trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
10.5.2008
Lý Đợi
Phỏng vấn một người Việt trẻ, sang Mỹ năm 1992: Người Việt ở Mỹ có những nỗi niềm mà các sắc tộc khác không có
 
Nói đến người Việt ở Mỹ cũng như tại hải ngoại, nhiều người hay nghĩ đến California – nơi lượng người Việt định cư đông nhất. Nguyễn Thanh Đức, chuyên viên bảo trì máy bay của hãng hàng không Express Jet Airlines; cũng là một cây bút văn xuôi với nhiều dự định, hiện sống tại một thành phố rất nhỏ [Shreveport, thuộc tiểu bang Louisiana], chỉ có khoảng 300 ngàn dân, với vài chục người Việt sinh sống, sẽ bộc bạch những tâm sự của một người Việt trẻ xa xứ; đồng thời, chuyện của một ngành nghề còn khá xa lạ tại Việt Nam: bảo trì & sửa chữa máy bay.
Nam Anh là bút danh mà anh dùng khi còn là thành viên của bút nhóm Vòm Me Xanh [báo Mực Tím], vậy tên thật của anh là gì? Sinh quán và lớn lên tại đâu?

Thực sự mà nói, bút danh Nam Anh tôi chỉ ký một lần duy nhất, cũng trên báo Mực Tím, nhưng ở một hoàn cảnh khác, còn những bài viết ở Mực Tím hay các báo khác tôi ký tên thật. Nhưng có lẽ do quen miệng, nên ai là bạn bè cũng gọi là Nam Anh, từ đó chết tên luôn.
Tên tôi là: Nguyễn Thanh Đức. Sinh ở Huế, lớn ở Sài Gòn, tha phương cầu thực ở Mỹ. Còn chưa biết mai mốt nằm xuống ở đâu. Cày chữ trả tiền café thuốc lá từ hồi 18 tuổi, qua một số báo ở Sài Gòn như Văn Nghệ (thành phố HCM) [trang Hoa Hàm Tiếu], Mực Tím, Hoa Học Trò, Thanh Niên… Hiện đang bán mồ hôi nuôi miệng ở một xứ khỉ ho cò gáy bên Mỹ.

Anh sang Mỹ định cư vào năm nào? Đi theo diện nào?

Tháng 8/1992, diện H.O. đoàn tụ. Nhưng cũng nhọc nhằn lắm.

Lý do nào đưa anh tới quyết định bỏ viết văn, viết báo để đi theo chọn lựa ấy?

Biết là khó khăn, nhưng không còn chọn lựa nào khác, xuất cảnh đi Mỹ, thời điểm đó là chọn lựa duy nhất để thoát khỏi những bế tắc; mà phần lớn là chuyện mưu sinh.

Sang Mỹ trong những năm đầu, anh làm gì?

Đủ thứ nghề hết. Đầu tiên đi làm ở chợ, rồi bỏ chợ làm hãng sản xuất thùng đựng nước đá, rồi nhảy đi làm trong nhà kho hàng, rồi cắt cỏ mướn... có việc là làm, không phân biệt sang hèn, cao thấp . Hơn nữa, lúc đó còn trẻ, cần lấy ngắn nuôi dài (chuyện học hành ý mà).

Việc đi học của anh thế nào? Cái gì làm anh thấy khó nhất?

Nhìn lại, tôi thấy cái gì cũng nan giải hết, ngôn ngữ là trở ngại lớn nhất, tôi không có khiếu học ngoại ngữ, học chữ sau quên chữ trước. Rồi thời gian, tôi đi làm từ 7 giờ sáng, 4 giờ chiều làm ra thì đi thẳng tới trường, học từ 5 giờ cho tới 12 giờ khuya, về nhà 1 giờ sáng. Năm ngày một tuần như vậy, cuối tuần ngủ bù. Chính phủ có hỗ trợ học phí, sách vở, nhưng không đi làm thì cũng kẹt lắm. Không hiểu tại sao tôi vượt qua được. Nếu bây giờ, bảo tôi làm lại từ đầu, chắc khó được như thế.

Hiện nay công việc của anh làm là gì? Tên gọi cụ thể của công việc và công sở mà anh làm việc? Nó trực thuộc ai, ở đâu?

Hiện tại tôi đang làm nhân viên bảo trì máy bay cho hãng Continental Express Airlines (Express Jet Airlines) là con đẻ của hãng Continental Airlines, một hãng hàng không nhỏ có khoảng 250 máy bay loại 50 chỗ ngồi. Tôi làm trong Composite shop, một bộ phận của ngành bảo trì máy bay.

Yêu cầu cụ thể của công việc này? Nó có quá phức tạp với người Việt không?

Yêu cầu tối thiểu để bước vào làm bảo trì máy bay (aircraft maintenance) là phải qua một khóa học 2100 giờ, ở một trường dạy về ngành này. Thời gian tối thiểu cũng mất 15 tháng, sau khi có chứng nhận của trường, rồi mới đi thi lấy bằng hành nghề được gọi là A&P (Airframe & Powerplant) license.

Công việc của tôi là sửa chữa tất cả những hư hỏng các bộ phận được chế tạo bằng vật liệu composite. Composite hiện diện khắp nơi, từ đầu, cánh đến đuôi máy bay và đa phần nội thất trong máy bay làm bằng composite. Mới đây, shop của tôi được chứng nhận là một “Repair Station” do đó, ngoài làm việc cho hãng, chúng tôi còn nhận hàng từ các hãng khác. Do nhu cầu, tôi không chỉ làm composite, mà cả sheet metal cũng làm luôn. Những gì có thể tháo gỡ được thì người ta gởi tới làm ngay tại hãng, nếu không thì phải đến tận nơi để sửa chữa, nhân đó cũng được đi nhiều thành phố khác nhau, làm nhiều loại khác nhau, cũng thú vị.

Công việc này nói khó thì cũng không khó, mỗi một công đoạn đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình mà các kỹ sư của hãng hướng dẫn, tuy nhiên những hướng dẫn đó rất chung chung, tùy theo kinh nghiệm mà thao tác. Đòi hỏi quan trọng trong nghề mà tôi nhận thấy là tỉ mỉ, sáng tạo và cẩn thận. Đối với các trang thiết bị nội thất, chỉ cần làm cho đẹp là đạt yêu cầu, nhưng với các thiết bị nằm bên ngoài như ở cánh, phần bụng và phần đuôi thì đòi hỏi cao hơn, có nhiều người, dù tôi đã tận tâm hướng dẫn, nhưng vẫn không có tự tin để làm một mình, lỡ có gì, mất license thì kể như mất cần câu cơm. Bởi vậy, khi phân công ai làm việc gì tôi phải xét đến khả năng của từng người đó.

Có nhiều người Việt làm chung với anh không?

Làm chung với tôi ở shop thì không có, nhưng cùng một base thì có 6 người Việt Nam. Còn chung hãng thì cũng được hai ba chục.

Anh đang sinh sống tại đâu, với ai? Nơi đó có nhiều người Việt không?

Tôi đang sống một mình ở thành phố Shreveport, thuộc tiểu bang Louisiana, thành phố này nhỏ lắm, dân cư chỉ vào khoảng 300 ngàn, Việt Nam chỉ độ vài chục người.

Anh đánh giá đời sống của người Việt ở hải ngoại như thế nào? Nếu so với trong nước và các dân tộc khác, như Hoa, Do Thái hay da đen, da đỏ…

Đánh giá một vấn đề lớn như vậy, có lẽ cần sự điều nghiên nghiêm túc. Theo thiển ý của tôi đời sống của người Việt Nam trên đất Mỹ không đến nỗi tệ, báo Thanh Niên số ra ngày 8-9-2005 mục “Chào buổi sáng” có đăng tải khá chi tiết về mức thu nhập chung của Việt kiều tại Mỹ. Tôi nghĩ đó là con số cũng hợp lý. Người Việt chỉ là cộng đồng nhỏ so với dân nhập cư từ các nước như Tàu, Phi, Do Thái hay Mexico, lại mới mẻ (30 năm) nhưng đạt được như vậy cũng là điều không dễ, có thể nói là một nỗ lực hội nhập khá thành công.

Về vấn đề tinh thần, tâm linh, ai cũng có một nỗi niềm riêng tư, và đây có lẽ là vấn đề đáng để chúng ta quan tâm, nghiên cứu và lý giải nhất. Tôi thì không chuyên môn và đủ thời gian để làm việc này. Nhưng nếu nói cái chung hay truy tìm lý do thì theo tôi nên nhìn nhận nguyên nhân mà người Việt Nam xuất hiện ở Mỹ, từ đó mới có một cái nhìn khách quan. Người Việt ở Mỹ có những nỗi niềm mà các sắc tộc khác không có.

Ngôn ngữ mà anh dùng nhiều hơn là tiếng Anh hay tiếng Việt gì?

Tôi cũng chưa làm một so sánh. Ở hãng dĩ nhiên phải dùng tiếng Anh, về nhà thì vò võ một mình, đọc sách báo, internet cũng có xài tiếng Việt, cuối tuần về nhà mẹ tôi ở Houston thì lại không nói tiếng Anh.

Thu nhập của anh như thế nào? Với thu nhập đó, anh trả bao nhiêu cho các chi phí thường nhật? Xin anh nêu chi tiết và cụ thể từng khoản một để bạn đọc ở Việt Nam có thể hiểu được.

Sau khi bị khấu trừ thuế và các khoản râu ria như quỹ hưu, tiền đầu tư trái phiếu, tiền đi lại (bằng máy bay của hãng)... trung bình mỗi tháng tôi đem về cũng kha khá, xấp xỉ 2000 dollars. Thực sự thì chưa bao giờ tôi tính toán chi tiêu của mình, sẵn dịp, cùng làm một phép tính trên 2000 còn lại:
  • Tiền thuê nhà: 400 USD
  • Tiền điện (trung bình) 60 USD
  • Tiền xe (trả góp) 400 USD
  • Tiền bảo hiểm xe gần 100 USD
  • Tiền điện thoại và internet 120 USD
  • Xăng nhớt 100 USD
  • Tiền ăn khoảng 400 USD (sáng, trưa, chiều)
  • Cafe thuốc lá bia bọt khoảng 150 USD
Còn lại bao nhiêu, chắc anh tính ra rồi chứ?

Còn dư khoảng 270 USD, cũng không nhiều, vậy mà anh năm nào cũng trở về Việt Nam? Tại sao phải trở về liên tục như thế?

Con số còn lại theo anh là không lớn, đó là chưa kể những khoản trời ơi đất hỡi mà không tài thánh nào dự liệu được, chẳng hạn đám cưới, sinh nhật, lễ lạt hay xe cộ hư hỏng. Đó là chưa kể tới còn khoản viện trợ cho thân nhân ở Việt Nam nữa. Dầu sao, không nợ nần cũng đã là may phước, chỉ khi nào kẹt quá thì mới vác tiền nhựa ra xài (credit card).

Tôi đi Việt Nam chỉ một năm một lần thôi, sự thật thì cũng không tốn kém gì nhiều, được hưởng quyền lợi của hãng, tôi có thể mua vé hai chiều Mỹ - Việt Nam, giá rẻ hơn Sài Gòn - Huế, so với người khác, đó là một lợi điểm. Chắt bóp cả năm thì cũng đủ tiêu xài tằn tiện ở Việt Nam một tháng mà. Ngoài lý do thăm thân nhân, ở Việt Nam tôi gặp lại bạn bè trong giới văn nghệ, học hỏi thêm, tìm hiểu thêm thực tế, nói chung là một công đôi ba việc.

Tại Mỹ, anh có theo dõi văn chương, báo chí Việt Nam không? Bằng cách nào? Có hiện tượng hay tác giả nào hiện nay làm anh quan tâm? Tại sao?

Báo chí thì có, đều đặn nữa là khác, trong nước thì có Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Lao Động… để phổ cập thông tin đó mà. Tôi có vào một vài diễn đàn, thấy anh em trong nước chê bai dân hải ngoại không biết gì về Việt Nam, nghe cũng phát rầu, thời đại thông tin mà để mang tiếng đói tin thì cũng kỳ. Về mảng văn học, qua báo chí trong nước tôi cũng đọc được kha khá. Cái mà tôi thực sự thiếu là những tập thơ, tập truyện được in không có trong tủ sách, lâu lâu lôi ra đọc lại. Bù lại Internet cũng có, nhưng nói thiệt là không đầy đủ, và nếu có thì đọc cũng không “đã”. Tôi có một thói quen, nói là tật thì đúng hơn, mỗi khi đọc là phải nằm lăn nằm lóc. Phì phì phèo phèo đọc mới khoái. Đọc qua Internet thi phải ngồi một chỗ như thiền, mất hứng.

So với hồi tôi còn ở Việt Nam, thì người cầm viết đồng lứa hoặc nhỏ tuổi hơn hiện nay khá đông (cho tôi được giới hạn trong trong độ này để bớt cái nhìn phiến diện). Đây là một điều mà tôi rất vui, mừng; và hơn thế nữa, là ước mơ của tôi đang thành hiện thực. Có một vài hiện tượng mà tôi rất lưu tâm. Các nhà văn nhà thơ trẻ có những cái nhìn sâu sắc hơn và quan trọng hơn là dám nghĩ, dám viết, dám đòi hỏi. Khác với thời tôi còn ở Việt Nam, trước khi đặt bút viết thì phải biết lách. Có thể do cơ chế thông thoáng hơn, nhưng cũng có thể các bạn ý thức được cái quyền của một người cầm viết. Mặt khác với những phương tiện hiện có việc giao lưu văn chương có phần thoáng đạt, dễ dàng hơn. Không được đi cửa trước thì đi cửa hông, không “mạch chính” thì “mạch ngầm”, theo từ ngữ của các cây bút trẻ hiện nay. Tuy nhiên bên cạnh những phát triển như đã nói tôi cảm nhận (có thể sai) có một sự bế tắc, tôi không lý giải được, tôi mường tượng thế hệ nhà văn trẻ hiện nay là một vườn hoa. Trong vườn hoa đó, thỉnh thoảng cũng có vài “ngọn cây tìm nỗi cô đơn trên trời” (như Phan Huyền Thư từng nhắc lại một câu thơ của R. Tagore trong một bài phỏng vấn của mình).

Một hiện tượng khác mà tôi không thể không nhắc đến là vụ “bài văn lạ”. Báo chí, bạn đọc, nhà phê bình đã nói nhiều, tôi không lạm bàn, nhưng qua đó, chứng tỏ cho thấy lớp trẻ đang có một lối suy nghĩ độc lập hơn, dám nghĩ dám làm, đang cố gắng vượt qua những định chế của xã hội.

Anh nghĩ gì về văn học Việt Nam trong tương lai gần? Bỏ văn chương lâu vậy, không thấy “ngứa nghề” sao?

Cùng tắc biến, biến tắc thông. Quy luật muôn đời là vậy, nói theo Nguyễn Quốc Chánh “cái khó ló cái khe”. Trong niềm lạc quan nhất, tôi tin văn học Việt Nam sẽ không còn một vài “ngọn cây cô đơn” mà là một rừng cây bạt ngàn, nếu các nhà văn trẻ nắm bắt được vận hội của mình.

Văn chương là nghiệp dĩ, tôi không nghĩ tôi có thể kiếm sống nhờ văn chương, tuy có gián đoạn một thời gian khá dài không viết lách, nhưng tôi vẫn đọc, vẫn thai nghén những điều mà tôi sẽ viết. Trong một chừng mực nào đó, tôi nghĩ trong máu huyết mà cha mẹ tạo ra, đã có một niềm đam mê, ngay trước lúc tôi tượng hình. Anh đặt vấn đề “ngứa” hay không, thú thật cũng có, thỉnh thoảng tôi vẫn viết, và khi cảm thấy không hội tụ được những gì mong muốn, tôi dừng lại và tiếp tục suy nghĩ.

Có bao giờ nghĩ rằng, mình sẽ chính thức quay lại với nó? Lúc đó suy nghĩ và tâm thế của anh, sẽ phải như thế nào?

Tôi chưa quay lưng, thì không thể nói là quay lại! Vấn đề là thời gian, và vốn sống của tôi có đủ để biến đam mê, thành một cái gì đó thực tiễn không? Gần 15 năm sống lưu vong, gần ½ cuộc đời tôi lăn lộn kiếm sống, và còn thời gian dài trước mặt để đầu tư. Không có gì tôi phải vội. Mỗi một biến cố, mồi một lần xuống chó (chưa biết mùi lên voi), tôi đều nghĩ đó là một dịp may để tích trữ thêm vốn sống.

Với chuyên môn công việc của mình, nếu về Việt Nam làm, anh nghĩ có thích hợp không?

Không những ở Việt Nam, mà công việc của tôi thích hợp với bất cứ nơi nào có máy bay.

Có bao giờ có ý định đó không?

Có! Không những một mình tôi, mà nhiều người cũng có cùng suy nghĩ đó. Ai chẳng muốn được làm ngay trên “sân nhà”, tuy nhiên có một câu hỏi được đặt ra là ai mướn, môi trường và lương lậu có hợp lý hay không? Thực tế, môi trường làm việc của Vietnam Airlines chỉ đặc quyền dành cho con ông cháu cha, trong và ngoài ngành; dân “đầu trọc” như tôi làm gì có chỗ đứng.

Tôi không hiểu tại sao, Vietnam Airlines lại phải đưa máy bay của mình sang Mỹ (các loại Boeing) để tu sửa, trong khi đầu tư bảo trì-sửa chữa ngay ở Việt Nam thì vừa cắt giảm khá nhiều chi phí, lại vừa giải quyết một số lớn công ăn việc làm. Theo anh, đó có phải là một điểm bất hợp lý không?

Anh nghĩ gì khi trả lời bài phỏng vấn này? Châm ngôn của của anh hiện nay là gì?

Chẳng có gì để nghĩ ngợi cả, như tôi đã nói, chỉ đơn thuần là một trao đổi thông tin hay là tâm sự với nhau, giữa hai người Việt không sống gần nhau, vậy thôi.

Châm ngôn thì tôi không có, tôi cũng không vẽ ra một sợi dây để tự mình trói mình trong đó. Có chăng, tôi chỉ chiêm nghiệm một lời dạy của ba tôi lúc sinh thời: “suy nghĩ kỹ trước khi làm, làm xong đừng hối hận”, vậy thôi!

Nếu có một ước mơ, thì tôi sẽ ước được giao du với tất cả các văn nghệ sĩ, từ Bắc chí Nam. Biết đâu, qua đó tôi học được nhiều cái hay và cả cái không hay nữa. Còn có thể qua lần nói chuyện này, tôi hy vọng một hướng đi mới cho các du học sinh: ngành bảo trì & sửa chữa máy bay, và mai này biết đâu lại giúp ích được cho sự phát triển của Việt Nam nói chung hay ngành hàng không Việt Nam nói riêng. Nói thật với anh, mỗi lần bay trên phi cơ Việt Nam, tôi ép tim quá.

Cám ơn anh đã tâm sự với tôi, sẽ có ngày tôi đảo ngược vị trí với anh đó! Chúc anh bình an, vui vẻ!

Thực hiện ngày 15-9-2005 tại Sài Gòn.
Nguồn: Phần chính của bài phỏng vấn đã đăng trên Người Viá»…n xứ.