trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học nước ngoài
4.2.2008
Norimitsu Onishi
Trào lưu tiểu thuyết cellphone ở Nhật
Phạm Văn lược dịch
 
Tokyo – Cho tới gần đây ở Nhật Bản, tiểu thuyết cellphone [1] – do các thiếu nữ dùng ngón tay cái khéo léo viết trên nút bấm điện thoại và được người hâm mộ đọc trên màn hình tí hon – không được xem như một tiểu thể loại có giá trị tại một quốc gia đã cho thế giới bộ tiểu thuyết đầu tiên của con người hàng thiên niên kỷ trước, Truyện Nguyên thị (Genji Monogatari). Trong tháng qua, bản đối chiếu cuối năm các tác phẩm bán chạy nhất cho thấy tiểu thuyết cellphone, tái bản thành sách, không những đã xâm nhập dòng chính mà còn lấn át tiểu thuyết truyền thống.

Trong số 10 cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất năm ngoái, năm cuốn bắt nguồn từ tiểu thuyết cellphone, phần lớn là chuyện tình trong những câu viết ngắn có đặc tính của lời nhắn nhưng ít có cốt truyện hoặc khai triển nhân vật như trong tiểu thuyết truyền thống. Hơn thế nữa, ba cuốn dẫn đầu là tác phẩm đầu tay của các tiểu thuyết gia cellphone, khiến gây nên tranh luận trong giới truyền thông và thế giới nhật ký mạng.

“Tiểu thuyết cellphone liệu có giết chết ‘tác giả’ hay không?” tờ tạp chí văn học nổi tiếng Bungaku-kai đặt câu hỏi trên trang bìa của ấn bản tháng Giêng. Giới hâm mộ ca tụng tiểu thuyết cellphone như một thể loại văn chương mới, do thế hệ có thói quen đọc manga (truyện bằng tranh) sáng tác và tiêu thụ. Các nhà phê bình nói vị thế áp đảo của tiểu thuyết cellphone, với phẩm chất tồi về văn chương, sẽ đẩy văn học Nhật xuống dốc nhanh chóng.

Bất kể tài văn chương của họ thế nào, các tiểu thuyết gia cellphone đang bán chạy tới mức phần lớn tiểu thuyết gia truyền thống nhiều kinh nghiệm hơn chỉ có thể mơ tới.

Rin, một tiểu thuyết gia cellphone 21 tuổi, viết “If You” trong sáu tháng khi học năm cuối tại trường trung học. Trên đường đi tới nơi làm việc bán thời gian hoặc bất cứ lúc nào có khoảnh khắc rảnh rỗi, cô bấm những đoạn văn lên điện thoại cầm tay của mình và tải lên trên một trạm mạng phổ biến của những người hy vọng làm nhà văn.

Sau khi độc giả cellphone xếp hạng nhất cho tiểu thuyết của cô, truyện của cô viết về mối tình ngang trái giữa hai người bạn thời thơ ấu đã biến thành cuốn sách bìa cứng 142 trang hồi năm ngoái. Theo bản liệt kê được theo dõi chặt chẽ của Tohan, một nhà phát hành lớn, sách bán được 400.000 bản và trở thành cuốn tiểu thuyết bán chạy thứ 5 trong năm 2007.

Rin nói: “Mẹ tôi thậm chí không biết tôi đang viết tiểu thuyết”, như nhiều tiểu thuyết gia cellphone khác, tên cô chỉ có một chữ. “Vì vậy khi tôi nói với bà, ồ, con sẽ ra mắt một cuốn tiểu thuyết, bà có vẻ như, chuyện gì vậy? Bà không tin tới khi sách in ra và xuất hiện trong các hiệu sách”.

Tiểu thuyết cellphone ra đời năm 2000 sau khi một trạm mạng giúp làm trang nhà, Maho no i-rando, thấy rằng nhiều người đang viết tiểu thuyết trên blog của họ; trạm mạng bèn chắp vá software của mình để cho phép người sử dụng tải lên những gì đang viết dở dang và cho người đọc phê bình, từ đó tạo nên tiểu thuyết cellphone xuất hiện từng kỳ. Nhưng theo Maho no i-rando, số người tải tiểu thuyết lên mạng chỉ mới bắt đầu tăng mạnh từ hai ba năm trước, và số tiểu thuyết đăng trên mạng lên tới một triệu trong tháng qua.

Sự bùng nổ dường như được châm ngòi nhờ một phát triển chẳng dính dáng gì tới văn hoá hay tiểu thuyết, mà vì quyết định của các công ty cellphone cho phép truyền đi không giới hạn các gói dữ kiện, như tin nhắn bằng chữ, với giá thuê bao cố định hàng tháng. Nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất, Docomo, bắt đầu đưa ra dịch vụ này hồi giữa năm 2004.

Shigeru Matsushima nói: “Trước đó hoá đơn cellphone dễ lên tới 1.000 đô la, vì thế nhiều người gọi nó là ‘tin báo tử’, và bạn sẽ không nghe tới họ nữa trong một thời gian dài”, ông là biên tập viên chuyên quan sát sách tải lên mạng của Starts Publishing, một công ty hàng đầu tái xuất bản tiểu thuyết cellphone thành sách.

Giá dịch vụ cellphone thoải mái trùng hợp với sự trưởng thành của một thế hệ người Nhật thích dùng cellphone hơn là máy vi tính, cellphone gắn liền với cuộc sống của họ từ khi học trung học cơ sở. Vì thế họ đọc tiểu thuyết trên cellphone, dù các trang mạng đó cũng đọc được trên máy vi tính. Họ bấm tin nhắn bằng ngón tay cái với tốc độ nhanh chóng mặt, và dùng các lối diễn tả và chuỗi ký tự nhìn giống như khuôn mặt đang cảm xúc (emoticon), chẳng hạn như nụ cười mỉm và các nốt nhạc, mà những người trên 25 tuổi không hiểu nét độc đáo của chúng.

“Chẳng phải họ có thôi thúc viết văn và cellphone tình cờ có mặt”, Chiaki Ishihara nói, một chuyên gia văn học Nhật tại Đại học Waseda nghiên cứu về tiểu thuyết cellphone. “Thay vào đó, trong lúc trao đổi điện thư, món vật dụng gọi là cellphone này thấm dần vào họ một ước muốn viết văn”.

Thật vậy, theo các nhà xuất bản, nhiều tiểu thuyết gia cellphone trước đó chưa bao giờ viết truyện hư cấu, và nhiều độc giả của họ trước đó chưa bao giờ đọc tiểu thuyết.

Người viết không được trả tiền cho công việc của họ trên mạng, không biết nó được đọc bao nhiêu triệu lượt. Phần thưởng, nếu có, là khi tiểu thuyết được tái xuất bản và bán thành sách. Độc giả được truy cập không tốn tiền trên mạng có đăng tiểu thuyết, hoặc trả nhiều lắm là 1 hay 2 đô mỗi tháng, nhưng các trạm mạng kiếm tiền phần lớn nhờ quảng cáo.

Các nhà phê bình nói tiểu thuyết cellphone phát triển nhờ thể loại được giới trẻ ham thích ngấu nghiến: truyện bằng tranh. Trong tiểu thuyết cellphone, các nhân vật có khuynh hướng không phát triển và được mô tả mỏng, các đoạn văn thường rời rạc và có lời đối thoại.

Mika Naito nói: “Theo truyền thống, người Nhật tả cảnh một cách tình cảm, như ‘Chiếc xe lửa ra khỏi đường hầm dài đi vào xứ tuyết’ ”, bà nhắc lại một câu mở đầu nổi tiếng trong cuốn Xứ Tuyết của Yasunari Kawabata.

“Trong tiểu thuyết cellphone, bạn không cần như vậy”, bà Naito, 36 tuổi, gần đây bắt đầu viết tiểu thuyết cellphone khi nhà xuất bản của bà thúc giục, bà nói: “Nếu bạn giới hạn vào một chỗ nào đó, người đọc sẽ không thể cảm thấy quen thuộc”.

Viết dưới ngôi thứ nhất, nhiều tiểu thuyết cellphone đọc như nhật ký. Phần lớn tác giả là các thiếu nữ đào bới chuyện tâm tình, có lẽ họ là hậu duệ tinh thần của Shikibu Murasaki, người thị nữ trong cung hồi thế kỷ 11 viết Truyện Nguyên thị.

Theo Maho no i-rando, “Love Sky” là tiểu thuyết đầu tay của một thiếu nữ tên Mika, được 20 triệu người đọc trên cellphone hoặc trên máy vi tính. Một truyện bi luỵ sướt mướt, mô tả dục tính thời niên thiếu, hãm hiếp, mang thai và một căn bệnh chí tử – những thứ tuyệt đối cần thiết của thể loại này – tuy nhiên tiểu thuyết này nắm bắt được phong cách, lối nói quen thuộc của thế hệ trẻ và sự có mặt khắp nơi của cellphone. Tái xuất bản thành sách, nó trở nên cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất năm ngoái và được làm thành phim.

Với sự áp đảo của tiểu thuyết cellphone trên dòng chính, các nhà phê bình không còn gạt bỏ chúng nữa, tuy một số người nói nên liệt chúng cùng loại với truyện bằng tranh hoặc nhạc pop.

Rin nói thế hệ của cô lãnh đạm với tiểu thuyết thông thường.

Cô nói: “Họ không đọc các tác phẩm của nhà văn chuyên nghiệp vì câu văn quá khó hiểu, cách diễn tả thường dài dòng, và cốt truyện không quen thuộc. Mặt khác, tôi hiểu người Nhật lớn tuổi không muốn thừa nhận đây là tiểu thuyết. Các đoạn văn và câu viết quá đơn giản, cốt truyện quá dễ đoán. Nhưng tôi muốn tiểu thuyết cellphone được công nhận như một thể loại”.

Sự phổ biến của thể loại tiểu thuyết cellphone khiến nhiều người viết nó hơn, mặc dù xuất hiện một câu hỏi về sự hiện hữu của nó: có thể gọi một tác phẩm là tiểu thuyết cellphone nếu nó không viết bằng cellphone, mà bằng máy vi tính, hoặc khó có thể tưởng là bằng chữ viết tay hay không?”

“Khi một tác phẩm viết bằng máy vi tính, nét độc đáo của số dòng sẽ khác, và nhịp điệu sẽ khác với khi viết bằng cellphone”, Keiko Kanematsu nói, biên tập viên của nhà xuất bản tiểu thuyết cellphone, Goma Books. “Một số người hâm mộ bảo thủ sẽ không xem đó là tiểu thuyết cellphone”.

Tuy nhiên, một số khác nói thể loại không do công cụ dùng để viết quyết định.

Bà Naito, tiểu thuyết gia, nói bà viết trên máy vi tính và gửi bản văn tới điện thoại của mình, từ đó bà dàn xếp lại tác phẩm. Không như các tiểu thuyết gia cellphone lần đầu trong lứa tuổi thiếu niên hay ngoài 20, bà nói bà viết trên máy vi tính thoải mái hơn.

Nhưng ít nhất một người thuộc thế hệ cellphone đã chuyển sang máy vi tính. Một năm trước, một ngôi sao trẻ của Starts Publishing, là Chaco đã bỏ cellphone dù cho cô có thể viết nhanh hơn nhiều bằng cách bấm ngón tay cái của mình.

Ông Matsushima của Starts Publishing nói: “Vì viết trên cellphone, móng tay của cô cắt vào thịt làm chảy máu”.

Ông nói thêm: “Từ khi chuyển sang máy vi tính, ngữ vựng của cô ấy phong phú hơn và câu văn cũng dài hơn”.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Điện thoại cầm tay
Nguồn: Norimitsu Onishi, “Thumbs race as Japan’s best sellers go cellular”, New York Times, 20/1/2008