Xã hộiKinh tế 6.12.2007
Andrej Illarionov
Tá»± do – Hai tiếng ngá»t ngà o
Phạm Minh Ngá»c dịch
Ngày 16 tháng 11 năm ngoái, khi Milton Friedman từ trần, gần như tất cả các phương tiện thông tin đại chúng trên toàn thế giới đều có bài tưởng nhớ nhà kinh tế học nổi tiếng và những suy tưởng về vai trò của ông trong suốt thế kỉ vừa qua. “Người được Huân chương Nobel về kinh tế thì nhiều, nhưng người trở thành nhân vật lỗi lạc như Milton Friedman thì ít”, ông Alan Greenspan, cựu Giám đốc Cục dự trữ Liên bang của Mĩ, có lần đã nói như thế.
Thế giới đã mất một nhà kinh tế học vĩ đại, một nhà kinh tế học người Mĩ, đa số các bài cáo phó đều viết như thế. Tại sao người ta lại nhấn mạnh từ “Mĩ” ở đây?
Dĩ nhiên là một nhà khoa học chân chính thì không thể thuộc về một quốc gia cụ thể nào, ông là tài sản của toàn thể loài người. Không có biên giới quốc gia trong thế giới khoa học. Nhưng dù sao, đất nước sinh ra nhà khoa học vĩ đại cũng thu được những thành quả có một không hai. Đấy không chỉ là “niềm tự hào dân tộc” mà còn là lợi ích mà nhà khoa học vĩ đại mang về cho quốc gia, cho các đồng nghiệp, cho các học trò của ông và cho quá trình trao đổi quan điểm và cho xã hội nói chung.
Về lí thuyết, Friedman có thể trở thành một nhà kinh tế học của nước Nga, nếu cha mẹ ông, vốn sinh sống ở thị trấn Berehove, thuộc Ukraine, không di cư sang Mĩ vào cuối thế kỉ XIX, nếu ở lại thì cuối cùng họ đã trở thành công dân Liên Xô. Lịch sử dĩ nhiên không biết chữ “nếu”. Nhưng có lẽ sẽ không kém phần thú vị khi đặt câu hỏi: Nếu ở lại nước Nga, Friedman có thể đạt được những kết quả to lớn như thế hay không?
Câu trả lời thẳng thắn có thể làm ta thất vọng. Tại Liên Xô và nước Nga trong suốt thế kỉ vừa qua, một vài bộ óc vĩ đại, có sức sáng tạo nhất đã không có một cơ hội nào để sống, phát triển và thành công. Tuy không có những qui luật chắc chắn, quyết định rằng ai sẽ là vĩ nhân, nhưng dù sao vẫn có một số tác nhân khách quan, cần thiết để một người có thể phát triển các khả năng của mình: gia đình tử tế, giáo dục có chất lượng, công việc hấp dẫn, môi trường trí tuệ gồm có bạn bè và đồng nghiệp, cơ hội đi ra nước ngoài và trao đổi với các đồng nghiệp ngoại quốc, tự do phát biểu ý kiến, tự do trao đổi tư tưởng, xã hội công khai công nhận tài năng và những thành tích của nhà khoa học.
Sự khác nhau giữa các công trình nghiên cứu về kinh tế giữa Mĩ và Liên Xô là rất rõ ràng, chẳng cần phải nói quá lên làm gì. Ngay cả vào cuối những năm 70 và đầu những năm 80 của thế kỉ trước, một tiến sĩ kinh tế học viết, thí dụ, về vấn đề sự hình thành giá cả, có thể mất việc như chơi. Vì thế mối quan tâm của Friedman về bản chất và ý nghĩa của tiền tệ có thể dẫn đến ít nhất là “cấm hành nghề” mà cũng có thể là những hậu quả xấu hơn rất nhiều. Việc Friedman tuyên truyền không mệt mỏi cho tính ưu việt của nền kinh tế thị trường, dân chủ tự do, tự do cá nhân và thái độ phản đối nghĩa vụ quân sự toàn dân, nếu ở Liên Xô thì chắc chắn sẽ bị coi là hoạt động chống phá nhà nước, thậm chí cón bị coi là phản bội tổ quốc nữa.
Người ta không thể tưởng tượng nổi có bao nhiêu tài năng đã bị bóp chết ngay từ trong trứng nước chỉ vì sự thiếu vắng tự do, bao gồm cả tự do suy nghĩ và tự do phát biểu ý kiến, ở Liên Xô nói chung và nước Nga nói riêng.
Giữa các nhà kinh tế học Nga/Liên Xô và các đồng nghiệp Mĩ của họ cũng có nhiều khác biệt nghiêm trọng. Vấn đề không chỉ là sự khác nhau ở mức thù lao hay quyền tiếp xúc với tài liệu cũng như quan hệ với những nhà kinh tế học khác vốn là những thành tố quan trọng nhất của khái niệm tự do tư tưởng. Tuổi thọ trung bình của các nhà kinh tế học Mĩ cũng dài hơn tuổi thọ của các đồng nghiệp nghiệp Nga/Liên Xô của họ.
Người ta cũng không lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng trong số 61 người được nhận Huân chương Nobel về kinh tế, kể từ năm 1969, thì đã có 57 người Mĩ và chỉ có 1 người từ Liên Xô cũ. Trong số 18 người sau khi nhận giải Nobel về kinh tế di cư sang nước khác thì có 15 người đến định cư tại Mĩ (một số người đã rời bỏ các nước như Anh, Đức, Pháp và Ý). Hai người nhận giải Nobel là Simon Kuznets và Vasily Leontyev vốn là người gốc Nga di cư sang Mĩ và có lẽ vì thế mà thoát chết. Đây có thể là thí dụ điển hình chứng tỏ rằng các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đã “bỏ phiếu bằng cả đầu và chân” khi họ di cư đến những nơi có tự do tư tưởng, tức là có những điều kiện cần thiết cho tài năng của họ đơm hoa kết trái.
Tự do còn có một khía cạnh nữa: đấy là đóng góp của các nhà khoa học vào sự phát triển của đất nước mà họ lựa chọn làm quê hương thứ hai của mình. Tất nhiên đấy không chỉ là đóng góp của những người được nhận Huân chương Nobel, không chỉ của các nhà kinh tế học hay của những người hoạt động trong những ngành khoa học khác mà là đóng góp của tất cả những người định cư. Dù có làm gì, dù có là ai thì đa số người định cư cũng đã có phần đóng góp vào sự phát triển của quê hương thứ hai của họ, làm cho nó ngày một tự do hơn, giàu có hơn và thành công hơn.
Cuối thế kỉ XIX, khi cha mẹ Friedman di cư từ một khu vực hẻo lánh của Ukraine sang Brooklyn thì dân số nước Nga (những người sống trên lãnh thổ Liên bang Nga hiện nay) có 66 triệu người, ít hơn 3% so với dân số Mĩ lúc đó (69 triệu). Năm 1912, tức là năm sinh của Friedman cách biệt về dân số tăng lên thành 8%. Năm 2006, khi Friedman qua đời, cách biệt về dân số là 52%, ở Nga có 142 triệu, còn ở Mĩ là 298 triệu người. Cách biệt về các chỉ tiêu kinh tế còn khủng khiếp hơn. Năm 1894 tổng sản phẩm quốc nội của Nga chiếm 39 % tổng sản phẩm quốc nội Mĩ, năm 1912 chiến 26%, còn năm 2006 chỉ chiếm 13% tổng sản phẩm quốc nội Mĩ.
Tất nhiên là các nước tự do cũng có nhiều vấn đề. Tại đó, cũng như tại bất kì nơi nào khác vẫn thường xảy ra khủng hoảng hay tai hoạ. Những người lãnh đạo được toàn dân của họ bầu lên cũng mắc sai lầm, thậm chí phạm tội. Nhưng khác với các nước độc tài, tại các nước tự do người ta không lờ các vấn đề đi, người ta cũng không làm theo kiểu “đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại”. Nói chung, các nhà chính trị đối lập, các phương tiện thông tin đại chúng và xã hội công dân luôn theo dõi các vấn đề, thí dụ như lạm quyền và tham nhũng và có những biện pháp cụ thể nhằm khắc phục ngay. Những nhà lãnh đạo tầm thường và thiếu kiến thức thường bị mất chức ngay trong lần bầu cử tiếp theo. Còn khi xảy ra những trường hợp thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hay phạm tội hình sự thì nơi trú ngụ của họ sẽ là sau song sắt nhà giam. Còn trong các nước độc tài, các quan chức ít khi phải chịu trách vì những hành động của mình.
Tự do, dù là tự do kinh tế, tự do chính trị hay tự do tư tưởng, lúc nào cũng là những từ ngọt ngào cả. Công dân có điều kiện làm việc trong môi trường tự do, nơi luật pháp đóng vai trò điều tiết và bảo đảm cho sự ổn định, đảm bảo cho sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh, có thể tạo ra những tài sản vô cùng to lớn cả về tinh thần lẫn vật chất. Đôi khi ta không thể tưởng tượng nổi xã hội tự do đã tạo ra những thành quả to lớn đến mức nào. Các nước độc tài thì lại khác, họ không thể tạo ra được những thành quả như thế dù họ có bao nhiêu tài nguyên, dù họ có bao nhiêu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hay bao nhiêu tiền trong ngân hàng trung ương thì cũng vậy mà thôi. Trong các nước độc tài, chính phủ độc quyền kiểm soát thông tin và quyền lực, nhưng đàn áp, sợ hãi và khủng bố không thể tạo ra được giàu sang. Những nước còn tình trạng nô lệ, dù là nô lệ về mặt kinh tế, chính trị hay tư tưởng sẽ mãi mãi nằm trong tình trạng lạc hậu, đấy chính là bản án của lịch sử.
Có lần tôi đã hỏi Friedman và bà Rose - vợ ông và cũng là một nhà kinh tế học nổi tiếng - rằng nếu sống ở Liên Xô thì họ có thể có quan điểm như thế về tự do cá nhân và kinh tế thị trường được không. Câu trả lời là “không!”. Mỗi lần nghĩ đến câu nói của họ thì logic lạnh lùng lại bảo tôi rằng Rose và Milton Friedman hoàn toàn có lí. Sống ở Liên Xô mà chọn nghề như họ thì chẳng những tài năng mà cuộc sống của họ chắc chắn đã bị giày xéo xuống tận bùn đen.
Khi cha mẹ Firedman di cư sang Mĩ - bà Sara Landau, mẹ ông - đã xin vào làm nhân viên bán hàng cho một hiệu tạp hoá nhỏ. Chẳng ai hỏi bà từ đâu tới hay vốn là công dân của nước nào. Còn ở Nga, chính quyền vừa mới đưa ta tỉ lệ “người không phải gốc Nga” làm việc trong ngành bán lẻ. Vấn đề nghiêm trọng nhất của nước Nga hiện nay không phải là thiếu vốn đầu tư hay nguyên vật liệu. Vấn đề quan trọng nhất của nó là thiếu vắng không gian cho con người hoạt động. Không chỉ trong các trường đại học, nơi đào tạo những người sẽ tranh giải Nobel tương lai mà cả không gian hoạt động cho cha mẹ những tài năng trẻ đó nữa.
Andrej Illarionov nguyên là cố vấn kinh tế của Tổng thống V. Putin, hiện là Viện trưởng Viện phân tích kinh tế và cộng tác viên khoa học của Viện Cato ở Washington (Cato Institute)
Bản tiếng Việt © 2007 talawas
|