Xã há»™iÄá»i sống hiện đại 19.4.2008
Phan Cẩm Thượng
Äằng sau các há»™i lá»…
Mặc dù thường xuyên đi nghiên cứu đình chùa và làng xã, nhưng tôi lại tránh các hội lễ, vì sợ chỗ đông người. Một ngày kia, do ham chơi cờ, tôi đi theo một lão cao thủ đến các hội lễ mùa xuân, mới chợt phát hiện ra hội lễ làng quê còn có một ý nghĩa khác mà mình chưa biết... Đó là nơi hàng năm các bạn chơi gặp nhau, bạn cờ, bạn vật, bạn thả chim, bạn hát ví, hát quan họ ngoài đấu đá mang tính vui vẻ, tuy cũng căng thẳng và quyết liệt còn mừng mừng tủi tủi, hỏi xem ai còn ai mất, năm nay cụ ấy, ông ấy còn đi hội không. 15 năm qua, tôi đã buồn chia tay năm bảy người bạn vong niên về trời, và lại vui thêm ra vài chục bạn mới. Hội làng là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam, nó củng cố niềm tin tôn giáo, lòng ngưỡng vọng tổ tiên, nhắc nhở thuần phong mỹ tục, sự giao hòa trong cộng đồng của một làng, và kết giao thêm bạn mới từ các làng xã khác. Nhưng càng gần đây, những nét không hay của hội lễ làng quê càng bộc lộ, khiến người ta không khỏi băn khoăn: Đó là sự pha tạp văn hoá, sự ô nhiễm môi trường và sự xuống cấp nhanh chóng của di tích sau kỳ lễ hội. Thời phong kiến, do giao thông hạn chế, nên lễ hội thường gói gọn trong một làng, và vài làng lân cận đến góp vui, cùng lắm là dân trong huyện, trong tỉnh đến thăm thú chứ rất ít người từ nơi xa đến. Chiến tranh và thời bao cấp khó khăn, hội lễ chìm vào quên lãng cùng với sự suy thoái của các di tích đình đền, chùa. Hội lễ chỉ thực sự phục hưng trong khoảng 30 năm nay. Từ nơi gần đến nơi xa, số lượng khách đến hội lễ tăng lên đột ngột trở thành một áp lực đối với mọi địa phương, nhưng ngược lại nó cũng đem lại lợi ích đáng kể, đến mức ba ngày hội lễ là nguồn thu nhập duy nhất của nhiều địa phương hẻo lánh và không có nghề phụ. Trước tiên, hội lễ làng xã mở rộng cho mọi đoàn tế lễ trong nước có thể đến di tích tế thần, như một nghi thức trang trọng và tất yếu; sau đó nhiều nghi thức cổ khi phục hồi bị biến tướng và nhiều đồ nghi lễ không còn may mặc đúng với cổ truyền, tính dị đoan cũng nhân đó mà tăng lên. Cúng cáp ngày càng lòe loẹt, phô trương và lãng phí vô cùng, đến mức số tiền đáng lẽ có thể cứu giúp nhiều người nghèo, lại chỉ để bay theo khói hương, vàng mã và sớ sách. Sự pha tạp văn hóa này khiến cho các hội lễ mất nhiều nét đẹp tôn giáo và nghệ thuật, cùng lúc tính hình thức và hủ tục tràn ngập. Trước hội lễ một tuần, người dân nhiều địa phương đem vôi quét vào nhiều nơi trong di tích đánh dấu quyền bán hàng, tiếp đó nhiều hàng quán giải khát và ăn uống đăng ký chỗ dọc đường và xung quanh thắng cảnh. Vườn hoa cây cảnh bị xéo nát. Nhiều người hành khất và hành hương đến ngủ ở chùa chiền trước vài đêm. Rồi đến các đoàn tạp kỹ và cờ bạc nghiệp dư chạy sô lần lượt theo mọi lễ hội, nhất là trong ba tháng mùa Xuân. Đu quay, nhà trượt bằng phao cao su, chọn số thưởng tiền, ném phi tiêu, ném bóng, rút số và thậm chí là đánh xóc đĩa… Các đoàn này mua chỗ khoán từ ban tổ chức lễ hội địa phương với mục đích chính là kinh doanh, mà cách thức hoạt động mang nhiều tính cờ bạc may rủi, không liên quan gì đến truyền thống văn hóa của lễ hội và trò chơi dân gian. Ô nhiễm môi trường là nguy cơ thứ hai, khi hàng vạn con người cùng dồn đến một chỗ trong ít nhất ba ngày. Bình quân 1 người/m2 vào ngày khai hội và tàn hội, 2người/m2 vào ngày chính hội. Ta tưởng tượng, một địa điểm rộng một vạn mét vuông, có 2 vạn lượt người ăn uống, phóng uế, vứt rác thì kinh khiếp thế nào, trong điều kiện vài ba nhà vệ sinh luôn ách tắc. Chúng ta có thể chứng nghiệm điều này ở lễ hội chùa Thầy, lễ hội Lim chẳng hạn. Ví dụ cụ thể sau ba ngày lễ hội chùa Bút Tháp từ 22-24 tháng Ba âm lịch, ni lông và giấy thải rải đầy một phạm vi 5 héc ta. Chúng tôi từng đốt rác trong vòng một tuần mới hết và mùi xú uế cũng kéo đến hàng tuần. Riêng hương do khách thắp có nguy cơ làm sặc và cháy nhà, cháy cây, luôn được ban quản lý nhổ ra đầy góc sân. Khách không chỉ cắm hương vào các bát hương, mà còn cắm vào cả cây cảnh, làm tổn thất khá nhiều. Tất cả các lễ hội khác như hội chùa Keo Thái Bình, hội Phủ Giầy, hội đền Kiếp Bạc hội chùa Tây Phương... đều chịu thảm cảnh như vậy. Và không biết lễ hội chùa Hương kéo dài hàng tháng thì môi trường ở đó sẽ như thế nào? Sau kỳ lễ hội, các di tích nom thảm hại như sau trận ném bom. Đọc tài liệu nhiều di tích văn hóa nước ngoài bị xuống cấp do lượng khí cacbonic của du khách thải ra, tôi tưởng đó là chuyện đùa. Nhưng khi ở lâu trong các đình chùa, sau mùa lễ hội, thấy đó là sự thật. Các pho tượng cổ cũ đi nhanh chóng, tường gạch và vì kèo gỗ hỏng hóc trông thấy, chưa kể nam nữ thanh niên ký tên, viết khắc lưu niệm lên mọi tường gạch và thân cây, thậm chí dùng bút xóa có màu trắng viết lên tháp đá. Hàng vạn chữ nhằng nhịt hàng trăm mét vuông. Tôi không rõ nếu dùng phương pháp khoa học mà đo sự xuống cấp sẽ như thế nào, nhưng có một chuyên gia nói rằng trong môi trường phi công nghiệp, di tích có thể lưu giữ khoảng 300 năm mới phải sửa chữa, thì bây giờ chỉ là 30 năm. Điều này thực sự đáng lo ngại. Mùa lễ hội đã bắt đầu, mặc dù nhiều di tích văn hóa chưa phải ngày lễ hội, nhưng người đi thưởng ngoạn và hành lễ năm nay tăng lên đột ngột ở tất cả các địa phương. Trước tiên là tình trạng rác thải, đặc biệt là các túi ni lông, bao bì bánh kẹo, lại chủ yếu do các nam thanh nữ tú vứt một cách tùy hứng. Ý thức công dân kém, sự mê tín ngu muội ngày càng làm cho các di sản văn hóa truyền thống xuống cấp. Đằng sau những lễ hội tưng bừng và hoành tráng có nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến môi trường và sự tồn vong của di sản, khi mà tinh thần văn hóa đang có chiều hướng pha tạp.
Nguồn: Thể thao & Văn hóa cuối tuần số 7 (15-21/02/08), Mục “Văn hóa sốngâ€, tr. 70-71
|