trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
24.4.2008
Hoàng Hưng
Trò chuyện đầu xuân với nhà thơ Lê Đạt
 
Thật không ngờ đây là cuộc trò chuyện cuối cùng của anh với tôi. Khác với tất cả những lần trước, hai anh em chỉ toàn chuyện thơ phú, lần này là lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện “đời”, và cũng là lần đầu tiên cuộc chuyện trò được công bố trên một tạp chí (Người Đô thị tháng 3/2008). Xin đưa lên để những người yêu thơ Lê Đạt biết những ý nghĩ gần đây nhất của ông về các vấn đề của đời sống hôm nay.
Hoàng Hưng
Sau hơn một tháng rét đậm rét hại kỷ lục thế kỷ, Ngày Thơ Việt Nam 2008 bỗng rực nắng bất ngờ, như một minh chứng cho sức sống vượt mọi thử thách của Thơ Việt. Minh chứng thứ hai, bằng xương bằng thịt: Sau cú ngã cách đây hai tháng trên đường hàng ngày “thi-thiền-hành” [1] , lão tướng Thơ Lê Đạt, chân bước cà nhắc vào tuổi bát tuần [2] , vẫn có mặt làm rộn một góc sân Văn Miếu với tiếng cười “lạc quan ngoan cố” rất đặc trưng: “Áo trắng chân dài nắng lạ/ Sáng ngần thân phố khoả xuân” [3] Ai dám bảo đôi mắt kia là mắt tám mươi nhỉ?

Lê Đạt bát tuần trước cỗ computer ở nhà mới Xuân 2008

Hai ngày sau, tôi đến thăm ông tại ngôi nhà các con ông mới xây, một căn nhà phố bốn tầng nằm dưới chân đê Yên Phụ. Mình ông một tầng. Giữa căn phòng rộng, ông ngồi trước màn hình tinh-thể-lỏng-mỏng của chiếc computer đời mới. Hai năm trước, ông đã rời đô sau 40 năm nằm giữa các kiện khăn bông, gối thêu… ngốt người trên một con phố tiêu biểu của khu “36 phố phường” Hà Nội [4] . Chúng tôi mở đầu câu chuyện với Người Đô thị bằng những kỷ niệm về nó.

Hồn thơ Lê Đạt vẫn cười giữa vòng vây hàng hoá phố cổ (ảnh chụp khoảng 15 năm trước)

Hoàng Hưng: Anh có nhớ, có tiếc nơi ở cũ của mình không?

Lê Đạt: Thật ra, mình đã mất nó từ lâu rồi. Phố cổ của mình, của một thời, từ lâu đã tàn lụi, đã bị phá hỏng.

Nhưng đã có bao nhiêu ý tưởng, dự án… bảo tồn, khôi phục phố cổ đó thôi?

Phố cổ đúng là cái duy nhất đã được định hình từ xưa của Hà Nội. Giá mà ta để nguyên nó, rồi xây dựng những khu đô thị mới xung quanh thì rất tốt. Bây giờ thì còn gì mà bảo tồn với phục hồi. Còn những gì đang thêm thắt vào nó chỉ lộ rõ sự pha trộn tạp pí lù, rất vô duyên. Nhìn rộng ra cả Hà Nội, cái cũ thì đã mất, cái mới thì chưa ra đâu vào đâu. Bây giờ còn giữ được cái gì thì cố mà giữ thôi.

“Suốt ba mươi năm hoạn nạn, Bờ Hồ là người bạn tốt nhất của tôi…” Suốt ba mươi năm ấy, anh đã giữ một thói quen tuyệt vời: mỗi ngày đi quanh Hồ Gươm, sáng 4 vòng, chiều 4 vòng. Vậy anh là một trong những người có thẩm quyền nhất nhận xét hiện tình của nó.

Tôi có cái may mắn của người làm thơ: người thì đi trong hiện tại, nhưng hồn vẫn sống ở quá khứ. Với tôi, Hồ Gươm chỉ đẹp trong ký ức. Thuở mình còn học trò. Bây giờ còn gì nữa đâu. Nói Hồ Gươm đẹp là nói cho lễ phép đấy thôi. Nó chỉ là một cái ao con bẩn thỉu.

Chẳng lẽ một người được tiếng là trẻ mãi không chịu già như anh mà cũng “hoài cổ” đến thế. Vậy chắc anh cũng thuộc những người quyết chống lại việc xây nhà cao tầng quanh Hồ Gươm?

Định kiến như thế cũng không đúng. Mình không cho là tuyệt đối không thể xây nhà cao tầng gần Hồ Gươm. Vấn đề là xây thế nào, theo quy hoạch nào. Thành phố cũng như con người, phải sống, phải thay đổi, không thể giữ mãi cái cũ, không khéo thì ta chỉ giữ được một xác chết. Song tôi tin là có những cách làm cho thành phố phát triển mà vẫn đẹp.

Theo anh thì nguyên nhân chính của cái tình trạng “phát triển mà xấu” là gì?

Nguy hiểm nhất là tình trạng ứng phó tùy tiện, tùy hứng, không có bài bản, không có tầm nhìn xa. Vẫn cứ du kích như hồi kháng chiến ấy. Người Việt Nam nổi tiếng là tháo vát, nhanh trí, hoạt bát, những ưu điểm ấy để đánh du kích thì tốt, nhưng bây giờ hoá ra có hại. Không thể cứ làm đi, sai thì sửa. Làm như thế với một thành phố khác nào sửa mặt một người đẹp. Lỡ xấu rồi, làm sao làm lại cho đẹp đây? Thời đại này đòi hỏi phải có học. Quản lý một gia đình mà không biết cách cũng còn loạn nữa là một thành phố lớn. Phải học cách quản lý đô thị, phải có kiến thức về “kiến đô”. Mình mới thấy báo Người Đô thị đưa ra một nhận xét của ai đó khá đau xót: các quy hoạch phát triển Hà Nội, TPHCM của chúng ta kém xa những quy hoạch mà người Pháp làm cách đây trăm năm.

Vì không có bài bản và tầm nhìn nên sinh ra nhiều ý kiến quá. Thay đổi thành phố mà mỗi người lên lại vẽ ra một quy hoạch. Nhiều sáng kiến quá. Trong khi đó sáng kiến nhiều khi chỉ là làm sao giữ lại cái đã có.

Cũng từ đó mà nhiều “dự án” quá. Bây giờ mình rất dị ứng với từ “dự án”. Hình như nó đồng nghĩa với “vụ án sắp xảy ra”.

Người ta có thể quy họach phát triển đô thị nhưng xây dựng văn hoá đô thị có lẽ còn khó khăn, phức tạp hơn. Theo anh cái gì là mấu chốt của văn hoá đô thị? Văn hoá đô thị có đồng nghĩa với văn hoá hiện đại?

Tự do là tinh thần quan trọng nhất của đô thị, là cái làm nó khác biệt với nông thôn. Vẫn có sự e ngại không đúng với hai tiếng “tự do”. Trong khi đó, đời sống văn hoá Hà Nội hiện nay lại đang ở trong tình trạng tự do không ra tự do, bảo thủ không ra bảo thủ, mà vô chính phủ thì đúng hơn. Điều này có gốc gác từ thói quen tư duy của người Việt Nam, một kiểu tư duy huyền thoại, không phải tư duy khái niệm. Thí dụ như ngành giáo dục có dự án đào tạo mấy nghìn tiến sĩ, nhưng cái đầu tiên là phải xác định tiến sĩ là thế nào, chuẩn của tiến sĩ là gì đã chứ.

Tinh thần dung nhận cũng là tinh thần tiêu biểu của đô thị. Biết nghe cái khác mình. Biết đối thoại. Tôi vẫn muốn nhắc lại câu này của mình: “Đối thoại bao giờ cũng tốt hơn đối thụi”.

Nói về hiện đại, rất dễ có những ngộ nhận xung quanh từ này. Thí dụ như có người cứ tưởng hiện đại là hô hoán. Ta đang mắc chứng thích hô hoán. Hôm nay thấy cái gì mới một chút là hô hoán: ngôi sao đây, triển vọng đây. Ngày mai, thấy có gì đó không ổn lại hô hoán: lai căn, chống lại truyền thống. Vô văn hoá nhất là hô hoán. Văn hoá là bình tĩnh.

Anh có một chiếc computer rất high-tec, nhưng tôi lại thấy trên bàn phím những tờ giấy viết tay… Có phải là anh chủ trương “kết hợp truyền thống và hiện đại”?

À, đấy là những tờ nháp “Đoản khúc”. “Đoản khúc” là những suy nghĩ về nghệ thuật, về sự đời. Suy nghĩ thì phải từ tốn chứ, vội gì đâu mà phải gõ tanh tách. Đấy, người ta cứ nhầm hiện đại với vội vàng, chụp giựt. Đi đâu mà vội kia chứ. Phải có thì giờ để suy nghĩ, trừ khi không chịu nghĩ. Sợ nhất là chủ trương chạy đua theo các dịp kỷ niệm. Ngay kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cũng thế. Tại sao ta cứ bịa ra các thứ “nhân dịp” ấy để tự trói buộc mình? Đã từng có vụ một nhà hát đổ sập ngay trong ngày khai mạc “nhân dịp”… rồi mà không sợ hay sao?

*


Trong tập U75 từ tình của Lê Đạt mới xuất bản đầu xuân này, có phần “Đoản khúc”. Rất thú vị là những suy nghĩ của nhà thơ bước vào bát tuần về những hiện tượng rất thời thượng của ngày hôm nay. Xin kết thúc cuộc trò chuyện bằng một vài “đoản khúc” như thế.

- Chợ giời: Chợ ngổn ngang sốp thiên đường hàng mã/ Thánh thần tù mù mác giả đi đêm.

- Hoa hậu: Một siêu mẫu có thể là mọt người “xấu” độc đáo. Một hoa hậu thường là một người trung bình đẹp (không có nghĩa là đẹp trung bình). Hoa hậu đều ít nhiều quá khứ. Tôi kính họ như kính một bài lục bát.

- Bị tư duy: Đã từ lâu con người nhiều khi không tư duy nữa mà bị tư duy. Những phương tiện truyền thông đại chúng dã tư duy thay cho nó.



[1]Chữ này tôi đặt ra, chỉ hành động thiền bằng cách vừa đi vừa suy nghĩ về Thơ của Lê Đạt.
[2]Nhà thơ Lê Đạt sinh năm 1929, qua Tết vừa rồi là bát tuần (80) tuổi ta.
[3]Những câu in nghiêng đều trích từ các tác phẩm của Lê Đạt.
[4]Phố Lãn Ông, bây giờ ngoài các tiệm thuốc bắc truyền thống còn có rất nhiều cửa hàng bán đồ vải vóc dùng trong gia đình.
Nguồn: Người Đô thị tháng 3.2008