trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
1.5.2008
Nguyễn Hữu Liêm
Bãi nhiệm Madison hay không?
 
Người Mỹ có câu rằng, "Dù mỏng thế nào đi nữa, một chiếc bánh bao giờ cũng có hai mặt cả". Chúng ta hãy bình tâm để khách quan nhận định về nỗ lực hiện nay của một số cử tri gốc Việt nhằm bãi nhiệm cô Madison Nguyễn, nghị viên gốc Việt Nam duy nhất ở thành phố San Jose, tiểu bang California.

Có phải đây là một nỗ lực chính trị chính đáng nhằm truất phế một nghị viên "bất xứng"? Một thể hiện sức mạnh chính trị người Việt, rằng chúng ta "có khả năng bầu lên, thì cũng sẽ có khả năng truất bỏ"?

Hay ngược lại nó là một nhầm lẫn lớn cả về mặt chính trị cũng như về tình tự dân tộc? Một sự phí phạm vốn liếng chính trị mà chúng ta đã mất khá nhiều từ vụ tranh chấp Little Saigon trong suốt hơn sáu tháng qua?

Điều mà không ai có thể chối cãi là xã hội dòng chính người Mỹ đang nhìn tập thể người Việt ở San Jose với con mắt ngạc nhiên vì tính chất nặng mâu thuẫn tiêu cực trong cộng đồng chúng ta. Hãy nhìn những bài viết, những lá thư trên báo San Jose Mercury News trong suốt tuần qua liên quan đến vấn đề này thì mọi người sẽ phải thấy điều đó.

Khách quan mà nói, qua kinh nghiệm của vụ tranh chấp tên Little Saigon, Madison Nguyễn đã không phải là một chính trị gia lão luyện và giàu kinh nghiệm. Nếu như cô biết khéo léo hơn từ ngôn từ đối thoại đến thái độ ngoại giao trong cộng đồng Việt Nam, thì nỗ lực bãi nhiệm này chưa chắc đã thành hình. Madison đã có những sai lầm, vô tình hay hữu ý. Những sai lầm này đã và đang làm cho rất đông người Việt tức giận. Tình cảm tiêu cực của cộng đồng đối với Madison phải được hiểu và công nhận khách quan. Không thể đổ lỗi một chiều trong vấn đề này. Lại càng không nên xem rằng nỗ lực bãi nhiệm Madison là riêng của những người "cực đoan" hay là "tào lao" được.

Tuy nhiên, dù Madison có thiếu tế nhị và khôn khéo ngoại giao đối với người Việt, thì chúng ta cũng nên rộng lượng mà tha thứ - cũng như chúng ta cũng đã từng vui vẻ chấp nhận thái độ của con cháu trong gia đình khi chúng đối xử với người lớn tuổi không theo truyền thống văn hóa lễ nghi.

Trên bình diện tích cực, dầu có thiếu tế nhị và mang thái độ mà nhiều người cho rằng "ngang xấc" đối với cộng đồng gốc Việt, nhưng Madison đã không hẳn là một nghị viên thiếu bản lãnh nghị trường. Về hiệu năng công việc, cô đã thành công trên nhiều lãnh vực quan trọng trong vai trò đại diện cho khu vực 7 của thành phố San Jose. Một dự án xây chung cư cho người có lợi tức thấp, mà rất đông là người Việt, đã được khởi công. Công trình công viên văn hóa truyền thống của người Việt đang hình thành. Một công viên cũng sẽ xuất hiện trên đường McLaughlin bên cạnh Chùa Đức Viên. Trung tâm sinh hoạt cho cộng đồng Việt Nam cũng đã giành được một ngân sách trên một triệu. Những nỗ lực khác của Madison về việc giải quyết nạn băng đảng, vấn đề giao thông, phát triển kinh tế, hạ tầng cơ sở cho khu vực và thành phố cũng đang được tiến hành. Đây là những thành quả mà chức năng dân cử của Madison đã và đang đóng vai trò quyết định. Cô đang được sự ủng hộ của thị trưởng, của đại đa số nghị viên thành phố, và của các cộng đồng người Mễ cùng các sắc dân khác. Trên phương diện quốc gia, cô là một khuôn mặt đang lên cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ. Không lẽ riêng chỉ có người Việt chúng ta lại đi triệt hạ một nghị viên gốc Việt duy nhất mà chúng ta đã góp phần bầu lên chỉ vì những lỗi lầm về cá tánh và ngoại giao của cô?

Đó là chưa nói tới sự tốn kém, nếu không nói là phí phạm, ngân sách thành phố cho một sự tranh chấp vốn giới hạn trong một cộng đồng thiểu số, khi mà những nhu cầu khẩn cấp về an sinh, an toàn, giáo dục và hạ tầng cơ sở cho tất cả cư dân cần phải dành ưu tiên cao.

Có lý luận cho rằng Madison đã "đánh mất chữ tín" và do đó, không còn hiệu năng trong công việc nữa. Đây là một nhận xét trên một bình diện nào đó ít nhiều mang tính chính đáng. Tuy nhiên, hãy bình tâm mà xét, thì sự bất tín nhiệm này chỉ giới hạn trong cộng đồng cử tri gốc Việt mà thôi. Đối với cộng đồng dòng chính người Mỹ, thì đây không hẳn là điều chính xác. Trái lại, có nhận xét cho rằng, đối với các sắc dân khác thì uy tín và tên tuổi của Madison đã lên cao sau vụ Little Saigon. Chúng ta không nên chỉ đánh giá và coi Madison như là một nghị viên "người Việt cho người Việt"; mà hơn nữa, Madison phải là một nghị viên Mỹ gốc Việt, phục vụ cho toàn thể khu vực 7, cả thành phố, cho toàn thể các sắc dân, trong đó có người Việt. Và chúng ta hãnh diện là có một nghị viên gốc Việt của một trong mười thành phố lớn nhất Hoa Kỳ.

Xin thử hỏi, nếu cuộc bãi nhiệm thành công, thì cộng đồng chúng ta sẽ còn ai là người gốc Việt trên hội đồng thành phố tranh đấu cho những dự án và chương trình có lợi cho người Việt? Khả năng để có một nghị viên gốc Việt khác ở thành phố San Jose này càng ngày càng xa vời vì những gì đã xảy ra với vấn đề Little Saigon.

Trên một mặt khác, những ai muốn truất phế Madsison hãy nghĩ thêm điều này: Nếu cuộc bầu cử bãi nhiệm này thất bại, mà điều này rất có thể sẽ xảy ra, thì nỗ lực tiêu cực này chỉ có thể làm cho Madison đứng vững hơn trong cuộc bầu cử vào năm 2010. Hãy đừng vì tức giận mà quên nghĩ đến chiến lược đường dài.

Từ đó, nhìn chung trên tổng thế, vế trừ so với vế cộng, thì những sai lầm hay cá tánh của Madison, khi đặt lên bàn cân quyền lợi chung cho cộng đồng gốc Việt, từ ngắn hạn cho đến lâu dài, từ gần đến xa, từ lý cho tới tình, so với những gì mà cô đã làm được, thì câu kết luận chính đáng sẽ phải là: Không nên tiến hành bãi nhiệm Madison.

Đã đến lúc, cộng đồng chúng ta, dù chống, trung lập, hay bênh vực Madison nên phải ngồi lại để bàn chuyện hơn thiệt trên tình tự dân tộc để tìm ra một hướng đi chung nhằm tránh đi vào con đường tự huỷ lẫn nhau. Phải nhớ rằng, quyền lợi và tương lai của cộng đồng gốc Việt phải to lớn và quan trọng hơn cá nhân Madison.

Tôi xin đề nghị: Về phía Madison, cô hãy mở một con đường ngoại giao khôn khéo phát xuất từ một tấm lòng thành khẩn muốn hàn gắn. Là một nghị viên, là một chính trị gia, cô không muốn chìm thuyền trong một con suối nhỏ của cộng đồng thiểu số. Hãy can đảm bỏ qua cá tánh cao ngạo, ngang bướng và hãnh tiến. Đầu tiên, Madison chính mình hãy bước tới một bước: Madison hãy chính thức xin lỗi cộng đồng.

Sự xin lỗi này sẽ chứng tỏ Madison là một chính trị gia có bản lãnh chính trị. Chỉ có những người tự tin mới có khả năng lên tiếng xin lỗi. Lời xin lỗi tự nó không phải, và không thể, là một dấu hiệu của "thua trận" hay "yếu đuối." Chuyện Little Saigon coi như là xong. Bây giờ là chuyện tương lai của Madison, và quan trọng hơn, là của cộng đồng gốc Việt. Nhắc lại, chính cộng đồng gốc Việt đã đóng vai trò quyết định cho sự thăng tiến chính trị của Madison. Với thái độ khôn ngoan, nhẫn nhục và khiêm tốn, cộng đồng Việt sẽ cảm phục Madison. Và trong tinh thần dân tộc, cộng đồng sẽ sẵn sàng bỏ qua để cùng ngồi xuống với cô nhằm nhìn chung vào con đường trước mặt. Những cử tri đã từng ủng hộ Madison sẽ lại càng cảm phục cô hơn.

Về phía muốn bãi nhiệm Madison, xin hãy giảm nhiệt độ chống đối cô. Chính nghĩa, dù là chắc nịch, nhưng khi đã đi quá đà sẽ dẫn vào con đường tự huỷ. Hãy sẵn sàng để cùng ngồi chung bàn nói chuyện với Madison. Hãy tạm "ngưng chiến". Hãy trì hoãn nỗ lực thâu nhận chữ ký của cử tri cho việc bãi nhiệm trong vòng hai tuần lễ. Trong hai tuần lễ này, các phía, cộng đồng, ủng hộ, chống đối bãi nhiệm, và cá nhân Madison sẽ khai phá con đường ngoại giao đối thoại. Một vài nhân vật uy tín nên đứng ra làm trung gian cho nỗ lực hòa giải này.

*


Hãy để cho cơn bão đi qua. Hãy đừng kéo dài cuộc nội chiến trong cộng đồng này. Dầu sao, người Việt chúng ta vẫn là những khách dân mới trong một thành phố bản xứ. Chúng ta hãy biết điều để đừng làm cái gì quá trớn. Chúng ta có quyền hạn chính trị, dĩ nhiên, nhưng chúng ta cũng phải có đủ khôn ngoan để đừng phí phạm quyền hạn này.

Tuần này, lại thêm một ngày 30 tháng Tư, phần đông người Việt đánh dấu 33 năm lưu vong. Không lẽ chúng ta không học được bài học nào từ trong quá khứ đau thương tàn khốc? Không lẽ chúng ta, sau những kinh nghiệm bi hùng như thế mà vẫn chưa lớn lên để biết đối thoại công bằng, chấp nhận khuyết điểm, để cùng làm việc với nhau?

Xin hãy bình tâm, lắng lòng để nhìn lại mình, nhìn lại cộng đồng. Vì thế hệ con em gốc Việt ở khắp nước Mỹ đang nhìn kỹ và mong chờ ở chúng ta rất nhiều. Kính mong.

© 2008 talawas