trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Sân khấu
  1 - 20 / 24 bài
  1 - 20 / 24 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtSân khấu
11.12.2006
Franz Xaver Augustin
Bà tỉ phú về thăm Việt Nam
Đức Lê thực hiện
 
Sau cơn đẻ khó nhưng mẹ tròn con vuông ở Hà Nội và mấy đêm diễn đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh, giám đốc Viện Goethe Việt Nam, Franz Xaver Augustin, có vẻ như không thoả mãn hẳn với dự án lớn cuối cùng trong nhiệm kỳ công tác của mình ở Hà Nội.

Đức Lê: Thưa ông Augustin, Viện Goethe đến với vai trò "dẫn đường" cho Dürrenmatt tới Hà Nội như thế nào? Nghe nói khởi đầu không được suôn sẻ lắm.

Franz Xaver Augustin: 2002 tôi đặt chân đến đây, và ý nghĩ đầu tiên đương nhiên xoay quanh chương trình của Viện Goethe trong ngữ cảnh cụ thể. Nghĩ đến hoạt động sân khấu, nghĩ đến một tác phẩm tiếng Đức trên sân khấu Việt Nam ở thời điểm này thì đúng là chỉ có Bà tỉ phú về thăm quê của Dürrenmatt được tôi tâm đắc nhất. Ông là một kịch gia kinh điển, được dịch ra mọi ngôn ngữ, gặt hái thành công ở mọi nền văn hoá khác nhau nhất, và thông điệp của vở rất phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam hôm nay. Quả là một cơn đẻ khó. Thoạt tiên, cuộc gặp mặt với đạo diễn Thụy Sĩ Straub là một dịp tình cờ, trước đó tôi không quen ông. Chúng tôi dự kiến đưa vở này ra mắt công chúng năm 2003, muộn nhất là đầu 2004. Rồi chuyện nọ đẻ chuyện kia, Bộ Văn hoá và Thông tin góp ý là kịch bản - ngày đó mới có bản dịch của Lê Chu Cầu - mang tính tiêu cực đối với Việt Nam, không nên đem diễn. Chúng tôi hầu như xếp xó dự án này, nhưng sau đó lại có dịp khởi động lại khi đại sứ mới của Thụy Sĩ, ông de Cerja, nhậm chức và động viên tôi nên tiếp tục. Lúc đó tôi có thêm trong tay bản dịch của Phạm Thị Hoài, thực chất là một chuyển tải sâu hơn, hướng tới ngữ cảnh Việt Nam. Những gì chúng ta mấy hôm nay chứng kiến trên sân khấu là một pha trộn giữa hai bản dịch nêu trên. Tôi cũng xin cảm ơn hai dịch giả đã đồng ý chấp nhận sự gán ghép khá hi hữu đó. Khi tôi hỏi lại Bộ Văn hoá Thông tin lần nữa thì tôi nhận ra có sự cởi mở nhất định, ông Dũng lúc đó lên Giám đốc Nhà hát kịch sau khi cựu giám đốc Châu về hưu và chúng tôi lại xắn tay áo lên lần nữa. Về phía Bộ (VHTT) đột nhiên có không khí thoải mái, thậm chí chúng tôi còn nhận được sự đóng góp tài chính, và tháng 11/2006 vở Bà tỉ phú rốt cuộc lên sân khấu.

Dürrenmatt được coi là thích giữ nụ cười trước thảm họa nhãn tiền. Ông có ngại rằng một vở bi hài kịch kiểu này không có chỗ đứng trong lòng khán giả châu Á vốn yêu loại sân khấu "có hậu", thậm chí bị chối bỏ?

Dürrenmatt có để lại một câu đại ý là thế kỷ 20 không thể dùng bi kịch để lay động nữa, quá nhiều thảm kịch của nhân loại đã xảy ra, khiến bi kịch theo nghĩa truyền thống Hy Lạp mất hết trọng lượng. Để khán giả hôm nay động não, phải đi đường khác, và ông thử nghiệm bằng sự dị biệt quái đản, bằng kiểu khôi hài đen tối, bằng cách cường điệu các hoàn cảnh thường nhật. Ông rất thành công với quan điểm này, và ấn tượng của tôi ở Hà Nội là - nhân đây cũng nhấn mạnh sự khác biệt rõ rệt với Sài Gòn - khán giả thủ đô rất thấu hiểu Dürenmatt. Dĩ nhiên là có một số người ngỡ ngàng trước cái chết của ông In và kết thúc cay đắng, nhưng theo tôi quan sát thì mối đồng cảm được thể hiện rõ. Lịch sử thế giới đã chứng kiến nhiều sự kiện tồi tệ hơn nhiều so với một vụ sát nhân xuất phát từ lòng tham. Cái làm tôi rất thất vọng là phải chứng kiến vở kịch rất thành công ở Hà Nội, được khán giả ở đây uống từng lời, thưởng công cho tập thể đạo diễn, diễn viên, ca sĩ (chúng tôi bổ sung phần nhạc không có trong nguyên bản) bằng những tràng vỗ tay nồng nhiệt, nhưng ở Sài Gòn thì tôi phải nói là công lao ấy cộng với nỗi vất vả đưa 80 người cùng 2 container sân khấu vào đó hoàn toàn là công cốc. Không thấy phản ứng nào từ phía khán giả, nhiều người bỏ về trong giờ nghỉ. Tựa như có một bức tường kính ngăn sân khấu với khán giả, không có tia lửa nào phát ra giữa hai bên... Tôi hoàn toàn không chờ đợi điều ấy, và phải học ra một điều, là có lẽ ở Sài Gòn người ta thích những kiểu khôi hài khác.

Dürrenmatt, con một linh mục như Hermann Hesse hay Eduard Mörike, vốn không bao giờ rời bỏ chủ đề tôn giáo.

Vậy thì Bà tỉ phú hầu như là ngoại lệ. Tác giả nhấn mạnh vào khía cạnh đạo lý trong vở này, như dùng một đèn pha rọi vào vực thẳm tâm hồn của con người, lòng tham của con người - bất kỳ trong xã hội nào - là một mặt không tách rời khỏi xã hội. Đề tài tôn giáo hay ý thức hệ quả thật luôn theo chân Dürrenmatt đến cuối đời, nhưng ngôn ngữ của ông trong vở này là một ngôn ngữ nhẹ nhàng và trong sáng, cũng là lý do để khi đến Việt Nam tôi muốn giới thiệu ông chứ không phải một tác giả khác, ví dụ như Bert Brecht. Dürrenmatt là đối thủ đáng gờm của mọi địa đàng không tưởng, bất kể đó là thế giới bên kia của Thiên Chúa giáo hay thiên đàng trên trái đất như người theo chủ nghĩa Marx vẫn hứa. Ông là đối cực của sự duy lý, đồng thời cũng không thâm nho như Brecht, ông là một trái tim nồng hậu, và khi chỉ cho con người những vực thẳm đạo lý thì ông muốn cảnh báo và hướng họ tới một thế giới tốt hơn, ngay cả khi ông không nuôi ảo tưởng nào thái quá.

Ông đánh giá ra sao sự cộng tác giữa nhóm đạo diễn châu Âu và tập thể nghệ sĩ Việt Nam, và kết quả tạm thời của dự án?

Diễn viên Thu Hà trong vai bà tỉ phú, cảnh trong nhà kho
Tôi được phép không lịch sự một cách giả tạo chứ? Xin cảm ơn. Vậy tôi nói ngay là: sự cộng tác này rất phức tạp. Nguyên do là sự cách biệt quá lớn trong mong đợi, cách làm việc, tâm lý, bề dày kinh nghiệm và nhiều mặt khác. Tôi không tiết lộ bí mật gì khi kể ra là sân khấu Việt Nam trong 10, 15 năm qua không có cao trào gì nổi bật, mà tồn tại khá leo lắt dưới áp lực kiểm duyệt. Theo tôi, Nhà hát Kịch chưa có một cơ cấu chuyên nghiệp, và Viện Goethe trong vai trò gần như nhà sản xuất phải nỗ lực rất nhiều để làm dịu đi những xung khắc và giữ cho các nhân viên người Âu trong tâm trạng khả dĩ còn yêu mến công việc. Nhiều nước mắt đã chảy, nhiều vấn đề phát sinh từ những việc không đáng có. Nhưng cuối cùng thì tất cả đều được phép tự hào, và Viện Goethe cũng không phải quá khiêm tốn để nói là chúng tôi đã chứng minh được rằng ở Việt Nam có nhiều năng khiếu đáng phục, và ở bối cảnh tương thích và điều kiện làm việc thuận lợi chúng ta hoàn toàn có quyền nói đến một sân khấu có tính chuyên nghiệp cao. Ấn tượng của tôi là, các đêm diễn có chất lượng khác nhau, nhưng những đêm thành công hoàn toàn có thể đem đến Freyburg, Köln, hay cả ở Berlin. Tôi đã từng chứng kiến ở Đức hay trên các sân khấu tiếng Đức khác những buổi diễn kém hơn. Xin kết luận là sau vô vàn khó khăn đã gặp, tôi rất thoả mãn và hạnh phúc rằng chúng tôi đã thành công, và lẽ ra nên dừng lại sau các buổi diễn ở Hà Nội chứ không đi Sài Gòn: bỏ quá nhiều tiền để gặt hái một nhận thức quá tồi tệ.

Lê Chu Cầu không phải là dịch giả duy nhất tham gia, và cuối cùng vẫn thấy một số tranh cãi về lời thoại. Ngôn ngữ của Dürrenmatt quá khó, hay quá nhiều cách hiểu và suy diễn?

Đúng là cách hiểu ẩn ý tác giả là một vấn đề. Vừa mới đây thôi, Hedda GablerNora hay Nhà búp bê (Henrik Ibsen) vừa được ra mắt ở Hà Nội trong bản dịch tiếng Việt. Theo đánh giá có thể không chuyên môn lắm của tôi thì những thử nghiệm đưa kịch châu Âu lên sân khấu Việt Nam tương đối thất bại. Nó liên quan đến ngôn ngữ, đến sự thiếu nhất quán khi chuyển tải một đề tài châu Âu sang Việt Nam. Phải nói thêm là dịch Ibsen khó hơn nhiều so với dịch Dürrenmatt. Dürrenmatt viết kịch như viết ngụ ngôn, ngôn ngữ của ông - so với các cây bút khác viết tiếng Đức của thế kỷ cuối, kể cả Brecht - dễ hiểu hơn nhiều. Tôi không tin là khó dịch ông, có lẽ phải hỏi hai dịch giả thì hơn. Tiếng Việt của tôi chưa đủ để đánh giá, tôi chỉ nghi là Lê Chu Cầu cố bám lời thoại quá sát, trong khi Phạm Thị Hoài ngay từ đầu đã ý thức đây là kịch nói chứ không phải tác phẩm văn xuôi để đọc như đọc sách. Tất cả những người bạn Việt Nam mà tôi hỏi đều nói là bản dịch tốt, diễn viên cũng khá thích, và tôi nghĩ Dürrenmatt chắc sẽ hài lòng.

Đồng tiền thống trị thế giới - ai chịu một nền giáo dục Khổng Tử sẽ muốn lờ câu ấy đi hơn là đả phá nó một cách duy ý chí và vô vọng. Nhưng kỷ nguyên chuyển mình ở Việt Nam bắt ta phải nói đến điều "huý kị" ấy...

Thật ra chẳng có gì đáng bàn thêm cả. Bất cứ ai chịu khó vén rèm cửa của ngôi nhà Khổng Tử một chút thì sẽ thấy là ở khắp nơi, cũng chính ở Việt Nam trong giai đoạn này lại càng rõ, đồng tiền có ma lực ra sao. Mới cách đây chưa lâu, người ta còn sống trong nhiều thiếu thốn, và hôm nay ai cũng muốn truy bù, tất nhiên mỗi người một kiểu, và sự cách biệt giữa các giai tầng trong xã hội sẽ lớn lên. Nghe những lãnh đạo Đảng nói chuyện hôm nay, dễ nhận ra rằng làm giàu là thể hiện lòng yêu nước, lặp lại một ý của Đặng Tiểu Bình ngày trước. Giàu có không phải là chuyện phụ nữa, càng không phải là tội. Đâu có sai. Nhưng ta phải xác định rõ là những gì đang ập xuống xã hội Việt Nam hôm nay còn mạnh hơn các quan hệ mang màu sắc Khổng Tử. Sức cuốn hút của đồng tiền, của chủ nghĩa hưởng thụ ngày càng mãnh liệt. Ông giáo trong Bà tỉ phú có nói đại ý “Sự quyến rũ quá mạnh, còn chúng ta thì quá nghèo để cưỡng lại". Nhà chức trách Việt Nam đã nhận rõ nguy cơ của nạn tham nhũng và quyết tâm ra tay. Việc công diễn Bà tỉ phú về thăm quê trùng với cuộc gặp gỡ của các đại gia hùng cường trong dịp APEC và cánh cửa WTO mở ra cho Việt Nam là một tình cờ thú vị, không phải do chúng tôi sắp xếp. Hãy nhớ lại cảnh cuối, khi bức phông hậu hạ xuống và những đồng tiền vàng mưa lả tả, ai cũng hân hoan, một thế giới mới mở ra mà trong đó tội ác duy nhất là không có tiền! Thật buồn cười là chính cảnh ấy lại không đắt ở Sài Gòn, nơi đồng tiền lăn nhanh hơn so với Hà Nội mới ở xuất phát điểm. Hay là ở đó đã có sự "miễn dịch" chai lì? Nhưng tôi không muốn quy tất cả về đạo lý. Nếu vở diễn không thành công ở đó thì phải có nguyên nhân gì về văn hoá? Cộng tác viên của tôi kể lại, có khán giả nói là họ hiểu phụ đề (tiếng Anh) rõ hơn lời thoại! Tôi rất muốn tìm hiểu lý do cho sự thờ ơ của khán giả sân khấu Sài Gòn.

Không chỉ sau dự án này ông mới tìm hiểu kỹ hơn cuộc sống sân khấu ở Việt Nam. Mozart, Ibsen, Dürrenmatt trong 2006 - có tín hiệu gì cho sự khởi sắc?

Cảnh hạ màn tưng bừng
Tôi nhắc lại là thành công ở Hà Nội làm tôi rất vui, vui cho cả tập thể diễn viên, tôi hy vọng là Bà tỉ phú còn thăm chúng ta vài lần nữa. Đã có một số phê phán từ cơ quan kiểm duyệt, họ muốn cắt bỏ những yếu tố trực tiếp đụng đến Việt Nam như những biển "Đóng cửa" thể hiện tình hình kinh tế ở Ghi Lèn, cùng mấy điệu dân ca Việt Nam mà khán giả rất tâm đắc (Cười). Sau này tôi mới biết là bài "Trống cơm" được hát ở cảnh hạ màn tưng bừng của Ghi Lèn cũng là bài dân ca được chọn hôm bế mạc APEC! Trong vở này, đó là đề nghị của chính các ca sĩ tham gia. Nhân tiện cũng muốn nói thêm là hậu cảnh âm nhạc trong Bà tỉ phú không hề từ băng đĩa, mà hoàn toàn do các ca sĩ trình bày à cappella, gồm dân ca từ nhiều nước kể, cả tiếng động. Trở lại với câu hỏi: tôi sợ là mùa Xuân sân khấu này sẽ không chuyển đến một mùa Hè nắng chói, đơn giản là ở Việt Nam không có một nền sân khấu mạnh. Vấn đề chính ở Việt Nam theo tôi nghĩ là cơ cấu. Một trong những điều làm chúng tôi ở Viện Goethe bức xúc nhất là vé xem kịch được phát miễn phí. Bán vé thì có khán giả, tặng vé thì như đồ vô giá trị, nhiều người lấy vé rồi vứt đi! Chừng nào chưa thấy được giá trị lao động của các nghệ sĩ và đồng tiền khán giả bỏ ra thì rất khó xây dựng một nhà hát chuyên nghiệp. Nên biết là các vở lớn năm nay đều được tài trợ quốc tế hào phóng, và phía Việt Nam cũng có phần đóng góp đáng trân trọng. Bà tỉ phú được hỗ trợ lớn từ Thụy Sĩ và các nhà tài trợ khác, nhất là Siemens. Tôi mong vở này được diễn tiếp, và sẽ không bỏ công ra ủng hộ chút nào nữa nếu công tác kiểm duyệt kiểu này còn tồn tại. Đã có quy định là sau chuyến lưu diễn này sẽ lại phải bàn lại chuyện xin giấy phép biểu diễn. Tôi không tin vào ai đó có năng lực cao hơn nhóm đạo diễn vừa tham gia để chỉnh sửa cho tốt hơn. Tôi hiểu là người ta muốn cắt những gì dính đến địa phương nơi dựng vở, nhưng đó chính là ước vọng của Dürrenmatt trong vở này.

Trong năm 2006 có một số dự án lớn được thực thi, tôi đặc biệt thích Cosi fan tutte của Mozart, nhưng một nửa số diễn viên là người Thụy Điển thì làm sao làm tiếp được. Về những hạn chế ở Sài Gòn thì tôi nói rồi, nhưng ngoài đó ra Bà tỉ phú hoàn toàn có thể diễn thêm 5-10 buổi nữa ở Hà Nội. Chúng ta hãy đợi xem sao. Tôi hy vọng nó không bị xếp vào kho như một số công trình khác. Riêng về tác phẩm nước ngoài, tôi chắc chắn rằng phải cân nhắc rất kỹ nên dịch gì. Galileo Galilei của Brecht chẳng hạn. Dürrenmatt có nhiều yếu tố sitcom nên dễ lôi kéo khán giả hơn. Tôi không công tác ở Việt Nam lâu nữa, tôi chúc các diễn viên Việt Nam có nhiều đất dụng võ hơn, vì tôi thấy rất nhiều diễn viên xuất sắc, như ông Phan (vai In) hay Thu Hà (Cala Sắc) và nhiều người nữa. Song tôi cũng muốn nhắn nhủ họ nâng cao tính chuyên nghiệp: tất cả hồi hộp, run rẩy của buổi diễn đầu tiên - cũng là một lý do để khán giả ưa thích, về đến Sài Gòn đã thành kinh nghiệm và dễ dàng như đọc thuộc lòng.

Xin cảm ơn ông

Hà Nội, 7/12/2006

© 2006 talawas