trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
41 - 60 / 3021 bài
41 - 60 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
18.10.2008
Chu Việt

Ông già Thế Uyên

Ông ở nhà già, gọi ông là ông già là thuận lý nhưng khiên cưỡng. Thật ra ông không già. Ông là một loại người mà Tàu gọi là “nhân lão, tâm bất lão”, hiểu theo ý nghiêm túc. Nhà già được ông mô tả như một nơi nghỉ mát lý tưởng ở đâu như Acapulco hay Waikiki. Đọc văn ông, bao giờ tôi cũng thấy xúc động vì ông nhìn đâu cũng thấy đời mầu hồng trong khi nó xám xịt, con người lạc quan hết thuốc chữa. Cách đây dăm sáu năm, ông bị tai biến mạch máu não, liệt một nửa người, tưởng đâu đã ô-rơ-voa văn nghiệp. Nhưng không, liệt tay phải, ông phấn đấu luyện tập viết bằng tay trái, và chỉ ít lâu sau lại thấy xuất hiện bài vở của Thế Uyên. Một gương ý chí bất khuất đáng nể phục.

Tôi thích văn Thế Uyên vì nó dung dị, lãng mạn, giầu cảm tính, rất gần gũi với Thạch Lam - chú ông. Ông đọc nhiều, hiểu rộng, tri thức không thua kém ai. Vốn ngoại ngữ của ông không thâm sâu lắm nhưng ông đã dịch thành công cuốn Exodus của Leon Uris. Tác phẩm của ông gồm phần lớn là truyện ngắn, trong số đó tôi thích nhất là “Căn nhà của mẹ” viết năm 1970 với một văn phong thể ký và cốt truyện đơn giản làm lòng người rung động.

Độc giả và các nhà phê bình thường chê trách Thế Uyên ở điểm ông nặng phần dục tình trong các tác phẩm, có khi đẩy nó tới mấp mé bờ kích dục, thí dụ như trong truyện ngắn ”Nhà văn già và cô bé gù”. Tôi chỉ thấy chuyện này thường tình và khá phổ biến. Viết về dục tình nhưng ông vẫn né tránh sự dung tục mà thi vị hóa nó một cách phóng khoáng. Ông đâu táo tợn bằng Thấm Vân, sỗ sàng như Đỗ Kh. trong “Linda mặt ngang”, hay trắng trợn như Khánh Trường trong “Có yêu em không?” Phải, Thế Uyên có viết một sê-ri bài về dục tình nơi các nhà văn nữ ở hải ngoại [kể cả Phạm Thị Hoài], trong đó kỹ thuật của ông là trích đoạn những câu liên hệ tiêu biểu nhất. Thế thôi, không có gì là lập thuyết hay phê bình dài dòng cả. Đơn giản, ông chỉ làm một công việc thâu góp (compilation) mà thôi.

Có thể lý giải thiên hướng dục tình trong văn chương Thế Uyên bằng giả thuyết ẩn ức kiểu Freud. Nhưng tôi không thấy dấu hiệu chứng cứ gì nơi con người của ông. Trước khi bị tai biến não, ông ung dung nốc bia và hút thuốc lá liên tu như thổi ống bễ. Người anh của ông (Duy Lam) – nguyên là một vận động viên thể dục - thường than phiền với tôi: “Thằng ấy chẳng chịu thể dục thể thao bao giờ cả”. Nhưng có một điều tôi nhận xét nơi Thế Uyên là ông có một libido mạnh hơn người thường và đối tượng của ông bao giờ cũng chỉ là vợ ông (nhân vật Thi), một người đàn bà nhỏ bé, xinh đẹp, đảm đang, Ông là người chồng tuyệt đối chung thủy với vợ dù tính tình rất phóng khoáng. Cách đây ít lâu tôi có sang Seattle thăm ông, thấy ông mập hẳn ra (vì phải cai thuốc lá) và trông thật giống bà mẹ (Nguyễn Thị Thế). Tò mò, tôi hỏi đùa ông: “Này, ông liệt nửa người bên phải. Thế còn ‘hình nhi hạ’ có bị liệt không?” Ông tỉnh bơ đáp “vẫn như thường lệ”.

Tuần trước, anh Nguyễn Tường Thiết có e-mail cho tôi báo tin Thế Uyên đang bị đau nặng, kèm theo là e-mail của Thế Uyên cho biết ông bị nhiễm trùng túi mật ở gan (gallbladder), một hai tháng sau phải giải phẫu cắt bỏ. Tôi hỏi bác sĩ Nguyễn Tường Giang (nhà thơ, con út Thạch Lam) có sao không. Giang bảo không sao cả, thường thôi. Tôi e-mail cho Thế Uyên động viên tinh thần và nhắc lại lời Giang. Nhưng ở tuổi 73 của ông, cái gì cũng có thế xẩy ra. Cho nên tôi cầu Trời khấn Phật – kể cả xin đấng Allah, cho thời thượng – cho ông tai qua nạn khỏi như lần trước.