trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Thế hệ @
  1 - 20 / 34 bài
  1 - 20 / 34 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiThế hệ @
9.6.2003
Thúy Phượng
Thế hệ Y của Y
 
Generation Y đang là một đề tài sôi nổi trên các báo chí và Internet. Thế hệ Y là gì mà người ta lưu ý đến nó nhiều vậy? Thế hệ này bao gồm tất cả những người sanh từ 1980 đến nay. Tôi sanh năm 1980 tại Sài Gòn. Là một trong những người đi đầu của thế hệ Y, tôi rất hân hạnh được cơ sở Truyền Thông yêu cầu viết về đề tài này. Thật ra, tìm hiểu và bàn luận về thế hệ của chính bản thân mình là một việc vô cùng lý thú và bổ ích. Trong bài viết này, tôi sẽ đề cập đến thế hệ trẻ nói chung, thế hệ trẻ tại Việt Nam nói riêng, và vài dòng về thế hệ trẻ Việt Nam trưởng thành tại hải ngoại.

Tại Hoa Kỳ, thế hệ Y bao gồm hơn 70 triệu người, và là nhóm thanh thiếu niên đông nhất trong lịch sử Bắc Mỹ. Trong vòng 10 năm nữa, nhóm này sẽ chiếm 41% dân số toàn quốc. May mắn hơn nhiều thế hệ cha ông, thế hệ Y đã được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ thịnh vượng, giàu có nhất của Bắc Mỹ. Thất nghiệp không phải là mối lo chính của họ. Họ hầu như không biết đến đói khổ, thiếu thốn như hàng triệu trẻ em khác đang sống khắp nơi trên thế giới.

Ðể hiểu rõ vị trí của thế hệ Y trong lịch sử Hoa Kỳ, chúng ta hãy xét lại một vài thế hệ đi trước. Năm 1945 khi Hoa Kỳ đánh bại Nhật Bản với quả bom nguyên tử tàn khốc là thời kỳ mở đầu của thế hệ Babyboomer. Trong suốt thế chiến thứ hai, hầu hết phụ nữ Mỹ đã phải rời khỏi bếp núc, rời khỏi địa vị nội trợ để thay nhau làm việc ngày đêm trong các nhà máy công nghiệp. Chồng và con trai của họ vì nghĩa vụ quốc gia đã phải đi xa đánh giặc để giữ "chính nghĩa và hòa bình". Vì thế, phái đẹp đã phải thay thế phái mày râu để duy trì nguồn lao động của đất nước. Sau thế chiến, khi những người lính thắng trận trở về thì nhiều người phái nữ không muốn rời bỏ việc làm. Họ không muốn quay về vai trò của người nội trợ nữa, mà muốn đứng lên tranh tài với nam giới trong xã hội. (đây là thời điểm quan trọng trong phong trào giải phóng phụ nữ). Sau 1945, vì Hoa Kỳ đã chiến thắng và vì sức lao động toàn quốc đã gia tăng rất nhiều nên người dân sống một thời kỳ sung túc về vật chất. Một khi con người có hòa bình, có nhiều tiền thì họ thích sinh con. Do đó dân số nước Mỹ vụt cao, đánh dấu một thế hệ trẻ mới: thế hệ Babyboomer. Thế hệ Babyboomer đã sống trong thời kỳ thịnh vượng của nước Mỹ, hầu như ai cũng có việc làm. Nhưng đàn em của họ, thế hệ X, thì kém may mắn hơn. Họ kiếm việc làm khó khăn, vì hầu hết tất cả công việc đã bị Babyboomers chiếm chỗ. Vì số người của thế hệ X ít hơn thế hệ Babyboomers nhiều nên họ đành phải cắn răng kêu trời và đành chịu đàn áp trên thị trường lao động. Hôm nay, những người của thế hệ Babyboomers đã vào tuổi 40- 60; những người của thế hệ X vào tuổi 30-40. Thế hệ Y chính là con cháu của thế hệ Babyboomers. Trong vài năm nữa, khi nhóm thanh thiếu niên này bước vào tuổi đi làm thì thế hệ Babyboomers sẽ bắt đầu về hưu. Do đó, thế hệ Y sẽ có rất nhiều cơ hội, sẽ không phải sợ thất nghiệp vì họ có thể thay thế một cách thoải mái những việc làm mà cha mẹ họ nhường lại.

Ðặc điểm chính của thế hệ này là họ sống trong một xã hội kỹ thuật tân tiến (high technology). Từ thuở chập chững học mẫu giáo, họ đã bắt đầu làm quen sử dụng máy điện toán. Lúc trước, trẻ em thường chơi đùa với nhau bằng những trò chơi thật đơn giản và vô tư như nhảy dây, đánh cầu, trốn tìm...Bây giờ, những trò chơi ấy dường như đã lạc hậu. Trẻ em ngày nay thích chơi games trên máy điện toán, và các kỹ sư chế tạo phần mềm lúc nào cũng rán nặn óc ra những trò chơi mới để phục vụ thế giới nhi đồng. Máy điện toán cũng chưa đủ, thế hệ Y còn lớn lên trong phong trào chơi Nintendo và những đồ chơi robot điều khiển từ xa. Và điều quan trọng nhất: đây là thế hệ đầu tiên chứng kiến sự thành công và phát triển, với tốc độ ánh sáng, của mạng lưới Internet toàn cầu. Ðó là một trong những thành công cao nhất trong lịch sử nhân loại.


Khi đến Canada năm 1994, tôi hoàn toàn không biết Internet là gì. Mặc dù không biết chính xác Internet bắt nguồn từ thời điểm nào, nhưng vào thời gian ấy hầu như tôi không nghe nói đến danh từ này. Những năm đầu tiên, tôi đã tốn nhiều tiền để giữ liên lạc với các bạn bè qua thư từ. Năm 1997, gia đình tôi hân hoan gia nhập vào mạng lưới thế giới. Và đến đầu thiên niên kỷ mới thì hầu như các bạn của tôi trên khắp thế giới, kể cả Việt Nam, đều có Internet tại tư gia. Cách đây không lâu, người ta còn hỏi nhau: "Bạn có địa chỉ email không?" hay "Bạn có máy điện toán không?" Ðến năm 2002 thì những câu hỏi như vậy trở nên hơi thừa, nếu không nói là buồn cười. Giờ đây, tôi và các bạn trên toàn cầu không còn phải tốn mực, tốn tem nữa mà chỉ cần email hay hẹn nhau lên Internet để trò chuyện giải trí. Ðây là một sự thay đổi mà nhiều khi nghĩ lại tôi cũng không ngờ được. Và càng ngày sự thay đổi ấy càng lớn. Ví dụ, cách đây vài năm tôi vẫn còn phải chép bài trong lớp và đến thư viện để xem bài giải. Nhưng những điều ấy dần dần trở thành lạc hậu. Ngày nay, sinh viên vô lớp chỉ cần nghe giáo sư giảng, tất cả những bài giảng đều được đưa vào hệ thống Internet. Mỗi tối chủ Nhật, tôi lên Internet để in những bài giảng ấy, và không hiểu gì thì email hỏi thầy hoặc trao đổi trực tiếp với bạn qua mạng. Nói cách khác, sinh viên ngày nay không có máy điện toán thì học khó khăn.Ðiếu ấy cho ta thấy rằng đời sống của thế hệ trẻ càng ngày càng lệ thuộc vào kỹ thuật tân tiến, trong đó Internet chiếm vị trí hàng đầu.

Một số bạn trẻ của thế hệ Y đã bắt đầu đi làm, và những người giám đốc đang rất là nhức đầu với các công nhân mới ra lò này. Khi bị chủ rầy la thì những công nhân lớn tuổi thường "cắn răng chịu đựng" vì họ tôn trọng chủ và nhất là vì họ cần tiền. Ðối với thế hệ Y thì cái uy của chủ không còn áp dụng được nữa. Họ rất là bướng bỉnh, và sòng phẳng. Hãng của ba tôi chuyên làm các công cụ ngành hàng không và là một điển hình. Ba nói rằng cách cư xử của những người trẻ rất khác so với người lớn. Khi chủ tỏ ra lớn tiếng là họ sẵn sàng rời bỏ công việc. Có người còn bất bình đến độ cãi tay đôi với chủ. Phải chăng thế hệ này được học cao nên lòng tự ái của họ cũng rất cao? Có thể! Hơn nữa, ngoài lương bổng họ còn xem những yếu tố khác quan trọng hơn, ví dụ như môi trường làm việc, điều kiện làm việc...Vì họ đã sống trong một xã hội quá sung túc, chưa ngày nào biết nếm mùi đói khổ cả nên họ rất ghét sự chịu đựng. Quan niệm chung của bọn trẻ này là: thích thì làm, không thích thì đi. Mặc dù ban đầu nhiều người nghĩ họ có vẻ quá đáng, nhưng suy cho cùng thì họ có lý. Thật vậy, tại sao họ lại phải chịu đựng chủ hay một công việc khi họ có thể đổi biết bao công việc khác? Khi phần lớn thế hệ Babybomers về hưu nhường chỗ lại cho thế hệ X và Y thì những "triệu chứng bướng bỉnh" này sẽ càng thấy rõ. Bọn trẻ đổi việc liên miên như thay áo, họ đổi cho đến khi tìm được một công việc lý tưởng nhất. Nói tóm lại, nhiều người manager rất ngại mướn những thanh niên trẻ này vì tính ngang bướng cũng như bản chất không chung thủy của họ. Tuy nhiên, không mướn cũng không được vì họ sẽ dần dần trở thành tầng lớp lao động chính của đất nước.Muốn huấn luyện, xoay xở, chiếm được cảm tình của thế hệ Y và khiến họ trở nên trung thành với công ty là một trong những tài năng hàng đầu mà một người giám đốc cần có ngày nay.

Mặt khác, thế hệ Y là một thế hệ tài giỏi và nhiều hoài bão. Vì họ đã quen chơi Nintendo và dùng máy điện toán từ nhỏ nên họ có một bộ óc nhanh nhẹn, đa dạng. Ví dụ, một cô nhân viên trẻ làm trong ngân hàng có thể vừa tiếp khách, vừa nói điện thoại, vừa tính sổ, vừa theo dõi màn ảnh vi tính cùng một lúc. Một ví dụ khác là sinh viên ngày nay làm bài càng ngày càng nhanh. Mỗi bài thi của tôi là khoảng 120 câu hỏi (đánh dấu A,B, C, D, E) trong vòng 3 giờ. Không biết những sinh viên khác nghĩ gì, nhưng mỗi lần làm bài thi tôi cảm thấy mình giống như một robot. Mỗi câu hỏi thí sinh chỉ đọc một lần là phải biết làm ngay, không có thời giờ đọc lần thứ hai. Nhà trường canh giờ rất hay: khi tôi đặt bút viết câu trả lời cuối cùng thì thường chuông cũng bắt đầu reng báo hiệu hết giờ thi. Nhiều khi nghĩ lại tôi cũng không hiểu tại sao mình có thể làm nhanh như vậy.Ðúng thế, xã hội công nghiệp luôn luôn huấn luyện những con người làm việc nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn, xuất sắc hơn, và giống người máy hơn!

Lúc trước, người ta có thể trở nên giàu có, thành công trong xã hội mà không cần phải học nhiều. Nhất là những người thuộc gia đình "con ông cháu cha" vẫn có thể sống sung túc suốt đời với một đầu óc rỗng toét. Nhưng bây giờ trong một xã hội tự do, bình đẳng như Mỹ, Canada, Úc và Châu Âu thì những người may mắn như thế rất ít. Như một điều lệ xã hội, chúng ta ngày nay luôn đặt học vấn đi đôi với thành công. Gen Y nhận thức điều đó, và dù là nam hay nữ họ xem học vấn quan trọng. Sự cạnh tranh bước vào những ngành khó (như kỹ sư, y, nha, dược, vi tính...) cũng như các trường đại học nổi tiếng càng ngày càng khắc liệt. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên bước vào trường y khoa McGill, thầy hiệu trưởng đã phát biểu một câu rất đúng. Ông nói rằng số học sinh đăng ký vào y khoa càng ngày càng đông và nhiều khi ban tuyển chọn phải do dự lâu không biết chọn thí sinh nào vì ai cũng giỏi cả, không ai chịu thua ai! Khi thế hệ trẻ ra trường, họ sẽ phải tiếp tục phấn đấu, cạnh tranh với những người đồng nghiệp nếu họ muốn đạt được những thành quả đáng chú ý, dù đó là danh vọng, tiền bạc, hay địa vị xã hội.

Về mặt thương mại, thế hệ Y là nhóm người tiêu dùng mà hầu hết các công ty đang dồn tâm sức nhắm vào. Mỗi năm, nhóm người này tiêu 270 tỷ USD. Con số này tuy khủng khiếp nhưng đó là sự thật. Mỗi lần đi shopping đọc giả hãy để ý xem. Trong các cửa tiệm, số người mua hàng hóa nhiều nhất không phải là những người đang đi làm mà đại đa số là giới trẻ. Tại sao? Có người cho rằng tại vì họ chưa đi làm nên chưa biết quý đồng tiền. Tôi thì không nghĩ vậy. Ở xứ này hầu hết các học sinh đều làm việc trong mùa hè để kiếm thêm tiền. Họ biết rằng kiếm tiền không phải dễ, vì những công việc dành cho học sinh đa số là trả lương thấp, nhưng họ vẫn thích tiêu xài. Theo tôi, chúng ta đang sống trong một xã hội rất vật chất, và ai cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Giới trẻ ngày nay tiêu bao nhiêu tiền của bố mẹ vào quần áo, giày dép, trang sức, xe hơi, trò chơi điện tử, máy điện toán & phụ tùng, CD/DVD, các loại máy nghe nhạc, vũ trường, bar...Trong những thứ ấy phải nói rằng quần áo và giày dép là xếp hàng đầu. Nhiều phụ huynh phải nhức đầu bởi sự đua đòi của con cái: "Mẹ ơi, mấy bạn ai cũng có áo hiệu này. Con cũng muốn có một cái!" hay là: "Hiệu này tốt lắm, ai cũng mặc. Ba không mua thì con sẽ không đi học đâu!" Những câu nhõng nhẽo đua đòi như vậy tôi đã nghe rất nhiều, đặc biệt là từ em trai tôi. Mỗi lần mà nó mua giày thì tôi chắc chắn rằng đôi của nó lúc nào cũng đắt hơn 3-4 lần giầy của ba mẹ tôi. Ðôi lúc tôi có cảm giác rằng giới trẻ ngày nay đến trường không chỉ để học mà còn để biểu diễn thời trang nữa. Nhiều khi tôi giận em tôi vì tính thích xài "đồ hiệu" của nó nhưng suy nghĩ kỹ thì nó không có lỗi. Tại vì xã hội nó sống đặt quan trọng vào vật chất như vậy! Tất cả các công ty sản xuất hàng hóa đều có chuyên gia tìm hiểu thị trường. Họ sản xuất một món hàng mới và dùng mọi kỹ thuật tinh xảo để món hàng ấy trở nên mode, cũng như dùng mọi hình thức quảng cáo để moi tiền của giới trẻ. Ba mẹ tôi phải đương đầu với những câu hỏi hóc búa của em tôi như: "Tại sao bạn con có được mà con không được?" Ðó là tâm trạng của tất cả thiếu niên, nhất là từ 10 đến 16 tuổi, mà tiếng Anh gọi là Peer Pressure. Các nhà tâm lý học giải thích rằng những người vào lứa tuổi này đang phát triển rất mạnh về cơ thể bề ngoài: trong vài năm, một cô bé lột xác trở thành một thiếu nữ, một cậu con trai biến thành một người đàn ông to cao. Vì thế, họ rất sợ thua kém bạn bè và sợ bị bạn bè chê cười, nhất là về ngoại hình.Vào tuổi này, ai cũng muốn đẹp, ai cũng muốn mình hấp dẫn.Các công ty hiểu rất rõ điểm yếu này của bọn trẻ và tìm mọi cách dụ chúng xài tiền, nhất là khi Internet trở thành một công cụ quảng cáo vô cùng hiệu quả.

Trong vài năm nữa, phần lớn các bạn trẻ này sẽ tốt nghiệp đại học, rồi ai cũng sẽ bắt đầu tậu nhà, tậu xe, mua bảo hiểm mọi mặt. Giới nghiên cứu tin rằng thói quen mà nhóm trẻ sẽ tiêu tiền ngày mai sẽ không khác hôm nay. Vì thế, những công ty nào không thể lấy lòng bọn trẻ thì sớm hay muộn trong tương lai cũng sẽ phải mất thị trường cho các công ty khác. Những hiệu như Nike, Levis Strauss hiện không thể cuốn hút thế hệ Y một cách mãnh liệt như đã cuốn hút thế hệ Babyboomer, và các công ty này đang phải đấu tranh rất nhiều để dành lại thị trường. Chẳng hạn, Levis Strauss đang bị mất dần những khách trẻ vì chúng có khuynh hướng thích Hilfiger jeans hơn. Mặt khác, một số nhà phân tích cho rằng con người càng ngày càng thông minh vì xã hội tiêu thụ càng ngày càng phong phú. Một ví dụ đơn giản là nước giải khác. Cách đây chẳng bao lâu, khi người ta vào một quán giải khát và kêu nước có gas thì thường chỉ có 2 loại: Cocacola hoặc là seven-up. Nhưng bây giờ, ở bất cứ một quán nước nào quý vị cũng có thể thưởng thức từ 5 đến 10 loại khác nhau: orange crush, cook, Ice-tea, rootbeer, Canadadry, seven-up etc... Rồi mỗi loại còn chia ra regular hay diet. Bởi vậy, nhiều khi đi ăn ngoài tôi do dự không biết lựa thứ nào. Ðây là một điển hình đơn giản rằng hàng hóa ngày nay phong phú, đa dạng đến độ nào. Chỉ nước có gas thôi mà đã bao nhiêu thứ thì nói chi đến quần áo, mỹ phẩm. Người tiêu dùng càng ngày càng phải đối diện với nhiều sự lựa chọn và khi lúc nào đầu óc cũng phải suy nghĩ để lựa chọn thì con người sẽ thông minh hơn???

Bước vào thiên niên kỷ mới, tôi quan sát một khuyết điểm chung của giới trẻ. Ðó là sự mau nhàm chán. Sống trong một xã hội đầy đủ vật chất, nếu không nói là quá dư thừa, con người ít khi thích điều gì một cách lâu dài. Các kỹ sư chế tạo phần mềm phải luôn nặn óc tìm ra những trò chơi điện tử mới vì ít đứa trẻ nào chịu chơi một trò hơn ba tháng. Các nhà vẽ kiểu cũng phải thay đổi mode không ngừng để phục vụ phái đẹp (nhiều khi tôi thấy những cái áo trông rất là kỳ quặc, tôi cười trong bụng chắc nhà vẻ mode này hết kiểu!). Về phương diện nghệ thuật, số ca sĩ hay tài tử có thể duy trì sự thành công của họ một cách lâu dài thì tương đối hiếm. Phần lớn lên đài danh vọng rất nhanh, và chẳng bao lâu tên tuổi của họ cũng bị quên lãng vì khán thính giả mau nhàm chán. Không ai phủ nhận rằng con người thời đại luôn luôn thích đổi mới, nhưng tôi nghĩ bản tính ấy thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết trong thế hệ Y. Khi họ thích một điều gì thì đam mê một cách cuồng nhiệt, nhưng khi không thích nữa thì ngoảnh mặt không đắn đo.

Có lẽ, tình yêu và tình dục là một chứng minh cụ thể. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà tỷ lệ ly dị tăng đến mức chóng mặt. Trong nhóm bạn của tôi thì 3/4 đã trưởng thành trong những gia đình tan vỡ. Họ sống một tuần với ba, một tuần với mẹ, và cứ như thế năm này qua năm khác cho đến khi 18 tuổi thì họ thuê phòng ra riêng. Vật chất thì họ hơn tôi nhiều nhưng họ thiếu tình thương gia đình. Nhận không đủ tình thương từ cha mẹ, họ đi tìm kiếm mù quáng tình yêu lứa đôi cũng như tình dục từ tuổi khá trẻ. Tôi biết những cô bạn gái, họ thay đổi bạn trai như thay đổi áo mới vậy. Hơn nữa, tôi nhớ hồi học lớp 10 có lần thầy giáo hỏi trong giờ dạy về tình dục học (sexual eduation): "Raise your hand if you had or have been engaged in a sexual relationship?" Tôi không thể tin vào mắt mình: hầu hết cả lớp đều giơ tay. Các bạn tôi không những không mắc cỡ mà còn lộ vẻ mặt hãnh diện nữa. Có lẽ tôi mới ở Việt Nam qua nên chưa quen với những nếp sống tự do như vậy. Tuy nhiên, nhiều lúc tôi tự hỏi: phải chăng con người vì sống quá đầy đủ nên dễ nhàm chán mọi thứ, ngay cả tình yêu và tình dục cũng vậy???

Bất cứ thế hệ nào cũng có những nét tiêu biểu, những nét hay cũng như những nét không hay. Theo tôi nghĩ, xã hội và khoa học hiện đại đang hình thành một thế hệ Y thông minh, tháo vát, siêng năng. Thế hệ này làm việc nhiều và vui chơi cũng nhiều, chịu đựng stress nhiều và hưởng thụ cũng nhiều. Bên cạnh đó, tính ngang bướng khó dậy và sự mau nhàm chán là hai khuyết điểm mà tôi thường gặp trong những người đồng lứa. Thế hệ Y, còn được gọi thế hệ Millennium, là tương lai gần của nhân loại. Tôi hi vọng rằng con người trong thiên niên kỷ mới này sẽ có thể sống hạnh phúc trong tình yêu và hòa bình, mà không phải chứng kiến những cuộc chiến tranh đẫm máu như những thế hệ của thế kỷ 20 đã trải qua.


Thế hệ trẻ tại Việt Nam

Khi cùng gia đình đến định cư tại Canada thì tôi vừa tròn 15 tuổi. Tôi xin viết vài dòng về thế hệ trẻ tại Việt Nam, dựa vào những quan sát và kinh nghiệm của bản thân trong 15 năm sống tại Sài gòn, cũng như dựa vào những thông tin liên lạc từ các bạn đồng tuổi tại quê nhà. Tuy nhiên, "Thế hệ trẻ tại Việt Nam" là một chủ đề không dễ viết vì nó mang nhiều nét mâu thuẫn và liên quan đến nhiều vấn đề chính trị, xã hội.

Sau khi học nhiều năm tại Canada và suy ngẫm về nhưng ngày tháng ngồi trên ghế nhà trường ở Việt Nam, tôi cảm thấy ngành giáo dục tại quê nhà cần nhiều sự cải cách. Trước hết, học sinh thường học theo kiểu nhồi sọ, có nghĩa là học thuộc lòng thì nhiều mà những phương pháp dạy hiểu một cách logic thì ít. Nói cách khác, học sinh học nhiều nhưng thực sự hiểu chẳng bao nhiêu. Tôi có hai cô bạn mới sang Mỹ du học. Họ tâm sự với tôi rằng từ khi qua Mỹ họ rất thích môn toán, một môn thường làm họ nhức đầu hồi ở Việt Nam. "Bên này, mình học ít hơn nhưng mình hiểu rõ và vì thế có thể áp dụng những gì mình học, còn ở Việt Nam thì học thuộc lòng nhiều nên lãnh bằng tốt nghiệp xong là quên hết, ít có thể áp dụng được những gì mình học!". Hơn nữa, số giờ mà học sinh học ở lớp quá nhiều so với số giờ tự học ở nhà. Khi còn ở trường trung hoc Trần Hưng Ðạo, tôi nhớ lớp bắt đầu 7 giờ sáng cho đến 12 giờ, chỉ có ngày Chủ Nhật là được nghỉ. Sau giờ cơm trưa, tôi phải đi học thêm, nào là Toán, Lý, Hóa, Việt Văn, Anh Văn vv...Tình trạng "học thêm" làm cho học sinh khổ sở lắm. Các thầy cô giáo cứ than phiền rằng giờ học trong lớp không đủ nên phải mở thêm lớp dạy tại tư gia. Thật ra, vì lương bổng giáo viên quá khiêm tốn nên các thầy cô phải làm thêm "overtime" để kiếm miếng ăn. Thường thường, trong giờ học thêm thầy cô mới thật sự giảng kỹ, và cho học sinh thực tập nhiều những câu hỏi tương tự như trong bài thi. Nên, học sinh nào dù dở hay giỏi cũng đều cảm thấy bắt buộc phải đi học thêm. Tôi nhớ ngày xưa, dù trời nắng hay mưa, tôi phải "chạy sô" đi học thêm hết nhà cô này đến nhà thầy khác còn hơn ca sĩ chuyên nghiệp chạy sô nữa. Tôi nghĩ rằng đó là một vấn đề xã hội nan giải, học sinh không có lỗi mà thầy cô cũng không có lỗi. Chỉ là xã hội nó nghèo thì đành chịu. Trừ khi nào lương bổng giáo viên được trọng hậu như giáo viên ở các nước Tây Phương thì tình trạng mới mong thay đổi.

Theo tôi, giới trẻ tại Việt Nam có thể nói chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất học rất là giỏi. Họ chăm chỉ ngày đêm, chỉ mong có một tương lai tươi sáng hơn cha mẹ của họ. Họ học hết sức mình, chỉ mong kiếm được một công việc ổn định trong một xã hội quá đông người. Tôi tự coi mình là một học sinh khá siêng năng, nhưng tôi không khỏi khâm phục rất nhiều người bạn khác tại quê nhà. Họ học như một cái máy, học ngày học đêm không biết mệt. Ở Việt Nam, số ghế đại học rất ít so với số học sinh trung học. Nếu tôi không lầm, khi tôi rời khỏi Việt Nam thì tỷ lệ đó là 1/12. Nói cách khác, một thí sinh muốn vô được đại học phải "đánh ngã" 11 người bạn đồng tuổi khác (trừ khi là con ông cháu cha thì thi rớt vẫn vô được đại học hoặc được đi du học dễ như trở bàn tay!). Nếu thí sinh ấy muốn vào những ngành "ngon" như vi tính, kỹ sư, thương mại, y khoa ... thì phải cố gắng hết sức trong những năm trung học. Học sinh lớp 10, 11, 12 lúc nào cũng có vẻ căng thẳng và ganh đua với các bạn. Nhưng điều ấy cũng dễ hiểu, vì nếu họ không cố gắng "đá" những thí sinh khác khỏi vòng tuyển vào đại học thì chính họ sẽ bị "đá". Khi nghĩ đến sinh viên Canada ai cũng có đủ điều kiện để vô đại học, tôi cảm thấy xót thương những người bạn ở Việt Nam. Nhiều người đã không thể tiếp tục con đường học vấn vì không đủ tiền, hay không đủ sức thi vào. Tuy sách vở y khoa bên này khá đắt nhưng tôi có thể xoay xở bằng cách mượn tiền nhà nước. Trong những tháng ngày trên giảng đường đại học, tài chánh không phải là một vấn đề làm tôi bận tâm, vi thế tôi có thể đặt hết tâm trí vào việc học. Tôi có một người anh họ đang học y khoa ở Sài gòn, anh kể rằng anh ấy và nhiều người bạn khác phải hùn tiền để mua và dùng chung một quyển sách giáo khoa. Và trong thâm tâm, anh ấy lo rằng một ngày nào đó sẽ không đủ khả năng tiếp tục đóng tiền học. Một điều khác tôi nhận thấy ở giới trẻ Việt Nam là ai cũng mơ ước thi vào những ngành như vi tính và ngoại thương. Những ngành mà sau khi tốt nghiệp họ có thể làm việc cho các công ty nước ngoài. Nhật, Ðài Loan, Mỹ, Hồng Kông v.v... trong những năm gần đây đầu tư rất nhiều vào Việt Nam. "Thời buổi này, chỉ có làm cho công ty ngoại quốc mới khá nổi thôi!", cô bạn thân nhất của tôi tâm sự. Và muốn vào được những công ty đó, họ không những phải học giỏi ở trường đại học, mà còn phải tranh thủ thời giờ học thêm vi tính, tiếng Anh, Pháp, và gần đây nhất là phong trào học tiếng Nhật và Trung Quốc. Tiền học thì đâu đâu cũng đắt đỏ, nên họ còn phải làm thêm buổi tối để đỡ cho cha mẹ gánh nặng. Tôi đã học 9 năm ở Việt Nam, và vì thế tôi hiểu rõ nỗi khó khăn, căng thẳng, chịu đựng của thế hệ sinh viên tại quê nhà. Nói chung, nếu muốn có một chỗ đứng trong xã hội, một công việc vững chắc bằng tài năng của mình thì người trẻ phải cố gắng ít nhất gấp 10 lần so với những sinh viên Tây Phương. Tại sao? Rất đơn giản. Ở các xã hội văn minh, người nào giỏi thì người đó hưởng. Còn ở Việt Nam, những người thuộc giai cấp cán bộ thường có thể tìm được những việc làm tốt, những chức vị cao một cách dễ dàng. Vì thế người dân thường phải cố gắng rất nhiều nếu họ muốn có được những chỗ đứng tốt đó trong xã hội bằng bản lãnh và sức lao động.

Bên cạnh những nhóm học sinh đầy nỗ lực và ý chí là những người trẻ tối ngày chỉ chơi lêu lổng, phá phách, đua đòi. Những người này đa số đến từ những gia đình rất nghèo hoặc là rất giàu. Những người nghèo thì thường không có đủ tiền đến trường học. Khi chán nản vì phải rời khỏi ghế nhà trường, những đứa trẻ trở nên lêu lổng. Nếu tệ thì khi lớn lên chúng tham gia vào các băng đảng phi pháp như trộm cướp, làm đồ giả, mại dâm, buôn bán ma túy... Cũng như bao nước nghèo khác trên thế giới, đây là một tệ nạn xã hội không có lối thoát. Ai mà chẳng muốn có tiền, ai mà chẳng muốn sung sướng. Khi mà xã hội không cho họ cơ hội để kiếm tiền một cách chín chắn, thì cách duy nhất con người có thể làm giầu là làm việc ngoài vòng pháp luật. Bên cạnh đó, có những người trẻ lêu lổng không phải vì nghèo mà vì quá giàu! Tại sao họ phải cố gắng học, cố gắng làm khi họ muốn gì được nấy? Muốn nhà có nhà, muốn xe có xe, muốn bao nhiêu tiền ba mẹ cũng cung cấp. Khỏi phải nói thì chúng ta cũng hiểu rằng đa số những cô ấm, cậu ấm ấy là con cháu của tầng lớp cán bộ cao cấp. Ở trường Trần Hưng Ðạo, tôi nhớ có một anh bạn nổi tiếng chuyên môn chạy xe vượt đèn đỏ. Nhưng mỗi lần bị cảnh sát bắt thì không biết người nhà anh ấy xoay sở làm sao mà anh chàng được thả ra liền. Khác với người thường, bị bắt mười lần là anh ta được thả ngay 10 lần. "Nếu thằng cha cảnh sát đó mà không thả thì hắn cũng mất việc luôn!" anh chàng khoe khoang với nhóm bạn.

Vì nước ta là một quốc gia còn nghèo và chưa bình đẳng, nên tuổi trẻ Việt Nam vẫn chưa được hạnh phúc. Nhiều người trẻ trong lòng phẫn uất trước những bất công xã hội nhưng họ chỉ tức mà không làm gì được. Tôi chắc rằng nếu thế hệ trẻ Việt Nam được sống trong một xã hội công bằng, tự do, đa cơ hội như các nước Tây Phương thì sẽ có rất nhiều nhân tài xuất hiện trong tương lai gần. Thế hệ trẻ Việt Nam chăm học, chăm làm, thông minh, đầy nghị lực, nhưng hoàn cảnh xã hội đã và đang không cho phép những tiềm năng ấy phát triển mức tối đa.


Thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại

Nhiều nhà xã hội học thường ví Hoa Kỳ như một cái lò nấu súp "thập cẩm". Khi người ta trộn thịt, cá, trứng, rau, gia vị chung với nhau thì sau khi nấu một hồi tất cả đều trở thành đồng hóa, có nghĩa là chén súp nào cũng giống chén súp nào. Mỹ, Canada và Úc là những xã hội đa văn hóa, với Anh và Pháp là những dân tộc lập nghiệp đầu tiên. Theo dòng lịch sử, biết bao dân tộc khác cũng đến định cư, nhưng sau một thời gian tất cả mọi người đều phải hòa đồng vào xã hội, cùng nói một ngôn ngữ, cũng học một chương trình, cùng theo một nếp sống. Dù nguồn gốc là gì, tất cả rồi cũng sẽ thuộc về American, Canadian, hay Australian culture, chỉ là sớm hay muộn.

Trong các thập niên gần đây, số người di dân đến những quốc gia dân chủ càng ngày càng đông. Họ đến thường vì tự do, vì tiền, vì chiến tranh hay vì thiên tai. Tuy nhiên, dù họ là người gốc Việt, gốc Tàu, gốc Châu Phi hay gốc Ấn độ, họ đều muốn duy trì nền văn hóa của họ. Không dân tộc nào muốn những thế hệ sau bị "westernized" cả, tuy thực tế chứng minh rằng điều ấy khó tránh khỏi.

Sau ngày 30-4-1975, khoảng 2 triệu người Việt đã rời khỏi quê hương để tìm đến các bến bờ tự do. Thế mà đã 27 năm trôi qua. Một thế hệ mới của dân tộc Việt đã trưởng thành ở hải ngoại. Cũng như những cộng đồng thiểu số khác, một trong những quan tâm hàng đầu của thế hệ thứ nhất là làm sao các thế hệ sau vẫn có thể tiếp nối và phát huy truyền thống dân tộc. Hầu hết tất cả các người bạn Việt Nam của tôi ở đây đều sinh ra tại Canada hoặc đến định cư từ thuở rất bé. Hơn nữa, nhờ được bầu làm chủ tịch của Vietnamese Club hồi học ở trường cao đẳng, cũng như nhờ dậy tiếng Việt thiện nguyện tại chùa Từ Quang (Montréal) nên tôi được tiếp xúc nhiều với thế hệ thứ 2 cũng như thứ 3 của người Việt tị nạn. Hoan nghênh một số bạn trẻ vẫn còn giữ được nét văn hóa Việt Nam. Tuy viết và đọc tiếng Việt không vững nhưng họ rất yêu mến thức ăn Việt, nhạc Việt, phim Việt. Nói chung, họ hãnh diện về nguồn gốc của họ và muốn tìm hiểu về lịch sử, cội nguồn của quê hương. Một trong những vinh danh là sự xuất hiện gần đây nhất của tạp chí "Ngàn Thông". Ðó là một tạp chí do sinh viên Việt Nam tại hải ngoại tự viết và tự xuất bản. Tất cả các bài viết đều 100% tiếng Việt. Các bạn trẻ chia sẻ với nhau những hoài bão, ước mơ, nỗi nhớ quê hương, tình dân tộc. Họ kể nhau nghe về cuộc sống mới ở quốc gia thứ hai. Qua những bài viết đầy nhiệt tình, các bạn ấy muốn nói với thế hệ cha anh: "Chúng con yêu tiếng Việt. Cám ơn bố mẹ đã mang chúng con đến bầu trời tự do, nhưng dù ở bất cứ nơi nào chúng con vẫn mãi là con rồng cháu tiên".

Bên cạnh đó, một số bạn trẻ khác đã và đang phần nào bị đồng hóa với xã hội Tây Phương. Ðó là một điều đáng buồn chúng ta thường tránh nhắc đến, nhưng đó cũng là một sự thật chúng ta không thể phủ nhận. Chúng ta phải nhìn nhận sự thật đó thì mới có thể tìm ra những cách để khắc phục. Trong lớp y khoa của tôi có 5 học sinh Việt Nam. Trong đó chỉ có một cô bạn và tôi là có thể nói chuyện với nhau bằng Tiếng Việt. Còn 3 người kia thì họ hoàn toàn giao thiệp với nhau bằng Tiếng Anh hay Pháp. Nhiều khi tôi nói Tiếng Việt với các bạn ấy, nhưng họ lúc nào cũng trả lời tôi bằng ngoại ngữ. Ban đầu, tôi hơi buồn nhưng sau đó tôi hiểu rằng các bạn ấy hiểu tiếng Việt nhưng nói không được, hoặc là nói không trôi chảy nên rất ngại nói. Có lần, một trong ba người bạn ấy tâm sự rằng, "Từ nhỏ, ba mẹ tập nói tiếng Anh với mình ở nhà vì sợ mình theo học tiếng Anh không kịp. Nhưng riết rồi chị em trong nhà ai cũng nói tiếng Anh cả." Qua lời kể trên, tôi thấy rằng trong mọi gia đình Việt Nam, cha mẹ nên nói chuyện với các con, cũng như động viên các con nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Ðã sống trong xã hội Tây Phương thì sợ gì bọn trẻ không nói được tiếng Anh hay tiếng Pháp. Cái khó nhất là giúp cho chúng đừng quên tiếng Việt. Mặt khác, đồng ý là có nhiều lớp dạy tiếng Việt tại tất cả các thành phố có người Việt cư ngụ, nhưng tôi nghĩ điều ấy chưa đủ, vì rất nhiều người ngại đến lớp vì những lý do khác nhau. Chúng ta nên phát huy rộng rãi các chương trình dậy tiếng Việt mang tính chất đại trà, ví dụ như trên TV hay trên Internet vì lớp trẻ có thể học khi nào họ rảnh, mà không phải bị gò bó bởi những giờ đến lớp.

Ðể hiểu rõ hơn, chúng ta hãy phân tích lớp nghệ sĩ trẻ lớn lên tại hải ngoại. Chúng ta có những ca sĩ trẻ vẫn theo bước anh chị đi trước chỉ hát tiếng Việt, ví dụ như Loan Châu, Minh Tuyết, Diễm Linh, Thanh Trúc. Bên cạnh đó là những bạn trẻ có thể trình diễn xuất sắc nhạc Việt lẫn nhạc Anh, ví dụ như Ðon Hồ, Bảo Hân, Thùy Trâm, Dạ Nhật Yến. Và cuối cùng là những ca sĩ đa số chỉ hát tiếng Anh mà thôi, nhất là Shayla, Trish. Lớp nghệ sĩ trẻ này là một điển hình khách quan để cho chúng ta xét đoán về thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại. Những xét đoán trung thực sẽ hỗ trợ chúng ta vạch ra những đường hướng cần thiết để giúp đỡ thế hệ con cháu tìm hiểu và duy trì nền văn hóa Việt Nam.

talawas chân thành cảm ơn Truyền Thông đã cho phép đăng lại
Nguồn: Tập san Truyền Thông, Canada, số 5, tháng 8.2002