trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
41 - 60 / 3021 bài
41 - 60 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
20.10.2008
Thanh Bình

Nhân đọc bài viết "Một quái trạng văn hóa” của nhà phê bình Hoàng Ngọc-Tuấn, tôi tìm đọc bài tham luận của ông Trịnh Lữ.

Sau khi khẳng định người đầu tiên và tác phẩm đầu tiên nhắc tới ý niệm “hậu hiện đại”, ông Trịnh Lữ đã trình bày những cách thức sinh hoạt nghệ thuật của các nghệ sĩ hậu hiện đại. Người đọc có cảm tưởng đó là một thứ nghệ thuật hẩu lốn, vụn vặt, cóp nhặt của những kẻ “hoài nghi với mọi lý giải lớn”. Ông viết: Hơn nữa, tuyệt đại đa số những người trong giới nghệ thuật đều tin rằng hễ đã là nghệ thuật là phải lạ phải mới – một sản phẩm tâm lý tuyệt luân của văn hóa quảng cáo và tiêu thụ, được nuôi dưỡng bởi thị trường nghệ thuật tinh vi có thể biến mọi thứ vô nghĩa nhất thành vàng dựa trên cái có thể gọi là "hội chứng vua cởi truồng".

Không hiểu tác giả bài tham luận đã thực sự thưởng ngoạn những tác phẩm nghệ thuật hậu hiện đại theo góc cạnh nào, có thành kiến với nó hay không. Quan điểm riêng của người thưởng ngoạn nghệ thuật luôn được trân trọng, nhưng quan điểm của nhà phê bình nghệ thuật không thể tùy tiện, dù khen hay chê, khi nói về một tác phẩm nghệ thuật. Vậy mà, khi nhận định về cả một trào lưu nghệ thuật mới vẫn còn đang trên đường tìm tòi, khai phá, ông Trịnh Lữ đã dồn tất cả mọi thứ vào thành một thứ đồ chơi khổng lồ vừa có đèn đóm vừa có hình ảnh âm thanh lập lòe phụ họa với nhau, rồi đạp đổ chúng.

Nhưng trong cái đống vàng giả vô nghĩa ấy, tác giả cũng nhận ra được là có những thỏi vàng thật. Đó là các tác phẩm điêu khắc của Anish Kapoor. Nhưng ông lại tách Kapoor ra khỏi cái bọn hậu hiện đại “hoài nghi mọi lý giải lớn”, để xếp nhà điêu khắc này vào một thứ hậu hiện đại đơn thuần theo phép giải thích từ ngữ là “sau hiện đại”. Chưa hết, ông còn phát hiện ra một trào lưu nghệ thuật hậu hiện đại nữa vẫn được kể đến là nghệ thuật hiện thực cổ điển (classic realism), đang phát triển mạnh ở Mỹ. Nhưng một đại diện của trào lưu này là họa sỹ Na-uy Odd Nerdrum, với những bức tranh sơn dầu có lối nhìn và kỹ thuật cổ điển của Rembrandt và Ingre, nhưng đề cập đến những chủ đề mang đậm tính hoài nghi và phê phán điển hình của thái độ đương thời. Trào lưu nghệ thuật này thuộc về loại “hoài nghi mọi lý giải lớn” hay “sau hiện đại” đây? Xin tác giả chỉ giáo.

Bài tham luận chắc còn dài, trên mạng chỉ là bài trích đăng vì còn một đoạn quan trọng khác được đóng khung riêng. Đoạn này nói đến quan điểm hậu hiện đại của Lyotard mà tác giả cho rằng đang có ảnh hưởng “sáng giá” tại Việt Nam.(Điều này dễ hiểu vì sách của Lyotard đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam).

Ông Trịnh Lữ cho rằng nghệ sĩ Việt Nam sáng tác các tác phẩm nghệ thuật theo trào lưu hậu hiện đại chỉ là vì họ muốn bắt chước phương Tây. Cũng phải nói rằng tâm lý hoài nghi ấy phần lớn là học được của phương Tây, và cái thế giới ta muốn hội nhập ấy cũng là thế giới phương Tây, hoặc những giá trị đã được phương Tây chấp nhận và tán thưởng. Phải chăng ông muốn ám chỉ rằng học theo phương Tây là điều không tốt, không nên? Trong văn học nghệ thuật từ thi ca, văn chương đến hội họa, điêu khắc, các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ Việt Nam, với các quan niệm sáng tác mới du nhập từ Tây phương, đã góp phần làm nên diện mạo hiện đại của văn học nghệ thuật Việt Nam như thế nào, hầu như ai cũng biết. Vậy, theo tôi, chúng ta hãy để cho các nghệ sĩ trẻ của Việt Nam có cơ hội được chứng tỏ tài năng của mình đối với các trào lưu nghệ thuật mới, mà trào lưu hậu hiện đại là một ví dụ.

Ở Việt Nam, các trào lưu nghệ thuật mới như nghệ thuật sắp đặt, mỹ thuật trình diễn… theo họa sĩ Trịnh Cung trong loạt bài phỏng vấn gần đây trên Tiền Vệ, chỉ mới được phôi thai nhưng đã gặp không ít khó khăn từ các “công an văn hóa” và thậm chí các họa sĩ bảo thủ cũng có thái độ chống đối. Hy vọng ông Trịnh Lữ và các nhà đọc tham luận khác trong hội thảo khoa học về “Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa” không ở trong nhóm đó.