trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
41 - 60 / 3021 bài
41 - 60 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
11.10.2008
Chính Anh

Trưa nay mở tờ báo ra thấy thông tin Bộ Y tế kiến nghị thu hồi và hủy tất cả các sản phẩm sữa có melamine. Thôi thế là xong, nhẹ cả người, bà vợ cũng thế, từ nay không phải lo nghĩ gì về melamine nữa, con cái nhịn sữa gần tháng nay rồi. Tất cả vì sức khỏe nhân dân. Hoan hô Bộ Y tế. Phải thế chứ. Bữa cơm trưa dường như rộn ràng hơn.

Đang chấm cọng rau bí bỗng chùng hẳn xuống khi bất chợt nghĩ: cái nước tương có sạch không nhỉ? Thôi chết, mới đây cũng ầm ỹ lên chuyện Chinsu có thạch tín cơ mà. Sao không hủy hết đi? Bỏ dở bữa cơm, lục lọi trên Internet, hóa ra chuyện thật đơn giản, chỉ cần có một chỉ số an toàn cho người tiêu dùng là đủ, dưới cái ngưõng ấy là an tâm.

“Thì cứ cấm tiệt không tốt hơn à?”, bà vợ nói. Ừ nhỉ, nhưng tại sao mấy anh như Mỹ, châu Âu, châu Úc... lại đẻ ra cái tiêu chuẩn về hàm lượng melamine làm gì? Sao không nghe vợ tôi nói mà cấm tiệt đi.

Tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Khoa học Kỹ thuật của Tp. Hồ Chí Minh được Tuổi Trẻ trích đăng, nói phải cẩn thận với cả các sản phẩm bằng nhựa cứng như chén, tô, thìa, dĩa vì chúng có thể tiết ra melamine nếu đựng thức ăn nóng. Khoa học hẳn hoi chứ không phải đùa, melamine kết hợp với formaldehyd để làm ra nhựa cứng. Nước Anh cũng đã phải tiến hành kiểm tra nhưng rất may chỉ có một vài sản phẩm có hàm lượng melamine là vượt quá tiêu chuẩn phải thu hồi và hủy.

Nguy to rồi, vì sức khỏe nhân dân, tôi đề nghị Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ lập đoàn kiểm tra ngay. Cứ có melamine ở sản phẩm nào là phải loại bỏ hết. Vì chén, bát, dĩa... là để đựng thực phẩm, melamine mà tiết ra thì nguy hiểm, hay ít nhất thì cũng phải cấm người dân không sử dụng thức ăn nóng đựng vào đồ nhựa cứng. Chẳng ai bảo ai cả hai vợ chồng đều nhìn vào cái bát nhựa cứng đầy nghi ngờ. Bà vợ lại chen vào: “Thì chắc liều lượng nó nhỏ, không sạn thận đâu mà lo, cũng như thạch tín trong nước tương í”.

Nhưng mà cái tiêu chuẩn melamine trong sữa, trong thực phẩm nó là bao nhiêu để tôi yên tâm thì không ai nói cho tôi cả.

Riêng với mặt hàng sữa, Bộ Y tế là xong xuôi trách nhiệm rồi, hủy hết. Thôi! Thế là xong! Không nói nữa. Đã không có quy định về định lượng melamine ngay từ đầu thì đến cuối cũng thế, doanh nghiệp nào mà trong sản phẩm trót có melamine (dù hàm lượng ít hơn nhiều lần tiêu chuẩn cho phép của các nước) thì cố mà chịu. Cho “mày” chết, ai bảo “mày” không vì sức khỏe nhân dân. Ông Thứ trưởng “vì sức khỏe nhân dân” nói: “Bây giờ không phải là lúc bàn đến chuyện ấy - chuyện công bố tiêu chuẩn an toàn của melamine trong sữa”. Thế thì lúc nào ông bàn đến, hay là ông sợ khi bàn đến chuyện ấy thì số lượng sữa hàng trăm tấn phải hủy nó nằm trong ngưỡng an toàn? Lúc ấy, ông có bỏ tiền ra đền cho người ta hay không?

Ông xong xuôi trách nhiệm rồi, ông trình lên Thủ tướng ký để hủy số sữa ấy đi với lý do vì sức khỏe nhân dân. Ông khôn lắm ông ạ. Nhẽ ra nếu vì sức khỏe nhân dân, cái việc công bố ngưỡng an toàn của melamine trong thực phẩm ông phải làm từ lâu rồi.

Chỉ có mấy anh doanh nghiệp không biết gì là thở dài: Thôi, thế là xong... chết em rồi.