trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
19.4.2008
Roger Harrabin
Trung Quốc – quán quân mới trong thành tích làm bẩn khí quyển
La Thành dịch
 
Trung Quốc đã qua mặt Hợp Chúng Quốc để trở thành “quốc gia làm bẩn môi trường nhiều nhất”: đây là điều được khẳng định trong một báo cáo khoa học sẽ công bố trong tháng tới.
— BBC News, thứ Hai, 14 tháng Tư năm 2008.
Nhóm nghiên cứu của Đại học California đã khuyến cáo rằng các đánh giá trước đây về mức độ thải khí nhà kính vào không trung của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa là quá thấp so với hiện thực, và gần như chắc chắn nước này đã vượt Hoa Kỳ ở chỉ số này trong năm 2006–2007. Kết quả của cuộc khảo sát sẽ được đăng trên Tạp chí Quản lý và Kinh tế học Môi trường (‘Journal of Environment Economics and Management’).

Các nghiên cứu viên cảnh báo rằng sự gia tăng ô nhiễm khí quyển trong tương lai mà không được kiềm chế sẽ khiến cho nỗ lực cắt giảm công suất xả khí thải của các nước giàu theo Nghị định thư Kyoto trở nên vô nghĩa.

Nhóm nghiên cứu thừa nhận rằng việc xác định thời điểm mà Trung Quốc trở thành quốc gia quán quân trong việc xả khí carbon dioxide (CO2) vào môi trường là khó chính xác, bởi lẽ sự phân tích của họ là dựa vào những dữ liệu từ năm 2004.

Cho đến nay, hầu hết mọi người vẫn tin rằng Hoa Kỳ đang giữ ngôi cường quốc làm bẩn khí quyển ‘Number One’.

CÔNG SUẤT THẢI XẢ CARBON DIOXIDE
Trục dọc: Công suất thải xả carbon dioxide (ngàn tấn / năm) Trục ngang: Thời kỳ (năm dương lịch) Đồ thị xanh ứng với Hoa Kỳ, đồ thị đỏ ứng với Trung Quốc.
  • Thống kê về công suất thải xả CO2 toàn cầu được công bố lần gần đây nhất vào năm 2004. Đồ thị cho thấy công suất này của Trung Quốc bắt đầu tăng tốc độ từ năm 2002.
  • Kết quả khảo sát của Đại học California khuyến cáo rằng vào năm 2006, Trung Quốc đã vượi lên trên Hoa Kỳ để trở thành quốc gia thải xả CO2 nhiều nhất.
NGUỒN: Cục Bảo vệ Môi trường Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.


Dữ liệu cấp tỉnh vs. dữ liệu cấp quốc gia

Như vừa nêu trên, báo cáo sẽ được công bố vào tháng sau của Đại học California cảnh báo rằng: trừ khi Trung Quốc thay đổi triệt để các chính sách sử dụng năng lượng của mình, sự gia tăng công suất thải khí nhà kính của nước này sẽ lớn gấp vài lần so với định mức cắt giảm “rác khí” mà các quốc gia phát triển đang thực hiện theo Nghị định thư Kyoto.

Các chuyên gia của nhóm nghiên cứu cho biết những con số mà họ đưa ra là dựa trên các dữ liệu cấp tỉnh do Cục Bảo vệ Môi trường của Trung Quốc cung cấp. So với “những kết quả cấp nhà nước”, sự phân tích 30 khoản mục dữ liệu này đã cho những dự báo về mức độ thải khí tương lai đáng tin cậy hơn, bởi lẽ chúng cho phép truy xuất các sai số một cách sát sao hơn. Các nhà nghiên cứu nhận định rằng những tính toán cho tới nay đã đánh giá sự gia tăng mức độ thải xả khí CO2 trong tương lai ở Trung Quốc thấp hơn đáng kể so với khả năng thực.

Chúng tôi đang chờ đợi một bình luận chính thức từ Toà Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh, nhưng Tiến sỹ Max Auffhammer, trưởng nhóm nghiên cứu, đã cho hay các đề án khảo sát của ông đã được trình bày ở nhiều nơi và chưa có bất kỳ ai chỉ ra một sai sót nghiêm trọng nào.

Tất cả – bao gồm cả chính Trung Quốc – những ai quan tâm đến sự biến đổi khí hậu đều đồng thuận rằng sự thải rác khí của Trung Quốc đang là một vấn nạn. Trong khi đó Trung Quốc và nhiều quốc gia đang phát triển khác đang vật lộn để khắc phục đói nghèo vẫn cứng cỏi rằng không nên xem những kết luận đàm phán về việc giảm thiểu thải xả rác khí là tuyệt đối, mà nên đặt chúng vào kịch bản của sự tăng trưởng [kinh tế] đã được tiên liệu, và mọi sự “rồi sẽ đâu vào đấy”.

Đó là lý do vì sao dự án nghiên cứu này mang nhiều ý nghĩa hơn một mối quan tâm học thuật.


“Thực sự gây sốc!”

Nếu như điều khẳng định rằng sự thải xả rác khí trong tương lai của Trung Quốc là cao hơn nhiều so với đánh giá trước đây được thừa nhận rộng rãi, thì cần phải xem đây là một nhân tố quan trọng trong bất kỳ một hiệp định tương lai nào về khí hậu toàn cầu mà người Trung Quốc [buộc phải] được thuyết phục tham gia.

Nói vắn tắt thì mặc dù kết quả nghiên cứu này thoạt nhìn có vẻ bất lợi cho danh tiếng của Trung Quốc, song có lẽ lại là tốt cho vị thế đàm phán của Trung Quốc. (Cho đến nay) người Trung Quốc – và cả Liên hợp quốc – vẫn một mực nài nỉ rằng các nước giàu có mức ô nhiễm chia theo đầu người cao cần phải cắt giảm công suất thải xả rác khí trước, đồng thời phải giúp các quốc gia nghèo hơn đầu tư vào công nghệ sạch.

Và rằng công suất xả rác khí bình quân [theo đầu người] của Hoa Kỳ cao gấp năm đến sáu lần công suất này của Trung Quốc, cho dù Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế chế tạo lớn nhất thế giới [1] .

Công suất thải xả carbon dioxide của Mỹ vẫn đang tăng lên, nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều (so với tốc độ gia tăng công suất này của Trung Quốc – người dịch).

Tiến sỹ Auffhammer nói với BBC News rằng các phân tích của ông đã đi đến một nhận định rằng chương trình nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng ồn ào gần đây của chính quyền Trung Quốc có nhiều khả năng thất bại, giống như một chương trình tương tự trước đây đã từng thất bại một cách tồi tệ vậy.

“Những con số mà chúng tôi phát hiện về sự gia tăng công suất thải khí quả là gây sốc!” Auffhammer phát biểu.

“Tuy nhiên, sẽ vô nghĩa khi chỉ tay vào người Trung Quốc. Họ đang nỗ lực kéo dân chúng ra khỏi đói nghèo và họ hẳn nhiên cần được giúp đỡ... Giải pháp duy nhất là chuyển giao đồng loạt cả công nghệ lẫn sự sung túc từ phương Tây sang.” Auffhammer công nhận rằng tình thế khả dĩ phát sinh vừa đề cập là không được mong đợi.

Các nhà khoa học này đang nuôi tham vọng sẽ bình ổn công suất thải xả carbon dioxide toàn thế giới trước năm 2020, để may ra có thể ngăn chặn điều đáng lo ngại mà họ tin rằng sẽ không tránh khỏi làm đảo lộn khí hậu toàn cầu.


Roger Harrabin là chuyên viên phân tích môi trường của đài BBC.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Các khu vực của nền kinh tế [công nghiệp] bao gồm kiến thiết cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên, chế tạo và dịch vụ. Công nghiệp chế tạo được coi là có khả năng gây ô nhiễm môi trường – đặc biệt là gây ô nhiễm khí quyển – lớn nhất. (Chú thích của người dịch.)
Nguồn: Roger Harrabin, “China Now Top Carbon Polluter”, BBC News, Monday 14 April 2008