trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng Sáu
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49 
21.6.2007
Nguyễn Hữu Liêm
Chấm phết và sang hàng cho văn báo Việt Nam
 
Chữ "phết" là cách viết của người Trung cho chữ "phẩy". Trong câu văn, dấu phết cho người đọc được tạm nghỉ hơi nhưng vẫn giữ được tính liên tục trong năng động ý nghĩa của mệnh đề. Cách chấm câu, ngoài chức năng làm rõ mệnh đề, nó cho người viết và người đọc được nghỉ hơi và nghỉ trí. Dấu chấm chuyển văn, dấu phết chuyển từ, chấm qua hàng chuyển ý. Viết văn, viết báo, ngoài việc chọn lựa sự kiện từ thế gian, người viết phải chọn lựa cấu trúc và giọng văn cho thích hợp với ý vị của độc giả.

Trong cuộc sống cũng thế, chuyện xẩy ra hằng ngày, có lên trên mặt báo hay không, thì cũng như là cấu trúc của câu văn. Mỗi chuyện có thể chỉ là một dấu chấm qua hàng, chuyển ý tưởng của một văn bản, hay chỉ là một dấu phẩy nhẹ nhàng, không quan yếu. Nó cũng có thể chỉ là một dấu hỏi mà thôi. "Reality is textual" (Thực tế là văn bản) - nếu ta hiểu một cách đơn giản câu khẩu hiệu của Jacques Derrida. Khi chọn một câu văn, cách hành văn, ngôn từ là lúc người viết chọn thực tại, chọn cuộc đời, chọn chính mình. Khi ta viết, ta chọn thế giới qua tác động văn từ. Viết báo mà không có quyền chọn lựa đề tài, ngôn ngữ, ý tưởng thì thế giới này không phải là của ta.

Karl Jasper, một triết gia hiện sinh, nói rằng, để làm con người thì ta phải truyền đạt "To be human is to be communicative". Ở giữa nhu cầu thân xác và tâm linh, nỗi khao khát được nói, được viết, được tranh luận, bày tỏ sự khác biệt chánh kiến, bất đồng ý qua ngôn ngữ là nỗi niềm chung của nhân loại - một thiết yếu tính cho cơ sự con người. Trong một buổi hội thảo ở Berkeley năm ngoái, giáo sư Cao Huy Thuần có bàn về nhu cầu dân chủ ở Việt Nam như là một niềm khát khao được nói. Ông nói, "Hãy cho người ta được nói!" Cơ chế nào hay dân chủ làm sao là một chuyện, nhưng muốn cho dân chúng khá lên thì hãy để cho con người ta nói. Khi con người không được nói - mà báo chí là một cách nói - thì họ không tiến được. Khao khát được nói, được viết, được diễn tả là nỗi niềm cao vọng được làm con người tròn đầy. Ý tưởng dân chủ phát xuất từ Hy Lạp khoảng hơn hai ngàn năm trước cũng bắt đầu từ ý chí và khát vọng được nói, được bàn, được thảo luận về chuyện nước, chuyện xã hội, quốc gia và cộng đồng.

Vấn đề còn lại là nói gì, nói thế nào, và nói bao nhiêu. Cái gì ở trong đời này cũng có một giới hạn, một mức độ, "up to a point" để ta nói về một chuyện nào đó. Trong cộng đồng truyền thông và báo chí Việt ngữ, chúng ta có hai thế giới, một ở Mỹ, một ở Việt Nam. Ở California chẳng hạn, có nhiều điều mà chúng ta đã nói quá nhiều, quá thừa - và có những điều mà chúng ta không và chưa nói đủ. Vấn đề này còn trầm trọng hơn ở Việt Nam. Báo chí tiếng Việt ở hải ngoại chưa xứng đáng với tự do của nó; còn báo chí trong nước thì như những vệt sáng trên tấm tôn lủng từng lỗ nhỏ để ánh sáng bắn vào khoảng tối từng vệt nhọn. Người đọc tiếng Việt ở hải ngoại như bị ánh nắng ngôn ngữ rung động lấp lánh trong ảo ảnh tự do ngôn luận; bạn đọc trong nước thì nhờ những vệt sáng qua lỗ tôn lủng để mò mẫm ra góc tối của thế gian và xã hội. Cả hai phía không cùng một mẫu số về quan điểm, về ngôn ngữ, về tâm tư - cũng chỉ vì lịch sử đã đẩy họ vào trong hai thế đứng khác nhau. Làm thế nào để xoá bỏ, nhằm hội nhập và dung hoà hai hoàn cảnh lịch sử này lại với nhau, để không còn màn tôn lủng, cũng không còn ảo giác tự do, là "chuyện đáng nói" nhất cho người viết báo tiếng Việt hôm nay.

Chuyển đổi lịch sử cho Việt Nam là ý chí "chấm qua hàng" trong bài báo về sinh mệnh dân tộc. Nhưng có qua hàng hay không, câu văn mới cũng cần phải nằm trong cung nhịp và trình độ của toàn thể văn cảnh, tức là bản chất con người, dân trí và hiện trạng của quốc gia. Chúng ta không thể chuyển văn một cách bất chợt để làm cho toàn bài văn trở nên hư hỏng, hoại ý. Cái sai lầm trong ngữ pháp không tai hại bằng sự bất cập và lạc lối của những thời đoạn chuyển câu văn. Vì thế, chuyển câu qua hàng cũng như là làm cách mạng cho lịch sử. Chúng thường huỷ hoại nhiều hơn là thăng tiến toàn cảnh của vấn đề. Lịch sử Việt Nam, cũng như là nhiều bài ca, bài văn tiếng Việt, cái hay của nó đã nhiều lần bị suy đồi vì sự chuyển câu quá bất chợt, khi mà con người trong cuộc chưa chuẩn bị cho một ý tưởng xứng đáng với cái nhu cầu toàn thể cho những chuyển hướng đó. Kết cuộc là lịch sử và văn chương, âm nhạc tiếng Việt càng ngày càng bị đứt đoạn và rơi vào tình trạng lẩn quẩn trong vũng lầy bình thường của trình độ dân trí.

Trong một vài lần nói chuyện với một số nhà báo ở Việt Nam, tôi đã nêu lên vấn đề thiếu tự do báo chí ở trong nước. Dĩ nhiên tự do là một khái niệm trừu tượng và tương đối, nhưng ở Việt Nam, quyền ăn nói qua báo chí bị kiểm soát quá chặt chẽ, đến nỗi trình độ ý thức, tư duy và lý luận của quần chúng, vốn chỉ có thể hình thành từ thông tin báo chí đa dạng và rộng mở, không thể phát huy đúng mức độ cần thiết và xứng đáng cho thời đại. Giáo dục trường học không thể thay thế, mà trái lại phải được nuôi dưỡng và tiếp nối bằng giáo hoá từ báo chí. Các nhà báo có vẻ thông cảm và chia sẻ với quan điểm này. Và ngay cả chính họ cũng không thể nói ra. Sự vật lộn của giới nhà báo Việt Nam cho một biên độ báo chí rộng lớn hơn đang vẫn chỉ là những nỗ lực thay đổi vài dấu phết trong một câu văn đã quá quen thuộc.

Tình trạng thiếu tự do báo chí ở Việt Nam đang trở thành một mối hiểm nguy cho quốc gia, không những chỉ là vấn đề dân trí, mà là về những nhu cầu thiết thực của quần chúng trên các lãnh vực môi sinh, giáo dục, y tế, xã hội, tôn giáo. Khi không có tin tức rộng rãi, khi thiếu bình luận, bàn thảo về các vấn đề từ nhiều góc độ ý kiến và dư luận, thì dân chúng cứ bám vào các tia sáng lẻ loi trong bóng tối để mò mẫm bằng ý thức chật hẹp và nông nổi. Để từ đó, mê tín dị đoan tràn ngập, con người mất hết niềm tin vào hành chánh công quyền, về khả năng đạo đức và hướng thượng của cá nhân, về trách nhiệm môi trường, về kỷ luật bản thân, về giá trị lâu dài cho cuộc sống hơn là tính tạm bợ của khoái lạc hay cảm hứng nhất thời.

Cái lỗi thời bậc nhất ở Việt Nam bây giờ là ở chỗ: một số đông chấp nhận lý luận rằng nhu cầu hiệu năng chính trị là biện minh một cách dĩ nhiên và chính đáng cho giới hạn tự do ngôn luận và kiểm soát báo chí. Điều này là một tai hoạ lớn đang chờ. Khi cả một khối quần chúng đầy khao khát, đầy năng động, đầy bực bội, với lòng nhiệt thành của một thế hệ mới, nhưng chế độ chính trị lại không cho họ được nói, không được bàn, không được tranh luận, không được tỏ ý kiến đối nghịch, thì ngọn lửa ẩn ức này sẽ bùng lên. Những bất mãn, những bức xúc, giận giữ về xã hội và chính trị đang biến thái vào thi ca, văn nghệ, văn chương. Chúng đã trở thành những luận đề thuần tiêu cực, cay đắng, vô lý, tục tĩu, coi thường độc giả, bất chấp văn phong và tư cách truyền đạt. Khi đất nước chuyển mình, muốn biết vận mệnh của lịch sử đi về đâu, hãy nhìn xem câu văn của người viết đương thời. Hồn văn đi trước, vận nước theo sau.

Bài văn lịch sử Việt Nam đã đến lúc phải chuyển câu văn, để đổi ý mà sang hàng. Chúng ta không cần "sang trang" hay "đổi chương" lịch sử. Chưa phải lúc. Mà muốn chấm sang hàng thì tư tưởng phải được chuyển đổi. Muốn chuyển tư duy thì tin tức, truyền thông phải được rộng mở và cơ hội thảo luận, tranh biện về việc nước phải là quyền đương nhiên. Nhu cầu mạnh nhất bây giờ, bởi thế, là con người Việt Nam phải được nói nhiều hơn về chính trị, về công quyền, về xã hội, về tôn giáo. Bài văn chính trị dân tộc và lịch sử đầy hào hứng và hãnh tiến ngày nay, cho đến giờ này, của sinh mệnh dân tộc, viết bởi độc quyền tư tưởng, đã trở nên nhàm chán và lố bịch. Nếu chúng ta không biết chấm qua hàng để chuyển câu, để thay ý tưởng, thì toàn văn cảnh sẽ trở thành bài văn tế buồn thảm.

Trên mọi phương diện, tất cả chúng ta, trong và ngoài nước, mỗi người mỗi cách, như từng con chữ trong bài văn lớn lao, đều đang chuyển động. Vấn đề là chúng ta vẫn chỉ lẩn quẩn trong cái vòng tròn hàng ngang của một bài văn chính trị đã quá nhàm. Hãy đừng như là một anh viết báo đã già, vì thiếu ý chí và khả năng cập nhật, đang viết một chương lịch sử cho mình, nhưng vì quá quen với lối hành văn chỉ toàn là dấu phết, chỉ thỉnh thoảng có một hai dấu chấm, và chứa đầy những dấu hỏi, không chuyển được nhịp văn, thay đổi ý tưởng cơ bản để chấm qua hàng.

Hãy chấm qua hàng. Và báo chí Việt Nam phải được cởi trói.

© 2007 talawas