trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
6.5.2008
Trương Nữ Hạnh Chi
Phỏng vấn một người Việt 73 tuổi, sang Mỹ năm 1991
 
Hơn một nửa người Việt trong nước và hơn một triệu người Việt đang sống ở nước ngoài sinh ra khi cuộc chiến tranh cuối cùng của thế kỉ 20 diễn ra trên đất nước Việt Nam đã hoàn toàn kết thúc. Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì và biết gì về cuộc chiến tranh ấy? Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài phỏng vấn của các sinh viên Mỹ gốc Việt, Đại học U.C. Berkeley, California. Toà soạn xin viết tắt tên người được phỏng vấn.
talawas
Trương Nữ Hạnh Chi: Xin ông kể đôi chút về bản thân mình?

Đoàn N. C.: Tôi tên là Đoàn N. C. Năm nay tôi được bảy mươi ba tuổi. Thuở thơ ấu, tôi đi học từ lúc năm tuổi cho đến lúc mười một tuổi thì phải nghỉ học vì xảy ra cuộc chiến giữa Việt Nam và Pháp vào năm 1946. Lúc chiến tranh xảy ra, tôi tản cư theo cha mẹ. Tôi đi học và có được bằng tiểu học và bằng yếu lược. Thuở đó, chúng tôi được nghỉ học vào mỗi thứ Năm và Chủ nhật. Những ngày được nghỉ, tôi thường giúp đỡ gia đình.

Vậy trước năm 1975, hoàn cảnh gia đình ông ra sao?

Tôi cưới vợ vào năm 1954. Lúc đó tôi hai mươi tuổi. Gia đình chúng tôi có mười hai người con tổng cộng. Tôi làm công chức nên tiền lương ổn định. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có tiệm vàng kinh doanh nên đời sống tương đối thoải mái. Các con của chúng tôi đều được cho đi học đầy đủ.

Từ năm 1956 đến năm 1961, tôi đi dạy tiểu học, lớp hai, ba và bốn. Sau đó, tôi thi đậu phỏng vấn và được nhận làm chi trưởng thông tin từ năm 1962-1975 cho chính phủ Việt Nam Cộng hoà. Công việc của tôi là tuyên truyền, báo chí và marketing.

Xin ông cho công việc hàng ngày của ông lúc đó? Và mức lương công việc của ông so với những nghề khác?

Chúng tôi phải viết bài theo chủ trương của chính phủ Việt Nam Cộng hoà lúc đó. Nội dung chính thường tập trung vào việc chống cộng sản. Tiền lương dạy học của tôi là hai ngàn đồng. Khi chuyển qua làm chi trưởng thông tin, tiền lương của tôi bắt đầu từ hai ngàn tám trăm đồng. Đến 1975, lương của tôi là năm mươi ngàn đồng. Thời bấy giờ, đó là một số tiền khá lớn. Tuy nhiên, khi Việt cộng thắng, tôi bị bắt đi tù và mất việc làm.

Xin ông kể lại đôi chút về đời sống ở miền Nam trước năm 1975 nói chung (qua những gì ông còn nhớ được)?

Gia đình chúng tôi có phần khá giả hơn những gia đình khác. Nhưng nhìn chung, đời sống của người dân vẫn khổ cực ở vùng nông thôn.

Trong khoảng thời gian chiến tranh giữa hai miền đang xảy ra, cảm giác chung của ông như thế nào? Và ông nghĩ như thế nào về miền Bắc Việt Nam?

Có lẽ điều chúng tôi sợ nhất là bị đạn bắn lạc trúng. Có những người xung quanh bị lính Việt cộng bắt đi không rõ nguyên cớ. Gia đình tôi rất may mắn vì tất cả đều bảo toàn tính mạng trong suốt cuộc chiến và cho đến ngày hôm nay.

Tôi và gia đình mình không thích lính miền Bắc, nếu không muốn nói là chúng tôi “ghét” họ, vì lính miền Bắc đốt nhiều nhà xung quanh và đốt cháy tiệm vàng của chúng tôi.

Trước năm 1975, ông thích bản nhạc/loại nhạc nào nhất?

Tôi thích nghe loại nhạc trầm buồn, tình cảm. Hai bản nhạc mà tôi thích nhất là “Ai ra xứ Huế” và “Lòng mẹ”.

Ngày 30/4/1975, ông đang ở đâu, làm gì? Cảm giác của ông lúc đó là gì? Và điều gì đã xảy ra cho ông/gia đình sau năm 1975?

Lúc đó tôi và gia đình vẫn sống tại Duy Xuyên, thành phố Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Việt cộng đánh vào thành phố Đà Nẵng vào ngày 29 tháng 3 năm 1975. Ngày 30 tháng 3, tôi bị đi tù. Lúc đó, ai theo Quốc gia cũng phải đi tù nhưng tôi không sợ lắm. Khi bị bắt, chúng tôi không được cho biết thời hạn bị “cải tạo” là bao lâu. Nhưng nhìn chung, thời gian bị giam tuỳ thuộc vào cấp bậc của từng người trong chính phủ Quốc gia. Tôi bị tù bảy năm. Sau khi trở về, gia đình chúng tôi làm nông, làm ruộng để sinh sống.

Vậy ông sang Mỹ năm nào? Bằng phương tiện gì?

Gia đình chúng tôi (tôi cùng vợ và ba người con nhỏ nhất) sang Mỹ theo chương trình H.O. vào đầu tháng mười hai năm 1991. Trong những đ̣ứa con còn lại ở Việt Nam, chỉ có ba đứa chưa lập gia đình được đi theo cha mẹ. Những đứa đã có gia đình vẫn còn ở tại Việt Nam cho đến bây giờ. Chúng tôi đến Mỹ bằng máy bay.

Sau khi sang Mỹ, ông làm gì? Thu nhập hàng tháng của ông ra sao?

Vì sức khoẻ không được tốt cho lắm và cũng đã có tuổi nên tôi chỉ ở nhà trông mấy đứa cháu.

Sau khi qua Mỹ, mặc dù không đi làm nhưng tôi được nhận “tiền bệnh” hàng tháng từ chính phủ. Đến năm sáu mươi lăm tuổi thì tôi làm đơn để nhận “tiền già” cũng từ chính phủ. Vợ của tôi cũng đã ngoài sáu mươi lăm nên cũng được nhận tiền trợ cấp. Chúng tôi không tiêu xài gì nhiều nên đời sống tương đối ổn định. Bên cạnh đó, mấy đứa con của chúng tôi cũng có phụ trong tiền ăn hàng tháng và phần lớn trong những kỳ nghỉ về Việt Nam.

Ông có thấy mình hội nhập được vào cuộc sống ở nước mới chưa? Có khó khăn gì không?

Tôi không có nhiều trở ngại trong việc hội nhập vào cuộc sống mới tại Mỹ. Tôi thấy đời sống ở đây tương đối thoải mái và đầy đủ. Tôi và gia đình rất mừng khi có cơ hội đến được “đất nước của tự do”. Con cái của chúng tôi có cơ hội học hành và nhận được giúp đỡ từ chính phủ Mỹ. Nhìn chung, chúng tôi nhận được nhiều trợ cấp trong những ngày đầu bỡ ngỡ. Hiện tại, tôi và bà nhà không chỉ được giúp đỡ từ “tiền già” mà còn nhận được một phần trợ cấp trong tiền nhà.

Ông đã quay trở lại Việt Nam lần nào kể từ khi rời đất nước chưa? Theo ông, con người, xã hội và đời sống ở Việt Nam trước năm 1975 và hiện nay khác nhau ở những điểm quan trọng nào?

Tôi đã về Việt Nam tổng cộng mười hai lần từ khi rời đất nước. Xã hội Việt Nam bây giờ thay đổi rất nhiều. Điện và nước đã được đem đến tận miền quê. Đời sống tại thành thị càng lúc càng tiện nghi hơn, nhưng tại những vùng xa vùng sâu, đời sống con người vẫn còn rất khổ.

Tôi nhớ nhất là ruộng đồng ở Việt Nam. Tôi cũng rất nhớ biển miền Trung và căn nhà ở gần biển của chúng tôi.

© 2008 talawas