trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
15.9.2007
Phạm Xuân Yêm
Trả lời phỏng vấn về hoạt động khoa học và nghiên cứu ở Việt Nam
Nguyễn Đức Phường thực hiện
 
Nguyễn Đức Phường: Giáo sư suy nghĩ như thế nào về thực trạng khoa học của đất nước hiện nay, trên cơ sở những gì mà giáo sư thu lượm được?

Phạm Xuân Yêm: Về vật lý (và trong một chừng mực nào về toán), hai ngành mà tôi tương đối được nhiều thông tin, xin có vài nhận xét như sau:
  1. Trình độ đội ngũ thầy giảng dạy ở hai trường Đại học Quốc gia không được đồng đều, nhiều tri thức không được cập nhật. Có lẽ trong quá khứ có nhiều bất cập trong sự đào tạo đội ngũ trên, một số anh chị em giảng viên không có điều kiện theo rõi sự bíến chuyển trong ngành, không đủ vốn ngoại ngữ để học hỏi thêm qua sách báo ngoại quốc tiên tiến. Sách giáo khoa và tạp chí quốc tế đã hạn chế, lại ít được tham khảo. Lương thiếu thốn, cơ chế quản lý dựa trên thâm niên không khuyến khích người trẻ năng động, anh chị em phải dạy nhiều giờ hơn các đồng nghiệp ngoại quốc. Thí dụ ở Pháp, giáo sư (professeur) dạy có khoảng 130 giờ/năm học, giảng sư (maitre de conférences) khoảng 190 giờ/năm học, nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là dành thời gian để nghiên cứu khoa học. Chất lượng của nghiên cứu được đánh giá khách quan qua công trình được trích dẫn nhiều lần, được nhận đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế có impact factor cao, có hệ thống bình duyệt nghiêm túc, khắt khe hai ba lần phản biện. Chính vì thế mà giảng viên đại học ở Pháp được gọi là nhà giảng dạy-nghiên cứu (enseignant-chercheur). Tuy vậy tôi ngạc nhiên và khâm phục một số anh chị em trong nước đã có những cố gắng rất lớn để đạt được trình độ cao tiêu chuẩn quốc tế, chẳng thua kém ai.
  2. Vấn đề chính theo tôi hiểu là sự nghiệp nghiên cứu khoa học chưa được đặt đúng mức ở các trường đại học nước ta. Có nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, học hỏi không ngừng trong lãnh vực chuyên môn biến chuyển nhanh chóng, thì mới có trình độ cao để giảng dạy tốt và đào tạo bài bản những tinh hoa sau này cho xứ sở.
  3. Sự liên kết giữa Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Quốc gia (VAST) với các đại học hãy còn thưa thớt cục bộ, trong khi ở các nước tiên tiến đó là chuyện thường xuyên mật thiết. Ngay cả ở VAST, trình độ chuyên môn của các nghiên cứu viên cũng không đồng đều, cơ chế thâm niên dễ làm nản lòng những tài năng trẻ. Thống kê và những bài viết tâm huyết của GS Phạm Duy Hiển (Bằng chứng và lý giải, nxb Trẻ & Tia sáng, 2007) cho ta thấy thực trạng của các công trình khoa học được nhận đăng trên các tạp chí quốc tế quá ư ít ỏi.
  4. Tiềm năng nhân lực của nền khoa học nước ta rất lớn, nhưng chưa được khai thác đúng mức, có lẽ vì cơ chế và quản lý xơ cứng. Nhiều người xuất sắc, tâm huyết, nghiêm túc không được đối xử xứng đáng và tận dụng. Cũng những con người như thế nếu ở trong môi trường thuận lợi của các nước khoa học công nghệ tân tiến, họ rất có thể phát huy được hết tài năng và nắm giữ được những vị trí tốt ở những cơ quan nghiên cứu và giảng dạy đại học tầm cỡ cao quốc tế.
Nguyễn Đức Phường: Trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có phát biểu: đến 2020 Việt Nam sẽ xây dựng được một trường đại học lọt vào top 200 trường đại học thế giới. Theo ý kiến cá nhân của giáo sư, để đạt được mục tiêu trên chúng ta phải làm gì?

Phạm Xuân Yêm: Chưa có sự đồng thuận về các tiêu chí phổ quát để xếp hạng các đại học trên thế giới, vậy tôi hiểu câu hỏi về xây dựng được một đại học lọt vào top 200 là theo tiêu chí của trường Đại học Giao thông Thượng Hải. Tưởng không cần nhắc lại đây, đã có những bài viết và đề xướng tâm huyết của nhiều người ở trong và ngoài nước (trên báo chí và mạng internet) để cải tiến và nâng cấp chất lượng đại học nước ta cho trước hết đạt tới trình độ các nước trong vùng (Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore,Thái Lan), rồi dần dần đến tầm cỡ cao quốc tế. Chỉ xin nhắc lại vài ý kiến cá nhân đã viết trên mạng:
  1. Sự quyết tâm của những người trách nhiệm chính trị để đổi mới tư duy và cơ chế của nền đại học, bất chấp cản trở tinh vi của những quyền lực bảo thủ ở khâu quản lý.
  2. Đào tạo một đội ngũ mới giảng dạy đại học chất lượng cao bằng cách chọn lọc công bằng, trong sáng những ứng viên cử nhân ưu tú, giỏi ngoại ngữ để gửi đến các nước khoa học tiền tiến soạn bằng cấp tiến sĩ và trưởng thành sau hai, ba năm hậu tiến sĩ (postdoc). Thời gian đào tạo này phải ít nhất năm, bảy năm. Có bằng tiến sĩ trình độ quốc tế chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ, phải phấn đấu vượt lên nữa để đạt tới mức sáng tạo độc lập, chín chắn, cạnh tranh nổi với đồng nghiệp năm châu. Sau đó chọn lọc trong những tiến sĩ tiền phong ấy - những người sau vài năm postdoc đã thành công lấy được một chỗ đứng dưới bóng mặt trời ở ngoại quốc - bảo đảm cho họ khi về nước có điều kiện và cơ chế hợp tình hợp lý để góp phần đắc lực xây dựng một đại học hoa tiêu, trong đó thành tích nghiên cứu qua các công trình được nhận đăng trên các tạp chí khoa học uy tín hàng đầu quốc tế có impact factor cao (và được trích dẫn nhiều) đóng vai trò tiên quyết.
  3. Xây dựng một cơ chế để mời đón (hay tranh thủ sự hợp tác lâu dài) những chuyên gia cao cấp người Việt ở nước ngoài đang nắm giữ những vị trí cao trong những cơ quan nghiên cứu và đại học các nước tiên tiến. Đội ngũ các thầy giảng dạy-nghiên cứu của trường này chủ yếu đến từ hai thành phần (2) và (3), bổ sung thêm bởi những nhà nghiên cứu hàng đầu (có nhiều công trình xuất sắc đăng trên các tạp chí quốc tế) của Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Họ sẽ là động cơ cho sự cải thiện chất lượng mang tính nhảy vọt cho nền đại học nước nhà đang có nguy cơ tụt hậu.
  4. Sự tự chủ về quản lý, ngân quỹ và không gian học tập nghiên cứu của trường đại học hoa tiêu ấy phải được bảo đảm. Giao khoán cho trường sứ mạng cao cả ấy để xứng đáng với sinh viên ta vốn hiếu học, cầu tiến, và trường phải chịu trách nhiệm với nhà nước trong một hạn kỳ nhất định. Thời gian 13 năm đặt ra trong câu hỏi 2 có thực tế không, chẳng ai biết rõ, nhưng xây dựng một trường hoa tiêu mới có lẽ dễ thực thi hơn là chắp vá những cái cũ với tất cả nhiêu khê. Quan trọng không kém là biết người biết mình, biết hạn chế trong một số bộ môn học tập-nghiên cứu sao cho tương ứng với nội lực, hoà hợp với chương trình phát triển chung của nền kinh tế và đại học nước nhà. Cần khuyến khích sự thi đua lành mạnh - trong một khung pháp lý công bằng, nghiêm túc, đồng thuận - giữa trường này với những trường công hay tư lập đã có hay đang thành lập.
Nguyễn Đức Phường: Vừa rồi Bộ KHCN có bàn về vấn đề nghiệm thu các đề tài khoa học và có nhiều ý kiến khác nhau. GS Hoàng Tụy cho rằng đã nghiên cứu khoa học cơ bản thì phải có công bố quốc tế. Nhưng cũng có nhiều ý kiến khác lại nói trong hoàn cảnh hiện tại ở Việt Nam chưa thể làm như thế được. Ý kiến nào giáo sư cho là đúng?

Phạm Xuân Yêm: Tôi hoàn toàn đồng ý với GS Hoàng Tụy.

Nguyễn Đức Phường: Đối với những ngành mà hoạt động nghiên cứu cơ bản còn thấp như vật lý địa cầu, môi trường, rất khó có thể có công bố quốc tế. Như vậy có nên tiến hành nghiên cứu cơ bản không?

Phạm Xuân Yêm: Tôi nghĩ nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng, nếu đạt được chất lượng cao đều có thể công bố trên các tạp chí quốc tế. Toán và vật lý lý thuyết là hai nghiên cứu thuần cơ bản, ấy thế mà Việt Nam lấy được một chỗ đứng khá nổi trong khu vực châu Á và không quá kém cỏi trên trường quốc tế.

Nguyễn Đức Phường: Giáo sư có thể cho biết cụ thể ranh giới giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trên thế giới hiện nay như thế nào?

Phạm Xuân Yêm: Cụ thể theo sự hiểu biết của cá nhân tôi, ranh giới giữa cơ bản và ứng dụng rất đan chen liên thông trên thế giới hiện nay, đặc biệt ở khoa học công nghệ nanô liên ngành lý-hoá-sinh, sinh hoá học y dược, sản xuất và tiết kiệm năng lượng, toán tài chính kinh tế.

Nguyễn Đức Phường: Theo đánh giá chủ quan của giáo sư thì mối quan hệ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam ra sao? Nhà nước nên ưu tiên chú trọng đầu tư cho lãnh vực trọng điểm nào cho tương lai?

Phạm Xuân Yêm: Tôi có cảm tưởng là mối quan hệ giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng ở VAST khá năng động. Nhà nước nên ưu tiên chú trọng đầu tư cho những lĩnh vực nâng cao chất lượng đời sống nhân dân ta như môi trường trong sạch, nước, khai thác năng lượng mặt trời đầy rẫy ở nước ta, y dược thảo mộc, xây cất, vận tải, phần mềm công nghệ thông tuyền tin.

Nguyễn Đức Phường: Tầm nhìn phát triển khoa học công nghệ ở nước ta trong tương lai có nên đi theo mô hình của một số nước đi trước như Nhật, Hàn Quốc, Singapore… hay chúng ta phải vạch ra con đường riêng?

Phạm Xuân Yêm: Học hỏi những kinh nghiệm phát triển của các nước không khác ta lắm cách đây ba bốn chục năm như Hàn Quốc, Đài Loan, Mã Lai, Thái Lan là điều rất quan trọng, nhưng cũng cần có một chính sách đặc thù phù hợp với thực lực, tiềm năng, bản sắc của dân tộc ta.

(Giáo sư Phạm Xuân Yêm nguyên là Giám đốc Nghiên cứu thuộc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp, ngành vật lý lý thuyết tại Đại học Pierre et Marie Curie, Paris.)

© 2007 talawas