trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
25.7.2007
Trần Văn Tích
Góp ý ngắn và dài
 
Góp ý ngắn: phiên âm à la Nguyễn Huệ Chi [1]

Trong bài “Nhân mùa vải thiều đại hạ giá" tác giả Nguyễn Huệ Chi – sau khi được học giả Ðông A góp ýnhận rằng do sơ suất nên đã phiên âm sai hai chữ ở câu cuối một bài thơ Ðỗ Phủ, thay vì khoả phiên thành quả và thay vì điềm phiên thành cam. Qua mấy dòng ngắn ngủi hôm nay tôi muốn thỉnh ý Nguyễn tiên sinh về nguyên nhân sơ suất khi phiên âm. Sở dĩ tôi có chút băn khoăn là do đọc thiên khảo luận về Hý trường tuỳ bút của Ðào Tấn mà ông Nguyễn cho đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học, Hà Nội, số 03-2004, từ trang 23 đến trang 52 và số 04-2004, từ trang 09 đến trang 28. Gặp một chữ lạ trong Kim nhạc khảo chứng, nhà nghiên cứu viết nguyên văn: “Chữ này lúc đầu chúng tôi không biết đọc là gì. Phải tìm tòi tra cứu mãi mới tìm ra nó trong cuốn Kim nhạc khảo chứng (...)". Tôi thắc mắc vì sao ông Nguyễn không tra từ điển đơn ngữ Hán-Hán hoặc song ngữ Hán-Việt để tìm xem cách đọc chữ liên hệ mà lại “tra cứu mãi" (khối thư tịch khổng lồ Trung văn) để rồi cho đến khi vớ được cuốn Kim nhạc khảo chứng mới biết cách đọc? Trong khi đó thì các Từ điển Trần Trọng San, Từ hải, Từ nguyên, Hán ngữ đại từ điển, Cổ đại hán ngữ đại từ điển đều hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ rõ là chữ ông Nguyễn Huệ Chi cần tìm cách đọc phiên âm là xuất? Ngoài ra, cũng trong cùng thiên khảo luận về tác phẩm của Ðào Tấn, ông Nguyễn phiên âm một chữ viết với bộ xỉ bên trái, chữ ty (hay ) bên phải là tự trong khi nếu tham khảo Khang Hy, Từ nguyên, Hán ngữ đại từ điển, Trung văn đại từ điển, Trần Trọng San, Thiều Chửu, Herbert A. Giles, Couvreur thì chữ này nên đọc là si? Lại nữa, trong câu chữ Hán “Minh nhân hữu tác tập" chữ tập này có vẻ không nên phát âm là tập theo Nguyễn Huệ Chi, mà căn cứ vào các từ điển đơn ngữ và song ngữ thì nên phiên âm là chiếp. Rồi còn tên tác giả Kim nhạc khảo chứng là Diêu Nhiếp theo Nguyễn Huệ Chi hay Diêu Tiếp theo đa số từ điển?

Phiên thiết có thể chỉ là một vấn đề nhỏ, tuy nhiên đi sâu vào thì lại có nhiều khía cạnh phức tạp, lắm khi gặp nhiều tình huống khó giải quyết. Nhưng phải phiên thiết và phiên âm chính xác thì mới viết đúng chính tả các từ Hán-Việt. Và đây chính là một vấn đề quan trọng.

Góp ý dài: dịch mà không ghi là dịch

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi trả lời một bài phỏng vấn đã viện dẫn hai câu thơ:

Có thời có tự mảy may,
Không thời cả thế gian này cũng không.

Tác giả Tôn Văn cho rằng nhà văn hiểu chữ thời như một danh từ với hàm nghĩa “thời thế, thời cuộc” trong khi thực ra thì chữ thời vốn là kết từ thì nếu căn cứ vào nguyên tác chữ Hán của bài thơ. Nhà văn họ Nguyễn là nạn nhân của hai chủ trương: một chủ trương nhỏ: phép kỵ huý dưới chế độ phong kiến (thời là đọc trại tên Thì của vua Tự Ðức); một chủ trương lớn: giới thiệu thi ca của tiền nhân nguyên vốn là chữ Hán qua những bản dịch sang Quốc ngữ mà không chịu nhấn mạnh rằng tác phẩm vốn được cưu mang bằng Hán văn. Nhưng dầu sao Nguyễn Huy Thiệp cũng chỉ là một nạn nhân... nhỏ. Có một nạn nhân vĩ đại hơn ông nhiều. Ðó là Bác.

Xuân Vũ vốn không ưa Bác. Gặp dịp là xỏ xiên, xài xể, xét xử, xỉa xói. Trong cuốn Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết do Xuân Thu xuất bản ở Hoa Kỳ (California) năm 1998, ít nhất ba lần Xuân Vũ cho rằng Bác làm thơ trật vần (trang 164, trang 242, trang 316). Chỉ có một bài tạm được, giữ đúng vần:

Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Tuy thế, đây “chỉ là một bài thơ tầm thường, nó nông phèn phẹt, nó mỏng bèng bèng, tư bản hay cộng sản đều không vin vào đâu mà khen được." Oan Bác quá đi mất. Bác đâu có “mần" bài thơ đó! Tác phẩm của Bác nguyên viết bằng chữ Hán, phần lớn theo thể thơ tứ tuyệt, cơ mà! Xuân Vũ chỉ đọc bản dịch của chư vị ở Viện Văn học hoặc của ai đó rồi đè Bác xuống mà phang túi bụi là làm thơ trật vần!

Ðến lượt mình, ông Vũ Thư Hiên, vốn tự nhận là người làm văn học, từng tự nguyện thuyết trình về văn học cho ông bạn tù Phùng Mỹ, cũng lại trích thơ Bác trong Ðêm giữa ban ngày, Văn Nghệ xuất bản, California, 1957, trang 458; mà những câu thơ trích đều bằng Quốc ngữ! Ngộ nghĩnh hơn nữa, câu thơ bài này ông đem ghép vào tứ thơ bài kia (câu của bài "Ngọ" tháp với câu của bài "Thuỵ bất trước"). Tội cho Bác quá!

Trên Y tế nguyệt san số tháng 06-2000, có tác giả dẫn hai câu thơ:

Tân gia từ vượt con tàu
Mới hay vũ trụ một bầu bao la.

và cho rằng khổ lục bát này là của Cao Bá Quát. Lại thơ dịch mà không biết là dịch. Cao Chu Thần chỉ có những tập thơ chữ Hán Chu Thần thi tập, Cúc Ðường thi loại, Mẫn Hiên thi tập, Mẫn Hiên thi loại. Ông đâu có sáng tác thơ lục bát bằng Quốc ngữ, lại là Quốc ngữ hiện đại! Hai câu thơ trích dẫn thực ra vốn viết bằng Hán văn và thuộc bài “Ðề Sát viện Bùi công Yên đài anh ngữ khúc hậu”.

Ngay những công trình biên khảo công phu, đứng đắn, có tính cách qui phạm, có giá trị tra cứu cũng phạm khuyết điểm này. Ví dụ bộ Nguyễn Trãi toàn tập do Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học xuất bản năm 1976 ở Hà Nội, trình bày nhiều bài thơ nôm Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập với đầu đề Quốc ngữ tuy rằng Ức Trai khi sáng tác chúng đã đặt đầu đề chữ Nho: “Răn sắc” đúng ra là “Giới sắc”, “Dạy con trai” thực ra là “Huấn nam tử”, “Ðầu xuân đắc ý” nguyên là “Tảo xuân đắc ý”, “Về Côn Sơn ngẫu tác ngày trùng cửu” chính là “Qui Côn Sơn trùng cửu ngẫu tác” v.v… Rất nhiều tài liệu viết về các danh nhân văn học đã đan cử thi văn tổ tiên theo cung cách tương tự. Sáng tác bằng chữ Hán, đặt đề bằng chữ Hán (cho các bài thơ Nôm hay cho các bản dịch thơ chữ Hán sang tiếng Việt) là một đặc tính văn học sử. Nó có nguyên do, có lý lẽ, có ý nghĩa, có mục đích của nó; mà tôi không muốn trình bày nơi đây. Chỉ có một vài ngoại lệ, ví dụ trường hợp bài “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến. Khi đưa nó vào sách giáo khoa dành cho các nam nữ học sinh tiểu học Pháp-Việt, các soạn giả đã đặt đầu đề mới là “Mùa thu ngồi câu cá”, có lẽ vì ngại rằng chữ điếu khó quá, cao quá đối với các lắc léo mẹ giồng lô [2] thời bảo hộ.

Trở lại với hai câu thơ được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đan cử. Theo hình thức và nội dung, đó chẳng những là một bài thơ mà có thể đó còn là một bài kệ, vốn là thể loại thi ca rất được các thiền sư thiện dụng. Và không phải ngẫu nhiên mà nguyên tác thi phẩm đã được trình bày theo thể tuyệt cú. Nhà thơ sáng tác theo tuyệt cú, qua thi pháp và thể loại, khiến liên hội đến quyết tâm chống đối thời gian tàn nhẫn qua đi mà không bao giờ trở lại, khi nhất định khắc ghi cho kỳ được một chớp mắt tâm tình, một sát-na tâm cảnh. Tuyệt cú ngắn gọn, súc tích, chặt chẽ, cô đọng, đậm đặc, bão hoà rất phù hợp với chủ đích ghi lại một cách nhanh chóng nhất giây phút đốn ngộ, thời điểm xuất thần của nhà tu hành. Tuyệt cú chứa đựng những năng lượng trí tuệ tích tụ đến độ căng thẳng, có tác dụng to lớn nhằm khai ngộ cho những tâm hồn khao khát chân lý Phật giáo. Tất nhiên ngôn ngữ thi ca nói chung là hình thái ngôn ngữ đậm đặc, ngữ khí thi ca nói chung vốn có thể cách ngữ khí nén ép. Và chẳng phải chỉ riêng tuyệt cú hay kệ mới có lời chật nhưng ý rộng, lời gần mà ý xa, lời cạn tải ý sâu. Tuy nhiên do độ dày của nó, do tỷ trọng của nó, do nồng độ của nó nên tuyệt cú và kệ bắt buộc phải hàm súc mà hiển lộ, phải nói cái tối thiểu để diễn tả cái tối đa. Ðặc quánh về từ vựng, đàn hồi về ngữ nghĩa, đó là kệ. Kệ tiết chế âm tiết đến tối đa; nó kín đáo, thâm trầm, ít nói, kiệm lời. Nó là nghệ thuật lược văn, lược từ tinh luyện nhưng nó cũng là nghệ thuật gợi ý, dẫn khởi siêu đẳng. Kệ, qua hình thức tuyệt cú, là hình thức ngôn ngữ đặc thù để nói lên, trong một tích tắc và vào một đỉnh điểm, tư tưởng Thích giáo hay Thiền học. Chính khả năng hiểu biết sâu sắc về vũ trụ, về nhân sinh của đệ tử nhà Phật là động cơ thúc đẩy sự hình thành của kệ, nó là kết quả của nhận thức duy lý. Kệ là thi ca suy lý. Kệ thông qua cảm thụ trực tiếp của nhà thơ đối với cuộc sống mà bày tỏ tình cảm, rồi từ đó truyền lan sang giới thưởng ngoạn. Cho nên khi chuyển nguyên tác mỗi dòng năm chữ sang văn xuôi hay sang thơ Quốc ngữ thì độ dài câu văn hay câu thơ rất khó giữ nguyên. Từ đó đưa đến hiểu lầm nội dung, hiểu sai ý tứ.

Nguyên văn bài thơ (hay kệ?) chúng ta đang đề cập được ghi trong Thiền uyển tập anh và trong Lĩnh nam chích quái. Tác giả của nó, theo Thơ văn Lý Trần, Tập I, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, trang 345, là Từ Ðạo Hạnh (Ngô Tất Tố trong Văn học đời Lý không ghi):

Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu, không như thuỷ nguyệt,
Vật trước hữu không không.

Nhóm biên soạn đặt cho nó đầu đề "Hữu không" và dịch nghĩa là:

Bảo là “có” thì từ hạt cát, mảy bụi đều có,
Cho là “không” thì hết thảy đều không.
“Có” với “không” như ánh trăng dưới nước,
Ðừng có bám hẳn vào cái “có” [và cũng] đừng cho cái “không” là không.

Bản dịch thơ được truyền tụng là do đại sư Huyền Quang chấp bút (!):

Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Vừng trăng vằng vặc in sông,
Chắc chi có có, không không mơ màng.

Như thế, khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, vì sử dụng một tài liệu văn học nào đó mà soạn giả hay các soạn giả không ghi chú minh bạch, nhấn mạnh cẩn thận là nguyên tác bài thơ vốn bằng chữ Hán mà chỉ khơi khơi giới thiệu nó bằng Quốc ngữ, thì ông đã là một nạn nhân rất đáng yêu.

Westpreussenstr., 24.07.2007

© 2007 talawas


[1]à la: theo cách, theo kiểu, theo lối.
[2]lắc léo mẹ giồng lô (élève maison eau): cách gọi trào lộng học trò nhà nước thời Pháp thuộc.