trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
17.5.2005
Phạm Văn
Mê Thảo
 
Ra mắt từ năm 2002, được trình chiếu ở Âu châu, Nhật và trong nhiều liên hoan phim ảnh quốc tế, nhưng năm 2005 mới đến với khán giả xi nê ở Mỹ, Mê Thảo – Thời vang bóng là một phim hay, trong đó có hai mối tình tay ba do bốn diễn viên đóng: mối tình giữa chủ ấp Nguyễn, cô Út và cô Cam; mối tình giữa Tam, cô Tơ và chồng cô Tơ (hay có thể nói đó là mối tình tay tư, nếu kể thêm ân tình giữa Tam và chủ ấp). Mê Thảo là một trong những phim Việt Nam hay nhất từ trước đến nay tôi được xem, nhưng dường như suốt bộ phim lúc nào cũng có những điều nhàn nhạt. Ông chủ ấp Nguyễn nhàn nhạt, không tả được nỗi đau đớn cùng cực vì tình yêu tan vỡ, và có khi lại thốt ra những câu nói rất kịch, rất lập ngôn, đại khái như: “Bóng tối làm ra địa ngục, nhưng ánh sáng không phải lúc nào cũng luôn luôn là thiên đường". Anh quản Tam nhàn nhạt, không thể hiện được sự bí ẩn cuốn hút của cây đàn gieo tai hoạ. Dân trong ấp nhàn nhạt, áo quần tươm tất, lượt là, cuộc sống tưng tửng phải nhờ đến các câu đối thoại minh hoạ cảnh oan nghiệt mà ông chủ ấp điên loạn đang gây ra cho họ.

Những chỗ nhàn nhạt đó có thể vì mới được xem một lần nên chưa thấy rõ điểm tinh tế có thể có trong một cuốn phim nghệ thuật, nhưng cũng có thể vì kịch bản không tạo điều kiện cho diễn viên trình bày hết tài năng của họ, hoặc vì khả năng diễn xuất giới hạn của diễn viên. Nhưng một điều khó có thể chối cãi là cách nói rất “chuẩn” của các nhân vật đã đóng góp rất nhiều cho cái vẻ nhàn nhạt đó, “chuẩn” đến mức phần lớn đều đều, chậm rãi, đồng dạng, không toát ra được cá tính riêng của từng người, vốn là nhược điểm chung về âm thanh của phim Việt Nam. (Ngoài ra, khi xem phim Việt Nam trong rạp hát ở California còn nghe thêm lời xì xào bàn tán hoặc bình phẩm của khán giả trong bóng tối. Rất lạ, rất “chuẩn”, và rất người Việt Cali!)

Diễn xuất khá nhất trong phim là hai vai nữ. Nhân vật Cam, một cô gái câm, không phải đối phó với kỹ thuật thu tiếng nói, đã diễn tả rất đạt lòng trung thành và tình yêu mãnh liệt của một cô gái chất phác qua vẻ mặt và cử chỉ dữ tợn của mình. Nét đau khổ khi lén lút trong hành lang hẹp để theo dõi người chủ ấp, cử chỉ bồn chồn khi tiếp xúc với mọi người, vẻ cương quyết khi vứt bỏ pho tượng gỗ, dáng đi dằn dỗi của Cam... là những xen diễn xuất tài tình. Vai cô đào hát Tơ tuy ít sân diễn nhưng cũng xuất thần không kém, và có lẽ cũng nhờ ít phải nói bằng một giọng nói “chuẩn” mà chủ yếu là hát. Giọng hát ả đào, tiếng đàn, tiếng trống, tiếng phách, nét say mê của Tơ là điểm mạnh nhất của Mê Thảo, cho thấy những xung đột nội tâm khá rõ khi cô hát cùng tiếng đàn của Tam, và giọng hát ấy gắn liền với nét mặt của cô ngay cả khi cô nói lời từ chối không muốn hát với cây đàn ma quái.

Nguyễn Tuân là một nghệ sĩ tài hoa, hầu như mọi người Việt quan tâm đến văn học đều biết tác phẩm Vang bóng một thời của ông, và nhiều người nói ông kiêu kỳ – kiêu kỳ trong văn chương và trong tiếng trống cô đầu. Tác phẩm Chùa Đàn của ông gặp nhiều gian truân trong cuộc đời của nó, và có lẽ càng gian nan càng tỏ nét tinh hoa, nghe nói có dạo nó không được in trong tuyển tập Nguyễn Tuân. Mê Thảo – Thời vang bóng dựa trên Chùa Đàn là một liều lĩnh của đạo diễn Viên Linh. Làm phim dựa theo tác phẩm văn học của một nhà văn nổi tiếng luôn luôn là một quyết định liều lĩnh, vì có thể bị phê bình là không đạt được cái thần của truyện, xa rời cốt truyện, hoặc thậm chí trong một xã hội “vớ vẩn chủ nghĩa” có thể bị chỉ trích về quan điểm, lập trường... Điều này có thể xảy ra cho bất cứ bộ phim nào dựa trên tiểu thuyết: đạo diễn John Byrum không thể nói hết được những điều W. Somerset Maugham muốn nói trong The Razor’s Edge; tài hoa như David Lean cũng không thể dùng ngôn ngữ điện ảnh để tả được số phận con người như Boris Pasternak đã tả trong Bác sĩ Zhivago; hoặc như bộ phim tuyệt tác Rashomon của Kurosawa Akira cũng không thể cho thấy hết cái thâm trầm, tinh tế trong truyện ngắn của Akutagawa Ryunosuke… Hoặc gần gũi hơn, chúng ta có Thương nhớ đồng quê của Đặng Nhật Minh và Nguyễn Huy Thiệp, Mùa len trâu của Nguyễn-Võ Nghiêm Minh và Sơn Nam.

Nhưng điện ảnh có điểm mạnh riêng của nó. Chẳng hạn, Rhett Butler của Magaret Mitchell trong Gone with the Wind không gây ấn tượng bằng Clark Gable dưới sự điều khiển của đạo diễn Victor Fleming khi nói câu: “Frankly, my dear, I don’t give a damn”. Hãy tạm gác qua một bên mức độ trung thành với tiểu thuyết của kịch bản phim, và nhìn Mê Thảo trong ngôn ngữ điện ảnh, trong chất điện ảnh của kịch bản, trong khả năng diễn xuất của diễn viên, trong dàn dựng, ánh sáng, âm thanh, góc quay, và trong những ý nghĩa mà bộ phim như một sáng tác độc lập muốn nói. Ngoài những khuyết điểm nhỏ về dàn dựng như áo quần của dân trong ấp quá mới, quá sạch, âm thanh đôi chỗ không khớp với hình ảnh vào những lúc tiếng phách dồn dập, Mê Thảo có những góc quay khéo và chịu di động, từ góc nhìn trên cao đến đặt ống kính sát mặt đất nên hình ảnh không bị đơn điệu, từ toàn cảnh đến cận ảnh, những khúc phim cận ảnh của Cam và Tơ rất thành công, tả được căng thẳng nội tâm của nhân vật. Ánh sáng không bị giả tạo một cách ấu trĩ như thường thấy trong các bộ phim khác của Việt Nam, nhưng cũng có những chỗ gượng ép đáng tiếc. Chẳng hạn như khi Cam nấp trong hành lang theo dõi chủ ấp, ánh sáng đến từ phía sau, nhưng khuôn mặt chính diện của Cam vẫn sáng, không tạo được cái sắc cạnh của tình huống; hoặc ánh sáng dàn trải đều trong buổi thả đèn trời làm mất đi chiều sâu của cảnh đêm lẽ ra rất đẹp, và không giúp cho việc tô đậm thêm cá tính nhân vật. Mê Thảo biết sử dụng những điểm mạnh điển hình của phim Á châu về thời đại xa xưa. Những xen phụ như cảnh hát ngoài trời cho toàn thể dân ấp, cảnh thả đèn trời, những nong dâu tằm và cảnh đi xuồng trên sông nước mênh mông... là những đoạn phim đẹp mà không đến nỗi lạm dụng xảo thuật hấp dẫn khán giả Âu Mỹ bằng những phong tục lạ kỳ.

Cũng giống như nhiều bộ phim nghệ thuật khác, Mê Thảo có nhiều ẩn dụ (hay chỉ là khán giả tưởng tượng ra ngoài hoặc vượt lên trên dụng ý của đạo diễn và người viết kịch bản). Ẩn dụ bát hương bốc cháy dễ hiểu với người Việt lớn tuổi, ẩn dụ thả đèn trời được/bị người bõ già trong ấp giải thích bộc toạc. Ẩn dụ của đôi bàn chân đạp chết những con tằm có nghĩa gì xa hơn, hay chỉ là minh hoạ lộ liễu cho tai ương đang đến? Ẩn dụ gì của cây đàn nguyệt (thay vì đàn đáy) trong buổi hát ca trù? Cũng như trong tác phẩm văn học, bàn tán và phê bình về việc phim ảnh nên “giải thích” các ẩn dụ đến mức độ nào và như thế nào (trong một chừng mực nào đó cũng có nghĩa là tác phẩm sẽ nhắm vào loại khán giả nào) sẽ đưa đến nhiều ý kiến thú vị và mãi mãi chẳng bao giờ đi đến chỗ đồng thuận. Phim ảnh cũng như tác phẩm văn học, mỗi lần xem ở một thời điểm khác, và thậm chí ở một tâm trạng khác, sẽ thấy thêm những điểm lý thú khác. Bộ phim Mê Thảo cũng đáng để xem lại, như chúng ta vẫn đọc lại Chùa ĐànVang bóng một thời, để tìm một cái hiểu mới, hoặc chỉ để thưởng thức lại một tác phẩm hay.

Mê Thảo thành công đáng kể trong việc đưa điệu hát ả đào vào điện ảnh. Xem Mê Thảo không thể không liên tưởng đến Sopyonje (The Pansori Singer) của Im Kwon Taek. Điệu hát và nhịp trống pansori trong Sopyonje chấm dứt bằng tiếng vô thanh kéo dài như vô tận; câu hát ả đào trong Mê Thảo không kết thúc khi tiếng đàn đứt ngang mà còn kéo dài đến khi hết câu, hết vai trò được giao của mình, có lẽ đó là điểm bứt phá nghệ thuật hay nhất của bộ phim (và hình như có thể xuất thần hơn, nếu câu hát dài hơn và giọng hát chấm dứt thống thiết hơn?) Có thể Mê Thảo không khơi dậy được phong trào tìm hiểu và bảo tồn âm nhạc truyền thống trong giới trẻ như Sopyonje đã gây nên ở Nam Hàn hồi thập niên 1990, nhưng đó là bước đầu đáng khích lệ và đáng được hỗ trợ trong việc dùng điện ảnh để giới thiệu nhạc cổ của Việt Nam với khán giả khắp nơi. Mê Thảo xứng đáng được đón nhận nồng nhiệt ở trong và ngoài nước.


Mê Thảo – Thời vang bóng, 107 phút, 2002
Sản xuất: Hãng phim Giải Phóng
Đạo diễn: Việt Linh
Phỏng theo tiểu thuyết Chùa Đàn của Nguyễn Tuân
Kịch bản: Việt Linh, Phạm Thùy Nhân, Serge Peron
Quay phim: Phạm Hoàng Nam
Âm nhạc: Văn Dung
Diễn viên: Dũng Nhi (Nguyễn), Đơn Dương (Tam), Minh Trang (Cam), Thúy Nga (Tơ)


5/ 2005

© 2005 talawas