trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
3.12.2004
Szabó István
Tôi hy vọng rằng kem sữa đã được đánh khá nhuyễn!
Trương Đức dịch
 
Đạo diễn Szabó István


(Tạp chí Hungarian Orange phỏng vấn Đạo diễn Szabó István về bộ phim mới của ông, Julia tuyệt vời)

Hungarian Orange (HO): Theo một lời phát biểu của ông, nội dung của bộ phim này không chỉ đơn thuần là kể lại một quãng đời nghệ thuật của Julia Lambert, mà sâu xa hơn nữa, nói về những vấn đề mắc phải của lớp người đạo diễn phim ảnh thuộc thế hệ ông.
Szabó István(SzI): Phim Julia tuyệt vời tiếp cận hai đề tài rất quan trọng đối với tôi: thời đại luôn đòi hỏi, thách thức chúng ta một điều gì đấy. Và chúng ta cũng luôn muốn làm thoả mãn những đòi hỏi, thách thức ấy. Trạng thái "sống" này khiến chúng ta phải "nhập vai" một cách bất đắc dĩ. Chúng ta phải đeo mặt nạ mới có thể "phù hợp" với những đồng nghiệp, với gia đình, với xã hội, có điều: chúng ta thường cảm thấy "thua cuộc" trong khi "diễn" các vai. Bộ phim này là câu chuyện về một người phụ nữ có công việc chính là diễn xuất các vai, nhưng lại quá mệt mỏi với "công việc" này, rồi một lúc nào đó, cô ta muốn trở thành chính mình. Đề tài thứ hai của câu chuyện là cuộc chiến với thời gian, tôi không muốn nói là với tuổi già, và với những vấn đề liên quan. Đây không chỉ là cuộc chiến của các nhân vật trong phim mà còn dành chung cho chúng ta nữa. Các nhân vật bắt đầu cảm thấy đứng không vững, khi nhận ra những dấu hiệu của thời gian trên gương mặt, trong suy nghĩ, trong công việc, trong môi trường sống. Họ bắt đầu "xung trận", ví dụ, để nhận được vai chính, để giành được cái ghế giám đốc bệnh viện, hoặc để khỏi bị đuổi việc mỗi khi có cuộc thanh lý trong cơ quan. Họ muốn tạo cho bản thân một thế vững chắc để có thể giữ gìn và bảo vệ những gì họ đã mất nhiều công sức mới đạt được. Ngay như bản thân tôi: tôi cũng mong muốn rằng mình vẫn nhận được khoản thù lao xứng đáng cho phim tiếp theo của mình. Bởi vì, nếu nhìn lại sau lưng, tôi thấy một hàng khá dài toàn những nhà đạo diễn trẻ, đầy tài năng. Họ cũng xứng đáng được trả công hậu hĩ, nhưng, dĩ nhiên, cùng với tôi.

HO: Ông có dè chừng thế hệ trẻ không?
SzI: Lớp trẻ có mối liên quan mật thiết với cuộc sống của chúng ta, một cách hữu cơ. Và chúng ta phải chấp nhận điều này. Con người ta, tuy vậy, tiếp tục "tranh đấu", vì cảm thấy trong người vẫn còn năng lượng, vẫn còn sức mạnh. Nếu không còn, hoặc cảm thấy quá ít, con người ta sẽ cố tạo ra từ một nơi nào đó. Trong câu chuyện của chúng ta, nhân vật Julia tìm thấy năng lượng và sức mạnh từ người tình của mình, một thanh niên Mỹ, đẹp trai và cuồng nhiệt hâm mộ cô. Julia tin rằng sẽ nhận được "thần dược hồi xuân" từ anh ta. Nhưng sau đó, cô vỡ lẽ ra rằng: cô chỉ "tuyệt vời" khi cô là chính mình, với cái tuổi bắt đầu chớm già. Tôi nhìn nhận vấn đề "thế hệ" hơi khác bình thường một chút - để phân biệt các nhà đạo diễn phim ảnh, tôi không căn cứ vào tuổi tác, hay nói chính xác ra, không xem họ thuộc thế hệ nào, mà dựa vào điều: ai là người muốn truyền đạt một cái gì đấy, ai là người không. Ngày nay ai cũng có thể làm phim được. Có thể nói, điện ảnh như tiếng mẹ đẻ của lớp trẻ. Làm một phim ngắn gọn, được dàn dựng nhanh chóng, có nền nhạc hay, là việc hiển nhiên của thời đại ngày nay. Tuy vậy, phim cũng nên nói lên một điều gì đấy. Tôi có cảm tình với những đạo diễn làm phim chứa đựng nội dung. Tôi có thể "phơi bày" hết ruột gan của mình cho họ. Có hai loại đạo diễn: có những người kể một câu chuyện chỉ vì họ muốn cho ra đời bằng được một cuốn phim và có những người làm một bộ phim do vì họ muốn kể một câu chuyện với bất cứ giá nào. Những đạo diễn này gần gũi tôi hơn hết. Đối với nhóm thứ nhất, tôi chỉ muốn hỏi rằng: vì cớ gì anh mời tôi đi xem phim của anh, tại sao mà tôi phải bỏ 1000 forint để mua vé và vì nỗi gì mà tôi phải xén mất hai tiếng đồng hồ của đời tôi cho phim của anh.

HO: Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho rằng, trên phương diện cá nhân, phim Julia tuyệt vời là tác phẩm "đầu tay" của ông.
SzI: Đúng như vậy! Đây là trường hợp đầu tiên mà tôi ít phải "nhúng" tay vào kịch bản. Hay nói cách khác, tôi như người đạo diễn vừa ra trường, được người ta mời làm bộ phim đầu tiên trong đời. Điều này, tuy thế, không có nghĩa là tôi không tìm thấy trong câu chuyện điều tôi muốn kể lại cho khán giả nghe. Câu chuyện của Julia Lambert xảy ra vào năm 1938, cũng chính thời gian này, diễn ra những nét chính của cuộc đời Mephisto. Hậu trường của Julia tuyệt vời cũng là thế giới của sân khấu và nhân vật chính của phim cũng là một diễn viên. Động cơ tâm hồn cũng là sự chinh phục khán giả. Tuy nhiên, Julia không sinh ra trên nước Đức hay trên nước Nga. Vì nếu sinh ra ở Đức, nhiều khả năng, cô gặp gỡ với Hitler rồi, hoặc ở Nga, thì chắc chắn, cô cũng nói chuyện với Stalin được vài lần. Ngược lại, không như các diễn viên cùng thời tại Đức và Nga, cô chỉ cảm nhận một chút ít về chiến tranh: thủ tướng Chamberlaine giơ ra một tờ giấy trắng trước đám đông và nói rằng: Hitler đã ký kết hợp đồng "hoà bình vĩnh viễn" với nước Anh (một cảnh trong phim). Người diễn viên nổi tiếng luôn biến thành cái gọi là "biểu tượng" của một thời kỳ lịch sử của xã hội cùng thời. Họ mang cái mặt nạ "của chung" mà bất cứ ai trong chúng ta, những khán giả ngưỡng mộ, đều muốn thử "đeo", dù chỉ một lần. Bởi vì xã hội mọi thời, chấp nhận và mong muốn thế giới sân khấu như một phần tử hữu cơ của nó. Ở nước Anh, sân khấu đã tồn tại hơn 500 năm nay. Cũng 500 năm rồi, người nghệ sĩ sân khấu ở Anh là thành viên rất được tôn trọng trong xã hội. Họ có thể trở thành "lord" (ngài quý tộc), thượng nghị sĩ, nếu tầm quan trọng của họ không thể thiếu được đối với nước Anh. Bộ phim còn nói về vấn đề: con người ta sinh ra vào đâu. Điều này, những người Hung chúng ta cảm nhận được rõ ràng hơn ai hết. Chính vì thế mà tôi nhận đạo diễn cuốn phim này.

HO: Trong nhiều phim của ông (Mephisto, Meeting Venus [Gặp gỡ Venus;1991]; Taking Sides [Theo phe phái; 2001], Being Julia; 2004) đặc tính người nghệ sĩ, người diễn viên luôn được thể hiện. Họ đại diện cho ý tưởng gì, tại sao lại giữ vai trò quan trọng như vậy trong các tác phẩm của ông?
SzI: Đối với tôi, người nghệ sĩ là cái chuẩn mực của những tài năng. Tài năng được phát huy giá trị trong công việc của con người, trên mọi lĩnh vực. Họ sống bằng tài năng và thỉnh thoảng họ phải đối chứng với thế giới quanh mình, với những tư tưởng chính trị. Tôi tự đặt ra một câu hỏi cho riêng mình: Làm sao có thể gìn giữ và phát huy tài năng giữa những biến thái quái dị nhất của lịch sử, của chính trị, của tư tưởng, bởi vì chỉ lúc đấy, con người mới cảm thấy sự tồn tại của mình. Loài người coi trọng tài năng và muốn học hỏi, noi theo. Chính vì thế, trách nhiệm của những con người tài năng cũng rất nặng nề. Trong mọi hoàn cảnh, hành vi của họ phải là những "tấm gương". Bạn có biết không: những người nghệ sĩ biểu diễn có một lòng dũng cảm "chí tử". Vì chúng ta, mà họ phải "nhập tâm", "tái sinh" bao lần những đau khổ, dằn vặt trong đời họ. Trên sân khấu, chúng ta chỉ nhìn thấy những cử chỉ mang tính tượng trưng của diễn viên, tại vì khán đài ở khá xa. Những vai đóng đạt chất lượng cũng không thể "chết" liên tục trên sàn diễn được. Trong điện ảnh, ống kính thỉnh thoảng đến được khá gần người diễn viên. Những lúc này, nếu trong ánh mắt của diễn viên không hiện lên tâm tư tình cảm cần biểu lộ, chỉ những dấu hiệu "hời hợt" thôi, thì chúng ta vẫn biết rằng: diễn viên muốn diễn tả điều gì. Chúng ta chẳng thể "nổi da gà", vì chúng ta không nhìn thấy một "tình yêu", chỉ thấy một người diễn viên rủi ro, cô ta chật vật vì muốn diễn một vai "đang yêu". Ngược lại, nếu người xem chứng nhận trước mặt mình một tình yêu đang nảy nở, thì chính bản thân họ sẽ "nhập vai", sẽ "tái sinh" tình yêu của riêng họ, dù là trong khoảnh khắc. Điều này tương tự như việc tiêm chủng. Vi rút gây bệnh bị suy nhược khi được tiêm sẽ làm tăng sức đề kháng của cơ thể. Những diễn viên giỏi sẽ làm thế giới nội tâm của chúng ta đi vào hoạt động. Giới nghệ sĩ đại diện cho một tầng lớp khá rộng trong xã hội. Họ sẵn sàng phát ngôn những vấn đề "khá cứng" thay khán giả. Những vấn đề, mà có thể, người xem không đủ "can đảm" để nói ra. Họ biến những tác phẩm tồi thành kỳ quan. Và ngược lại, họ cũng đủ khả năng làm cho một kịch bản tuyệt vời bay vào thùng rác lúc nào không biết, nếu phong cách biểu diễn của họ không có giá trị, không đáng tin cậy.

Ở mọi thời, khán giả luôn tìm thấy người nghệ sĩ biểu tượng cho tâm tư tình cảm có liên quan đến tinh thần của thời đại, nhưng với gương mặt hoàn toàn khác. Tôi nói một ví dụ: Greta Garbo, khi còn sống bà là một nghệ sĩ không thể tiếp cận được. Trong những cảnh phim yêu đương "nóng bỏng" nhất, bà vẫn cho chúng ta cảm nhận thấy khoảng cách "ba bước" giữa bà với nam nhân vật. Đó là tính chất toàn vẹn và sự nguyên thể trong con người bà. Bà trở thành diễn viên được yêu mến nhất ở cái thời mà cả thế giới "ăn mặc" đồng phục, con người phải che giấu nỗi sợ hãi của mình sau những thế lực. Nhưng trong sâu thẳm của lòng mình, họ vẫn ước vọng điều Greta Garbo đã thể hiện ra trong các phim của bà: sự toàn vẹn và nguyên chất của con người.

HO: Tại sao ông dựng phim với diễn viên ngoại quốc? Tại sao càng ngày càng ít những diễn viên Hung trong phim của ông, mặc dù trình độ của họ cũng ngang ngửa?
SzI: Chúng ta có rất nhiều diễn viên đầy tài năng. Tôi còn mắc nợ khá nhiều vai chính cho họ. Nhưng vấn đề là ở chỗ: những phim tôi đạo diễn trong thời gian qua, phần lớn, đều do những nhà sản xuất nước ngoài tài trợ. Một trong những điều kiện của họ là phim phải được khán giả nước họ "để mắt" tới. Mà muốn vậy, các vai phải do những diễn viên nổi tiếng của nước họ đóng. Các diễn viên của chúng ta nói tiếng Anh còn... hơi bị "ngọng". Vấn đề được đặt ra cho bản thân tôi là: tôi có chấp thuận những điều kiện hay không, việc tôi muốn kể một câu chuyện có đủ tầm quan trọng đối với bản thân tôi hay không. Dần dần tôi buộc phải làm bạn với việc: trong những phim của tôi, Szakácsi Sándor không diễn vai chính, anh chỉ lồng tiếng cho Ralph Fiennes, Klaus-Maria Brandauer, Jeremy Irons.


Anette Bening trong phimJulia tuyệt vời


HO: Ông có mặt trong nhiều buổi trình chiếu ra mắt Julia tuyệt vời tại Bắc Mỹ. Ông xem phim của mình bằng con mắt của một khán giả bình thường hay bằng con mắt của một đạo diễn?
SzI: Ít nhất phải một năm trôi đi, tôi mới "thưởng thức" được toàn bộ cuốn phim này. Hiện giờ tôi chỉ cảm nhận những "đoạn" ngắn của phim thôi. Trong những buổi chiếu, tôi quan sát phản ứng của khán giả. Theo dõi xem họ có bị tác động bởi những cảnh phim hay không. Đối với những phim trước, quan điểm là người xem thầm lặng từ đầu đến cuối, họ rời rạp ra về trong trạng thái trầm ngâm suy tưởng về phim. Lần này, nếu trong rạp sau 10 phút đầu tiên, khán giả không xì xào bàn tán, cười cợt với nhau, thì chắc chắn phim có vấn đề rồi đây. Tôi nghĩ rằng, Mephisto là món ăn chính, còn Julia tuyệt vời món "tráng miệng" – món Sữa chim. [1] Và tôi hy vọng rằng trứng không "ung", hoặc kem sữa đã được đánh khá nhuyễn!
HO: Xin cảm ơn ông về buổi nói chuyện này.


Khi ngồi vào rạp để xem Julia tuyệt vời, cuốn phim mới nhất của nhà đạo diễn tài ba Szabó István, với tinh thần "đời là một vở kịch vĩ đại" (Shakespeare), chúng ta chớ nên hy vọng: sẽ được chiêm ngưỡng một cuốn phim "thường lệ" của ông. Sẽ không có sự đặt ra vấn đề mang tính triết học của chủ nghĩa sinh tồn. Cũng không có những bối cảnh lịch sử khá chính xác khiến các sử gia phải "đỏ mặt" xem lại mình! Ồ, hơn thế nữa, sẽ có, nhưng lại được thể hiện với một phong cách hoàn toàn khác, không giống như trong các phim Mephisto (1981), Colone Redl (Đại tá Redl;1984), Sunshine (Vị của ánh sáng mặt trời; 2000) từ trước đến nay của ông.
Có thể tóm gọn nội dung của Julia tuyệt vời như sau: "Hời hợt làm sao điều sâu sắc, và thăm thẳm quá chừng cái nông cạn". Cái nông cạn: cuộc đời đầy xa hoa, phù phiếm của một nữ diễn viên London ở thế kỷ trước. Điều sâu sắc: chúng ta phải làm gì khi đối mặt với tuổi già, với sự đe doạ chiếm mất chỗ (của chúng ta) của tuổi trẻ đang lên. Người đàn bà (Anette Bening đóng) - ngôi sao của sân khấu London - đã quá mệt mỏi với những đêm trên sàn diễn, với những tẻ nhạt của cuộc sống thường ngày, tìm cách thoát thân và đổi mới. Cô tìm thấy nguồn năng lượng đổi mới trong tình yêu với một chàng trai người Mỹ (Shaun Evans thủ vai).
Mọi việc tưởng chừng sẽ diễn ra tốt đẹp. Với tác động của cuộc ngoại tình bí mật, người thiếu phụ xinh đẹp của sân khấu London như "bừng sáng": cô "diễn xuất" rất tài tình trong "vở kịch lớn" của cô. Người chồng điềm tĩnh và nhẫn nhục (do Jeremy Iron nhập vai) cùng giới khán giả bị người đẹp của chúng ta "hớp hồn" một cách dễ dàng. Julia có thể yên tâm một chút: cô có một người tình trẻ trung, sự nghiệp nghệ thuật đang tiến triển. Nhưng một "cái gai" lại nảy sinh đúng lúc này: một nữ diễn viên mới (Catherine Charton đóng), vừa trẻ, vừa đẹp, được cả chồng và người tình của Julia "để mắt" tới, xuất hiện trên "đấu trường". Julia tuyệt vời của chúng ta sẽ "kéo cờ trắng" hay "đeo găng tay"?... câu hỏi lớn được đặt ra ở đây!

Vào năm 1962, cuốn tiểu thuyết Nhà hát (Theatre) của nhà văn W. S. Maugham được chuyển thể thành bộ phim Adorable Julia nổi tiếng (do Alfred Weidenmann đạo diễn), với sự diễn xuất khá hấp dẫn của Lili Palmer. Ngày nay, chúng ta được chiêm ngưỡng sự tuyệt vời vào vai Julia của Anette Bening (theo nhiều nhà phê bình điện ảnh thì Anette Bening đóng xuất sắc hơn, lôi cuốn hơn). Phong cách diễn đầy sức sống, điệu bộ nhập vai rất đài các, quí phái và nhất là nghệ thuật biểu lộ nội tâm (qua kỹ thuật quay cận cảnh của đạo diễn) "chỉ những nghệ sĩ ngang tầm như bà mới thực hiện nổi" (S. István). Trước mắt người xem như hiện lên một nữ hoàng thực thụ. Như thể "cả thế giới là một nhà hát lớn" và trên sàn diễn rộng lớn này Anette Bening có thể cho chúng ta tiếp cận một người tình đau đớn, một người bạn đồng cảm, một diễn viên đang toả sáng, hay một người vợ luôn lo lắng đến chồng, con... Tất cả đều được Anette Bening diễn xuất với một phong cách tự nhiên, biểu cảm sâu sắc, thu hút người xem.
Phong cách dựng phim Julia tuyệt vời có thể gọi là mới đối với Szabó István. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể nhận ra những nét đặc trưng của phong cách dựng phim của nhà đạo diễn đã từng đoạt giải Oscar (năm 1984 với phim Mephisto) này. Cuộc chiến cao thượng của Julia được miêu tả bằng những cảnh mở đầu chậm chạp, rời rạc. Nhưng càng ngày "nhịp độ" của phim càng tăng. Các đoạn kết bất ngờ, đầy lý thú, được đưa vào phim ngày càng nhiều. Phim mang một thoáng lãng mạn kiểu Pháp, một thoáng bảo thủ của Anh.

Một bộ phim dễ xem, dễ chấp nhận. Cao điểm của cuốn phim (chiến thắng huy hoàng của Julia) cũng là đoạn kết thúc. Có thể, đạo diễn muốn làm đọng lại trong lòng khán giả một hình ảnh "tuyệt vời" của Julia Lambert, hoặc chỉ đơn giản (và rất thực tế) là ông muốn "dừng lại ở đỉnh cao huy hoàng" (!). "Sâu" hơn nữa, xem xong phim này, không chỉ các nhà sử học, mà tất cả chúng ta, những người ngưỡng mộ thể loại phim của Szabó István, một lúc nào đó, cũng sẽ… "tự ngẫm" lại mình. Đây chính là "cái" ông muốn truyền đạt cho người xem. Có phải vậy chăng? Tuỳ chúng ta quyết định (!).


Julia tuyệt vời (Being Julia, Canada/Hungary/Anh, 2004, 105 phút. Đạo diễn: Szabó István. Kịch bản: Ronald Harwood chuyển thể từ tiểu thuyết Theatre (Nhà hát) của William Somerset Maugham. Các diễn viên chính: Anette Bening, Jeremy Irons, Shaun Evans, Catherine Charlton. Quay phim: Koltai Lajos. Nhạc: Mychael Danna)



© 2004 talawas



[1]Một món tráng miệng của Hung, Madartej (Bird's Milk) được chế biến từ lòng trắng trứng gà, sữa bò, vanilla, ít đường hoặc mật ong (chú thích của người dịch).
Nguồn: Tạp chí Hungarian Orange, số 47 (18.11.2004)