Tư tưởngLịch sỠ1.11.2008
Nguyá»…n TÆ°á»ng Tâm
Cuá»™c biểu tình đầu tiên của “quần chúng tá»± phát†ủng há»™ cách mạng láºt đổ Tổng thống Ngô Äình Diệm năm 1963
Tối 1-11-1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu còn ở trong Dinh Gia Long liên lạc với các đơn vị trung thành với ông, trong khi lực lượng đảo chánh vẫn chưa hoàn toàn thắng thế. Một “lực lượng quần chúng” được tập hợp vào buổi tối ngày hôm đó, mà người viết được tham dự như một hạt cát, để thực hiện cuộc biểu tình ủng hộ lực lượng “quân nhân cách mạng” trong tình hình tranh tối tranh sáng, chưa biết phe nào thắng thế. Cuộc biểu tình đó không phải “cuộc biểu tình tự phát của quần chúng” theo đúng nghĩa của từ này, và cũng không phải do các ông tướng cầm đầu đảo chánh yêu cầu. Trước ngày ông Nhất Linh tự tử, 7-7-1963, trong gia đình người viết, thế hệ Nhất Linh vẫn còn là một thế giới người lớn, mà toàn thể anh chị em trong họ chúng tôi đứng ngoài, chẳng biết gì. Ngoại trừ hai anh Nguyễn Tường Hùng, kiến trúc sư, và Duy Lam, sĩ quan quân đội, là hai người cháu liên lạc thân thiết với ông Nhất Linh trên lãnh vực văn chương và anh Nguyễn Tường Bá, luật sư, liên lạc chặt chẽ với ông Nhất Linh về chính trị, tất cả các anh chị em khác ở thế hệ tôi trong họ đều không để ý gì tới chính trị. Năm 1963, tôi mới có 18 tuổi, đang học đệ nhất trường trung học Hồ Ngọc Cẩn Gia Định, là một trong bốn, năm người nhỏ tuổi nhất trong họ, lại càng lơ là với chính trị hơn nữa: mình là con nít mà! Các cuộc biểu tình chống chính phủ của Phật giáo, kể cả vụ Thượng toạ Thích Quảng Đức tự thiêu, cũng không chiếm sự quan tâm của tôi. Thế nhưng, sau ngày 7-7-1963, ngày ông Nhất Linh tự tử để phản đối chế độ ông Diệm, tôi như cảm thấy cái tảng đá lớn trong đời mình vừa biến mất. Từ đó, mình không còn là con nít nữa. Thế hệ trước đã ra đi, giờ đây tôi thấy đột nhiên trưởng thành, trở thành người lớn, và cảm thấy phải đóng góp một cái gì đó với xã hội, với tổ quốc. Từ nay mình không chỉ còn là một cậu học sinh chỉ biết học hành nữa. Trong đại gia đình Nguyễn Tường, dường như đó cũng là tâm trạng của tất cả anh chị em trong họ. Việc đầu tiên liên quan tới chính trị chống chính phủ mà tôi tham dự là cùng với các anh chị em trong họ cố gắng làm sao chuyển được bản chúc thư chính trị của ông Nhất Linh tới cơ quan truyền thông quốc tế. Mật vụ của chính quyền cũng đang săn lùng mọi tin tức và tài liệu có nội dung chống chính phủ, vì thế việc đầu tiên là chúng tôi phải làm sao có được bản copy của bản chúc thư, để lưu hành, và cất giấu bản chính đi. Ba người anh em họ lớn tuổi nhất chủ chốt trong việc này là luật sư Nguyễn Tường Bá, anh Nguyễn Tường Lưu, con ông bác, và anh Nguyễn Tường Ánh con nhà văn Hoàng Đạo, dĩ nhiên phải có Nguyễn Tường Thiết, con trai ông Nhất Linh. Lúc đó máy photocopy chưa phổ biến như bây giờ. Quả thực dường như không ai trong chúng tôi biết trên đời đã có máy photocopy nữa. Chúng tôi kê một cái bàn lớn ở sân sau căn biệt thự của ông bác tôi, số 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Căn villa này quá lớn nên sau này đài phát thanh ở bên cạnh sử dụng làm một phần cơ sở của đài. Lúc đó máy ảnh còn dùng phim giấy và có lẽ chưa tối tân đủ để những người thợ ảnh tay mơ, như anh em chúng tôi, có thể chụp hình được một mảnh giấy, là bản chúc thư. Các anh loay hoay dựng bản chúc thư đứng dựa vào một vật để trên bàn, hướng về phía ánh mặt trời. Máy ảnh để trên bàn cho vững chãi. Các anh cố chụp. Nhưng không thành công. Sau đó tôi theo các anh lên xe hơi chạy đi tìm phóng viên quốc tế, lúc đó là UPI, để trao cho họ. Ngồi trên xe, có cả anh Nguyễn Tường Quí, sinh viên kiến trúc, chúng tôi chú tâm theo dõi phía sau xem có xe mật vụ theo không. Chúng tôi chỉ lo sợ mật vụ tịch thu được bản chúc thư. Ngày hôm đó, chúng tôi không gặp được phóng viên quốc tế. Sau đó các anh trao được bản chúc thư đó cho phóng viên quốc tế vào lúc nào tôi không rõ. Đám tang ông Nhất Linh vừa xong. Tôi bắt đầu vào cuộc một cách tự phát. Địa điểm biểu tình của Phật giáo mà tôi tới “xem cho biết” lần đầu tiên là trước cửa chùa Giác Minh, đường Phan Thanh Giản Sài Gòn, gần góc đường Cao Thắng. Khởi đầu chỉ là “xem cho biết”. Nhưng trong cái không khí đầy kích động đó, tôi thấy mình đã trở thành một thành viên tích cực của phong trào. Chùa Giác Minh là ngôi chùa nhỏ, nằm trong hẻm, của Thượng tọa Thích Tâm Châu. Trước đó mấy năm, khi bà nội tôi còn sống, tôi đã có dịp đưa bà nội tôi tới thăm vài lần, vì bà nội tôi có quen biết khá thân với Thượng toạ. Lúc đó Thượng toạ Tâm Châu còn trẻ, kính trọng bà nội tôi như vị sư cụ thuộc thế hệ trước ông. Thượng toạ Tâm Châu hoàn toàn không tạo một ấn tượng trong tôi về hình ảnh của một vị lãnh tụ của Phật giáo sau này. Nhưng bấy giờ, 1963, ông đang là một trong những trụ cột của phong trào. Giữa Phật giáo và chính quyền, bấy giờ, về mặt nổi, đã có những cam kết hoà giải. Nhưng thực chất, hai bên đều nghi ngờ nhau, nên trên cái loa nhỏ mắc từ trong chùa, vị sư lãnh đạo đám đông tuy công khai lớn tiếng yêu cầu đồng bào giải tán (theo thoả thuận với chính quyền), nhưng ngay sau đó lại lên tiếng nho nhỏ xui đồng bào “cứ ở tại chỗ, đừng ra về”. Vì thế đám đông không giải tán. Trong thế giằng co đó, một vị chỉ huy cao cấp của cảnh sát, với dáng đầy quyền uy, ngồi trên chiếc xe hơi bóng loáng, nhỏ gọn có vẻ xe thể thao, tới đám biểu tình với mục đích yêu cầu nhà chùa ra lệnh cho đám đông giải tán. Mục đích này đã không những không thành công mà thái độ kênh kiệu của ông còn khiến đám đông bất mãn. Ông ta là một công chức thiếu khôn ngoan! Xe tới đám đông mà ông ta vẫn cứ chễm trệ trên xe, mặt lạnh lùng, quyền uy. Chỉ có người tài xế xuống xe yêu cầu đồng bào tránh ra cho xe của ông tới chùa. Thái độ của ông ta khiến đám đông bất mãn, không những không tránh ra mà còn bu lại quanh chiếc xe nhiều hơn và nhìn vào vị “quan” trong xe với thái độ thách thức. Dần dần đám đông hò nhau xúm lại toan khiêng chiếc xe lật nghiêng. Chiếc xe quá nặng. Không lật được xe thì đồng bào nhún chiếc xe hết bên này tới bên kia. Vị “quan” trong xe ngồi lắc lư như một anh “hề” lật đật. Cuối cùng cảnh sát dùng lựu đạn cay bắn vào đám đông. Đám đông chạy lui, nhưng nỗi bực tức gia tăng như lửa trước cơn gió lốc. Guốc dép nằm la liệt trên đường. Chạy tới đường xe lửa thì đám đông nhặt đá và mọi thứ quay lại ném vào cảnh sát. Cuộc chạm trán giữa lựu đạn cay và gạch đá khốc liệt. Nỗi tức giận của quần chúng gia tăng. Quần chúng hai bên đường trở nên ủng hộ đám biểu tình. Họ cung cấp nước để đám biểu tình nhúng ướt khăn mùi-xoa phủ mặt chống hơi cay tiếp tục đương đầu với cảnh sát. Khoảng nửa tiếng sau thì đám biểu tình tản mát vào những con hẻm xung quanh và biến mất, trong sự che chở của người dân nơi đây. Một dấu hiệu mặc nhiên cho thấy cảm tình của quần chúng đối với phong trào Phật giáo chống chính phủ gia tăng. Đây là trận đụng độ với cảnh sát đầu tiên mà tôi tham gia. Khởi đầu chỉ là đi “xem cho biết”. Đó là tháng Tám. Sau đó dường như tại trường nào cũng có những nhóm sinh viên học sinh tham gia chống chính phủ. Tôi được anh Nguyễn Tường Quí, sinh viên kiến trúc, thường xuyên cung cấp những tin tức về một số những dự định tự thiêu kế tiếp của các vị sư ở Sài Gòn, để tới đó yểm trợ. Nhưng chưa có vụ nào xảy ra như dự định. Các cuộc tập trung của quần chúng sau đó diễn ra tại chùa Xá Lợi đông hơn và thường xuyên hơn. Chùa Xá Lợi là một ngôi chùa lớn, mới xây cất, bên cạnh trường nữ Trung học Gia Long. Một lần anh Tường Quí hẹn tôi tới gặp Thượng toạ Thiện Minh tại chùa này. Một tổ sinh viên học sinh chưa tới chục người được dàn xếp bí mật lên gặp thầy. Chúng tôi mỗi người mỗi ngả, len lỏi giữa đám đông, được dẫn lên trên lầu. Tôi cảm thấy mình “quan trọng”. Cuộc gặp chỉ diễn ra ngắn ngủi trong mấy phút. Thầy Thiện Minh nói gì, tôi không còn nhớ nhưng không tạo ấn tượng trong tôi. Những ngày sau đó tôi tích cực tham gia mọi cuộc tập trung chống chính phủ tại chùa Xá Lợi, không phải vì lời hiệu triệu của thầy Thiện Minh, mà vì trong tình hình đó, tham gia chống chính phủ, với tôi, là một điều “tự nhiên phải làm”. Các cuộc tập trung này được nhà chùa nói là “tuyệt thực chống chính phủ”. Nhưng thực chất, đối với ai tôi không biết, đối với tôi và những người bạn thì chúng tôi đều về nhà ăn cơm rồi sau đó lại tới tham gia “tuyệt thực” tiếp. Hình như đám đông cũng làm như vậy! Nhưng dầu sao đối với truyền thông quốc tế và công luận thì đó vẫn là những “cuộc tuyệt thực vĩ đại chống chính phủ”. Một hôm, anh Quí bảo tôi sẵn sàng tập họp để chờ “một biến cố lớn”. Anh không nói là biến cố gì. Mà cũng chưa chắc anh đã biết là biến cố gì. Hôm đó “biến cố lớn” không xảy ra. Khoảng một tuần sau anh lại hẹn tôi tập họp vào buổi sáng. Sau đó cuộc đảo chánh diễn ra, đó là ngày 1/11. Tôi nghĩ trong tình hình chưa ngã ngũ, phe đảo chính muốn có một sự ủng hộ công khai của quần chúng. Không biết ý nghĩ này có đúng không. Tôi được đưa tới “trốn” trên lầu một căn nhà gỗ nhỏ trong khu xóm lao động nghèo ở khu vực Tân Định, gọi là xóm Chùa. Chúng tôi phải trốn vì chế độ ông Diệm vẫn còn và cảnh sát vẫn có thể bắt chúng tôi. Đó là nhà của sinh viên kiến trúc Đinh Hữu Tường. Tới nơi, tôi thấy có thêm mấy sinh viên nữa là Nguyễn Tường Cường, em anh Quí; sinh viên kiến trúc Nguyễn Văn Trân, hiện ở Houston, Texas; sinh viên kiến trúc, người Công giáo, Vũ Thế Phiệt, hiện ở Los Angeles, và mấy người nữa tôi quên tên. Chắc chắn mấy người vừa nêu có tham gia một vài hoạt động tôi vừa thuật, nhưng có mặt trên căn gác vào giờ phút đó hay không thì tôi không nhớ chính xác. Gần nửa đêm một chiếc xe jeep nhà binh tới đón nhóm chúng tôi tới trụ sở Công dân Vụ (hình như ở đường Hiền Vương, tôi không nhớ chính xác). Ngoài cổng đã có lính đảo chính canh gác. Trụ sở rộng mênh mông. Trời tối âm u. Tĩnh lặng. Nhưng trong hội trường lớn đã có đông người. Những cán bộ Công dân Vụ được triệu tập. Thái độ họ bình lặng, lơ là. Sau đó tôi được yêu cầu một mình lên xe jeep đi mua vải về viết biểu ngữ ủng hộ cách mạng cho cuộc biểu tình dự trù vào sáng hôm sau, mùng 2-11, nhằm áp lực thêm lên Tổng thống Ngô Đình Diệm lúc đó còn ở trong Dinh Gia Long. Tôi lại cảm thấy mình “quan trọng”, mình đang làm “cách mạng”. Giới nghiêm, không còn tiệm nào mở cửa, tôi nhớ tới một anh bạn cùng lớp, có bà mẹ mở tiệm vải tại chợ Tân Định: anh Vũ Thế Đoàn, hiện ở San Jose. Đang giới nghiêm mà thấy xe nhà binh xịch đỗ trước cửa, cả nhà nhốn nháo mở cửa ra coi. Thấy tôi, anh bạn vui vẻ lớn tiếng giới thiệu với gia đình, tôi là cháu ông Nhất Linh. Tôi cho biết mục đích của “cách mạng”. Bà mẹ anh, một bà mẹ Bắc kỳ có giọng sang sảng vui vẻ điển hình, hăng hái bảo xe của tôi chở ra chợ để bà lấy vải cho “cách mạng”. Bà biếu, không lấy tiền. Cụ vừa qua đời được vài năm ở San Jose. Cái cảm tình của dân chúng đối với phong trào chống chính phủ thể hiện ở hầu khắp mọi nơi, mọi người. Trở lại trụ sở Công dân Vụ, phía trên hội trường tôi thấy có trung úy Chu Xuân Viên, trung úy Duy Lam, và mấy sĩ quan nữa, tất cả đeo súng colt. Cạnh các anh, một ông lớn tuổi hơn, có thái độ chững chạc, bình tĩnh, có vẻ là cấp chỉ huy của cơ quan, dường như đang bị áp lực của mấy anh sĩ quan, bảo các cán bộ Công dân Vụ tuân lệnh cách mạng. Trước khi xe jeep đưa toán sinh viên học sinh chúng tôi tới thì lực lượng quân sự đảo chánh chiếm cơ quan này rồi. Dường như người điều động “nhóm cách mạng” chiếm cơ quan này là trung uý Chu Xuân Viên, nay là dịch giả Chu Việt, thỉnh thoảng có bài trên talawas và trung uý Nguyễn Kim Tuấn, tức nhà văn Duy Lam. Duy Lam là em họ cô cậu ruột của tôi còn Chu Xuân Viên là rể trong gia đình Nguyễn Tường, em rể Duy Lam. Ngoài những người ngoài gia đình tôi không biết tên, tôi còn thấy mấy người anh em họ của tôi nữa là Nguyễn Tường Ánh, Nguyễn Tường Lưu, Nguyễn Tường Cường, Nguyễn Tường Quí, và Nguyễn Tường Bá. Trung úy Chu Xuân Viên lúc đó là sĩ quan truyền tin tại Bộ Tổng tham mưu. Duy Lam là trung uý chánh văn phòng của đại tá Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh sư đoàn 23 trên vùng II, cao nguyên miền Trung. Sau này tôi được biết lực lượng quân sự có công đầu với cách mạng là tiểu đoàn truyền tin của đại úy Đỗ Duy Luận, bà con với đại tá Đỗ Mậu, Giám đốc Nha An ninh Quân đội. Tiểu đoàn truyền tin này có nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc lật đổ ông Diệm, vì là đơn vị đầu tiên đánh chiếm Bộ Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt của đại tá Lê Quang Tung, rất mực trung thành với ông Diệm, và chiếm đóng Bộ Tổng tham mưu. Nếu ngay lúc đầu không khống chế được Lực lượng Đặc biệt thì khó mà làm chủ Bộ Tổng tham mưu, và như thế đảo chính khó mà thành công. Có lẽ trung úy Chu Xuân Viên tích cực tham gia đảo chánh vì cùng là sĩ quan truyền tin, có quan hệ bạn bè với đại úy Luận. Ngoài ra, vì là em rể, trung uý Chu Xuân Viên đã báo cho Duy Lam về cuộc đảo chánh để Duy Lam từ vùng II trở về Sài Gòn trước đó mấy ngày cùng tham gia. Nguyễn Tường Ánh, con nhà văn Hoàng Đạo, tham gia đảo chánh có lẽ cũng do mối quan hệ thân thiết với Chu Xuân Viên. Ba người này có quan hệ gia đình qua lại: Anh Viên lấy cô em gái Duy Lam, trong khi Duy Lam và Nguyễn Tường Ánh là hai anh em họ cô cậu ruột lại kết hôn với hai người em gái của anh Viên. Như vậy, Chu Xuân Viên vừa là anh vợ, vừa là em rể của Duy Lam. Ba người này lại trạc tuổi với luật sư Nguyễn Tường Bá, nên có lẽ các âm mưu đảo chánh, mấy người này biết, họ truyền cho nhau và cùng bản thảo với nhau hành động. Nhưng có lẽ ngoại trừ đại úy Đỗ Duy Luận, tiểu đoàn trưởng truyền tin, có quan hệ gia đình với đại tá Đỗ Mậu, là trực tiếp có nhiệm vụ quan trọng trong phe đảo chánh thôi, còn các anh Chu Xuân Viên, Duy Lam, Nguyễn Tường Ánh, Nguyễn Tường Bá, tham gia cũng chỉ là vòng ngoài, vì nhiệt huyết tuổi trẻ, chứ không có liên hệ vòng trong thân cận với các ông tướng đảo chánh. Các ông tướng đảo chánh có lẽ cũng chẳng biết mấy thanh niên này là ai. Tôi cùng với các anh em họ khác tham gia đảo chánh ở một vài việc nhỏ bé chỉ vì trong mối liên hệ gia đình. Có vải rồi, dù ít, nhưng lại không có sơn. Một mình tôi lại được xe jeep chở lên đường Lê Văn Duyệt gần khám Chí Hòa mua sơn. Giới nghiêm, tất cả các tiệm đều đóng cửa. Người lính lái xe gõ cửa một tiệm, họ không mở. Người tài xế tức giận đập cửa ầm ầm, họ cũng không mở. Tôi phải bảo anh ta đừng gõ cửa nữa làm chủ tiệm sợ. Tôi gọi to vào trong nhà, giọng có vẻ đầy quan trọng và hãnh diện, “Tôi là sinh viên học sinh cách mạng đây. Chúng tôi muốn mua sơn để viết biểu ngữ”. Chủ nhà mở cửa. Ông chủ người Bắc, nghe giọng tôi biết là người Công giáo Hố Nai. Thảo nào ông ta không có vẻ có thiện cảm với “cách mạng chống Tổng thống Diệm”. Tiếp tôi ngoài ông còn có cô con gái trạc tuổi tôi, khá xinh. Tôi nhìn cô ta, bị thu hút, nghĩ rằng cô ta cũng chú ý tới tư thế “sinh viên cách mạng của mình”. Sau khi ông Diệm bị lật đổ, tôi trở lại tiệm, kiếm cớ cám ơn để mong gặp lại cô, nhưng ông bố không có cảm tình với tôi, “một người cách mạng chống Tổng thống Diệm”. Tôi cũng chẳng thấy cô ta đâu. Đại đa số người “Bắc kỳ Công giáo di cư” đều trung thành với Tổng thống Diệm. Tối đó tôi mua mấy hộp sơn mang về. Xe chạy tới trước cổng, người lính gác chĩa súng thẳng vào xe hô lớn, “Dừng lại”, khiến tôi hết hồn. Vào tới hội trường, thấy tình hình vải và sơn thiếu quá, anh Viên và anh Duy Lam hỏi những cán bộ Công dân Vụ xem có vải và sơn không. Một ông có vẻ cấp chỉ huy trả lời là kho vải ở đây đắt tiền và quí lắm. Anh Viên (hay anh Duy Lam, tôi không nhớ chính xác) tức giận, với giọng của một sĩ quan, anh lớn tiếng áp đảo, “Vàng cũng phải mang ra đây!”. Người cán bộ nơm nớp nghe lời. Tôi đi theo họ vào kho mang vải và sơn ra. Giữa đêm thanh vắng, bầu không khí lại trở nên yên tĩnh hơn, giữa họ và tôi chẳng nói với nhau một lời nào. Thái độ bất hợp tác. Tổng thống Diệm còn ở trong Dinh Gia Long, và những cán bộ Công dân Vụ này, một lực lượng bán quân sự, dưới quyền của Bộ trưởng Ngô Trọng Hiếu, hết sức trung thành với chính phủ, dường như vẫn còn hy vọng. Họ không ưa gì nhóm đảo chánh. Tôi chợt nghĩ, lần này nếu ông Diệm không đổ mà những cán bộ này nổi lên chống lại chúng tôi thì nguy to. Khoảng 6, 7 giờ sáng, chúng tôi “áp giải” những cán bộ còn trung thành với chính quyền này đi biểu tình chống chính quyền, ủng hộ cách mạng. Đoàn biểu tình lúc đầu không có quần chúng tự phát. Chỉ có chúng tôi, một nhóm rất ít người, và tất cả những cán bộ Công dân Vụ hiện diện. Vừa đi tôi vừa thầm buồn cười về đoàn người biểu tình. Mấy anh lãnh đạo dắt đoàn biểu tình đi ngang trụ sở Tổng Liên đoàn Lao công của ông Trần Quốc Bửu. Sau này luật sư Nguyễn Tường Bá kể cho tôi biết, tới lúc đó ông Trần Quốc Bửu, chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao công, mới đồng ý tham gia đảo chính. Đoàn biểu tình đi một vòng dài trước khi tới Đại Lộ Lê Lợi ở trung tâm Sài Gòn. Những cán bộ Công dân Vụ vừa đi, gương mặt vừa rầu rĩ, chẳng có gì là phấn khởi “ủng hộ cách mạng”. Dần dần quần chúng hai bên đường đi theo tham gia càng lúc càng đông, trong khi các cán bộ Công dân Vụ lại từ từ lặng lẽ rời đoàn. Đó là hình ảnh đoàn biểu tình đầu tiên, “tự phát của quần chúng” ủng hộ cách mạng lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Hôm sau hình ảnh ủng hộ cách mạng này được phổ biến trên khắp thế giới! Mặc dù đoàn biểu tình đầu tiên này không phải là tự phát của quần chúng, nhưng trong thực tế của những thời gian từ mấy tháng trước đó, quần chúng đã chán ngấy chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Có lẽ đó là lầm lẫn lớn nhất của người dân miền Nam, khiến họ phải chịu thảm cảnh của “Thiên đường Xã hội Chủ nghĩa” sau 30-4-1975. © 2008 talawas
|