Chiều 03/11/2007, sau khi đọc
bài phỏng vấn ông Vương Trí Nhàn trên
VieTimes, tôi đã viết phản hồi gửi vào phần xin ý kiến độc giả ở phía dưới bài và gửi đi. Theo dõi trong hai ngày 04 và 05/11, tôi không thấy ý kiến của mình được post lên. Sau đó thì thấy bài phỏng vấn bị bóc. Đây là lần thứ hai
VietNamNet (
VieTimes là của
VietNamNet) đã thể hiện sự không sòng phẳng với tôi (lần thứ nhất vào năm 2006, là
ý kiến tôi chất vấn ông Nguyễn Hoà về một bài viết trên
VietNamNet liên quan đến tôi - với bút danh Hoàng Hưng – sau khi gửi một tháng không được đăng, tôi đã phải nhờ talawas đăng giùm). Nay bài phỏng vấn Vương Trí Nhàn đã bị bóc đi không kèn không trống, không lời xin lỗi (tuy ông
Vương Trí Nhàn có nói trên Tuần Việt Nam – cũng của
VietNamNet – là ông Tổng biên tập
VietNamNet có xin lỗi riêng ông, song theo đúng đạo lý của nghề báo và qui định của chính luật báo chí Việt Nam, lời xin lỗi ấy phải được công khai trên báo mới được ghi nhận).
Việc đã xảy ra trên
VieTimes khiến mọi người phải suy nghĩ nghiêm túc về thái độ của báo chí đối với các vấn đề phản biện, tranh luận đang ngày càng chứng tỏ là rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước. Thật nguy hiểm khi một tờ báo lớn dùng uy thế của mình để phát động cuộc tấn công một quan điểm còn phải bàn cãi, đó không gì khác là một động tác “bịt miệng”. Người dân đã bị “bịt miệng” bởi nhiều quyền lực lắm rồi, nay báo chí là niềm hy vọng cuối cùng của họ, cũng lại trở thành công cụ “bịt miệng” thì đau đớn quá!
Nhân đây tôi xin công bố nội dung ý kiến của mình đã gửi cho
VieTimes ngày 03/11/2007 (Một vài chữ có thể không đúng hẳn với bản đã gửi, vì tôi đang ở xa nhà, không lấy được bản gốc).
“Nội dung trả lời của ông Vương Trí Nhàn có những chỗ không sai cũng như những chỗ chưa ổn, đó là chuyện bình thường. Việc những cái hay của người Việt được ca tụng trong một thời gian rất dài mà những cái dở không được nhắc đến, vì muốn đề cao lòng tự hào dân tộc trong hoàn cảnh chiến tranh cũng là bình thường, nhưng kéo dài mãi đến thời bình, nhất là khi đất nước đang phấn đấu hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, cần nhận rõ những cái dở của mình hình thành trong cả nghìn năm trong xã hội tiểu nông lạc hậu, thì không còn là bình thường. Trong tình hình ấy, có một người bỏ công thống kê lại những cái dở của người Việt để mà khắc phục, vươn lên, là bình thường, là rất nên. Tôi chưa thấy có tình trạng “đời sống hiện đại của chúng ta đã sinh ra một lớp người lấy chuyện đoán ‘cái xấu’ ra để làm lớp áo tri thức của mình. Thậm chí có những người còn đi xa hơn bằng cách ‘làm yếu ớt đi, làm nhạt nhòa đi’ chính nguồn cội của mình để mưu danh với thiên hạ” như quý báo đã loan trong chapeau của bài phỏng vấn.
Ngược lại, chính cách thực hiện bài phỏng vấn của quý báo mới rất không bình thường.
Trước nhất, việc đưa cái chapeau nói trên ở đầu bài chứng tỏ quý báo đã có ý đồ, chủ trương “đánh” ông Vương Trí Nhàn ngay từ trước khi phỏng vấn, bài phỏng vấn chỉ còn là để minh hoạ cho ý đồ ấy. Một chủ trương như vậy là đảm bảo chắc chắn cho sự không khách quan của bài phỏng vấn. Nó khiến cho người phỏng vấn có thái độ rất căng, mang tính “truy sát”, giống như hỏi cung phạm nhân vậy.
Quan trọng hơn, hình như quý báo đã “quên” cả quy định của Bộ Văn hoá Thông tin về phỏng vấn:
Quy chế phỏng vấn trên báo chí
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2002/QĐ-BVHTT ngày 26 tháng 9 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin)
3. Sau khi phỏng vấn, trên cơ sở thông tin, tài liệu của người trả lời cung cấp, người phỏng vấn có quyền thể hiện bài viết bằng các thể loại phù hợp. Trường hợp phỏng vấn chỉ nhằm thu thập thông tin, người phỏng vấn có thể viết bài theo yêu cầu của cơ quan báo chí; người phỏng vấn phải thể hiện chính xác, trung thực nội dung trả lời của người được phỏng vấn và chịu trách nhiệm về nội dung bài viết của mình.
Đối với những bài phỏng vấn ghi rõ họ tên, chức danh, địa chỉ người trả lời phỏng vấn, nếu người được phỏng vấn yêu cầu xem lại nội dung trước khi đăng, phát, cơ quan báo chí và người phỏng vấn không được từ chối yêu cầu đó.
Ông Vương Trí Nhàn đã tuyên bố ông không thích kiểu phỏng vấn ấy và bỏ về, vậy quý báo có quyền gì công bố bài phỏng vấn dở dang, trái với ý nguyện người được phỏng vấn?
Xin nói ngay là tôi rất thích kiểu phỏng vấn trực tiếp, ghi âm và phát nguyên si không biên tập, không thay đổi, kiểu này phổ biến trên báo chí các nước phát triển. Tuy nhiên chỉ với điều kiện là người phỏng vấn phải sòng phẳng cho biết trước cách làm như thế, và người được phỏng vấn chấp nhận. Thật tình các nhân vật thuộc mọi giới ở nước ta chưa quen cách làm ấy, nay họ cũng nên tập cho quen.”
Ý kiến phản hồi trên đây của tôi có ghi rõ tên, địa chỉ, email, số điện thoại liên lạc, nhưng cũng bằng thừa, vì ở nước ta, hầu như mọi người có quyền từ cao xuống thấp đều không bao giờ thèm phúc đáp thư từ của người dân.
© 2007 talawas