trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
30.5.2007
Đỗ Kh.
Nói láo ăn tiền
 
Chúng ta đã quen thuộc với lề lối và bộ mặt của truyền thông tại các nước chưa hoặc đang phát triển, công cụ thô bỉ (hay cũng có khi ngồ ngộ dễ thương) của các chế độ hiện hành. Ngược lại, truyền thống độc lập, vô tư và công bằng của truyền thông Hoa Kỳ thì đã tỏ, chẳng phải hai nhà báo tay mềm nhưng ngòi viết cứng đã đánh đổ một Tổng thống loại hung hăng đặc biệt 30 năm về trước đó sao. Nhưng đệ tứ quyền, như mọi thứ quyền lực, chẳng bao giờ lơ lửng không trung mà đều phải dựa vào một nền tảng sức mạnh. Ở Tây phương, đó không phải (không hẳn) là chính phủ, là bộ máy chính trị nào đó, nhưng cũng vẫn phải là một cái gì. Trong kinh tế thị trường, thì đó là thị trường, là quảng cáo, là quần chúng móc túi tìm hai đồng kẽm để bỏ vào máy bán báo.

Hiện nay, hai phần ba dân chúng Mỹ đã ngán ngẩm với chiến tranh tại Trung Đông, nói đúng ra là ngán ngẩm với những kết quả của cuộc chiến này. Vì nếu có người Mỹ chống chiến tranh thì cũng có nhiều người Mỹ không chống chiến tranh mà chỉ chống thất bại của đội nhà trên sân cát sa mạc. Bốn năm về trước, khi ghi bàn thắng vẻ vang trong mấy tuần đầu và thiệt hại tối thiểu tại Iraq thì quần chúng hồ hởi mà tung hô dân chủ thắng độc tài. Báo chí trung thực mà phản ánh ba phần tư của dư luận vào lúc đó, và có khi còn đoán được mà nhanh chân đi trước, như trường hợp bà Judith Miller của tờ nổi tiếng là đứng đắn (có nơi còn cho là “thiên tả”) New York Times trong chuyện vũ khí hủy diệt tập thể của Saddam. Vụ Watergate, xin nhắc lại, xảy ra vào lúc mạt triều của ông Nixon và người Mỹ đã mệt mỏi chứ không phải là khi ông Kennedy còn kêu gọi “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho chúng ta mà chúng ta có thể làm được gì cho quốc gia”, cho dù chỉ đi gần đến Vịnh Con heo ở Cuba hay là phải đi xa đến tận China Beach ở Đông Nam Á.

Giờ là 2007, và chính quyền Bush ngày đực thì gặp chuyện Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phải chiều bà bạn gái, sang ngày cái lại chuyện Bộ trưởng Tư pháp ép ông tiền nhiệm k‎ý công văn trên giường bệnh tại nhà thương. Đây là những chuyện thật ra vớ vẩn so với bao nhiêu chi tiết khác tày đình (món nợ quốc gia, lãng phí và tham nhũng quốc phòng, tự do bị giới hạn…), nhưng phản ánh đúng (và nhất là đủ hời hợt) tâm lý phẫn nộ của quần chúng. Người viết này, hôm qua trên đường cao tốc còn thấy một bumper sticker mới, loại khẩu hiệu dán đằng sau xe con cá nhân, đặc trưng của tự do ngôn luận tại Hoa Kỳ: “Tôi đã ghét Bush từ trước khi đó trở thành phong trào”.

Theo Harper’s Index (tháng 5, 2007), công ty lớn nhất sản xuất sticker “Ủng hộ quân nhà” vào năm 2004 bán được 4 triệu cái, và năm ngoái (2006) chỉ thoi thóp được có 48.000! Công ty này chắc sắp phải chuyển sang khẩu hiệu “Rút quân về ngay” để giữ chỗ trên thị trường. Trong bối cảnh bất lợi cho chính quyền Bush hiện nay, truyền thông Mỹ trở thành trung thực hẳn, ít ra là trung thực hơn vào lúc Bão Sa mạc còn tấp tới.



Năm 2003, quân Mỹ tiến vào giải phóng Baghdad. Trên công trường Firdos tại trung tâm, dân chúng giật đổ tượng Saddam Hussein. Cảnh vui mừng này được ví với bức tường Berlin vào đêm ô nhục này sập đổ, lên đủ các đài và các báo Tây phương. Ngay vào lúc xảy ra, có hàng trăm nhà báo quốc tế chứng kiến, họ ngụ ngay tại khách sạn Palestine ở tại công trường, chỉ việc ra cửa sổ mà quay phim. Sự kiện lịch sử này do quân đội Mỹ dàn dựng sau khi bố trí tăng ngăn các ngả đường vào, biết đâu có quần chúng ủng hộ Saddam đến thì rách việc. Trên công trường chỉ có vài ba trăm người hiện diện, phần lớn là quân nhân Mỹ và một tốp dân sự người địa phương khoảng chỉ một trăm. Đám này reo hò, ôm hôn các chiến sĩ giải phóng và hè nhau đập tượng lãnh tụ đã bỏ trốn. Nhưng đó là nếu phát hình nguyên cả quang cảnh thì mới thấy trống vắng, còn quay cận thì lố nhố những người và đây là lựa chọn có ý thức của hầu hết các phương tiện truyền thông [1] .



Nhân vật ôm hôn lính Mỹ trở thành nổi tiếng ngang với Brad Pitt với Angelina Jolie và tất cả các con nuôi con đẻ của hai người cộng lại. Ông lên bìa tờ Newsweek và lên hình vô số báo, một chiếc áo sơ mi có sọc dài tay lúc thì cầm búa đập tượng lúc thì hò kéo dây thừng. Cùng một tuần đó ông lại lên bìa tạp chí US News & World Report, vẫn chiếc áo sơ mi đó và ôm hôn anh giải phóng. Nhưng trên tạp chí này, anh lính này người Anh và ảnh chụp tại Basra (miền Nam Iraq) khi giải phóng thành phố này. Tóm lại chuyên gia ôm hôn này chạy từ Đà Nẵng vào Sài Gòn mà không kịp thay áo, đến đâu thì hôn đó, miễn là quân nhân nước ngoài. Ông không thay áo chắc tại vì ông chỉ có một cái áo dân sự, mấy ngày trước có thấy ông nai nịt quân sự rất là oai trên ảnh chụp khi máy bay Mỹ vừa đưa lãnh tụ Ahmad Chalabi về nước. Đứng ngay sau lãnh tụ này, chắc ông là cận vệ hay một thủ hạ thân tín của vị kia. Chalabi, đứng đầu tổ chức INC, từng được biết đến như là một tay lừa đảo ngân hàng, nay mới biết lại kiêm cả tài đạo diễn.

Một đài truyền hình miền Tây nước Mỹ, một tạp chí, nhật báo, có hàng trăm nhân viên và quỹ tiền triệu tiền tỷ. Những nhân viên này đều được huấn luyện trường ốc và đào tạo chuyên môn ở mức cao nhất, chắc phải đỗ qua điểm C môn đạo đức hành nghề mới được phát văn bằng. Cũng không thể cho rằng họ không phát hiện ra màn tuyên truyền hơi bị thiếu diễn viên quần chúng này, vì cả trăm phóng viên có mặt tại hiện trường, có lẽ chỉ trừ một ông, là phóng viên hình Tây Ban Nha bị tăng Mỹ nổ súng vào ngay khách sạn ngày hôm trước và làm thiệt mạng. Vậy lý do gì khiến trăm người như một lại đồng lòng hợp tác để phát tán khắp thế giới màn kịch giữa trời này? Tin này quá bắt mắt, còn hơn là Britney Spears bỏ chồng hay Anna Nicole Smith tốc váy, và không biên tập nào ở toà soạn trung ương có thể bỏ qua hay là đặt đúng với vị trí.

Đây là một trường hợp chung, nhất trí của truyền thông dòng chính (ngoại trừ vài biệt lệ như BBC và tờ Los Angeles Times chẳng hạn có phê bình và cân nhắc) [2] . Cũng vào dịp hả hê này, nếu đi vào chi tiết từng cơ quan truyền thông một thì xiết bao mà kể. Tờ Newsweek dưới ngòi bút đoạt giải của phóng viên Melinda Liu tả lại dinh thự của cậu cả Uday Hussein và phòng ngủ riêng của quái kiệt này [3] . Trên hình là tủ thuốc của Uday nghiện ngập, nào kể là kích dục và ma tuý. Ảnh này rất tối, thấy bên trong lờ mờ chai lọ nhưng nếu đem scan lại và dùng thảo trình như Photoshop để làm sáng ra thì thấy thuốc cảm hay nhức đầu và một thỏi kem Preparation H để trị bịnh trĩ! Bộ phận hình của tờ Newsweek vài chục nhân viên, nào chánh nào phó nào phụ tá, tập sự, làm việc toàn thời gian, chẳng lẽ không ai biết dùng Photoshop làm sáng ảnh ra để kiểm soát? Có chăng là họ biết dùng, để làm tối đi mập mờ trước khi mang in cho phù hợp với nội dung của bài viết? Xin nói lại và nói dai là hẳn toàn bộ bộ phận này đều tốt nghiệp báo chí ở trường lớp nào đó hẳn hoi chứ không phải là tại chức, chuyên tu.

Ngay mới đây, nhân dịp tăng quân của ông Bush, và ở mức gọi là “ngồ ngộ dễ thương”, các thông tấn và các báo loan tin tỉnh queo là quân đội Mỹ “pháo kích vào khu phố Baghdad để phá hủy các nhà máy sản xuất bom xe”. Nhà máy bom xe hẳn không diện tích 600 héc ta như nhà máy Autovaz ở Togliatti, Nga, và hẳn cũng không to bằng một cái bãi đậu xe siêu thị Mỹ mà là những gara ba mét trên năm nào đó, ở từng trệt dưới nhà dân cư và lẫn lộn vào. Thay vì đánh chiếm, dùng biệt kích bịt mặt ngậm dao ngắn xông vào bắt khủng bố dã man tại trận như vẫn thấy trong… phim truyện thì quân ta an toàn từ xa mà nã pháo vào phố, chết ông bán kem nhà bên hay bà già dị liệt ở từng một là tai nạn chiến tranh. Nhưng đây là bình thường, an toàn là bạn, tai nạn chẳng phải là thù. Không thấy biên tập nào nghĩ đến và nhận ra sự khác biệt giữa một nhà máy sản xuất xe (Ford, GM…) ở Mỹ và cái gọi là một nhà máy sản xuất xe bom ở trong phố Baghdad, chí ít là về mặt bằng công nghiệp. Giờ thử hỏi, nếu nhà bạn ở trong phố, tức là rất đông người ở, cạnh đâu đó hình như là có một căn kháng chiến cặm cụi chất nổ trong một cái xe thổ tả thì bạn có thích ăn pháo hay không để còn biết là nó chính xác đến dường nào. Nếu phóng viên tại chỗ và biên tập ở trung ương không buồn hình dung ra thì nói gì đến người đọc, lớt phớt xem qua vào giờ ăn trưa ở cơ quan trước khi chúi mũi vào trang thể thao.

Chuyện kể là trong thập niên 70, một phái đoàn Liên Xô của Ban Văn hoá Tư tưởng sang thăm nước Mỹ. Sau một tháng điều nghiên tại chỗ về tự do ngôn luận và tự do báo chí, phái đoàn này được hỏi về cái lạ nhất mà họ nhận xét được trong chuyến đi. Trưởng phái đoàn vẫn còn chưa hết ngạc nhiên: “Tại Mỹ không có biện pháp cắt sổ gạo hay cho hoá giá nhà, cũng không có gửi đi cải tạo, bỏ tù hay nhốt vào nhà thương điên. Chúng tôi không hiểu các ông làm thế nào mà truyền thông lại vẫn chỉ quảng bá những gì mà chính quyền muốn!” Nhưng chuyện này có lẽ không đáng để được vui như chúng ta tưởng, trừ những lúc quần chúng vùng lên để phá tượng, phá tường.

© 2007 talawas



[1]Thí dụ:
http://www.boston.com/news/packages/iraq/galleries/statue/01.htm
http://www.cnn.com/2003/WORLD/meast/04/09/sprj.irq.statue/
http://www.time.com/time/photoessays/iraq2003/saddamfalls/2.html
http://www.military.com/NewContent/0,13190,FL_cheer_040903,00.html
...
[2]http://youtube.com/watch?v=yyn8Kb_do8g&mode=related&search=
[3]Tôi không có giữ được ảnh trên, kèm theo bài viết trong số ngày 28.4.2003, bạn đọc nào tìm được xin cảm tạ.