trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
17.5.2007
Henryk M. Broder
Thi nhân và đao phủ
Trần Kh. dịch
 
Günter Grass - Ảnh: ddp
Có đến hàng triệu người Đức vẫn làm thơ. Nhưng chỉ một số nhỏ là thi sĩ chuyên nghiệp, còn phần lớn là những người làm thơ trong giờ nhàn rỗi. Nhiều người trong số họ vẫn thầm mơ một ngày nào đấy sẽ trở thành một nhà thơ quan trọng, vì thế họ thường tham dự những cuộc thi thơ và không chịu bỏ lỡ một cơ hội nào để công bố những tác phẩm của mình. Một tổ chức tư nhân có tên Thư viện Thơ tiếng Đức (Bibliothek deutschsprachiger Gedichte) [1] tồn tại được là nhờ có những niềm khát khao được người đời công nhận kiểu này, mỗi năm thư viện này cho ra đời một tuyển thơ bề thế.

Hợp tuyển gần đây nhất, xuất bản năm 2006, dày 1024 trang, gồm 4000 bài thơ của 4000 tác giả. Hàng năm, những người chủ biên của tuyển thơ này vẫn tổ chức thi thơ và đồng thời cung ứng đủ các loại dịch vụ. Một trong những dịch vụ đó là khoá học hàm thụ kéo dài một năm về thơ ca ("Sáng tác thơ" / "Das lyrische Schreiben") với giá 1320 Euro, gồm một "Máy tự động gieo vần" miễn phí, một kiểu ngân hàng dữ kiện (data bank) với 170.000 mục từ.

Những bài thơ của hợp tuyển mang những cái tên như: "Trung tâm của riêng mình", "Bồn tắm bên lề" hoặc "Người đàn ông chết trong hành lang". Các tác giả này xem chuyện thơ phú là chuyện nghiêm chỉnh, mặc dù thường người ta chẳng hiểu họ muốn diễn đạt điều gì. Bởi vì một bài viết dạy nấu ăn hoặc một tờ chỉ dẫn lắp ráp hệ thống trường đua xe cho các đấng nhi đồng thì phải rõ ràng cụ thể, còn thơ ca lại được mặc sức mơ hồ và có thể được diễn dịch theo nhiều nghĩa. Thí dụ như bài thơ "Tới và lui bất tận" ("Hin und her endlos"), bài thơ bắt đầu bằng những câu sau đây:

"Xấu hổ bò vào lỗ,
lỗ đà có kẻ trú.
Giờ thì xấu hổ chen vai xấu hổ và so kè lẫn nhau.
Nhưng vì đông đúc quá,
Xấu hổ lại phải tìm ra ánh sáng và từ đó
bị bao vây bởi những nạn nhân không một chút xấu hổ
Như một khúc xương bị quăng xuống đất
Xấu hổ lại muốn bò vào lỗ,
nhưng chỉ đón nhận được sự lạnh nhạt ở đấy.
Tới và lui, xấu hổ, mãi đi tìm
hai từ ngắn gọn như chính mình."

("Scham kriecht ins Loch, / das bewohnt ist bereits./ Nun reibt sich Scham an Scham im Vergleich miteinander./ Nun, weil überzählig,/ muss Scham ans Licht und ist fortan/ von schamfreier Beute umringt./ Hingeworfen als Knochen will Scham/ nun wieder ins Loch kriechen,/ ist dort nicht willkommen./ Hin und her Scham, auf der Suche/ nach gleich kurzem Wort.")

Đùa dai như thế là tạm đủ: Xin thưa là bài thơ này không do một kẻ vô danh từng theo học thành công một khoá hàm thụ về thơ ca viết ra, mà do một nhà văn chuyên nghiệp: Günter Grass. Và nó cũng không nằm trong "thư viện của các nhà thơ nghiệp dư" nêu trên mà là trong tác phẩm mới nhất của Grass có tên August xuẩn ngốc (Dummer August) [2] , một tập hợp 41 bài thơ, của một người đã nhận giải Nobel văn học. Ta có thể xem đây là chuyện một luật sư đang biện hộ cho chính vụ việc của mình.


Chân dung (tự hoạ) của nhà văn trong vai "August xuẩn ngốc". Đây là một trong nhiều tranh phụ bản của cuốn thơ do chính Grass vẽ, cách làm quen thuộc của ông từ mấy chục năm nay với các tập thơ của mình. (ND)
Giận dữ và bị xúc phạm

Bởi lẽ sau khi Grass trót thú nhận trong cuốn tự truyện Lột vỏ củ hành (Beim Häuten der Zwiebel) [3] rằng mình - lúc còn là một thanh niên 17 tuổi - đã có một thời gian ngắn phục vụ trong lực lượng Waffen-SS [4] , thì ông luôn bị người ta căn vặn là tại sao ông lại giữ kín chuyện này lâu như thế, mãi đến hơn 60 năm sau mới chịu nói ra sự thật. Grass cảm thấy những câu hỏi này là những đòi hỏi quá đáng, ông phản ứng như một kẻ bị làm nhục, tựa như một nữ tu về già không còn nhớ rằng trước đây mình đã có lúc hành nghề trong một nhà thổ. Và thế là ông trút tất cả mọi nỗi giận dữ trong tâm hồn mình xuống trang thơ. "Trốn về đâu" ("Wohin fliehen") là tên của một trong những bài thơ mới của ông, bài thơ kết thúc với những câu chữ ngang ngạnh:

"Thì cứ ở lại,
chịu đựng mọi đổi thay thời tiết
và như đã được học
nhổ nước bọt ngược chiều gió,
dẫu vậy
không phải tất cả mọi điều đã được nói ra."

("Also bleiben,/ wechselnde Wetter aushalten/ und wie gelernt/ gegen den Wind spucken,/ denn noch/ ist nicht alles gesagt.")

Trước đây Erich Fried (und Vietnam und / và Việt Nam và) [5] đã từng làm thơ theo kiểu này, ông đã thổi ý nghĩa vào những câu thơ trần trụi của mình bằng kỹ thuật ngắt dòng. Grass bắt chước lối viết này và tự mô tả mình như là nạn nhân của một cuộc săn đuổi, rằng ông "bị đặt trước 'toà án cấp tốc’ [6] của những người say công lý", "bị khiêng ra khỏi vũ đài trong tiếng hò hét phỉ báng và chỉ có vài tiếng vỗ tay đơn lẻ", rằng người ta muốn "lột da" ông từ dưới lột lện như lột da một con thỏ. Nhưng ông nào có cho phép:

"Khi tất cả đà đổ vỡ,
thì với đám thanh niên chúng tôi, đội hậu bị cuối cùng,
người ta thôi không còn xăm tên nhóm máu
lên mặt trong cẳng tay chúng tôi nữa.
Điều này giờ đây phải được làm bù;
Những vị anh hùng của ngày hôm nay yêu cầu như thế.
Nhưng tôi sẽ không đưa tay ra đâu;
tôi đã được khắc hoạ rõ cho những ai muốn đọc. [7]
Nhưng họ nào biết xấu hổ là gì,
chỉ có niềm tham vọng đao phủ thủ kích thích họ,
gây thương tổn."

("Als alles in Scherben fiel,/ hat man uns Jungs, dem letzten Aufgebot,/ nicht mehr die Kennzahl der Blutgruppe/ in des Armes Innenhaut tätowiert./ Das soll nun nachgeholt werden;/ Die Helden von heute bestehen darauf./ Aber ich halte nicht hin;/ bin schon gezeichnet für jeden, der lesen will./ Sie aber kennen die Scham nicht, / nur des Scharfrichters Ehrgeiz juckt sie,/ verletzend zu sein.")

Thì ra cái thế giới của Grass là như thế: Một bên là ông ta, đội hậu bị cuối cùng của lòng đứng đắn lương thiện, và ở phía bên kia là những kẻ hành hình, những người không hề biết sự hổ thẹn là gì: Thi nhân và đao phủ.

Một lối tu từ đáng ngờ

Grass đã được trao tặng giải Nobel văn chương cho toàn bộ sự nghiệp văn học của ông; giá như có một thứ giải cho cái tính luôn tự cho mình là người nắm chân lý, tính ưa than van và ngộ nhận thực tại thì cái giải này hẳn cũng phải được trao cho Grass, bởi vì không có một nhà văn nào đã tiến xa như thế trong các lãnh vực này như ông. Trong cuộc nói chuyện với báo Leipziger Volkszeitung - câu chuyện xoay quanh khoảng thời gian ông tham gia lực lượng Waffen-SS và phản ứng của công luận về những thú nhận muộn màng của ông - Grass nói về "sự đồng bộ hoá" [8] và về "sự suy đồi [9] của nền báo chí Đức", nào là "cái khuynh hướng muốn kết liễu""cái không khí sát nhân" mà suýt nữa ông đã là nạn nhân của nó: "Người ta tìm cách buộc tôi phải câm họng."

Không phải chỉ có việc Grass quá tự tin nên không biết mình đã thò tay chệch vào cái hòm từ vựng của chế độ Quốc xã trong lúc lựa chọn ngôn từ, mà ông còn cho ta biết rõ là ông nghĩ gì về những người phê phán ông, những kẻ đã không chịu vui vẻ kết cho nhà thơ những vòng nguyệt quế. Grass là người vốn luôn phản ứng nhạy cảm thái quá đối với những lời phê bình; vì nghĩ rằng ông không nhận được sự "tôn kính" đúng mức ngay trên chính quê hương mình, nên đã có một dạo ông tạm thời rời bỏ xứ Đức để qua sinh sống tại Calcutta - "tôn" với chả "kính" - rốt cuộc ông cũng chỉ chịu đựng nổi cái thành phố ấy được có vài tháng.

Người ta có thể dễ nhận ra nhất cá tính độc đoán của một con người qua việc người đó thản nhiên cho phép mình làm một số chuyện, mà nếu người khác cũng làm giống như thế thì lại tỏ ra khó chịu. Những điều mà một ông chủ được quyền làm thì một tay nông nô tầm thường còn lâu mới được phép.

Grass xử sự như một ông chủ, cho phép đám đông ngu dốt và thô lậu được phép ngưỡng mộ mình, nhưng nhất định là không được quyền phê phán. Kẻ nào dẫu vậy vẫn dám lên tiếng phê bình thì cũng có nghĩa là kẻ ấy đang "toan tính huỷ diệt". Nếu một đầu bếp nhà hàng mà phản ứng như thế trước những lời phê bình của khách về nghệ thuật nấu nướng của mình, thì anh ta hẳn phải chấp nhận những người khách ấy sẽ "một đi không trở lại". Nhưng ở trường hợp Grass thì mọi chuyện hoàn toàn ngược lại, những người hâm mộ Grass tụ tập xung quanh ông, như thể vấn đề quan trọng nhất đối với họ là làm thế nào để cứu một tượng đài bị hư hao khỏi cảnh sập đổ.

Grass là người chưa bao giờ biết dè dặt trong việc ứng xử với những sự kiện hiển nhiên cũng như với cảm xúc của người khác. Ông đã từng gọi Cộng hoà Dân chủ Đức là một nền "độc tài dễ chịu", mà không chịu nghĩ cho là một câu nói như thế sẽ tác động như thế nào lên tâm cảm của một người đã thực sự sống sót sau những "toan tính huỷ diệt" trong một nhà tù Stasi [10] . Ông đã bày tỏ mối nghi ngại của ông trong việc giải thể chế độ Cộng hoà Dân chủ Đức, bởi lẽ đối với ông, việc nước Đức bị chia cắt chính là một "hình phạt cho Auschwitz". Thế nhưng lý do tại sao chỉ riêng dân Đông Đức mới phải chịu chuộc tội cho Auschwitz thì ông lại giữ kín cho riêng mình.

Và ông cũng luôn cực kỳ hào phóng trong việc ban phát quà cáp, những món quà mà chính ông không phải tự chi trả. Ông đề nghị biến một giáo đường ở Lübeck thành một nhà thờ Hồi giáo, và ông đưa ra những thông số để giải quyết những tranh chấp ở vùng Cận Đông. "Không phải chỉ có việc Israel phải rút ra khỏi những vùng họ đã chiếm đóng", ông đã phát biểu như thế trong một cuộc phỏng vấn, "ngay cả sự chiếm dụng đất đai Palestine và sự định cư của người Do Thái tại đó cũng là một hành động tội ác. Điều này không những phải chấm dứt mà nguyên trạng phải được phục hồi. Nếu không thì ở đấy sẽ chẳng bao giờ có hoà bình."

Thì hai tổ chức Hamas và Hisbullah cũng có quan điểm tương tự như thế, các tổ chức này không phải chỉ muốn giải phóng "những vùng bị chiếm đóng" khỏi quân xâm lược xi-ô-nít thôi, mà là toàn thể lãnh thổ Palestine. Đề nghị này của Grass được phát biểu kèm theo lời khẳng định rằng ông tự cho phép mình "phê phán đất nước này, vì ông muốn giúp nó". Và đấy cũng là một "bằng chứng cho tình thân hữu đối với Israel".

Kẻ nào có được những "thân hữu" kiểu như thế thì thử hỏi cần gì đến kẻ thù nữa. Và ai muốn biết lúc nào chuyện thơ phú chấm dứt và sự tự huyễn hoặc sụt sùi nước mắt bắt đầu, thì người ấy cũng sẽ được Grass phục vụ chu đáo:

"Muộn, họ bảo thế, quá muộn.
Muộn đến hàng chục năm.
Tôi gật đầu: Vâng, phải có thời gian,
để tôi tìm ra từ ngữ
cho hai chữ đã bị dùng mòn: Hổ thẹn."

("Spät, sagen sie, zu spät./ Um Jahrzehnte verspätet./ Ich nicke: Ja, es dauerte,/ bis ich Wörter fand/ für das vernutzte Wort Scham.")


Henryk M. Broder [11] , sinh năm 1946, người Đức gốc Do Thái, là một người viết sách và viết báo (hiện là cộng tác viên của tuần báo Der Spiegel) gây nhiều tranh cãi, một mặt vì ông viết về những đề tài nhạy cảm: chủ nghĩa bài Do Thái (đặc biệt trong phái tả), chủ nghĩa quá khích Hồi giáo, quan hệ Đức-Do Thái..., mặt khác là do lối viết châm biếm sắc bén, đầy tính bút chiến và khiêu khích, đôi lúc đi gần đến ranh giới của sự lăng mạ, lý do khiến ông đã phải nhiều lần ra hầu toà. Những quan điểm chính trị (thân Israel) của ông bị nhiều người phê phán gay gắt, trong đó có những người gốc Do Thái như ông, như nhà sử học/chính trị học Pháp Alfred Grosser [12] .(ND)


Bản tiếng Việt © 2007 talawas



[1]Ai hiểu tiếng Đức và tò mò về cái "thư viện" này thì xin mời vào đây:
http://www.gedichte-bibliothek.de/gedicht.shtml, cửa "đền" thơ luôn rộng mở (Tất cả chú thích đều của người dịch).
[2]"August xuẩn ngốc": tên gọi một nhân vật hề (ngố và vụng) của các gánh xiếc. Ở đây, Grass chơi chữ, Dummer August cũng có thể được hiểu (và dịch) là Tháng Tám phiền toái.
[3]Cuốn hồi ký có tên Lột vỏ củ hành của Grass lẽ ra được phát hành vào tháng 09.2006, nhưng sau khi cái chi tiết "nóng" về việc tham gia Waffen-SS của Grass được tiết lộ trước trong bài phỏng vấn ông, đăng trên một tớ báo lớn của Đức (FAZ, ngày 12.08.2006), thì cuốn sách đã được phát hành sớm hơn dự kiến, có nghĩa là ngay trong tháng 08 năm 2006. Một cuộc tranh luận lớn đã nổ ra sau đấy, mà có người cường điệu gọi đấy là một trận "Tsunami truyền thông" - phần lớn diễn ra trên chính tờ báo đã phỏng vấn ông - kéo dài cả tháng trời và đã gây nhiều thương tổn cho Grass, vốn được xem là một "sư phụ" trong môn võ tự vệ (văn chương). Một "tháng Tám phiền toái".
[4]SS, viết tắt của Schutzstaffel (Đội bảo vệ), ra đời năm 1925, thoạt tiên là đội cận vệ của Hitler và các quan chức của Đảng Quốc xã NSDAP, sau đó trở thành một kiểu "cảnh sát trong Đảng" trước khi biến thành một bộ máy khổng lồ với nhiều ban bệ khác nhau, được xem là công cụ chính của bộ máy khủng bố chính trị Quốc xã. "Waffen-SS" là lực lượng võ trang trực thuộc SS tồn tại song song với quân đội chính thức (Wehrmacht), được xem là lực luợng tinh nhuệ mà ngoài việc chiến đấu ở các mặt trận, còn được sử dụng như những bộ phận cai quản các trại tập trung và các vùng chiếm đóng. Con số thành viên của Waffen-SS vào thời điểm Grass gia nhập năm 1944, tức là lúc thế chiến đã gần tàn, lên đến chừng 800.000 người, trong số đó có khoảng 200.000 là quân tình nguyện nước ngoài.
[5]Erich Fried (1921-1988), nhà thơ Áo gốc Do Thái, sau khi bố ông bị cơ quan mật vụ Quốc xã (Gestapo) giết vào năm 1938, ông đã bỏ trốn qua Anh và từ đó sống ở London. Sinh thời ông là một thi sĩ dấn thân trong những vấn đề chính trị-xã hội. Chiến tranh Việt Nam đã để lại dấu ấn trong sáng tác của ông qua tập thơ nổi tiếng und Vietnam und ra đời năm 1966. Một bài thơ "tiêu biểu" cho lối thơ kiệm chữ của nhà thơ này, rút ra từ tập thơ có tên Warngedichte (1964):
Giết
Thoạt tiên thời giờ
rồi một con ruồi
có thể một con chuột
rồi nhiều mạng người như có thể
rồi lại đến thời gian
(Totschlagen/ Erst die Zeit/ dann eine Fliege/ vielleicht eine Maus/ dann möglichst viele Menschen/ dann wieder die Zeit)
[6]"Toà án cấp tốc" (Schnellgerichte) là một "đặc sản" của SS, đặc biệt được áp dụng nhiều vào những tháng cuối cùng của cuộc chiến.
[7]Theo thông lệ, tất cả các thành viên của Waffen-SS đều được/bị xăm vào mặt trong của cẳng tay tên nhóm máu của mình, để làm gì thì ta có thể dễ dàng đoán ra được. Vào giai đoạn cuối (te tua) của cuộc chiến, tức thời điểm Grass tham gia Waffen-SS, có lẽ người ta không đủ thời giờ để làm chuyện này nữa. Lời bàn (đánh hôi) của người dịch: Cái hình ảnh "những vị anh hùng của ngày hôm nay" Grass chọn để ám chỉ những người phê phán ông - trong liên tưởng đến "ngày hôm qua" với những kẻ (có giời biết, khó có thể gọi là anh hùng) lẽ ra đã phải thi hành cái qui định "xăm tay" - là một chọn lựa kém may mắn. Ông lại còn... thơ rằng: bản chất ông như thế nào thì chỉ cần đọc (sách ông) là sẽ rõ. Đúng là thơ với (lẩn) thẩn!
[8]"Gleichschaltung": tạm dịch là "sự đồng bộ hoá", đằng sau những từ ngữ nghe "vô tội" này là cái âm mưu của Quốc xã, thông qua một số đạo luật do họ tự ban hành (Gleichschaltungsgesetz), dần hồi xoá bỏ các quốc hội tiểu bang, giải thể công đoàn cũng như tất cả các đoàn thể xã hội khác, giải tán và cấm thành lập các đảng phái... nhằm cuối cùng đặt nước Đức dưới sự cai trị duy nhất của Đảng Quốc xã NSDAP.
[9]"Entartung": cũng là một từ đã bị làm nhem nhuốc bởi một thể chế độc tài, thường được dịch là "sự suy đồi". Dưới chế độ Quốc xã, không phải chỉ có nghệ thuật tạo hình "hiện đại" cuối thế kỷ 19/đầu thế kỷ 20 - từ Van Gogh, Gaugin, qua Picasso, Chagall cho đến Kandinsky, Kollwitz, Klee... - bị bôi nhọ là "suy đồi", mà còn là âm nhạc "mới" của những Schönberg, Berg, Hindemiths... Năm 1937, họ lọc ra khoảng 650 tác phẩm từ mười mấy ngàn tranh tượng tịch thu được từ các viện bảo tàng để tổ chức một triển lãm mang tên Entartete Kunst (Nghệ thuật suy đồi), trước tiên ở München rồi sau đó tại nhiều thành phố lớn khác của Đức với tổng cộng hơn hai triệu người xem, được coi là một chiến dịch tuyên truyền thành công (đại thành công) của "ban văn hoá tư tưởng" Quốc xã.
[10]Stasi: tên gọi tắt của Staatssicherheitsdienst, cơ quan mật vụ của Đông Đức cũ
[11]Weblog (tiếng Đức) của H.M. Broder:
http://www.henryk-broder.de/startseite/startseite.html; và để có thông tin đa chiều, đây là địa chỉ một trang parody cái weblog của Broder (Das Palästina-Portal"):
http://www.arendt-art.de/deutsch/Henryk_m_broder/henryk_m_broder.htm
[12]Việc Broder sẽ được nhận giải Ludwig Börne cho năm 2007 vào tháng 6 tới (một giải thưởng phát hàng năm cho những tác giả Đức có đóng góp xuất sắc trong lãnh vực viết phê bình, tiểu luận, phóng sự. Thuộc số những người đã nhận giải có một số tên tuổi sáng láng như: Marcel Reich-Ranicki, Hans Magnus Enzensberger...) bị Alfred Grosser cho là một chọn lựa sai lầm, là "một điều sỉ nhục cho chủ nghĩa nhân bản" (báo taz, 03.02.2007, http://www.taz.de/pt/2007/02/03/a0193.1/text).