trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
18.11.2006
Bùi Văn Phú
Ngô Quang Hải, Đỗ Hải Yến kể chuyện làm phim Chuyện của Pao
 
Đạo diễn Ngô Quang Hải và diễn viên Đỗ Hải Yến tại buổi chiếu phim Chuyện của Pao tại Đại học Berkeley (ảnh: Bùi Văn Phú)
Đây là phim dài đầu tiên của đạo diễn Ngô Quang Hải với diễn viên chính là Đỗ Thị Hải Yến (Người Mỹ trầm lặng, 2001), phu nhân của đạo diễn.

Theo lời giới thiệu của giáo sư Peter Zinoman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam và Đông Nam châu Á tại Đại học Berkeley, cơ quan bảo trợ buổi chiếu phim, Chuyện của Pao đã được giải Cánh diều Vàng cho vai diễn viên xuất sắc trong Liên hoan điện ảnh Việt Nam mới đây.

Trước khi đến Berkeley, phim đã được chiếu tại một số đại học ở miền đông Hoa Kỳ. Tại vùng Vịnh San Francisco có 4 suất tại các Đại học U.C. Berkeley, San Francisco City College, San Jose City College và DeAnza College. Khi thông tin về phim này được loan truyền trong cộng đồng người Việt, đặc biệt là vùng San Jose thì có những dư luận phản đối việc chiếu phim là nhằm mục đích tuyên truyền. Vì thế suất chiếu ở San Jose City College có chưa đến 100 người xem.

Phim được dựng từ truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của Đỗ Bích Thuỷ, là câu chuyện về gia đình một người Hmong trên miền thượng du Việt Bắc. Bà mẹ sinh con gái đầu lòng, Pao, nên bị gia tộc bên chồng, ông Chúng, chê trách. Bà bỏ đi. Bố Pao lấy vợ khác. Đó là bí mật gia đình mà Pao là người đã bước ra khỏi nhà để đi tìm lời giải, tìm người đã nuôi mình lớn. Trong hành trình đó, Pao gặp Chử, một chàng trai biết thổi sáo và đem lòng nhớ thương, mơ mộng. Hình ảnh cuộc tình là đan xen giữa những giây phút lãng mạn, phong cảnh thơ mộng tình tứ của cao nguyên Sapa, nhưng cũng nhiều gia cảnh éo le cho Pao.

Đây là một phim hay, nhiều cảnh đẹp, mầu sắc rực rỡ. Tuy nhiên nhiều chỗ hơi chậm, ít đối thoại, vì Ngô Quang Hải có học với đạo diễn Trần Anh Hùng (Mùi đu đủ xanh, Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng) nên bị ảnh hưởng bởi những tiết tấu thinh lặng, chậm rãi như trong phim đầu tay Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng.

Sau khi chiếu phim, đạo diễn Ngô Quang Hải và nữ diễn viên chính Đỗ Thị Hải Yến đã có những trao đổi với khán giả.

Chị Nguyễn Nguyệt Cầm, giảng viên Việt ngữ tại Đại học Berkeley giúp chuyển ngữ.


*


Chuyện gì đã cho anh cảm hứng để thực hiện bộ phim này?

Đạo diễn Ngô Quang Hải: Trước hết cho tôi gửi lời cám ơn tất cả quý vị đã có mặt hôm nay. Cuốn phim này của tôi dài 99 phút là tấm lòng từ Việt Nam tôi muốn gửi đến quý vị. Tôi rất hồi hộp. Bởi vì phim Chuyện của Pao được trình chiếu ra mắt ở nhiều đại học Hoa Kỳ. Tôi cảm thấy rất tự hào. Vì thế lúc này tôi rất là run. Tại Hoa Kỳ, các đại học Harvard, Yale, Columbia, Berkeley đối với tôi đó là đỉnh cao của trí tuệ nhân loại.

Tôi xin trả lời câu hỏi của chị. Khi đọc truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của Đỗ Bích Thúy, tôi nhớ đến câu chuyện có thật trong gia đình tôi.

Tôi có một người bác. Khi nhỏ tôi hay về quê và bác đó không có con, bác lấy vợ cho người chồng của mình và nuôi các con của chồng. Lớn lên những đứa con chồng gọi bác đó là mẹ ruột. Khi tôi đọc truyện này, xảy ra ở trên miền núi, còn quê tôi gần Hà Nội, rất khác nhau về địa lí, nhưng cả hai rất gây xúc động. Hai miền khác nhau như vậy nhưng có câu chuyện xúc động nên tôi cho rằng chuyện đó cũng sẽ làm khán giả xúc động.

Khi chúng tôi đặt chân lần đầu tiên lên vùng đất đó, tôi nói với vợ, là Đỗ Hải Yến, tôi sẽ nhất định mang chuyện về vẻ đẹp đời thường giản dị này đến với người xem.

Người bố và người mẹ già đã hy sinh nhiều cho gia đình. Điều này chỉ Pao biết chuyện. Trong xã hội người đời có bàn về chuyện đó hay không? Hay chỉ được giữ trong gia đình thôi.

Trong chuyện này, tôi cho rằng sức mạnh của Pao chính là sự bí mật của gia đình cô ấy. Sự hi sinh của một người dành cho người khác nó lớn hơn cả việc nhận, hơn cả sự hi sinh của người khác cho mình.

Qua một quãng đường dài, khi Pao mặc dù rất trẻ, 18 tuổi, nhưng cô đã hiểu cuộc sống không phải cái gì cứ vần theo như mình muốn, mà phải giữ những bí mật cho mình, đôi khi đó là sức mạnh. Tôi rất thích một câu chat line ở trên poster. Đó là: “Ai cũng có bí mật, bí mật của bạn sẽ theo bạn hết cuộc đời”.

Tôi là người Hmong. Tôi biết là không có những phim hay về người Hmong. Tôi muốn hỏi là cộng đồng người Hmong khắp nơi có dịp xem phim này chưa và cảm nhận của họ ra sao?

Tôi chưa gặp người Hmong trên toàn thế giới. Tôi đã chiếu phim cho một số ít người Hmong xem ở gần nơi tôi quay phim. Họ chia sẻ với chúng tôi trong suốt thời gian tôi quay phim. Cho đến lúc này tôi còn nợ những người trong phim một buổi chiếu phim nhựa 35 li cho họ xem. Vì nơi họ sống không có những phương tiện hiện đại như chúng ta, không có cuộc sống văn minh, nhưng ngược lại họ đã giữ được tinh thần của mình rất mạnh mẽ để tồn tại trên vùng đất khốc liệt đó.

Ở Việt Nam có ba sắc dân Hmong: Hmong hoa, Hmong đen và Hmong trắng. Chúng tôi đã chọn người Hmong trắng trên Hà Giang là nơi cao nhất, khó khăn nhất để đi. Khi lên quay phim chúng tôi phải mất hai ngày bằng đường núi đá, đoạn đường mà mỗi ngày có ô-tô chạy ngang qua. Để lên được địa điểm quay phim, chúng tôi phải mất hai tiếng rưỡi đồng hồ. Ngày nào cũng vậy, đi và về.

Tôi hiểu rằng, đời sống ở đó rất khó khăn nhưng họ yêu mảnh đất của họ hơn cả bản thân.

Làm sao anh lại chọn đưa vợ lên đó?

Tôi để cho vợ tôi trả lời.

Diễn viên Đỗ Hải Yến: Thực ra câu này phải để đạo diễn trả lời mới đúng.

Ngô Quang Hải: Khi tôi chọn vai bà Sim, mẹ Pao, tôi đã phải rất khó khăn. Đầu tiên tôi chọn một người phụ nữ khác, nhưng đến cuối [Hải Yến ghé tai chồng nói nhỏ gì đó]...

Tôi gặp những người lấy hai vợ, có một anh tên là Tủa ở chỗ ngôi nhà mà chúng tôi quay phim. Tôi hỏi: Tủa, sao anh lại lấy được vợ xinh thế kia. Tủa trả lời: Mình đi uống rượu trên chợ huyện, cô ấy thích cưỡi ngựa cùng mình thì lấy nhau thôi.

Thực ra trong câu chuyện này không phải ông chồng muốn lấy bà Sim làm vợ hai. Nhưng vì sự éo le của bà mẹ già ở nhà, vợ lớn. Dù trong chuyện này có ba người đàn ông và ba người phụ nữ, nhưng đây là câu chuyện của một người đàn ông và một người phụ nữ. Thực ra tôi cũng rất muốn như ông Chúng.

Cái này tôi phải xin lỗi vợ tôi đứng ngay bên cạnh.

Ông có dự định làm một bộ phim về những vấn đề có thực mà người Hmong ở Việt Nam đang gặp phải không?

Đã có nhiều bộ phim tài liệu về những vấn đề của người Hmong: về sự thiếu thốn lương thực, về thày bói, về những hủ tục, về sự mất dần bản sắc văn hoá, về việc chính phủ sẽ giúp đỡ người Hmong như thế nào để giữ gìn những phong tục tập quán. Tôi đã xem tất cả những bộ phim đó và tôi muốn làm một bộ phim về cái phía đằng sau tất cả những cái mà người Hmong đang gặp phải. Đó là về sức mạnh tinh thần của con người. Trong câu chuyện này, Pao ở trong hàng rào đá của mình nhìn ra cửa sổ. Cô ấy đã bước chân ra ngoài khám phá thế giới, nhưng càng đi ra ngoài cô ấy càng muốn trở về ngôi nhà của mình. Tôi đã nhìn thấy những người rất là đầy đủ và mạnh mẽ về thể chất, nhưng về tinh thần không có. Họ bị huỷ hoại rất nhanh. Ngược lại, tôi đã nhìn thấy những người mỗi ngày chỉ ăn một bữa thôi, nhưng họ có ý chí mãnh liệt, càng khó khăn họ càng vượt qua được gian khó. Ở đây người Hmong phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, với điều kiện sống chưa được thuận lợi, với tất cả những sự xâm thực khác về văn hoá, nhưng họ đã yêu mến mảnh đất của họ hơn hết.

Chúng tôi ở trên vùng đó gần ba năm. Tôi ăn ở, sống chung với họ. Vợ tôi phải lao động như họ. Khi chúng tôi chia tay, nhiều người trên bản đã khóc và hỏi khi nào chúng tôi trở lại. Vì chúng tôi đã để lại tình cảm và họ cũng đã để lại tình cảm cho chúng tôi. Nhiều người hỏi tôi có phải quê ở vùng Hmong không mà lại làm bộ phim như thế.

Có một câu chuyện mà vợ tôi muốn kể.

Đỗ Hải Yến: Thực ra điều tôi nói không liên quan đến chuyện này. Nhưng tôi sẽ kể vài chuyện khi chúng tôi quay phim trên vùng đất đó. Chúng tôi ở trên đó ba năm, tôi nhìn bốn mùa chung quanh, nơi chúng tôi quay phim, tôi nhận ra đó là một vùng đất tuyệt vời nhất mà tôi đã có một thời gian sinh sống. Lúc đầu, khi ở Hà Nội, trước khi lên đó tôi không biết người Hmong bằng tuổi tôi nghĩ như thế nào về cuộc sống. Sau một thời gian sinh sống ở trên đó, tôi có rất nhiều bạn bằng tuổi tôi, tôi thấy họ cũng suy nghĩ giống tôi, nhưng họ thoải mái và tự nhiên hơn. Khi chúng tôi phải đến chợ hàng tuần để tham quan và xem chợ như thế nào, chúng tôi nghe được một câu chuyện, do một anh phiên dịch dịch lại. Ở đó có hai người đàn ông đang ngồi uống rượu và một cô chừng hơn 30 tuổi đang chăn 10 con lợn ở xung quanh. Một ông nói với ông kia là tại sao anh lại để cho cô ấy như thế. Khi mà tôi nhường cô ấy lại cho anh, cô ấy là một cô gái xinh đẹp và anh hứa sẽ cho cô ấy một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng bây giờ hãy nhìn cô ấy xem, anh cho cô ấy một hình dáng như thế nào! Sau đó cả hai người đàn ông ôm nhau mà khóc.

Người đàn ông kia nói rằng hôm nay tôi mang một bịch ngô đến để bán nhưng tôi bán xong, tôi cho anh tiền để anh nuôi cô ấy, cho cô ấy xinh đẹp hơn và lo cho con cái của cô ấy và anh.

Thực sự tôi thấy tôi rất là may mắn đã được sống một quãng đời như trong phim. Thank you very much.

Tôi có hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất cho đạo diễn. Người dân ở Việt Nam có biết gì về cộng đồng người Hmong không, vì gia đình tôi ở miền Trung, tôi có hỏi bố mẹ nhưng họ không biết gì nhiều. Câu hỏi thứ hai cho nữ diễn viên, việc các cô gái thường mê những cậu con trai biết chơi một nhạc cụ nào đó có thề gọi là phổ quát không?

Ngô Quang Hải: Thực ra tất cả phương tiện truyền thông ở Việt Nam đều đưa những thông tin đều đặn về người Hmong sống như thế nào và cuộc sống của họ đang gặp vấn đề gì. Thí dụ như con đường bây giờ xuống cấp hay một cơn lũ quét thì những người nào sẽ đến để giúp đỡ. Năm nay bao nhiêu bản phải trợ cấp thêm lương thực. Thực ra lương thực bây giờ không thể đủ để sống ở bất kì ở vùng núi cao nào. Không phải chỉ Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới. Họ canh tác mỗi năm chỉ có một mùa và đời sống rất là khó khăn. Không chỉ ở Việt Nam là khó khăn về mặt cuộc sống.

Tôi đã gặp rất nhiều người bạn của tôi, có cả hàng xóm của tôi ở gần Hà Nội, cũng như những người nước ngoài bạn tôi. Khi tôi hỏi có biết gì về cuộc sống của người dân tộc không, họ kể cho tôi về những người dân tộc như người Hmong ở Sapa, người Yao, người Tầy, người Nùng ở những vùng núi xung quanh nơi họ có thể dễ dàng để đến. Tôi hỏi, thế họ biết gì về người Hmong thì họ bảo có chợ tình ở Sapa, một tuần một lần. Thế là tôi bảo họ đã đến một vùng rất dễ đến và du lịch. Thực ra du lịch sẽ mang lại thuận lợi và cả những khó khăn cho những sắc dân sống ở trên núi cao, vùng hẻo lánh.

Trước khi làm bộ phim này tôi đã đưa ra những phương án khác nhau. Hoặc là theo cách trầm lắng như quý vị vừa xem. Hoặc là xung đột dữ dội cuốn hút hơn. Rất nhiều người hỏi tôi tại sao lại dùng cả những tiếng Kinh, tiếng Hmong, tiếng Yao, những tiếng khác, mà còn dùng cả âm nhạc phương Tây ở trong đấy? Sao sân nhà Pao lại to thế? Những câu hỏi đã được hỏi trước khi tôi cầm máy quay cuốn phim này. Tôi chọn sự giản dị nhất và đúng với tinh thần của cuộc sống trên đó. Một phần nào đó tôi tin rằng bộ phim cũng sẽ chuyển tải được tinh thần của người Hmong cho những người ở thành phố như chúng ta vì tôi thấy cuộc sống, ngay cả của bản thân tôi, trên một đất nước chưa được phát triển như ở Mỹ, ở châu Âu, nhưng tôi còn thiếu sự tĩnh tại trong con người mình.

Tôi biết hiện có khoảng hơn 40 ngàn người Hmong đang sống tại Mỹ và khoảng vài lần như vậy sống ở Việt Nam và phía nam Trung Quốc. Tôi đã đến nhà của vua Hmong, Vương Chí Sinh, và nói chuyện với những người sống gần đó. Tôi rất xúc động và tôi tin là những người Hmong dù có cuộc sống thay đổi hay có khó khăn thế nào cũng sẽ chia sẻ được một phần của bộ phim. Thông qua bộ phim này tôi muốn người ta trở lại với bản ngã của mình nhiều hơn.

Riêng cá nhân tôi, thông qua câu chuyện này và được sống với người Hmong trên đó, đấy cũng là một bài học lớn cho đời tôi về quan hệ giữa con người với con người, về đối xử giữa con người với nhau.

Phillip Noyce, người đạo diễn đã giúp tôi rất nhiều trong những dự án phim bây giờ và sẽ tới, khi xem xong phim này ông ấy còn hỏi đi, hỏi lại là đây có phải là cuộc sống của bây giờ, hay 50 năm trước. Cho đến khi ông ấy nhìn thấy cảnh Pao quan sát những người bạn cùng tuổi đang dùng computer, điện thoại di động ở Sapa thì ông ấy mới tin đó là cuộc sống bây giờ.

Đỗ Hải Yến: Tôi chỉ trả lời ngắn thôi. Thực ra tôi là một người rất lãng mạn. Ở trên vùng núi đó mà nhìn thấy một người thổi sáo, đẹp trai, chắc là con gái thì ai cũng thích. Không phải thổi sáo, mà dùng bất cứ nhạc cụ gì thì ai cũng sẽ động lòng.

Chồng tôi không biết chơi một nhạc cụ nào cả. Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau thì anh ấy mời tôi đi ăn Kentucky (Kentucky Fried Chicken, KFC). Lúc đó tôi nghĩ, ôi anh này lãng mạn quá vì món này tôi chưa ăn bao giờ. Thế là chúng tôi yêu nhau vì món KFC đó.

Kết phim quá đẹp và hình ảnh rực rỡ. Nhưng quần áo đó có phải chỉ là hoá trang hay thực như thế? Người quay phim này là Cordelia Beresford có liên hệ gì với Bruce Beresford, đạo diễn điện ảnh Úc không?

Ngô Quang Hải: Quần áo trong phim không giống lắm với quần áo bây giờ người Hmong đang mặc ở Đồng Văn và Hà Giang. Do điều kiện thời gian, người Hmong bây giờ không còn mặc nhiều quần áo tự làm nữa mà có người may sẵn từ Trung Quốc mang sang. Ngày đi chợ thì những cô gái và bà già đều mặc quần áo mới nhất và đẹp nhất. Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi sao quần áo trong phim mới thế. Thực ra, ở chợ thật họ còn mặc quần áo đẹp hơn, mới hơn thế nữa.

Khi bắt đầu làm quần áo, tôi và người art director, costume designer, chúng tôi đã phải đến viện bảo tàng y phục của dân tộc học. Chúng tôi mang máy ảnh, chụp lại và xin phép cắt những mẫu vải với những hoạ tiết. Có những hoạ tiết chúng tôi phải mang lên tìm những cụ già trên Hà Giang, Đồng Văn để thêu lại. Mười người thợ may, khâu bằng tay trong 6 tháng. Chị xem những bộ quần áo Pao mặc, hay bà Kía mặc, tất cả đều khâu bằng tay hết. Váy của người Hmong xếp nếp, mầu đen hoặc trắng để thêu thì tốn đến 20, 30 mét vải mới may được một cái váy như thế. Những thứ vải đó, chúng tôi phải đến những vùng thật xa, gặp những cụ già để thu mua lại để may những cái váy chuẩn.

Ngoài ra tôi nói với người hoạ sĩ của tôi là không được chủ quan tự mình phối mầu vào đó, mà phải dựa vào sự phối mầu sao cho matching với nhau, một mầu lạ nhưng phải rất là đặc biệt của truyền thống.

Khi chúng tôi làm xong những bộ quần áo để Pao, bà Kía hay những cô gái trẻ mặc thử và đưa đến gặp những cụ già ở vùng cao, vùng sâu, hỏi xem có giống người Hmong chưa. Tôi thấy có một bà mắt rất kém, bà ấy nhìn thật kĩ có đến mười phút, không nói gì cả, rồi một lúc mới nói, qua lời một chủ tịch xã dịch lại cho tôi: “Cái này giống ông bà mình mặc ngày xưa đấy”. Tôi yên tâm vô cùng.

Sau đó tôi hiểu người Hmong có một cơ cấu về gia đình, về dòng họ rất là chặt chẽ. Muốn nhận được ý kiến của họ, muốn họ chấp nhận mình thì mình phải rất chân thành. Tôi tin rằng bộ phim đã làm được điều như thế. Những điều trong phim như quần áo, phong tục, thức ăn, tiếng sáo, cúng, chúng tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của những người bản xứ trên đó. Không có thì chúng tôi không thể làm được bộ phim này.

Xin trả lời câu hỏi thứ hai. Cô Cordelia Beresford là con gái của đạo điễn Bruce Beresford. Những bộ phim sau của chúng tôi cô ấy cũng rất muốn làm việc chung với chúng tôi.

Quý vị ở đây được xem bộ phim này trước cả những người Hmong ở trên đó, vì vậy cho phép tôi được dùng chiếc máy ảnh này, để chụp chân dung của quý vị có mặt ngày hôm nay tại trường Berkeley. Tôi sẽ nói với bạn bè của tôi cũng như trong tương lai tôi gặp những người Hmong ở trên miền núi, tôi sẽ cho họ biết là đây là những người đã xem phim về họ.


*


Đạo diễn có khi đi quá xa câu hỏi. Nhưng nhìn chung phần giao lưu đã đem đến cho khán giả, đạo diễn và diễn viên những trận cười vui, tươi.

(Ảnh trong bài của Bùi Văn Phú)

© 2006 talawas