trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
20.7.2007
Thanh HÆ°Æ¡ng
Hồi ức về những cuộc chất vấn trước Quốc hội
(Trích hồi ký)
 

Những kỳ chất vấn của Quốc hội khoá IX, X đối với các vị Bộ trưởng thành viên của Chính phủ đã in đậm trong tôi nhiều kỷ niệm không bao giờ quên được.

Tôi nhớ tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá IX tôi chất vấn Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết: Đường ống dẫn dầu quốc gia do Bộ Thương mại quản lý từ cảng Hạ Long đi qua khu dân cư huyện Hoành Bồ, thị xã Uông Bí tỉnh Quảng Ninh đã vài lần bị vỡ, dầu chảy ra ngoài, người dân tiếc của kéo đến múc dầu, vô ý để bén lửa ống dẫn dầu cháy gây tai nạn chết người, trách nhiệm Bộ Thương mại đến đâu? Đến bao giờ Bộ Thương mại mới dời ống dẫn dầu ra khỏi khu vực dân cư? Việc bảo quản, bảo dưỡng đường ống dẫn dầu của Bộ Thương mại trong tương lai?

Ông Lê Văn Triết khinh bạc trả lời xanh rờn rằng: "Việc này đại biểu Đặng Thị Thanh Hương về hỏi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh".

Tôi bèn giơ biển xin phép Chủ tịch Quốc hội được đối thoại với Bộ trưởng Lê Văn Triết - Chủ tịch Quốc hội cho phép, tôi bình tĩnh đứng lên và nói:

"Thưa Quốc hội, Bộ trưởng Lê Văn Triết vừa trả lời tôi việc này về hỏi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh - thì đây tôi đã hỏi ông Bình Giang, Bí thư tỉnh uỷ, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đang ngồi cạnh tôi đây. Tỉnh chúng tôi đã ổn định đời sống nhân dân nơi xảy ra tai nạn. Còn đây là tôi hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc quản lý tài tài sản quốc gia và việc bảo đảm tính mạng cho người dân những nơi có đường ống dẫn dầu đi qua trong tương lai? Rất tiếc câu hỏi của tôi đặt thì tương lai, Bộ trưởng lại trả lời thì quá khứ, như vậy là chúng ta không hiểu nhau. Đề nghị Bộ trưởng trả lời vào đúng câu hỏi một cách nghiêm túc và cần có thái độ khiêm tốn trước Quốc hội. Ông cha ta có câu: "Người có chức vụ càng cao, càng phải khiêm tốn trước mọi người"; thái độ của Bộ trưởng hôm nay (xin lỗi) có phần thiếu văn hoá trước Quốc hội".

Ông Triết đứng chết lặng lấy tay che mặt, tập giấy ông đang cầm trong tay bỗng rung lên. Một lát sau ông mới lúng túng trả lời một cách vòng vo.

Cũng tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá IX tháng 12 năm 1993, tôi chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Ngô Xuân Lộc: "Vốn xây dựng cơ bản hàng năm thất thoát 30% có đúng không? Nếu đúng thì Chính phủ đã có những biện pháp gì để chống thất thoát?".

Ông Ngô Xuân Lộc là một Bộ trưởng tương đối trẻ, cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai, lịch sự, lúc này bỗng trở nên bối rối, lúng túng trả lời loanh quanh. Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh nhắc: "Đề nghị đồng chí trả lời thẳng vào câu hỏi của Đại biểu".

Trên nét mặt ông Ngô Xuân Lộc dần dần đỏ lên, đỏ từ hai tai, lan sang hai má, ông lấy khăn lau mồ hôi rồi lúng túng trả lời: "Vâng, đúng là có thất thoát 30% vốn xây dựng cơ bản hàng năm, còn biện pháp để chống thất thoát thì... (ngập ngừng) có lẽ, vâng, chúng tôi đang nghiên cứu cơ chế quản lý chặt chẽ hơn". Ông càng nói càng tăm tối, càng nhạt nhẽo cứ như dẫn người nghe vào ngõ cụt. Chủ tịch Quốc hội như thông cảm với ông mời ông về chỗ. Ông ngượng ngùng dời khỏi diễn đàn và từ đấy cứ mỗi kỳ họp Quốc hội ông thường né tránh tôi.

Kỳ họp sau tôi lại chất vấn ông:

"Đất nước ta đang tiến lên công nghiệp hoá hiện đại hoá, tại sao Bộ Xây dựng nhập khẩu hàng loạt công nghệ xi măng lò đứng cũ kỹ lạc hậu của Trung Quốc?"

"Cơn sốt xi măng giả tạo đã làm thất thoát của Nhà nước và nhân dân hàng trăm tỷ đồng, gây rối loạn thị trường xi măng trong toàn quốc. Là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng đã có những biện pháp gì để bình ổn giá xi măng? Những người quản lý và bọn đầu cơ nâng giá xi măng để kiếm lợi gây nên cơn sốt xi măng giả tạo sẽ bị xử lý thế nào?"

Lần này đã được chuẩn bị chu đáo, ông Ngô Xuân Lộc lên đọc một ban báo cáo thành tích sản xuất của các xí nghiệp xi măng lò đứng rõ dài, nhưng đến đoạn nhập khẩu công nghệ xi măng lò đứng lạc hậu, cũ kỹ phế thải thì ít được nhắc đến, hoặc có điểm đến một vài ý thì giọng ông trở nên cà lăm và ngọng nghịu. Ông lý giải cơn sốt xi măng vòng vo, chung chung không tìm được ra thủ phạm và nguyên nhân sâu xa do quản lý lỏng lẻo, hoặc những nhà quản lý móc ngoặc với bọn đầu cơ nâng giá xi măng để kiếm lợi, hàng tỷ đồng đã chui vào túi của chúng. Biện pháp xử lý cũng chung chung cứ như là việc của Nhà nước chứ không phải trách nhiệm của Bộ trưởng quản lý ngành xây dựng.

Có một nhân vật mà kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá IX đã được tổ chức giới thiệu để Quốc hội bầu làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đó là ông Đào Đình Bình. Sau khi xem xét lý lịch trích ngang của ông Bình, các đại biểu Quốc hội nhận thấy trình độ học vấn và năng lực quản lý (lúc này ông Bình mới chỉ là giám đốc một công ty trong Tổng công ty Đường sắt) không đáp ứng được yêu cầu công việc của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là một Bộ lớn, lắm tiền nhiều của, mỗi năm ngốn hàng chục ngàn tỉ tiền Ngân sách Nhà nước và nhiều dự án đặc biệt như Dự án ODA xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ. Trách nhiệm của ngành giao thông vận tải đứng đầu là Bộ trưởng thật quan trọng và nặng nề đòi hỏi Bộ trưởng của ngành phải là người có đức, có tài quản lý để xây dựng và phát triển ngành trong thời kỳ đổi mới. Sau khi các đoàn đại biểu Quốc hội của từng tỉnh, thành phố họp bàn, xem xét, bỏ phiếu bầu thì ông Đào Đình Bình chỉ được khoảng 30% số phiếu bầu, không trúng cử Bộ trưởng, ông Bùi Danh Lưu được giữ lại làm Bộ trưởng thêm một thời gian mặc dầu ông Lưu đã đến tuổi được nghỉ hưu. Quốc hội khoá X, ông Lê Ngọc Hoàn được bầu làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Vậy mà đến Quốc hội khoá XI từ năm 2002 đến 2007 ông Đào Đình Bình vẫn được giới thiệu làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và ông Bình đã trúng cử. Sau hơn bốn năm ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, vì thiếu năng lực quản lý nên ông Bình đã để cho bọn cơ hội tham nhũng, thao túng hoành hành. Đầu năm 2006, ông Bình đã phải làm đơn xin từ chức. Lần đầu tiên ở nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có một Bộ trưởng xin từ chức vì không làm tròn trách nhiệm trước Quốc hội, nhân dân.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá X tôi chất vấn ông Nguyễn Công Tạn, Phó Thủ tướng Chính phủ:

1. Chương trình triệu tấn đường có đúng là do yêu cầu của thị trường trong nước không?

Trong chương trình cơ cấu lại nền sản xuất nước nhà, Chính phủ hô hào và chỉ đạo nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đã xảy ra tình trạng: nhiều nơi nông dân trồng mía thì nhà máy đường không mua, người nông dân phải chặt mía hoặc bán rẻ cho tư thương, trái lại nơi có nhà máy đường lại thiếu mía để sản xuất. Đề nghị Chính phủ cho biết nguyên nhân và biện pháp xử lý?

2. Từ năm 1992 cho đến năm 1999, năm nào Ngân sách Nhà nước cũng chi khoảng ba trăm đến bốn trăm tỉ đồng để phủ xanh đất trống đồi trọc. Đề nghị Chính phủ báo cáo cho Quốc hội biết đã phủ được bao nhiêu phần trăm đất trống đồi trọc rồi? Đến bao giờ thì chúng ta chấm dứt được việc này?

3. Trong báo cáo của Chính phủ năm nào cũng đề cập đến các tệ nạn phá đốt rừng bừa bãi gây nên tai nạn cháy rừng. Lâm tặc tự do vào rừng bắn cán bộ kiểm lâm, tự do chặt phá rừng lấy gỗ. Chính phủ đã có biện pháp gì kiên quyết để lập lại trật tự trong việc bảo vệ rừng?

Ông Nguyễn Công Tạn trả lời khơi khơi rằng: Chính phủ đang có kế hoạch giao đất, giao rừng cho dân để dân tự bảo vệ rừng. Còn chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc thì đã cấp kinh phí cho người trồng rừng, cứ mỗi hécta trồng rừng được cấp từ 250.000 đến 300.000đ nhưng hiệu quả ít lắm bởi vì thiếu kinh phí chăm bón thường xuyên. Hiện tượng đốt rừng làm nương rẫy vẫn xảy ra hàng ngày bởi người dân chỉ thấy cái lợi trước mắt, còn tác hại môi trường lâu dài thì không ai nghĩ đến - tình trạng lâm tặc phá rừng khai thác gỗ, bắn cán bộ kiểm lâm, đuổi kiểm lâm ra khỏi rừng cũng thường xẩy ra. Chính phủ dự định sẽ trang bị vũ khí cho cán bộ kiểm lâm, còn hiện nay thì không có súng.

Đến giờ nghỉ giải lao tôi hỏi ông Đoàn Khuê, Bộ trưởng Quốc phòng thì được biết súng đạn, vũ khí cầm tay vẫn có nhiều trong kho của quốc phòng.

"Thưa anh, anh nghĩ gì khi Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nói chúng ta không có súng để trang bị cho cán bộ kiểm lâm?"

Ông Đoàn Khuê mỉm cười:

"Không phải là chúng ta không có súng mà cách trang bị cho cán bộ kiểm lâm thế nào là phải có chính sách rõ ràng, có lẽ Quốc hội cần xem xét lại Luật Bảo vệ rừng."

Tôi gật đầu:

"Đúng thế, trong Luật Bảo vệ rừng phải dành cho cán bộ kiểm lâm một chương, họ cần được trang bị vũ khí để chiến đấu với bọn lâm tặc và cũng cần có chính sách đặc biệt cho cán bộ kiểm lâm. Họ phải được ưu tiên như quân đội."

Câu hỏi nghịch lý về người trồng mía và nhà máy mía đường thì ông Tạn trả lời chung chung. Từ năm 1992 đến 1997 Quốc hội khoá IX, ông Tạn là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quốc hội khoá X từ 1997 đến 2002 ông Tạn được bầu làm Phó Thủ tướng, ông hô hào nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo ông thì chỉ có cây mía mới xoá đói giảm nghèo được cho nông dân. Ông Tạn đã chỉ đạo các địa phương xây dựng bốn mươi lăm nhà máy mía đường và cho nhập khẩu hàng loạt máy móc công nghệ cũ kỹ lạc hậu của Trung Quốc. Cho đến tháng 5 năm 2003, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XI, ông Lê Huy Ngọ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời chất vấn trước Quốc hội: "Cho đến nay chỉ có 1/44 nhà máy mía đường là có lãi - ngành mía đường đã thua lỗ 1.400 tỷ đồng", còn người nông dân trồng mía thì đang khóc dở mếu dở.

Có những Bộ trưởng trả lời né tránh một cách tài tình. Có lần tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Trần Xuân Giá:

"Trong Nghị quyết Quốc hội, cải cách hành chính là khâu quan trọng đột phá. Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và ngân sách có đề cập đến những vướng mắc trong việc huy động vốn, bảo lãnh, thế chấp và giải ngân, lập dự toán thẩm định, phê duyệt dự án, đấu thầu, lĩnh vực nào cũng vướng mắc. Vừa rồi đồng chí Bộ trưởng có nói thủ tục đầu tư chưa nghiêm, đó là những tồn tại nhiều năm trong nền kinh tế chúng ta nhưng khắc phục còn chậm chạp, những tồn tại này nguyên nhân do đâu? Bộ trưởng có biện pháp gì để khắc phục, khai thông thủ tục đầu tư nhanh gọn, hiệu quả?"

Ông Giá trả lời:

"Câu hỏi liên quan đến vấn đề huy động vốn, cho vay vốn thẩm định còn chậm chạp khó khăn, nguyên nhân do đâu? Có lẽ xin phép báo cáo với Quốc hội, vấn đề này ngay từ đầu năm Quốc hội cũng đã nói nhiều về bộ máy hành chính của chúng ta trong cả nước, không phải chỉ hành pháp, lập pháp và tư pháp, vấn đề này để thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 thì chúng ta đang làm - Nguyên tắc và cũng là nguyên nhân, tất nhiên quyền hạn và trách nhiệm chưa đi đôi, quyền hạn và trách nhiệm chưa rõ ràng, do đó có tình trạng như nhiều đồng chí biết, có sự chậm trễ, mỗi người chịu một tý và không ai chịu chính cả. Cho nên về phía chúng tôi, chị Hương có nêu, trong lĩnh vực này, sắp tới đây với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước, không phải cơ quan tham mưu, chúng tôi sẽ làm 3 việc:

Một là lo chuẩn bị qui hoạch, lo các cơ chế chính sách.

Hai là (việc này thường lâu nay rất yếu) chúng tôi sẽ rất cố gắng làm, đó là thông tin để tránh sự trùng lặp, chồng chéo, các doanh nghiệp làm mà thiếu thông tin do đó trở nên thừa nhiều sản phẩm.

Ba là, tổ chức kiểm tra, thanh tra quá trình thực hiện.

Chị Hương có hỏi là làm những việc gì? Việc cụ thể có nhiều, nhưng tập trung vào ba khối việc lớn vậy."

Câu hỏi của tôi trọng tâm là vấn đề thủ tục đầu tư trong mọi lĩnh vực chưa nghiêm, khi trả lời Bộ trưởng Trần Xuân Giá lại nhấn mạnh vấn đề huy động vốn, cho vay vốn thẩm định còn chậm chạp v.v...

Tôi hỏi tiếp ông Trần Xuân Giá:

"Khi lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm, năm năm, mười năm, các nhà chiến lược có quan tâm đến tính dự báo của từng kế hoạch không?"

Ông Trần Xuân Giá nhận rằng:

"Chúng tôi có nghĩ đến tính dự báo, nhưng dự báo như thế nào thật là khó. Việc này có lẽ phải khắc phục dần dần..."

Vì thiếu tính dự báo cho nên nền kinh tế của đất nước ta mới chồng chéo trùng lặp. Các doanh nghiệp cùng đua nhau sản xuất một mặt hàng gây nên dư thừa sản phẩm hoặc trái lại những sản phẩm mà thị trường cần thì lại thiếu, gây nên sự khủng hoảng giả tạo và lộ trình phát triển nền kinh tế hầu như năm nào cũng mắc khuyết điểm như năm nào. Đó là nạn đầu tư dàn trải... từ Quốc hội khoá IX năm 1992. Đến kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đọc bản báo cáo ngày 16-5-2006, chủ đề bản báo cáo là quản lý, phân bổ, sử dụng các nguồn vốn lớn đặc biệt là nguồn vốn ODA. Thành tựu huy động vốn cho đầu tư phát triển là rất lớn: 274,3 ngàn tỷ đồng bằng 22,8% tổng đầu tư toàn xã hội và chiếm 28% tổng chi Ngân sách Nhà nước tập trung chủ yếu cho xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội. Như Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã nói: Kết quả là rất đáng kể nhưng còn nhiều tồn tại yếu kém lớn trên tất cả các khâu quản lý.

Có những Bộ trưởng có trình độ học vấn cao (Tiến sĩ) sâu sát, tinh thông công việc của ngành mình đang quản lý như Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đặng Vũ Chư... Các vị Bộ trưởng này trả lời chất vấn trước Quốc hội rất khoa học, khúc chiết, rõ ràng và dứt khoát, do đó mà uy tín của các vị này ngày càng được Quốc hội và nhân dân đánh giá cao.

Cứ 5 năm một lần, đến kỳ Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, các đoàn thể, vấn đề nhân sự là sôi nổi nhất. Nhà nước họp bàn nhân sự, người dân ở các quán nước bàn nhân sự, đâu đâu cũng nghe, ông này ở, ông này về, ông này lên, ông này xuống v.v... vui đáo để. Tiêu chuẩn nhân sự đúng luật lệ là phải thi cử tuyển chọn người hiền tài, nhưng ở thời này có lúc thì lấy tiêu chuẩn quá trình tham gia cách mạng lâu năm, có lúc thì lấy tiêu chuẩn bằng cấp, cho nên cái việc mua bằng, bán chữ cứ loạn cả lên - có người học chưa hết trung học phổ thông mà dám đăng ký lấy bằng tiến sĩ - vậy là nảy ra các trung tâm đào tạo, nhưng thực chất là cái chợ mua bán bằng cấp. Mỗi loại bằng đều có giá, có người cầm bằng tiến sĩ mà không viết nổi một bài báo ngàn chữ nhưng lại hám quyền lực nên họ mua bằng chạy chữ. Họ chạy như con thoi, sáng gặp anh A chiều gặp anh B, xe chở đầy đặc sản, hải sản các vùng miền và những gì gì nữa có trời mà biết, họ chạy vòng quanh tít mù như đèn cù. Người ta còn trắng trợn mặc cả với nhau. Vận động, xin phiếu cứ rối tung lên làm đau đầu các nhà tổ chức. Có một quy luật mà các nhân vật trong chính giới rất chú ý, đó là quy luật thăng tiến, con người vốn ham hố quyền lực tiền tài. Ví như có một người đã được làm Phó Chủ tịch rồi, là lại muốn tiến lên làm Chủ tịch. Theo cách nói quen thuộc của giới chính trị: "Con người không ngừng bước lên bậc cao hơn". Tôi biết có một quan chức cao cấp, ông được cơ cấu uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá... Trong quá trình tổ chức xem xét nhân sự ông bị gạt ra ngoài - ông đau đớn đến mất ăn mất ngủ. Nỗi khát khao leo cao khiến ông sau một đêm thao thức đã thay đổi tâm tính và bộ mặt. Bà vợ thương ông đi xem bói, thầy bói phán rằng: ông bị hãm là do ngôi nhà ông làm bị tụt vào trong, ông muốn lên cao hơn chỉ còn cách là kéo ngôi nhà nhô ra phía trước, thế là ông bèn đập nhà cũ xây lại nhà mới, mái nhà nhô ra gần lấp cả đường đi. Nhưng vận may thì không bao giờ đến với ông lần nữa!

(Nhà văn Đặng Thị Thanh Hương là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam Khoá IX.)
Nguồn: Tạp chí Nhà văn số 7/2007 (rút trong hồi ký Đi trong cuá»™c sống của Thanh HÆ°Æ¡ng, NXB Há»™i Nhà văn 2007). Đầu đề của bài này do talawas đặt.