trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 208 bài
  1 - 20 / 208 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
16.4.2008
Nguyễn Ước
Ba mươi triết gia Tây phương
(“Phần đọc thêm” của cuốn sách Ðại cương Triết học Tây phương, sắp xuất bản)
 1   2   3 
 
15. Husserl (1859–1938)

Triết gia Ðức, người đặt nền tảng cho trường phái hiện tượng luận. Tên đầy đủ Edmund Husserl.

Ông sinh tại Cộng hòa Czech, học toán ở Berlin và tâm lý học ở Vienna. Sau đó, ông dạy ở các Ðại học Halle (1887), Gotingen (1901) và Freiburg (1016) và chịu ảnh hưởng của Franz Bentado (1838-1917), triết gia và nhà tâm lý học Ðức. Bộ sách hai cuốn của ông Logische Untersuchungen (Các thẩm tra luận lý, 1900–1901) biện hộ cho quan điểm cho rằng triết học là bộ môn tiên nghiệm, khác với tâm lý học. Trong cuốn Ideen zu either rein Phanomenologischen Philosophie (Nhập môn tổng quát hiện tượng luận thuần lý, 1913), ông trình bày một chương trình thẩm tra có hệ thống ý thức và các đối tượng của nó.

Triết học của Husserl là công trình nghiên cứu có tính mô tả ý thức, nhằm mục đích phát hiện cấu trúc của kinh nghiệm, nghĩa là các định luật qua đó ta có kinh nghiệm. Phương pháp của ông là ‘cho vào ngoặc đơn’ các dữ liệu của ý thức bằng cách để lơ lửng mọi tri giác, đặc biệt những tri giác rút tỉa từ ‘điểm quan sát mang tính tự nhiên chủ nghĩa’. Như thế, các đối tượng của sự tưởng tượng thuần túy, thí dụ đầu thú hay đầu người trong kiểu kiến trúc gô-tic, được khảo sát nghiêm chỉnh không kém các dữ liệu lấy từ thế giới khách quan.

Husserl kết luận rằng ý thức không có đời sống tách biệt với các đối tượng được nó xem xét. Ông gọi đặc tính này là ‘có chủ tâm’ (sự định hướng khách thể – object-directeness), một thuật ngữ được ông dùng theo Bentano. Trong các tác phẩm về sau, ông chuyển hướng qua chủ nghĩa duy tâm và không chấp nhận quan điểm cho rằng các đối tượng hiện hữu bên ngoài ý thức.

Tiếp cận của Husserl gây ảnh hưởng lớn lao lên các triết gia Ðức và Hoa Kỳ, cách riêng Heidegger và nâng cao tâm lý học Gestalt (thế giới quan), một trường phái tư tưởng tâm lý học độc đáo với châm ngôn, ‘toàn thể lớn hơn tổng số các phần của nó’.


16. Kierkegaard (1813–1855)

Triết gia, nhà văn và là nhà thần học người Ðan Mạch. Tên đầy đủ: Søren Kierkegaard.

Ông chào đời tại Copenhague, học triết học cùng văn chương tại đó và hầu như suốt đời không ra khỏi xứ mình. Cuộc sống bề ngoài yên ổn của Kierkegaard trong thầm kín lại là một quá trình khảo sát mãnh liệt bản ngã và xã hội, đưa tới kết quả nhiều văn bản đa dạng và sâu sắc với chủ đề xuyên suốt: ‘Chân lý thì chủ quan’.

Tuy sống vào nửa đầu thế kỷ 19, nhưng quả thật Kiekegaard đã đặt những khởi đầu cho chủ nghĩa hiện sinh. Những suy nghiệm về mối quan hệ giữa Thượng đế và mỗi cá nhân con người đã đưa Kierkegaard tới việc phê phán các hệ thống suy lý thuần túy. Ông phê bình siêu hình học của Hegel là trừu tượng và cằn cổi, không thích đáng cho việc lập các chọn lựa. Ông cay đắng công kích thái độ tự mãn phàm tục của giáo hội Kitô Ðan Mạch.

Bằng cái nhìn thấu suốt tận nền tảng, Kierkegaard nhận ra những yêu cầu cụ thể về tôn giáo và đạo đức mà mỗi cá nhân đang đối mặt, và theo ông, cá nhân không thể đáp ứng thỏa mãn chúng bằng quyết định thuần túy trí tuệ. Chúng đòi hỏi phải có sự dấn thân có tính chủ quan của mỗi cá nhân. Với Kierkegaard, trong tôn giáo, điều quan trọng không phải vấn đề chân lý có là một thực tế khách quan hay không, mà là mối quan hệ của cá nhân đối với chân lý. Như thế, chỉ tin vào học thuyết tôn giáo thôi thì không đủ, người ta phải sống nó.

Có thể xếp các tác phẩm của ông vào hai phạm trù: mỹ học và tôn giáo. Các tác phẩm về mỹ học gồm có: Either/On (1843), chủ yếu chống Hegel, Philosophical Fragments (Các tản văn triết lý, 1844), Stage on Life’s Way ( Cấp bậc trong lối sống, 1845), The Concluding Unscientific Postcript (Tái bút đúc kết phi khoa học, 1846) đều được xuất bản với bút hiệu, và đều thông giải sự hiện hữu của con người qua con mắt của những nhân vật được ông mô tả muôn hình muôn vẻ bằng thơ.

Trong các tác phẩm đó, Kierkegaard triển khai một ‘biện chứng pháp’ hiện sinh, đối lập với biện chứng pháp duy tâm của Hegel. Biện chứng pháp Kierkegaard miêu tả các cấp độ đa dạng của cuộc hiện sinh mà ông mô tả như có tính mỹ học, đạo đức học và tôn giáo. Khi cá nhân thăng tiến qua các cấp độ đó, y càng ngày càng nhận biết rõ rệt hơn mối quan hệ của y với Thượng đế. Y đồng thời càng ngày càng đối mặt với những quyết định đạo đức thiết yếu và nghiêm chỉnh. Trong khi đó, y cũng nhận ra phản đề giữa cuộc hiện sinh nhất thời và chân lý vĩnh hằng. Chính sự nhận biết đó là nguồn suối của sợ hãi cùng thất vọng. Như thế, phân tích ấy của Kierkegaard về tình cảnh của con người đã cung cấp chủ đề trung tâm cho chủ nghĩa hiện sinh trong thế kỷ 20.

Các tác phẩm chuyên đề tôn giáo của ông gồm có Works of Love (Công trình của tình yêu, 1847) và Training in Christiany (Tôi luyện trong Kitô giáo, 1850). Kierkegaard cũng giữ một cuốn nhật ký bao quát, chứa nhiều cái nhìn sắc bén và thấu suốt. Dù trên thực tế thời ấy, ngoài biên giới Ðan Mạch, Kierkegaard ít được biết tới trong suốt thế kỷ 19, nhưng về sau, ông có ảnh hưởng lớn lao lên thần học Tin Lành đương đại; và đối với phong trào triết học có tên là hiện sinh chủ nghĩa, ông được xem là là triết gia khai sáng.


17. Heidegger (1889–1976)

Triết gia Ðức. Tên đầy đủ Martin Heidegger.

Khi còn là sinh viên của Ðại học Freiburg. Heidegger chịu ảnh hưởng của hiện tượng học của Edmund Husserl và của Heinrich Rickert, người theo thuyết tân Kant. Năm 1923, ông trở thành giáo sư tại Marburg. Ở đó, ông viết và xuất bản phần duy nhất của tác phẩm chính của mình là Sein und Zeit (Hữu thể và thời gian, 1927) để kế tục chiếc ghế giáo sư triết học của Husserl tại Freiburg. Tới năm 1933, ông trở thành viện trưởng đại học ấy. Sau năm 1945, ông về hưu vì những quan hệ của mình với chế độ Ðức Quốc xã.

Dù được đánh giá rộng rãi là người hiện sinh chủ nghĩa, Heidegger quyết liệt bác bỏ danh vị đó, cũng như ông sắp bác bỏ hiện tượng học của Husserl. Quan tâm căn bản của Heidegger, như đã được công bố trong cuốn Hữu thể và thời gian, và được triển khai trong các tác phẩm sau đó, là vấn đề hữu thể. Trong Hữu thể và thời gian, hữu thể được chứng minh là nối kết mật thiết với sự tạm thời; mối quan hệ này được thẩm tra bằng cách phân tích sự hiện hữu của con người.

Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Kiekergaard, ông phác họa các khía cạnh đa dạng của kinh nghiệm con người thí dụ ‘lo toan’, ‘âu sầu’ và mối quan hệ của con người với cái chết. Chính những nghiên cứu này cùng những ảnh hưởng của chúng lên Jean Paul Sartre đã khiến nhiều nhà phê bình đánh giá Heidegger là người hiện sinh chủ nghĩa. Heidegger không chỉ quan tâm tới sự hiện hữu của cá nhân cùng những chọn lựa luân lý của nó mà còn xem những vấn đề có tính bản thể luận là ưu tiên. Khía cạnh bản thể luận của tư tưởng Heidegger nổi bật sắc nét trong các văn bản về sau của ông.

Ông tự xem mình là nhà tư tưởng đầu tiên trong lịch sử triết học phương Tây đã nêu những câu hỏi minh bạch và dứt khoát liên quan tới ‘ý nghĩa của hữu thể’, và ông định vị cuộc khủng hoảng của văn minh Tây phương hiện nay là ở chỗ tình trạng tập thể ‘lãng quên hữu thể’. Ngoài ảnh hưởng lên Sartre, tư tưởng của Heidegger còn ảnh hưởng lên thần học Tin Lành qua Paul Tillich và Rudolf Bultman (1884-1976). Trong số các tác phẩm của Heidegger có Kant and the Problem of Metaphysics (Kant và vấn đề của siêu hình học, 1929); What is Metaphysics (Siêu hình học là gì, 1929); Introduction to Metaphysics (Nhập môn siêu hình học, 1959); What is Philosophy (Triết học là gì, 1958).


18. Sartre (1905-1980)

Triết gia hiện sinh chủ nghĩa, nhà văn và nhà viết kịch người Pháp. Tên đầy đủ: Jean Paul Sarte.

Ông tốt nghiệp trường École Normale Superieure (Đại học Sư phạm); và bắt đầu để ý tới triết học vào năm ngoài 20 tuổi, khi đọc cuốn Essai sur les données immédiates de la conscience (Luận về những dữ kiện lập tức của ý thức, 1889) của triết gia Pháp Henry Bergson (1859–1941). Chịu ảnh hưởng của triết học Ðức, đặc biệt Heidegger, Sartre trở thành triết gia tiên phong và hàng đầu của phong trào triết học hiện sinh thế kỷ 20. Trong thời gian đó, ông dạy triết tại Le Havre, Paris và Berlin.

Sartre đi lính và bị bắt làm tù binh năm 1941 tại Ðức. Sau khi được phóng thích, ông tham gia phong trào kháng chiến ở Paris. Năm 1945, ông nổi bật như ngọn hải đăng dẫn đường cho cuộc sống trí thức cánh tả ở Paris. Tên ông đồng nghĩa với chủ nghĩa hiện sinh, một phong trào triết học tìm kiếm sự tự do cho cá nhân con người và được ông chia sẻ với người bạn đồng hành là Simone de Beauvoir, cùng chủ trương tạp chí Les temps modernes (Thời hiện đại). Qua các tác phẩm của mình, ông khảo sát tình huống con người chịu trách nhiệm cuộc đời mình nhưng cô đơn bồng bềnh phiêu dạt trong một vũ trụ vô nghĩa và phi lý.

Trong khi Heidegger bác bỏ nhãn hiệu ‘người hiện sinh chủ nghĩa’ của mình, thì trong số các nhà tư tưởng có liên qua tới phong trào ấy, chỉ có Sartre đích thân tuyên bố mình là ‘người hiện sinh chủ nghĩa’.

Ðối với Sartre, không có Thượng đế, và do đó không có bản tính cố định của con người, quyết định cái ta phải hành động. Trong tình thế bị can dự và phải nhập cuộc vào thế giới, con người sống thể hiện mình một cách đích thực. Con người hoàn toàn tự do và hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm cho mình, nghĩa là đã làm thành mình. Nhưng cũng như quan điểm của Kierkegaard, chính sự tự do và trách nhiệm ấy là nguồn suối âu lo sợ hãi của con người. Tư tưởng của Sartre ảnh hưởng mạnh mẽ lên văn chương Pháp sau Thế chiến Hai, tiêu biểu rõ rệt trong các tác phẩm của Albert Camus và Simone de Beauvoir.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông là La Nausée (Buồn nôn, 1938). Các tiểu thuyết của ông bao gồm bộ ba Les Chemins de la liberté (Những con đường tự do, 1945-1949); và ông cũng viết, đặc biệt sau Thế chiến Hai, nhiều vở kịch, thí dụ Huis clos (Kín cửa, 1944) và Le Diable et le bon Dieu (Con quỉ và Thượng đế tốt lành, 1951). Triết học của ông được thể hiện trong L’Être et le néant (Hữu thể và hư không, 1943). Ngoài ra, ông còn hàng chục tác phẩm văn học và bút ký triết học khác. Năm 1964, ông xuất bản cuốn tự thuật Les Mots (Những chữ), và được tặng thưởng, nhưng không nhận, giải Nobel văn chương. Vào cuối thập niên 1960, ông ngày càng dính líu xâu sa vào việc chống đối chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam, và ủng hộ cuộc nổi loạn của sinh viên tại Pháp năm 1968. Ông qua đời trong sự tưởng tiếc sâu xa của người dân Pháp.


19. De Beauvoir (1908–1986)

Nhà văn và tiểu thuyết gia hiện sinh chủ nghĩa người Pháp. Tên đầy đủ Simone de Beauvoir.

Bà sinh tại thủ đô Paris. Ban đầu, bà học triết với Jean Paul Sartre tại Ðai học Sorbonne, nơi sau này bà trở thành giáo sư (1941–1943). Kết hợp mật thiết với các hoạt động văn chương và cuộc sống của Sartre từ sau Thế chiến Hai, bà là người bạn đời của ông cho tới sau ngày ông từ trần (1980).

Các tác phẩm của De Beauvoir cung cấp cho chủ nghĩa hiện sinh sự nhạy cảm đầy nữ tính và thiết yếu, đồng thời như một cách thức nhập cuộc tích cực, và đầy tính hiện sinh chủ nghĩa, của bà vào phong trào nữ quyền. Nỗi bật nhất là cuốn La deuxième sexe (Phái tính thứ hai, 1949) viết về nữ quyền, đặc biệt nghiên cứu về địa vị của phụ nữ, và trở thành tác phẩm kinh điển của văn học nữ quyền.

Cuốn Mandarins (Những viên quan, 1941) được giải văn học Goncourt, mô tả các nhóm theo hiện sinh chủ nghĩa tại Paris thời hậu thế chiến, những thông giải về tình trạng tiến thoái lưỡng nan mang tính hiện sinh chủ nghĩa. Tuy nhiên, sự đóng góp bền bỉ nhất của bà có thể là các tập hồi ký, trong đó có nhiều ghi chép về các chuyến đi của bà sang Hoa Kỳ và Trung Hoa. Chúng bao gồm Mémoires d’un jeune fille ranquée (Hồi ký của một cô gái đã hứa hôn, 1963). Cùng với Sartre, bà thành lập và điều hành nguyệt san Les temps modernes (Thời hiện đại) từ năm 1945.


20. Freud (1856–1939)

Cha đẻ ngành phân tâm học, người Áo. Tên đầy đủ Sigmund Freud.

Ông sinh tại Freiburg, Moravia, nay là Pribor, Cộng hòa Czech, trong một gia đình cha mẹ là người Do Thái. Ông học y tại Vienna, rồi theo chuyên khoa thần kinh học, sau đó, tâm bệnh học.

Nhận thấy khoa thôi miên không thích đáng trong việc chữa trị bệnh thần kinh, ông thay vào đó bằng phương pháp ‘hợp tác tự do’, cho phép bệnh nhân trình bày các ý nghĩ trong trạng thái thư giản tỉnh táo, và ông thông giải các ý tưởng thời thơ ấu cùng những hồi tưởng các giấc mơ. Bất chấp những nhạy cảm mang tính thanh giáo của chính mình, Freud càng ngày càng tin vào thực tế bản năng tính dục thời thơ ấu, một lý thuyết cô lập ông với nghề nghiệp thầy thuốc.

Năm 1900, ông xuất bản tác phẩm chủ yếu Die Traumdeutung (Thông giải các giấc mộng). Trong đó ông lập luận rằng các giấc mộng là những biểu thị che giấu sự thèm muốn tình dục bị ức chế – libido, tương phản với cái nhìn hiện đại được chấp nhận rộng rãi rằng các giấc mộng chỉ đơn giản là sự biểu thị có tính sinh vật học của sự tình cờ phát nhiệt các nơ-ron não bộ trong một trạng thái ý thức cá biệt.

Danh xưng ‘Phân tâm học’ do chính Freud đặt ra cho một hệ thống tâm thần bệnh học cùng quá trình điều trị để đặc biệt ứng xử với bệnh loạn thần kinh chức năng. Freud thấy vô thức có tính động và là một khu vực hoạt động rộng lớn, tác động lên mọi hành động của chủ thể, nhưng nó thao tác từ những chất liệu bị đè nén tới độ chống lại sự hồi tưởng. Do đó, ông tạo cho bệnh nhân sự nhận biết, một cách có ý thức, các tình huống bị quên lãng, đặc biệt bằng sự kết hợp tự nguyện giữa bệnh nhân và người chữa trị, để làm cơ sở cho việc điều trị; các giấc mộng cũng là chìa khóa để mở cánh cửa vô thức.

Lý thuyết của Freud nhấn rất mạnh lên hai bản năng đối kháng nhau: bản năng tự hủy diệt (như xâm lấn, háo thắng hoặc thù nghịch) và bản năng tính dục kiến tạo. Sự điều chỉnh hoàn hảo sẽ trung hòa những biểu lộ có tính nguyên sơ và công khai của mỗi bản năng; ngược lại, sự kiềm chế các năng lượng bản năng là thành tố tạo ra chứng rối loạn thần kinh chức năng.

Freud tin rằng đối với người lớn tuổi, về mặt cảm xúc, phần nhiều năng lượng bị ức chế ấy có thể tạo thăng bằng hoặc làm lệch mục đích tính dục vô thức của nó mà hướng tới những mục đích phi tính dục và hữu ích cho xã hội. Các nhà phân tâm học tin rằng bên cạnh sự ức chế và thăng hoa, bản ngã còn có sẵn trong nó những phương cách khác để tự vệ chống lại những đòi hỏi của xung động bản năng, cái vốn là kho dự trữ của những lèo lái có tính bản năng nằm sâu trong tâm trí.

Năm 1902, Freud được bổ nhiệm làm giáo sư tại Ðại học Vienne, bất chấp phong trào bài Do Thái trong giới hàn lâm trước đó, và khởi sự tập hợp các môn đệ. Từ đó, bắt đầu mọc lên Hiệp hội Phân tâm học Vienna (1908), Hội Phân tâm học Quốc tế (1910), trong đó có Alfred Adler (1870–1937) và Carl Jung. Chính quyền Ðức Quốc xã càng ngày càng gia tăng sự chống đối tích cực công cuộc của Freud, kể cả khi ông được tưởng thưởng giải Goethe năm 1930. Năm 1933, Hitler cấm phân tâm học. Sau khi Áo bị Ðức chiếm đóng, Freud và gia đình lọt khỏi bàn tay của Gestapo và được phép di dân. Ông sống ở Luân Ðôn cho tới ngày qua đời.

Một cách khái quát, không phải mọi người đều đồng ý với Freud. Ngay từ thập niên 1920 cho tới nay, phân tâm học của Freud ngày càng bị thách thức nhiều hơn bởi các nhóm triết gia và chuyên gia tâm lý trị liệu. Họ nhấn mạnh lên các thành tố văn hóa và xã hội của bệnh rối loạn thần kinh chức năng. Và trong việc điều trị, họ nhấn mạnh tới khía cạnh tương liên nhân tính trong mối quan hệ với bệnh nhân.


21. Jung (1875–1961)

Nhà phân tâm học người Thụy Ðiển. Tên đầy đủ Carl Gustav Jung.

Jung sinh tại Thụy Ðiển và theo học y khoa tại Ðại học Basel. Sau khi ra trường, ông làm việc tại viện tâm thần Burgholzli tại Zurich (1900–1909). Ông gặp Freud ở Vienna năm 1907, trở thành người cộng tác hàng đầu của Freud, và làm chủ tịch Hội Phân tâm học Quốc tế (1911–1914).

Càng ngày Jung càng gia tăng lời chỉ trích lối tiếp cận của Freud. Cuốn Wandlungen und Symbole der Libido (Tâm lý học và biểu tượng của sự ức chế, 1911–1912) của Jung gây ra sự đổ vỡ giữa hai người. Kế đó, ông triển khai các lý thuyết của riêng mình mà ông gọi là ‘tâm lý học phân tích’ để phân biệt với ‘phân tích tâm lý’ của Freud và ‘tâm lý học cá nhân’ của Alfred Adler.

Tâm lý học của Jung đặt cơ sở trên tính chất toàn bộ của tâm lý và năng lượng tâm thần. Ông mặc nhiên thừa nhận trong vô thức có hai chiều kích: chiều kích cá nhân (những sự kiện bị ức chế trong cuộc sống mỗi người) và những ‘tổng kiểu thức’ (archtypes) của vô thức tập thể, gồm các khuynh hướng kế tục có tính nòi giống, chủng tộc, v.v. Tiếp cận của Jung bao gồm khái niệm về tâm thần như một ‘hệ thống tự điều chỉnh’ tự phô bày chính nó trong tiến trình ‘cá nhân hóa’.

Ðối với Jung, libido không phải là ức chế sinh lý, như Freud phân tích. Jung dùng tiếng libido để chỉ chung cho các năng lượng có tính bản năng. Jung đưa vào phân tâm học thuật ngữ hướng nội và hướng ngoại để nói tới các kiểu thức đối lập nhau có tính phân tâm học. Hoạt động tổng quát hoặc năng lượng lèo lái (libido) của người hướng ngoại thì hướng ra thế giới bên ngoài, trong khi của người hướng nội thì ngược lại, hướng vào bên trong bản thân.

Người nào cũng có cả hai huynh hướng ấy nhưng tùy vào kết quả của tính khí và môi trường mà khuynh hướng nào trở thành khống chế. Ðộng thái của người cực độ hướng ngoại thì ngoại lý, phiêu diêu bay bổng khỏi bản ngã, hành động như trong trạng thái kích động, phát xuất từ các cảm xúc trong xã hội. Người hướng nội cực độ thì rút về thế giới nội tâm, với những tưởng tượng thay cho thực tại. Jung thấy bệnh tâm thần phân liệt là khủng hoảng tâm lý của người hướng nội. Ðối với Jung, công tác quan trọng và suốt đời của con người là thông qua quá trình diễn tiến của cá nhân, thành tựu sự hòa hợp giữa ý thức và vô thức để làm cho con người trở thành một toàn bộ.

Cùng đồng ý với Jung về vấn đề libido, nhiều nhà phân tâm học thời nay cho rằng Freud đã quá nhấn mạnh lên khái niệm libido như một thứ ức chế tính dục, xem nó có tính quyết định trong quá trình phát triển nhân vị, và rằng Freud đã xem nhẹ sức mạnh chi phối của xã hội và môi trường.
Jung giữ ghế giáo sư tại hai Ðai học Basel và Zurich.


22. Wittgenstein (1889–1951)

Triết gia Áo. Tên đầy đủ Luwid Josef Johann Wittgenstein.

Chào đời tại thủ đô Vienna. Wittgenstein theo học ngành kỹ sư ở Berlin, Ðức, và Manchester, Anh, nhưng ông ngày càng quan tâm tới luận lý toán học lúc theo học với Bertrand Russell. Khi đang phục vụ trong quân đội Áo thời Thế chiến Một, Wittgenstein viết cuốn Tractatus logico-philosophicus (Luận về triết học lô-gic, 1921). Trong đó, ông lập luận rằng để một báo cáo về ngôn ngữ đạt tiêu chuẩn thích đáng, nó phải thừa nhận rằng bất cứ câu nào cũng là hình ảnh của sự việc mà nó tiêu biểu, và rằng bất cứ tư tưởng nào cũng là một câu.

Kế đó, Wittgenstein tạm thời không ngó ngàng gì tới triết học, cho tới khi tiêu hết số tiền thừa kế và sống cuộc đời khắc khổ, giản dị. Năm 1929, ông bắt đầu giảng dạy tại Ðại học Cambridge, và đăng ký cuốn Tractatus như một luận án tiến sĩ. Thời Thế chiến Hai, Wittgenstein làm việc tại các nhà thương ở Luân Ðôn và Newcastle vùng Tyne. Sau đó, ông quay lại dạy ở Cambridge, cho tới năm 1947 thì từ chức giáo sư.

Từ năm 1936 tới năm 1949, trong suốt 14 năm, ông viết đi viết lại mãi cuốn Philosophische Untersuchungen (Các thẩm tra triết học), được xuất bản năm 1953, hai năm sau khi ông từ trần. Trong cuốn đó, Wittgenstein từ khước các học thuyết của mình trong cuốn Tractatus và tuyên bố rằng ý nghĩa ngôn ngữ học là chức năng của sử dụng đối với cái được diễn tả, hoặc ‘trò chơi ngôn ngữ’ mà trong đó chúng ta dự phần.


23. Russell (1872–1970)

Triết gia, nhà toán học và nhà nghị luận người Anh. Tên đầy đủ Bertrand Arthur William Russel the 3rd Earl.

Xuất thân từ một dòng họ quí tộc. Ông chào đời tại Wales. Ông theo học Ðại học Cambridge, nơi về sau ông trở thành giảng viên rồi giáo sư và ban quản trị. Thời Thế chiến Một, những vận động hòa bình của Russell khiến ông mất chức trong ban quản trị, phải ở tù một thời gian vì xuất bản sách báo phản chiến. Năm 1931, ông kế thừa tước hiệu Bá tước. Tới năm 1938, ông sang Hoa Kỳ, dạy tại Ðại học Chicago và Ðại học California. Khi việc bổ dụng ông vào Ðại học New York không thành công do quan điểm cấp tiến của ông, Russell đến dạy tại Cơ sở Barnes Foundation ở Merion, Pennsylvania.

Phần lớn các văn bản của Russell trong thời kỳ đầu đều tập trung vào toán học và luận lý học. Chung với Alfred Whitehead (1861–1947), ông viết bộ ba quyển Principia Mathematica (Nguyên tắc toán học, 1910–1913), vạch ra những mâu thuẫn trong hệ thống ký hiệu của Frege, và là một đóng góp lớn vào luận lý học biểu tượng. Bị quyến rũ mạnh mẽ vì tính chất hoàn hảo của toán học nên Russell ra sức tìm cách trả lời các vấn đề triết học theo những hình thức khắc nghiệt và trừu tượng của toán học. Tuy nhiên, về sau, trong cuốn Human Knowledge (Tri thức của con người, 1948), Russell không còn nhấn mạnh tới quyền năng của phân tích có tính luận lý học. Cũng trong thời kỳ này, ông khởi sự nỗ lực cho một công trình suốt đời, kéo giới hàn lâm đại học tới sát với giới đại chúng bình dân hơn, thí dụ cuốn Introduction to Mathematical Philosophy (Nhập môn triết học toán học, 1919).

Thời Thế chiến Hai, nhờ từ bỏ chủ trương phản chiến và tuyên bố bênh vực chiến tranh trong một số tình huống nhất định, Russell được phục hồi địa vị trong ban quản trị Ðại học Cambridge vào năm 1944. Tới năm 1950, ông được giải Nobel Văn chương. Sau chiến tranh, Russell trở thành khuôn mặt hàng đầu cổ vũ cho chủ nghĩa hòa bình và đẩy mạnh ý tưởng tuyệt đối chống lại chương trình vũ trang và chạy đua vũ khí hạt nhân. Vào những năm cuối thập niên 1960, Russell cùng với Jean Paul Sartre chống lại Chiến tranh Việt Nam. Cả hai mở tại Geneve phiên tòa nổi tiếng, gọi là ‘Phiên tòa Russell xử tội ác chiến tranh Việt Nam’.

Bên cạnh toán học và triết học, Russell viết về rất nhiều đề tài, gồm tâm lý học, đạo đức, giáo dục, cải tổ xã hội. Các văn bản của ông rất thông minh, sáng sủa với những ẩn dụ sống động. Trong cuốn Power (Quyền lực) Russell lập luận rằng động cơ chi phối những biến động và tranh đoạt chính trị trong một quốc gia và giữa các quốc gia với nhau chính là lòng ham muốn quyền lực.

Russell đã xuất bản hàng chục tác phẩm. Nổi tiếng nhất về triết học là những cuốn Philosophical Essays (Các tiểu luận triết học, 1910); History of Western Philosophy (Lịch sử triết học Tây phương, 1945); My Philosophical Development (Sự mở mang triết học của tôi, 1959); Wisdom of the West (Minh triết của Tây phương, 1959); Why I am not a Christian (Lý do tôi không là Kitô hữu, 1957), v.v. Bộ sách xuất bản sau cùng của ông là Autobiography (Tự truyện, 3 cuốn, 1967–1969).

Bỏ qua một bên những quan điểm chiến tranh và chính trị đầy tranh cãi của Russell, sự đóng góp của ông về toán học, triết học có giá trị rất lớn. Ông đã mang tinh thần và phương pháp toán học vào triết học, hệ thống hóa tư tưởng triết học Tây phương và đem truyền thống triết học phân tích tới gần với truyền thống triết học lục đia. Ông là một trong các triết gia có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.


24. James (1842–1910)

Triết gia và nhà phân tâm học người Mỹ. Anh ruột của nhà văn Henry James (1843–1916). Tên đầy đủ William James.

James học ở Ðại học New York và châu Âu. Sau đó, ông tốt nghiệp y khoa Ðại học Harvard (1869), nơi ông bắt đầu dạy về khoa giải phẫu và sinh lý học (1873) rồi triết học (1879). Các tác phẩm của ông gồm có The Principles of Psychology (Những nguyên lý của tâm lý học, 1890), The Will to Believe and other Essays (Ý chí đối với đức tin và các tiểu luận khác, 1897) và The Varieties of Religious Experience (Những đa dạng của kinh nghiệm tôn giáo, 1902).

James là thủ lãnh của triết thuyết thực dụng chủ nghĩa. Ông xem ý thức thì năng động và có cứu cánh. Ý chí và sở thích là ưu tiên số một và tri thức chỉ là công cụ. Chân lý cũng chỉ là ‘phương tiện trong cách tư duy của chúng ta để đạt mục đích’, và các ý tưởng chỉ dẫn đường tới thế giới khách quan. Chủ trương duy nghiệm chủ nghĩa tận gốc rễ, James bác bỏ mọi nguyên tắc siêu nghiệm. Ông lập luận rằng toàn bộ kinh nghiệm được tổ chức bởi những ‘mối quan hệ tương liên’ và chính chúng định hướng kinh nghiệm.

Khởi đi từ các ý tưởng của triết gia Mỹ Charles S. Peirce (1839-1914), người cho rằng ý nghĩa của ý tưởng nằm trong các hệ quả mà ý tưởng ấy dẫn tới, James xây dựng thực dụng chủ nghĩa.

Theo James, ta phải ‘cân đo’ chân lý của mệnh đề của bất cứ hệ thống triết học nào trong tương ứng với các kết quả thực nghiệm và qua các hậu quả thực tiễn của nó. Như thế, trong thực dụng chủ nghĩa, phải vất bỏ bất cứ ý nghĩa biểu tượng siêu hình học nào của tư tưởng, và cũng phải bác bỏ mọi phương pháp được giả định là sẽ dẫn tới chân lý qua phép loại suy từ những cơ sở tiên nghiệm.

Người thực dụng chủ nghĩa quả quyết rằng chân lý bị điều chỉnh khi nó vừa được khám phá và rằng chân lý thì tiến hóa nên nó chỉ có giá trị tương đối theo với thời gian, nơi chốn và mục đích. Hầu hết người thực dụng chủ nghĩa đều cho rằng tri thức đạo đức đóng góp vào các giá trị nhân văn là thật và rằng các giá trị thì có sẵn trong các phương tiện cũng như trong cứu cánh.

Quá trình của chủ nghĩa thực dụng được James triển khai tổng quát và cải tiến nó từ ý tưởng của Peirce. Từ đó, nó trở thành sức mạnh trong thời hiện đại, và cách riêng, đưa tới chủ nghĩa duy công cụ của John Dewey.

Tuy thế, về sau, James góp phần thành lập American Society for Psychical Research (Hiệp hội Nghiên cứu Siêu linh tại Mỹ) và xuất bản vố số sách báo về chủ đề đó.


25. Dewey (1859–1952)

Triết gia và nhà giáo dục người Mỹ. Tên đầy đủ John Dewey.

Dewey chào đời tại Burlington. Ông tốt nghiệp Ðại học Vermont năm 1879, sau đó, lấy văn bằng tiến sĩ của Ðại học Johns Hopkins năm 1884. Từ đó, ông dạy tại nhiều nơi, nhất là ở Ðại học Columbia từ năm 1904 tới năm 1830, rồi về hưu với danh vị Giáo sư Danh dự. Ông từng được thỉnh giảng tại Ðại học Bắc Kinh năm 1912 và năm 1931. Năm 1924, ông cũng đóng góp cho Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách soạn thảo bản báo cáo tổ chức lại hệ thống trường học của nước ấy.

Triết thuyết được gọi là duy công cụ chủ nghĩa (instrumentalism) của Dewey có liên quan rất mật thiết với thực dụng chủ nghĩa ủa William James. Dewey cho rằng chân lý thì có tính tiến hóa, không cố định hoặc vĩnh hằng, và rằng các kiểu mẫu và các hình thức đa dạng của hoạt động con người là công cụ cho con người phát triển để giải quyết vô số vấn đề của xã hội và của tâm lý cá nhân. Vì các vấn đề đó liên tục biến đổi nên các công cụ dùng để ứng xử với chúng cũng phải biến đổi theo. Chân lý tiến hóa trong tự nhiên, hợp thành một thực tại không vĩnh hằng cũng chẳng siêu nghiệm, và được đặt trên kinh nghiệm, cái có thể kiểm nghiệm và chia sẻ bởi hết thảy những ai tiến hành thẩm tra.

Dewey quan niệm dân chủ là giá trị đạo đức số một, và vì thế, ông nỗ lực đề ra các nguyên tắc nhằm thao tác cho một xã hội dân chủ và kỹ nghệ. Ở lãnh vực giáo dục, ảnh hưởng của Dewey là thành tố hàng đầu trong quá trình buông bỏ các phương pháp thế giá thẩm quyền, và càng ngày càng nhấn mạnh lên sự học hỏi thông qua thực nghiệm và thực hành. Làm cách mạng chống lại lối học trừu tượng, Dewey xem giáo dục như một công cụ giúp cá nhân có khả năng hiệp nhất lối sống văn hóa và thiên hướng của mình một cách hiệu quả và thực dụng. Sự đóng góp của Dewey vào cuộc vận động cho một học đường cấp tiến đã được công nhận trên khắp thế giới.

Dewey còn tham gia tích cực vào phong trào đẩy mạnh trợ cấp an sinh xã hội, bảo vệ quyền tự do học thuật và cải thiện hiệu năng chính trị. Ông để lại hàng chục cuốn sách gồm các chủ đề đa dạng, trong đó có thể kể: về triết học – The Quest for Certainty (Cuộc truy lùng cái chắc chắn, 1929); về giáo dục – The School and Society (Học đường và xã hội, 1899), The Child and the Curriculum (Trẻ em và học trình, 1902), v.v.


26. Derrida (1930–2007)

Triết gia hậu hiện đại Pháp, thành lập và là thủ lãnh của thuyết giải cấu trúc (deconstruction). Tên đầy đủ Jacques Derrida.

Sinh tại Algeria, sau khi vỡ lòng về văn học, năm 19 tuổi, ông sang Pháp học triết tại trường Ecole Normale Supérieure của Paris, chuyên nghiên cứu hai triết gia Ðức là Husserl và Heidegger. Năm 1956, ông được học bổng du học Ðại học Harvard; bốn năm sau, về dạy triết tại Ðại học Sorbonne.

Từ năm 1985, ông dạy tại trường môn khoa học xã hội tại Ecole des Hautes Etudes.

Từ thập niên 1990, công trình của Derrida gợi được sự chú ý trong những nhà phê bình văn học và phê bình lý thuyết trong phần thế giới nói tiếng Anh. Năm 1992, Ðại học Cambridge trao ông văn bằng danh dự. Sự việc ấy khích động cuộc tranh luận công khai giữa những người ủng hộ và những người chống đối ông. Và có lẽ sự đối lập rõ nét của hai phía từng đọc tác phẩm Derrida sẽ không bao giờ chấm dứt. Tính tới năm 1999, đã có 400 cuốn sách lấy quan điểm mới mẻ của Derrida làm đề tài nghiên cứu, 500 sinh viên Anh Mỹ lấy ông làm đề tài luận án tiến sĩ và hơn 14.000 bài báo có nhắc tới tên ông.

Derrida nổi danh vì công trình của ông liên quan tới tư tưởng và ngôn ngữ với những thẩm tra đùa giỡn bên lề văn bản triết học và văn học. Ông tấn công vào cái mà ông gọi là duy tập trung ngôn từ (logoscentrism) của triết học phương Tây. Ông xem lý trí bị chế ngự bởi siêu hình học từng thời kỳ, trong khi thật ra lập luận thì chỉ để mà lập luận.

Khái niệm giải cấu trúc được ông trình bày lần đầu trong Lời dẫn nhập cho bản dịch của ông cuốn Origine de Geometrie (Nguồn gốc hình học) của Husserl. Với thuyết giải cấu trúc, câu nói thời danh của Derrida là ‘Không có gì ngoài văn bản’.

Phê bình của Derrida về những gì ngôn ngữ chứa đựng và tính chất khách quan của các cấu trúc được đặt cơ sở trên trường phái phê bình có tên là giải cấu trúc. Ý tưởng thì không thể tách rời khỏi phương cách diễn tả tuy ngôn ngữ dù cố diễn đạt tới mấy đi nữa, cũng không hoàn toàn nêu bật được ý nghĩa. Thế nên theo Derrida, độc giả nên nhìn vào cách thức văn bản được đặt liền nhau — gọi là liên văn bản — để làm bộc lộ những ý nghĩa ẩn giấu và những giả định của tác giả. Tuy có thể ta không xác định được ý nghĩa, nhưng vẫn có thể vạch trần những nơi ẩn náu các mâu thuẫn của người tự cho mình là lý trí và nhất thể, để phá hủy cái gọi là mạch lạc trong luận cứ của họ.

Trong hàng chục tác phẩm của Derrida, các cuốn gây được ảnh hưởng lớn có L’écriture et la difference (Văn bản và khác biệt, 1967); Ba cuốn giản yếu La voix et la phenomène (Lời nói và hiện tượng, 19767); Marge de la philosophie (Bản lề triết học, 1972), v.v.


27. Foucault (1926–1984)

Triết gia Pháp. Tên đầy đủ Michel Foucault.

Ông chào đời ở Poitiers, Pháp. Trong thời gian theo học triết và tâm lý học tại trường Ecole Normale Supérieure, Paris, ông là sinh viên của triết gia theo chủ nghĩa Marx Louis Althusser. Thập niên 1960, Foucault làm trưởng khoa triết Ðại học Clermont-Ferrant rồi Ðại học Vincennes. Năm 1970, được bầu vào học hiệu cao nhất của Pháp, College de France, nơi ông giữ ghế Giáo sư Lịch sử các Hệ thống Tư tưởng. Suốt hai thập niên 1970 và 1980, uy tín ông tăng cao khi được thỉnh giảng tại nhiều nơi trên thế giới.

Tư tưởng của Foucault chịu ảnh hưởng chính của hai triết gia Ðức Nietzsche và Heidegger. Ông thăm dò các mẫu thức biến ảo của quyền lực trong lòng xã hội và những phương cách nó gắn liền với bản ngã. Ông nỗ lực trình bày những ý tưởng căn bản về con người và xã hội vốn được người ta thường xem là chân lý thường trực nhưng trên thực tế, bị thay đổi theo dòng lịch sử.

Ngay cả đối với lịch sử, Foucault liên tục tìm kiếm để kiểm chứng các giả định văn hóa trong các bối cảnh lịch sử đã định. Với ông, không có sự phân biệt minh bạch giữa tự sự và hư cấu, vì những tường thuật lịch sử là những đại tự sự do bị chi phối bởi ý định chủ quan và giới hạn của tri thức trong thời kỳ liên hệ, v.v. Tiểu thuyết thì không là lịch sử, nhưng một cuốn lịch sử, về cơ bản, thật ra tính hư cấu của nó cũng không thua kém gì một cuốn tiểu thuyết.

Các tác phẩm quan trọng nhất của Foucault gồm có Histoire de folies (Ðiên khùng và văn minh, 1961), Les mots et les choses (Chữ và vật, 1966); L’Archeologie du savoir (Khảo cổ học về tri thức, 1969) và tác phẩm dở dang Histoire sexualité (Lịch sử tính dục, 1976–1984), v.v.


28. Lyotard (1924–1998)

Triết gia và nhà lý thuyết văn học, người Pháp. Tên đầy đủ Jean-Francois Lyotard.

Lyotard lấy văn bằng thạc sĩ triết năm 1950 và tiến sĩ văn chương năm 1971. Ông từng dạy trung học ở Constantine, Algeria rồi các Ðại học Sorbonne, Nanterre, CNRS Vincennes, v.v. Sau đó, ông là thành viên quản trị Collège Internationale de Philosophie (Trường Quốc tế Triết học), Giáo sư Danh dự Ðại học Paris, Giáo sư Pháp ngữ và Triết Ðại học California, ÐH Irvin rồi ÐH Atlanta.

Trong nhiều năm trời, cho tới 1966, Lyotard là thành viên của nhóm theo chủ nghĩa Marx ‘Socialisme ou barbarie – Hoặc chủ nghĩa xã hội hoặc man rợ’. Các văn bản của ông trong thập niên 1970 không còn mang dấu vết của chủ nghĩa Marx giáo điều và cũng không còn bám chặt các lý thuyết của Freud và Lacan như trước đó. Tuy thế, ông vẫn kết hợp vào nhau các quan tâm triết học và chính trị.

Trong cuốn Le Differend (Sự khác biệt, 1984), Lyotard quả quyết rằng những luận thuyết về con người đều xuất hiện trong cảnh giới riêng tư và đặc thù nên không cái nào được xem là ưu tiên, có thẩm quyền duyệt xét thành quả và giá trị của những cái khác.

Chủ đề chính trong các tác phẩm của Lyotard là đối kháng lại hoài bão thường được qui cho “thời hiện đại” là có khả năng thiết lập các lý thuyết và các thông giải bao quát, nhất quán cùng dứt khoát nhằm đưa ra những đáp án tuyệt vời nhất cho mọi câu hỏi.

Sự bác bỏ khái quát các ‘đại tự sự’ có xuất xứ từ trong cuốn La Condition postmoderne (Tình huống hậu hiện đại, 1979) của Lyotard. Một trong những đặc điểm của hậu hiện đại là sự bác bỏ các ‘đại tự sự’, nghĩa là các hệ thống chính của các ý tưởng tôn giáo, chính trị và văn hóa (Kitô giáo, giải phóng, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, tiến bộ công nghệ) được dùng làm trụ cốt cho các định chế chính trị và xã hội, các thực hành cùng các kiểu mẫu trí tuệ.

Một đặc điểm thêm nữa của thời hậu hiện đại là tính không thể đối chiếu của các hình thức luận bàn đa dạng, có nghĩa rằng sự nhất trí — vốn được dùng như một cơ sở khách quan cho các khái niệm về công bình và chân lý — không bao giờ có thể đạt tới một cách lý tưởng. Tuy thế, trong thời buổi hậu hiện đại, người dân càng ngày càng nhạy cảm hơn với những thất bại trong các phương tiện truyền đạt và càng ngày càng hiểu rõ hơn về chúng.

Ngoài hai tác phẩm vừa kể, Lyotard còn cuốn Misère de la philosophie (Sự khốn khổ của triết học, 2000).


29. Baudrillard (1929–2004)

Triết gia xã hội, nhà phê bình văn hóa và công nghệ truyền thông, người Pháp. Tên đầy đủ Jean Baudrillard.

Là khuôn mặt hàng đầu của chủ nghĩa hậu hiện đại, cho tới ngày qua đời, Baudrillard làm Giáo sư Danh dự Ðại học Paris và được thỉnh giảng ở nhiều đại học trên thế giới. Ông khởi nghiệp bằng tác phẩm nghiên cứu Marxism Critique of Capitalism (Phê bình Mác-xít đối với chủ nghĩa tư bản). Trong thời kỳ viết tác phẩm ấy, ông nêu luận cứ đối tượng tiêu dùng cấu thành một hệ thống các ký hiệu gây phân biệt trong cư dân. Theo Baudrillard, cá nhân tìm kiếm trật tự trong lòng xã hội từ các đối tượng; tuy thế, một thời gian sau, Baudrillard lại cảm thấy lý thuyết Marx không hiệu quả trong việc thẩm định hàng hóa, do đó, ông hướng tới chủ nghĩa hậu hiện đại.

Bằng nỗ lực phân chia thời hiện đại và thời hậu hiện đại thành hai thời kỳ, Baudrillard giải thích thế giới như một chuỗi các kiểu mẫu. Ông nhận dạng thời kỳ đầu của hiện đại là giai đoạn giữa thời Phục hưng và Cách mạng Kỹ nghệ, thời kỳ hậu hiện đại là giai đoạn đầu của truyền thông đại chúng (điện ảnh và chụp hình). Baudrillard tuyên bố rằng chúng ta hiện sống trong thế giới của hình ảnh nhưng chúng chỉ là những bản-thế-vì (simulations) cho các hình ảnh ấy.

Ông ngụ ý rằng nhiều người không hiểu nổi khái niệm đó nên “ngày nay chúng ta đang đi vào một kỷ nguyên, ở đó, chân lý chỉ là sản phẩm của các giá trị được tập thể đồng ý, và ở đó, khoa học chỉ là một cái tên mà chúng ta gán cho các phương cách nhất định.”

Một số tác phẩm của Baudrillard là Le Système des objets (Hệ thống và các đối tượng, 1968); La Société de la consommation (Xã hội tiêu thụ, 1970 ); Pour une critique de l’économie politique du signe (Phê bình nền kinh tế chính trị của ký hiệu, 1972), và khoảng bốn chục cuốn khác...


30. Rorty (1931–2007)

Triết gia Mỹ. Tên đầy đủ là Richard McKay Rorty.

Rorty chào đời tại thành phố New York, Hoa Kỳ. Ông lớn lên trong bầu khí của gia đình và thân hữu gồm những người có khuynh hướng chính trị, triết học và xã hội đối lập nhau nhưng giao lưu hài hòa. Năm 15 tuổi, ông vào học triết Ðại học Chicago. Sau khi lấy văn bằng tiến sĩ của Ðại học Yale, ông đi lính hai năm. Từ năm 1958 tới nay, ông lần lượt dạy tại các Ðại học Wellesley, Princeton, Virginia, Stanford... và được thỉnh giảng tại Ðại học Cambridge, Luân Ðôn, Ðại học Harvard.

Năm 1979, Rorty xuất bản cuốn sách đầu tay Philosophy and the Mirror of Nature (Triết học và chiếc gương của thiên nhiên). Vô số cuộc tranh luận xoay quanh cuốn ấy làm thành cuộc tấn công mạnh mẽ, rất gay cấn và ngày càng dâng cao vào khát vọng siêu hình và bảo căn của triết học truyền thống. Theo Rorty, cái được chúng ta gọi là ‘triết học’ đã biến thành ngõ cụt trong tri thức luận, siêu hình học và trở thành lý thuyết đạo đức khiến có lẽ chúng ta cần tái thẩm định những gì đang được ‘triết học hóa’, và nếu chúng ta tìm thấy quá ít hoặc chẳng có gì đằng sau những gì chúng ta tìm kiếm thì có lẽ cũng cần phải tái khám phá thuật ngữ đó.

Trong các tiểu luận gom thành cuốn Consequenses of Pragmatism (Các hậu quả của chủ nghĩa thực dụng, 1982), và cách riêng trong cuốn Solidary, Irony and Contigency (Ðoàn kết, châm biếm và ngẫu nhiên, 1989), Rorty phác họa một quan điểm về loài người như các sinh vật sử dụng ngôn ngữ đang liên tục ra sức xác định thế giới của chúng, không chỉ vì chúng ta có thể làm được việc đó mà còn vì chúng ta đang ra sức làm cho thế giới tốt đẹp hơn cho mình.

Tư tưởng của Rorty đặt trọng tâm lên phạm vi phê bình ấy, và việc làm đó đưa ông, tuy là một triết gia hậu hiện đại chủ nghĩa, vào hàng ngũ các nhà thực dụng chủ nghĩa Mỹ trước ông, với ý tưởng rằng chỉ có chân lý được mô tả về mặt xã hội của những phát biểu về thế giới, niềm tin và các ý kiến của chúng ta mới có thể biến chúng trở thành có ý nghĩa.

Ngày 8 tháng Sáu năm 2007, Rorty qua đời tại nhà riêng vì ung thư tụy tạng.

Không bao lâu trước khi từ trần, ông viết bài thơ The Fire of Life (Ngọn lửa đời), in trong Tạp chí Thơ tháng Mười Một năm 2007, trong đó ông chiêm nghiệm cơn bệnh của mình và làm thơ. Ông kết luận:

“Giờ đây, tôi ao ước dành đôi chút đời mình cho thơ. Chẳng phải vì tôi sợ vuột mất những chân lý không thể nói bằng thơ. Không có những chân lý như thế; cũng chẳng có gì về cái chết mà [hai thi sĩ] Swinburne và Landor biết nhưng [hai triết gia] Epicurus và Heidegger không nắm bắt nổi. Thật ra chỉ vì tôi hẳn sống đầy đủ hơn nếu tôi có khả năng nói huyên thuyên về những hạt dẻ rất già, tựa như tôi đã làm nếu tôi có thêm nhiều bằng hữu thân thiết.”


Tư liệu:
  • Anthony Falikowski, Experiencing Philosophy, Pearson Prentice Hall, Hong Kong, 2004.
  • Bertrand Russell, History of Western Philosophy, Unwin University Books, Hong Kong, 1969.
  • C. Hugh Holman, A Handbook to Literature, The Odyssey Press, Hoa Kỳ 1970.
  • Cao Văn Luận, Ðào Văn Tập, Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Tuyên, Danh từ Triết học, LM Xuân (Carpet), Sàigòn, 1969.
  • Dion Scott-Karkures, S. Castagneto, H. Benson, W. Taschek, P. Hurke, History of Philosophy, Harper Perennial, Hong Kong, 1993.
  • en.wikipedia.org/wiki/Portal:Biography
  • Hữu Ngọc, Dương Phú Hiệp, Lê Hữu Tăng, Từ Ðiển Triết Học Giản Yếu, NXB Ðại học và Trung học Chuyên nghiệp, Hà Nội, 1987.
  • Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử Triết học Tây phương, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.
Một số từ điển triết học bằng tiếng Anh:
  • Robert Paul Wolff, About Philosophy, Prentice Hall, Hong Kong, 1992.
  • Trần Văn Hiến Minh, Từ điển & Danh từ Triết học, Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn, 1966.
  • Will Durant, Câu chuyện Triết học, Trí Hải & Bửu Ðích dịch, Nha Tu thư và Sưu khảo, Viện Ðại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1971.
  • Will Durant, The Pleasures of Philosophy, Touchstone Book, Hong Kong, 1953.
  • Will Durant, The Story of Philosophy, Washington Square Press, Hong Kong, 1970.

© 2008 talawas