trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
21.3.2008
Emily Bronte
Đỉnh Gió Hú
Nhất Linh, Nguyễn Tường Thiết dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
Nguyễn Tường Thiết giới thiệu
Tác giả Emily Bronte (1818-1848) và Wuthering Heights

Emily Bronte sinh năm 1818, con một vị mục sư nghèo và nghiêm khắc người Ái Nhĩ Lan, mẹ là người Anh. Nữ sĩ là người thứ tư trong số sáu chị em, năm gái một trai, trong đó chị là Charlotte và em gái là Anne đều là văn sĩ danh tiếng. Gia đình ở Thornton, một làng xa xôi khuất nẻo thuộc tỉnh Yorkshire, Anh quốc. Mấy chị em sinh trưởng ở đấy như những cô gái cấm cung ít được tiếp xúc với đời.

Emily Bronte rất ít có cơ hội đi học, và tuy sự học chẳng đi đến đâu, cô cũng có thời gian đi dậy học tại Halifax năm lên 18 tuổi. Nhưng sáu tháng sau cô trở về vì cảm thấy nghề làm cô giáo vất vả quá. Không kể một vài lần đi thăm viếng những thành phố lân cận, Emily suốt đời quanh quẩn ở nhà, kéo dài những ngày tháng nghèo nàn bệnh hoạn giữa khung cảnh thê lương của miền hoang dã. Năm ba mươi tuổi, nữ sĩ chết vì bệnh lao sau khi đã tận tụy làm việc để cứu giúp người em trai nghiện rượu và thuốc phiện. Để đền bù lại, người em trai này đã chết trước Emily ba tháng.

Thoạt tiên ba chị em chung nhau xuất bản một tập thơ nhưng không thành công, và xoay sang viết tiểu thuyết. Charlotte viết cuốn Jane Eyre (Kiều Giang) và được hoan nghênh ngay. Emily viết cuốn Wuthering Heights tức Đỉnh Gió Hú này dưới bút hiệu là Ellis Bell và xuất bản vào cuối năm 1847, một năm trước khi nữ sĩ qua đời tại Haworth vào ngày 19 tháng chạp năm 1848.

Mới đầu ít người biết thưởng thức tác phẩm này. Đối với thời cổ xưa ấy người ta cho là thô lỗ, tục tằn. Nhưng rồi càng ngày người ta càng nhận thấy chân giá trị của nó và hoan nghênh nhiệt liệt. Chua chát thay, Emily đã không còn sống để biết mình nổi tiếng.

Nhà văn W. Somerset Maugham đã chọn Đỉnh Gió Hú là một trong mười cuốn tiểu thuyết ông cho là hay nhất thế giới.

Ông viết: “Đỉnh Gió Hú không phải là một cuốn sách để chúng ta đàm luận, nó là một cuốn sách để chúng ta đọc... Nó chứa đựng một thứ mà rất ít tiểu thuyết gia có thể cho chúng ta, ấy là Năng lực. Tôi chưa thấy một cuốn tiểu thuyết nào mà nỗi buồn rầu thống khổ, niềm vui sướng điên cuồng, tính độc ác vô tình, sự ám ảnh của ái tình được diễn tả một cách kỳ diệu như trong Đỉnh Gió Hú.”


Dịch giả Nhất Linh (1906-1963) và Đỉnh Gió Hú

Đỉnh Gió Hú là tác phẩm dịch thuật duy nhất của văn hào Nhất Linh.

Ông đã dành những giờ rảnh hiếm hoi trong cuộc đời rất bận rộn của ông để dịch cuốn Wuthering Heights này từ nguyên tác Anh ngữ phối hợp với bản Pháp ngữ Les Hauts de Hurle-Vent của dịch giả Frédéric Delebecque. Đầu tiên ông dịch nhan truyện là Mỏm Gió Hú, sau mới sửa thành Đỉnh Gió Hú trước khi đăng một phần trên Nguyệt san Tân Phong (Sài Gòn, Việt Nam) vào năm 1960.

Trong bản thảo viết tay mà chúng tôi hiện giữ có ghi những mốc thời gian từ lúc khởi dịch cho đến khi kết thúc: 19-12-1952, 21-8-1953, 27-6-1960 và 18-1-1962. Như vậy, sau khi viết xong cuốn tiểu thuyết sau cùng Giòng sông Thanh Thủy vào năm 1961, Nhất Linh đã cố gắng mà không dịch xong Đỉnh Gió Hú trước khi ông qua đời vào ngày 7-7-1963.

Năm 1974 chúng tôi phụ trách nhà xuất bản Phượng Giang có nhờ nhà văn Bảo Sơn dịch tiếp và Đỉnh Gió Hú được xuất bản lần đầu tiên năm 1974 tại Sài Gòn, Việt Nam.

Hiện nay vì không có trong tay ấn bản của nhà Phượng Giang để in lại, nên chúng tôi quyết định đánh máy từ bản thảo của Nhất Linh và tự dịch tiếp một số chương cuối để hoàn tất và tái bản cuốn truyện giá trị này. Chúng tôi cố gắng theo sát tinh thần dịch thuật của văn hào Nhất Linh để giữ cho hơi văn toàn tác phẩm được thuần nhất.

Về phương diện khả năng ngoại ngữ, có thể văn hào Nhất Linh không phải là trội bật so với nhiều dịch giả khác, nhưng về mặt thận trọng và nhất là qua tâm hồn tinh tế của một nhà văn sâu sắc như Nhất Linh, chúng tôi có thể đoan chắc ông đã diễn đạt được, qua bản Việt ngữ, những ngõ nhách thâm sâu nơi tâm hồn những nhân vật trong tác phẩm kỳ lạ này của nữ văn hào Anh quốc Emily Bronte.

Dịch giả Nhất Linh đã ca tụng Đỉnh Gió Hú như là một trong những cuốn truyện hay nhất thế giới. Trong cuốn biên khảo của ông Viết và đọc tiểu thuyết, Nhất Linh đã xếp Đỉnh Gió hú vào “những sách hay của nhân loại, đời đời công nhận, có giá trị bền mãi với thời gian, như những cuốn Chiến tranh và Hòa bình, An-Na Kha-Lệ-Ninh, Tình nghĩa vợ chồng, Một bản đàn của Tolstoĩ, cuốn Những linh hồn chết của Gogol, cuốn Mấy anh em Karamazov, Những người bị ám ảnh của Dostoievsky...”

Cũng trong cuốn biên khảo đó, Nhất Linh còn viết: “Trong cuốn sách lạ lùng của nữ văn hào Anh quốc Emily Bronte, cuốn Đỉnh Gió Hú, xuất bản năm 1847, tác giả đã để một người vú già kể chuyện lại. Một vú già kể chuyện thì còn làm gì có những chỗ giảng giải về tâm hồn, ý nghĩ nhân vật nữa, tuyệt nhiên không có, tuyệt nhiên vú già chỉ là người đứng ngoài thôi. Thế mà chỉ bằng một giọng kể chuyện rất thường, bằng những chi tiết, vú già đó đã cho người ta thấy tất cả cái sâu xa của tâm hồn người trong truyện.”


Dẫn vào Gió Hú

Nơi một chiếc bàn tròn nhỏ sát cửa kính nhìn ra hồ Green Lake... tôi đã tìm được một nơi lý tưởng để “viết”.

Bàn thật nhỏ. Tôi phải thu xếp gọn để có thể đặt được mọi thứ trên đó. Chiếc “laptop” đã chiếm gần hết mặt bàn. Phần còn lại dành cho ly cà phê Starbucks, chiếc bánh croissant bơ, nhật báo Seattles Times. Còn tập bản thảo dịch Đỉnh Gió Hú của Nhất Linh tôi chưa biết đặt ở đâu đành để chồng lên trên tờ báo.

Đầu mùa hạ, tôi về hưu. Tôi tự đặt cho mình những công việc phải làm. Ví dụ như phải vận động để giữ sức khỏe tốt, phải đánh máy bản thảo của ông cụ, bản thảo dịch cuốn tiểu thuyết Wuthering Heights của Emily Bronte, phải tiếp tục việc làm của ông cụ là dịch nốt một số chương cuối của cuốn tiểu thuyết, công việc ông cụ chưa hoàn tất khi qua đời.

Tôi tìm được một nơi có thể thực hiện cả hai thứ một lúc. Hồ Green Lake và quán cà phê Starbucks. Buổi sáng tôi thức dậy sớm lái xe đến hồ, đậu xe ở parking, chạy bộ một vòng quanh hồ chu vi 5 cây số, rồi tay xách cặp laptop, tôi đi ngang vườn hoa băng qua đường vào quán cà phê.

Nơi đó nếu phía trong quán khách không ngồi đông lắm như hôm nay, tôi có một chỗ ngồi lý tưởng có thể vừa đánh máy vừa nhìn được cảnh bên ngoài.

Qua cửa kính bên kia đường là khu vườn cây rậm rạp. Những hàng cây phong thẳng tắp. Ở cuối hàng cây hồ Green Lake lấp loáng trong ánh nắng. Thứ nắng lăn tăn trên nước tôi thoáng thấy trong trí nhớ từ thương xá Tràng Tiền Plaza Hà Nội nhìn sang bên kia đường khu vườn cây, sau những hàng cây xà-cừ đậm màu lá xanh có nắng nhấp nháy trên mặt Hồ Gươm.

Trên vỉa hè dưới hàng hiên rất đông người uống cà phê. Hôm nay hình như khách uống đều dồn cả ra ngoài vỉa hè để ngồi phơi mình dưới con nắng tươi mát hiếm hoi của miền Tây Bắc. Những chiếc bàn tròn, ghế sắt, sơn màu xanh mạ, màu Starbucks của những vòng tròn xanh trên cốc giấy cà phê, trên tạp dề những cô con gái tóc vàng đứng sau quầy.

Tôi cúi xuống cầm tập bản thảo. Tôi đã giữ tập bản thảo này từ hồi nào nhỉ? Không nhớ. Một quyển tập bìa cứng, khổ lớn, 20x27cm, gồm 200 trang giấy ca-rô, trang đầu ông cụ viết nắn nót bằng màu mực xanh lá cây.

EMILY BRONTE
MỎM GIÓ HÚ
NHẤT LINH dịch

PHƯỢNG GIANG
1952

Chữ MỎM xóa đi bằng bút chì, thay bằng chữ ĐỈNH, viết bằng mực đen, ngay phía trên. Lật sang trang ba tôi dò đọc những hàng chữ rất nhỏ của ông cụ và bắt đầu đánh máy:

“Năm 1801 - Tôi vừa đi thăm ông chủ nhà về. Vùng này đối với tôi thực là tuyệt, có lẽ trong toàn cõi nước Anh tôi không thể tìm được một nơi nào xa cách sự huyên náo như ở đây. Thật là cõi thiên đường của những kẻ chán đời: Ông Hy đối với tôi là hai người hoàn toàn hợp với vùng hiu quạnh. Ông Hy chắc không ngờ tôi có thiện cảm với ông ngay, mặc dầu lúc tôi cho ngựa tiến lên, hai con mắt đen của ông sâu hoắm nhìn tôi một cách nghi hoặc và lúc tôi xưng danh, các ngón tay của ông lại thọc sâu một cách rất quả quyết vào túi áo.

Tôi hỏi: ‘Thưa ông, ông có phải là ông Hy [1] không?’

Ông ấy chỉ gật đầu, không trả lời.”

Tôi ngừng tay trên phím chữ. Ông cụ viết bằng mực xanh, những chỗ sửa chữa viết bằng mực đen. Như vậy là ông cụ không sửa ngay khi vừa viết xong một đoạn, như thói quen viết văn của tôi. Câu: Thật là một cõi thiên đường của những người chán đời đầu tiên ông cụ viết là thiên đường của những người yếm thế. Còn câu: Ông ấy chỉ lẳng lặng gật đầu được sửa thành Ông ấy chỉ gật đầu, không trả lời.

Bên cạnh niên hiệu 1801, có ghi một hàng nhỏ 19-12-52. Đây là ngày Nhất Linh khởi dịch Đỉnh Gió Hú.

Những dòng chữ đó thật xa. Ông cụ ở đâu vào ngày 19 tháng 12 năm 1952, khi viết những dòng chữ này?

Sát gần tôi, bên kia cửa kính, là phía sau đầu của một cô gái Mỹ. Cô ngồi ngửa trên chiếc ghế sắt ở ngoài hiên, đầu ngả sát cửa, chăm chú đọc một quyển tiểu thuyết. Bàn tay cô đưa lên sau gáy lùa nghịch mái tóc. Những ngón tay cử động chậm rãi, lơ là. Một ngón tay xoay xoay cuốn tròn lọn tóc xung quanh ngón rồi bàn tay cô nắm vuốt từ từ kéo xuống phía dưới, lọn tóc tơ óng ả căng như thỏi kẹo kéo màu bạc trắng một thuở nào ông bán hàng kéo dài trong tuổi thơ tôi. Năm đó tôi 12 tuổi.

Tôi mở cửa vào phòng ông cụ, một gian buồng nhỏ trong căn nhà của bác Thụy tôi số 12P đường Chasseloup Laubat Sài Gòn. Ông cụ viết những dòng đó trên chiếc ghế vải trong tư thế nửa nằm nửa ngồi. Thảo nào bản thảo Đỉnh Gió Hú là một tập sách bìa cứng.

Tôi lật xem từng tờ của quyển bản thảo. Bên lề cứ cách mấy trang lại có ghi những dấu thời gian. 24-12-52, 1-1-53 (10 giờ tối). Bên dưới ngày 5-1-53 lại ghi thêm hàng chữ nhỏ: Thiếu thuốc lá văn vô vị, 4 giờ sáng mua ở đâu ra, hỡi trời? Dưới đó lại viết: 5 giờ sáng mua được hai điếu của người phu xe, lại có cà phê ngon của anh Trí. Mấy phút tuyệt hảo.

Thú vị quá! Ông cụ chắc không thể ngờ rằng thằng con ông hơn nửa thế kỷ sau đã khám phá một cách hứng thú những dòng chữ chua bên lề bản thảo.

Những hàng chữ này ông cụ viết ở nơi nào? Chắc chắn không phải ở nhà bác Thụy, vì bác Nguyễn Gia Trí không bao giờ ngủ qua đêm ở đó. Đúng rồi! Thời gian này ông cụ đã thuê một căn nhà riêng để lấy chỗ làm việc. Tôi chưa bao giờ đến đó nhưng các anh tôi nói đó là chỗ làm việc chung của ba người: Nhất Linh, Nguyễn Gia Trí, Trương Bảo Sơn. Gian nhà nhỏ nằm trong một con hẻm, hẻm đình Phú Thạnh; đầu hẻm đâm ra đường Lê Văn Duyệt, khúc ngã tư Phan Đình Phùng, gần Tòa Đại Sứ Miên.

Tôi đánh máy tiếp. Trong lúc tay tôi lua đi trên phím chữ, mắt theo dõi những hàng chữ nhỏ li ti trên bản thảo thì trí tôi lại trôi ngược về quá khứ.

Đà Lạt một nửa thế kỷ trước.

Năm 1956 - Ông cụ dịch được non nửa cuốn truyện của Bronte và tôi lần đầu tiên đọc Đỉnh Gió Hú. Quyển truyện này cuốn hút tôi mãnh liệt ngay từ chương đầu. Một đoạn văn ma quái của Emily Bronte để dấu ấn rất mạnh trong óc tôi.

Năm ấy ông cụ ở căn nhà số 19 đường Đặng Thái Thân Đà Lạt. Trên đỉnh đèo Prenn con đường Nguyễn Tri Phương dẫn vào thành phố. Tại một khúc cong, cạnh tòa nhà số 17, một con đường nhỏ, cụt, trải đá vụn dẫn vào tòa nhà “Gió Hú” của chúng tôi. Đó là một căn nhà bằng đá, tường dầy, cửa sổ thụt sâu, mái nhọn, đứng một mình, chênh vênh nhìn xuống một triền đồi thông trùng điệp, một biệt thự duy nhất còn đứng vững trong một khu vực toàn những căn nhà bỏ hoang xây cất từ thời Pháp thuộc.

Tuy là nơi cư trú của cả hai gia đình, gia đình chúng tôi và gia đình ông bà Lê Đình Gioãn, nhưng vì hồi đó phần lớn những người của hai gia đình đều sinh sống ở Sài Gòn, thỉnh thoảng mới kéo nhau lên Đà Lạt, nên trên thực tế “Gió Hú” của chúng tôi rất ít người ở. Thường xuyên chỉ có mặt ba người sống lặng lẽ ở đó là ông cụ, chị Thoa và tôi.

“Would you like to try some?”

Tôi ngửng lên. Cô gái Starbucks chìa khay trước mặt tôi. Trên khay có những miếng bánh được cắt thành hình hộp nhỏ vuông vắn, mỗi miếng có gắn que tăm. Tôi kẹp tăm giữa hai ngón tay, ngước nhìn cô gái nói cám ơn rồi tôi cúi xuống tiếp tục đánh máy:

“Tòa nhà của ông Hy lấy tên là Đỉnh Gió Hú: sở dĩ gọi Gió Hú vì những khi trời bão, gió lồng lộng hú lên trong tòa nhà đó. Trên mỏm cao ấy chắc quanh năm không khí trong lành. Người ta biết ngay gió bấc trên đó thổi rất mạnh vì những cây thông cằn mọc ở đầu nhà nghiêng hẳn về một phía và một dẫy cây gai chĩa cành về một bên như muốn dướn ra đớp lấy ánh sáng mặt trời. Cũng may tòa nhà xây cất chắc chắn, cửa sổ hẹp thụt sâu vào tường và có viền đá nhô ra để chắn gió.”

Đoạn văn trên đây của Emily Bronte khiến tôi liên tưởng đến căn nhà “Gió Hú” của chúng tôi. Ngoài nhìn vào thì trông như nhà một tầng, nhưng thật ra là ba. Từ cửa tò vò đi vào là gian chính, gồm một phòng khách thật lớn và hai buồng ngủ. Ngay sau cửa vào có hai cầu thang, một đi lên, một đi xuống. Đi lên là gác xép. Đi xuống là nhà bếp. Gác xép là nơi ngủ của bọn con trai chúng tôi. Khi các anh tôi và các anh con bác Gioãn từ Sài Gòn kéo lên thì chúng tôi chen chúc nhau ngủ trên đó. Đến khi các anh ấy về lại Sài Gòn thì tôi ngủ ở đấy một mình.

Những đêm mưa nằm ngửa nhìn lên những cây đà gỗ bắc xiên xuống, tai nghe rõ từng tiếng mưa đập trên mái ngói và cảm nhận khí lạnh ẩm ướt của miền cao nguyên theo gió len vào phòng qua các khe hổng nhỏ giữa những xà ngang. Qua những khe đó vào đêm giông bão tôi nghe cây thông sau nhà quằn quại đập cành vào cửa sổ gác xép, nơi đó thỉnh thoảng lóe lên một ánh chớp làm sáng hiện những giọt nước mưa trượt đi chạy ngoằn ngoèo trên mặt kính.

Dưới nhà căn phòng khách là giang sơn của ông cụ. Phòng có rất nhiều cửa kính nhìn xuống triền núi. Màu lá cây của rừng thông trải dài xuống cuối thung lũng sâu. Rừng thông nối nhau nhấp nhô trên những quả đồi thấp đến tận chân trời, nơi đó màu xanh mạ chuyển dần sang màu xanh lam. Trong phòng khách ông cụ treo rất nhiều hoa phong lan trên tường. Trên sàn nhà cũng đặt nhiều chậu lan đất, phần lớn là lan Thanh Ngọc. Chúng ôi được lệnh phải cởi giầy khi bước vào phòng này, vì sàn nhà lúc nào cũng sạch bóng được lát bằng những miếng gỗ đặt chéo nhau. Mỗi tháng một lần tôi thấy ông cụ bò trên sàn nhà lấy giẻ bôi xi-ra đánh bóng từng phiến gỗ một. Giữa phòng có bộ xa-lông, trên chiếc bàn tròn, tôi thấy hai tập bản thảo của ông cụ, tập Xóm Cầu Mới gồm 4 quyển và một tập Đỉnh Gió Hú. Những hôm ông cụ vắng nhà tôi thường vào phòng khách tẩn mẩn giở những tập này ra xem. Tôi không đọc mà chỉ nhìn những hình ông cụ vẽ trong hai tập bản thảo. Tôi nghiệm ra rằng thời gian này ông cụ chỉ đụng đến tập Xóm Cầu Mới, còn truyện dịch Đỉnh Gió Hú ông cụ không ngó ngàng tới. Chính vì thế mà tôi nghĩ nếu mình có “mượn tạm” mấy ngày cuốn truyện dịch mang lên gác xép đọc thì chắc là ông cụ cũng chẳng hay biết.

Chị Thoa là người đầu tiên đặt nghi vấn căn nhà này có ma. Tuy trong bụng không tin nhưng tôi bắt đầu cảm thấy rờn rợn. Tôi bắt đầu sợ bóng tối. Tôi sợ những đêm mưa gió. Mà Đà Lạt trong trí tưởng tôi thì hầu như quanh năm lúc nào cũng mưa gió. Những đêm nằm trong bóng tối tôi nghe những giọt mưa rỉ rả rơi trên mái ngói, tiếng mưa miên man rền rĩ trôi vào trong giấc ngủ tôi. Kể từ ngày chị Thoa nói nhà có ma tôi chong đèn suốt đêm, cái ngọn đèn điện nhỏ ở đầu giường trước đây tôi thường tắt trước khi ngủ.

Cho đến một đêm kia thì tôi tin là nhà có ma thật. Bởi vì chính tôi nhìn thấy “nó” tận mắt. “Nó” hiện ra sau cái cửa sổ kính kia vào một đêm mưa bão. Đêm ấy nơi cửa sổ kính lóe lên một lằn chớp. Tôi thấy sau những giọt nước mưa chạy ngoằn ngoèo trên mặt kính là khuôn mặt ướt át tái nhợt của một cô con gái ở ngoài nhìn trừng trừng vào trong.

Chỉ một thoáng thôi. Nhưng tôi đã bừng dậy. Hoảng sợ tôi hấp tấp bước xuống cầu thang. Qua cánh cửa mở buồng ngủ nhà dưới ông cụ vẫn còn ngồi viết dưới ánh sáng một ngọn đèn chụp. Tôi hấp tấp quá thành thử gây tiếng động mạnh. Ông cụ quay đầu về phía sau nói: “Con chưa đi ngủ à?” Không biết trả lời ra sao tôi lẳng lặng đi vào buồng tắm giả vờ như đi tiểu.

Lát sau tôi lên gác. Tôi ngồi bên cạnh giường, mắt không rời ngọn đèn con. Tôi tránh nhìn bóng tối. Tôi tránh nhìn cửa sổ.

“... tôi bắt đầu díu mắt lại nằm dài trên giường ngủ thiếp đi. Từ lúc tôi biết đau khổ đến giờ chưa có một kỷ niệm nào ghê gớm bằng đêm ấy.”

“I'm sorry....”

Tôi ngước lên. Người đàn ông cầm cốc cà phê Starbucks lách qua dẫy ghế, hông của ông ta đụng vào làm xô lệch quyển bản thảo Đỉnh Gió Hú tôi đặt hơi lòi ra ngoài bàn.

Bên ngoài cửa kính mái tóc vàng của cô gái Mỹ không còn nữa. Thay vào đó là một mái tóc đen, dài, mượt. Không nhìn phía trước tôi không đoán được cô gái có mái tóc đen là người Tàu, người Nhật hay người Việt Nam. Chỉ đoán là cô rất trẻ. Trên bàn của cô, giống như bàn tôi, có một cái laptop để mở, tôi không nhìn thấy màn chữ vì ánh phản quang. Bên cạnh laptop là một quyển sách Calculus dầy cộm. Nhưng cô ta không có vẻ như một sinh viên chăm học. Cô đang cho chim ăn.

Bầy chim sẻ bay túa lên cao. Một thanh niên và một thiếu nữ vừa kéo ghế ngồi cạnh bàn cô gái tóc đen. Lát sau đàn sẻ lại xà xuống. Chúng nhẩy lích chích những bước ngắn trên hè. Cô tóc đen giở bao giấy véo một mẩu bánh ngọt vứt xuống. Lập tức cả chục chiếc cánh đập rối lên xà vào chân ghế. Một con mỏ ngậm mẩu bánh bay vụt lên, cả bầy bay quấn theo sau.

Tôi cúi xuống đánh máy tiếp. Tôi đánh máy đoạn văn sau đây trong chương III của tập bản thảo. Chính đoạn văn này đã để lại dấu ấn rất mạnh trong óc tôi, cậu bé 16 tuổi:

“… tôi bắt đầu díu mắt lại nằm dài trên giường ngủ thiếp đi. Từ lúc tôi biết đau khổ đến giờ chưa có một kỷ niệm nào ghê gớm bằng đêm ấy.

Tôi nằm mơ cùng đi với bác Dọi đến nhà thờ, có rất đông người nghe giảng đạo. Tôi thì tôi mệt lắm! Tôi vặn người, tôi ngáp, ngủ gật rồi tỉnh dậy. Tôi lấy tay thích bác Dọi để bác cho tôi biết bao giờ thì giảng xong. Rồi bỗng nhiên tất cả mọi người xúm quanh tôi, giơ gậy định đánh tôi. Trong lúc hỗn loạn những chiếc gậy định đập vào đầu tôi lại đập lầm vào sọ người khác. Nhà thờ vang lên chí chát những đòn tấn công và phản công. Rồi người giảng đạo đập tới tấp như mưa rào trên bàn giảng đạo, tiếng đập dữ dội làm tôi choàng dậy và cảm thấy người nhẹ nhõm hẳn.

Tại sao tôi lại mơ thấy chuyện đánh lộn nhau và người giảng đạo đập bàn? Thì ra chỉ tại một cành thông mỗi lần gió thổi lại chạm vào cửa sổ, quả thông cứng đập vào mặt kính!

Tôi lắng nghe một lúc, trong lòng ngờ ngờ vực vực, rồi tôi trở người, chập chờn ngủ tiếp và lại mơ, lần này còn tệ hại hơn.

Tôi nhớ ra mình đang nằm trong cái buồng bé tí bằng gỗ sồi và tôi nghe rõ ràng tiếng ào ào của gió tuyết cùng tiếng đập tới tấp của quả thông, tiếng động làm tôi bực mình quá và nhất định tìm cách làm cho nó im đi... tôi trở dậy định mở cửa sổ. Cái quả nắm lại gắn chặt vào ổ khoá.

‘Nhất định phải mở...’ tôi lẩm bẩm thế. Tôi đấm mạnh cho cửa kính vỡ rồi thò tay ra ngoài tìm cái cành thông khó chịu kia. Nhưng đáng lẽ nắm lấy cành thông thì ngón tay tôi lại nắm vào những ngón của một bàn tay nhỏ, lạnh như nước đá. Cả cái ghê sợ cực điểm của giấc mơ chiếm lấy người tôi: tôi cố kéo tay về nhưng bàn tay kia cứ bám chặt lấy và một tiếng nói giọng buồn thương vô hạn thổn thức: ‘Cho em vào! Cho em vào!’ Tôi vừa gỡ cánh tay ra vừa hỏi: ‘Cô là ai?’ Tiếng đáp lại run run: ‘Tôn Liên đây. Em đã tìm về nhà được. Em vừa bị lạc trong rừng cỏ.’ Tiếng ấy tiếp tục nói và tôi thấy mơ hồ nét mặt của một người trẻ tuổi nhìn vào cửa sổ. Sự kinh hoàng khiến tôi trở nên độc ác. Biết là mình không thể gỡ tay ra nổi, tôi kéo cổ tay cô ta để lên miếng kính vỡ rồi cứa đi cứa lại cho đến khi máu chẩy ra đẫm ướt cả khăn giường. Tiếng nói vẫn rên rỉ: ‘Cho em vào’ và bàn tay vẫn nắm chặt lấy tay tôi khiến tôi gần như điên lên vì kinh sợ. Sau cùng tôi bảo: ‘Tôi mở thế nào được nếu cô muốn vào cô phải bỏ tay tôi ra đã.’ Các ngón tay thả lỏng ra, tôi vội rụt tay tôi vào, lấy sách chất đầy lên che lỗ hổng, rồi bịt tai lại để khỏi nghe thấy tiếng kêu than rên rỉ. Tôi đứng yên như thế độ mười lăm phút, song mỗi khi để ý nghe, lại thấy tiếng rên rỉ đau thương ấy tiếp tục. Tôi kêu lên: ‘Đi ngay đi, cô có van xin tôi trong hai mươi năm tôi cũng không cho cô vào.’

Tiếng nói lại rên rỉ: Đã hai mươi năm rồi, hai mươi năm, đã hai mươi năm em đi lang thang. Rồi tôi nghe như có tiếng cạo cạo ở ngoài và chồng sách động đậy như bị đẩy vào phía trong. Tôi định đứng lên, nhưng không sao cử động được tay chân: tôi hoảng sợ đến điên dại rồi gào thét ầm lên.

Tôi ngạc nhiên nhận thấy tiếng gào thét của tôi là có thực chứ không phải là tiếng trong một giấc mơ...”

*



Tôi choàng dậy. Cơn bão khiến đèn điện trong nhà tắt hết. Có tiếng bước nhanh lên cầu thang. Ông cụ đứng ở cửa, tay cầm ngọn nến. Ánh nến hắt từ dưới lên lõm những bóng sâu trên gương mặt khiến ông cụ trông khắc khổ như một pho tượng đồng.

Ông khom người lại gần giường đưa cây nến lại gần mặt tôi, nói dịu dàng:

“Con lại mơ ngủ rồi!”

Nói xong ông cụ cúi xuống nhặt lên một tập bìa cứng cầm trên tay rồi ông quay người lẳng lặng bước xuống cầu thang.

Đó là tập bản thảo dịch Đỉnh Gió Hú của Nhất Linh tôi đang đánh máy 50 năm sau tại một quán cà phê Starbucks thành phố Seattle ngày 23 tháng 8 năm 2006.

Nơi một chiếc bàn tròn nhỏ sát cửa kính nhìn ra hồ Green Lake...

Nguyễn Tường Thiết



Chương I

Năm 1801 - Tôi vừa đi thăm ông chủ nhà về. Vùng này đối với tôi thực là tuyệt, có lẽ trong toàn cõi nước Anh tôi không thể tìm được một nơi nào xa cách sự huyên náo như ở đây. Thật là cõi thiên đường của những kẻ chán đời: Ông Hy đối với tôi là hai người hoàn toàn hợp với vùng hiu quạnh. Ông Hy chắc không ngờ tôi có thiện cảm với ông ngay, mặc dầu lúc tôi cho ngựa tiến lên, hai con mắt đen của ông sâu hoắm nhìn tôi một cách nghi hoặc và lúc tôi xưng danh, các ngón tay của ông lại thọc sâu một cách rất quả quyết vào túi áo.

Tôi hỏi:

“Thưa ông, ông có phải là ông Hy [2] không?”

Ông ấy chỉ gật đầu, không trả lời. Tôi tiếp theo:

“Thưa ông tôi là Lộc [3] người mới thuê Họa Mi Trang của ông. Tôi phải vội vàng đến thăm ông ngay, vì tôi sợ đã làm phiền ông vì tôi đã quá ư khẩn khoản đòi thuê cho bằng được Họa Mi Trang, còn ông thì hình như...”

Ông Hy ngắt lời tôi có vẻ hậm hực:

“Họa Mi Trang, thưa ông, hoàn toàn thuộc về tôi. Tôi không để ai làm phiền tôi nếu tôi tránh được... Mời ông vào!”

Lúc nói hai tiếng “ông vào” răng ông nghiến lại như có vẻ bảo tôi: giá anh cút đi thì hơn! Ông Hy mời tôi vào nhưng ông không nhúc nhích cánh cổng. Có lẽ chính vì thế mà tôi nhận lời vào: Tôi thấy ông ta hay hay vì chính ông lại có vẻ “kệ xác đời” hơn cả tôi nữa.

Khi ông Hy thấy con ngựa của tôi ấn ngực vào cánh cổng, ông mới chịu rút tay ở túi áo ra, tháo dây xích buộc cổng rồi đi vào một cách miễn cưỡng. Vào đến sân ông Hy gọi to:

“Dọi [4] ơi, ra dẫn ngựa của ông Lộc, và đem rượu vang lên đây.”

Câu ấy làm tôi hiểu ngay cả nhà ông ta chỉ có một người đầy tớ. Thảo nào mà cỏ mọc đầy kẽ gạch, và súc vật tự do sửa dậu cây. Bác Dọi là người đã có tuổi nhưng vẫn còn cứng cáp khỏe mạnh. Trong lúc dẫn ngựa tôi đi, bác ta lẩm bẩm một mình, giọng tức bực cầu nhầu:

“Chúa Trời, phù hộ cho chúng ta.”

Bác ta vừa nói vừa nhìn soi mói vào mặt tôi một cách hằn học đến nỗi tôi đoán ngay bác ta kêu trời phù hộ là chỉ cốt trời giúp bác ta dễ tiêu bữa cơm chiều, chứ câu khẩn nguyện ấy không có liên can gì tới việc tôi đến đột ngột.

Tòa nhà của ông Hy lấy tên là “Đỉnh Gió Hú”: sở dĩ gọi “gió hú” vì những khi trời bão, gió lồng lộng hú lên trong tòa nhà đó. Trên mỏm cao ấy chắc quanh năm không khí trong lành. Người ta biết ngay gió bấc trên đó thổi rất mạnh vì những cây thông cằn mọc ở đầu nhà nghiêng hẳn về một phía và một dẫy cây gai chĩa cành về một bên như muốn dướn ra đớp lấy ánh sáng mặt trời. Cũng may tòa nhà xây cất chắc chắn, cửa sổ hẹp thụt sâu vào tường và có viền đá nhô ra để chắn gió.

Ở ngay trên cửa chánh của tòa nhà đó có đề tên “Yên Hạ” kèm theo niên hiệu “1500” [5] . Tôi cũng muốn hỏi ông chủ nhà cảu nhảu càu nhàu về lai lịch vắn tắt của cái nhà đó, nhưng thái độ của ông ở ngoài cổng như tỏ cho tôi biết hoặc phải vào ngay, hoặc phải đi không bao giờ trở lại nữa.

Chúng tôi đi thẳng vào một gian phòng tựa như những gian vừa dùng làm bếp vừa dùng làm nơi tiếp khách. Nhưng ở tòa nhà “Gió Hú” này bếp không biết chạy đi đâu: cạnh cái lò sưởi rộng lớn không có một thứ gì có thể dùng để quay, để luộc, để nướng bánh. Nền nhà làm bằng đá trắng, ghế ngồi sơn xanh và kiểu cổ, lưng tựa cao, bên cạnh tủ đựng chén đĩa có một con chó to béo màu vàng đang nằm nghỉ, chung quanh lúc nhúc một lũ chó con, lại có rất nhiều chó khác mỗi con ngủ một xó.

Ông Hy trông không ăn nhập gì mấy với nhà cửa và lối sống của ông. Hình thù ông ta trông y như một tay giang hồ da sạm nắng, nhưng quần áo và cử chỉ của ông lại có vẻ một người quý phái. Ông Hy ăn mặc có lẽ hơi cẩu thả nhưng cái vẻ cẩu thả ấy không tai hại mấy, vì ông ta đi đứng thẳng thắn, ung dung và có vẻ người rất lịch sự. Vẻ mặt thì đăm chiêu. Nhiều người có thể cho rằng ông có nhiều tự kiêu vô lối, tôi thì có gì ngầm bảo tôi ông không thế, linh tính báo cho tôi hiểu là ông lầm lỳ như vậy chỉ vì tính ghét phô trương cảm tình, ghét bộc lộ những sự thân thiện xã giao.

Ông ta yêu cũng như ghét, không biểu lộ ra ngoài, ai yêu lại, ai ghét lại ông ta, ông ta cũng coi đó như là một sự vô nghĩa lý. Nhưng không, có lẽ tôi đã đi quá, tôi cứ bắt buộc ông ta có những tính tình của tôi. Ông Hy có những lý lẽ có thể khác hẳn tôi khi ông ta không muốn bắt tay một người chỉ muốn bắt tay ông ta.

Mẹ tôi vẫn thường bảo rằng tôi già đời cũng không lập được gia đình; ngay vụ hè năm ngoái tôi đã tỏ ra không xứng đáng là một người có gia đình. Tôi đến bãi biển nghỉ mát thì làm quen ngay với một cô gái có vẻ đẹp quyến rũ tuyệt trần: thật là một tiên nữ đối với tôi trong cả cái thời kỳ mà cô ta chưa để ý gì đến tôi. Tôi không bao giờ ngỏ lòng yêu bằng lời nói, nhưng vẻ mắt nhìn còn “nói” nhiều hơn là lời nói, người óc đơn giản cũng biết ngay là tôi yêu. Về sau cô ta cũng hiểu và nhìn lại tôi bằng một vẻ êm ái hơn tất cả các lối nhìn trên đời. Nhưng lúc đó tôi đã làm gì hỡi trời! Tôi lấy làm xấu hổ mà tự thú rằng lúc đó tôi lạnh lùng co rụt người tôi lại và mỗi lần cô ta nhìn, tôi lại nuôi cho lòng mình lạnh lẽo hơn, lại chui sâu mãi vào cái vỏ của mình, đến nỗi cô ả khốn khổ đó đâm ra nghi ngờ, tưởng mình đã hiểu lầm và lấy làm hổ thẹn rồi xúi mẹ rời đi nơi khác. Cái tính kỳ quặc ấy làm tôi mang tiếng là một anh chàng có định tâm ác, nhưng thực ra thì tôi oan, song chỉ có tôi biết tôi oan thôi.

Tôi ngồi xuống một chiếc ghế bên cạnh lò sưởi và cố tìm cách vuốt ve con chó cái lúc đó đã rời lũ chó con đến lượn vòng quanh chân tôi như một con chó sói, môi ưỡn cong lên, răng trắng muốt nhe ra để cắn. Tôi vuốt ve khiến con chó gầm gừ trong cổ họng. Ông Hy cũng gầm gừ theo con chó, giơ chân đỡ những miếng thị oai nguy hiểm của nó:

“Tôi khuyên ông nên để con chó yên. Nó không muốn làm thân với ai, mà tôi nuôi nó không phải nuôi để làm cảnh.”

Rồi ông Hy lại gọi bác Dọi. Bác Dọi gầm gừ mấy tiếng ở đâu dưới hầm rượu nhưng mãi cũng không thấy dấu hiệu là bác đi lên thành thử ông Hy phải chạy xuống tìm, để lại một mình tôi với con chó cái độc địa nham hiểm và hai con chó nữa, cả ba con đều thi nhau dò la từng cử chỉ của tôi. Không muốn đụng chạm đến những răng nanh nhọn của chúng, tôi đành cố ngồi im, nhưng tưởng chúng không hiểu nổi được những câu chửi ngầm của tôi, tôi nháy mắt nhăn mặt với chúng; không may một vẻ mặt của tôi đã làm cho “bà” chó cái tức tối điên cuồng, “bà” nhẩy ngay lên đùi tôi. Tôi phải đẩy “bà ta” ra và đệm một cái bàn giữa hai bên. Cuộc khiêu khích ấy làm náo loạn tất cả đàn. Đến gần chục quỷ sứ bốn chân, già có, trẻ có, vừa lớn vừa bé, ở các só chạy xổ ra và tập trung lại. Tôi cầm cái gạt than cố sức đối đầu với những chiến sĩ nào hăng máu nhất, và lại thấy cần phải kêu gọi một người nào trong nhà để lập lại nền hoà bình.

Ông Hy và tên đầy tớ ở hầm rượu đi lên, thản nhiên như không: mặc dầu chung quanh tôi chó sủa như vũ như bão, họ vẫn đi thong thả như thường không nhanh không chậm một giây.

Ông Hy nhìn tôi có một vẻ riêng khiến tôi không thể chịu được sau một cuộc đối đãi khinh miệt ấy, rồi ông hỏi:

“Cái quỷ gì vậy?”

Tôi càu nhàu:

“Đúng đấy, thật là quỷ. Quỷ sứ nhà trời cũng không tệ hại như đàn chó này, thưa ngài, giá để khách ngồi với đàn hổ đói còn hơn.”

Ông ta đặt chai rượu xuống trước mặt tôi, nhấc lại cái bàn đặt vào chỗ cũ, rồi nói trống không:

“Kẻ nào vào nhà này mà không đụng chạm đến vật gì thì không bao giờ bị chó chạm đến. Chó thì phải săn sóc nhà cửa, đó là việc của chúng. Một cốc rượu vang?”

“Không, cám ơn.”

“Không bị con nào cắn phải?”

“À, nếu tôi bị cắn thì con nào cắn tôi cũng dừ thần xác với tôi rồi.”

Trên nét mặt ông Hy nở ra một nụ cười nhăn nhó:

“Thôi, thôi, tôi sợ ông quá nóng. Nào uống tí, tôi cũng xin thực thà thưa rằng vì nhà cũng ít khi có khách lắm nên cả chó lẫn chủ đều không thạo cách tiếp khách. Nào, mời ông chạm cốc.”

Tôi cũng dịu lòng, chạm lại cốc ông ta. Tôi bắt đầu nhận ra mình giận dỗi vì một đàn chó điên rồ là vô lý. Vả lại tôi cũng không muốn cho anh chàng cái cớ để trêu chọc mình, xem chừng anh chàng lấy thế làm khoái trí lắm. Có lẽ anh chàng về sau cũng đã cố giữ gìn lắm đấy, vì sợ làm mất lòng một người thuê nhà tốt như tôi. Chắc anh chàng cũng đã cố dùng những tiếng “ông”, tiếng “mời ông”, tiếng “nào” để cho dịu bớt cái lối nói cộc lốc, nhát gừng của ông ta, chắc anh chàng cũng đã muốn nói về một việc có liên can đến cái trại tôi thuê.

Tôi thấy ông Hy rất thành thạo về những việc đem ra bàn, vì vậy trước khi ra về, tôi quả quyết yêu cầu ông ta để ngày mai tôi lại thăm lần nữa. Chắc anh chàng không muốn thế tí nào. Chính vì vậy mà ngày mai tôi sẽ đến. Tôi lấy làm lạ thấy mình còn xã giao hơn cả anh chàng này.


Chương II

Quá trưa trời rất nhiều sương mù và lạnh lắm. Tôi định tâm ngồi sưởi lửa ở buồng làm việc không tội gì mà lội bùn, vượt đồng cỏ hoang đến tận trại Gió Hú. Nhưng khi vào buồng làm việc thấy có chị đầy tớ quỳ trước lò sưởi chung quanh đầy bàn chải và thùng súc than, chị ta đổ tro vào than để dập tắt lửa làm bụi bay mù thiên địa. Thấy vậy tôi lùi ra, lấy mũ đội rồi đi thẳng một mạch hơn sáu cây số [6] đến trước cổng trại Gió Hú. Cũng may vừa tới cổng thì trời bắt đầu đổ mưa tuyết.

Trên cái mỏm Gió Hú trơ trọi ấy, đất cứng lại như nước đá đen và gió thổi lạnh buốt tới sống lưng. Không tháo được giây xích cổng, tôi nhẩy qua hàng rào, chạy vội vào nhà đập cửa, đập hoài đập hủy, đau rát cả các ngón tay, nhưng vô hiệu, chỉ nghe có đàn chó sủa rống lên

Tôi rủa thầm:

“Lũ người ở cái nhà này là một lũ khốn nạn! Chúng bay khinh thường khách quá lắm, chẳng trách suốt đời ở cô độc. Cái gì mà ban ngày cũng đóng cửa nhà lại. Mặc kệ! Ông cứ vào!”

Nghĩ thế, tôi cầm quả nắm, lay giựt thật mạnh. Cái đầu và mặt chua như dấm của bác Dọi thò ra ở một cửa sổ tròn của nhà chứa cỏ.

“Ông muốn gì? Ông chủ tôi đi thăm trại cừu. Ông đi vòng quanh ra sau nếu ông muốn nói chuyện với ông ta.”

Tôi hỏi to tiếng:

“Thế không có người nào trong nhà để mở cửa à?”

“Không có ai cả, chỉ có cô chủ thôi. Nhưng cô chủ không mở được, cho dẫu ông cứ lay cửa thình thình đến tối.”

“Bác Dọi. Tại sao vậy? Sao bác không bảo là có tôi đến?”

“Tôi bảo? Đời nào thế! Tôi chịu thôi, không muốn dính.”

Cái đầu bác Dọi hầm hừ nói thế xong, rồi thụt vào.

Tuyết đã bắt đầu rơi nặng. Tôi cầm lấy quả nắm lay thử một lần nữa. Bỗng một chàng trẻ tuổi mặc sơ mi trần, vác một cái đinh ba gạt cỏ từ phía sân sau nhà gọi tôi rồi làm hiệu bảo tôi đi theo. Qua một cái buồng giặt, một cái sân, đến chỗ nuôi chim thì vào đến buồng lớn, ấm áp và vui vẻ, nơi mà ông Hy tiếp tôi hôm trước. Trong lò sưởi ánh lửa than và củi chiếu sáng rực cả căn phòng: gần một cái bàn ăn đã bầy biện sẵn sàng, tôi lấy làm vui sướng được thấy mặt “cô chủ” người mà tôi không ngờ là có ở trong nhà này. Tôi cúi chào rồi đợi, bụng nghĩ thế nào nàng cũng mời mình ngồi. Nàng nhìn tôi, dựa lưng vào thành ghế, ngồi không nhúc nhích, không nói một lời.

Tôi nói bâng quơ:

“Hôm nay trời xấu quá! Thưa bà, tôi sợ đã làm hư hại cửa nhà bà đôi chút vì đầy tớ lơ đễnh, tôi gọi mãi mà không có đứa nào ra mở.”

Nàng vẫn không hé môi. Tôi mở to mắt...nàng cũng mở to mắt, nói cho đúng nàng nhìn tôi một cách lạnh lùng thản nhiên, rất khó chịu.

Chàng trai nói giọng càu nhàu:

“Mời ông ngồi, ông ấy sắp về.”

Tôi nghe lời ngồi xuống, hắng giọng rồi gọi con chó cái vàng, lần này thì nó chịu vẫy đuôi đáp lại.

Tôi nói với cô chủ:

“Con chó đẹp quá. Còn lũ con mới đẻ, bà định giữ nuôi cả?”

“Cô chủ” đáp lại bằng một giọng cũng “dịu dàng” như anh chàng Hy.

“Những con chó ấy không phải của tôi.”

“À, thưa bà chắc đây mới là lũ con cưng của bà!”

Tôi vừa nói vừa nhìn vào một cái đệm ghế trong bóng tối, trên nệm có những con gì trông na ná những con mèo.

Nàng nói lại ngay giọng khinh bỉ:

“Lũ con cưng kỳ cục nhỉ!”

Thật là không may cho tôi, đó chỉ là mấy con thỏ chết. Tôi lại hắng giọng một lần nữa rồi ngồi sát vào lò sưởi, nhắc lại câu chuyện trời xấu.

“Đáng lẽ ông không nên ra khỏi nhà.”

Nàng nói, đứng dậy, với tay lấy ở trên lò sưởi hai hộp đựng trà.

Từ nẫy nàng vẫn ngồi lẩn trong bóng tối, bây giờ thì tôi trông rõ dáng người và nét mặt. Người nàng mảnh khảnh cao, trông bề ngoài như người mới nhớn lên. Thân hình nàng thật đẹp, vẻ mặt thật trang nhã, trong đời tôi chưa được ngắm một người thứ hai như vậy. Tóc nàng như có ánh vàng rủ lung tung xuống hai bên cổ nét thanh thanh. Hai mắt nàng nếu nhìn không cau có chắc sẽ có một vẻ đẹp quyến rũ mê hồn. Cũng may cho tôi, hai mắt ấy chỉ lộ ra một tính tình nửa khinh khỉnh nửa chán nản.

Các hộp trà ở xa tầm tay với của nàng. Tôi xoay người định giúp đỡ nàng thì nàng quay phắt nhìn tôi khó chịu như kiểu một anh chàng hà tiện bị người khác đòi đếm vàng của mình. Nàng nói giọng khô khan:

“Tôi không cần ông giúp... Tôi với tới.”

Tôi vội vàng đáp:

“Tôi xin lỗi bà.”

“Cô chủ” buộc một chiếc khăn quàng ngực lên trên tấm áo đen rất sạch sẽ rồi hỏi tôi:

“Đã có người mời ông uống nước trà chưa?”

Nàng đưa đi đưa lại cái thìa trên ấm trà. Tôi đáp:

“Tôi xin vui lòng uống một chén.”

Nàng nhắc lại:

“Đã có người mời ông chưa?”

Tôi mỉm cười nửa miệng:

“Chưa. Nhưng người ấy là bà chứ còn ai?”

Nàng đặt cả cốc trà và thìa rồi ngồi xuống ghế có vẻ hờn dỗi, trán nhăn lại, làn môi dưới bĩu ra, đỏ lên như môi đứa trẻ sắp khóc.

Anh chàng đưa tôi vào thì đứng cạnh lò sưởi. Anh ta liếc nhìn tôi vẻ mặt như tỏ ra giữa anh ta và tôi có một mối thù không đợi trời chung. Tôi bắt đầu tự hỏi có phải anh chàng này là một người đầy tớ hay không... Áo mặc và lời nói thì thô kệch, hoàn toàn không có phong dáng “ông chủ” như ông bà Hy, hai tay thì sạm nắng như tay thợ cầy, nhưng dáng điệu lại tự nhiên, hơi nghênh ngang, không có vẻ gì tỏ ý muốn hầu hạ “cô chủ.” Không có chứng cớ rõ ràng về địa vị anh ta, tôi thấy tốt nhất là đừng chú ý đến thái độ kỳ cục của anh ta.

Năm phút sau, ông Hy về, tôi nhẹ người đôi chút, đỡ luống cuống. Tôi vờ lấy giọng vui vẻ, nói to:

“Đấy ông xem, tôi đến đúng theo lời hẹn với ông. Nhưng tôi sợ mưa tuyết bắt buộc tôi phải ở lại đây độ nửa giờ.”

Ông Hy rũ bớt tuyết trên áo:

“Nửa giờ? Tôi không hiểu sao ông chọn ngay cái lúc bão tuyết mù trời này mà đi chơi mát tới đây. Ông có thể rất dễ dàng chìm nghỉm trong các đầm ao. Những người rất thuộc vùng này cũng bị lạc như thường. Tôi lại còn có thể báo cho ông biết trước rằng không có hy vọng gì ngớt bão trong lúc này.”

“Ông có thể cho tôi mượn một người đầy tớ nào thạo đường đưa tôi về Họa Mi Trang rồi ở luôn đấy cho đến ngày mai.”

“Không, không thể được.”

“À, thật vậy à? Thế thì tôi đành chịu dò đường một mình.”

“Hừ hứ!”

Chàng trai không nhìn tôi nữa, quay về phía “cô chủ” hỏi:

“Cô có pha trà không?”

Cô chủ hỏi ông chủ:

“Có phải pha cho cả ông kia không?”

Ông chủ đáp lại một cách giận dữ quá khiến tôi rùng mình:

“Có pha.”

Giọng thốt ra mấy tiếng đó tỏ rõ người nói có một bản chất rất xấu. Tôi không coi ông Hy như một người đáng phục nữa.

Lúc mọi người bắt đầu dùng trà, cả anh chàng nhà quê cũng đến uống. Một sự im lặng nghiêm trọng như đè nặng quanh bàn ăn [7] . Tôi nghĩ bụng nếu mình đã gây nên không khí căng thẳng ấy thì mình có bổn phận phải đánh tan nó. Không lẽ ngày nào họ cũng sầm sì nét mặt và lì lì như thế kia; cho họ xấu tính đến thế nào đi nữa cũng không lẽ cả bọn ngày nào cũng cau cau có có như lúc này. Tôi khởi chuyện:

“Thật không ngờ... Thật không ngờ thói quen lại có thể biến đổi tính tình và tư tưởng của mình. Rất nhiều người không thể tưởng tượng được rằng người ta lại tìm thấy được hạnh phúc trong một cuộc sống xa cách sự đời như ông. Thế mà như ông đây, sống giữa gia đình, lại bên cạnh một bà vợ quý như một nữ thần giúp ông trong việc tề gia nội trợ...”

Ông Hy ngắt lời tôi bằng một tiếng cười gằn nghe rợn như tiếng quỷ sứ:

“Bà vợ quý của tôi. Bà ấy ở đâu, bà vợ quý của tôi?”

“Tôi muốn nói tới bà Hy.”

“ À, vâng. Chắc ông muốn nói linh hồn bà ấy, đã biến thành thiên thần và phù hộ cho trại Gió Hú này, mặc dù hồn bà đã rời khỏi thân xác. Có phải thế không?”

Biết là mình đã hớ, tôi cố gỡ lại. Ông chủ và bà chủ chênh lệch về tuổi nhiều quá khó lòng là vợ chồng được. Một người vào độ bốn mươi, người kia hình như chưa đến mười bẩy tuổi.

Tôi vụt nghĩ ra: “cái anh chàng quê kệch ngồi cạnh tôi có hai bàn tay bẩn thỉu kia có thể là chồng “cô chủ”. Anh chàng hẳn là con ông Hy, “cậu chủ”. Đấy khi người ta sống chôn vùi ở nơi biệt lập thì xẩy ra như vậy: cô ả cảm anh chàng cục mịch kia chỉ vì không biết có ai lịch sự hơn! Đáng phiền.... Mình phải cố làm cho cô ả phải hối đã kén chọn lầm!” Ý nghĩ sau cùng có vẻ tỏ ra tôi là một anh chàng tự cao tự đại. Nhưng không thật thế đâu. Anh chàng ngồi cạnh tôi trông quê kệch, còn tôi, dựa theo kinh nghiệm tôi biết mình không phải là không có một thứ duyên riêng.

Ông Hy nói như chứng thực ý đoán của tôi:

“Người này là con dâu tôi.”

Ông ta vừa nói vừa nhìn nàng, nhìn một cách lạ lùng, có nhiễm thù hằn... trừ khi vẻ mặt ông ta vì một sự trái ngược bất thường không diễn đúng tâm hồn ông ta.

Tôi quay về phía anh chàng ngồi cạnh tôi:

“À, chắc thế... bây giờ tôi hiểu rồi. Chính cậu là bạn của nàng tiên này.”

Lại càng tệ hơn, anh chàng đỏ mặt tía tai, tay nắm tròn quả đấm có vẻ sừng sộ của người muốn xung phong. Nhưng anh ta cố nhịn ngay, đè nén tức giận bằng một câu rủa độc, rõ ràng là rủa tôi nhưng mà tôi - cố nhiên - tôi vờ như không biết.

Ông Hy nói:

“Ông dự đoán không tinh. Không một người nào trong chúng tôi may mắn có được nàng tiên ông nói. Chồng cô tiên đó đã qua đời. Lúc nẫy tôi có nói cô ấy là con dâu tôi, vậy chắc chắn cô ấy lấy con trai tôi.”

“Thế cậu này là...”

“Chắc chắn không phải con tôi.”

Rồi ông Hy lại mỉm cười cho việc tôi có ý gán ông ta làm bố “con trâu chương” là một sự pha trò hơi quá đáng.

Anh chàng làu nhàu tự giới thiệu:

“Tên tôi là Yên Hạ [8] và tôi khuyên ông nên kính trọng cái tên đó.

Tôi cười thầm vì cái vẻ trịnh trọng của chàng trai lúc tự giới thiệu mình, tôi nói:

“Nhưng tôi có nói điều gì khiếm lễ đâu.”

Tôi vội quay mặt không muốn nhìn anh ta sợ mình hoặc muốn bạt tai anh ta một cái hoặc bật cười chế nhạo. Tôi thấy mình lạc lõng trong cái gia đình thú vị này. Ngồi đây thì có ấm áp trong người thật nhưng cái không khí tinh thần lại quá ư thảm đạm. Tôi định bụng nếu có đến đây lần thứ ba thì cần phải khảo lự cẩn thận.

Ăn xong tôi ra cửa sổ nhìn trời, đêm tới sớm, hòa với núi đồi mờ mịt lẫn lộn trong gió bão và tuyết bay dầy đặc. Tôi nói lớn tiếng:

“Về nhà lúc này mà không có người dẫn đường thì về sao được. Đường đi chắc tuyết đã phủ kín, mà không phủ kín thì cũng chẳng nhìn thấy chỗ đặt chân.”

Ông Hy nói:

“Hạ, dắt cừu xuống nhà chứa cỏ, nếu để ở ngoài một đêm chắc chúng nó bị chôn sống. Nhớ chặn phía trước chúng một tấm ván.”

Tôi kêu tiếp theo, mỗi lúc một tức thêm:

“Làm thế nào bây giờ? “

Không một ai trả lời tôi. Bác Dọi cho chó ăn, cô con dâu ông Hy thì ngồi cúi mình gần lửa, nghịch đốt những bó diêm ở trên lò sưởi rơi xuống khi cô nàng đặt lại hộp trà về chỗ cũ. Bác Dọi nói, giọng rít lên:

“Sao cứ ngồi đây, không làm việc gì cả, sưởi ấm trong lúc mọi người đều ra ngoài làm việc. Thật là đồ vô tích sự mà nói thì như nước đổ đầu vịt. Thói nào vẫn tật ấy. Rồi cũng ma dẫn lối quỷ đưa đường như bà nhà khi xưa.”

Trong một lúc, tôi đã tưởng những lời hùng hồn ấy nói về tôi. Khá tức tôi định tống cổ bác ra ngoài, nhưng lời nói của cô nàng dâu hãm tôi lại:

“Bác nói quỷ đưa đường mà bác không sợ quỷ nó đưa bác đi à? Này, tôi bảo cho bác biết.”

Nàng lấy xuống một cuốn sách bìa đen:

“Tôi đã biết nhiều trò phù thủy. Bác cút đi ngay lập tức kẻo nguy đến tính mạng. Ai đi quá sẽ bị tôi trừng phạt... trừng phạt gì tôi không nói ra vội... nhưng rồi bác xem. Bác coi chừng đó.”

Cô phù thủy vờ lộ một vẻ quái ác trong hai con mắt đen và bác Dọi sợ hãi một cách thành thực vừa chạy đi vừa cầu kinh. Tôi cho là nàng vừa đùa nghịch quái ác chơi; bây giờ chỉ còn lại hai người. Tôi nghiêm trang nói với nàng về hiện tình khó xử của tôi.

“Thưa cô, tôi xin lỗi cô. Tôi không sợ đường đột vì trông cô tôi biết chắc cô là người rất tử tế, xin cô chỉ lối cho tôi tìm được đường về tới nhà. Tôi đi ở vùng này chắc cũng khó khăn như nếu cô phải tìm đường đi Luân Đôn.”

Nàng ngồi xuống ghế bên một cây nến thắp sáng và một cuốn sách mở để trước mặt:

“Ông đến do đường nào thì ông cứ lối ấy đi về. Lời chỉ bảo tuy vắn tắt nhưng hay nhất.”

“Thưa cô, nếu vậy khi nghe người ta tìm thấy tôi chết cứng trong một cái lạch, thì lương tâm cô liệu có bị ray rứt vì cô mà tôi chết không?”

“Tại sao? Tôi không thể đi cùng ông được. Họ không cho tôi đi xa hơn cái góc tường ở ngoài vườn kia.”

“Cô à! Có đời nào tôi dám nhờ cô đi ra khỏi cái nhà này trong một đêm như đêm nay chỉ để tiện việc cho tôi. Tôi chỉ nhờ cô chỉ cách thức đi, hoặc bảo ông Hy cho tôi một người dẫn đường.”

“Sao được! Nhà chỉ có ông Hy, Yên Hạ, bác Dọi, chị Dị và tôi. Ông muốn ai dẫn?”

“Không có thằng nhỏ giúp việc nào sao?”

“Không, không còn ai nữa.”

“Vậy thì bắt buộc tôi phải ở lại.”

“Việc đó ông bàn với ông chủ, không can dự gì đến tôi.”

Tiếng ông Hy nói ở bếp vọng vào:

“Đây là một bài học hay cho ông, đừng có liều lĩnh đi xa trong vùng núi này. Còn như ở lại đây, tôi không có chỗ tiếp khách. Hoặc ông phải ngủ với Hạ hoặc ngủ với bác Dọi.”

Tôi đề nghị:

“Tôi ngủ trên một cái ghế trong phòng này cũng được.”

Anh chàng xỏ lá và thô lỗ nói ngay:

“Không được. Một người ngoài là một người ngoài, bất kể họ giầu hay nghèo. Tôi không tiện để cho ai xử dụng cái buồng này trong khi tôi không có đó để canh chừng.”

Lời hỗn xược đó làm tôi cáu đến tột bực. Tôi thốt ra một tiếng khinh bỉ, đâm sầm qua ông ta để chạy ra sân. Trong lúc hấp tấp tôi xô phải Yên Hạ. Trong lúc đi vòng quanh nhà tìm lối ra tôi chứng kiến thêm một lối họ ứng xử với nhau. Lúc đầu anh chàng Hạ hình như thương hại tôi:

“Tôi sẽ đi với ông ta đến cổng rừng.”

Ông chủ Hy (nếu quả thực ông này là chủ anh chàng kia) quát to:

“Mày sẽ đi với ông ấy xuống cõi âm ty. Thử hỏi, thế ai săn sóc đám ngựa, hử?”

Cô nàng dâu lại nói một câu tử tế không ngờ:

“Đời một người còn quan trọng hơn sự săn sóc mấy con ngựa. Phải có ai đi với ông ta.”

Chàng Hạ đốp lại liền:

“Tôi không thèm làm theo lệnh cô! Nếu cô nghĩ đến số phận ông ta thì cô nên im cái miệng.”

“Thế thì hồn ma của ông ta sẽ nhập vào anh và nhà của ông Hy cho đến lúc đổ nát cũng không đời nào có người thuê.”

Tôi tiến đến phía bác Dọi. Bác ta đương ngồi vắt sữa bò dưới ánh sáng của cây đèn xách, miệng làu bàu:

“Ông xem. Cô ả đang nguyền rủa họ.”

Tôi giằng lấy cây đèn của bác Dọi, chạy ra cổng, nói với sẽ trả lại đèn vào ngày mai. Lão già vừa đuổi theo tôi vừa kêu:

“Này, ông chủ ông chủ, họ giựt mất đèn. Sịt sịt! Con vện con xồm đâu, ra giữ chặt lấy người này!”

Hai con chó xồm nhẩy lên cổ tôi, đè ngửa tôi xuống đất, đèn phụt tắt, và tiếng cười của ông Hy và anh chàng Hạ làm tôi tức lộn ruột. Cũng may mà hai con chó không muốn nuốt sống tôi, nhưng chúng cũng không muốn tôi hồi sinh, thành thử tôi cứ phải nằm ở đất mãi cho đến khi bọn người nhà chịu ra đánh tháo cho tôi. Lúc đó người tôi run lên vì tức, tôi quát họ phải để tôi đi, nếu họ giữ tôi lại một phút nữa thì xẩy ra chuyện gì họ phải chịu trách nhiệm.

Tôi vùng vằng mạnh quá thành thử bị chẩy máu mũi. Ông Hy lại càng cười, tôi lại càng nguyền rủa. May có chị Dị [9] , mụ quản gia lực lưỡng, chạy ra xem việc gì. Chị tưởng ai đánh tôi chẩy máu. Không dám nói động đến ông chủ, mụ quay lại anh chàng Hạ:

“Này, cậu Hạ. Cậu định giết người ngay ở trước cửa nhà à?”

Mụ bảo tôi vào nhà để mụ chữa cho. Mụ té nước lạnh vào cổ tôi rồi đưa tôi vào trong bếp. Ông Hy theo sau, vẻ vui cười chốc lát biến ngay, và nét mặt ông lại trở lại đăm chiêu như thường.

Tôi thấy khó chịu, đầu choáng váng. Thành thử tôi bó buộc phải ở lại. Ông Hy bảo chị Dị cho tôi một cốc rượu mạnh rồi đi sang buồng khác. Chị Dị lấy làm thương hại cho cảnh ngộ tôi, chị đi lấy rượu đưa tôi uống cho tỉnh rồi dẫn tôi đến phòng ngủ.



[1]Heathcliff
[2]Heathcliff
[3]Lockwood
[4]Joseph
[5]Cách hồi xảy ra chuyện này 300 năm (tất cả các chú thích trong truyện này đều của dịch giả)
[6]4 miles (1 dặm Anh) trong nguyên tác, đổi ra cây số để tiện cho độc giả (1 mile = 1,6 km)
[7]Ở Anh bữa trà thường là một bữa ăn nhẹ
[8]Hareton Earnshaw (Cổng nhà Gió Hú như trên kia đã nói có treo biển Yên Hạ năm 1500. Người con trai này sống 300 năm sau cùng thuộc họ ấy và cũng một tên với ông Yên Hạ. Việc trùng tên với những người trong một họ là một sự rất thường ở nước Anh)
[9]Zillah
Nguồn: Emily Bronte, Đỉnh Gió Hú, Nhất Linh dịch, đăng má»™t phần trên Nguyệt san Tân Phong, Sài Gòn 1960. Bản thảo dịch dở được Bảo SÆ¡n dịch bổ sung, Nhà xuất bản Phượng Giang, Sài Gòn 1974. Bản dịch đăng trên talawas do Nguyá»…n Tường Thiết dịch bổ sung. Bản Ä‘iện tá»­ do Nguyá»…n Tường Thiết cung cấp.