trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
29.2.2008
Bùi Văn Phú
San Jose: Sài Gòn Nhỏ mà tranh cãi lớn
 
Suốt ba tháng qua ở San Jose, thành phố có gần 100 nghìn người Việt sinh sống và chiếm gần 10% số cư dân, có một cuộc tranh cãi sôi nổi nhiều phía, giữa người Việt với người Việt, giữa người Việt với Hội đồng Thành phố và giữa những dân cử của San Jose và trong vùng. Nhiều dân cử, chuẩn ứng viên đã nhảy vào cuộc để lấy lòng, lấy phiếu của cử tri gốc Việt.

Trang nhất báo San Jose Mercury News ngày 23.2.2008

Chuyện đặt tên tưởng chừng đơn giản là việc để vinh danh những đóng góp của người Việt ở đây từ hơn 30 năm qua, ai ngờ lại bùng nổ lớn, gây chú ý trên toàn nước Mỹ nên nhật báo New York Times cũng đã có bài tường thuật.

Vụ việc bắt nguồn từ chuyện đặt tên cho một khu thương mại của người Việt ở Thành phố San Jose là đề nghị của Nghị viên gốc Việt Madison Nguyễn đã được người viết trình bày trong một bài trước.

Sau gần ba tháng giữ vững quyết định chọn tên “Saigon Business District”, hôm 11 tháng 2 Thị trưởng Chuck Reed và Nghị viên Madison đã xoay chiều với đề nghị huỷ bỏ quyết định đó và đưa tên “Little Saigon” ra cho cử tri toàn thành phố chọn YES hay NO, một đề nghị sẽ làm tốn ngân sách thành phố, có thể tạo ra những xung đột giữa người Việt với những sắc dân khác. Trước những phản ứng bất lợi và sau khi nghiên cứu lại, tuần vừa qua Thị trưởng Reed lại rút lại chuyện trưng cầu dân ý “Little Saigon” và đề nghị không đặt tên nữa cho đến khi có sự đồng thuận giữa các bên. Nhưng một số nghị viên như Dave Cortese và Kansen Chu muốn đưa “Little Saigon” ra biểu quyết.

Những thay đổi quan điểm đó là vì áp lực của cử tri gốc Việt và vì Thị trưởng Reed, Nghị viên Madison và mấy nghị viên khác sẽ phải đương đầu với luật pháp vì có thể họ đã phạm luật về tính minh bạch và trong sáng khi thị trưởng và nhiều nghị viên đã đồng ý với nhau - có những thoả thuận ngầm - về tên “Saigon Business District” trước ngày chính thức biểu quyết. Luật Brown Act của bang California không cho phép có những vận động giữa các dân cử để đạt đa số trước khi họp chọn.

Việc đặt tên bắt nguồn từ dự án xây dựng trung tâm thương mại Vietnam Town nằm trên đường Story Road do Nghị viên Madison Nguyễn đề nghị mà nguyên thuỷ chỉ có chữ Vietnam, không có Saigon. Rắc rối bắt đầu xảy ra cho Nghị viên Madison khi tin này lại được đưa lên trang web của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, với những đóng góp ý kiến từ cộng đồng cô Madison đã phải khẳng định rằng khi chính thức chọn tên chắc chắn sẽ có Saigon trong đó. Trong phiên họp ngày 20.11.2007 Nghị viên Madison Nguyễn đề nghị “Saigon Business District” và được Hội đồng Thành phố chấp thuận với tỉ số 8 trên 3 bất kể sự ủng hộ “Little Saigon” của hơn 90% trong số 200 ý kiến phát biểu và sự hiện diện của cả nghìn cư dân gốc Việt.

Cuộc tranh đấu cho “Little Saigon” bùng lên từ đó. Dư luận có những nhận xét đây lại là một cuộc chiến tranh quốc - cộng còn đang kéo dài như cuộc tranh đấu cho Cờ Vàng diễn ra trong những năm gần đây.

Điều đó không sai khi mà nhiều người ủng hộ “Little Saigon” vẫn còn bị ám ảnh bởi hình ảnh cán bộ cộng sản sau khi chiếm miền Nam đã hành hạ họ trong những trại cải tạo, đã đuổi gia đình họ đi kinh tế mới, đã chà đạp nhân phẩm, phân biệt lí lịch đối với con cái của họ. Trong khi đó ngày nay có những cán bộ cộng sản và con cháu đang sống ở Hoa Kỳ, mua nhà cửa, bỏ tiền đầu tư thương mại ngay trong lòng những người đã một sống một chết chạy trốn cộng sản bằng mọi cách.

Kể từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập bang giao và kí kết hiệp ước thương mại song phương, trong một thập niên qua giao thương giữa hai quốc gia đã tăng gấp nhiều lần, với mấy chục tỉ Mỹ Kim hàng hoá trao đổi mỗi năm. Những năm gần đây người hải ngoại còn về nước đầu tư và người ở quê nhà cũng đem tiền ra nước ngoài kinh doanh. Trong nước bây giờ có Hội Doanh nhân Việt kiều thì ở San Jose cũng có Hội Doanh nhân Người Mỹ gốc Việt (Vietnamese-American Entrepreneur Association, VAEA) làm những công tác tư vấn và khuyến khích đầu tư ở hai bên bờ Thái Bình Dương. VAEA đã đón nhiều đoàn doanh nghiệp trong nước qua tìm kiếm thị trường Mỹ, đón tiếp tổng lãnh sự, bộ trưởng, phó thủ tướng đến tham quan. Liên hoan mừng Xuân Mậu Tí của Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco với 800 khách dự cùng ban lãnh đạo VAEA như các luật sư Vũ Ngọc Trác, Nguyễn Hữu Liêm, ông Phạm Thư Đăng và Chủ tịch Sang Nhin đã đọc một bài diễn văn chúc mừng năm mới tân Tổng lãnh sự, ông Lê Quốc Hùng.

Ngày nay chuyện giao thương giữa hai nước là điều bình thường. Nhưng khi việc buôn bán được đem vào chính trị cộng đồng thì vẫn sôi nổi lên kẻ bênh người chống. Sự việc “Little Saigon” như được đổ thêm dầu vào lửa khi phóng viên Mercury News tường thuật rằng, theo lời Nghị viên Madison Nguyễn thì những thương gia trong khu vực không thích tên “Little Saigon” vì nó biểu hiện tinh thần chống cộng. Nghị viên Madison sau đó gửi một văn thư yêu cầu cải chính cô không nói thế, nhưng cho đến hôm nay Mercury News không đăng thư đó mà chỉ có một số báo Việt ngữ.

Trong tiến trình đặt tên khu phố để vinh danh những đóng góp của cộng đồng người Việt, Nghị viên Madison đã phạm một sai lầm quan trọng là cô dựa việc đặt tên vào một trung tâm thương mại chưa được thành hình. Cô đã quên rằng sự đóng góp của người Việt cho Thành phố San Jose đã có hơn 30 năm qua, từ những tiệm ăn, tiệm bánh, tiệm sửa xe, từ những cửa hàng nho nhỏ, những quán cà-phê chứ không phải một vài trung tâm thương mại mới có sau này.

Trong vụ tranh cãi về tên “Saigon Business District” hay “Little Saigon” cả hai phía đều cho mình là đại diện tiếng nói đa số. Thật sự không ai biết được ai là đa số trong lúc này. Suốt 3 tháng qua, hai ý kiến đã chạm nhau nẩy lửa trên các diễn đàn truyền thông Việt ngữ cũng như Anh ngữ. Các báo đài Việt ngữ đa phần ngả theo phía này hoặc phía kia, trừ hai tờ có thông tin tương đối khách quan là VTimesViệt Tribune. Báo Anh ngữ Mercury News làm đúng chức năng thông tin với nhiều ý kiến, bình luận đa chiều.

Những người ủng hộ “Little Saigon” biểu tình phản đối Thị trưởng San Jose và Nghị viên Madison trước Toà Thị chính San Jose

>Bản lên tiếng ủng hộ Hội đồng Thành phố với 350 chữ kí

Phía chống đối quyết định của thành phố đã có cả nghìn người tham dự phiên họp ngày 20.11.2007 và ba tuần sau còn tập họp 2 nghìn người để biểu dương và đã tổ chức nhiều lần biểu tình với hàng trăm người, rồi tuyệt thực trước Toà Thị chính San Jose nên được cho là phe ồn ào. Phía ủng hộ quyết định của thành phố phổ biến một “Bản lên tiếng” với 350 chữ kí chỉ trích những người biểu tình chống đối Thị trưởng Chuck Reed và Nghị viên Madison Nguyễn chỉ là thiểu số to miệng, có những hành động thiếu dân chủ và cho rằng chính những người đồng kí tên mới là đại diện cho đa số thầm lặng.

Bây giờ thì việc chọn tên cho khu thương mại của người Việt ở San Jose chỉ còn lại một câu hỏi: Có nên đặt tên khu phố đó là “Little Saigon” hay không? Quyết định này là thẩm quyền Hội đồng Thành phố San Jose trong phiên họp tối ngày 4.3 tới đây.

Vậy thì tiếng nói nào là của đa số? Ngày 4.3 sẽ lại là một ngày sôi nổi tại nghị trường Thành phố San Jose khi “Little Saigon” được mang ra bàn luận. Nếu sau phiên họp đó vẫn chưa có một cái tên cho khu thương mại của người Việt thì nguyện vọng của đa số thầm lặng là gì? Chỉ còn việc để cử tri Khu vực 7 quyết định có truất nhiệm Nghị viên Madison Nguyễn hay không thì sẽ có câu trả lời rõ ràng nhất.

Nếu đa số đồng ý truất nhiệm, điều đó có nghĩa “Little Saigon” là đa số ồn ào. Còn nếu kết quả ngược lại thì đa số đúng là phía thầm lặng. Khi đó mọi người sẽ chấp nhận kết quả sau cùng và sự yên bình được trả lại cho thành phố và tiến trình dân chủ trong cuộc tranh cãi này coi như hoàn tất, trừ khi hai phía có số phiếu khác biệt quá khít khao và phải đưa ra cho quan toà quyết định.

(Ảnh trong bài của tác giả)

© 2008 talawas