trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
41 - 60 / 3021 bài
41 - 60 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
19.10.2008
Tràng An

Đôi lời về bài “Một quái trạng văn hóa”

Đọc bài “Một quái trạng văn hóa” của ông Hoàng Ngọc-Tuấn, tôi thấy có ích phần nào lại chính là nhờ một trang dài liệt kê các sách vở có nhắc đến từ “hậu hiện đại”, phần còn lại khiến người đọc nghi ngờ tự hỏi không biết ông Ngọc-Tuấn này có phải chính là ông Ngọc-Tuấn ấy, trình độ học vấn đến thế ấy mà không biết trình độ văn hóa ra làm sao? Một cuộc hội thảo khoa học mà ông không trực tiếp tham dự, cũng chưa được đọc hết các bài tham luận đã bị ông phỉ báng là “hội thảo cốt để giải ngân”. Một tác giả được nhiều bạn đọc yêu mến kính trọng không chỉ vì tài hoa mà còn vì nhân cách như ông Trịnh Lữ thì được ông gọi là “háo danh, tự mãn, vô trách nhiệm”. Tiếc một điều là ông Ngọc-Tuấn có lẽ chưa biết, ông Trịnh Lữ vốn chưa bao giờ tự xưng là nhà này nhà nọ, cũng không thấy ông ham hố tham gia vào những hội này hội kia, uy tín mà ông có được từ bạn đọc gần xa vì lẽ đó mà thực sự vô tư trong sáng, khởi xuất từ chính những lao động nghệ thuật lặng lẽ và nghiêm cẩn của ông. Bạn đọc Việt Nam ngày nay tuy chưa được sống ở môi trường văn minh với hệ thống thư viện tiện lợi như ông Ngọc-Tuấn ở tận bên Sydney nhưng cũng nhờ có mạng internet mà được nối với thế giới, lại cũng ngày càng có nhiều người có điều kiện đi du học đây đó, chẳng đến nỗi nào bị ông coi như những kẻ chẳng biết gì như thế. Chúng tôi biết đọc, biết sàng lọc, biết tìm ra cái hay cái dở, cái đáng tiếp nhận, cái cần phải suy nghĩ bàn luận thêm chứ đâu có phải con rối để các ông nói gì chúng tôi cũng cắm đầu cắm cổ tin theo? Cá nhân tôi thấy bài tham luận của ông Trịnh Lữ là một hành động dũng cảm, không xu thời dễ dãi, khơi gợi nhiều suy nghĩ cho những người làm nghệ thuật nước nhà nên tỉnh táo khi tiếp nhận các luồng văn hóa, tư tưởng, ngõ hầu tìm ra một lối đi cho bản thân. Tôi không thấy ông Trịnh Lữ ra giọng dạy bảo ai, xúc phạm ai, ông chỉ mạnh dạn nêu lên những suy nghĩ của ông một cách khiêm tốn, có văn hóa. Không phải nói nhiều thì những người vô tư, tử tế có dịp biết tới nguyên văn bài phát biểu của ông Trịnh Lữ (chứ không phải chỉ là bài trích đăng, cắt xén không hỏi ý kiến tác giả trên một số báo mạng) rồi đọc bài của ông Ngọc-Tuấn thì cũng đủ hiểu cả rồi. Tôi chỉ xin góp đôi lời thế này, để nâng cao tầm văn hóa phê bình, người viết phê bình nên chăng tự nhắc mình:

1. Khi phê bình nên tập trung vào văn bản, không nên có những qui kết vội vàng về nhân cách của tác giả một cách vô lối, xúc phạm.

2. Phê bình mang tính khoa học, xây dựng, để làm rõ thêm vấn đề, khơi gợi để độc giả cùng suy nghĩ hay phê bình để chửi bới, đạp đổ, thỏa mãn tự ái và mưu đồ cá nhân?

3. Chỉ ra những tiểu tiết chưa rõ hoặc chưa chính xác là cái tốt. Nhưng quan trọng hơn nên viết cho trúng đích, phê bình cái mà người ta đang bàn tới, không nên cố bới lông tìm vết rồi lu loa qui chụp, xúc phạm.

Dung túng cho những kiểu phê bình “cả vú lấp miệng em” như thế sẽ khiến những người yếu bóng vía phát hoảng, chả ai dám nói lên ý kiến trái chiều, còn những người vốn ưa tịch lặng có thể ngao ngán mà bỏ mặc cho những kẻ xu thời náo loạn mà thôi. Là một bạn đọc rất mực kính trọng ông Trịnh Lữ, tôi thực lòng tin tưởng ông sẽ không lấy thế làm điều, vẫn tiếp tục dám nói những điều “nghịch nhĩ” một đám đông.