Bài phỏng vấn Vương Trí Nhàn do VieTimes thực hiện và đăng tải ngày 02.11.07 là một món quà quý cho các giáo sư ngành báo chí, vì khó có thể tìm thấy một ví dụ đời thực nào minh hoạ được rõ ràng hơn những gì ta
không nên làm trong một cuộc phỏng vấn. Nhưng đó, theo tôi, chưa phải là đóng góp lớn nhất của nó cho nhân loại. Tôi cho rằng công ích hàng đầu của bài phỏng vấn này là nó cho ta thấy được rõ sự ngớ ngẩn của một số quan niệm có bề ngoài khá bình thường và vô hại. Ta phải cám ơn đội ngũ phóng viên của
VieTimes – mà tôi sẽ gọi tắt là
VieTimes – vì họ đã bày tỏ những quan niệm này một cách thản nhiên và kiêu hãnh đến mức sự ngớ ngẩn của chúng hiện ra rõ như một tiếng kèn đồng oai hùng nhưng lệch nhịp giữa một bản giao hưởng. Dưới đây, tôi sẽ trình bày một vài trong số những quan niệm nói trên.
Trong cuộc phỏng vấn,
VieTimes hỏi Vương Trí Nhàn tại sao ông không viết về "thói hay tính tốt" của người Việt. Ý của họ rất rõ: người Việt có những cái tốt, tại sao ông cứ phải viết về những cái xấu. Để nghĩ được như thế, rõ ràng họ phải quan niệm rằng nếu X có những cái tốt, thì ta không nên nói về những cái xấu của X. Gọi đây là quan niệm I. Vì mang quan niệm I trong đầu nên
Vietimes không hiểu được tại sao Vương Trí Nhàn lại viết về những thói hư tật xấu của người Việt trong khi người Việt có những thói hay tính tốt. Nhưng quan niệm I rất ngớ ngẩn, vì nó cho phép ta lên án đại đa số các hành động phê phán, kể cả việc
VieTimes phê phán Vương Trí Nhàn. Cụ thể, ta có thể hỏi tại sao
VieTimes không nói về các "thói hay tính tốt" của Vương Trí Nhàn.
VieTimes bảo Vương Trí Nhàn rằng "dân tộc nào mà chẳng có những thói hư tật xấu". Một lần nữa, ý của họ rất rõ: ông cứ chê người Việt, nhưng dân nào mà chả có những cái xấu. Quan niệm làm nền tảng cho ý nghĩ này – quan niệm II – nói rằng ta không nên phê bình cái xấu của X nếu ai cũng có cái xấu.
VieTimes tin vào chân lý của quan niệm II, và vì thế, họ không hiểu được tại sao Vương Trí Nhàn lại viết về thói hư tật xấu của người Việt trong khi rõ ràng là dân nào cũng có những thói hư tật xấu cả. Quan niệm II rất ngớ ngẩn, vì nếu nó đúng thì chẳng ai nên phê phán ai hết.
VieTimes nói "nếu như một dân tộc có quá nhiều tật xấu thì nó đã bị đồng hoá, tan biến từ rất lâu chứ không thể có một dân tộc Việt như ngày hôm nay". Vậy,
VieTimes quan niệm là nếu X tồn tại thì X phải tốt, hoặc ít nhất là không được quá xấu. Gọi đây là quan niệm III. Vì tin vào quan niệm III nên
VieTimes không hiểu được tại sao Vương Trí Nhàn lại bảo dân tộc Việt có nhiều tật xấu khi rõ ràng là nó vẫn đang tồn tại. Quan niệm III rất ngớ ngẩn. Có lẽ
VieTimes không biết rằng sự tồn tại và phát triển của các loài, kể cả loài người, đều phụ thuộc phần lớn vào những tính chất khó mà gọi là "tốt" được: tham lam, hung dữ, mưu mô, ích kỷ, v.v. Vấn đề của loài người là làm thế nào để tồn tại được
mà vẫn tốt, tức vẫn "tử tế, yêu thương, giúp đỡ, không vụ lợi", theo như lời của Vương Trí Nhàn. Vậy, tốt và tồn tại – khi ta hiểu "tốt" theo nghĩa quan yếu – không phải hai mặt của một đồng xu. Ngoài ra, những câu hỏi hiện lên lù lù trước mắt như liệu "dân tộc Việt như ngày hôm nay" và dân tộc Việt cách đây vài ngàn năm có phải là một không, hay liệu việc chúng ta mặc Âu phục, viết chữ Latinh, và dùng từ vựng 70 phần trăm gốc Hán có phải dấu hiệu của sự đồng hoá không, hình như không mảy may làm
VieTimes bận tâm.
Khi Vương Trí Nhàn nói "Việt Nam xếp loại tham nhũng rất cao, đứng đầu thế giới",
VieTimes đáp lại rằng "đó là những kẻ đứng ngoài Việt Nam để xếp hạng", và do "những người nước ngoài sống trong một thể chế chính trị khác, đời sống văn hóa khác" nên họ không thể biết được Việt Nam như thế nào, vì "một con cá chỉ bơi trong nước thì làm sao biết loài chim bay trên trời như thế nào". Quan niệm của
VieTimes ở đây – quan niệm IV – là nếu không phải X thì đừng có nói gì về X, hay theo nguyên văn của họ thì "người ta đứng ở thế giới khác thì không thể đánh giá khách quan về một thế giới khác." Vậy nên "những kẻ đứng ngoài Việt Nam" tốt nhất là nên yên lặng. Sự ngớ ngẩn của quan niệm này quá rõ. Nếu thế giới bên ngoài không thể biết được Việt Nam, thì Việt Nam cũng không thể biết được thế giới bên ngoài, và vì vậy, Việt Nam cũng không thể biết được liệu thế giới bên ngoài có biết được Việt Nam hay không, và kết quả là chẳng ai nên nói gì hết. Nhưng
VieTimes lại không nhất quán trong lập luận của họ. Một mặt, họ nghĩ rằng "người nước ngoài" không thể biết được Việt Nam, nhưng mặt khác, họ lại tin rằng họ,
VieTimes, không những biết rõ Việt Nam, mà còn biết rõ rằng người nước ngoài không biết Việt Nam. Ta tự hỏi không hiểu
VieTimes đứng bên bờ sông nào? Ngoài ra cũng phải thấy rằng
VieTimes dùng từ "khách quan" một cách hết sức kỳ quặc, theo nghĩa là ta chỉ hiểu được X một cách "khách quan" khi ta ở
trong X.
Những quan niệm tương tự có thể tìm thấy được ở nhiều đoạn khác trong bài phỏng vấn. Một ví dụ nữa là câu "lòng người như thế nào thì sẽ tràn ra ngoài miệng như thế đó", được
VieTimes dùng với hàm ý rõ ràng là Vương Trí Nhàn phải xấu thì ông mới nhìn ra được cái xấu
. Tôi xin để bạn đọc tự đánh giá mức độ trẻ con và lố bịch của cái "logic" này. Nói thật, tôi không tin
VieTimes thực sự ngớ ngẩn như những gì họ nói. Tôi có cảm giác rằng trong bài phỏng vấn này, hoạt động não bộ của họ bị ảnh hưởng nặng nề vì lúc nào trong tai họ cũng văng vẳng "phải bẻ Vương Trí Nhàn, phải bẻ Vương Trí Nhàn…". Kết quả là nhiều lúc,
VieTimes phát ngôn những câu nói của mình một cách tự động, máy móc, theo phương thức hô khẩu hiệu chứ không phải đối thoại. Hãy đọc đoạn văn hùng hồn sau đây của
VieTimes, được ca lên để đáp lại nhận xét của Vương Trí Nhàn là "dân tộc Việt chưa nhận thức được mình".
Nếu [dân tộc Việt] không nhận thức được mình thì chúng ta sẽ không có những triều đại rực rỡ như Lý, Trần, Lê, sẽ không có những anh hùng hào kiệt, các vị anh quân của các triều đại. Nếu không nhận thức được thì sẽ không có các tác phẩm nghệ thuật kinh điển. Nếu không nhận thức được chúng ta sẽ không có cuộc sống ngày hôm nay. Nếu không nhận thức được thì dân tộc Việt không thể có một nền văn hoá như vậy.
Những câu trên có tiền giả định rằng chúng ta có những tác phẩm nghệ thuật kinh điển, có một cuộc sống tươi đẹp, có một nền văn hoá đáng tự hào v.v. Nhưng qua những gì Vương Trí Nhàn đã nói và viết, ta thấy rõ rằng ông
không chia sẻ những tiền giả định này! Như vậy, việc
VieTimes nói những câu trên để đáp lại câu "dân tộc Việt chưa nhận thức được mình" của Vương Trí Nhàn cho thấy họ hoàn toàn không hiểu thế nào là đối thoại. Giả sử A bảo với B rằng C học kém và có điểm thấp, nhưng B lại trả lời rằng nếu C học kém thì điểm của C đã chẳng cao như vậy, thì chúng ta sẽ kết luận rằng B có vấn đề: một là ngẫn, hai là nói mà không nghĩ. Tôi không (muốn) tin rằng các phóng viên
VieTimes là những người ngẫn.
VieTimes trực thuộc
VietNamNet, một tờ báo mạng mà tôi nghĩ rằng thuộc loại có tầm vóc tại Việt Nam. Tôi hy vọng rằng bài phỏng vấn này là một ngoại lệ đáng tiếc của
VieTimes, và cả
VieTimes lẫn
VietNamNet sẽ có đủ tinh thần hiệp sĩ để xin lỗi Vương Trí Nhàn về cách hành xử mà ai cũng phải thấy là
hoàn toàn thiếu chuyên nghiệp của họ đối với ông trong bài phỏng vấn ngày 02.11.07.
Boston, 03.11.07
© 2007 talawas