trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
19.6.2007
Vũ Đình Lưu
Phân tâm học áp dụng vào việc nghiên cứu các ngành học vấn
 1   2   3 
 
Mục lục

  1. Tư trào nhân văn của người Mỹ
    • E. Fromm
    • H.S. Sullivan
    • K. Horney
  2. Phân tâm học và Ngôn ngữ học
    • Phân tâm học và Ngôn ngữ học
    • Sự liên lạc của ngôn ngữ với hoạt động tiềm thức.
  3. Phân tâm học và sư phạm khoa
    • Phân tách tâm trạng trẻ em
    • Phân tách tâm trạng thiếu niên
    • Áp dụng sư phạm
    • Giáo dục sinh lý
  4. Phân tâm học và Xã hội học
    • Phân tâm học xã hội hoá của người Mỹ
    • Quan niệm Xã hội học mới mẻ của Lévi-Strauss.
    • Phản ứng của FAVEZ-BOUTONIER và J. P. SARTRE
  5. Phân tâm học và Hình pháp học
  6. Phân tâm học và Triết học
    • Liên lạc giữa Phân tâm học và Hiện tượng học
    • Quan niệm về tiềm thức của Triết học hiện đại
    • Liên lạc giữa Siêu hình học và Phân tâm học
  7. Phân tâm học và nghệ thuật
    • Xung đột nội tâm
    • Vai trò tiềm thức trong sự cấu tạo nghệ phẩm
      • Giải thoát
      • Mặc cảm phạm tội
      • Đồng nhất và thăng hoa
    • Tính chất sáng tạo của văn nghệ
    • Thực thể văn nghệ và tôn chỉ văn nghệ
    • Linh hồn văn nghệ
  8. Phân tâm học và tôn giáo
    • Mặc cảm Oedipe và biểu tượng tôn giáo
    • Thái độ của Phân tâm học gia đối với vấn đề tin tưởng tôn giáo.
    • Hy vọng quân bình nội tâm.
Cuộc đời của S. Freud


*


I. Tư trào nhân văn của người Mỹ

Phân tâm học được phổ biến mạnh mẽ bên châu Mỹ. Tiếp xúc với tâm trạng dân tộc Tân Bán Cầu, Phân tâm học đã tìm những hướng đi khác với những hướng đi cố cựu để trả lời vào mục đích giáo hoá của dân tộc ấy. Người Mỹ bận tâm trước hết đến hiệu lực thực tiễn, đến cạnh khía phục vụ xã hội của một phát kiến về học thuật, chứ ít khi để tâm đến lý thuyết và suy luận trừu tượng.

Thần kinh bệnh học với chủ thuyết của Alexander tìm hứng trong Phân tâm học của Freud và tiến về một quan niệm linh động về phương pháp trị bệnh bằng Phân tâm học, ông dùng một phương pháp gọi là «phân tâm giản lược». Những Phân tâm học gia khác như Sullivan, Fromm, Hotney, hướng về mục tiêu xã hội hoá Phân tâm học. Đứng về phương diện văn hoá tổng quát để nhận định chúng ta chỉ tìm hiểu học thuyết của Sullivan, Fromm và Horney.


Erich Fromm

E. Fromm và Sullivan, đã đóng góp nhiều vào sự nghiên cứu Phân tâm học. Họ nhìn Phân tâm học dưới góc cạnh văn hoá và ảnh hưởng qua lại giữa con người và xã hội.

Fromm là một Phân tâm học gia có tư tưởng triết lý, ông nhấn mạnh vào những tiềm năng của con người bị dồn nén. Như vậy điểm chính yếu của phương pháp trị bệnh bằng Phân tâm học là tìm ra cái gì là chân thực của người bệnh. Chân tướng ấy bị xã hội làm thiên lệch đi, con người như chạy trốn mình mà đi vào những đường lối miễn cưỡng. Ông thầy trị bệnh đi sâu vào những khu vực tối tăm của tiềm thức họ, giúp họ tỉnh ngộ và trở lại chân tướng của mình, giúp họ biết đến những thái độ vô tâm kìm hãm tiềm năng, và giúp họ ý thức được những tiềm năng ấy.

Khoáng tương những quan điểm về Tuyệt đối thể học, ông nghiên cứu con người nói chung, con người sống trong xã hội. Theo ông thì trong thời kỳ thơ ấu nhiều người trải qua những kinh nghiệm đau thương, lớn lên họ trở thành những nét thô sơ của con người chính xác bị nhận chìm.


Khái niệm sống động

Khái niệm sống động chi phối nhỡn quan Phân tâm học của ông trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện tập thể.

Freud nhấn mạnh vào bản năng, con người thích ứng với xã hội là con người tiến triển bản năng, bản năng thăng hoa thành những đức tính trả lời vào đạo đức, văn hoá, văn học, tôn giáo v.v. Như vậy vai trò của xã hội là vai trò câu thúc, vai trò của một người cảnh sát lạnh lùng, nghiêm khắc đáng ghét.

Fromm có một cái nhìn mềm dẻo hơn, ông không nhấn mạnh vào bản năng, mà nhấn mạnh vào giáo dục. Con người thích ứng với xã hội vì ảnh hưởng của giáo dục và văn hoá hơn là vì sự tiến triển của bản năng.

Freud gán cho yếu tố sinh lý một vai trò quá quan trọng, sinh lý đóng vai trò quyết định. Con người bị giam hãm trong nhiều điều kiện sinh lý, điều kiện sinh lý một khi đã cấu thành thì mọi vấn đề tăng tiến con người đều xoay quanh việc thích ứng và thăng hoa bản năng.

Fromm chống lại quan điểm «tĩnh» về sự hình thành nhân tính như thế. Ông có một cái nhìn «sống động». Tương quan giữa con người và xã hội là một tương quan sống động chứ không phải bất động. Không có cái gì thành hình rồi giữ nguyên mọi nét mãi mãi. Xã hội và cá nhân nằm trên một tương quan qua lại. Xã hội uốn nắn con người và con người cũng uốn nắn xã hội. Yêu thương, hờn ghét, thống trị hay đầu hàng, tìm thú vui hay lo sợ trốn tránh, tất cả những tâm trạng đó đều là sản phẩm của xã hội, đều do xã hội tạo ra cho con người, con người bị đặt vào trong một tiến trình xã hội và chịu sự chi phối của tiến trình ấy. Tuy nhiên, tiến trình đó không phải một chiều, con người với ý chí và hành động của mình lại ảnh hưởng trở lại xã hội. Vừa là sản phẩm của lịch sử, con người vừa là chủ thể tạo tác và biến cải lịch sử.

Mối liên lạc giữa con người và xã hội là một mối liên lạc sống động. Dựa vào chủ lý ấy Fromm phân tách tiến trình diễn biến của lịch sử. Từ thuở bình minh con người thích ứng một cách mù quáng với thiên nhiên cay nghiệt và vô tình đến lúc lập thành đoàn thể có tổ chức và tìm được sự yên ổn. Thoát khỏi phần nào những kiềm toả của mãnh lực thiên nhiên con người được tương đối yên ổn. Con người phát triển những tương quan với đồng loại, dần dần những tương quan ấy lớn mạnh lấn át con người, con người lệ thuộc vào chúng thậm chí mất cả ý thức về tiềm năng và giá trị chân xác của nhân cách. Trong tình trạng ấy con người tự vấn tâm, ý thức được bản thân, được những gông cùm trói buộc mình, được tình trạng người bóc lột người.

Ý thức được cảnh ngộ mình nhờ sự khai triển trí thông minh hiểu biết, con người ý thức được tự do; nhưng bánh xe xã hội đã quay đi không hề quay trở lại, họ không thể lui về đời sống ban sơ, họ phải đối phó với thực trạng, họ phải giải quyết những vấn đề đặt ra mà tìm lối thoát.

Ông lấy thí dụ lịch sử phát triển xã hội Âu châu, từ thời Trung cổ đến ngày nay. Ngày xưa con người dù là nông dân, thợ thuyền hay quý tộc cũng không đáng kể là một cá nhân, họ chỉ là một bộ phận trong guồng máy xã hội với những ước lệ và thành kiến liên hệ đến bộ phận ấy tạo cho đời sống một ý nghĩa nhất định rõ rệt nhưng hạn hẹp. Đến thời kỳ Phục Hưng những trào lưu tư tưởng kinh tế, chính trị, tôn giáo, văn hoá mới biến đổi bộ mặt xã hội, những khuynh đảo lớn gây ra vì cuộc tranh chấp quyền lợi và quyền hành đã làm cho con người mất cả sự sống yên ổn. Con người trở thành một công cụ ở trong tay những người hoạt động mưu đồ địa vị và giàu có. Con người được hưởng chút tự do nhưng cũng cảm thấy mình lạc lõng bơ vơ, tâm trạng đặc biệt của họ là tâm trạng khắc khoải.

Tâm trạng con người bấy giờ là tâm trạng bị giày vò bởi hai khuynh hướng trái nghịch: Nhu cầu tự do và cảm tưởng cô đơn, sự kiện ấy tồn tại cho đến khi xuất hiện chế độ tư bản. Tâm trạng con người biến đổi ra một sắc thái mới: Sự phục tùng một ông trời mới, ông trời tiền của. Họ thờ phụng ông trời tiền của và tìm được cảm hứng để làm việc, nỗ lực làm việc: đó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự tiến hoá của chế độ tư bản. Con người tạm quên được sự khắc khoải để tìm thú vui trong sự thoả mãn vật chất: Kiếm tiền và hưởng thụ.

Chế độ tư bản mở lối cho con người thoát khỏi những trói buộc của xã hội Trung cổ, quyền hành độc đoán của nhà vua, của quý tộc, của nhà thờ, phong hoá kỷ cương gò bó hẹp hòi; con người phát triển được nhân tính, có ý thức phê bình và ý thức trách nhiệm, nhưng đồng thời họ cũng cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết.

Con người ngày nay bị dồn vào một thế nguy nan và cấp thiết: một là quay lưng vào đời sống để giữ lấy tự do và phải trả giá bằng sự cô đơn, hai là dẹp bỏ khát vọng tự do độc lập để hoà mình với mọi người.

Fromm đặt vấn đề then chốt của thảm kịch làm người.


Tâm trạng trốn tránh

Thảm kịch làm người là như vậy, cho nên thái độ chính yếu của con người trước cuộc sống là thái độ trốn tránh sự thực hiện con người chính xác, đời sống chính xác. Tâm trạng của chứng lý con người thời đại là tâm trạng trốn tránh. Đứng về phương diện Phân Tâm Học để nhận định ông tìm nguồn gốc của nó ở những bản năng nguyên thuỷ. Tình trạng xã hội tác động như một môi trường to rộng và toàn diện phát triển những bản năng đó đến mức đáng lo ngại.

Ta biết rằng, trong tiến trình phát triển bản năng từ thời kỳ sơ sinh đến thời kỳ dậy thì, bản năng hành hạ (sadisme) và tự hành hạ (masovhisme) xuất hiện từ giai đoạn tiên sơ, khởi sự từ tháng thứ Bẩy [1] .

Tâm trạng con người thời đại là tâm trạng trốn tránh, một trong hai bản năng trên đây được nẩy nở tận độ tuỳ theo người ta trốn tránh bằng cách nào, bằng cách đầu hàng xã hội hay bằng cách thống trị xã hội. Con người dồn vào tâm trạng đáng buồn ấy chỉ có hai ngả ấy để trốn tránh sự thực hiện cá nhân chính xác của mình.

Bản năng tự hành hạ dẫn họ tới những cảm giác tự ty, cảm giác bất lực, cảm giác thấp hèn. Hình như họ bị ám ảnh bởi những mãnh lực vô hình khiến cho ý nghĩa cuối cùng hành động cử chỉ của họ là để vuốt ve mơn trớn thái độ tiêu cực trước cuộc đời đó. Họ hành hạ bản thân, họ tỏ vẻ yếu ớt không làm chủ được tình thế, họi phóng đại những đau khổ bất lực của mình, nhưng thực ra vị tất họ đã yếu ớt như họ tưởng. Họ nhu nhược, thường để hoàn cảnh lôi đi, họ không thể nào tự chủ được, họ như kẻ ra trận chưa đánh đã hàng.

Còn có hình thức tự hành hạ hướng sự chỉ trích sự trách phạt vào chính mình. Có người tự trách phạt hăng hái đến nỗi chính kẻ thù họ cũng khó lòng tưởng tượng được.

Trong trường hợp thần kinh suy yếu, họ như người tìm đến bệnh, chờ đợi bệnh, tưởng tượng ra tai nạn rồi có những hành động bất nhất vụng về rối trí đến nỗi tai nạn xẩy ra thật. Có những người học sinh đứng trước mặt giám khảo không sao trả lời được, ý không thể phát ra thành lời. Có những người hay gây ra sự hiềm khích mà thực ra họ sợ và cố tránh những sự hiềm khích như vậy.

Trái với số người trên, số người thiên về bản năng hành hạ người khác có thái độ khác hẳn. Số người này có 3 loại. Loại thứ nhất lấy quyền lực chế ngự kẻ khác. Loại thứ hai lợi dụng người khác, rút tỉa lợi lộc cho mình. Loại thứ ba thích làm cho người khác đau khổ và tìm thích thú tong sự thưởng thức người khác bị hành hạ như thế. Khí giới của họ là bỉ báng, sỉ nhục, gây tai hoạ bằng mưu mô thâm hiểm. Điều đáng để ý là bao giờ những loại người ấy cũng tìm được cách biện minh cho hành động của mình: họ bắt buộc người khác tuân theo họ vì muốn đưa người khác vào đường hay lẽ phải, họ hưởng lợi lộc của người khác vì đã tận tâm làm ích lợi cho người khác, họ hành hạ người khác vì họ đã bị xã hội tàn nhẫn bất công với họ, họ phải báo thù, họ hại người là để đề phòng người hại họ, họ chỉ có hành động trước mà thôi. Họ thoả mãn với những lý luận càn dỡ như vậy.

Tư tưởng của Fromm nhuốm mầu sắc triết lý nhân sinh và nhuốm vẻ bi quan, ông chỉ nhìn một khía của đời sống và hầu như không biết đến những khuynh hướng nồng ấm, vị tha, thương mến, không kém phần quan trọng trong đời sống. Cuốn sách chính của ông luận đến tư tưởng ấy là cuốn ESCAPE PRPOM FREEDOM (1941).


H. S. Sullivan

Sullivan là một nhà thần kinh bệnh học. Ông chú trọng đến việc nghiên cứu mối tương hệ giữa cá nhân và người thân thuộc xa gần, giữa cá nhân và tập thể để tìm ra đầu mối những thiên lệch tâm tính.

Theo ông thì trong đời sống, con người được dẫn dắt bởi hai mục tiêu chính yếu và khẩn thiết: thoả mãn bản năng và tìm yên ổn. Mục tiêu thứ nhất bị chi phối bởi những điều kiện sinh lý, mục tiêu thứ hai bởi điều kiện xã hội.

Ông là một lý thuyết Phân tâm học gia chỉ dựa vào kinh nghiệm để lập thuyết. Quả vậy, ông chỉ bận tâm mô tả và suy diễn những sự kiện mình nhận thấy. Ông phân tách mối tương hệ giữa con người và những người khác, và căn cứ vào đấy để chứng minh tầm quan trọng của sự giáo dục và gương mẫu của người lớn đối với sự phát triển nhân cách của đứa trẻ. Những nguyên nhân ấy cũng là nguyên nhân các bệnh thần kinh, các trường hợp suy nhược thần kinh.

Văn hoá giáo dục thể hiện qua thái độ và cách đối xử của cha mẹ tác động đến sự cấu tạo nhân tính của đứa trẻ ngay từ lúc sơ sinh. Cả những người thân thích ở quanh mình đứa bé cũng có ảnh hưởng đến nó.

Sullivan dùng khái niệm empathie, tương đương với khái niệm phóng nhập (introjection của Freud) và khai niệm đồng nhất hoá của Âu châu, để chỉ khuynh hướng của đứa trẻ tiếp thu những yếu tố ở ngoài rồi khuôn xếp thái độ cho hợp với những yếu tố ấy. Trước khi biết nói, trước khi biết phân biệt cái «tôi» của mình với ngoại giới, nó đã phóng nhập những thái độ của người xung quanh, nhất là của người mẹ. Những thái độ khắc khoải, giận dữ, chê bai v.v. làm cho đứa trẻ mất thư thái. Lớn lên đứa trẻ thấm nhuần những thói tục, kỷ cương, tập quán, tác phong của cha mẹ và thầy học. Sự khen ngợi và tán thành của họ làm nó vui vẻ, yên ổn; trái lại sự chê bai, trách mắng làm nó khắc khoải, bất an.

Đứa trẻ lớn khôn dần, nó thay đổi thái độ luôn. Khi nó biết rằng một thái độ nào đó bị người ta trách mắng, nó phải từ bỏ; nhưng sự trách phạt và cấm đoán làm phát sinh cho nó cảm tưởng khắc khoải. Khắc khoải là một yếu tố quan trọng trong sự cấu tạo nhân tính, nhưng còn tác động theo một chiều không thuận lợi và cản trở sự thâu thái kiến thức.

Sự chê trách của người lớn gây cho nó phản ứng tăng tiến những cách xử sự được người lớn khuyến khích.

Thái độ ứng thù của nó được cấu tạo phần thì bằng những yếu tố nó ý thức được, phần thì bằng những yếu tố nó không ý thức được, nhưng vẫn tác động một cách phi ý thức.

Tiềm thức của Sullivan là một khối những tiềm năng, một hệ thống tiềm năng phần lớn là những yếu tố sở đắc. Ảnh hưởng của giáo dục và văn hoá đã khuôn định phần lớn tiềm thức. Quan điểm của ông bất đồng với quan điểm của Fromm. Đối với Fromm thì tiềm thức là một khối tiềm năng có sẵn từ trước, có tính cách nguyên thuỷ, sau này có thể phát triển hoặc bị héo hắt.

Mối tương hệ giữa cá nhân và người khác không phải chỉ giới hạn trong những liên hệ với đối tượng thực sự, nó còn là mối liên hệ với đối tượng hư ảo, như đứa trẻ tưởng tượng ra một hình ảnh lý tưởng về cha mẹ hay chị em và lập những tương hệ với đối tượng hư ảo đó. Trong trường hợp ấy nó đồng nhất hoá mình với hình ảnh lệch lạc về cha mẹ, anh em. Ông đem lập trường của mình áp dụng vào phương pháp trị bệnh thần kinh bằng Phân tâm học. Ông làm cho con bệnh nhớ lại thời kỳ thơ ấu, và ý thức được rằng nó đã lập những mối tương hệ sơ khởi với những đối tượng không có thực. Sự sửa chữa nhắm vào chỗ sai lệch sơ khởi đó.

Ông mô tả tiến trình cấu tạo nhân tính của đứa trẻ từ bé tới lớn như sau:

Giai đoạn thứ nhất từ lúc sơ sinh đến lúc bập bẹ biết nói, ảnh hưởng của cha mẹ quan trọng hơn hết.

Giai đoạn thứ hai từ lúc bập bẹ biết nói đến lúc đứa trẻ biết chơi với trẻ con khác, giáo dục và văn hoá in hình sâu xa vào tính tình của nó. Những đòi hỏi của nó đối chọi với sự dạy dỗ của cha mẹ.

Kế theo là giai đoạn hiểu biết, nó bỏ những đòi hỏi theo sở thích riêng và có ý thức về sự liên đới, sự thoả hiệp với đoàn thể. Rồi nó ý thức được một tập thể rộng lớn hơn tập thể gia đình, tập thể rộng lớn có những tương quan khác với tương quan gia đình.

Giai đoạn từ 8 đến 12 tuổi, trọng tâm ý thức của nó hướng vào những tương quan ở ngoài gia đình, do đó mà triển khai tình thân hữu với bạn bè, tình thân hữu chân xác, thành thực và vị tha. Khi nó ý thức được rằng người khác cũng là người có giá trị, có tầm quan trọng ngang với mình, nó mới biết tự kiểm soát để thể hiện những giá trị văn hoá xã hội. Những giá trị văn hoá xã hội đó sẽ in hình dứt khoát vào nhân tính của nó.

Sullivan, như ta thấy, lập thuyết trên sự quan sát và kinh nghiệm. Học thuyết của Freud chỉ chú trọng đến bản năng và sự thăng hoa của bản năng chứ không nói nhiều đến tương quan cá nhân xã hội và vai trò văn hoá xã hội trong sự cấu tạo nhân tính. Như vậy quan điểm của Sullivan bổ túc cho học thuyết của ông thầy. Quan điểm của Sullivan rất gần với quan điểm của các Phân tâm học gia Âu châu ngày nay như Lagache, Lacan, Hesnard.


Karen Horney

Horney cũng chú trọng đến ảnh hưởng văn hoá giáo dục, ông đi xa hơn Sullivan và muốn gán cho văn hoá giáo dục vai trò tất định trong sự cấu tạo nhân tính.

Con người tự mình không gây ra cho mình xung đột nội tâm – một quan điểm khó chấp nhận vì không thể giả thiết mỗi người sống riêng rẽ, không có văn hoá. Ở đâu, thời nào, loài người cũng sống thành xã hội. Nguyên do xung đột nội tâm, nguyên do sự suy nhược thần kinh phải tìm ở những yếu tố văn hoá của thời đại tác động đến con người. Đối với ông, sự suy nhược thần kinh gây ra vì hai nguyên nhân: sự phản ứng của con người không thích hợp với hoàn cảnh khách quan (người bình thường thích ứng với hoàn cảnh và trả lời đúng với sự yêu cầu của hoàn cảnh); có sự chênh lệch giữa tiềm năng thực sự của họ và hình thức thể hiện những tiềm năng ấy.

Horney cũng nhấn mạnh đến sự khắc khoải và nhu cầu yên ổn.

Sự khắc khoải là hậu quả của cuộc xung đột giữa cá nhân và những quan niệm của xã hội về phong hoá kỷ cương. Người suy nhược thần kinh tìm một phương thế thoả hiệp nhưng phương thế không thích hợp. Bình thường người ta ai cũng có một chút lo lắng trước việc đời nhưng đối với người suy nhược thì sự lo lắng ấy tăng gia cường độ kinh khủng thành một thứ khắc khoải mạnh mẽ chiếm cứ cả tâm hồn họ khiến cho lúc nào họ cũng cảm thấy bất an. Cái tôi của họ được lý tưởng hoá một cách quá đáng, một vài thói phép xã hội được hiểu một cách thiên lệch khiến cho họ lúc nào cũng sợ kẻ cười, người chê mình thô lậu, họ dễ bị động lòng vì một câu nói rất vô tư và tìm cách chống đỡ.

Sự khắc khoải đó xuất hiện thành những sai lệch về phương diện hoạt động sinh lý cũng như về phương diện tâm thần; một ước muốn, một tâm tình, một ý nghĩ làm họ xúc động khác thường; tâm hồn họ phải vận dụng những tác động tự vệ như: trốn tránh những biến cố gây ra khắc khoải, dè dặt thận trọng ý nghĩ và hành động một cách quá đáng, nhiều khi chặn đứng cả ý nghĩ lẫn hành động, tìm những phương thế hành động không thích hợp với thực tế, có những thái độ ưu uất, nhút nhát hay sai lệch đối với dục tình, uống thuốc an thần để bớt lo ngại v.v.

Thường thường người ta trốn tránh bằng bốn ngả: khao khát tình yêu và an ủi, mong muốn quyền hành, khuất phục người khác hay thuận theo thói tục, đoạt lấy một cuộc sống không lệ thuộc vào người khác.

Qua những hình thức xử kỷ tiếp vật của người suy nhược thần kinh trên đây, ta vẫn thấy họ bị thôi thúc bởi nhu cầu yên ổn, hậu quả của một tâm trạng khắc khoải quá đáng. Sự khắc khoải ấy là dấu hiệu một cuộc xung đột nội tâm mà ba khuynh hướng chính là: khuynh hướng tùng phục người khác vì không thể tự chủ được; khuynh hướng chống lại người khác, thấy ai cũng là kẻ thù. Xem như vậy thì người suy nhược thần kinh đã đem cái tôi lý tưởng hoá quá đáng hay cái tôi quá dễ kích động ra đối phó với những khó khăn của cuộc sống.

Lập thuyết về căn bệnh suy nhược thần kinh như vậy, phương pháp trị liệu của ông nhắm vào mục đích đánh tan những khuynh hướng suy tưởng và hành động thiên lệch như thế, trả lại cho người bệnh nhân tính chân xác của họ với những giá trị xã hội và nhân văn chính xác. Phương pháp trị liệu của ông ít chú trọng đến tàn tích của tuổi thơ ấu mà tìm nguyên nhân chính ở ảnh hưởng giáo hoá.

Tuy quan điểm của ông đi xa quan điểm của Freud, nhưng ông không ly gián hẳn. Ông chỉ cho rằng thăm dò quá khứ thơ ấu không đủ nếu người ta không kể đến cái hiện tại đang sống. Theo bác sĩ Hesnard thì phương pháp của ông tuy có kết quả nhưng kết quả không lâu bền.

Tóm lại tư trào nhân văn của người Mỹ nhủ trương một quan niệm Phân tâm học nhấn mạnh vào vai trò giáo hoá trong sự cấu tạo tính tình con người.

Đường lối của họ không còn biết đến tính chất phổ quát của học thuyết chính thống. Sự xã hội hoá Phân Tâm Học như vậy trả lời vào mục tiêu thực tế và khẩn thiết, nhưng không còn hy vọng khai mở những chân trời mới cho nhân loại học. Chúng ta sẽ trở lại bàn về điểm này trong mục «Phân Tâm Học và Xã hội học».


II. Phân tâm học và Ngôn ngữ học

Những khám phá của Freud về hoạt động của tiềm thức có tầm quan trọng đặc biệt đối với những công việc nghiên cứu ngôn ngữ về phương diện tâm lý; những khoa học như Ngôn ngữ học (linguistique), Ý nghĩa học (sémantique), văn phạm hay ngữ pháp (grammaire) đều tiến triển mạnh nhờ sự đóng góp của Phân tâm học.

Cách đây không bao lâu người ta đã có sự nhận xét như sau: ngôn ngữ là phương tiện chính yếu để ông thầy tìm hiểu con bệnh bằng phương pháp Phân tâm học, thế mà ngôn ngữ không được người ta dành cho một sự nghiên cứu thoả đáng. Ông thầy hầu như chỉ chú trọng đến ngữ vựng, nghĩa là từng tiếng rời rạc mà không chú trọng đến những cách thế mà mỗi người dùng để xếp đặt thành câu, tạo thành ý nghĩa, sử dụng đến ý niệm thời gian, tình cảm, giá trị v.v. Thực ra nếu không có những ý nghĩa đó thì lời nói chỉ là một cách góp nhặt từng tiếng lại rất thô lỗ.

Sự khuyết điểm ấy đã được bổ túc lần hồi, đến ngày nay thì ngôn ngữ là mối bận tâm chính yếu của các nhà Phân tâm học. Thậm chí có người cho rằng hoạt động của tiềm thức bị chi phối bởi những luật lệ ngôn ngữ thực sự – quan điểm ấy rất gần với quan điểm của nhà xã hội Levi-Strauss.

Nói một cách khái quát, ta có thể cho rằng Ngôn ngữ học là khoa nghiên cứu cơ cấu của những tiếng nói của loài người và những luật lệ của cơ cấu ấy; văn phạm hay ngữ pháp là tổng số những mẹo luật của tiếng nói; ngữ phạm là khoa nghiên cứu cách xếp đặt những chữ, chức vụ của từng chữ trong câu (syntaxe); Ý nghĩa học (sémantique) là khoa nghiên cứu ý nghĩa của câu nói.


Phân tâm học và ngữ phạm

Ngôn ngữ là cỗ xe chuyên chở tư tưởng; ngữ pháp và ngữ phạm đã được người ta nghiên cứu về phương diện tâm lý, nhưng những công việc nghiên cứu về trước không chú ý đến cá tính của người nói cũng như của người nghe trong một cuộc đàm thoại. Từ năm 1951, Francois Rostand, chịu ảnh hưởng của Freud, có ý kiến nghiên cứu ngôn ngữ như một phát hiện của tâm thức và tiềm thức trong sự cấu tạo cái tôi toàn diện và đường lối ứng thù của con người.

Bằng phương tiện ngôn ngữ người ta biểu lộ cách ứng thù ấy thế nào, họ dùng ngữ pháp, ngữ phạm và ý nghĩa câu nói cách nào để biểu lộ tâm tình của họ? Nhà Phân tâm học sẽ thất bại nếu họ chỉ cắt nghĩa ngôn ngữ, cũng như người nghiên cứu ngữ pháp sẽ thất bại nếu họ chỉ cắt nghĩa ngôn ngữ bằng những yếu tố luận lý và tâm lý. Ngôn ngữ là một phần của cái tôi toàn diện của con người, nó bộc lộ cái tôi qua những dấu hiệu bề ngoài; ngôn ngữ là một hình thức của đường lối ứng thù, tâm thức và tiềm thức đều dự phần vào một kế hoạch chung.

Một sự quan sát sơ quan cũng cho thấy một câu nói không phải chỉ có ý nghĩa ngoài mặt của nó, còn có ẩn ý, còn có ý nghĩa phụ, có khi còn phủ nhận ý nghĩa mà bề ngoài nó có, còn che đậy những ý nghĩa khác mà người ta không muốn nói ra v.v.

Đem một câu nói ra phân tích người ta còn thấy ý nghĩa mà nó muốn trình bày không phải là tổng số những ý nghĩa của từng chữ trong câu nói. Những chữ trong câu họp thành một hệ thống. Ý nghĩa là ý nghĩa của cả hệ thống. Ý nghĩa ấy lại phải uốn nắn vào khuôn khổ một hệ thống rộng lớn bao trùm nó là đoạn văn.

Nghiên cứu ngôn ngữ là nghiên cứu cơ cấu nội tại của ngôn ngữ. Cơ cấu nội tại ấy hàm chứa hai phần: phần ngôn là lời, là ý nghĩa mà ngữ chuyên chở, ngôn có hình thức thông điệp, thông cáo hay tin tức. Phần ngữ là những dấu hiệu như ám hiệu, quy phạm, quy tắc làm thành chữ, câu, đoạn. Nhìn một cách khác thì ngữ là một hệ thống dấu hiệu để tạo ra ý nghĩa. Ý nghĩa ấy không khít với hệ thống, nó cách hệ thống một bức tường. Ta có thể nhận thấy điều ấy khi ta có thể diễn tả một ý bằng nhiều cách khác nhau, nghĩa là ta dùng nhiều hệ thống dấu hiệu khác nhau.

Ta hỏi một câu, người đối thoại yên lặng, ta hiểu rằng cũng có một ý nghĩa nào đó trong sự yên lặng. Người đối thoại tránh những chữ có ý nghĩa rõ rệt mà dùng những chữ xa xôi, ví von; cách lựa chọn một giọng, một cách diễn ý bóng bẩy, tối tăm, bộc trực, cách nói lỡ lời, những chi tiết ấy là đầu mối để Phân tâm học tìm ra một ý định kín đáo hay một nét của tính tình.

Phân tâm học áp dụng vào ngữ pháp đã tìm ra những manh mối để dò xét nguồn gốc tiềm thức của sự cấu tạo ngữ pháp, ngữ phạm.

Thí dụ, trong trường hợp phủ định, người ta dùng «không». Chữ «không» đó không phải là tiềm thức tuyên bố «không». Cũng không phải là tâm thức «không» chấp nhận nội dung của tiềm thức, nhưng cái nội dung ấy diễn đạt ra bằng sự phủ định. Cái tôi phải «thụ lý» điều gì của tiềm thức đề nghị, nhưng nó tống khứ ra ngoài không cho là cái gì của nó.

Trong thời kỳ phát triển bản năng đứa trẻ nhờ kinh nghiệm mà biết được em nó nhỏ hơn nó, anh nó lớn hơn nó, nó có ý thức về quá khứ và tương lai. Sự kiện ấy phản ảnh vào ngôn ngữ và thể hiện bằng cách dùng thì quá khứ «tôi đã» và thì tương lai «tôi sẽ». Khi đứa trẻ biết tạm ngưng sự đòi hỏi một thời gian để đợi sự thoả mãn một thời gian sau nó biết diễn tả ý ấy bằng cách dùng chữ «bao giờ» hay «khi nào»: «Bao giờ mẹ về chợ ta sẽ có quà». Đứa trẻ có ý thức về bản thân nó, một cái gì tách biệt khỏi ngoại giới, trên phương diện ngôn ngữ ý thức ấy phát hiện ra bằng cách dùng những tính từ: của tôi, của anh, của nó [2] .

Phân tâm học cũng tìm liên lạc giữa sự phát triển tâm tình với sự phát triển ngôn ngữ. Người ta cho rằng, đời sống của bản năng được «tinh thần hoá» lần hồi song song với sự hạn chế và xã hội hoá bản năng. Cái tôi trở nên sáng sủa ,ngữ phạm, ngữ pháp và cách tạo ý nghĩa của lời nói hội nhập vào tâm thần đứa trẻ thì đồng thời cũng xẩy ra những hiện tượng thoái lui của bản năng, đúng hơn, hiện tượng thoái lui những đòi hỏi mù quáng của bản năng.


Sự liên lạc giữa tiếng nói và hoạt động tiềm thức

Freud đã để ý đến sự kiện sau đây khi ông hành nghề: ngôn ngữ có liên lạc mật thiết với hoạt động tiềm thức. Thầy thuốc phải căn cứ vào lời nói của người loạn thần kinh để dò xét nguồn gốc tiềm thức của sự rối loạn tâm thần; ngôn từ của giấc mơ là ngôn từ của tiềm thức, nó dùng hình ảnh để cấu tạo một ý nghĩa nào đó theo phép tắc cơ cấu riêng của nó mà ta không hiểu. Ông thầy thuốc Phân tâm cũng phải dùng ngôn ngữ để tác động tới tiềm thức người bệnh.

Nhưng những người kế tiếp ông hầu như không chú trọng đến tầm quan trọng của ngôn ngữ đối với tiềm thức như ông thầy, phải đợi đến Lacan, ngôn ngữ mới được chú trọng đúng tầm mức.

Người ta dùng ngôn ngữ là hàm ý nói cho người khác nghe ý nghĩa tiên khởi của ngôn ngữ là như vậy, nếu có xẩy ra trường hợp nói chẳng ai nghe thì đó chỉ là ngoại lệ. Nói đến người nghe là nói đến một người khác. Vậy mà Người Khác là một khái niệm quan trọng xuất hiện trong người ta, hầu như nó là mốc để ta hướng vào đó mà hành động.

Sự có mặt của Người Khác trong người ta là một khám phá của Phân tâm học. Khái niệm Người Khác đó làm cho ta có ý thức về một thực thể khác là cái liên chủ quan tính (intersubjectivité) ở bên cạnh chủ quan tính trong mỗi người chúng ta. Chính khái niệm Người Khác đó làm xuất hiện ngôn ngữ. Chúng ta sẽ nói đến liên chủ quan tính trong mục Phân tâm học và Hiện tượng học.

Sự có mặt của người khác trong đáy sâu tâm thần và từ ngay lúc thơ ấu làm cho ta phải xét lại quan niệm về chức vụ then chốt của bộ máy tâm thần. Trước kia ta nói chức vụ ấy là tổng hợp nhân tính, mọi hoạt động tâm thần đều hướng về mục tiêu ấy, tâm thần chỉ biết có cái tôi mà thôi, ngoài ra không biết gì khác. Trung tâm hoạt động của nó là cái tôi. Bây giờ có mặt Người Khác thì cách lý luận như thế hầu như thiếu sót. Trung tâm hoạt động phải quan niệm là di chuyển từ cái tôi sang Người Khác và trở lại. Tâm thần phải nhắm vào hai đối tượng một lúc mới tạo ra được một hành động. Thí dụ ta ước muốn dục tình, trong ý muốn ấy bao hàm ý nghĩa có một Người Khác trong ta xuất hiện làm đối tượng cho ta ham muốn, nếu không có Người Khác đó thì không làm gì có ước muốn. Người khác đó trả lời vào sự ham muốn của ta, nghĩa là hiểu ý nghĩa ngôn ngữ của ta. Giấc mơ có ngôn ngữ của giấc mơ, chức vụ thoả mãn ước vọng của giấc mơ dùng ngôn ngữ ấy để hoạt động.

Tiềm thức có khả năng phối hợp những yếu tố rời rạc, khác tính chất, lập ra ngôn ngữ, tạo ra ý nghĩa. Tương quan giữa đứa trẻ và cha nó là một tương quan có thể diễn tả bằng khái niệm «kinh ái». Khái niệm ấy chỉ diễn tả một phần nhỏ của ngôn ngữ tiềm thức, của một tương quan biểu tượng mà tiềm thức đã phác hoạ ra. Trong tương quan biểu tượng ấy còn có ý nghĩa về quyền hành, về sự tùng phục, xuất hiện một cách cụ thể bằng ý thức pháp luật.


III. Phân tâm học và sư phạm khoa

Những khám phá quan trọng của Freud, thời kỳ thơ ấu với ảnh hưởng quyết định đến cuộc đời con người, làm cho các Phân tâm học gia chú trọng ngay từ lúc đầu đến việc giáo dục. Mối bận tâm của họ là tìm hiểu sâu xa tâm hồn trẻ em. Hướng về mục tiêu ấy, người ta cũng cần phân tích hoàn cảnh gia đình để biết rõ phản ứng của đứa trẻ.


Phân tích tâm trạng trẻ em

Freud và các môn đệ của ông đi tiền phong trong một tư trào, đã thay đổi hẳn quan niệm của thế kỷ này về vấn đề giáo dục, họ mở mắt cho nhà giáo dục và phụ huynh học sinh thấy tầm quan trọng của vấn đề sinh lý trẻ em. Từ đấy có rất nhiều sách viết về vấn đề giáo dục.

Hai món đệ của Freud là cô Anna Freud và cô Mélanie Klein đã có công làm sáng tỏ thêm vấn đề, họ cho biết có một vấn đề Phân tâm học trẻ em dị biệt với vấn đề Phân tâm học người lớn, phương pháp phân tâm cũng khác.

Anna Freud nhấn mạnh vào sự kiện trẻ em không phải là người lớn cỡ nhỏ hay người lớn thu hẹp lại; người lớn là người đã phát triển đầy đủ, còn trẻ em chỉ là người còn tiến triển dở dang, không đủ điều kiện để tự quyết.

Về phương diện nghề nghiệp cô có những phát kiến sau đây mà nếu ta biết qua chút ít ta cũng có thể nhờ đó mà hiểu thêm những cạnh khía khác của vấn đề giáo dục.

Ông thầy phải sửa soạn cách nào để gây thiện cảm với đứa trẻ. Phương pháp trị liệu chỉ có kết quả nếu nó thuận theo, nếu có sự ép buộc trái ý nó thì có khi phát sinh những biến chứng tai hại. Ông thầy khởi sự bằng cách gợi sự tín nhiệm của đứa trẻ, làm cho nó ý thức được những thống khổ của nó, khiến cho nó chấp nhận phép trị bệnh. Đứa trẻ thường có khuynh hướng thân yêu quá đáng một người vú nuôi hay một người trong gia đình không phải cha mẹ nó. Ông thầy phải phá bỏ sự thiên lệch tâm tính ấy, công việc khó khăn nhưng có thể làm được.

Trong thời gian trị bệnh ông thầy cần sự hợp tác của cha mẹ đứa trẻ.

Ông thầy cố gắng căn cứ vào những ký ức của đứa trẻ và những tài liệu của gia đình nó để lập lại quá khứ của nó nhiên hậu sẽ tìm ra nguyên do cấu tạo ra bệnh. Ký ức của đứa trẻ thường không đủ, ông thầy phải dùng cả đến phương pháp phân tích giấc mơ của nó.

Một sự kiện đáng để ý: giấc mơ trẻ em thường để lộ sự thất vọng vì không được cha mẹ yêu mến, vỗ về hay khen ngợi. Nó còn hay nằm mơ thấy người hùng, chiến công oanh liệt, vượt được mọi gian lao. Nó cũng nằm mơ thấy người ta đe doạ thiến.

Người ta cũng dùng đến những bức vẽ của trẻ em, đến cách xét nghiệm thái độ của nó khi cho nó nhiều đồ chơi đủ loại, thâu hẹp cả một vũ trụ lại trước mắt nó để ghi lấy phản ứng của nó và tìm cách suy diễn. Qua những phản ứng ấy nó sẽ biểu lộ những tiềm năng gây gổ, thương xót, thái độ đặc biệt của nó trước sự vật.

Người ta nghiệm ra bản tính của nó lệ thuộc vào người khác hơn bản tính người lớn, người lớn tỏ ra độc lập hơn. Nó chỉ tin tưởng người nó yêu mến, nó làm cái gì hay và tốt là chỉ làm cho một người nào nó yêu mến. Thực ra nếu ta để ý nhận xét mọi người quanh ta thì rất nhiều người không đạt tới mức sống độc lập, hình như họ chỉ là những đứa trẻ lớn tuổi, họ chỉ biết có người họ tin tưởng và dựa vào người ấy để theo, dù là quan niệm về nghệ thuật, về cách xử sự; dù suy xét phán đoán việc đời; quyết định một thái độ. Chính vì cạnh khía không trưởng thành của con người đó mà có một vấn đề tuyên truyền, mà có một vấn đề lợi dụng nhân tâm.

Nhiệm vụ của ông thầy quan trọng vì trong khi trị bệnh dù muốn dù không ông thầy cũng tác động như một người dạy dỗ, chỉ hướng và bảo vệ đứa trẻ.

Tiếp tục công việc của Freud, gần đây người ta đã tìm hiểu sâu rộng mối tương quan giữa cha mẹ và con cái. Mối tương quan đó có một tầm quan trọng lớn trong thời kỳ thơ ấu của đứa trẻ vì có ảnh hưởng quyết định đến cuộc đời của nó sau này. Đứa trẻ cần thân thiết với cha mẹ, vì đó không những là một nhu cầu tâm lý mà còn là một nhu cầu sinh lý.

Nhiều công việc nghiên cứu Phân tâm học giá trị đã chứng minh và xác định rõ sự thiếu thốn tình yêu của cha mẹ rất tai hại cho đứa trẻ. Sự thiếu thốn ấy có rất nhiều hình thức: hoặc là người mẹ bỏ liều con, vắng mặt luôn luôn hoặc là để người khác thay thế mình, người đó chểnh mảng với đứa trẻ.

Đứa trẻ không được qua giai đoạn huấn luyện sự yêu thương. Muốn trở nên người bình thường, có nhiệt tâm để thương yêu người khác, đứa trẻ phải nhận tình yêu của mẹ, tình yêu đó gợi cho nó thi vị cuộc đời đồng thời là kích thích tố làm phát triển trí khôn. Cả sự phát triển thể chất cũng liên hệ đến ảnh hưởng của tình yêu mẹ.

Để có những bằng chứng cụ thể chứng minh quan điểm ấy người ta thâu góp rất nhiều tài liệu về sự phát triển cơ thể, tâm thần, các giai đoạn tập lẫy (lật), bò, ngồi, lững chững tập đi; nhiều cuốn phim cho thấy những dấu hiệu chậm phát triển như đứa trẻ có phản ứng không hợp với tuổi mà ngưng trệ ở giai đoạn trước, hay thay vì những cử chỉ đúng tầm mức để di chuyển cử động, tay chân đứa trẻ như dại như ngây không phác hoạ nỗi những cử chỉ nhằm vào mục đích di động. Hình như nó diễn tả cái trống rỗng trong nội tâm nó bằng những máy động hỗn loạn. Ngoài ra còn phải kể đến những rối loạn về bộ máy tiêu hoá. Đó là những kết quả khảo sát của bác sĩ Spitz và bà bác sĩ Roudinesco.

Trái lại, những vuốt ve quá đáng những hành vi âu yếm quá nồng của người mẹ có thể làm cho cảm Trung quan của đứa trẻ phát triển sớm quá. Đó cũng là một điều tai hại. Lạm dụng vệ sinh, rửa ráy nhiều quá có thể kích động hậu môn là khu vực thụ cảm rất mạnh từ năm thứ hai. Cử chỉ vụng về của người mẹ khi âu yếm, bế ẵm, chăm sóc vệ sinh có thể vô tình kích động khu vực thụ cảm khi dục tình đã hình thành và quy tụ vào khu vực ấy.


Phân tích tâm trạng thiếu niên

Con người phải trải qua một giai đoạn phát triển rất khó khăn là thời kỳ dậy thì. Có một sự chênh lệch đáng e ngại giữa thể chất và tâm thần. Đứa trẻ lớn bồng lên trong một thời gian kỷ lục, vóc dáng nó trở thành người lớn nhưng tâm thần vẫn là con trẻ (có những trường hợp con gái 13 tuổi, chỉ trong vài tháng đã lớn nhanh chóng và có vóc dáng đàn bà). Một số người không chịu được cuộc thử thách ấy, đáng lẽ chỉ qua một thời kỳ thay đổi tâm tính thì họ phải suy nhược thần kinh, hay nặng hơn thế, họ rối loạn thần kinh. Từ khi Freud nêu lên vấn đề, người ta thấy cần phải lưu ý các nhà giáo dục và phụ huynh học sinh đến những khó khăn của thiếu niên khi phải qua giai đoạn dậy thì. Một sự can thiệp kịp thời của Tuyệt đối thể khoa và những phương pháp giáo dục thích hợp có thể cứu vãn được tình trạng.

Những trường hợp rối loạn như vậy liên lạc với những giai đoạn phát triển của quá khứ thơ ấu, bởi vậy cho nên chỉ có Tuyệt đối thể nghiệm tâm phân mới đủ thẩm quyền tìm ra manh mối.

Thời kỳ dậy thì với sự trưởng thành dục tình là một biến cố trọng đại trong đời sống, bởi vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào hội nhập được sự trạng mới mẻ đó vào toàn thể những hoạt động khác. Vấn đề liên quan tới hoạt động thuộc các lãnh vực nghề nghiệp, tới khả năng đạt được cuộc sống độc lập, tự túc v.v. Thanh niên không được khuyến khích thành hôn nếu không đủ điều kiện làm cha làm chồng và sống tự lập tự túc.

Tuy nhiên, đối với nhiều người tuy đã trưởng thành về nhiều phương diện khác, như về thể chất, về trí khôn và khả năng kỹ thuật, nhưng vẫn chưa trưởng thành về dục tình. Còn một thiểu số trưởng thành về các phương diện khác nhưng dục tình không bao giờ trưởng thành cả, họ sẽ là đứa trẻ con suốt đời trên phương diện tình ái.

Trí thông minh thường không phát triển cùng nhịp điệu với sự phát triển xúc cảm và dục tình. Hai cơ năng hầu như tách dần riêng ra để hoạt động có hiệu quả. Nội bộ con người tăng trưởng, dòng suy tưởng cũng tiến triển, người ta lần hồi từ bỏ cách hành động theo tiêu chuẩn tìm khoan khoái mà theo tiêu chuẩn thực tế. Nhưng trí thông minh khai triển và cho biết những phép tắc kỷ cương của xã hội, văn hoá, bắt người ta chấp nhận những đối tượng yêu mến, thèm muốn khác trước, trí thông minh không tác động theo chiều hướng bản năng, con người phải thích ứng với cái thực tế do trí thông minh hoạch định. Bởi vậy một sự trắc nghiệm về sự thông minh không cho biết rõ về tình trạng trưởng thành của xúc cảm và dục tình. Con người có thể đầy đủ thông minh, thích ứng hiệu quả nhưng xúc cảm và dục tình không tăng trưởng đúng mức yêu cầu.


Áp dụng sư phạm

Phân tâm học áp dụng vào sư phạm khoa nhằm những mục tiêu nhất định mà Freud đã tóm lược như sau: ông thầy học biết những khám phá của Phân tâm học sẽ tỏ ra hiểu biết hơn đối với đứa trẻ đang qua những thời kỳ khó khăn nhất là vào tuổi dậy thì, họ sẽ không chấp nhất và quan trọng hoá những dấu hiệu thiên lệch tâm tính, hay «đốn mạt». Họ không tìm những hình phạt nghiêm khắc quá để dập tắt những bản năng ấy mà tìm cách lái vào những mục tiêu văn học, văn nghệ.

Theo kinh nghiệm của ông thì những biện pháp mạnh chưa bao giờ đàn áp được những bản năng ấy, mà cũng không diệt trừ được chúng; người ta chỉ tạo ra cho thiếu niên tình trạng dồn nén, mầm mống của những dự suy nhược thần kinh sau này. Quả vậy, Phân tâm học đã có nhiều dịp để biết rõ rằng một quan niệm giáo dục thiển cận và nghiêm khắc vô ích làm cho dễ phát sinh những trường hợp suy nhược thần kinh và còn bất lợi cho đứa trẻ về nhiều phương diện khác. Những bản năng dục tình phát triển mạnh mẽ và dồn dập đó, nếu không bị dồn nén ác hại, đàn áp thẳng tay, sẽ là những yếu tố quý giá và hiếm hoi góp phần vào sự cấu tạo tính tình; bản năng sẽ từ bỏ những mục tiêu nguyên thuỷ để thăng hoa, chúng sẽ hướng về những mục tiêu cao cả hơn. Hẳn là sự khẳng định này của Freud đã dựa vào những kinh nghiệm và chứng nghiệm cụ thể. Phân tâm học áp dụng vào giáo dục đã cho phép uốn nắn và biến cải những thiếu niên có khuynh hướng trắc nết, đốn mạt.

Nhờ sự phát triển và phổ biến của Phân tâm học, ngày nay học đường và trung tâm cải huấn không còn quan niệm sai lầm về những đứa trẻ khó dạy hay «trắc nết». Một phương pháp giáo huấn thích hợp có thể khai thác được những nguồn dục tình dồi dào, dồn dập như nước lũ mà những dấu hiệu trắc nết chỉ là hình thức nhất thời. Tuỳ ông thầy biết tìm đường lối và phương tiện thăng hoa cho bản năng mà nguồn tinh lực đó sẽ lái sang những mục tiêu mới hay dừng lại ở những hình thức sa đoạ.

Tuy nhiên, sự áp dụng Phân tâm học không có gì là giản dị, bởi vậy nên có vấn đề mặt trái mề đay. Sự phổ biến Phân tâm học giúp ích cho ngành giáo dục nhưng cũng gây rối cho ngành giáo dục, vì có người đem áp dụng một cách ngu muội. Có người quan niệm một hệ thống giáo dục có ý nghĩa là «dưỡng nhi bất giáo», là buông trôi thả lỏng cho đứa trẻ cho đứa trẻ gặp sao hay vậy, muốn làm gì thì làm; họ phóng đại nguyên tắc kính trọng sự bộc phát của những tiềm năng thiên nhiên và xoá bỏ hết mọi kỷ luật, hết mọi kỷ cương luân lý. Thật là một cách trở về với hỗn loạn có phương pháp và nghệ thuật. Họ đã lầm lộn dấu hiệu dao động vì tiến triển bản năng phi xã hội tính ở đứa trẻ – bản năng égocentrisme – narcissique, phát hiện từ tháng bảy tuổi thơ ấu, đứa trẻ chỉ biết có mình, chỉ hướng về mình. Thực ra giáo dục, nếu hiểu theo nghĩa rộng, phải tác động theo chiều hướng di chuyển, đảo lộn và thăng hoa những mục tiêu nguyên thuỷ của bản năng chứ không phải buông cương thả lỏng như mấy nhà giáo giầu tưởng tượng muốn làm Phân tâm học gia một cách miễn cưỡng. Một nhà giáo dục muốn áp dụng Phân tâm học phải là Phân tâm học gia giầu kinh nghiệm kiêm sư phạm gia thận trọng.

Nền giáo dục cổ truyền tuy có nhiều khuyết điểm nhưng đặt trên một nền tảng quan trọng là thừa nhận ảnh hưởng giáo hoá của xã hội. Ảnh hưởng giáo hoá của xã hội là một nguyên tắc lớn mà bao giờ cũng cần tôn trọng. Giáo dục phải là một kỷ luật, nhưng kỷ luật được tự do chấp nhận và phải có kiểm soát. Điều răn dạy không có hình thức tự do khước từ, sự cấm đoán nghiêm ngặt sẽ thay thế bằng những chỉ thị có giải thích mà minh thị tính cách cần thiết để học sinh ý thức được ý nghĩa việc mình làm.

Phân tâm học không hề chủ trương buông cương thả lỏng sự dạy dỗ con em. Chủ trương sự hiểu biết của nhà giáo dục thay vì sự độc đoán, sự câu thúc là một hình thức khuôn phép chứ không phải hình thức buông cương thả lỏng.

Từ sau cuộc Thế chiến thứ Hai, một hiện tượng thanh thiếu nhi du đãng đáng lo ngại đã xuất hiện tại nhiều thành phố đông dân cư trên thế giới (teddy-boys; blousons noirs, đảng sọ người, đảng rằn ri, v.v.) Thanh thiếu niên du đãng qua sự xét nghiệm Phân tâm học đều là những đứa trẻ bị giáo dục gia đình chểnh mảng, cha mẹ không biết đến nhu cầu của con. Người ta còn khám phá ra rằng đứa bé đã trải qua những thảm kịch nội tâm vào thời kỳ dậy thì, thiếu tình thương yêu của cha mẹ, tính tình nó phát triển theo chiều hướng củng cố của tính gây gổ, phá phách hung bạo. Còn phải kể đến sự đua đòi, sự bắt chước. Những đứa cầm đầu thường là những đứa thủ đoạn và can đảm liều lĩnh, bởi vậy trẻ khác đồng nhất hoá mình với nó thậm chí chịu tùng phục nó như nô lệ. Đứa trẻ phát triển những khuynh hướng gây gổ và hung bạo. Bình thường uy tín của người cha cản trở không cho những khuynh hướng ấy nẩy nở.

Sau hết phải kể đến ảnh hưởng của sách báo, nhất là màn ảnh sân khấu, đầy rẫy những chuyện bỉ ổi, thương luân bại tục. Trước con mắt tò mò của thiếu nhi diễn ra đủ mọi hình thức quyến rũ của tội lỗi. Sự hung bạo tàn ác thể hiện ra người anh hùng chúa đảng cướp, thông minh, tài tử, bắn súng cưỡi ngựa một cây! Hoặc người thám tử tài tử xuất quỷ nhập thần! Những chiến công và thành tích đều tô điểm thêm một mầu sắc ái tình, người đẹp là mục đích và phần thưởng tối hậu của cuộc phiêu lưu hay là vị hung thần mà hiệp khách giang hồ ra tay diệt trừ. Điều đó không quan trọng, trên màn ảnh chỉ đáng kể là những bộ phận mỹ miều của phụ nữ và những hành vi có ý vị dâm ô cao độ.

Mấy năm gần đây có rất nhiều sách viết về tâm trạng bình thường hay bệnh hoạn của trẻ em. Phương pháp giáo dục cũng có sự thay đổi vì ảnh hưởng của những công việc nghiên cứu ấy. Điểm khó khăn là việc áp dụng Phân tâm học rất tế nhị, phần vì Phân tâm học luôn luôn tiến triển và bổ túc những quan điểm cũ, phần vì người ta chỉ biết học thuyết của Freud một cách sơ sài, áp dụng có thể vụng về. Bởi vậy cho nên tương lai hy vọng rằng nhà giáo dục cũng kiêm một Phân tâm học gia, nếu không thể được thì nhà giáo dục nên hỏi ý kiến một Phân tâm học gia mỗi khi cần giải quyết một vấn đề liên quan đến môn học ấy. Cần có sự phối hợp cụ thể những hoạt động của khoa sư phạm và khoa tâm lý học trong một trung tâm nghiên cứu những phương pháp giáo khoa thích hợp với những hiểu biết hiện đại.


Giáo dục sinh lý

Tuy rằng ngày nay ai cũng hiểu rõ tầm quan trọng và sự cần thiết của sự giáo dục sinh lý, nhưng vấn đề hết sức tế nhị. Phải thực hiện sự giáo dục sinh lý dưới hình thức nào, nhà trường hay gia đình nhận lấy trách nhiệm ấy? Ý kiến mỗi người mỗi khác. Đại diện giáo giới ở Pháp muốn để trách nhiệm cho phụ huynh học sinh, họ cho rằng cha mẹ ở một vị trí thuận tiện hơn để việc làm có hiệu quả. Nước Đức và nước Anh muốn giao phó trách nhiệm ấy cho nhà trường.

Theo quan điểm của bác sĩ Berge thì nên phân biệt vấn đề thoả mãn hiếu kỳ của đứa trẻ và vấn đề giáo hoá thanh thiếu niên về phương diện dục tình, giảng dạy cho chúng biết lấy lý trí và cương quyết mà chế ngự bản năng. Sự giáo hoá vừa có mục đích giúp cho bản năng dục tình tiến triển một cách bình thường đến mức độ sung mãn, mặt khác uốn nắn bản năng vào kỷ cương luân thường. Trên giấy tờ hay trong những cuộc thảo luận, vấn đề đã đặt ra một cách giản dị và rõ ràng như thế, nhưng khi thực hành mới gặp khó khăn, không phải cha mẹ hay ông thầy nào cũng có khả năng để đảm nhiệm giáo huấn.

Trẻ con thường có thái độ hiếu kỳ trước những vấn đề tình ái, nhưng ta phải hiểu sự hiếu kỳ ấy không có ý nghĩa là đứa trẻ có ý thức về tình dục. Sự hiếu kỳ đó cũng chỉ là một thành phần của thái độ chung, đứa trẻ muốn hiểu biết mọi sự vật quanh mình nó. Cha mẹ thường bối rối, trả lời sự thắc mắc của đứa bé bằng những câu như «Em bé nằm ở trong cái hoa sen má lấy về». Nếu không chịu thoả mãn với lời giải thích ấy thì những câu nói kế tiếp của bà mẹ phần nhiều là mắng át đi cho êm chuyện. Thái độ ấy làm cho sự hiếu kỳ của đứa trẻ sẽ kèm theo một cảm tưởng bị mắng tác động theo chiều dồn nén. Sự dồn nén đó còn mãi cho đến lúc khôn lớn, nếu là đứa trẻ yếu ớt thần kinh thì hậu quả rất tai hại. Lớn lên nó ngờ nghệch với tình ái, và chỉ có sự ngờ nghệch ấy để xây dựng hạnh phúc gia đình! Có lẽ số người ngờ nghệch về sinh lý như thế cũng không ít, nhất là ở chốn thôn quê; ở thành thị thì trường học và những nhóm quần tụ thanh thiếu niên đóng vai trò phổ biến sự chỉ dẫn sinh lý một cách mặc nhiên. Thanh thiếu niên học hỏi bạn bè để biết về sinh lý với tất cả sự may rủi của một thói tục đã thành hình ngoài tầm ý thức của người ta.

Như vậy, giáo dục sinh lý là một vấn đề chỉ dẫn, chỉ dẫn đơn sơ và chỉ dẫn khoa học, tương tự như việc giảng dạy tự nhiên học. Nhưng chúng tôi nhận thấy rằng nhận định dưới nhỡn quan y học chưa đủ, một cách nhìn hợp lý hợp tình nên thận trọng hơn, nên hội ý với các đại diện tôn giáo, các nhóm phụ huynh học sinh, các đại diện văn hoá, v.v.

Riêng chúng tôi có nhận xét sau đây: Theo sự hiểu biết của riêng tôi thì ngày xưa theo Nho phong không phải là ông cha ta không đặt vấn đề giáo dục sinh lý. Ở thế hệ tôi, nghĩa là cách đây độ 50 năm, một ông chú, ông bác giảng dạy cho cháu về việc sinh lý một cách kín đáo, thường chỉ chú trọng đến phương diện vệ sinh, chừng mực điều độ. Trách nhiệm giảng dạy cho cô dâu về phần chính là mẹ hay người thân thích bằng vai với mẹ, và chỉ đề cập đến khi gần ngày vu quy. Vấn đề giản dị hoá đến mức tối thiểu không còn phù hợp với tình trạng ngày nay, cuộc sống quần tụ đông đảo hơn và nhiều yếu tố xã hội khích động đứa trẻ mãnh liệt khác trước.



[1]Coi lại tiết mục “Phát triển bản năng”, Phân tâm học toát yếu.
[2]Trong tiếng nói của ta, ý thức về các thì rất nghèo nàn, ta chỉ có cách ghép thêm chữ đã và chữ sẽ vào động từ độc âm, trái với tiếng Tây phương, việc sử dụng các thì rất tế nhị. Ta không có ý thức mạnh mẽ về sự sở hữu, ta chỉ nói của anh của tôi, chứ ý thức sở hữu không xuất hiện một cách cụ thể như trong quan niệm về adjectif possessif và pronom possessif như của Tây phương. Những sự kiến ấy, theo Phân tâm học, liên lạc đến sự tiến triển bản năng và cấu tạo nhân tính. Có nên nghi ngờ rằng sự kém ý thức về thời gian và sở hữu có liên lạc với tính tình người Đông phương sống hoà mình với thiên nhiên, không tách biệt cái tôi với ngoại giới một cách tàn bạo chăng? Sự kiện ấy có chi phối nền học thuật triết lý chăng? Đó là công việc tìm hiểu cần sự tham gia của nhiều ngành học vấn mà Phân tâm học là một.

Nguồn: Phân tâm học áp dụng vào việc nghiên cứu cách ngành học vấn – Biên khảo của VÅ© Đình LÆ°u – Tổ hợp GIÓ xuất bản – Bìa Nguyá»…n Đồng – Gíây phép số 1717-BTT-NHK PHNT, ngày 28 tháng 4 năm 1969 – In xong ngày 24.5.69 tại cÆ¡ sở ấn loát Trình Bầy – Ngoài những bản thường còn có sáu mÆ°Æ¡i bản đặc biệt dành cho tác giả và nhà xuất bản. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.