trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
25.10.2007
Hà Minh
Đôi điều về thư pháp
 
Tôi hiểu sự bất bình của ông Trần Trí Dõi trước sự lan tràn của phong trào thư pháp Quốc ngữ, nhưng kết luận rằng “Nếu ai muốn dùng chữ Quốc ngữ để ‘vẽ vời’ đều… trực tiếp làm bẩn chữ Quốc ngữ” như trong bài “Không được mạo danh thư pháp để làm bẩn chữ Quốc ngữ!” trên mạng Vietimes ngày 2/10/2007 là quá nặng nề, có thể xúc phạm tới một nhóm những người yêu thư pháp Việt. Tôi không phải là người hâm mộ món “mao bút thư pháp” nhưng không vì thế mà không phát biểu quan điểm của mình về những phát ngôn quá nặng nề và thiếu công bằng.

Xin được trao đổi và làm rõ hai điều: 1) Thư pháp Quốc ngữ có phải là thư pháp không, hay "mạo danh" thư pháp? 2) Quan niệm về nghệ thuật: Thế nào là: vẽ vời làm bẩn chữ Quốc ngữ ?


1. Về khái niệm “thư pháp”

Khái niệm thư pháp (calligraphy) hay nghệ thuật viết chữ đẹp trong các ngôn ngữ Âu Tây bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp (κάλλος kallos "beauty" = đẹp + γραφή graphẽ "writing" = viết). Chắc chắn không chỉ có Trung Quốc độc quyền viết thư pháp: ngược lại, thư pháp Trung Quốc chỉ là một bộ phận của thư pháp thế giới và của châu Á: Shufa 書法 (tiếng Trung), Seoye 書藝 (tiếng Triều Tiên), Shodō 書道, (Thư đạo, tiếng Nhật). Thư pháp châu Á dùng bút lông mực Tàu còn đựoc gọi là “Mao bút thư pháp” (Brush_Ink Calligraphy). Thư pháp được định nghĩa khá rộng, từ chữ viết tay (hand writing - manuscript) đến tạo hình nghệ thuật bằng chữ (aesthetic - artistic expression of letters or alphabet).

Khi phát biểu: “Theo ý kiến của riêng cá nhân tôi, cách viết chữ Việt theo hệ Latin không thể gọi là thư pháp được. Có lẽ tại Việt Nam, chỉ cách viết chữ Hán mới có đủ các điều kiện để gọi là “thư pháp” vì đây là chữ tượng hình", ông Trần Trí Dõi dường như đã tự "trói" mình vào phạm vi hẹp của môn thư pháp: cứ phải viết Hán tự bằng bút lông mực Tàu, giấy bản (xuyến chỉ). Về mặt lý thuyết, viết chữ đẹp bằng bút lông (hay bất cứ bút gì) và chữ Hán hay bất cứ chữ gì đều bình đẳng và đều được gọi là "thư pháp". Như vậy thư pháp chữ Quốc ngữ rất chính danh, không có gì là mạo danh như khẳng định trong bài nói trên: "Ngoài chữ Quốc ngữ, chữ Hán và chữ Nôm, thư pháp còn được chuyển tải qua tiếng Anh, tiếng Đức và chưa biết chừng sẽ có cả thư pháp… chữ Arab cũng nên. Vậy nên có rất nhiều người đang làm bẩn chữ Quốc ngữ bằng cách mạo danh thư pháp."

Thư pháp Ả rập


Thư pháp La tinh (Contemporary Western Calligraphy- Wikipedia)


Thư pháp chữ Hán của (Mễ Phế) và Thư pháp Việt Nam)

Theo tôi, thú chơi thư pháp là thú chơi hoài cổ: Như cụ Tú Xương đã nói [1] , khi chữ Quốc ngữ được truyền bá ở nước ta là lúc bút lông đã hết vai trò lịch sử của nó, hết rồi cái thời lều chõng, khoa cử trường ốc, chuyển sang thời buổi "Ú ớ u ơ ngọn bút chì", thực ra thời đó đã có bút sắt, bút Parker,… rồi sau này bút bi (cổ ngôn gọi là bút chì "nguyên tử"). Cho nên mực tầu giấy đỏ mới dần dần vào quên lãng như "những người muôn năm cũ/ hồn ở đâu bây giờ". Có một bộ phận hoài cổ muốn phục dựng thú chơi thư pháp bằng cách dùng bút lông (mao bút) để viết chữ Quốc ngữ, và sự cải biên sáng tạo đã dẫn họ đi tới việc kết hợp giữa cái mới là chữ Quốc ngữ và cái cũ là mực Tàu giấy bản và bút lông với lối viết của thư pháp chữ Hán. Tương tự như sự chuyển tiếp từ "vọng cổ hoài lang" sang "tân cổ giao duyên", gọi nôm na là "cải lương", hay từ chèo truyền thống sang chèo hiện đại... Nếu phủ nhận cái này sẽ phải phủ nhận những cái kia.

Nguyễn Đình Đăng: “Sự ra đời của chữ Quốc ngữ” (Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh) 2001
Thư pháp Quốc ngữ chẳng qua là thư pháp bút lông cải tiến: viết chữ Quốc ngữ bằng bút lông, do đó có nét đậm nét nhạt, có "phi bạch"…, trong chừng mực nào đó cũng là sáng tạo, như danh họa Bùi Xuân Phái dùng sơn dầu vẽ phố cổ Việt Nam, kết hợp Đông Tây. Điều đó không có gì cao siêu lắm nhưng cũng không đến nỗi "ô uế" như ông Trần Trí Dõi quan niệm. Ông Nguyễn Đình Đăng [2] , nhà khoa học kiêm họa sĩ dùng lối vẽ phương Tây của danh họa Salvador Dalí để vẽ đề tài Á đông (“Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh”), không ai cười chê.


2. Quan niệm về cái Đẹp

Thư pháp Quốc ngữ vận dụng một số thủ pháp của thư pháp chữ Hán, nên hiệu ứng tạo ra có thể là những hình tượng khá loằng ngoằng khó đọc, có nét đậm, nét nhạt, có nét xuớc, nét nhòe, có nét móc, nét xổ. Không phải thứ nghệ thuật nào cũng dễ hiểu, nhưng vì không hiểu một nghệ thuật nào đó mà vội vã kết luận rằng đó là thứ phi nghệ thuật thì thật là nông nổi. Nghệ thuật nào mà cũng "dễ hiểu", và "ngang bằng xổ ngay" thì chỉ là thứ nghệ thuật "bình dân học vụ". Tôi không bênh vực thư pháp Quốc ngữ nhưng tôi không thấy những người phản đối nó đưa ra được chứng lý rằng nó phi nghệ thuật. Trần Dần đã nói "cái đèm đẹp giết chết cái đẹp" là theo nghĩa đó. Có thể thư pháp Việt Nam mới chỉ là thứ "đèm đẹp" thôi, nhưng nên đối xử công bằng với nó. Còn về việc “Chưa có một sự công nhận chính thức nào của những người quản lý văn hóa tại Việt Nam dành cho bộ môn viết chữ Quốc ngữ”: theo tôi, không nên lấy tiêu chí của các nhà quản lý văn hóa ra mà áp dụng cho tất cả các bộ môn văn học nghệ thuật. Họ không phải lúc nào cũng đúng cả đâu, những "giải thưởng" muộn màng trao cho nhóm cựu Nhân văn- Giai phẩm đã cho thấy điều đó.

Về tính dễ hiểu và khó hiểu trong nghệ thuật tạo hình: những bức tranh lập thể, dada, siêu thực có dễ hiểu không? Dalí, Picasso, Ernst, Miro có loằng ngoằng không? Bức tranh "Con bò mùa thu" chẳng hạn: có người bảo đây là "con trâu mùa hạ" hoặc thậm chí "con nghé giữa trưa"… đó là cách cảm thụ của từng người, miễn sao người sáng tạo ra nó là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã rung cảm bằng trái tim và gửi gắm tâm tư mình vào trong đó. Ai có quyền phán rằng Nguyễn Quang Thiều vẽ như vậy là làm bẩn hội họa? Hay tệ hơn nữa, “cấm” ông ấy cầm bút vẽ? Thời nhà Minh, Đái Tiến là một danh họa vào bậc thượng thừa, thủ lĩnh “Triết phái”, vì ông người Hàng Châu Triết Giang. Nhà vua cấm dùng màu đỏ, ông lại vẽ thuyền và ngư dân mặc áo đỏ, trái ý vua, cuối cùng bị hạ ngục, chết trong đói rét chỉ vì một hôn quân vô lại và ích kỷ. Bản thân tôi đã xúc động và khóc khi chiêm ngưỡng bức tranh của Đái Tiến.

Bức "Con bò mùa thu của Nguyễn Quang Thiều" (VietNamNet)"On White II" của Kandinsky
Guernica của Picasso


Ngay cả trong thư pháp Trung Quốc, không phải kiểu nào cũng "dễ đọc dễ nhớ": Chữ chân phương là khải thư, chữ viết câu đối, liễn là triện thư, chữ viết thường nhật, ký tên, lạc khoản v.v… là hành thư, và lại có thảo thư, thậm chí cuồng thảo như thư pháp siêu xuất của các bậc thiền sư: Hoài Tố, Bát Đại Sơn Nhân... rồi thư pháp Thiền hoạ (Zen painting) vừa rất đơn giản vừa rất "loằng ngoằng" và rất khó hiểu.

Thư pháp Tề Bạch Thạch - thư họa gia kiệt xuất Trung Quốc, và bên cạnh là thư pháp "thiền" của Chu Đáp, tức Bát Đại Sơn Nhân - thư họa gia siêu đẳng, người khởi loạn và đánh đổ quan niệm thư họa cung đình, một nhà sư ẩn dật và là thầy tinh thần của Tề Bạch Thạch.


Người Nhật phát triển môn phái Thiền họa (bắt nguồn từ Trung Quốc), trong đó Lương Khải là một trong những vị khai sáng - ông vẽ Lục tổ Huệ Năng chặt trúc - theo Nguyễn Việt Hà là để quật vào mông những đồ đệ chưa "đốn ngộ", sau khi nhận vài roi hoát nhiên “đạt ngộ” và hiểu ra sự “loằng ngoằng” kia).

Phong cách Thiền họa Nhật Bản

Người ta dùng khải thư để giao dịch văn bản và dạy trẻ em, không ai dùng cuồng thảo là cung bậc cuối của nghệ thuật viết chữ mà dạy trẻ. Nếu quan niệm như các tác giả bài viết nói trên thì thư pháp Mao Trạch Đông đáng bị Tề Bạch Thạch chê rằng "làm bẩn thư pháp".

Cộng đồng những nhà thư pháp Việt Nam là những người có chút lòng ngưỡng mộ nghệ thuật thư pháp Trung Quốc mà ai cũng biết là nổi tiếng trừu tượng và cầu kỳ đến mức hoang đường, như kiểu viết hết mấy chum mực mới thành tài, khắc hết hàng nghìn con dấu mới thành triện khắc gia, đến như thư họa danh gia kiêm ấn chương Tề Bạch Thạch cũng chỉ dám nhận mình là "Tam bách thạch ấn lão ông" (ông già ba trăm triện đá) bởi vì ông quá yêu môn hội họa và triện khắc. Hội họa thì đẹp về hình thức, còn thư pháp, ấn chương thì đẹp về nội dung, tức triết lý sâu sa. Thú thực người ngoại đạo nhìn thư pháp “giun dế” của Hoài Tố hay Chu Đáp sẽ rất ngạc nhiên, khi biết nhà Christie’s bán nó với giá hàng trăm ngàn đô. Cũng như những bức ký họa nguệch ngoạc của Picasso, những ấn chương “méo mó” của Tề Bạch Thạch đều là những “cổ vật” rất có giá.

Thiết nghĩ, trong lúc xã hội còn nhiều tiêu cực, lại có những người trẻ tuổi quần tam tụ ngũ không phải để đánh bạc, rượu chè, xóc đĩa, hay bia ôm, mà "dĩ trà hội hữu", ngâm vịnh, bàn luận chuyện thư pháp để lấy chút thăng bằng trong cuộc sống, đó là điều hết sức lành mạnh, đáng khuyến khích. Nếu thư pháp Quốc ngữ không có giá trị gì, tất nhiên số người hâm mộ sẽ tự động giảm sút, không nhất thiết phải dùng biện pháp cưỡng chế.

Xin kết luận: Thư pháp Quốc ngữ chẳng làm bẩn chữ Quốc ngữ, cũng không ảnh hưởng gì không tốt cho chữ Quốc ngữ, nó đơn giản chỉ là một trào lưu nghệ thuật, một thú chơi hoài cổ lành mạnh, không nên bị bôi bác, miệt thị và tuyệt đối không dùng biện pháp cấm đoán.

© 2007 talawas



[1]Nghe nói khoa này sắp đổi thi
Các thầy đồ cổ đỗ mau đi!
Dẫu không bia đá còn bia miệng
Vứt bút lông đi, giắt bút chì!
(Thơ Tú Xương)
[2]http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11076&rb=0202