trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
41 - 60 / 3021 bài
41 - 60 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
21.10.2008
Lê Cương Phúc

Ở Việt Nam không có “quái trạng văn hoá”, mọi chuyện đều đáng ca ngợi

Đọc bài góp ý của Tràng An về bài “Một quái trạng văn hóa” của ông Hoàng Ngọc-Tuấn, tôi thấy Tràng An để cho cảm xúc trào tuôn quá lai láng. Do đó, phần ca tụng ông Trịnh Lữ thì Tràng An viết rất du dương, nhưng phần phê bình ông Hoàng Ngọc-Tuấn thì Tràng An lại không trung thành tí nào với 3 tiêu chí do chính Tràng An đề ra. Dẫu sao, tôi nhận ra trong bài của Tràng An có 3 chỗ tuyệt hay:

1. Tràng An thấy bài tham luận của ông Trịnh Lữ là một hành động dũng cảm.

Tham luận về “hậu hiện đại” tại một hội thảo cao cấp mà chả cần nghiên cứu cho đàng hoàng, muốn nói gì thì nói, ngay từ câu nhập đề đã nói trật lất về một thông tin quá căn bản. Có lẽ trong giới học giả của các xứ tiền tiến trên thế giới khó có ai liều mạng đến mức ấy. Thế thì đúng là quá dũng cảm chứ còn gì nữa.

2. Tràng An thấy bài tham luận của ông Trịnh Lữ là một hành động không xu thời dễ dãi.

Ông Trịnh Lữ vận dụng “kiến thức” bao la của ông về cái “hậu hiện đại” để giảng ý nghĩa của ý niệm “grand narrative” mà J.-F. Lyotard đề ra là một “lý giải lớn”. Rồi ông nói cái kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng và Nhà nước đề ra là một lý giải lớn “tốt đẹp” và “đúng đắn”. Nói vậy thì đúng là không xu thời dễ dãi chút nào cả, mà lại làm cho Đảng và Nhà nước hài lòng. Còn gì hay hơn?

3. Tràng An thấy cuộc hội thảo khoa học đó là nghiêm túc, không phải cốt để giải ngân.

Nghiêm túc quá đi chứ. Sau cái hội thảo đó, ai lưu tâm thì đều biết nó nghiêm túc đến chừng nào. Thử đọc qua bản tin này thì rõ: Nghệ thuật Việt Nam đang ở đâu? Hay câu hỏi về một cách đặt vấn đề nghiên cứu ôm đồm “Đầu Ngô mình Sở” (Vietimes, 3/10/2008)

- Đọc bản tin này, mọi người sẽ thấy, trước hội thảo, nhà điêu khắc Đào Châu Hải đã nhận được giấy mời dự hội thảo, ông viết tham luận nhưng rồi không gửi tham luận cho ban tổ chức. Ông giải thích: “Lần thứ nhất, tôi nhận được giấy mời ghi rõ rằng tiêu chí của hội thảo là Nghệ thuật Hậu hiện đại Việt Nam trong thời kỳ (hay bối cảnh) mở cửa. Và kèm theo là thư mời viết tham luận có những gợi ý về nội dung ‘hậu hiện đại’. Lần thứ hai, tôi nhận được thư mời tham dự hội thảo ngày 15/9, trong giấy mời tham dự lại ghi là Hội thảo ‘Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa’, không kèm theo giải thích gì hết. Trước tiên, tôi nghĩ đây là một hội thảo khoa học, nên tiêu chí, đề bài đặt ra phải rất chính xác. Khi đọc thư mời thứ nhất, tôi đã chuẩn bị một tham luận với ý kiến riêng của tôi về vấn đề nghệ thuật Hậu hiện đại ở Việt Nam. Nhưng sau khi nhận giấy mời lần thứ hai, tôi thấy chủ đề hội thảo lại là ‘Nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa’. Do tôi thấy bài viết tham luận của tôi không còn phù hợp nên tôi không gửi nữa.”

- Sau hội thảo, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhận định là Ban tổ chức Hội thảo “rất lơ mơ” về đề tài chủ điểm của hội thảo, vì thế họ đã loay hoay thay đổi đề tài, sinh ra việc gửi giấy mời hai lần với hai đề tài khác nhau cho cùng một hội thảo.

- Nhiều người trong giới mỹ thuật đã tham dự hội thảo đều biết là ngoài nhà điêu khắc Đào Châu Hải còn có vài người khác mang bài tham luận đến hội thảo nhưng không đọc vì thấy lạc đề.

- Sau hội thảo có xảy ra một trận đấu khẩu bằng email giữa Ban Mỹ thuật Hiện Đại thuộc Viện Mỹ thuật và ông Hà Châu Sơn (Vũ Lâm) về bài báo “Sao Hậu hiện đại lại trở thành Toàn cầu hóa” trên trang 17 của tờ Thể thao & Văn hóa ra ngày thứ Sáu 26/9/2008. Rồi tiếp theo là một trận thóa mạ nhau vô cùng dữ dội giữa các ông Đỗ Minh Tuấn và Vũ Lâm, quanh vấn đề tổ chức hội thảo. Trận thóa mạ này kéo dài mấy ngày, khiến các ông Trần Lương, Phạm Trung, và cả Trịnh Lữ... phải nhảy vào can thiệp. Các email này đã được truyền bá ra ngoài, lan khắp trong giới mỹ thuật ở thủ đô.

Có lẽ bấy nhiêu cũng đủ để thấy cuộc hội thảo khoa học đó là nghiêm túc đến chừng nào. Nói thêm cũng thừa.

Riêng về bài “Một quái trạng văn hoá” của ông Hoàng Ngọc-Tuấn, tôi nghĩ có lẽ vì ông Hoàng Ngọc-Tuấn ở nước ngoài quá lâu nên thấy những chuyện đó là quái đản. Nếu ông ta ở Việt Nam ông ta sẽ thấy những chuyện như vậy là rất bình thường, thậm chí là rất nghiêm túc, đáng ca ngợi!