trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
3.6.2005
Lê Hồng Lâm
Xem 39 độ yêu: Yêu nhiều thì ốm
 
Ðầu tháng 5, đi ngang qua trước rạp tháng 8 thấy treo poster “khổng lồ” phim 39 độ yêu, với phần thiết kế hình ảnh phải nói là đẹp, hiện đại và sang trọng không thua gì phim Mỹ hay Hàn. Trang web riêng của bộ phim được “đì zai” rất tiện ích, cập nhật thông tin và hình ảnh liên tục. Phần truyền thông và quảng bá cho bộ phim cũng được thực hiện rất bài bản và cực kỳ chuyên nghiệp...



Tâm trạng chung của giới trẻ mê phim ảnh đầy háo hức – thế là Việt Nam đã có phim chiếu hè, đã có phim về đề tài giới trẻ đương đại, dàn diễn viên trẻ Việt Nam đẹp thế, có thua gì “sao” Hàn, “sao” Mỹ đâu! Ðể rồi khi cố ngồi “nuốt” cho xong 90 phút của bộ phim này, bao nhiêu niềm háo hức và hào hứng tan như bong bóng xà phòng...


Tuyến chính là một nồi lẩu pha chế vụng về

Ðược quảng cáo là “một bức tranh được vẽ bằng những nét cọ tươi trẻ về tình bạn và tình yêu. Những mảng màu sáng tối về quá khứ, hiện tại và tương lai của các nhân vật được khắc hoạ đậm nét và sinh động”, nhưng xem phim thì thấy từ đầu tới cuối là một mảng màu mờ nhạt, hời hợt và đầy tính minh hoạ. Phim về đề tài sinh viên nhưng cảnh học đường chỉ xuất hiện đúng một lần đầu phim với một giảng viên triết lý dài dòng về “hòn đá to hòn đá nhỏ”, còn sau đó phần lớn thấy mấy cô cậu sinh viên xuất hiện ở quán bar, vũ trường... Câu chuyện tình yêu tay ba giữa ba nhân vật chính Long (Bình Minh), Trang (Hồ Ngọc Hà) và Marilyn (Ðinh Y Nhung) là một sự sao chép vụng về từ những bộ phim Hàn hạng C, vừa sến vừa cũ. Và do thiếu chi tiết, thiếu tình huống nên những cảnh lãng mạn trên phim rất nhạt, những câu thoại yêu đương của diễn viên như “bị nhét vào mồm”. Xem những cảnh tỏ tình của hai nhân vật chính mà nhịp tim của người xem chẳng chịu rung thêm lấy một lần. (Bình Minh và Hồ Ngọc Hà đẹp thế, nếu vào phim tử tế, cơ hội trở thành ngôi sao của họ quá dễ dàng, nhưng cứ đóng những phim hời hợt như thế này thì tiếc cho họ quá!) Cô diễn viên trẻ Ðinh Y Nhung mắt một mí, mặt đặc Việt nhưng khoác lên mình cái tên rõ Tây (Marilyn) và vì cô đóng vai phản diện nên cứ xuất hiện là mặt cô đanh và giọng thì rất gằn. Yêu không được anh chàng Long đẹp trai nên cô chán đời, sống buông thả và bị một đại gia lừa đảo. Nhưng vì đại gia này phát hiện ra cô không còn trinh (để giải đen) nên tống cô ra khỏi nhà trong một đêm mưa gió (xem phim mà bảo tay này dại, ai lại đi tìm gái trinh ở quán bar, vũ trường bao giờ - xác suất rất thấp!). Marilyn sau đó sập bẫy Long bằng một màn rất cũ như thời... “Lan và Ðiệp”, là cho thuốc mê vào cà phê của anh ta, lừa lên giường và bắt nhận đứa con trong bụng của cô. Khổ nỗi, anh chàng Long khoác trên mình vẻ hiện đại, sang trọng của một sinh viên thế kỷ 21 (đi xe hơi đời mới, suốt ngày ngồi quán bar, vũ trường và - nghe nói - xuất thân trong một gia đình mafia giàu có) mà lại dễ dàng chấp nhận điều đó để mối tình của anh và Trang tan vỡ...

Màn “ảo thuật” như lời quảng bá của nhà sản xuất để biến bộ phim truyền hình dài 16 tập thành bộ phim nhựa chiếu rạp dài 90 phút cùng tên này không khác gì một nồi lẩu pha chế vụng về. Tình cảm lãng mạn học đường pha chút hài hước, thêm vài pha hành động kiểu Tầu, một chút mafia Ý cộng vài “xen” buôn lậu, găngxtơ, giải cứu con tin kiểu Mỹ...


Tuyến phụ phèng phèng đánh võ

Tuyến chính (tình cảm lãng mạn) tạm thời được giải quyết. Tuyến phụ (hành động, giải cứu con tin, găngxtơ, mafia, buôn lậu) được kết nối gần như song song. Vì Marilyn là nhân vật xấu nên anh trai của cô, Phúc (Quốc Cường) còn xấu hơn. Anh ta buôn lậu hàng quốc cấm (thấy lộ ra một ông tượng mạ vàng) và có một chuyến hàng cần xuất sang Sing. Phúc bắt Long cùng hợp tác với mình nhưng Long nhất quyết từ chối và không muốn dính dáng đến con đường cũ (là nghe nói thế chứ không biết trong quá khứ Long đã làm gì) nên Phúc quyết định ra đòn hạ lưu. Hắn ta sai bọn đàn em bắt cóc Trang và đợi Long đến cứu để sập bẫy. Ðến lúc này mới xuất hiện một nhóm bạn sinh viên đi tìm Trang với kế hoạch giải cứu con tin mà nghe hào hứng như tham dự một cuộc chơi hấp dẫn nào đó. Hai anh bạn bị bắt, một mình Long lọt vào hang ổ của bọn xấu và sau đó là những cảnh hành động “một mình chống lại mafia” như trong phim kungfu của Tầu. Nhạc nổi lên, rất hùng tráng, nghe như cảnh Tôn Ngộ Không đi cứu Ðường Tăng! Và tất nhiên có cái kết cực kỳ “happy ending”, công an đến kịp thời, bọn xấu bị tóm cổ, Trang được giải thoát, mọi hiểu lầm được xoá bỏ...

Kể lại nội dung dài dòng như trên quả là một nỗ lực (gắng gượng) của người viết. Quả thật, những bộ phim kiểu này có muốn quên cũng chả quên được, vì cứ tức anh ách. Sao thế nhỉ? Sao được quảng bá rầm rộ thế, êkíp làm phim hùng hậu thế (Tây, Ta đủ cả), lại có đến 4 đạo diễn mà việc xây dựng một kịch bản và đạo diễn một bộ phim cho “sạch nước cản”, cho “có lý có tình” còn chưa nên hồn thì nói gì đến việc chinh phục giới trẻ hay cạnh tranh với phim Tàu, phim Hàn. Kịch bản có thể không mới về cốt truyện (phim Hàn cũng suốt ngày lặp đi lặp lại mấy chuyện yêu đương tay ba) nhưng phải tạo được chi tiết và tình huống hấp dẫn, tạo được” ép-phê”, chứ không phải là vạch ra một câu chuyện trên giấy (nghe thì rất li kỳ) nhưng mọi thao tác sau đó là... điền vào chổ trống và không hề tạo ra được cảm xúc thật. Và một kịch bản phim chiếu rạp nhợt nhạt, mơ hồ, minh hoạ thế này thì lấy gì làm tin tưởng cho một serie phim truyền hình dài tập đủ sức lôi kéo người xem suốt 16 tập?


Bài học, lại thêm một bài học

Ðấy là sự nhợt nhạt của nội dung, xem bộ phim này, khán giả còn bị tra tấn bởi kỹ thuật quá tồi. Cắt ghép phim tuỳ tiện, đường dây dẫn chuyện thiếu mạch lạc, gượng gạo và thiếu lô gích. Âm thanh thì không đồng bộ, những cảnh quay nội (trong trường quay) thì còn đỡ chứ những cảnh ngoại thì đầy tạp âm. Hình ảnh cũng thế, những cảnh quay đêm (đặc biệt là trung cảnh và toàn cảnh) hoàn toàn bị mất nét, diễn viên xuất hiện như những... bóng ma di động. Bỏ tiền ra rạp xem phim mà không khác gì ngồi nhà gặm nhấm mấy cái bản DVD quay lậu của Tàu (đĩa DVD chính thức thì xem tốt hơn nhiều).

39 độ yêu là sản phẩm đầu tay giữa Hãng phim Việt (tư nhân) và TFS (Hãng phim Truyền hình TP HCM). Từ một bộ phim truyền hình quay bằng máy quay kỹ thuật số, các nhà sản xuất quả là liều lĩnh khi cắt ghép để biến chúng thành 2 sản phẩm, phim chiếu rạp và phim chiếu trên truyền hình. Kết quả như thế nào thì đã thấy rõ. Tham vọng thích “làm chuyện lạ”, thích “lập kỷ lục” của họ đã làm “đứa con” đầu tay bị chết yểu và đánh mất thương hiệu của mình.

Nguồn: Sinh viên Việt Nam số 22 (1.6.2005)