trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
2.11.2007
Vũ Quốc Uy
Bài học lớn từ vụ sex nhỏ
 
“Vụ Vàng Anh” tuy là chuyện vặt của cá nhân, nhưng do đặc điểm nhân thân và bối cảnh xã hội mà trở thành một vết dao rạch thủng tấm màn che, “bật mí” những vấn đề xã hội lâu nay vẫn được tô vẽ, che đậy. Scandal này buộc xã hội phải suy nghĩ nghiêm túc về triết lý nhân sinh của thế hệ trẻ hôm nay, về vai trò của môi trường xã hội hiện nay trong sự hình thành nhân cách, về cung cách mà gia đình và xã hội đang tác động vào tuổi trẻ, mà điều này thì rõ ràng có liên quan rất mật thiết với thể chế chính trị.


1. Về trách nhiệm của các cá nhân trong cuộc

Số người khắp trong ngoài nước đã truy cập tin tức, tỏ thái độ và ý kiến về vụ này kể có hàng nghìn, tạo thành hai dòng phản ứng trái ngược nhau:

Dòng thứ nhất lên án Thuỳ Linh - Hoàng Việt là quá chơi bời, sinh hoạt tình dục quá tự do, lại còn tự quay phim và cuối cùng phim bị tán phát rộng rãi (chưa biết do vô tình hay cố ý), gây hiệu quả xấu, nêu gương xấu cho giới sinh viên và lứa tuổi mới lớn. Cần có thái độ để giáo dục chung. Việc đặt thành một vụ án và chấm dứt sê-ri phim Nhật ký Vàng Anh là những việc làm tối thiểu cần thiết.

Dòng thứ hai bảo vệ quyền tự do cá nhân của Thùy Linh. Đã trên 18 tuổi là người ta có quyền ăn nằm với bất cứ ai người ta muốn, có quyền quay phim để lưu niệm, có quyền cho người khác xem! Tất cả đều thuộc quyền tự do cá nhân mà không ai có quyền soi mói. Đừng lặp lại hủ tục “ném đá” dã man vào người phụ nữ “không chính chuyên, bị bắt quả tang”! Xía vào đời tư làm hại đến tương lai của người ta là thiếu tính “người”. Chẳng có vấn đề gì quan trọng, cứ để Thuỳ Linh tiếp tục đóng phim Nhật ký Vàng Anh và nhiều phim khác nữa cho thiên hạ xem. Thậm chí có ý kiến còn ca ngợi hoạt động tình dục như thế là để góp phần rèn luyện nghệ thuật giao hợp, nâng cao văn hoá giao hợp, tín ngưỡng giao hợp và công nghệ sex cho đất nước, cho con người Việt Nam, để phát triển kinh tế du lịch làm giàu cho đất nước nữa. (Chao ôi, nếu đất nước kiếm được thêm thu nhập nhờ kỹ nghệ của chị em, thì xin lập ra quỹ riêng, chứ đừng bắt chúng tôi ăn chia vào số tiền ấy. Ý kiến kia chắc là mỉa mai đấy thôi!)

Mỗi dòng ý kiến nói trên đều chỉ có lý một phần, nên chắc ý kiến số đông sẽ không nghiêng hẳn về một phía nào, khắt khe quá hay tân kỳ quá đều là cực đoan, đều không tốt.

Văn hoá tình dục” (có tác giả còn gọi thẳng là “Văn hoá giao hợp”) là một đề tài lớn, cần có những công trình nghiên cứu thấu đáo, khoa học, không thể nói khơi khơi vài dòng mà giải quyết được. Nhưng trong phạm vi nói về trách nhiệm của những cá nhân trong cuộc thì tôi thấy:

Nếu đã coi những hành vi của cặp Việt và Linh nói trên đều thuộc quyền tự do của những công dân trên 18 tuổi thì với tư cách công dân họ phải đối mặt với pháp luật. Nếu đối chiếu với pháp luật Việt Nam mà họ phạm tội “làm ra, tàng trữ và tán phát sản phẩm đồi truỵ" như cơ quan công an đã nhắc tới thì đấy là việc của pháp luật (ta có thể bình luận, có thể nghi ngờ chứ đâu có thể can thiệp). Ngoài ra, dư luận chẳng nên hô hào thêm một sự lên án hay trừng phạt gì khác. Nếu chỉ là va vấp đầu đời của tuổi trẻ thì cũng là lẽ “người ta thường tình”.

Tuy vậy, một khi đã coi đó là quyền của những công dân đã trưởng thành thì ta lại không thể đồng thời coi họ là “trẻ con” để các nhà đạo đức vội rủ lòng thương xót, lo lắng một cách thường tình. Nhất là khi theo dõi các Blog để biết thêm nhiều tình tiết thì nỗi lo lắng băn khoăn của ta lại bị đẩy xa hơn, theo một hướng khác. Ta sẽ thấy sự lo lắng ban đầu của ta là thừa. “Bản lãnh” của họ và những điều kiện khá cao cấp của họ đã vượt khỏi tầm của những xót thương và những trù dập. Vậy mọi người cũng không nên xúc cảm “lo bò trắng răng” làm gì. Giận hay Thương cũng vô nghĩa thôi, hãy nhìn vấn đề với trách nhiệm của đầu óc phân tích. Giận và thương đều là hai mặt của đạo đức, mà đạo đức thường ngây thơ. Thực tế sẽ nhạo báng hết thảy. Sống trong “thế giới phẳng” này không thể chủ quan, hậu sinh thường khả uý đến bất ngờ! (Lời Khổng tử mấy nghìn năm trước đến thời Internet này mới thật ứng nghiệm). Vậy khỏi cần lo cho những người trong cuộc mà trái lại nên lấy đó làm gương, lo cho tuổi trẻ chúng ta còn tạm ở ngoài cuộc, và lo cho đất nước.

Hoàn cảnh mới của xã hội quả thực đã mở cho thế hệ trẻ chúng ta một “tiền trình” vô cùng rộng rãi trước mặt. Chỉ cần so với thế hệ cha mẹ của chúng ta thì thấy bao nhiêu ràng buộc, tù túng của hai chục năm trước hầu như đều được/ bị tháo tung hết thảy, tự nhiên ta được trao vào tay bao nhiêu phương tiện, bao nhiêu cơ hội mà ngàn đời cha ông trước đây không thể mơ đến. (Trong những cởi mở có những cởi mở là văn minh tiến bộ nhưng cũng có cởi mở hoang dại vô chính phủ.)

Bỗng dưng được sở hữu một khối “tài nguyên” quá sức mơ tưởng như vậy, không ít bạn trẻ chúng ta bị choáng ngợp, như bỗng dưng được “bay” trên một xe phân khối cao mà không làm chủ được tốc độ. Bởi vì đường càng rộng thênh thang, càng có nhiều lựa chọn bao nhiêu thì trách nhiệm lựa chọn của cá nhân con người lại càng hệ trọng bấy nhiêu, càng khó khăn bấy nhiêu. Có quyền (quyền tự do) là một chuyện, thực hiện quyền ấy như thế nào là tốt hay xấu, là đúng hay sai, là hạnh phúc hay bất hạnh… lại là chuyện quan trọng không kém. Chính cá nhân ta chứ không ai khác hoàn toàn quyết định cuộc đời của mình.


2. Về trách nhiệm của gia đình và nhà trường

Rất may là ở đây không đến nỗi có hai dòng trái ngược như trên. Các thày cô giáo, các bậc cha mẹ, ngay cả những thân sinh của hai bạn Việt và Linh cũng không ai dám viện đến quyền tự do cá nhân bất khả can thiệp. Nhẹ thì coi là điều bất ngờ đáng tiếc, là lỗi lầm, nặng thì coi là tội lỗi. (Dư luận cho rằng một trong hai gia đình, hoặc cả hai gia đình và một số người ngoài gia đình… có thể sẽ thuận tình phối hợp “chữa cháy” để mở lối thoát tạm thời cho câu chuyện, nhưng thiên hạ đã bắt đầu quen với cách nhìn cảnh giác, chắc chưa vội tin).


3. Về trách nhiệm của xã hội đối với vụ việc, và tác dụng ngược của vụ việc đối với xã hội

Theo tôi, đây mới là điều đáng bàn hơn cả. Hãy khảo sát hai nhân vật chính, rồi 4 cô cậu đã bị bắt, 10 cô cậu khác bị hỏi cung, rồi rộng ra nữa sẽ thấy đặc điểm chung là cả một thế hệ trống rỗng về lý tưởng. Nói như tác giả Hà Sĩ Phu trong bài “Chia tay ý thức hệ” thì đó là “khoảng trống ghê rợn” khi xã hội bị chế ngự bởi một ý thức hệ đã vô hồn, đã mất sức sống, con người dù được nhồi vào đầu một mớ lý thuyết vẫn trở nên bơ vơ loạng choạng, giữa một môi trường kỹ thuật rất cao nhưng lý tưởng rất thấp. Khoảng trống đây là khoảng trống văn hoá. Họ phản ứng, cọ xát với cuộc đời như những tranh đấu rất bản năng để giành giật lấy mọi thứ, với sự hỗ trợ rất hiện đại của kỹ thuật.

Ai cũng giữ cái vỏ chung cho phải đạo nhưng thực sống thì theo quy luật cạnh tranh sinh tồn mà thực tế dạy cho. Nếu Đảng đứng ra hỏi “thế hệ 8x” rất khôn ngoan và tài năng này có tán thành “định hướng xã hội chủ nghĩa” không thì họ ngu gì mà không “tán thành” một câu cho yên chuyện. Họ là những nạn nhân bị điều kiện hoá, trách cứ họ nặng nề làm gì?

Bộ phim Nhật ký Vàng Anh của VTV muốn dựng nên một thế hệ 8x, 9x trong trắng, hồn nhiên, nhí nhảnh, thông minh, đầy sinh lực, phơi phới tương lai. Bảo đó là những “cháu ngoan Bác Hồ”, là những “con người mới xã hội chủ nghĩa” dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng được, mà coi đó là những thiên thần của tầng lớp thượng lưu quý tộc tư sản mới, dưới sự “lãnh đạo” của chủ nghĩa Tân Tự do, sẵn sàng hoà nhập vào xã hội thị trường tự do Hoa Kỳ thì cũng không sai. Cái “kết tinh” hào nhoáng của cả hai thế giới đối cực nay đã làm bạn với nhau, kết lại làm một để đẩy cái lương thiện chân thực cao quý ra ngoài.

Các đạo diễn và nghệ sĩ đã giúp Đảng tạo ra hình mẫu tài tình, lai tạo, giả tạo, rất “đáng yêu”, rất “bắt mắt” này khá nhuyễn trên sân khấu tuyên truyền. Nhưng scandal Thuỳ Linh -Hoàng Việt là sự phản kháng của sự thật, nó trỗi dậy xé tan cái vỏ bọc giả tạo, không cho che đậy nữa. Không ai coi scandal ấy là hiện tượng riêng lẻ cá biệt cả, từ lâu trong xã hội đã đầy rẫy những hình ảnh này. Bây giờ cứ chiếu phim Nhật ký Vàng Anh là cơn nhức nhối ấy lại tấy lên.

Cánh quân văn nghệ tuyên truyền bị bể mánh, cháy vở thì cánh quân công an phải tiếp ứng chữa cháy. Nào phải kiếm đâu xa, bố Hoàng Việt là sĩ quan công an điều tra, bạn thân là thiếu tướng công an điều tra. Nhưng bài bản nghiệp vụ dù tài giỏi đến đâu cũng không che hết được sự thật. Muốn xử tội những kẻ “tán phát sản phẩm đồi truỵ" thì phải công nhận sản phẩm kia là đồi truỵ đã chứ? Nhưng chẳng lẽ những con cưng, những hình mẫu của chế độ đang được vẽ làm khuôn mẫu (hoặc đang được nuôi dưỡng để kế vị) lại đồi truỵ? Khúc ruột này sát sườn chứ đâu chỉ như khúc ruột ngàn dặm? Trong đoạn phim tai tiếng kia, Hoàng Việt đã nói “Vàng Anh ơi, lên Web nhé” mà không mắc tội “tán phát” sao được? Sự vào cuộc một cách lúng túng của cánh quân công an chỉ càng làm cho sự phá sản được toàn diện.

Có người quen bệnh lý luận lại nâng ý nghĩa “giải phóng phụ nữ” cho clip sex Vàng Anh là “đánh vào quan điểm thủ cựu, bắt người phụ nữ phải thủ tiết đến đêm tân hôn”. (Xin thưa điều ấy chẳng cần chờ đến Vàng Anh đâu!) Đoạn phim sex ấy lên mạng vào lúc này có đánh là đánh thẳng vào bài lý luận “Kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa” của cụ Nguyễn Đức Bình: Đường lối chiến lược là dung hoà kinh tế thị trườngđịnh hướng xã hội chủ nghĩa dưới ánh sáng của tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng vụ bê bối lại cho thấy cái định hướng XHCN và đạo đức HCM ắt bị lép vế thảm hại trước sức mạnh của “con quỷ” kinh tế thị trường, nhất là thứ thị trường còn rất hoang dã. XHCN chỉ điều khiển được cái lưỡi, còn trong sâu kín con người bị điều khiển bởi kinh tế thị trường, dù con người ấy là công an hay nghệ sĩ, là cô cậu 8x hay ông cụ bát tuần. Nguy cơ đến trước tiên với những thành phần lớp trên có tiền, có danh, có chức. Vàng Anh đã chẳng nói thẳng, làm như vậy để được nổi tiếng trong cuộc cạnh tranh, để được đắt hàng, ăn khách như gương các chị H.N, Y.V... đó sao?

Nếu như vụ án Năm Cam, vụ PMU18 đã lật tẩy bộ mặt ưu việt ổn định giả dối về chính trị và kinh tế, thì vụ sex Vàng Anh lại lật tẩy sự ưu việt giả dối về văn hoá và nhân cách, làm cứng họng bộ máy nô lệ chuyên lý luận và tuyên truyền. Đến vụ Vàng Anh (và cách xử lý vụ này) thì người ta không còn tin vào cái gì nữa.

Khi đã mở cửa để trận gió đa chiều (chuyên chở những phẩm vật từ thượng vàng đến hạ cám) ùa vào, thì sự lựa chọn là có ý nghĩa sống còn đối với giới trẻ. Đáng lẽ cần giúp họ một nền móng, một bản lĩnh (vừa dân tộc - Đông phương, vừa khoa học - hiện đại) để họ linh hoạt “ứng vạn biến” thì Đảng lại trói họ vào cái cột mục Mác-Lê đã nhuốm màu mốc bẩn. Họ sẽ đặt một “hình nhân thế mạng” để cho Đảng trói vào cột, còn con người thật của họ sẽ bay theo cuộc đời đầy rẫy cám dỗ và bất trắc (trong đó có vô số những đảng viên đang trí trá để thành tư sản đỏ). Đối với một số không ít bạn trẻ, đã vứt bỏ cái hành trang Mác-Lê vô bổ và nặng nợ, thì hành trang của họ còn gì ngoài những bản năng? Sự mất mát thiệt thòi này mới là quá lớn.

Lên án những nạn nhân làm gì?

28-10-07

© 2007 talawas