Đỗ Kh.: Đây hẳn không phải là trường hợp của ông Cheney. Sau khi rời chức Tổng giám đốc Halliburton để làm Phó tổng thống, ông vẫn còn hưởng một số lương hằng năm được “trả chậm’’ (năm 2004 là 300.000 USD) và hơn 400.000 stock options trị giá 8 triệu vào năm 2005, chắc sẽ còn gia tăng. Đạo đức ở đây là một khái niệm hết sức mông lung.
Không nói đến đạo đức, hình như là các đại gia Mỹ đã mất ngay cả cái khiêm cung, phong cách giữ gìn, tế nhị và kín đáo của các thế hệ trước. Tôi dùng chữ “đại gia’’ là vì tình cờ thế nào, tuy có một khoảng cách lớn về mặt các con số tuyệt đối, cung cách của các vị này ở Hoa Kỳ và các vị tương đương ở Việt Nam ngày nay rất là giống nhau. Họ sỗ sàng và không biết ngượng. Một cô thiếu nữ Nhật, dù răng đẹp, khi cười vẫn lấy tay che miệng mà khúc khích. Đằng này, là cười hở mười cái răng… vàng! Không buồn đánh, buồn xỉa, buồn floss, nhưng răng bợ cũng không sao, răng vàng mà.
Tổng giám đốc DHB Industries nhờ bán áo giáp dưới tiêu chuẩn cho quân đội trong chiến tranh Iraq mà mở party tốn 10 triệu USD cho con gái 13 tuổi, có các thành viên cũ của ban Eagles tái ngộ để đến ca bài “Hotel California’’ chúc mừng! Giờ thì ông đang gặp rắc rối với luật pháp vì lường gạt quần chúng cổ đông (còn lường gạt Bộ Quốc phòng và áo giáp không đỡ được đạn thì là chuyện nhỏ và bình thường). Khi Đại sứ Mỹ tại Việt Nam phát biểu là thế hệ lãnh đạo Việt Nam sắp tới sẽ có đến 75% được đào tạo ở Hoa Kỳ thì tôi mong là các nhà lãnh đạo đó không được đào tạo bởi ông David H Brooks nói trên.
Sự sỗ sàng đã trở thành một giá trị của xã hội trong những thập niên qua. Chênh lệch giàu nghèo không ai buồn giấu nữa là bởi vì đã có một thay đổi lớn về mặt chính trị và mặt tâm lý của quần chúng. Tướng Eisenhower mà sống lại thời nay chắc là sẽ bị swiftboating
[1] ngay thôi.
Nhưng tôi muốn nhân đây trở lại một vấn đề kinh tế đã được tác giả đề cập. Theo ông, chênh lệch thu nhập và tan rã của tầng lớp trung lưu điển hình của Hoa Kỳ không phải là một điều tự nhiên hay tất yếu, vì những lý do thường vẫn được viện ra. Như là những thay đổi kỹ thuật, tiến trình toàn cầu hoá, sự chuyển mình của xã hội tư bản từ tư bản kỹ nghệ sang tư bản tài chánh… Đây là giải thích của những nhà kinh tế mà Krugman gọi hiền lành là “những kinh tế gia không muốn gây chuyện’’. Theo những người này thì bất quân bình xã hội chỉ là một hiện tượng (tuy có đáng tiếc, hay có khi chẳng đáng cả tiếc) nhưng và bởi vì, không tránh khỏi được. Nói cách khác, vẫn theo những kinh tế gia này, đây là tai nạn, một loại collateral damage của phát triển!
Phạm Tùng Cương: “Cynic, chào mi’’, nói kiểu Sagan. Thái độ ngang ngược về mặt đạo đức của một số rủng rỉnh xã hội ngày nay (theo tôi là đã trở thành một “
xã hội biểu diễn’’, bắt chước các thành phần biểu diễn để ai cũng trở thành “hot’’ hết, trong khi đừng quên là quý tộc tài sản tại châu Âu có câu: “Muốn sống hạnh phúc, phải sống kín đáo’’), cái ngang ngược này làm tôi nhớ lại câu thoại nổi tiếng của Jean Gabin trong phim
La traversée de Paris: “Đồ chó đẻ nghèo!’’, đấy là phiên bản thời nay của câu nói của Brennus: “Khốn nạn cho người bại trận/ Vae victis’’.
Như trích dẫn phía trên của Paul Krugman đã cho thấy, ông khước từ thuyết tối thượng của kinh tế đối với chính trị: giai cấp trung lưu Hoa Kỳ sau Đệ nhị Thế chiến đã được tạo dựng trong vài năm trời từ số không (việc kiểm soát mức lương trong thời chiến cũng là một tác tố đáng kể). Sự bất bình đẳng ngày nay có nguồn gốc từ sự sa sút của những chuẩn mực xã hội và đạo đức hơn là từ các yếu tố như tiến bộ kỹ thuật hay toàn cầu hoá…
Hai thảo luận quan trọng trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua, theo tờ
Economist số 13-19 tháng Mười 2007, là về tăng trưởng bất công xã hội và dân chủ… trong nội bộ của Đảng. Nếu Đảng bắt đầu luận về bất công xã hội thì có nghĩa là Đảng đang tìm những giải pháp chính trị để san bằng trước khi hiện tượng này trở thành đe doạ cho quyền lực.
Guy Debord (1931-1994) viết đâu đó trong
Commentaires sur la Société du spectacle là xã hội tự do bao giờ cũng chỉ muốn được phê phán bằng cách so sánh nó với các đối thủ chứ không để cho ai phê phán trên những chính kết quả xã hội này đạt được. Với
The conscience of a liberal, Paul Krugman đã vạch trần những kết quả thật của xã hội Mỹ.
Nhắc đến Debord, chắc anh còn nhớ phim võ hiệp Tàu đầu tiên mình từng xem chung ở Paris năm 1972, một bộ phim bị nhóm situationniste
[2] dùng phụ đề tiếng Pháp để cướp thoại và có cái tên thú vị là
Biện chứng pháp có chặt gãy được gạch thẻ hay không?. Câu trả lời của Paul Krugman là có, biện chứng của một chính sách kiên quyết giảm bớt chênh lệch, với đạo đức và đoàn kết xã hội, chặt gãy được những viên gạch thẻ của bất công bằng.
Đỗ Kh.: Tôi nhớ chứ, và nhớ phim thứ nhì, là một phim sexy Nhật Bản có đoạn tả hai cánh nữ sinh đánh nhau trong phòng vệ sinh của trường, xé áo và tốc váy nhưng phụ đề tiếng Pháp của các thoại lại là tranh luận về thuyết trị giá của Marx. Nhờ vậy mà tôi còn nhớ được phương trình c+s=W!
Phạm Tùng Cương: Anh có nói đến bảo hiểm y tế ở trên. Paul Krugman kể lại cho ta biết là khi F.D. Roosevelt thành lập chương trình An sinh Xã hội (tại châu Âu nhiều nước vào cùng thời có cả phần bảo hiểm y tế), ông ta không muốn có phần bảo hiểm y tế này ngay vào lúc đó vì tình thế chưa cho phép. Đến khi Truman muốn triển khai tiếp việc này thì thất bại, tuy các dự đoán đều thuận lợi, nhưng không phải tại Hội Y tế Mỹ lo (rất đúng) là một số thành viên của họ sẽ mất phần thu nhập mà chủ yếu là tại vì người da trắng nghèo ở miền Nam sợ rằng nếu có bảo hiểm cho tất cả mọi người, họ sẽ phải nằm chung viện với người da đen. Paul Krugman cho rằng vấn đề chủng tộc rất quan trọng trong việc giải thích các hoàn cảnh chính trị và xã hội Hoa Kỳ.
Đỗ Kh.: Theo tác giả thì vấn đề màu da là lý do chính khiến Hoa Kỳ cho đến giờ chưa bắt kịp các nước phát triển khác (châu Âu, Canada, Nhật…) về mặt xã hội. Ông có nhắc lại câu chuyện mà Reagan kể khi ra tranh cử, về một “Nữ hoàng trợ cấp xã hội’’ lãnh tiền nhà nước sắm xe Cadillac. Reagan không cần nói ra nhưng theo Krugman, cử toạ cũng đoán được bà này da màu gì (nếu bà này có thật thì tôi còn đoán được cả là xe Cadillac này màu gì).
Đây là động cơ (sic) để quần chúng da trắng chống lại các chương trình xã hội, mặc dù cư dân da trắng nghèo của các tiểu bang miền Nam sẽ là những người đầu tiên cần đến các chương trình y tế. Gần với chúng ta hơn, là di dân gốc Việt (và đi xe Lexus). Đợt di tản 1975 dưới thời Ford (ngắn ngủi), họ đã được nhận nhiều giúp đỡ xã hội chính đáng và cần thiết khi định cư tại Hoa Kỳ và đó cũng là nền móng của sự vững chãi của cộng đồng ngày nay. Đến thời Reagan, thuyền nhân sang đến Mỹ đã phải tiếc thuở vàng son dưới thời Carter và sang đến giai đoạn HO thì trở thành nỗi buồn.
Dĩ nhiên là theo tờ National Review
, đất thép thành đồng của tư tưởng cực hữu, thì Paul Krugman là người hô hào đấu tranh giai cấp và xã hội chủ nghĩa chí ít là ngang với Proudhon. Xã hội chủ nghĩa ở đây được định nghĩa bởi một quan chức Đảng Cộng hoà tại Texas như thế này: “Cái tư tưởng y tế miễn phí, giáo dục miễn phí, cái gì cũng miễn phí là từ đâu ra? Từ Moscow, từ Lenin! Từ hố sâu của địa ngục!’’.
Có lẽ vì vậy mà cộng đồng người Việt ở Mỹ, phần lớn, lớn nhiều hay lớn ít thì tôi không rõ, nhưng có thể nói là phần lớn, vì không ưa Lenin chăng, nên đâm ra ủng hộ các thành phần chính trị đe doạ các chương trình xã hội có từ thời New Deal của Roosevelt hay là Great Society của Johnson, lại là các chương trình chúng ta cần đến và được hưởng.
Chỉ cần lái xe dọc Bolsa là thấy các bảng hiệu văn phòng bác sĩ đề nhận Medicare, Medicaid, có chương trình phát sữa cho trẻ em, cao niên, các chợ Việt đều nhận foodstamp. Nhưng có lẽ chúng ta lại sợ đây là để cho người di dân Mễ lạm dụng? Nếu ý thức hệ “thị trường tự do’’ được mặc sức tung hoành thì chí ít các văn phòng bác sĩ và các chợ phải thay bảng hiệu và chữa thành “nơi đây chỉ nhận cash’’. Tiền mặt là bởi vì ngay cả credit nghe đâu là hiện nay cả nước đang có vấn đề.
Phạm Tùng Cương: Tuy nhiên, sau khi G.W. Bush được tái cử, Paul Krugman thấy có nhiều lý do để hy vọng, như Dân chủ chiếm đa số tại Thượng và Hạ viện và sự bắt đầu khả thi của những chính sách mới: “Thời của một thế giới đã hết bắt đầu’’ như câu rất đẹp của Paul Valery (1871-1945). Paul Krugman phác họa một chính sách mới để giải quyết cấp bách những vấn đề đang tồn tại của bảo hiểm sức khỏe và kê khai sơ luợc những tổn phí do chênh lệch gây ra cùng với chi phí của những chính sách sửa đổi các chênh lệch này. Ông kết luận: một chính sách công bằng hơn hiện nay là điều khả thi. Và thời kỳ đó sẽ là một thời kỳ “Great Moderation’’ (dung hoà lớn) hơn là một thời kỳ “Great Compresion’’.
Đây không phải là chuyện hắt đứa bé Mỹ đi cùng với chậu nước bẩn mà là sửa sai những sự lạm dụng và tiêu trừ các chênh lệch để trả các từ “tự do’’, “công lý’’, “công bằng’’ và “đoàn kết’’ về đúng nghĩa của chúng. Trong một nền dân chủ thực sự, phải có tiếng nói phê phán những sự việc trái. Tuy nhiên, tự do phát biểu cũng chẳng phải là một trong những hình thái của dân chủ. Ở Việt Nam hay ở Trung Hoa, ai muốn phát biểu gì thì cứ phát biểu, chỉ có là sau đó thì có người vào tù. Cái tự do sau khi đã phát biểu mới là tất yếu. Từ trước đến nay, sức mạnh của các xã hội dân chủ và tự do vẫn ở chỗ các xã hội này biết đến, dù là một cách tự nguyện hay là không tự nguyện, các phê phán để thay đổi và... tồn tại lâu dài.
Đỗ Kh.: Anh nói làm tôi nhớ đến một chuyện tiếu lâm ở Liên Xô cũ: Tốt nhất là đừng có suy nghĩ. Nếu suy nghĩ thì đừng có phát biểu. Nếu phát biểu thì đừng có viết ra. Nếu viết ra thì đừng có ký tên. Và nếu ký tên thì đừng có trách!
Nhưng tự do phát biểu, tự do báo chí ở xã hội tự do, nếu một người mà sở hữu 170 tờ báo trên thế giới, cộng với 50 đài truyền hình dưới biển trên trời và ngay tại Trung Quốc nhé, thì ta cũng phải dè dặt. Còn công bình thì sao? Tại sao lại phải công bình? Cái này (chắc) cũng là “cộng sản’’ nốt! Công bình về mặt kinh tế được Krugman coi là một điều kiện của dân chủ. Người lợi tức thấp tại Mỹ bị đẩy ra khỏi sinh hoạt dân chủ, điển hình nhất là trong việc bỏ phiếu.
Nếu về y tế, xếp hạng của Hoa Kỳ làm cho Costa Rica có thể hãnh diện thì kỳ bầu cử năm 2000 làm cho các quốc gia châu Phi phải bật cười. Đến đây, tôi phải nói ngay là tôi không có ý so sánh gian lận bầu cử tại Mỹ ngang với gian lận bầu cử tại Nigeria, tuy là… Khi tài sản và sở hữu tập trung ở mức độ như hiện nay thì sinh hoạt dân chủ tại một nước có truyền thống và pháp quyền như là Hoa Kỳ cũng bị sai lệch và méo mó.
Krugman nêu thí dụ một đạo luật thuế má được duy trì bởi đại biểu của cả hai đảng mặc dù nó chỉ có lợi cho các nhà quản lý quỹ đầu tư (hedge funds manager). Tuy bớt (2 tỉ) thuế cho có 25 người trên toàn nước Mỹ nhưng đặc quyền thuế má này được để yên vì dù thuộc đảng nào thì các đại biểu cũng đều cần có quỹ ủng hộ tranh cử. Trong nền dân chủ Mỹ, nếu người nghèo ít đi bỏ phiếu (tức là trên thực tế phiếu của họ “nhỏ’’ hơn là các tầng lớp ở trên) thì ra tranh cử phải có quỹ rất là giàu. Đến độ còn hơn một năm nữa mới đến bầu cử tổng thống nhưng ứng cử viên nào quỹ to nhất kể như là đã (gần) thắng! Đà này mà tiếp tục, khỏi cần cử tri đi bầu làm gì, các ứng cử viên chỉ việc gây quỹ ủng hộ, ai có nhiều tiền nhất thì nhậm chức luôn cho giản tiện.
Phía Đảng Dân chủ chẳng hạn, bà Clinton và ông Obama suýt soát nhau 90-80 triệu, đa số là nhờ ủng hộ từ 1.000 USD trở lên. Ở dưới bảng, ông Kucinich có 2 triệu và ông Gravel 200.000, đa số là ủng hộ từ 200 USD trở xuống. Không có nhà quan sát nào tiên đoán hai vị này sẽ được Đảng Dân chủ uỷ nhiệm cả, tất nhiên. Nhưng không có tiền ủng hộ thì vẫn có thể bỏ tiền túi, với điều kiện là túi có tiền như Mitt Romney. Quỹ để tranh cử của ông này hiện giờ là 60 triệu, trong đó 15 triệu là tiền riêng của ông. Steve Forbes trước đây, Michael Bloomberg… đều ở trong trường hợp may mắn này. Nhưng tiền người ta cho hay tiền của chính mình, không có quỹ thì đừng hòng tranh cử.
Không thể ví von bầu cử Mỹ với bầu cử Việt Nam (!) cũng như không thể ví von Mỹ với Việt Nam nhưng ngắn gọn, ở Việt Nam phải được Đảng cho phép, giới thiệu, thì mới được ra ứng cử còn ở Mỹ giới thiệu và phép là ở tiền! Lạ thay, ở hai thái cực này (vì đây là hai thái cực), trong khi tại Mỹ, tiền ngày càng gần lại với Đảng Cộng hoà thì tại Việt Nam, Đảng Cộng sản ngày càng gần lại với tiền!
Phạm Tùng Cương: Điều anh vừa nói làm tôi nhớ lại vài giai thoại thú vị. Khi tôi còn trên ghế trường HEC, một hôm, có vị khách là một trong những lãnh đạo (nhưng không phải sáng lập viên) của công ty Club Med, một người Pháp được đào tạo tại Harvard Business School. Trong các phát biểu, ông có lúc nói là Club Med có thể chấm dứt đấu tranh giai cấp với cách tổ chức, phương thức và phong cách hoạt động của công ty này. Thật vậy, khi một cô thư ký và một Tổng giám đốc (loại người này tôi không biết có đến Club Med chăng?) nằm cạnh nhau trần một nửa người trên một bãi biển Djerba, Corfu hay là Phuket, thì nhất định “đấu tranh giai cấp’’ cũng phải nghỉ xả hơi.
Đỗ Kh.: Nói tới Club Med, công ty này đang chết dở và Tổng giám đốc cuối mà tôi nghe nói đến cách đây vài năm lúc công ty đã ngắc ngoải, Cương biết là ai không? Henri Giscard d’Estaing, con của Tổng thống Pháp bấy giờ, mà chính anh đã có lần chỉ cho tôi thấy “Riton’’ này tại sân trường Sciences Po.
Phạm Tùng Cương: Đáng lẽ ra mình đã nên làm thân với hắn và bao y đi uống cà phê vào dạo ấy, giờ biết đâu cả hai đứa chúng ta được hắn mời lại Club Med để chứng kiến “đấu tranh giai cấp’’ đang ngừng lại để xả hơi. Thôi thì lúc trẻ mình dại là như vậy. Trở lại với đề tài chênh lệch.
Cũng như là nói ở Việt Nam không có chênh lệch xã hội vì ông Trương Gia Bình thỉnh thoảng đi ăn một tô “phở gia truyền’’ ở Cửa Đông, Hà Nội, một nhà hàng có cả khách đạp xích lô (được biết đương sự và đã có nhiều bận dùng chung bữa, tôi nghĩ đây là một tình huống rất có thể xảy ra chứ không phải là không). Đây là một cảnh hài hoà xã hội, người nghèo cũng được ăn cùng một thứ phở với người giàu. Nhưng sau khi hết tô thì ông Bình lên xe con lộng lẫy để tài xế lái còn anh đạp xích lô hết tô thì lại leo trở lại lên cái xích lô cà tàng.
Một số người vẫn lẫn lộn chênh lệch thu nhập và chênh lệch xã hội xét từ một tình huống công bằng xã hội nào đó biệt lệ và phù du. Nếu sự khác biệt khổng lồ giữa các thu nhập không mang lại những bất công xã hội lớn thì cũng chẳng nói làm gì. Nhưng chúng ta đều biết là không phải vậy.
Paul Krugman trích một đoạn tỏ tường của cuốn
Richistan: A Journey Through the American Wealth Boom and the Lives of the New Rich (Crown Publishers, 2007) của Robert Frank:
Người giàu ngày nay đã thành lập một nước riêng. Họ tạo dựng một thế giới biệt lập cho chính mình, đầy đủ với hệ thống sức khoẻ (bác sĩ trực cửa), hệ thống du lịch (Net Jets, câu lạc bộ nghỉ mát), kinh tế… Người giàu không phải chỉ giàu lên thêm; họ đang trở thành những ngoại nhân tài chánh, thành lập một quốc gia riêng bên trong lòng quốc gia, một xã hội riêng của họ bên trong lòng xã hội, và một nền kinh tế riêng bên trong long kinh tế.
Paul Krugman kể là ông Rudy Giuliani, ứng cử viên tổng thống Cộng hoà năm 2008, từng phát biểu hệ thống y tế Mỹ là hệ thống “tốt nhất thế giới’’. Vừa rồi, tôi cũng nghe một cô y tá tại văn phòng bác sĩ của tôi nói như vậy.
Hệ thống y tế Hoa Kỳ được WHO xếp hàng 37 trên thế giới. Theo các con số của tổ chức này, hệ thống Mỹ “nhất thế giới’’ về mặt tổn phí:
| Phí tổn đầu người 2004 (USD)
| Tuổi thọ trung bình 2004 (số năm)
|
USA
| 6 102,00
| 77,5
|
CANADA
| 3 165,00
| 80,2
|
PHÁP
| 3 150,00
| 79,6
|
Tất nhiên, điều này không chỉ ảnh hưởng đến bình diện y tế và xã hội mà còn cả bình diện kinh tế nữa. Tính trung bình, một chiếc xe con do General Motors sản xuất, phần chi phí bảo hiểm y tế là hơn 1.500 USD so với 200 USD cho một chiếc xe con Toyota.
Sự hoài niệm giai cấp trung lưu của Paul Krugman được nuôi dưỡng bằng những lý do xã hội, đạo đức nhưng trước hết là bởi những lý do kinh tế. Hoài niệm này nhắc lại những nguyên tắc của các vị “Cha già lập quốc” của Hoa Kỳ. Vào tháng 10 - 1785, Thomas Jefferson
[3] viết trong thư gửi James Madison
[4] : “địa chủ tiểu nông là thành phần quý báu nhất của quốc gia.”
Ta thấy cái nhìn sáng suốt của Thomas Jefferson vào giai đoạn xây dựng nước Mỹ: một quốc gia không có tầng lớp trung lưu không thể phát triển được, chẳng khác gì một thân thể chỉ có đầu và tay chân mà không có mình. Ngày nay, theo tôi nghĩ, một trong những đặc tính lớn nhất của xã hội chậm tiến là không có một giai cấp trung lưu đa số. Thử nhìn các xã hội châu Phi, Trung Quốc, Việt Nam. Đằng sau những cao ốc hiện đại, những cửa hàng xa xỉ, đằng sau ánh đèn của những thành phố sôi động thì có gì? Cuộc sống thường nhật của người dân bản địa vô danh như thế nào? Hệ thống chăm sóc y tế của họ như thế nào? Hệ thống giáo dục của con cái họ ra sao? Và tổn phí ra sao?
Ta nên ngờ vực những thủ thuật của Xã hội biểu diễn được các chế độ chính trị hay những nhà chính trị dùng.
Đỗ Kh.: Tờ trình của Ngân hàng Phát triển châu Á về bất quân bình cho thấy vấn đề này có tăng truởng đôi chút tại Việt Nam trong thập niên 1990-2000. Chỉ số Gini năm 2004 là 37.1, chưa đạt tầm của Mỹ (46.4) hay Trung Quốc (47.3) nhưng đã vượt Pháp (27) Đức (25) hay Nhật Bản (31.9), Hàn Quốc (31.6). Điều lo ngại cho tương lai là đà tiến của chiều hướng này tại nước ta, rập mẫu của Trung Quốc trên một thập niên về trước! Và nếu nhìn Nga (chỉ số 40.5) thì bức tường Berlin có đổ hay Vạn lý Trường thành có đứng vững thì về mặt này cũng vẫn thế. Từ đâu nảy ra một đám tỉ phú USD, là điều rất tốt, nếu không có cùng lúc cả triệu người bần hàn cũng từ đâu đó bò lết ra một lượt làm tắc cả chợ người.
Như Krugman cho thấy trong trường hợp của Mỹ, điều này xảy ra được vì chính sách tạo ra chênh lệch được quần chúng chấp nhận, cổ võ và tán thành, tất nhiên là bởi vì chính sách này được khéo léo nguỵ trang, chứ chẳng lẽ lại nói trắng ra là lấy tiền của người nghèo mang cho người giàu! Ông dẫn Thomas Frank (
What’s the Matter with Kansas, Metropolitan books, 2004):
“Bỏ phiếu để nhà nước bớt can thiệp vào đời sống cá nhân thì nhận được các tập đoàn tụ hợp và độc quyền trong mọi lãnh vực, từ truyền thông cho đến hãng thịt. Bỏ phiếu để đối phó và cứng rắn với khủng bố thì nhận được nỗ lực tư hữu quỹ an sinh xã hội. Bỏ phiếu để giáng một đòn cho ưu tú chủ nghĩa thì nhận được một trật tự xã hội có tài sản tập trung như đời của chúng ta chưa bao giờ được thấy, nơi mà người lao động bị tước quyền và các Tổng giám đốc được tưởng thuởng ngoài trí tưởng tượng.’’
Đỗ Kh.: Tại Nga, tại Trung Quốc và tại Việt Nam tôi thấy cũng chẳng khác, chênh lệch được dẫn khéo như là một quy luật của phát triển và kỹ thuật. Về mặt xã hội, tinh vi chẳng kém, là việc truyền thông hoá loè loẹt, phường tuồng hoá, mang làm gương lối sống “cao cấp’’ của minh tinh và đại gia. Ngày nay, ta “ra ngõ gặp tỉ phú’’, nếu không thì giở tờ báo nào ở trong nước cũng gặp được. Về mặt tư tuởng, thì các tầng lớp ưu tú đã phát hiện ra Friedrich von Hayek (“tự do’’ hay đúng hơn là “tư do’’, không có dấu nặng), các nhà kinh tế sẽ khám phá ra ngay Milton Friedman thôi (“thị trường tư do’’). Đã có một bước tiến lớn, từ cái cười của ông Phạm Văn Đồng đến cái cười của ông Nguyễn Tấn Dũng (tôi nghĩ là ông cười mỉm dễ thương là vì trong đầu ông đang nghĩ đến sự hài hoà giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và Free Market). Chẳng phải tình cờ mà cả chủ tịch Trung Quốc lẫn chủ tịch nước ta sang công du Mỹ đều đến thăm Bill Gates thay vì tìm một anh hùng lao động như thuở nào đó để ôm chầm và tặng huân chương.
Nếu Việt Nam giờ có “xưởng đẻ’’ tính 5.000 USD một ca sản phụ thì nền y tế công cộng cùng lúc đó lại xuống cấp trầm trọng. Nếu có hàng ngàn sinh viên du học nước ngoài (75% lãnh đạo tương lai như Đại sứ Mỹ phát biểu) thì nền giáo dục cấp 1 hay cấp mẫu giáo hiện nay ra sao? Mấy ngàn hay mấy mươi ngàn anh chị này vừa cầm cặp lên phi cơ thì có bao nhiêu thanh thiếu niên thiếu nữ ở nông thôn lên thành phố làm ô sin cửu vạn? Tôi tin là luật đội nón bảo hiểm lần này (15.9.2007) sẽ đuợc quần chúng hưởng ứng rộng rãi. Trước đây, luật này có ban hành nhiều lần nhưng không đuợc chấp hành nghiêm chỉnh có lẽ vì đi ra đường chưa ai sợ bị tai nạn do các đại gia cầm tiền tỉ ném nhau và lỡ trúng vào mình lỗ đầu?
Đã có một bước tiến lớn, ngày trước, nhà thơ làm kinh tế đã là buồn cuời, ta còn cười chưa kịp khép miệng lại thì Khmer Đỏ đã mở ngân hàng đầu tư và công ty khuyết danh.
Phạm Tùng Cương: Những nghiên cứu hiếm hoi về chênh lệch tại Việt Nam cũng đề cập đến vấn đề anh nói đến. Chẳng hạn trong
Vietnam Inequality Report 2005: Assessment and Policy Choices, Mekong Economics Ltd. Synthesis Paper of the “DFID Drivers of Inequality in Vietnam Project”:
… trình độ và mức độ tăng trưởng về chênh lệch không khác với những gì đã xảy ra tại Trung Quốc vào đầu thập niên 90, vào lúc bắt đầu một thời kỳ “phát triển không đồng đều” cường độ và dài hơi, được nhiều nhà phân tích và quyết định chính sách coi như là sự thể hiện phần nhiều tình trạng bất an ngày càng gia tăng ở nông thôn tại đây. Chuyện những chiều hướng hiện nay sẽ nâng Việt Nam (như Trung Quốc trước đây) nhảy vọt vào nhóm quốc gia châu Á tương đối có chênh lệch cao trong vòng 10-15 năm nữa là điều khả tín.
Tại Việt Nam, tăng trưởng chênh lệch đo dược trong khoảng thời gian 1993-1998 là do cách biệt mở rộng giữa nông thôn và thành thị. Nhưng trong thời gian 1998-2002, phần lớn tăng trưởng là do cách biệt ở ngay tại thành thị và cách biệt ở ngay tại nông thôn.
Trong bức tranh tổng quát của chênh lệch đang lên cao tại Việt Nam, một số vấn đề nổi cộm ở mức độ báo động.
Một nhóm nòng cốt những người nghèo - đặc biệt là các dân tộc thiểu số - hiện hữu khó khăn bên cạnh một giai cấp mới thành lập siêu-giàu, và điều này có thể đe doạ sự ổn định xã hội và chính trị, nhất là cộng với cảm nhận về tham nhũng tràn lan như vẫn thấy tường thuật trên các báo tại Việt Nam..
Đây không phải là sự phê phán những người siêu-giàu (càng tốt thôi vì có bao nhiêu siêu-giàu là bớt đi bằng ấy người nghèo), mà là hiểu những chênh lệch thu nhập và chênh lệch xã hội trong một xã hội nhất định để từ đó tạo dựng những chính sách sửa sai thích nghi. Tôi cho rằng sẽ rất hay nếu có được một nghiên cứu về chênh lệch tại nước ta từ lúc thống nhất đến ngày nay như Thomas Piketty và Emmanuel Saez
[5] đã từng thực hiện đối với nước Mỹ. Như vậy, sẽ có thể đưa ra được những chính sách xã hội thích ứng hơn.
Trong khi chúng ta đang nói chuyện thì Ngân hàng Doanh nghiệp Merrill Lynch sa thải Chủ tịch và Tổng giám đốc Stan O’Neal, sau khi thông báo dự phòng thâm thủng kế toán trong tương lai sẽ là 8,4 tỉ USD. Ông O’Neal, lương năm 2006 nhận khoảng 48 triệu, ra đi lại được tiễn chân bằng 161,5 triệu mặc dù không có tiền sa thải vì chính thức là ông được “về hưu’’. Các cổ đông của công ty thì hát bài “Buồn ơi, ta xin chào mi, khi tiền Merrill Lynch nó bỏ ta đi’’ . Nói thêm, O’Neal là hậu duệ của người nô lệ và người da màu duy nhất ở một chức vụ đình đám như vậy tại Wall Street, sau khi đi lên từ đồng gòn Alabama, từ nhà máy General Motors và từ trường Harvard B.S. Tiếc thay, cả anh lẫn tôi sẽ không bao giờ lại được sa thải vì lý do “kinh tế’’ như vậy.
Để kết luận, tôi đề nghị các nhà lãnh trọng trách kinh tế nước ta nên đọc quyển sách này của Paul Krugman, chỉ tốn có 15,75 USD với Super Saver Shipping miễn cước phí của Amazon.com ở Mỹ. Chắc chắn là sẽ ít tốn kém hơn mà lại cũng tốt hơn là trả tiền mấy tay tư vấn nước ngoài để điều nghiên vấn đề này. Đây cũng là một biện pháp góp một phần vô cùng khiêm tốn vào việc giảm thâm thủng kéo dài của Ngân quỹ nhà nước Việt Nam.
© 2007 talawas
[1]Từ này nói rộng dùng để chỉ chiến thuật đặt điều bôi nhọ đối thủ chính trị, sau khi được dùng để đánh ứng cử viên John Kerry thành công về thời gian ông phục vụ trong quân đội trên một giang tiểu đỉnh (swiftboat).
[2]Phong trào chính trị và nghệ thuật tại châu Âu trong thập niên 50 và 60 chống lại lao động tha hoá, chống lại biểu diễn nâng thành quan hệ xã hội giữa con người, truyền thông hoá bằng hình ảnh và từ chối mọi tha hoá của cá nhân. Guy Debord là một trong những người tiền phong của phong trào này.
[3]Thomas Jefferson (1743–1826), Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ (1801-1809), tác giả chính của
Tuyên ngôn Độc lập (1776), người bảo vệ các lý tưởng của Cộng hoà và một trong những Cha già Lập quốc quan trọng nhất.
[4]James Madison (1751–1836), chính trị gia và tổng thống thứ tư của Hoa Kỳ (1809-1817), một trong những Cha già Lập quốc. Ông là tác giả chính của Hiến pháp Mỹ.
[5]Piketty T., Saeze.: “Income inequality in the United States, 1913-1998’’,
Quarterly Journal of Economics, vol. 118, no 1, 2003, p. 1-39.