trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Kinh tế
  1 - 20 / 135 bài
  1 - 20 / 135 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
3.4.2008
Nguyá»…n Minh
Vài con số về lạm phát
 
Lạm phát, không nghi ngờ gì nữa, hiện đang là một trong những vấn đề “nóng” nhất ở Việt Nam. Hai chữ “lạm phát” nóng ở mọi nơi: trên các diễn đàn, phương tiện truyền thông, trong nghị trường và dĩ nhiên, nóng nhất nơi túi tiền của mỗi hộ gia đình. Trước tình hình giá cả tiêu dùng vào tháng 3 vừa qua tăng tới 9.19% so với tháng 12 năm 2007, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phải lên tiếng kêu gọi nhân dân giảm thiểu chi tiêu, các cơ quan hành chính cắt bớt 10% chi tiêu hành chính (xem, chẳng hạn, VnExpress 2008). Nguyên nhân gì khiến giá cả tăng cao? Biện pháp gì cần thực hiện để cải thiện tình hình hiện tại? Hai câu hỏi trên đã được nhiều chuyên gia kinh tế bàn bạc, mổ xẻ thấu đáo, ở đây xin miễn nhắc lại. Bài viết này chỉ nhân chuyện giá cả hiện nay để nói rộng ra, bàn chuyện lạm phát xưa nay ở Việt Nam và thế giới.

Chính ra, tỷ lệ lạm phát hằng năm tại Việt Nam lúc này vẫn chưa thể so sánh được với lạm phát phi mã thời bao cấp. Nhìn lại hơn 20 năm về trước, ta thấy trong khoảng từ 1980 đến 1984, lạm phát dao động từ 50 đến 100%, tính trung bình cho 4 năm là 59.2 % (Thai et al. 1998, p.706). Tỷ lệ không thể chấp nhận được này buộc chính phủ phải tiến hành nhiều chính sách cải cách vào năm 1985. Chính sách thứ nhất: Cải cách tiền tệ, đổi tiền cũ lấy tiền mới theo tỷ lệ 10:1. Chính sách thứ hai: cải cách chế độ tiền lương, nâng mức lương lên gấp 3 lần. Khốn thay, 2 chính sách này lại đi kèm với chính sách thứ 3 là điều chỉnh giá cả, nâng mức giá bao cấp lên tiếp cận giá thị trường. Hậu quả nhãn tiền: chính sách thứ 3 khiến giá cả tăng lên chóng mặt, vượt nhiều lần mức lương tăng, và làm giảm sức mua của đồng tiền mới (Nguyen Tri Hung 1999; Vo Nhan Tri 1990, pp.164-6). Lạm phát khi đó, theo nhiều ước tính khác nhau, vào khoảng từ 500 lên đến cả ngàn phần trăm. Theo số liệu chính thức của nhà nước, chỉ số giá bán lẻ từ mốc 100 năm 1976 lần lượt tăng lên 189 (1980), rồi 2890 (1985). Cũng trong khoảng thời gian trên, sức mua của tiền đồng giảm từ mốc 100 xuống lần lượt còn 52.9 rồi 3.8. (Vo Nhan Tri 1990, p.166) Đến tận đầu thập niên 1990, nếu so sánh với hiện tại, tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức rất cao: Lạm phát trong năm tài khoá 1990-1991 là 67%, đến 1992 mới xuống còn 17.5% (Rondinelli & Litvack 1999, p.22). Lạm phát phi mã âu cũng là hậu quả của lối điều hành quản lý mà dân gian gọi là “Nhà chính trị đi làm thơ, nhà thơ đi làm kinh tế, thống chế đi đặt vòng” [1]

Tuy nhiên, nơi đây xin mở ngoặc: không phải chỉ dưới chế độ cộng sản, Việt Nam mới có lạm phát hoành hành; nền cộng hoà ở miền Nam trước 1975 cũng là nạn nhân thường trực của tình trạng ấy. Nên nhớ rằng chiến tranh đòi hỏi 1 ngân sách cực lớn, nên dù nhận được viện trợ hào phóng của Hoa Kỳ, chính phủ Việt Nam Cộng hoà (VNCH) vẫn phải liên tục in thêm bạc mới đáp ứng đủ chi tiêu, mà hậu quả tất yếu của việc in thêm quá nhiều bạc đương nhiên là lạm phát. Tính riêng trong khoảng 1965-1969, lượng cung tiền tệ tăng trung bình 40% mỗi năm, dẫn đến lạm phát hằng năm trung bình 28% trong giai đoạn 1964-1973. (Goodman, Harris & Wood 1971; Le Hoang Trong 1975) Nhưng từ năm 1973 trở đi, con số 28% chỉ còn là mơ ước. Chưa thấm đòn Bắc Việt, VNCH đã trúng ngay 3 quả đại pháo: Khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu, Mỹ rút quân, viện trợ bị cắt giảm. Ba quả đại pháo kết hợp biến thành gió, đưa con diều giá lên ngút trời xanh: Giá thực phẩm vào tháng 9 năm 1974 tăng 313.8% so với tháng 1-1971, giá các mặt hàng phi thực phẩm tăng còn cao hơn: 363.3% (Le Hoang Trong 1975).

Gọi là ngút trời xanh, nhưng nếu nhìn sang Zimbabwe của năm 2008 thì lạm phát xưa nay ở Việt Nam chỉ là chuyện nhỏ. Phong phú về tài nguyên, vốn trước đây được coi như tương đối phồn thịnh, đất nước này đã bị chính “ngườI hùng dân tộc” của mình là Robert Mugabe huỷ hoại. Thật vậy, có công chiến đấu giúp nước nhà giành độc lập, nhưng trên cương vị tổng thống, Mugabe lại đưa đồng bào mình vào cõi tối tăm. Chính sách cải cách ruộng đất đầy thảm hoạ do ông khởi xướng, cộng thêm với nạn tham nhũng tràn lan cùng việc in tiền vô tội vạ khiến Zimbabwe trở thành quốc gia giữ kỷ lục thế giới về lạm phát ở thời điểm hiện tại: hơn 100 000%. Theo tỷ giá chính thức, 1 đô la Mỹ chỉ ăn 30 000 đô la Zimbabwe, nhưng tỷ giá chợ đen thì lên đến 1:35 triệu. Nhà nước Zimbabwe đã phải ấn hành đồng bạc 10 triệu, nhưng có 1 đồng này trong tay cũng chỉ đủ mua đúng 1 ổ bánh mì mà thôi, muốn mua xăng phải có 4 đồng, vì 1 lít xăng giá đến 40 triệu (Johnson 2008). (Khi mấy dòng này được viết ra thì những con số trên chắc chắn đã lạc hậu, vì giá cả tại Zimbabwe không phải tăng lên từng ngày, mà là từng phút từng giờ).

Nếu ai đó chưa thấy ấn tượng với lạm phát tại Zimbabwe thì xin mời trở về Âu châu những năm sau Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918), trận đại chiến khiến nhiều quốc gia Âu châu lâm vào cảnh điêu tàn. Điêu tàn tất phải xây dựng lại, mà xây dựng lại thì tiền ở đâu ra? Tất chỉ có cách in thêm cho thật nhiều, mà in thêm thật nhiều nghĩa là… siêu lạm phát. Siêu lạm phát ở Áo và Hungary đẩy giá cả ở 2 nước này lên đến đỉnh cao là gấp 14 000 và 23 000 lần so với mức trước lạm phát, còn ở Ba Lan và Nga là 2.5 triệu và 4 tỷ lần. Nhưng tất cả những quốc gia ấy đều đứng dưới Đức, nơi mà vào năm 1923, mặt bằng giá cả tăng 1 triệu triệu, tức 1 ngàn tỷ lần so với thời điểm ngay sau Thế Chiến. Đồng mark Đức trượt giá kinh hoàng, từ 4.2 đồng ăn 1 đô la Mỹ xuống còn 4.2 ngàn tỷ ăn 1. Trong đỉnh cao lạm phát, ngân hàng trung ương Đức phải huy động tất cả 30 nhà máy giấy và 132 xưởng in để phục vụ việc in thêm bạc. Chính phủ Đức xứng đáng được Mugabe bái sư khi ngày 2 tháng 11 năm 1923, họ cho ấn hành đồng bạc trị giá, không phải 10 triệu, mà là 100 ngàn tỷ mark. Đồng này ban đầu ăn 312.5 đô Mỹ, nhưng sau 2 tuần chỉ còn ăn 23.81 đô mà thôi. (Frieden 2007, pp.134-136)

Như vậy, tỷ lệ lạm phát của Đức có phải kỷ lục thế giới của mọi thờI chăng? Xin thưa rằng chưa phải, vì kỷ lục thuộc về Hungary, thời điểm sau Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945). Năm 1938, 1 đô Mỹ chỉ ăn 5.4 pengos Hungary, năm 1944 đã ăn đến 44, kết thúc Thế Chiến thì ăn 1320. Cuối năm 1945, giá cả trung bình tại Hungary tăng 400 lần, trong khi tỷ giá pengos:đô la rớt xuống 290 000:1. Sang mùa hè năm 1946, giá mỗi ngày tăng lên gấp 3 và hơn thế nữa; vào cuối tháng 7 thì 1 đô Mỹ ăn 50 0000000000 0000000000 0000000000 (số 5 theo sau bởi 31 số 0) pengos. Lúc bấy giờ, chỉ cần bỏ ra 1 phần ngàn của 1 cent Mỹ là đủ đổi lấy toàn bộ số lượng đồng pengos lưu hành trên lãnh thổ Hungary! (Frieden 2007, p.273)

Nếu đọc những thông số trên, hẳn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải gật gù: “Chính phủ ta điều hành kinh tế còn tốt chán!”

Adelaide, SA


Thư mục tham khảo

  • Frieden, JA 2007, Global Capitalism: Its Fall and Rise in the Twentieth Century, Norton.
  • Goodman, AE, Harris, RH & Wood, JC 1971, “South Vietnam and the Politics of Self-Support”, Asian Survey, vol.11, no.1, pp.1-25.
  • Johnson, S 2008, Poor Billionaires [online], URL: http://www.newsweek.com/id/129010/page/1
  • Le Hoang Trong 1975, “Survival and Self-Reliance: A Vietnamese Viewpoint”, Asian Survey, vol.15, no.4, pp.281-300.
  • Nguyen Tri Hung 1999, The Inflation of Vietnam in Transition [online], URL: http://webh01.ua.ac.be/cas/PDF/CAS22.pdf
  • Rondinelli, DA & Litvack, JI 1999, “Economic Reform, Social Progress, and Institutional Development: A Framework for Assessing Vietnam’s Transition”, trong JI Litvack & DA Rondinelli (chủ biên), Market Reform in Vietnam: Building Institutions for Development, Quorum Books.
  • Thai, KV, Rhodd, RG, Brannon, PT & Noe, LJ 1998, “Economic Development in a Transitional Economy: The Vietnam Experience”, trong K Tom Liou (chủ biên), Handbook of Economic Development, CRC Press.
  • VnExpress 2008, “Thủ tướng kêu gọi toàn dân cắt giảm chi tiêu” [online], URL: http://www.vnexpress.net/Vietnam/Xa-hoi/2008/03/3BA00C71/
  • Vo Nhan Tri 1990, Vietnam’s Economic Policy Since 1975, Institute of Southeast Asian Studies.

© 2008 talawas



[1]Ông Trường Chinh Đặng Xuân Khu, lý thuyết gia số 1 của Đảng, làm thơ lấy hiệu Sóng Hồng; Ông Tố Hữu Nguyễn Kim Thành, nhà thơ số 1, làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, phụ trách kinh tế; Ông Võ Nguyên Giáp, danh tướng số 1, làm chủ tịch ủy ban… sinh đẻ có kế hoạch.