trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnhTư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
22.12.2004
Oliver Stone
Tôi là một sự xả láng biết đi
T. L. dịch
Katja Nicodemus thực hiện
 
Cuộc đời là chiến tranh, còn cái chết là một chuyến viễn du say LSD [1] , đạo điễn Oliver Stone trả lời phỏng vấn của tuần báo Die Zeit về Việt Nam, những năm sáu mươi, cơn ác mộng của Hoa Kỳ và về Alexander [2] , bộ phim mới của ông.
Zeit: Chiến tranh đã quyến rũ ông ở điểm nào?

Oliver Stone: Không thể trốn thoát chiến tranh được. Chỉ cần bật truyền hình. Hay nhìn ra cửa sổ. Cách đây một trăm mét đường chim bay là đài tưởng niệm nạn nhân Holocaust [3] . Berlin, đó là Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Một thành phố đầy sẹo.

Zeit: Đối với ông, rõ ràng chiến tranh là chất liệu của mọi chuyện kể. Các phim của ông xoay quanh chiến tranh Việt Nam, các tội ác của CIA tại San Salvador, những kẻ giết người xâu chuỗi, hoặc chính trị - chính trị cũng là chiến tranh.

Stone: Tình dục cũng có khi là chiến tranh nữa là. Phỏng vấn cũng có thể là chiến tranh. Có lẽ tôi không đi xa tới mức tuyên bố rằng toàn bộ cuộc đời là chiến cuộc, nhưng một phần lớn phát khiếp của đời là như thế.

Zeit: Ngoài các phim truyện, ông đã quay các phim tài liệu chính trị, về xung đột ở vùng Cận Đông, về Fidel Castro. Chắc ông muốn lần tìm dấu vết các chiến sĩ của lịch sử?

Stone: Chả có gì là hại nếu chúng ta thử tìm hiểu những người làm ra lịch sử. Khi làm phim Comandante, tôi đã quyết tránh không để bị ảnh hưởng của Castro. Ông ta là người có sức mê hoặc lớn, nhưng rốt cuộc cũng là một diễn viên điện ảnh. Dĩ nhiên bà có thể gọi ông ta là một kẻ cuồng ám chống Mỹ. Nhưng nói thế sẽ chẳng đưa đến nhận thức nào ráo trọi. Castro, Arafat, Nixon đều là những người có một đức tin. Tôi chỉ chú ý đến việc lịch sử cho cái đức tin ấy đọng lại đến đâu.

Zeit: Trong phim Nixon, tài tử Anthony Hopkins ngước nhìn tượng Abraham Lincoln và nói: „Chúng ta sẽ đứng đâu nếu không có cái chết hả Abraham?“ Ông có cho rằng chỉ có thể dựng nên lịch sử bằng những người đã chết?

Stone: Nixon biết rằng oai danh Lincoln bắt nguồn từ Nội chiến, tức là từ một cuộc thảm sát khổng lồ. Lincoln đã thắng trận, nhưng với cái giá nào? Tầm vóc lịch sử về cơ bản luôn dính dáng đến việc bước qua xác người. Có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ bàn về một Bush Đại đế. Lịch sử vận động như thế, nó được viết bởi những kẻ chiến thắng.

Zeit: Trong Nixon ông đã thâm nhập hẳn vào vực thẳm tâm lý của một kẻ nắm quyền lực. Trong Alexander, ông lại không sử dụng quyền tự do ấy. Sao vậy?

Stone: Khi đụng đến một huyền thoại thì phải cực kỳ cẩn trọng để tránh sự tầm thường hóa. Ở Alexander, tôi ít chú ý đến tâm lý hơn sự giằng co căng thẳng giữa việc kề cận tử thần và mơ ước bất tử. Vào tuổi 32, ông ta đã gây dựng được một đại đế chế. Với ông ta, cái chết là thử thách tối hậu đồng thời là quê hương trú ẩn. Với tôi, ông ta là kẻ chả hề sợ tử thần. Là loại người nhìn sâu vào ly rượu độc mà vẫn cười. Người bước chân đến tận cùng trời cuối đất để vượt cả ranh giới cuối cùng.

Zeit: Nhân vật này khác những anh hùng trong kiểu phim đại chúng về thời cổ đại ở điểm nào?

Stone: Ở tình cảm nhân vật. Alexander muốn cứng rắn như Achilles mà lại còn vượt hơn vì có lòng thương cảm, và ngay trong trận chiến ông ta đã khóc khi quân của mình gục ngã. Ông là một con người hiện đại, con người bị giằng xé. Mang mâu thuẫn và xung đột.

Zeit: Sao ông lại quá quan tâm đến việc diễn tả rõ nét Alexander là người đồng tính luyến ái?

Stone: Thường thì tình yêu đồng tính không bao giờ được diễn tả trong một bộ phim cỡ lớn như phim này. Nhưng tình yêu giữa Alexander và Hephaestion là thật tâm với tất cả những gì thuộc về nó: Sự gần gũi, tin cậy và xác thịt. Để diễn tả, tôi chả cần cho diễn cảnh họ “chơi” nhau. Aristotle phát biểu rằng tình yêu có nghĩa là chỉ mong cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Hai nhân vật này sống như vậy đó. Trong tình yêu, Alexander là mẫu người Soul. Người coi cái chết và cuộc sống là sự ràng buộc chặt với nhau. Một mẫu người hết sức thật và tình tứ.

Zeit: Nhưng tại sao ông lại chọn cách kể chuyện mang tính anh hùng ca và rất cổ điển, nhấn mạnh đến tính truyền kỳ, lịch sử, khuôn mẫu?

Stone: Ngay từ đầu tôi đã nghĩ rằng thời đại của Alexander không hợp với những hình thức trang trí cách điệu như trong các phim Natural Born Killers hay JFK . Chất liệu của những phim đó là chất liệu đời nay và được diễn tả qua những phương tiện hiện đại.

Zeit: Ông không nghĩ rằng phim Alexander cũng hợp với kĩ thuật chuyển cảnh nhanh mà ông thường dùng để gây đứt đọan mạch kể chuyện?

Stone: Thủ pháp đó thỉnh thoảng cũng lọt được vào Alexander. Nhưng tôi không muốn dính cứng vào kĩ thuật chuyển cảnh nhanh và chớp nhoáng kiểu kính vạn hoa như vậy. Tôi có cảm giác, khán giả cho rằng đã là phim của Oliver Stone thì phải như thế. Người ta cứ tưởng tôi sẽ lại phải trình chiếu những mảnh tung tóe kiểu đó. Và nếu tôi có căm ghét điều gì đó trong thế giới hiện tại, thì chính là những cưỡng ép theo kiểu: ”Tôi phải trả đủ loại thuế má, tôi phải nuôi dưỡng cả một đàn con, sáng ra tôi phải lồm cồm bò dậy làm cho xong cái phần tập thể dục mắc dịch và tôi không được phép nhậu nhẹt quá nhiều”. Đời chỉ là một sự cưỡng ép quái quỷ mà thôi. Nếu vì lý do gì đó mà tôi làm phim, thì là để tránh những cưỡng ép như vậy.

Zeit: Nhưng sở trường của ông nằm ở chỗ, ông lại làm chính những phim mang tính cưỡng chế, ám ảnh.

Stone: Bà thân mến, bà nói sao cơ?

Zeit: Rõ ràng khán giả có cảm giác rằng chiến tranh Việt Nam đã đóng vai trò quyết định trong sáng tạo nghệ thuật của ông. Ông trở đi trở lại với đề tài đó, như để trừ tà ma.

Stone: Có gì mà trừ tà ma lắm đâu.

Zeit: Ông có thể nhớ lại một trong những người mà ông đã hạ sát ở Việt Nam không?

Stone: Nhiều lắm. Thường thì chúng tôi không thấy những người bị giết, hoặc sau đó rất lâu mới thấy. Nhưng có một trường hợp gần đây thỉnh thoảng lại thoáng qua đầu tôi. Tôi đã bắn chết một Việt cộng và trực tiếp nhìn thấy xác. Ngay sát cạnh. Thật kỳ lạ là lúc ấy tôi lại không bị dằn vặt tinh thần gì mấy. Nhưng với thời gian, hồi ức ngày càng mạnh lên. Đạo Phật và Đức Đạt Lai Lạt Ma bảo rằng trong chiến tranh hay lúc lâm trận, nếu mạng sống của bản thân bị đe doạ thì ta có quyền giết người. Hoàn cảnh lúc ấy rõ ràng là hoàn cảnh cho phép sát nhân như vậy. Tay Việt cộng mà tôi giết thì núp dưới hào. Đội chúng tôi gồm khoảng năm mươi hay một trăm lính, lại đứng ngay trước chỗ anh ta nấp. Rõ ràng nằm trong đường nhắm của anh ta, và tôi đã hạ thủ. Đến bây giờ tôi vẫn thấy hành động đó là chính đáng. Phật nói rằng: “Nếu buộc phải sử dụng bạo lực, thì cứ sử dụng”.

Zeit: Lúc đầu ông đến Sài Gòn trong cương vị giáo viên. Sau đó ông lại tự nguyện đăng lính. Vì sao?

Stone: Nguyên nhân chính là cuốn tiểu thuyết tôi viết chả được nhà xuất bản nào nhận in. Lúc ấy tôi chỉ muốn tự tử. Nhưng thôi sang Việt Nam vẫn hơn. Có lẽ bà cho là điên nhưng ngay giữa chiến tranh tôi cũng đã tìm cách giúp người, trong khả năng cho phép, nhất là khi gặp thường dân. Nếu xảy ra tình huống quá đà, hoặc khi lính định bắn hay sát thương thường dân, tôi tìm cách ngăn cản. Không phải lúc nào cũng thành công. Tôi cũng đã cứu được một đồng đội thoát chết đuối. Tôi đứng về phía sự sống, ngay cả giữa chốn chết hàng loạt như ở cái xứ Việt Nam quỷ quái đó. Được như vậy là nhờ những người lính da đen, họ đã ảnh hưởng lên tôi rất nhiều. Tôi đã tả chân dung một trong những người ấy trong Platoon.

Zeit: Nhưng trong Platoon, những người lính da đen cũng chế nhạo anh chàng da trắng ngù ngờ đã có cái ân huệ được tự nguyện đăng ký sang Việt Nam.

Stone: Dù thế nào tôi chả bao giờ ân hận là đã sang Việt Nam. Tôi đã trưởng thành tại Việt Nam. Từ Việt Nam trở về, tôi được một linh hồn đem theo. Kinh nghiệm của tôi không giống như của Ernst Jünger [4] . Ông ta trụ giữa sắt và máu mà cảm thấy mình mạnh mẽ và sống động. Còn với tôi, đó là “thực nghiệm đen”. Cả về nhục thể lẫn tinh thần. Lính da đen giúp tôi đến với nhạc Soul và cả đám chúng tôi đã nhảy nhót. Chúng tôi nhảy ở ngay Việt Nam! Và trong Platoon cũng có một cảnh như vậy. Thành thật mà nói, ở Việt Nam tôi cảm thấy gần gụi cuộc sống hơn toàn bộ thời gian trước đó. Khi bước chân đến Việt Nam, nội tâm tôi kể như đã chết. Một thằng khoác lác tuổi hai mươi và đã chết. Chết tiệt mọi cảm xúc. Những người lính đen đó đã thức tôi sống dậy.

Zeit: “Chúng tôi không chiến đấu chống kẻ thù, mà chống địch ngay trong bản thân” là câu tuyên bố qua Platoon. Cuộc chiến như một chuyến viễn du đi tìm bản thân đã để lại một hương vị kì quặc. Sao ông không ở lại Hoa Kỳ mà dùng ma túy và nghe nhạc cho xong?

Stone: Tôi đã không hề tìm kiếm sự giải phóng cá nhân qua chiến cuộc. Những tư tưởng kiểu đó đối với tôi là hoàn toàn xa lạ. Cha tôi đã chia sẻ với tôi niềm tin của cụ. Niềm tin đó là lẽ thường (Common Sense). Tôi đang trong quân ngũ, phục vụ thủy quân thương mại, đã hành nghề nay đây mai đó. Tôi không phải là thứ trí thức nhăng cuội. Người sống kiểu như tôi thì ai lại đi làm phim. Mà sẽ thành thương gia, hay thành lính. Lúc ấy tôi chỉ muốn làm cha tôi hài lòng và phục vụ đất nước. Bà có thể không tin, nhưng chỉ đến khi trở về New York thì tôi mới vỡ lẽ ra mục đích thật của cuộc chiến ấy cũng như những ý đồ của các chính trị gia. Thế là tôi vào trường điện ảnh. Rồi làm phim Salvador chẳng hạn. Để chỉ ra rằng trong cuộc đấu tranh bẩn thỉu vì dân chủ ấy, nước Mỹ theo đuổi đủ thứ chủ đích, trong đó dân chủ đứng ở hạng bét.

Zeit: Salvador là bộ phim tàn bạo nhất của ông.

Stone: Có thể là phim hay nhất của tôi chăng?

Zeit: Có một cảnh thật không tin nổi, khi James Woods trong vai phóng viên lết mãi trên đồi. Giống như một núi rác mà Biệt đoàn Tử thần dồn xác nạn nhân lên đó. Thật kinh hoàng, đến mức như phi thực.

Stone: Cơ quan tình báo Mỹ CIA đã gây những điều khủng khiếp tại Trung Mỹ. Những sự việc không ai tưởng tượng nổi. Mỹ không muốn có một sân sau mang mầm cách mạng. Khi Ronald Reagan qua đời vào mùa hè năm nay, không một ai đề cập đến những trò chó má mà ông ta đã làm khi là tổng thống. Chả ai hé môi về những sự tra tấn, bắt cóc mà người của ông ta đã trợ giúp, tổ chức và chi tiền. Ngay sau khi Reagan được bầu năm 1980, Biệt đoàn Tử thần mới thật sự hành động tại El Salvador vì biết rằng từ nay sẽ có ủng hộ từ Nhà Trắng. Một cơn ác mộng.

Zeit: Ác mộng của Hoa kỳ cũng là của ông? Hay có khác biệt nào?

Stone: Có những sự việc chỉ liên quan đến bản thân tôi. Là những trải qua không thể đổ lỗi cho bất cứ chính trị gia nào. Y như người lính trong Platoon, một ngày nọ tôi cũng đã nổi khùng và suýt giết chết một thường dân. Tôi không giết người đó. Nhưng người lính đứng sau tôi lại bắn. Có thể trong hoàn cảnh đó tôi không trực tiếp có lỗi, nhưng tất cả chúng tôi đều là bộ phận của cỗ máy sát sinh khổng lồ vô tri. Không thể hãm nó lại được nữa. Tuy vậy, có kẻ đã trở thành dã thú nhưng vẫn có người không. Có kẻ đã bắn vào bất kì ai, và có người chỉ nhắm bắn kẻ thù.

Zeit: Nhưng ở Việt Nam, hầu như không thể phân biệt như vậy được.

Stone: Dù như vậy, nhưng nếu bảo rằng chiến tranh biến tất cả mọi người thành dã thú thì quá đơn giản. Rằng chiến cuộc tự động gây nên cảnh Mỹ Lai. Trong cuộc tàn sát ấy tất cả các quân nhân đã mất sạch phương hướng, sự nương tựa, mọi điều nhắc nhở về sự thỏa thuận bắt buộc phải có trong chiến tranh. Nếu là đơn vị tôi có lẽ chuyện đó đã không xảy ra. Nội một việc là chúng tôi có quá nhiều lính da đen. Những mẫu người mang tinh thần Soul. Những người không bao giờ có thể tỉnh bơ mà thẳng tay bắn giết được. Tôi có cảm giác ở một số quân nhân còn có cái ý thức về văn minh, về ranh giới mà qua chiến tranh, các điều ấy cũng không bị lụi tàn.

Zeit: Ông đã nói về Việt Nam: Cuộc chiến đó là sai lầm và bị lãnh đạo lệch lạc. Cuộc chiến hiện nay của Hoa Kỳ cũng như vậy chăng?

Stone: Tôi chưa từng ở Iraq, nhưng quan sát từ xa thì hình như rất tương tự. Chiến đấu giữa những con người không hiểu chúng tôi hiện diện ở đó làm gì. Họ không hiểu chúng tôi, và chúng tôi cũng không hiểu họ. Tôi rất muốn tin rằng chúng tôi mang dân chủ đến cho người Iraq và sau đó xách cái đít chết tiệt của mình đi thật nhanh cho khuất mắt. Nhưng kế hoạch chủ đạo lại không phải như vậy. Vở tuồng này xoay quanh dầu mỏ và tiền. Vào thời Alexander thì còn khác. Là hứng thú khám phá và chinh phục. Tôi không muốn tán tụng một cuộc chiến cách đây đã hơn 2000 năm, nhưng ít ra nó cũng không dính đến toàn bộ cái bẩn thỉu của tư bản.

Zeit: Ở đoạn kết trong phim Alexander có một cảnh chiến đấu mà nhân vật chính suýt chết. Màn ảnh loang đỏ, tri giác bị tha hóa. Phải chăng cái chết như cuộc viễn du say LSD cuối cùng?

Stone: Xưa kia ở Việt Nam chúng tôi dùng câu Soul Brother, tựa như Soul Music. Hey brother, soul brother là tình cảm sống của chúng tôi. Socrates đã phát biểu rất đúng về linh hồn. Có cái gì đó siêu việt hóa sự hiện hữu của chúng ta. Và dĩ nhiên ma túy là một thử nghiệm để nhìn thấu thế giới bên kia cõi đời này.

Zeit: Có đúng khi đang quay The Doors, ông đã lấy máy bay của công ty Warner Brothers bay sang tiểu bang South Dakota để thử nghiệm với Meskalin?

Stone: Tôi đã tìm cách chỉ nói sự thật về các kinh nghiệm dùng ma túy. Đơn giản là người ta dối trá nhiều quá. Và tôi cũng đã bị trả đòn kịch liệt. Nhưng tôi thẳng thắn nhận những chuyện dính líu đến ma túy của tôi. Tôi đã và đang thấy nó là tuyệt vời. Những năm sáu mươi, ma túy đã giải phóng cho khối bộ não chết tiệt. Tôi thật không chịu nổi kiểu đập xóa vết tích của những năm sáu mươi, trong đó có vấn đề ma túy. Thật là con nít hết chỗ nói.

Zeit: Mặt khác, thời kì ông dùng bạch phiến và cocaine, ông đã cô đơn và thường nổi khùng.

Stone: Ừa, tôi đã sơn đỏ lòm cái căn hộ mắc dịch của tôi và chả thiết nhìn mặt mạng nào. Thì sao?

Zeit: Chả sao cả. Nhưng qua đó thì thấy, không phải đơn giản là chỉ toàn tuyệt vời và tự do.

Stone: Đồng ý, tôi đã đi quá trớn. Nhưng cứ nghĩ đến đám người thuộc thế hệ tôi với bao nhiêu là quyền lực mà chả được hưởng tí sái nào, dù chỉ là một cuộc viễn du ma túy, là tôi thấy chán hết cả người. Bọn họ chưa hề - dù chỉ một giờ đồng hồ - chịu để cho bộ óc được quạt cho thông thoáng. Bọn họ là đám nắm quyền ở New York TimesWall Street Journal hay trở thành Tổng thống Hiệp chủng quốc Hoa kỳ. Đơn giản là đáng tởm.

Zeit: Nhưng Bush đã dùng ma túy.

Stone: Đúng. Ít ra ông ta đã có lần xài cocaine. Mà bà có thấy là chẳng ai buồn đặt câu hỏi về việc John F. Kerry có dùng ma túy không? Nhưng ông ta có hít gì đi nữa thì cũng chả có tác dụng quái gì!

Zeit: Ông có tin ở sự phóng túng xả láng? Như một cung cách sống.

Stone: Dĩ nhiên là tôi tin. Tôi đã làm phim The Doors. Thế bà nghĩ là đang nói chuyện với ai đây? Tác giả của những phim như Natural Born KillersThe Doors thì tất nhiên phải là kẻ thân thiết với sự vượt làn ranh cũng như tự tiêu phí. Tôi là một sự xả láng biết đi. Cứ quan sát kỹ Alexander đi. Ông ta cũng là một kẻ xả láng hết mình. Còn ngày nay khéo ông ta lại có thể trở thành một trường hợp cho viện tâm thần. Mọi sự cứ như tuồng một bản Rap cuồng lọan.


© 2004 talawas



[1]LSD: Ma túy gây ảo giác cực mạnh.
[2]Alexander Đại đế: 356-323 trước CN. Học trò của Aristotle 342-340 trước CN. Một trong những nhà quân sự và chiến thuật gia đại tài. Đến 323 trước CN, đã mở rộng đế chế trải dài từ bán đảo Balkan cho đến Ấn Độ. Có thể xem giới thiệu phim Alexander qua trang http://alexanderthemovie.warnerbros.com
[3]Holocaust: Nghĩa nguyên thủy là tàn sát qua thiêu cháy. Ở đây chỉ sự kiện người Do Thái bị Đức Quốc xã diệt chủng.
[4]Ernst Jünger (1895-1998): Nhà văn sống qua thế kỷ 20 với hai Đại chiến. Viết nhiều về biến cố đã trải qua trong chiến tranh với tinh thần nhân bản.
Nguồn: Die Zeit, số 50, 02.12.2004, http://zeus.zeit.de/text/2004/50/O_Stone_2fInterview