trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Tây Tạng, Việt Nam và Thế vận há»™i Bắc Kinh 2008
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28 
14.3.2008
Đinh Từ Thức
Từ Bá Linh đến Bắc Kinh
 
Càng gần đến ngày khai mạc Thế vận hội mùa hè 2008 tại Bắc Kinh, dư luận càng sôi nổi. Một bên là những cố gắng phi thường của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc, coi sự thành công của Thế vận hội phản ảnh thành quả của tiến trình lột xác trở thành Tân Trung Quốc. Một bên là những cố gắng của phe chống đối, coi việc tẩy chay Thế vận 2008 như một cơ hội vận động dân chủ và nhân quyền. Nhìn lại lịch sử Thế vận, người ta thấy có những điểm giống nhau giữa Thế vận Bá Linh (Berlin) 1936, và Thế vận Bắc Kinh (Beijing) 2008. Bài này trình bầy những nét chính của hai Thế vận.


Thế vận Bá Linh

Tháng Năm 1931, khi Ủy ban Thế vận Quốc tế (IOC – International Olympic Committee) quyết định cho thủ đô Bá Linh tổ chức Thế vận hội mùa hè 1936, Hitler vẫn chưa cầm quyền. Hai thập niên trước, Bá Linh cũng đã được chọn để tổ chức Thế vận 1916, nhưng phải hủy bỏ vì Thế chiến Thứ nhất. Năm 1933, khi trở thành thủ tướng, nhà độc tài Quốc xã vốn nuôi mộng trở thành một hoạ sĩ nổi danh, không ưa thể thao, nên có vẻ lơ là với Thế vận hội. Tổng trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels đã thuyết phục Hitler nắm lấy cơ hội tổ chức Thế vận để tuyên truyền cho chế độ Quốc xã, để dọn đường cho sự phục hồi địa vị của Đức, sau khi bị trừng phạt do hậu quả thất trận Đệ nhất Thế chiến.

Dưới sự hướng dẫn của Goebbels, Quốc xã Đức đã dốc toàn lực tổ chức Thế vận hội 1936 như một màn trình diễn cho một “Nước Đức mới”. Nhà nước đã chi 42 triệu Đức Mã (Reichmarks) để xây tại địa điểm vốn dự trù cho Thế vận 1916 một vận động trường khổng lồ bằng đá lớn nhất thế giới, có thể chứa một trăm mười ngàn khán giả. Có chỗ riêng đặc biệt dành cho Hitler và các nhân vật quan trọng của Quốc xã. Ngoài ra, một Làng Thế vận rất tối tân và đầy đủ tiện nghi cũng được công binh xây cất trên một khu đất rộng 130 mẫu, gồm 140 căn nhà dành cho các lực sĩ trú ngụ. Ngoài những phương tiện để tập dượt như hồ bơi và sân vận động, còn có cả phòng giải trí trang bị màn ảnh tivi lần đầu trên thế giới, trực tiếp truyền hình các cuộc tranh tài, tuy hình ảnh còn mờ, chưa hoàn hảo.

Ngay từ khi mới cầm quyền, Hitler đã chủ trương tiêu diệt người Do Thái và dân Gypsie, để bảo tồn sự thuần khiết của giống nòi thượng đẳng “Aryan”. Vào thời gian 1934-1935, trong khi các công trình chuẩn bị Thế vận đang tiến hành, nhà cầm quyền Quốc xã bắt đầu loại các lực sĩ Do Thái và Gypsie khỏi đoàn lực sĩ Đức. Ngay cả chủ tịch Ủy ban Thế vận Đức là Theodor Lewald cũng bị loại, vì ông bị khám phá có bà nội là người Do Thái.

Chính sách kỳ thị chủng tộc của Quốc xã khiến dư luận quốc tế công phẫn. Phong trào tẩy chay bùng nổ tại nhiều nước Âu châu, như Anh, Pháp, Thụy Điển, Tiệp Khắc và Hòa Lan, kêu gọi dời địa điểm Thế vận tới một nước khác. Một dự án gọi là Thế vận Nhân dân (People’s Olympiad) đã ra đời, tổ chức một Thế vận hội khác tại Barcelona, Tây Ban Nha, cũng vào mùa hè 1936, để đối đầu với Thế vận Bá Linh. Nhưng Thế vận này chưa kịp khai mạc đã bị tan vỡ, vì nội chiến Tây Ban Nha bùng nổ vào tháng Bảy năm 1936.

Phong trào tẩy chay mạnh mẽ nhất tại Hoa Kỳ. Nơi đây, ngoài các cộng đồng Do Thái, Thiên chúa giáo, và các nhóm tị nạn chính trị vốn có thái độ chống Quốc xã, còn có hai tổ chức thể thao thế lực. Một là Ủy ban Thế vận Hoa Kỳ (American Olympic Committee), do một cựu lực sĩ thế vận làm chủ tịch, là Avery Brundage. Ông này lúc đầu cũng nghiêng về phía tẩy chay, giống lập trường của một tố chức khác, là Liên đoàn Lực sĩ Tài tử (Amateur Athletic Union). Chủ tịch tổ chức này là ông Jeremiah Mahoney từng tuyên bố: Việc tham dự Thế vận Bá Linh chỉ có nghĩa là “Hoa Kỳ hậu thuẫn tài chánh và tinh thần cho Quốc xã, một chế độ trái ngược với những giá trị nước Mỹ vẫn giữ gìn”. Lập trường tẩy chay còn được sự ủng hộ của thống đốc New York, 40 viện trưởng đại học, và các lãnh tụ nghiệp đoàn.

Trước áp lực của dư luận, nhà cầm quyền Quốc xã nhượng bộ bằng cách chịu nhận một nữ kiếm thủ lai Do Thái vào đoàn lực sĩ Đức, và cho cựu chủ tịch Ủy ban Thế vận Theodor Lewald từng bị loại vì lai Do Thái, được trở lại làm “cố vấn” cho Ủy ban Tổ chức Thế vận. Ngoài ra, còn mời chủ tịch Ủy ban Thế vận Hoa Kỳ Avery Brundage sang Bá Linh quan sát tại chỗ. Sau khi được tiếp đãi vô cùng nồng hậu, ông này trở về Mỹ, tuyên bố vào tháng 9, 1934 là Hoa Kỳ chính thức chấp nhận tham dự Thế Vận Bá Linh. Ông đáp lại những lời chỉ trích rằng: Thế vận là nơi để cho “lực sĩ, không phải chính khách” tham dự. Thái độ của ông đã ảnh hưởng tới cuộc bỏ phiếu của Liên đoàn Lực sĩ Tài tử vào tháng 12 năm 1935: Phe tẩy chay bị thua khít khao. Nửa năm sau, một phái đoàn hùng hậu của Hoa Kỳ gồm 312 lực sĩ lên đường đi Bá Linh. Các nước khác theo chân Mỹ, tham dự đông đủ. Liên xô vắng mặt coi như bình thường, vì tới thời điểm này, chưa bao giờ tham dự Thế vận.

Du khách và lực sĩ tới Bá Linh được đón tiếp vô cùng trọng thể, trong một bầu không khí sang trọng, lịch sự và thân thiện. Ngay cả những đoàn viên Quốc Xã áo nâu, và các nhân viên mật vụ SS cũng đón khách bằng nụ cười luôn nở trên môi. Các thành phần bị coi là “bất hảo” đều đã bị tập trung và canh gác tại các địa điểm ở ngoại ô. Phố xá sạch sẽ và trật tự. Cờ Quốc xã và cờ Thế vận trang hoàng rực rỡ khắp nơi. Tất cả những tấm biển quen thuộc như “Không tiếp Do Thái” được gỡ đi khỏi các khách sạn, nhà hàng, và những nơi công cộng. Cả tờ báo chuyên chống Do Thái “Der Sturner” cũng được lấy khỏi sạp bán báo.

Lễ khai mạc Thế vận Bá Linh diễn ra vào ngày thứ bảy 1 tháng 8, 1936, dưới bầu trời mưa u ám. Hitler và đoàn tùy tùng tiến vào vận động trường đông nghẹt. Ban đồng ca ba ngàn người hát quốc ca và đảng ca. Năm ngàn lực sĩ thuộc 51 phái đoàn diễn hành qua khán đài. Khi đi qua mặt Hitler, các đoàn Áo và Pháp chào theo kiểu Quốc xã (Nazi salute - giơ cao cánh tay về phía trước), khiến khán giả Đức thỏa mãn. Các đoàn Anh, Mỹ chào theo lối nhà binh khi diễn hành (chỉ quay mặt nhìn, không giơ tay). Quốc kỳ dẫn đầu mỗi phái đoàn theo lệ, cũng phải hạ thấp chào quốc trưởng và quan khách. Người cầm cờ Mỹ khiến khán giả Đức khó chịu khi không theo lối này, viện cớ là theo lệ Mỹ, quốc kỷ chỉ hạ thấp chào một mình tổng thống Mỹ mà thôi.

Đuốc thế vận được thắp sáng từ Olympia bên Hy Lạp từ 12 ngày trước, lần đầu tiên trong lịch sử, đã qua tay ba ngàn lực sĩ chạy tiếp sức mang tới lễ khai mạc Thế vận. Quốc xã còn bỏ tiền để nhà đạo diễn nổi danh Leni Riefenstahl làm một bộ phim vĩ đại về Thế vận Bá Linh dài 4 tiếng, phát hành vào mùa Xuân 1938 để tuyên truyền cho chế độ.

Nhìn chung, Quốc Xã đã thành công lớn với Thế vận Bá Linh. Giới báo chí nhìn nhận nước Đức đã chi phí cho một Thế vận hội lớn chưa từng có. Họ đã đạt được điều họ mong muốn là sự kính trọng. Tiêu biểu là nhận xét của báo New York Times rằng Thế vận đã “mang nước Đức trở lại với cộng đồng các quốc gia”, và làm cho họ “có nhiều nhân tính hơn”.

Nhưng ngay sau khi Thế vận Bá Linh bế mạc, Hitler đã phát động chiến dịch bành trướng, và tiếp tục chính sách tiêu diệt Do Thái. Chỉ hai ngày sau khi ngọn lửa Thế vận 1936 tắt, đại úy Wolfgang Fuerster, người đứng đầu công trình xây dựng Làng Thế vận đã tự tử, thất vọng vì bị hạ công tác do thuộc dòng dõi Do Thái. Ba năm sau Thế vận Bá Linh, Hitler khơi mào Đệ nhị Thế chiến. Cho đến nay, vẫn còn loại câu hỏi không thể giải đáp, như: Nếu Thế vận Bá Linh bị đa số tẩy chay, nếu Quốc xã thất bại trong việc tổ chức Thế vận 1936, liệu Hitler có đủ tự tin và hậu thuẫn để phát động Thế chiến Thứ hai?


Thế vận Bắc Kinh

Tháng bảy năm 2001, khi Ủy ban Thế vận Quốc tế quyết định cho Bắc Kinh tổ chức Thế vận mùa hè 2008, giống như Hitler, Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) chưa là tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng khác với Hitler, họ Hồ đã sẵn sàng kế vị Giang Trạch Dân (Jiang Zemin), nên khi cầm quyền, tổ chức Thế vận chỉ là tiếp tục công việc của Đảng.

Giống như Quốc xã Đức 70 năm trước, cộng sản Trung Quốc cũng muốn dùng Thế vận 2008 để củng cố địa vị mới của mình trên trường quốc tế, đem lại hãnh diện và tin tưởng cho hơn một tỷ dân chúng, nhất là tạo phấn khởi và trung thành đối với 68 triệu đảng viên. Sau một thế kỷ bị xâu xé và khinh thường, sau nửa thế kỷ bị đói khổ lầm than bởi chính sách hà khắc vô nhân đạo của Mao, Trung Quốc muốn có một bộ mặt mới vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày áp dụng chính sách thay đổi về kinh tế của Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping). Giống như cá nhân chứng tỏ sự thành đạt của mình bằng căn nhà đồ sộ hay chiếc xe tối tân, Quốc xã và Trung Quốc đều dùng Thế vận hội để xác định địa vị mới của mình.

Thế vận Bá Linh đã được tổ chức dưới sự hướng dẫn của một nhân vật cao cấp Quốc xã là tổng trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels, Thế vận Bắc Kinh được đặt dưới quyền điều khiển của Tây Cẩm Bình (Xi Jinping), thành viên Ban Thường Vụ Bộ Chính trị, người được coi như sẽ kế vị Hồ Cẩm Đào. Quốc xã chi hơn 40 triệu cho Thế vận Bá Linh, Trung Cộng chi 40 tỷ cho Thế vận Bắc Kinh. Ngoài việc xây vận động trường mới hình tổ chim, Làng Thế vận tối tân và an ninh, phi trường mới rộng hàng triệu mét vuông, Trung Quốc còn xây đại hý viện tối tân ngay cạnh Thiên an môn, trùng tu toàn diện Cấm Thành và các di tích lịch sử nổi tiếng, tân trang hệ thống cầu tiêu công cộng, cấm khạc nhổ ngoài đường, tập cho dân biết cười với du khách..., để làm đẹp lòng người nước ngoài.

Đi khắp Trung Quốc, từ Bắc Kinh tới những vùng nông thôn hẻo lánh, chỗ nào cũng có dấu hiệu cổ động cho Thế vận 2008. Mọi làng đều phải lập sân vận động. Học sinh trường làng được khuyến khích tranh đua thể thao. Đồng hồ đếm ngược giờ khai mạc Thế vận được dựng ngay cạnh Quảng trường Thiên an môn từ mấy năm trước. Huy hiệu Thế vận Bắc Kinh khổng lồ với khẩu hiệu “Một thế giới, một giấc mơ” (One world, one dream) lấn át cả cảnh đẹp thiên nhiên tại khu Vạn lý trường thành gần Bắc Kinh. Từ trước, Trung Quốc chỉ ôm mộng “Một Trung Quốc”, gồm cả Đài Loan. Với Thế vận Bắc Kinh, Trung Quốc ôm mộng “Một Thế giới” với Trung Quốc ở giữa (Trung Quốc = quốc gia trung tâm), cai trị cả thiên hạ.

Trung Quốc cố gắng tổ chức Thế vận Bắc Kinh còn lớn hơn cả Thế vận Bá Linh. Nhờ kỹ thuật mới, Trung Quốc dự tính làm những điều Quốc xã trước kia không làm được, như điều hoà thời tiết. Hitler đã tới lễ khai mạc Thế vận Bá Linh dưới trời mưa ảm đạm. Thời tiết Bắc Kinh mưa nắng thất thường, nhất là vào mùa hè. Hồ Cẩm Đào muốn lễ khai mạc diễn ra dưới bầu trời quang đãng. Chung quanh Bắc Kinh có 20 trạm “hoán vũ” vốn được dùng để làm mưa nhân tạo, đã được chuẩn bị cho việc bảo vệ thời tiết dịp lễ khai mạc Thế vận vào hồi 8 giờ 8 phút 8 giây ngày 8 tháng 8 năm hai ngàn lẻ 8 [người Tầu thích số 8 (bát) vì đọc giống với “bách” là một trăm: Thành công trăm phần trăm]. Mỗi trạm “hoán vũ” có một nhóm tám người, sử dụng bốn khẩu cao xạ phòng không và một dàn phóng hoả tiễn, sẽ bắn lên trời loại hóa chất làm tan mây để tránh mưa.

Một trùng hợp khác là phong trào tẩy chay Thế vận Bắc Kinh cũng đang lên cao, giống Thế vận Bá Linh trước kia. Lý do tẩy chay cũng khá giống, là về dân chủ và nhân quyền. Nổi bật hơn cả là vụ diệt chủng tại Darfur, Sudan. Ngay từ khi Trung Quốc được trao quyền tổ chức Thế vận 2008, một phần dư luận thế giới đã tỏ ra dè dặt, vì Thế vận hội tượng trưng cho những lý tưởng đẹp, những giá trị cao cả của loài người, như “mang con người lại với nhau trong hoà bình, tôn trọng các nguyên tắc luân lý hoàn vũ”, trong khi thành tích nhân quyền và tự do dân chủ của nước đứng ra tổ chức quá tồi tệ. Năm 2006 nhà làm phim thiên tài Steven Spielberg nhận lời làm cố vấn nghệ thuật cho lễ khai mạc Thế vận, là một thắng lợi của ban tổ chức. Nhưng nửa năm trước lễ khai mạc, Spielberg tuyên bố rút lui, vì Trung Quốc đã không làm hơn nữa để chấm dứt nạn diệt chủng ở Darfur. Thái độ tẩy chay của Spielberg đã gây chấn động dư luận. Báo Nhân Dân của Trung Quốc phản ứng lại bằng cách chê Spielberg ngây thơ và nực cười.

Giống Thế vận Bá Linh đã được gọi là “Thế vận Quốc xã” (Nazi Olympics), nữ tài tử Mia Farrow đặt tên Thế vận Bắc Kinh là “Thế vận Diệt chủng” (Genocide Olympics). Ngoài những vận động tẩy chay trong giới điện ảnh, ngày 14 tháng 2, 2008, tám khôi nguyên giải Nobel Hoà bình đã cùng ký tên với hàng trăm nhân vật thuộc nhiều ngành hoạt động tại nhiều nước trên thế giới, trong một lá thư kêu gọi Trung Quốc cần có thái độ tích cực hơn nữa để chấm dứt vụ diệt chủng tại Darfur. Lá thư buộc tội Trung Quốc đã mua gần hết dầu của Sudan, cung cấp tiền và võ khí cho chính quyền nước này tiếp tục chính sách diệt chủng. Trung Quốc đã không làm điều có thể làm được để chấm dứt cuộc tàn sát hàng trăm ngàn người, và như thế, coi như đồng loã.

Trong khi ấy, tổ chức Phái viên không biên giới có trụ sở chính tại Paris đã phát động một chiến dịch kêu gọi tẩy chay Thế vận Bắc Kinh, vì Trung Quốc đã không tôn trọng tự do báo chí, và đàn áp, cầm tù ký giả. Huy hiệu 5 vòng của Thế Vận quốc tế đã được vẽ lại giống 5 chiếc còng tay.

Ngoài chuyện làm ngơ trước chính sách diệt chủng ở Darfur, Trung Quốc còn hậu thuẫn cho chế độ độc tài quân phiệt Miến Điện, các chế độ Cộng sản Bắc Hàn và Cuba.

Giống như Quốc xã đã làm sạch bộ mặt Thế vận bằng cách bắt nhốt các thành phần chống đối, Trung Quốc cũng đã có sẵn trong tù các nhà vận động nhân quyền. Tại phiên xử Dương Xuân Lâm (Yang Chunlin) ngày 19 tháng 2, biện lý đã nói với thẩm phán rằng: chỉ riêng việc phổ biến trên internet lời kêu gọi “Chúng tôi cần nhân quyền, không cần Thế vận” cũng đủ là lý do để bị cáo lãnh án tù.

Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Bush đã truyên bố sẽ đi dự Thế vận Bắc Kinh. Ủy ban Thế vận Anh, chẳng những không tẩy chay, còn yêu cầu các lực sĩ phải ký giấy cam kết không được lên tiếng chỉ trích hay có thái độ chống đối Trung Quốc trong thời gian tham dự Thế vận. Bị chống đối mạnh, Ủy ban nói sẽ xét lại quyết định này. Nhưng thái tử Charles đã tuyên bố tẩy chay, mặc dầu Thế vận mùa hè kế tiếp vào năm 2012 sẽ diễn ra tại Luân Đôn.

Tại Việt Nam, ngoài lời kêu gọi tẩy chay của một số cá nhân, còn một phong trào của sinh viên vận động trên internet, kêu gọi biểu tình tẩy chay Thế vận Bắc Kinh, nhân dịp đuốc Thế vận rước từ Bình Nhưỡng (Pyongyang – Bắc Hàn) tới Sài Gòn vào ngày 29 tháng 4. (Đuốc tới Bangkok ngày 19-4, không tới ngay Sài Gòn bằng đường gần nhất, mà bỏ ra 10 ngày vòng xuống Mã Lai, Nam Dương, sang tận Úc, lên Nhật Bản, Đại Hàn, rồi mới tới Sài Gòn ngày 29 tháng 4, trước khi qua Hoàng Sa trên đường tới Hồng Kông. Tại sao đuốc tới Sài Gòn ngày 29-4? Tại sao qua Hoàng Sa trước khi tới lục địa Trung Quốc? Có âm mưu gì giữa Trung Quốc và Việt Nam?) Lý do tẩy chay là để phản đối Trung Quốc đã ngang nhiên chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Thế vận và chính trị

Trung Quốc đã chỉ trích những người chủ trương tẩy chay là muốn chính trị hoá Thế vận. Nhưng chính Trung Quốc cũng đã dùng Thế vận vào mục tiêu chính trị. Và lịch sử đã chứng tỏ, Thế vận luôn luôn dính dáng tới chính trị. Tại mỗi lễ phát giải thưởng, việc thượng kỳ các nước có lực sĩ đoạt giải nhất, nhì, ba, và cử quốc ca nước có lực sĩ được mề đay vàng, cũng là việc làm mang mầu sắc chính trị.

Riêng trong nửa cuối thế kỷ 20, đã có nhiều nước tẩy chay bốn Thế vận vào các năm 1956, 1976, 1980, và 1984:
  • Thế vận 1956 tại Melbourne, Úc: Các nước Ai Cập, Lebanon, và Iraq tẩy chay vì Anh, Pháp đổ bộ Kênh Suez. Các nước Tây Ban Nha, Hoà Lan và Thụy Sĩ tẩy chay vì Liên Xô đàn áp Hung Gia Lợi. Trung Cộng tẩy chay vì sự hiện diện của Đài Loan. Hình ảnh đẹp là các lực sĩ Đông và Tây Đức nhập chung một phái đoàn.
  • Thế vận 1976 tại Montreal, Canada: 26 nước Phi châu tẩy chay vì yêu cầu cấm phái đoàn Tân Tây Lan không được thoả mãn. Nguyên do là trước Thế vận, đội bóng chầy (rugby) của Tân Tây Lan sang giao đấu bên Nam Phi, nước này vào thời đó theo chính sách kỳ thị mầu da (Apartheid). Đài Loan không được tham dự, vì Canada không thừa nhận đảo quốc này.
  • Thế vận 1980 tại Moscow, Liên Xô: Hoa Kỳ tẩy chay vì Liên Xô xâm lăng Afghanistan năm 1979. Tổng thống Carter đề nghị dời Thế vận tới nước khác, như Hy Lạp, nhưng Ủy hội Thế vận Quốc tế không đồng ý. Ủy ban Thế vận Hoa Kỳ bỏ phiếu tẩy chay.
  • Thế vận 1984 tại Los Angeles, Hoa Kỳ: Liên Xô tẩy chay. Lý do chính thức là “quan tâm về sự an nguy của các lực sĩ tới một môi trường chống cộng”. Thực sự là để trả đũa vụ Hoa Kỳ tẩy chay Thế Vận Moscow bốn năm trước.
Nói chung, Thế vận nào cũng liên hệ tới chính trị, chỉ khác nhau về mức độ. Tại các nước dân chủ và phát triển, tổ chức Thế vận thường là chuyện của một thành phố lớn, chính trị không đóng vai trò chính. Tẩy chay hay không cũng chẳng ảnh hưởng nhiều. Dù bị Liên Xô tẩy chay, Thế vận Los Angeles 1984 vẫn thành công tốt đẹp. Với những nước độc tài như Quốc xã Đức, Liên Xô hay Cộng sản Trung Quốc, Thế vận là chuyện quốc gia đại sự, chính trị quan trọng hơn thể thao. Bị tẩy chay hay thất bại, cả chế độ bị tổn thương. Khi Thế vận đã được sử dụng cho mục tiêu chính trị, thì tẩy chay hay không cũng là một thái độ chính trị tương xứng. Không tẩy chay là thái độ chính trị đồng loã. Tẩy chay là thái độ chính trị bất bình.

Đối với Việt Nam, tẩy chay Thế vận Hội Bắc Kinh dưới mọi hình thức là cơ hội hiếm có trong tầm tay, để tỏ thái độ trước việc Trung Quốc ngạo mạn chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã chứng tỏ không đủ tài lực để bảo vệ lãnh thổ ông cha để lại, ít nhất cũng phải có trách nhiệm bầy tỏ thái độ qua hình thức tẩy chay Thế vận, để ghi lại dấu tích trong lịch sử, hầu con cháu sau này còn có một chút căn cứ mà đòi lại.


Tài liệu tham khảo
© 2008 talawas