm trường hợp, hàng trăm danh từ.


VI – Vua Hùng lãnh đạo bao nhiêu bộ lạc

Xin nói rõ lại về danh xưng. Chủng Mã Lai ở Viễn Đông chia thành hai chi. Chi Âu tức người Thái. Chi lạc là chi thứ nhì.

Chi lạc lại chia thành hai tiểu chi:

A) Austroasiatiques, chủ đất Hoa Bắc trước khi người Tàu xuất hiện. bọn nầy đã di cư đi Đại Hàn, Nhựt và Việt Nam cách đây năm ngàn năm, được Tàu gọi là Lạc bộ Trãi, chúng tôi gọi là Mã Lai đợt I trong quyển sử của chúng tôi. Nhưng ở đây chúng tôi gọi tắt họ là Trãi.

B) Austronésiens, chủ đất Hoa Nam trước khi người Tàu xuất hiện. Bọn nầy đã di cư đi Chàm, Phù Nam, Nam Dương, và lộn ngược lên Nhựt, được Tàu gọi là Lạc bộ Mã và chúng tôi gọi là Mã Lai đợt II. Nhưng ở đây chúng tôi gọi tắt họ là Mã.

Hai thứ Mã Lai ấy chỉ có những danh từ của con người cổ sơ là giống nhau thôi, như Tay, chơn, mặt, mắt, núi non, bông lá. Những sáng tác về sau, khác nhau hết.

Nhưng đặc biệt trong danh từ cổ sơ, đáng lý gì phải giống nhau hết, họ lại khác nhau ở CHƠN và CẲNG. Bọn Trãi nói CHƠN, bọn mã nói CẲNG.

Trong lãnh thổ Việt Nam hai nhóm ấy còn tồn tại:

Trãi
Việt Nam + thiểu số Mã Lai ở trọ Đa số Thượng Việt


Mường
Mường là Mã, khi xưa nói y hệt như Nam Dương, nhưng nay đã bị Trãi hoá và nói gần giống ta. Chàm, Phù Nam, Rađê, Giarai.

Có ba thứ người mà số phận giống hệt Mường đó là người Yêh, người Roglai và người Churu, họ là Trãi nhưng lại bị Mã hoá. Thuở xưa họ nói y hệt như Việt Nam, nhưng nay họ nói gần giống người Chàm vì nỗ lực đồng hoá của Chàm.

Ở Nhựt Bổn cũng có hai tiểu chi Lạc y hệt như ở Việt Nam, nhưng số lượng khác. Trãi Việt Nam do nhóm AĐÔUK của vua Hùng Vương lãnh đạo, còn Trãi Nhựt Bổn có lẽ do nhóm KHẢ TU lãnh đạo. Nhóm này hiện ở ngang Đà Nẵng phía trong Trường Sơn, nói khá giống người Nhựt về các danh từ Trãi. Còn danh từ Mã ở Nhựt thì dĩ nhiên là giống Nam Dương, y hệt như ở Việt Nam.

Để chứng minh sự kiện đồng chủng, khoa học chê ngôn ngữ tỷ hiệu.

Nhưng nhờ khoa đó mà chúng tôi biết chắc vua Hùng Vương lãnh đạo tất cả bao nhiêu bộ lạc vào khoảng năm 500 trước Tây lịch, biết chắc 100% và biết tên cả các bộ lạc ấy nữa.

Trước hết chúng tôi đã dùng luật đối chiếu của M. Swadesh, ông ấy có lập ra nhiều cái luật, mà một rất quan trọng: Luật về số lượng danh từ cần phải đối chiếu.

Chúng tôi đã kiểm soát chặt chẽ luật đó và chúng tôi thấy nó đúng 100%. Theo M. Swadesh thì chỉ cần đối chiếu 200 danh từ mà thôi là đủ rồi.

Không phải là hai dân tộc phải giống nhau tất cả ở số lượng 200, mà đa số danh từ trong hai trăm mà giống nhau, là đồng chủng.

Một kết quả ngộ nghĩnh và hay ho, lòi ra sau cuộc kiểm soát của chúng tôi. M. Swadesh cho phép đối chiếu CON MẮT mà không cho phép đối chiếu CÁI MẶT. Nhà ngữ học lỗi lạc đó đã nghiên cứu và thí nhiệm rồi, chớ không phải nói liều.

Hiện có lối một trăm dân tộc gốc Mã Lai, tất cả đều còn giữ được danh từ CON MẮT giống nhau, còn CÁI MẶT thì có ba dân tộc đánh mất: Nhựt Bổn, Cao Miên, Nam Dương.

Nam Dương mượn MUKA của Phạn ngữ, Cao Miên và Nhựt cũng thế (vì Nhựt, bọn Mã đã từ Nam Dương đi ngược lên để nhập bọn và lãnh đạo bọn Trãi tại Phù Tang). Nhưng Nam Dương lấy nguyên vẹn MUKA còn Cao Miên chỉ lấy âm đầu là MUK, nhật chỉ lấy âm sau là KA rồi biến thành KAO.

Thế là luật Swadesh chặt chẽ đến bất ngờ. Họ cấm đối chiếu Cái Mặt, chúng tôi không nghe, cứ đối chiếu, mới lòi ra sự kiện không ăn rơ.

Vậy chúng tôi đã đối chiếu 200 từ Việt ngữ căn bản của Swadesh với ngôn ngữ của khắp Đông Nam Á, và chúng tôi tìm được trên 300 nhóm bộ Lạc Trãi. Những danh từ Việt mà nhóm này không có, thì nhóm khác có.

Thí dụ hai tĩnh từ THẤP và NGẮN thì chỉ có một nhóm độc nhất là có, đó là nhóm KUY. Thí dụ động từ TÊM (trầu) chỉ có một nhóm độc nhất là có đó là nhóm PACOH. Danh từ LỒI ỐI chỉ có một nhóm độc nhất là có, đó là nhóm Sơđăng.

Đây là tên của các nhóm đó ngày nay, ngày xưa chắc họ mang tên khác, vì có nhóm bị ngoại nhân đặt tên, chớ thực ra họ tự xưng khác, thí dụ nhóm Khả lá vàng là do người Lào đặt ra chớ họ tự xưng là ALAK.

Chúng tôi bắt đầu từ trên xuống, tức từ Hà Tịnh Quảng Bình đổ xuống, còn ở trên nữa thì không có Lạc bộ Trãi. Và chúng tôi bỏ các nhóm lai căng ra thí dụ nhóm Hơroy!

1. Khả lá vàng
19. Mnong
2. Bru
20. Gar
3. Pacóh
21. Xi Tiêng
4. Phương
22. Mạ
5. Tà ui
23. Lào
6. Khả Tu
24. Núp
7. Tà Kụa
25. Kâyông
8. Cụa
26. Srê
9. Jêh
27. Churu
10. Duan
28. Kôhô
11. Kayơng
29. Rôglai
12. HRÊ
30. Biat
13. Sơ Đăng
31. Tu Nong
14. Bà na
32. Kơ lua
15. Tơ dra
33. Mung Buk
16. Mơ nơm
34. Hrê
17. Ha lang
35. Cuti
18. Rơ lơm


Chúng tôi bỏ Rađê và Giarai ra vì họ, Chàm và Mường chỉ mới đến xứ ta 500 trước Tây lịch. Tiếng Việt có vay mượn của họ, nhưng những danh từ vay mựơn ấy không phải là căn bản.

Vậy vua Hùng Vương và khoảng năm 500 trước Tây lịch đã lãnh đạo 35 bộ lạc trên đây, và khi thống nhứt được rồi thì ta có Ngắn, có Thấp, có Têm trầu, có Lồi ối, mà bộ lạc nào không có đều phải học hết và tiếng Việt thành hình.

Không rõ Hùng Vương thuộc bộ lạc nào, nhưng ông vẫn phải thuộc 1 trong 35 bộ lạc đó. Chỉ có hai bộ lạc là có danh từ NẮNG nghen bà con, còn TÊM (trầu) thì chỉ độc một bộ lạc có mà thôi, đó là dân Pacóh, như đã nói.

Những điều chúng tôi nói ra trên đây không phải là suy luận như bạn Nguyễn Mạnh Côn đã nói mà có chứng tích hẳn hoi. Thí dụ nhóm Khả Tu chỉ có tĩnh từ ĐAU, tuyệt đối không biết các tĩnh từ khác của Việt Nam, còn nhóm Mạ thì chỉ có tĩnh từ xóc (Đau xóc hông), tuyệt đối không có tĩnh từ ĐAU.

Vua Hùng Vương thứ I thống nhứt các bộ lạc được rồi thì lấy của mỗi bộ lạc một tĩnh từ, nhờ vậy mà ta có Nhức, Đau, Tức, Rát, Xóc, Lói,… phong phú hơn bất kỳ nhóm Trãi nào khác, và tất cả các nhóm Trãi ở lưu vực Hồng Hà đều phải học với nhau, Việt ngữ thành hình và thống nhứt ngay từ thời Hùng Vương.

Chỉ có độc một nhóm Khả mới có động từ RAAN có nghĩa là RÁN SỨC, những bộ lạc khác nói GẮN vân vân… Về chữ Raan thì tự điển K.T.T.Đ viết đúng gốc tổ là RÁN (không G) còn dân chúng miền Bắc phát âm RÁNG có G là sai gốc tổ rồi vậy.

Sự lựa chọn danh từ để vay mượn thật là khó hiểu lý do. Người Khả Tu có đến 9 động từ ĐẺ khác nhau, nhưng ta không có lấy động từ nào của họ hết, mà lấy động từ đẻ của Mạ là dân chỉ có một động từ đẻ độc nhứt. Nhưng không nên hiểu rằng Mạ chính là bộ lạc của vua Hùng Vương, vì những danh từ khác ta không có lấy của Mạ, tức Mạ và ta chỉ giống nhau có mà thôi. Mỗi bộ lạc ấy chỉ giống ta có (không kể các danh từ chung như Mắt, Chim, Cây, Lá).

Thí dụ Thượng Việt có những danh từ sau đây để chỉ con cọp:

Klơa
Klá
Yau
Agôôt
Kan bơơi
Pahua
Kooq

Chắc chắn là ta lấy Kooq để biến thành CỌP. KOOQ là danh từ của người Khả Tu. Mà nó là danh từ trùng hợp với danh từ của bộ lạc của vua Hùng Vương chớ không phải Khả Tu là bộ lạc lãnh đạo.

Những danh từ nào mà ta chê không lấy, đều bị Nhựt Bổn lượm hết. Thí dụ người Khả Tu gọi con CHÓ là ANÚK là trùng với INÚ của Nhựt Bổn, người Khả lá vàng gọi CÂY là KI cũng trùng với Nhựt Bổn, không khác một nét.

Danh từ MANG là ĐÊM, được khắp Cao Nguyên dùng, nhưng ta chê, cũng được Trãi ở Nhựt trọng dụng và biến thành BAN.

Sự chọn lựa giữa ta và Nhựt không ăn khớp với nhau ở mỗi danh từ, thành thử Nhựt vừa giống ta, lại vừa giống đồng bào Thượng. Có thể nói hễ danh từ nào của Thượng Việt mà Nhựt dùng thì ta không, ta dùng thì Nhựt không, chỉ trừ 1 số nhỏ.

Theo tiết lộ của giáo sư đại học Nghiêm Thẩm thì Nhựt cũng đã biết sự kiện đó rồi và họ có thử đi Cao Nguyên, ghé thăm Giáo sư, nhưng chẳng hiểu họ có thành công trong việc đi tìm gốc tổ hay chăng?

Tỷ lệ 10/35 trên đây thoạt trông thì mâu thuẫn với lối trình bày của chúng tôi khi nãy là theo luật Swadesh, không bắt buộc phải giống nhau 100% mà đa số danh từ giống nhau, tức 55% là đủ rồi. Nhưng 10/35 thì thấp hơn 55%.

Ở đây lại cần giải thích rõ ràng minh bạch: 10/35 là số lượng danh từ đặc biệt mà bộ lạc lãnh đạo cần mượn thêm, như TÊM (trầu) chẳng hạn, còn 55% là số lượng danh từ thường mà tất cả đều phải giống nhau như Mắt, Nước, Lá. v.v

Về sự chọn lựa, ta chỉ có thể lấy lý trí mà suy ra chớ không thể biết chắc đựơc: khi nào một ý niệm cần được diễn ra bằng nhiều hình thức, như bị đau đớn, có nhiều lối đau khác nhau, thì vua Hùng Vương mới phải vay mượn lung tung nơi các bộ lạc mà ông lãnh đạo, còn khi nào một ý niệm chỉ cần diễn ra bằng một hình thức độc nhứt như Đẻ chẳng hạn thì không có vay. Như vậy thì Đẻ của Mạ chỉ ngẫu nhiên trùng với Đẻ của bộ lạc lãnh đạo, chớ không phải là bộ lạc ấy vay mượn Đẻ của Mạ.

Về sự kiện thứ nhì, ta cũng chỉ biết được qua một cuộc suy luận mà thôi. Vua Hùng Vương dĩ nhiên là có khuynh hướng bắt các bộ lạc khác dùng danh từ của bộ lạc ông. Nhưng ở trường hợp nầy thì ông không thể thành công, bởi nếu trong 36 bộ lạc, mà chỉ có 3, 4 bộ lạc trùng hợp với ông thì ông bị thiểu số, danh từ của đại đa số sẽ thắng. Thành thử những danh từ mà Văn Lang chánh thức hoá về sau, không phải luôn luôn là danh từ của bộ lạc vua Hùng, mà phải là danh từ của đa số.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đối chiếu tổng quát, chúng tôi thấy rằng bộ lạc đã thống nhứt các bộ lạc khác có ngôn ngữ tương đối giống nhứt với ngôn ngữ Khả lá vàng, mặc dầu vì trốn tránh trong rừng từ hơn hai ngàn năm nay, Khả Lá Vàng đã mất gần hết ngôn ngữ, không phong phú như Khả Tu chẳng hạn, nhưng những danh từ còn sót lại thì quá giống danh từ hiện kim của ta.

Nhưng xin cần nói rõ. Thí dụ CÁ thì chính Sơ Đăng giống ta 100% còn Khả lá vàng thì nói AKA, nhưng các danh từ khác thì Sơ Đăng lại không giống ta mà Khả Lá Vàng giống, tuy chỉ giống tương đối như CÁ và AKA, nhưng không khác hẳn như Sơ Đăng.

Sự ít giống, nhưng lại ít ở tất cả mọi danh từ là dây liên hệ mạnh hơn là giống nhiều, giống 100%, nhưng chỉ trong một số danh từ mà thôi. Ngoài Khả Lá Vàng, thì các bộ lạc khác như nhau, không bộ lạc nào hơn bộ lạc nào về sự giống ta.

Thời điểm năm 500 trước Tây lịch mà chúng tôi đưa ra không phải là thời điểm đúng hay khá đúng mà là thời điểm chắc chắn không có đệ tam nhân xen vào vì tiền sử học cho biết rằng chính năm đó là năm bọn Lạc bộ Mã đến nơi (tổ tiên của người Mường). Từ năm đó đổ lên thì cuộc thống nhứt của các bộ lạc Trãi xảy ra vào năm nào, chắc không bao giờ biết được hết vì con số 18 đời vua Hùng Vương không thể kiểm soát, mà con số về thời gian trị vì của một đời vua cũng không thể biết được, phương chi không phải thống nhứt xong rồi là có vua ngay đâu, mà có thể chỉ có tổng tù trưởng mà chưa có Hùng Vương thứ I, và tình trạng đó, có thể kéo dài 500 năm cũng được như thường.

Đôi khi có vua rồi, nhưng lại chưa thống nhứt được như trường hợp của người Giarai, họ có đến hai ông vua, Thủy Xá và Hoả Xá, thế mà họ chưa thống nhứt nổi Rađê đồng chi Mã với họ.

Nhưng thường thì thống nhứt rồi, mới có vua. Trường hợp Giarai là trường hợp đặc biệt.

Khi thống nhứt xong thì tên của các bộ lạc phải bị quên, không còn Pacóh, Bru, Khả Tu gì nữa hết ở lưu vực Hồng Hà mà chỉ còn có VRĂN NANG = Cau sọc và hằng ngàn năm sau Vrăn Nang mới bị biến thành Văn Lang. Nhưng Vrăn Nang là quốc hiệu hẳn hòi chớ không phải là tên của bộ lạc lãnh đạo. Bộ lạc ấy tên gì, ta sẽ thấy lát nữa đây.

Ta cũng không nên ngộ nhận về sự kiện sau đây là không phải chỉ có 35 dân tộc ấy là giống ta, mà ngôn ngữ Kha si của dân Naga ở Assam( Ấn Độ) cũng giống hệt ngôn ngữ thượng Việt, nhưng họ ở quá xa lưu vực Hồng Hà thì họ không thể được vua Hùng Vương thống nhứt, nên chúng tôi chỉ kể tên các dân ở Cao Nguyên, lào và Cao Miên mà thôi, vì những phần tử không được thống nhứt, có đi xa lắm cũng chỉ đi quanh đó, còn Khả Si tuy cũng là Trãi, nhưng họ định cư xa như thế tức họ Nam thiên từ Hoa Bắc do ngã hướng Tây, y như bọn lạc bộ Chuy, tức không có ghé lưu vực Hồng hà.

Con số 1960 tù trưởng mà truyền thuyết Mường nói đến không vì con số 35 trên đây mà sai, bởi mỗi bộ lạc có nhiều tù trưởng. Nhưng con số 15 bộ của truyền thuyết ta thì chắc chắn là sai. Bộ của truyền thuyết ta, cho dẫu có nghĩa là bộ lạc, hoặc tỉnh gì cũng không thấy còn dấu, mà dấu vết cổ thì phải còn, chúng tôi thấy như vậy khi kiểm soát về các việc khác.

Truyền thuyết của khách trọ lá Lạc bộ Mã đã xoá mất truyền thuyết của lạc bộ Trãi. Nhưng trên Cao nguyên hẳn là còn cái gì và chúng tôi mong đợi ở các nhà nghiên cứu khác, hiện họ đang làm việc tại Cao nguyên.

Chúng tôi nói có tất cả 35 bộ lạc, nhưng thật ra là 36, vì vua Hùng Vương thuộc một bộ lạc khác, có tên khác, và đông hơn cả, nên mới thống nhứt được các bộ lạc khác.

Vua Hùng Vương thuộc bộ lạc nào. Trong quyển sử của chúng tôi, chúng tôi đã tiết lộ rằng đa số đồng bào Thượng gọi ta là Mandi, bằng Phạn ngữ, vì chịu ảnh hưởng của Cao Miên và Chàm. Nhưng ở trên Kontum đổ lên Hà Tịnh thì họ lại gọi ta khác vì họ không có chịu ảnh hưởng của Chàm và Cao Miên và chúng tôi tin rằng họ goi theo thời Thượng cổ.

Từ người Khả Tu đến người Pacóh đến người Bru, ở trên địa bàn Sơ Đăng, đều gọi ta là dân AĐUỐK. chắc chắn là vua Hùng thuộc bộ lạc AĐUỐK, là bộ lạc đa số ở lưu vực Hồng Hà.

Ađuốk chẳng có nghĩa gì cả trong ngôn ngữ của bất cứ nhóm thượng nào. Có lẽ đó là danh tự xưng và phải có nghĩa trong bộ lạc Ađuốk, nhưng các bộ lạc khác không có danh từ đó nên họ không hiểu, trừ các bộ lạc bị thống nhứt thì hiểu, nhưng đó là một danh từ đã mất vì luật Swadesh.

Tuy nhiên tất cả các nhóm Trãi trên Cao Nguyên đều có truyền thuyết cho rằng họ và ta đồng gốc tổ.

Và xin đừng ngộ nhận ở điểm này. Trên 30 bộ lạc đó, không phải là các bộ lạc khác ly khai vì không khứng được với vua Hùng thống nhứt. Sự kiện lịch sử khác hẳn sự tưởng tượng của ta. Khi rời Hoa Bắc di cư đi Việt Nam thì mỗi nhóm chiếm một vùng ở các nơi mà Pháp gọi là Đông Pháp, nhưng đặc biệt ở lưu vực Hồng Hà thì có đủ mặt tất cả ácc bộ lạc vì hai lẽ:

a) Tất cả đều ghé lại đó.

b) Nhưng rồi họ thấy là đất quá chật cho tất cả, nên rồi mỗi nhóm mỗi có người tái khởi hành để đi nơi khác, vì vậy mà mới có đồng bào Thượng ở nơi khác.

Và xin cũng đừng hiểu lầm về điểm thứ nhì này. Là đồng chi lạc bộ Trãi với nhau, họ phải có danh từ chung với nhau hết thẩy, chỉ có những danh từ đặc biệt mới là khác và mới được vua Hùng vay mượn, chớ Cá, Nước, Mắt, Mũi, tay, Chơn đều nhu nhau. Thí dụ: RỬA thì tất cả đều nói là RAO, RÀO, ARAU, MARAU, IRAU .v.v…

Vua Hùng Vương lại thống nhứt ngôn ngữ hơi lạ lùng là lấy cả hai trạng từ của một nhóm để nhập làm một. Thí dụ nhóm Khả Tu có trạng từ Mak có nghĩa là MẶC KỆ, và trạng từ TAKÊ đồng nghĩa. Mak bị nhập với Takê để làm mặc kệ của Việt.

Tuy người Việt miền Bắc vẫn nói Mặc gọn lỏn, còn người Việt miền Nam vẫn nói KỆ gọn lỏn (hoặc THÂY KỆ. THÂY là trạng từ Phù Nam).

Thế nghĩa là MẶC KỆ chỉ mới có về sau này, chớ không phải vua Hùng Vương nhập lại, còn hồi xưa ta vẫn nói y hệt như Khả Tu là Mak và Takê chúng tôi chủ trương rằng tất cả dấu vết cổ thời đều còn đủ và trường hợp MẶC, KỆ và MẶC KỆ đã cho thấy rõ như vậy.

Việt ngữ thành hình đúng vào năm mà cuộc thống nhứt các bộ lạc đã hoàn thành, chớ trước đó thì chỉ có các phương ngữ Mã Lai, mà không hề có ngôn ngữ của bất kì quốc gia nào, vì các quốc gia Việt ở Hoa Nam cũng chỉ được thành lập đồng thời điểm với nước Văn Lang chớ cũng chẳng lâu đời hơn được.

Như đã nói, chúng tôi không biết cái thời điểm ấy, nhưng sớm lắm cũng chỉ một ngàn năm trước Tây lịch chớ không thể sớm hơn, bởi từ chiếc đá mài lưỡi rìu có tay cầm tiến lên phong kiến giai cấp, mất hai ngàn năm là vừa, không chậm cũng không mau.

Tuy nhiên, cái Mã Lai ngữ hay các phương ngữ Mã Lai trước đó, cũng vẫn là Việt ngữ phần nào rồi, bởi các danh từ chung của chủng tộc đã nằm sẵn trong đó rồi, kể cả vài yếu tố về văn phạm nữa.

Người Jeh nói:
Nó, anh là tôi
= Tôi là anh của nó (hơi ngược)
Người Mạ nói:
Tôi ăn cơm
= Tôi ăn cơm (xuôi)
Người Khả Tu nói:
Tôi nhắm mắt
= Tôi nhắm mắt (xuôi)

Thống nhứt xong rồi thì xuôi ngược gì phải một chiều hết thảy.

Nhưng đó chỉ là các phương ngữ của Lạc bộ Trãi, và Việt ngữ lạc bộ trãi.

Bọn Lạc bộ Mã chưa tới nơi mà Việt ngữ đã giàu 30 lần hơn mỗi bộ lạc trong 35 bộ lạc kể trên. Bọn Mã tới Việt thì Việt ngữ lại phong phú gấp đôi vì bọn ấy llại còn có nhiều danh từ riêng hơn các bộ lạc Trãi bởi họ đã lập quốc rồi ở Hoa Nam.

Đến năm 500 trước tây lịch thì bọn Lạc bộ Mã đến nơi và vua Hùng Vương lại vay mượn của bọn khách trọ ấy (tổ tiên của người Mường. Bấy giờ thì vua Hùng giống hệt như Nhựt Bổn ngày nay, là mỗi ý niệm có hai danh từ. Thí dụ như Nhựt lấy MASÉ của Nam Dương, (Mã) biến thành Mađa có nghĩa là NỮA, và lấy một trạng từ của một nhóm Trãi ở Nhựt để làm trạng từ NỮA thứ nhì của họ dưới hình thức NAO.

Chỉ phiền là không thể biết NAO và NỮA, tiếng nào chắc chắn đúng gốc tổ hơn, vì không thể theo dõi tất cả những danh từ thượng cổ được như chúng tôi đã theo dõi CÁ và TÔI.

Nhưng chúng tôi có cảm giác rằng NỮA đúng gốc tổ hơn vì đồng bào Thượng nói gần gần như thế, thí dụ người Sơ Đăng nói NẾÔ, giống Nữa của ta hơn là giống NAO của Nhựt. Tuy nhiên đó chỉ là một cảm giác, vì luật đa số không bao giờ được chúng tôi dùng để chứng minh cái gì hết.

Bọn Trãi ở Nhựt chắc không đồng số với bọn Trãi ở Việt Nam, và sự lựa chọn danh từ để thống nhứt cũng không giống nhau giữa dân Việt và dân Nhựt, nên Việt ngữ và Nhựt ngữ tuy có giống nhau, nhưng không phải là giống 100% được. Họ lại bị Trung Hoa tràn ngập nên họ mất danh từ nhiều hơn ta.

Một ngàn năm trăm năm sau đó, ta bắt đầu Nam tiến và gặp lại (dĩ nhiên là người Chàm, tổ tiên của người Mường), nhưng ta cũng gặp lại các nhóm Trãi mà 5000 năm về trước, không định cư ở lưu vực Hồng Hà, mà ở Trung Việt và Cao Nguyên. Ở Trung Việt họ đã bị người Chàm di cư đến, đánh đuổi họ lên Cao Nguyên để họ nhập bọn với Trãi nằm sẵn trên đó.

Hễ người Chàm lùi tới đâu thì ta lại gặp bọn Trãi xưa ở đó. Tới Quảng Trị, ta mới gặp lại người Bru, tới Huế mới gặp lại người Pacóh ở Asau, Alưới, tới Quảng Nam ta mới gặp lại người Khả Tu, và mãi cho đến năm 1623 ta mới gặp lại người Mạ đang làm chủ đất Đông Bắc Nam Kỳ, Cao Miên chỉ là chủ trên giấy tờ. Người Mạ là dân mà theo sử thì ta gặp lại sau cùng. Nhưng thật ra, dân mà ta gặp trễ nhứt là người Sơ Đăng và người Jêh. Ở Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bắc Bình Định, ta bị các thứ dân khác ngăn không cho ta liên lạc với Jêh và Sơ Đăng. Đó là dân Takua, Katua, CUA, vân vân… Những người Việt lái quế ở vùng đó, tiếng là nói mua quế Ngọc Lĩnh của người Sơ Đăng, nhưng thật ra thì họ chỉ được tới Trà Mi là đất của người Katua, Sơ Đăng bị vây tứ phía.

Vài năm trước khi Pháp xâm lăng ta, có một số người Việt bị bắt đạo, mạo hiểm chạy lên nơi này mà ngày nay là thị trấn Kontum. Nhưng nơi đó là đất của người Bà Na, và ta cứ bị các thứ dân khác ngăn ta với dân Sơ Đăng, vào năm 1840 ấy. đó là dân Rơngao, một thứ dân lai căng.

Ta (tức các cố đạo, chớ không phải thường dân) chỉ thật sự tiếp xúc được với người Sơ Đăng từ năm 1920 đến nay mà thôi.

Trong cuộc tái hợp này, đôi bên vẫn có học thêm với nhau, nhưng rất ít, vì ta đã văn minh lắm rồi, còn họ thì cũng đã đủ danh từ để dùng, còn có dư nữa là khác. Thí dụ ta học tên của một loại danh mộc Yêng Yêng của người Khả Tu ở Quảng Nam, tên của một loại danh mộc Cẩm Lai của người Mạ ở Biên Hòa.

Mỗi nhóm thượng học của ta được bao nhiêu danh từ trong lần tái hợp này, ta đều đếm được cả, nếu ta bỏ công ra học hỏi, không có vấn đề lẫn lộn thượng cổ, cổ và hiện kim được.

Nhiều danh từ, truy nguyên rất khó nhưng rồi cũng truy được. Thí dụ hiện nay người Mạ ở Lâm Đồng gọi chiếc xe môtô là Mayô. Chúng tôi tìm mãi mới hay rằng họ học với nông dân Biên Hoà thuở họ còn có mặt ở Biên Hòa. Nông dân Biên Hoà gọi xe đó là xe Máy Dầu. Máy Dầu biến thành Mayô được còn Môtô thì không.

Mạ là nhóm thượng mà ta có trao đổi ngôn ngữ nhiều nhất vì họ là nhóm thượng độc nhất ở đồng bằng, ít lắm cũng từ Mỹ Tho lên đến Biên Hoà và đã sống chung với ta ít nhất cũng 200 năm, họ chỉ rời khỏi Biên Hoà trên nửa thế kỉ nay thôi.

(Những nhóm Trãi khác như bà Na, Sơ Đăng, Khả Tu xưa cũng ở đồng bằng Trung Việt, nhưng bị Chàm đánh đuổi lên Cao Nguyên, còn Mạ thì không hề bị Phù Nam đánh đuổi vì Phù Nam quá kém và quá ít người. sử tàu chép rằng dân Phù Nam hỗn tạp về dòng giống là vì lẽ đó. Mạ được chấp nhận ở lại Nam Kì để làm công dân Phù Nam.

Chợt bọn lưỡng Hà đến nơi (chớ không phải Ấn Độ như sử Tây đã chép), lãnh đạo Phù Nam, lập ra một đế quốc lớn, nhưng Lưỡng Hà rất văn minh, cũng không đánh đuổi ai cả, mà để vậy hầu đồng hoá và thống nhứt Mạ.

Nhưng cấp lãnh đạo đó chưa hoàn thành sứ mạng thì đến thế kỉ thứ 6, bị Cao Miên diệt đi, người Mạ chỉ mới bị Phù Nam hoá nửa chừng thì lại bị Cao Miên hoá, nhưng cứ còn giữ đất. Mãi đến năm 1623, ta di cư vào Nam mà tổ chức tế nhị của ta làm bực mình họ, họ mới bỏ đất lần hồi cho ta, rút lần từ phái dưới lên Biên Hòa, và ngày nay thì họ chỉ còn có mặt lưa thưa ở Long Khánh, nhưng trung tâm thì ở Lâm Đồng.)

Họ là chủ đất nam Kì trước khi Phù Nam đến nơi (đồng lúc với Chàm tức 500 trước Tay lịch). Họ kém nên bị Phù Nam lãnh đạo. Phù Nam bị Cao Miên diệt quốc rồi thì họ bị Cao Miên lãnh đạo. Nhưng ta tổ chức quá chặt chẽ, không để lỏng lẻo như Cao Miên, nên họ khó chịu, rút lần lên Lâm Đồng hết và đến nay họ vẫn còn làm rẫy.

Một vài phụ chi quanh họ, định canh, nhưng chánh chi cử luân canh.

Danh từ của họ có len vào cả văn chương của miền Nam nữa, nhứt là trong ca dao, tục ngữ và họ dùng đến ba ngôn ngữ: Phù Nam, (Lạc bộ Mã) Cao Miên (Lạc bộ Chuy) và Lạc bộ Trãi của chính họ. Nhưng tất cả các danh từ của con người cổ sơ nơi họ đều là danh từ của Lạc bộ Trãi.

Ta phải thú nhận rằng ta kém người Chàm trong việc khai hoá đồng bào Thượng. Chàm là Lạc bộ Mã, thế mà họ làm thế nào mà ba nhóm Trãi và Churu, Rôglai và Jêh dùng đến 80 % danh từ của Lạc bộ Mã và định canh hẳn.

Người Mỹ tới đây rất trễ và khi họ nghiên cứu người Jêh họ kinh ngạc vô cùng vì người Jêh ở ngang Quảng Ngãi mà lại ăn nói hệt như người Nam Dương nên vài nhà ngữ học người Mỹ kết luận rằng Nam Dương đã di cư đến đó.

Người Mỹ không biết rằng hồi cổ thời, nơi đó khít vách với Chiêm Động là trung tâm văn hoá của Lâm Ấp rồi của Chiêm Thành. Họ cũng không biết rằng hồi đời xưa, người Chàm nói y hệt như Nam Dương. Họ lại cũng không biết rằng người Chàm không thể chối nhận có mandi ở cạnh kinh đô Indrapura được, thành thử họ chỉ còn một con đường độc nhứt là đồng hoá triệt để người quanh đó. Nhưng họ thất bại với người khít vách là người Takua và người Cua, nhưng lại thành công lớn với người Jêh ở trong xa, giáp ranh với Ai Lao. Họ nhờ đất của người Jêh để liên lạc với Chân Lạp vốn lập quốc ở Ai Lao hồi cổ thời, và chính vì thế mà Chàm ngữ lại mang hơi nhiều danh từ Cao Miên, khiến các ông Tây đời xưa đặt Chàm ngữ và Cao Miên ngữ vào một gia đình. Đó là một sai lầm to tát.

Bọn Lạc bộ Chuy Nam thiên cùng lúc với bọn Trãi, cách đây 5000 năm. Nhưng riêng Cao Miên thì không, mặc dù họ cũng là Lạc bộ Chuy. Bọn Nam thiên thượng cổ chỉ là người Munda rồi người Miến điện, tuy đồng gốc với Cao Miên, nhưng khác.

Ta biết được điều ấy nhờ quốc hiệu Cao Miên xưa là CHANH RA mà họ còn nhớ nghĩa là được Tàu phiên âm là Chơn Lạp. Chanh là người Tàu, trong ngôn ngữ Cao Miên. Còn ra thì người Pháp cho rằng là THẮNG. Chanh Ra là thắng Tàu.

Một sự kiện đáng ngạc nhiên ở Nhựt, bọn Mã lãnh đạo bọn Trãi. Thế mà danh từ Mã trong Nhựt ngữ lại bị biến nát hết, đến không nhìn nhau được nữa khi các nhà bác học Nhựt đối chiếu Mã ngữ và Nhựt ngữ.



NHỰT
Kaki
bị biến thành
Ashi = Cẳng
Masé

Mađa = Nữa
Siang

Asa = Buổi sáng
Muka

Kao = Mặt
Bôcốc

Boku = (cây) cối
Kiri

Hiđari = Bên trái

Nhưng danh từ của bọn thua trận, bị lãnh đạo là bọn Trãi thì lại được giữ gần gần như nguyên vẹn:

TRÃI

HỰT
Múa

Mau
May

Mai
Nữa

Nao
Irau, Rửa
rarr;
Arau
Anuk

Inú (chó)
Rui

Taruki
Cây

Ki
Tay



Vẫn là có biến, nhưng còn nhận diện với nhau được, như CÂY biến ra KI, chí như CỐI là BÔCỐC mà biến thành BÔKU thì khó lòng mà nhận bà con.

(Theo luật Swadesh, thì danh từ Ashi của Nhựt, chỉ mới có lối hai trăm năm thôi, vì danh từ KAKI còn nguyên vẹn trong Nhựt ngữ, và ở độc một trường hợp: Mizukaki = Cẳng nước = Cẳng có bẹ như cẳng vịt, cẳng ếch.

Kaki rụng đầu K vào năm 500 trước Tây lịch chẳng hạn, tức còn lại AKI, mãi cho tới năm 500 sau Tây lịch, đúng một ngàn năm, theo luật Swadesh, thì mọc khúc giữa S, hoá ra là ASKI.

Aski thọ suốt ngàn năm, tức cho tới năm 1500 sau Tây lịch ngang với Mạt Lê của ta thì lại mọc thêm khúc giữa H, sau khi rụng khúc giữa K. Sự mọc và rụng nầy đi song đôi với nhau trong vòng ba trăm năm, cho đến năm 1800, thì Ashi thành hình: ASKI → ASHI.

Mong các nhà bác học Nhựt tìm cổ văn của họ để kiểm soát xem lịch trình biến dạng Kaki → Ashi ra thế nào, có đúng như những bài toán mà chúng tôi đã vẽ phác ra theo luật Swadesh hay chăng.)

Lạc bộ Trãi (Bắc Việt) nói NA NÁ thì Lạc bộ Trãi Nhựt cứ còn được phép nói ANNA. Nhưng Lạc bộ Mã (Nam Dương) nói NANA = TRÁI DỨA, TRÁI THƠM, TRÁi KHÓM, thì tức thì Lạc bộ Mã (Nhựt) biến thành PAINAPPURU.

Nếu đó là vay mượn của Anh PINE- APPLE thì lại còn tệ hơn nữa vì cả hai nhóm Trãi và Mã ở Nhựt đều mất hết ngôn ngữ đợi tiếp xúc với người Anh mới gọi tên được loại trái đó.

Họ mượn danh từ Châu Âu một trăm lần nhiều hơn ta, cả trái chanh cũng bị gọi là RIMON tức LIMON, nhưng riêng về NANA của Nam Dương thì không chắc Nhựt mượn Pine-Apple vì chính Châu Âu đã mượn NANA để biến thành ANANAS thì không lẽ kẻ cho vay lại đi vay lại của con nợ, nên chúng tôi nghĩ rằng Painappuru là do gốc tổ NANA bị biến dạng bậy bạ. Khi họ dám biến KAKI → ASHI thì họ dám biến tất cả. KAMI là MÌNH, tiếng của thần tự xưng với loài người thế mà lại bị biến thành ÔNG THẦN thì họ dám biến tất cả ra tất cả, chỉ trừ danh từ của bọn thua trận thì được để yên, chẳng những thế, mọi ngành hoạt động văn hoá nghệ thuật đều dùng danh từ của bọn thua trận, đồ sứ là Sêtômônô = Món Lại Hộ, kịch phong tục thì SEWA- MONÊ tức MÓN XIƯƯA, mà XƯA của bọn Trãi có nghĩa là PHONG TỤC; truyện cổ tích là SETSEWA tức TÍCH XIƯƯA.

Ta có thể tưởng tượng rằng bọn Trãi ở Nhựt tuy thua trận các Thiên Hoàng, nhưng chỉ thua ở đường tơ kẽ tóc mà thôi, và kẻ lãnh đạo phải kính nể kẻ bị lãnh đạo đến mức không dám đụng tới danh từ của họ.

Hiện ngôn ngữ đó giải thích được sự kiện ở Nhựt hồi trung cổ, nội chiến xảy ra nhiều hơn ở nước ta bội phần.

Sử Nhựt hoàn toànk biết gì hết về nguyên nhơn dân tộc mà chỉ đưa ra các nguyên nhơn khác, bởi họ không biết rằng Nhựt vẫn có hai thứ Mã Lai y hệt như ở Việt Nam, và có hai thứ danh từ khác nhau, trừ những danh từ danh của con người Mã Lai nguyên thủy thì mới giống nhau được như HẠ, SAKANA, TÊ, KI.

Cũng nên biết rằng khi bọn Mã từ Nam Dương lên xâm lăng bọn Trãi, thì bọn Trãi đã văn minh cao rồi nhờ di dân Trung Hoa do hậu duệ Phù Tô đưa sang Nhựt trên hai trăm năm trước khi bọn Mã tới.

Có lẽ bọn Mã chỉ thắng nhờ lực lượng quân sự, và cũng chỉ lãnh đạo nhở lực lượng quân sự, còn văn hoá thì cứ do bọn Trãi nắm giữ.

Và bọn Trãi học tiếng Tàu không có thầy vì bọn Phù Tô gòm toàn nông dân và thợ, thế nên người Nhựt dùng tiếng Tàu quá kì cục. Thay vì vay mựơn danh từ CANH (ăn cơm của Tàu, như ta đã làm, họ lại sáng tác bằng cách nhập một tiếng Tàu là HẤP với một danh từ Trãi là MÓN. Nhưng họ lại đọc HẤP là SUI. Hoá ra CANH của Nhựt Bổn là SUIMÔNÔ.

Bọn Mã tới nơi, thắng trận, nhưng chẳng biết Ất Giáp gì hết cũng nói SUIMÔNÔ y hệt như bọn Trãi đã học nhảy dù, như vậy từ hai ngàn năm rồi.

Dưới đây là một nhận xét để giúp người Nhựt đi tìm bà con thật cật ruột. Về động từ Rửa thì hiện trong lãnh thổ Việt Nam, nó có mặt dưới các hình thức sau đây:

Việt Nam:
Rửa
Mạ:
Irau
Sơ Đăng:
Jíu
Sơ Đăng:

Khả Tu:
Arau

Nhựt nói là ARAU, không khác Khả Tu một nét. Khả Tu ở ngang Đà Nẵng về mặt vĩ tuyến nghen các Anata. Người Nhựt gọi con CHÓ là INÚ, người Khả Tu gọi là ANUK, người Nhựt gọi CHỊ là ANE, người Khả Tu gọi là Anô. Nhựt gọi màu vàng là KI, người Khả Tu gọi là RI. Chắc chắn là Khả Tu ở Nhựt đã lãnh đạo phe Trãi ở Nhựt vì nếu dân nào ở V.N cũng có Rửa, có Arau, thì chỉ có dân Khả Tu là có ANUK, ANÔ và RI.

Các nhà ngữ học Pháp làm việc cho Việt ngữ tiền chiến, đã có một chủ trương sai lầm như sau: “Vào thế kỷ X… thì Việt ngữ và Mường ngữ tách rời ra, Việt ngữ biến dạng, thay đổi nhiều, còn Mường ngữ thì không.”

Chủ trương trên đây có đúng hay không? Ta chưa vội đáp, chỉ biết là nó hàm một yếu tố sai, không được nói ra.

Chủ trương đó, làm cho ai cũng hiểu rằng Việt ngữ và Mường ngữ trước đó là một. Đó là một sai lầm. Sở dĩ có chủ trương ấy vì vào những năm mà các ông Tây nghiên cứu Việt ngữ, chưa ai biết người Mường là dân nào cả, và giới học giả chia làm hai phái, một phái cho rằng người Mường là ai không biết, phái khác cho rằng họ là người Việt 100%. Chính những nhà ngữ học nói trên thuộc vào nhóm sau, mà đại diện là ông H. Maspéro.

Nay chúng tôi dựa vào ngôn ngữ tỷ hiệu thì biết chắc rằng người Mường là Austronésien, tức Mã Lai đợt II, tức Lạc bộ Mã, thì Việt ngữ và Mường ngữ là hai chớ không phải một, về mặt dân tộc. Về chủng tộc, dĩ nhiên họ và ta là một.

Hai thứ Mã Lai đó chỉ giống nhau 40% về danh từ mà thôi. Đó là những danh từ căn bản của con người Mã Lai nguyên thỉ. Về sau, họ tách rời ra, sống ở hai địa bàn khác nhau là Hoa Bắc và Hoa Nam, nên họ sáng tác 60% còn lại, khác nhau hết.

Nhưng người Mường lại đặc biệt là đã tái hợp với ta vào năm 500 T.K theo tiền sử học cho biết, và họ định cư ở Bắc Việt với tư cách dân bổ sung, làm khách trọ, nên rồi họ phải học theo ta, vì thế mà rồi 60% của họ, sau đó, họ phải bỏ đi, và nói như ta, nhưng lại đọc không giống được hệt như ta.

Học tiếng Mường, ta thấy rằng họ dùng danh từ như ta, nhưng cứ còn sót lại lối ba bốn trăm danh từ của Nam Dương, tức của Lạc bộ Mã mà không ai chú ý, vì những nhà nghiên cứu Mường ngữ không biết tiếng Nam Dương. Thế rồi họ xem mấy trăm danh từ ấy là của cổ Việt, mà Việt Nam không dùng nữa.

Mường:
No ti
= Ở đâu
Nam Dương:
Đi mana
= Ở đâu

Họ đã nuốt MA vì chịu ảnh hưởng độc âm của ta, còn Di-Na bị bảo lộn thành Noti: Vậy Noti là sự đảo lộn và biến dạng của Đina của Nam Dương chớ không bao giờ là hình thức cổ của Ở Đâu của Việt Nam.

Mường
= La no pò
= Làm sao vậy.
Nam Dương
= Apa
= Làm sao.

LA NO PÒ cũng chẳng dính dáng gì tới tiếng Việt cổ hết.

Trong quyển sử, chúng tôi có trình ra hai danh từ Mường giống hệt danh từ Nam Dương:

Mường
: Tô
= Cây dâu tằm
Nam Dương
: Pơ tô
= Cây dâu tằm
Mường
: Pơ Đuông
= Lúa gạo
Nam Dương
: Pađi

Chàm cổ
: Pơđa

Chàm kim
: Pađai

Rađê
: Pơđai

Giarai
: Pơđai


Thế thì không có sự tách rời nói trên bao giờ, và trước sau gì họ cứ khác. Ta có thể phân chia như sau:

40% giống nhau từ thượng cổ: cứ còn
60% khác nhau.

Như đã nói, bia trên đền Hùng đã nói đến HÙNG. Đó là các cụ nhà Nho đã Hoa hoá một danh xưng Việt, chắc chắn là như vậy, chớ Việt ngữ thuần túy không có tiếng Hùng. Các cụ Hoa hoá nhưng vẫn Hoa hoá cái gì chớ không phải sáng tác, mà cái gì đó thì hiện nay không ai còn nhớ nữa, chỉ thấy đồng bào ở Bắc Cao Nguyên gọi ta là Ađuôk.

Thế thì rất có thể họ gọi theo cổ thời, chớ Chàm, Cao Miên, Ấn Độ đều không có danh từ AĐUÔK còn người gọi ta là AĐUÔK lại cũng chẳng biết AĐUÔK là gì. Ta cứ tạm kết luận rằng AĐUÔK có nghĩa là HÙNG, rồi tìm học thêm vì có vài nhóm Thượng hiện chưa bao giờ được ai biết ngôn ngữ ra sao như một nhóm định cư giữa người Sơ Đăng, người Khả Tu và người Jêh, nhóm ĐI.
Nguồn: Bình Nguyên Lá»™c. Lá»™t trần Việt ngữ. Nguồn XÆ°a xuất bản. Sài Gòn 1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.