trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiĐời sống hiện đại
3.6.2008
Phan
Dưới đường dây cao thế
 
Sau kỳ khủng bố ở Nữu Ước, tôi bị thất nghiệp hết ba tháng rồi xin được việc làm lại ở hãng khác. Ðây là điều may mắn trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế ở Mỹ. Mẹ sắp nhỏ cúng kiếng tươm tất để tạ ơn bề trên…

Từ khi mọi sinh hoạt trong nhà trở lại bình thường như cũ, tôi đỡ bực mình hơn thời kỳ thất nghiệp là muốn xài gì cũng phải đắn đo, cân nhắc với thu nhập chỉ còn 70% lương mà lại không có thu nhập phụ trội từ overtime (làm thêm giờ) gì nữa. Người bạn đồng hành của tôi cho rằng cuộc sống gia đình được bình thường là do ơn trên đã không quên người thành tâm khấn nguyện.

Không biết với thu nhập ở Mỹ thì người ta phải dành ra bao nhiêu phần trăm cho bề trên để được quan tâm. Hình ảnh của mẹ tôi qua đôi vai người vợ sì sụp lạy lại hiện về. Ngày xưa mẹ tôi cũng buôn thúng bán bưng, vất vả tối sớm và dè sẻn từng đồng để có chút đỉnh mua hương hoa, nhang đèn, bánh trái mà lễ Phật và thần linh các cấp, cầu che chở cho cha tôi trong khói lửa chiến tranh. Chắc mẹ quên nguyện cầu cho phe cha tôi thắng trận nên sự trả thù thời hậu chiến ở những nơi cải tạo sau hoà bình lại trở thành lý do cho mẹ tôi khấn tiếp…

Có lần tôi hỏi cha: “Nghe mẹ nói, cha chở mẹ ra chùa rồi đi uống cà phê với bạn chứ đâu vô chùa…” Cha tôi nói: “Mẹ mày vượt suối băng rừng đem cho tao hũ mắm ruốc xào sả, bánh thuốc lào… Bà ấy là Quan âm của tao rồi. Tượng trong chùa không biết đắng cay ở trần gian này đâu!” Cha con tôi ít nói chuyện với nhau nhưng hiểu nhau bằng tần số thì phải! Nhưng hai người phụ nữ mà tôi gần gũi nhất, đại diện cho hai thế hệ phụ nữ Việt Nam thời chiến và lưu vong, cùng tin tưởng ở những thế lực vô hình. Suy ra, bề trên bất tử, không có luân hồi ở thế giới siêu nhiên. Mẹ tôi ngày xưa, vợ tôi bây giờ thường nói: “Có tin có lành”. Ðiều này đã từng song hành với hưng phế của lịch sử nhân loại, sẽ đi về đâu?

Tôi nghĩ, đời sống ở Mỹ ngoài việc thay cho tôi cái áo lành lặn hơn, bữa ăn hàng ngày nhiều chất đạm hơn so với hồi còn trong nước là cái được, và cái mất là nó thay đổi cả suy nghĩ trong tôi theo thời gian. Tôi đi làm công việc thứ bao nhiêu trong đời đi làm thuê đã có cái bao tử nhớ rõ hơn khối óc. “Khi đói, bộ óc người ta tuột xuống cái bao tử để chỉ nghĩ đến cái ăn.”Câu văn tôi thích nhất trong những gì đã đọc được ở hải ngoại. Trong một hoàn cảnh nhất định là thê lương của người tù cải tạo, ông Lâm Chương đã nhìn thấu được lẽ sinh tồn của con người ở bề mặt và bản chất thật nhất của con người ở bề sâu. Ba tháng trước, tôi không ngớt lo cho cái bao tử gia đình chứ đâu có đầu hồn nào mà ngồi nghĩ vớ vẩn thế này! Nay, ngoài tiền lương đủ sống, còn có cả bảo hiểm sức khoẻ cho mình và gia đình nên tinh thần lại lạc lối, mông lung.

Hôm tôi nói chuyện với ông mục sư Tin lành: “Tôi có cần phải đi tìm một niềm tin để điền vào chỗ trống và những hư hao tâm linh của một chứng nhân lịch sử?”, ông đã trả lời tôi rất vừa đủ: “Việc ăn hiền ở lành trên dương thế mới chỉ là miếng giẻ rách trước cửa thiên đàng. Con người phải nghĩ cho ra, tìm cách nào để quan hệ lại với Thượng đế sau tháng năm con người đã dựa vào thành tựu của khoa học kỹ thuật và từ bỏ đức tin.” Tôi suy nghĩ về điều ông mục sư nói rất thành tâm.

*


Một công việc mới không làm khó được người chuyên đi làm thuê như tôi, nhưng một tập thể mới thì không dễ gì hoà nhập được trong một sớm một chiều. Tôi rất lạc lõng trong lòng mình nên nhớ đến một chuyện ngụ ngôn trong kinh Phật: “Kẻ giết người cướp của rất hung dữ nhưng anh ta không thọc được lưỡi dao vào mình người khất thực vì ánh mắt nhân đã chế ngự được u mê. Lời nói nhân bản đã thuyết phục được bạo lực. Ðức Phật nói với kẻ cướp: “Trong bể khổ trầm luân, ta càng bơi càng xa bờ. Nếu quay lại thì sẽ thấy bến bờ ngay.” Kẻ cướp đã dừng gây oan nghiệp và theo thầy để kết cuộc có một Ðại Ðức lìa trần trong tiếc thương chứ không phải kẻ cướp đã chết trong vui mừng của lương dân. Tôi đi tìm đức từ bi khất thực và hoằng pháp ấy, chứ không phải những bức tượng vàng và nơi chứa tượng nguy nga. Sau hai ngàn năm trăm năm mươi hai năm thời gian, Ngài đã hoá thân để nói với tôi rằng: “Anh thiếu một đức tin trong đời sống nên ưa hoang mang. Tốt nhất là đừng gieo vào đầu óc con cái những tư tưởng vô thần của anh”. Tôi lại trằn trọc với phán xét xanh rờn của Phật-hoá thân. Nhưng bảo hoà nhập vào dòng người đi lạy, đi quỳ ở những nơi tôn nghiêm thì bình an không đến bằng ngõ đó, thanh thản không hiện về dễ ợt với một người ưa đặt câu hỏi như tôi. Tôi là con đẻ của cha tôi - có thực mới vực được đạo - người ta không thể sống bằng bánh vẽ. Hoá ra Phật của tôi là người lau khăn nóng cho một thằng bệnh; lau khăn lạnh cho một thằng say; lau nước mắt cho một thằng vô tổ quốc…

Trở lại với đời phàm, nói hòa nhập vào nhóm Mỹ thì sợ mang tiếng với nhóm Việt Nam; ngược lại, tôi cũng không thích những gièm pha, đố kỵ vô căn cứ ngay trong những người cùng tiếng nói với mình. Sau một thời gian, tôi trở thành cái đích của những gièm pha từ chính những người đồng hương. Tuy nhức nhối, nhưng qua kinh nghiệm bản thân, tôi biết tốt nhất là không phản ứng thì mọi người sẽ bỏ qua cho tôi. Tôi không tìm đến những thế lực siêu nhiên để được che chở hay giúp đỡ vì chẳng ai bỏ thời gian quý báu trong cuộc sống ngắn ngủi để đi sinh sự với một kẻ không chống đối. Không ai đi tìm chiến thắng từ đối phương mạnh hơn mình. Người ta chỉ tạo ra xung đột để đào thải bớt kẻ yếu, một cách chọn lọc tự nhiên trong quá trình tiến hoá của con người ở mức khốc liệt với nạn nhân mãn hiện nay - ở một đơn vị tính nhỏ hơn là người nhiều mà việc làm ít.

Từ một nơi chốn bình yêu là hãng cũ với những đồng nghiệp biết nhau rõ như lòng bàn tay, một tập thể đã đạt được những thoả thuận ngầm sau những đụng chạm là cơm ai nấy ăn, hồn ai nấy giữ, và nhờ đó, quan hệ con người trở nên vô cùng tốt đẹp. Nhưng sự tiến hoá có nguồn gốc phát sinh từ mâu thuẫn. Ðời sống mà không có những đổi thay ngoài ý muốn thì con người không bước thêm được bước nào trong tư duy cá nhân và thăng tiến tập thể.

Tôi đã lên kế hoạch cho gia đình sau khi tôi vô nhà thương điên. Những suy nghĩ cuối cùng của cái đầu còn tỉnh - tôi đi nhặt những miếng gỗ vứt đi trong hãng và đóng thành băng ghế. Tôi kê dưới gốc cây, bên ngoài cửa hậu của xưởng tôi làm việc. Tất cả những giờ nghỉ giữa buổi, đầu giờ, tôi đều ra đó ngồi một mình. Thời gian cứ âm thầm đi qua đây với bốn mùa thay lá trên cây sồi. Những chú chim non chờ mẹ cha mớm mồi chí choé như trẻ con ngóng mẹ về chợ. Chúng lớn nhanh bằng sự già mau của cha mẹ chúng vất vả đi tìm mồi. Chúng thực hiện những đường bay ngắn khi đã mọc lông cánh như người ta chập chững vào đời với những háo hức tuổi trẻ. Khi chúng cất được tiếng hót đầu tiên để tự khẳng định mình thì chúng bay xa hơn. Khi đôi cánh đã đủ sức mang thân vào đời, tiếng hót đã gây được chú ý của đồng loại thì chúng không về nhà nữa - như tôi đã bỏ lại quê nhà một khoảng đời. Lũ chim con bây giờ, với sự cứng cáp của cái mỏ kiếm mồi đã dư ăn, sự hùng mạnh của đôi cánh đã dư bay, lại vướng vào sai lầm nghiêm trọng nhất của động vật là ý nghĩ cần sao chép (copy) lại sự hoàn-thiện-tự-nghĩ của chính mình. Và sự tự tin không tư duy là mầm móng của khổ đau. Nhu cầu được tôn vinh trong đồng loại là thước đo nham hiểm của muôn loài. Khi đã đủ lông đủ cánh thì thích che chở cho kẻ yếu hơn, thuần phục để được tôn vinh - như tôi là chủ một gia đình do chính tôi gầy dựng nên từng thành viên và nhu cầu phát sinh của họ. Tôi tự ý đi vào con đường hủy diệt do mình kiến tạo.

Nơi tôi ngồi cách xóm nhà ở một đường dây điện cao thế nên đồng trống. Có đường xi-măng dành cho người đi bộ và xe đạp; có cái đường rày xe lửa đã hoen gỉ, không còn sử dụng. Nghe những ông Mỹ già trong xưởng nói: Thời Ðệ nhị Thế chiến, xe lửa chạy ngày đêm để chuyển than đá về những xưởng làm quân xa, quân dụng quanh đây. Tôi tự hỏi đã bao nhiêu tham vọng của con người biến thành sức nặng đè nén lên đường rày xe lửa! Tham vọng đi về đâu? Ðường ray cũ mòn cùng mưa nắng đến bao giờ? Người ta không biến một ước mơ nào thành hiện thực bất vụ lợi. Người Mỹ không tham chiến khơi khơi để hao tài tốn của, nhưng bao giờ cũng được che đậy bằng những từ ngữ thân thiện đến mọi người tưởng là thật. Quân đội Ðồng minh là cứu tinh của nhân loại trước ách diệt chủng của phe phát xít. Thế là Mỹ lãnh đạo Ðồng minh chống phát xít đến toàn thắng. Nhưng phe Ðồng minh sau đó không phú cường, giàu mạnh bằng riêng nước Mỹ. Quá trình thực hiện tham vọng một cách tinh xảo đó đã để lại trên mặt đất một đường ray, nhiều đường ray ghi dấu một thời. Ðến bao giờ, mặt đất này chằng chịt những đường ray - không còn sử dụng; lòng người chằng chịt những mâu thuẫn - vô phương. Ngày tận thế.

*


Từng cá nhân mang vào đời những tham vọng nhỏ để gộp chung thành tham vọng con người lớn hơn trái đất chứa họ. Hai đứa bé đạp xe đạp rất thân thiện - nhưng đó là chuyện ba năm trước. Bây giờ, chúng dáo dác nhìn quanh trước khi đặt lên môi nhau nụ hôn vĩnh biệt tuổi thơ mà chúng tưởng là bắt đầu một thời kỳ thơ mộng.

Hai người đã vĩnh biệt tuổi thơ để cùng săn sóc cho một bào thai trong bụng người nữ. Người nam dùng sự cứng cỏi của mình cho người nữ dựa giẫm những bước chân thể dục buổi chiều để dễ sanh khi lâm bồn. Không lâu sau, họ đã dạo chơi trên đường đời với cái xe đẩy - hệ quả tình yêu của họ.

Nhưng đời vốn không như là mơ, đôi trẻ không còn đạp xe bên nhau và hôn lén khi trời chạng vạng. Chúng chia tay để đi vào tuyệt lộ riêng tư hay tham vọng hai lối - không muốn đương đầu? Hai người trưởng thành không chung đường nữa! Người nữ đẩy xe con nít một mình trong âu lo đã quầng trên khoé mắt cho đến khi đứa con biết đạp xe xe đạp - có hai bánh phụ thì người đàn ông khác đi bên cạnh; người mới bị vợ bỏ từ một nơi xa nào đó vừa về đây chung vui. Em cùng mẹ khác cha của đứa bé đạp xe một mình kia đang chuẩn bị ra đời để tiếp tục những điều vô lý mà loài người đã hết quan tâm.

Ðôi vợ chồng già lại mâu thuẫn khác nữa! Ðã bảo là đi chung cho đến cuối đường đời. Nhưng cụ ông bây giờ ngồi nghỉ chân, hút thuốc. Hút thuốc như tàu hoả trên đường ray đang tải nặng, đang lên dốc… Hút thuốc có hại cho sức khoẻ thì lại chết sau người ưa ngăn cản người hút thuốc. Thật là buồn khi nhìn ông cụ ngồi hút thuốc mà bà cụ ưa cằn nhằn đã bỏ đi trước để ông nối điếu này qua điếu kia không cần quẹt.

*


Chỉ có đường dây cao thế trên cao vẫn âm thầm chuyển tải năng lượng cho cuộc sống tiếp diễn những nghịch lý. Có phải đó là thái độ cần thiết của tư duy hậu hiện đại. Hãy hoàn tất sự ngu xuẩn trong vinh quang - con đường ngắn nhất đưa ta tới giải thoát.

Tôi cầm tờ giấy bị thôi việc, bước ra khỏi hãng, rất bình an. Chỉ có vợ tôi chú ý đến lá thơ giới thiệu tôi với những hãng khác - có chữ ký ông chủ như một an ủi trong đời Tổng thống thứ 43 của Mỹ. Lá thơ nôm na: Kính gởi những hãng xưởng bạn. Vì hãng chúng tôi hết việc nên tạm thời cho nghỉ một số công nhân. Xin giới thiệu đến quý hãng người công nhân ưu tú, xuất sắc của chúng tôi. Chúng tôi thiết nghĩ sẽ gọi anh ta là người đầu tiên trở lại công việc khi chúng tôi có việc làm lại. Trong thời gian khó khăn này, nếu qúy vị có việc làm cho anh ta thì xin nhận người công nhân gương mẫu, này… Với lòng biết ơn. Kính thư. Giám đốc (ký tên).

Tôi thấy Quan âm khóc lặng lẽ hơn lần trước tôi thất nghiệp vì việc làm ngày càng khó kiếm hơn.

© 2008 talawas