trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
6.6.2008
Lữ Phương
Một chút tư liệu
 
Cách đây vài hôm, tới nhà một người bạn thân, được anh ấy cho xem cái email bài của Nguyễn Trọng Văn phàn nàn Nguyễn Văn Trung động chạm tới anh ấy (không thể chấp nhận được) trong một bài viết đăng trên Văn học, xuất bản tại Hoa kỳ. Tưởng chỉ là thư riêng nhưng hôm sau mở talawas thì thấy đã công bố rồi.

Anh Nguyễn Trọng Văn không nói rõ ngày xuất hiện bài báo mang tên “Văn học hải ngoại?” đăng trên tờ Văn học ở Mỹ đó (do nhà văn Nguyễn Mộng Giác chủ trì), nhưng tôi biết đó là số Văn học tháng 8 năm 1995. Một số báo cách đây đã 13 năm rồi (bao nhiêu nước chảy qua cầu!). Tôi đã có được bài báo ngay sau khi nó vừa xuất hiện, qua một con đường thật đáng nhớ: do chính Nguyễn Văn Trung photo ra và nhờ một người quen chuyển giùm.

Đọc xong bài ấy tôi không nói gì, nhưng ít lâu lại nhận được một bài khác cũng của Nguyễn Văn Trung viết tiếp về tôi (chưa đăng) và yêu cầu cho biết ý kiến. Đắn đo mãi tôi mới có bài trả lời riêng cho anh, không có ý công bố, nhưng đồng thời lại gửi cho một vài người thân (vừa quen Trung vừa quen tôi) để đọc cho biết. Có lẽ vì vậy mà không lâu sau khi chuyển cho Trung, bức thư đó đã xuất hiện trên một Phụ bản của Tin nhà ở Paris, số tháng chạp năm 1995 mang tựa đề: “Bên lề cuộc đối thoại dân chủ: Lữ Phương – Nguyễn Kiến Giang và Nguyễn Văn Trung”, trong đó mối quan hệ giữa tôi và Nguyễn Văn Trung chỉ còn giữ một phần nhỏ so với chủ đề của Phụ bản ấy.

Tưởng mọi thứ đã xong, nhưng điều bất ngờ với tôi là sau sự xuất hiện của tài liệu đó một thời gian không lâu, từ Canada về Việt Nam, Nguyễn Văn Trung đã chủ động tìm cách đến gặp tôi, để sau hơn hai giờ lời qua tiếng lại, chúng tôi bỗng hiểu nhau hơn rất nhiều và mọi căng thẳng cũ bỗng tan biến đi tất cả. Một sự thoả thuận không nói ra giữa tôi và anh đã hình thành từ đó cho đến bây giờ: tôi và Trung không ai còn muốn gặp nhau nữa, cũng không cần nhắc lại chuyện cũ làm gì chỉ làm cho tuổi già buồn thêm. Hãy để nó thuộc về quá khứ.

Nhưng bây giờ thì điều đó không còn giữ được nữa khi Nguyễn Trọng Văn lên tiếng trên talawas. Với bài viết ngắn ngủi của mình, anh Văn đã khơi dậy chuyện 13 năm về trước và trong khi đính chính cho mình nhiều điều (và cả cho tôi một ít) bài viết của anh lại vô tình mở ra một khoảng trống dồn về đó tất cả sự đả kích rất nặng nề của Nguyễn Văn Trung đối với tôi, điều mà anh Văn cho rằng không biết như thế nào và tất nhiên không thể nào không làm tôi bối rối trước một kỷ niệm mà tôi muốn quên đi từ lâu.

Theo lời khuyên của người bạn thân tôi định viết một bài về Nguyễn Văn Trung để làm rõ ra mọi chuyện, nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi từ bỏ ý định ấy mà chỉ nhân bài viết của anh Văn, nhờ talawas cho công bố lại bức thư tôi gửi Nguyễn Văn Trung đã xuất hiện trên Phụ bản Tin nhà năm 1995, dù sao cũng đã trở thành một thứ chứng từ, tuy chỉ là những uẩn khúc riêng tư giữa những cá nhân, nhưng không chừng, có thể trở thành một tư liệu sống, biết đâu giúp được những bạn đọc ngày nay hiểu thêm phần nào tình trạng phân liệt của thế hệ những người như chúng tôi trước những chuyển động về thời thế ở miền Nam sau 1975.

*


Thư của Nguyễn Văn Trung gửi Lữ Phương: “Có chết cũng không nói ra lời…”

Anh Lữ Phương,

(…)

Anh tưởng và tin anh có giá ở trong nước và ngoài nước vì cái mác “đối lập”. Thiết tưởng cứ để anh tưởng và tin như vậy nếu anh chỉ ở trong nước. Nhưng nếu anh được ra nước ngoài theo lời mời của những tổ chức Âu Châu hay Bắc Mỹ, tôi e ngại có sự có mặt của anh có thể gây ra những xô xát giữa những người ca tụng anh bây giờ và những người đã ca tụng anh hồi 1966, đặc biệt những người lính chiến thám báo hay nhảy dù! Trương Hồng, Khánh Băng nếu họ còn sống và sau khi đọc bài của Vũ Hạnh. Chính anh cũng có khả năng và bị ăn đòn và mất mạng… Đó là một viễn tượng tôi không muốn thấy xảy ra trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài chỉ vì không hiểu rõ được “thực chất và huyền thoại” của Lữ Phương, một chuyên đề mà anh định viết về thực chất và huyền thoại của cộng sản Việt Nam. Để góp phần giải toả viễn tượng kể trên, tôi thiết lập một hồ sơ đầy đủ về anh, tôi sẽ gửi cho tạp chí Đối thoại ở Hoa Kỳ đăng, nếu Đối thoại không chịu, tôi gửi cho Làng Văn ở Canada.

Để chuẩn bị chuyến đi, tôi gửi hai câu hỏi sau đây:

Anh có nhìn nhận đã liên đới chịu trách nhiệm những hành động khủng bố trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam sau 75 và nếu có, anh có sẵn sàng xin những nạn nhân tha thứ cho anh không?

Anh cùng đi một con thuyền với Đảng, lúc đang lên và chiến thắng. Bây giờ con thuyền đó đó gặp thử thách, anh vội nhảy ra khỏi và lên tiếng phê phán đả kích nó như thể anh không dính líu gì cả với quá khứ của nó. Tuy nhiên, những đồng chí cũ của anh vẫn tiếp tục đối xử tử tế với anh, chưa có lời nói nào phê phán anh công khai hay rút lại những quyền lợi vật chất đã cung cấp cho anh và vẫn sẵn sàng giúp đỡ anh… Vì thế chỉ khi nào anh lên tiếng chính thức ra khỏi Đảng, trả lại mọi quyền lợi, lúc đó dư luận mới có thể tin phần nào những điều anh nói, viết.

(…)

Mấy điều tôi viết trên được trao cho anh đọc trước hết. Tôi sẽ chuyển cho tạp chí Văn học nếu anh muốn, những phản ứng của anh, như anh đã nói trao đổi trên giấy trắng mực đen, sự việc có thực và cụ thể có thể kiểm chứng được, không phải nghe tin đồn. Nhưng thành thực mà nói, tôi nghĩ anh nên im lặng, nhiều đảng viên hay cựu đảng viên mà tôi quen biết, đã hy sinh phấn đấu gian khổ tù tội hơn anh bội phần, nhưng vì tự trọng không thể phê bình chửi lại một lý thuyết đã coi là lý tưởng hay một đảng mà mình đã tham gia phục vụ, nên chỉ còn biết im lặng, có chết cũng không nóí ra lời (…)

Nguyễn Văn Trung
Sài Gòn, 28-9-1995

*


Thư của Lữ Phương trả lờI Nguyễn Văn Trung: “Hình như anh đã chuyển nghề…”

Sài Gòn, ngày 27 tháng 11 năm 1995

Anh Nguyễn Văn Trung,

Tôi đã nhận được photo hai bài anh viết về tôi, do anh nhờ Hồ Hữu Nhựt (ở Ban Khoa học Xã hội Tp HCM) chuyển: bài “Văn học Hải ngoại?” (đã đăng trên tạp chí Văn học, số tháng 8-1995, xuất bản tại Hoa Kỳ) và bài “Trường hợp Lữ Phương”, anh viết xong tại Sài Gòn ngày 28-9-1995 (anh hỏi tôi nếu đồng ý anh sẽ công bố) trong dịp từ Canada về thăm nhà lần thứ ba.

Thú thật, đọc xong hai bài ấy, cho đến giờ, đã hơi lâu rồi, tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên, vẫn chưa hiểu tại sao lại có sự quay ngoắt của anh đối với tôi – đến 180 độ – vì thế tôi đã định không trả lời anh. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thái độ ấy với anh có vẻ không phải phép lắm (dù sao tôi quen anh khá lâu, đã từng biết anh như một giáo sư triết học, đã từng gặp gỡ rất nhiều lần uống cà phê và bàn luận với anh về văn nghệ tư tưởng…) cho nên vượt qua những do dự, tôi viết gửi anh mấy dòng sau đây, hoàn toàn không có chút hy vọng “giải thích” với anh những ngộ nhận nào đó đã xảy ra, mà chỉ để anh biết rằng cho đến giờ tôi vẫn chưa hiểu về anh nhiều lắm, và do đó vẫn chưa biết sẽ phải ứng xử với anh thế nào cho thích hợp khi đọc xong những gì anh đã bất ngờ viết về tôi như vậy.

Tức thời tôi chỉ muốn nói với anh điều sau đây: hoàn toàn tuỳ ý anh, anh có thể công bố bài “Trường hợp Lữ Phương” trên bất cứ báo nào anh muốn. Anh cũng có thể viết thêm hằng loạt những bài khác tố cáo những việc tôi đã làm, đã viết trước đây, anh cũng có thể “thiết lập” ra một, hai hay ba “hồ sơ đầy đủ” về tôi rồi gửi cho bất cứ nơi nào anh muốn – để cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiểu rõ “thực chất và huyền thoại” về tôi (như anh nói). Tất cả đều… tốt thôi! Anh cứ làm những việc đó mà khỏi cần màu mè làm ra vẻ “trao” cho tôi đọc “trước hết” – bài “Trường hợp Lữ Phương” – rồi sau khi khuyên tôi “chết cũng không nói ra lời” (nghĩa là đừng trả lời anh và đừng tiếp tục phê phán chế độ đương quyền nữa) thì lại vu vơ cho biết nếu tôi “muốn” anh sẽ “trao cho Văn học”. Anh cũng không nên làm ra vẻ “giả nai” gán cho người này người khác những lời lẽ đả kích tôi (anh nói Làng Văn cho rằng “Đảng bỏ Lữ Phương nhưng Lữ Phương không bỏ Đảng”), trong khi những lời lẽ ấy chính lại là của anh chứ không phải của ai khác. Trước đó anh đã cho đăng bài “Văn học hải ngoại?” tố cáo tôi đủ tội, nhưng khi gặp tôi tại Sài Gòn vào tháng 9 vừa qua, anh không nói gì cả và vẫn ngồi uống bia với tôi cùng một người bạn nữa – để rồi trước khi về Canada, anh mới qua Hồ Hữu Nhựt đưa cho tôi – cùng với bài “Trường hợp Lữ Phương” anh vừa viết thêm… và trong khi làm như vậy thì anh cũng đã photo cho các người khác hai bài ấy rồi. Anh muốn làm gì thì cứ làm đường hoàng, khỏi cần phải nhấp nhứ quanh co hăm doạ, mất công lắm. Chẳng lẽ anh không nhớ ra rằng tuy tuổi tôi nhỏ hơn anh, nhưng tóc tôi đã bắt đầu có nhiều sợi bạc rồi hay sao?

Anh hãy tin rằng – tôi vẫn cố giữ những lời mình đã hứa – tôi sẽ không có dòng nào trả lời một cách công khai bất cứ những gì anh viết về tôi theo cách mà anh đã viết trong hai bài anh đã viết. Anh cứ tha hồ dựng đứng sự việc – trong sách vở lẫn đời tư, trong văn học lẫn chính trị – để bôi nhọ, kích động dư luận “hải ngoại” với tôi. Tôi sẽ không nói gì hết, mặc dù với những chuyện anh đã viết, tôi có thể căn cứ vào đó kiện anh về tội vu khống. Nói vậy thôi chứ thực sự tôi hiểu vấn đề không phải nằm ở đó. Do đã quen nhau khá lâu (từ trước 1975) không có gì thù oán với anh, trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ rằng anh cũng biết rõ những điều anh đã viết về tôi là không phải như vậy và có lẽ vì một lý do nào đó anh phải viết như vậy, không phải với tôi mà với cả một số người khác nữa (vốn chẳng xa lạ gì với anh). Chưa hiểu thật rõ mục đích của anh, tôi tạm thời theo gương một người đã bị anh mạ lỵ rất nặng nề (và rất thô tục nữa) im lặng, không phải vì ngán anh mà chỉ vì không muốn nhặt rác rưởi, cứt đái ném vào cái môi trường chữ nghĩa đây đó, vốn thối tha từ lâu rồi. Vì thế xin anh cứ việc tiếp tục dùng những biện pháp đã làm để thực hiện cái chương trình nào đó mà tôi đoán anh đang theo đuổi khi rời Việt Nam ra định cư ở nước ngoài. Tôi thật sự không biết rõ chương trình ấy là gì nhưng cũng xin được nói với anh cảm nghĩ sau đây của một vài người hiểu anh khá rõ sau khi đã đọc loạt bài anh viết về những người vốn là bạn cũ của anh: dường như anh đã chuyển nghề rồi thì phải?

Phần tôi nói thật với anh tôi vẫn chưa hề xác quyết một điều gì thật chắc chắn về anh cả, vì dù sao tôi vẫn chưa thể quên những ấn tượng khá lành mạnh khi tôi tìm đến những cuốn sách mà anh viết ra hồi tôi mới vào đời. Cũng vì những lý do rất xưa cũ đó, tôi muốn thành thật nói với anh rằng: không phải là như thế cái điều mà anh đã viết về tôi sau đây – về cái bài có tên là “Mấy suy nghĩ về các xu hướng gọi là ‘cách mạng xã hội không cộng sản’ ở miền Nam” trước đây mà tôi đã phát biểu ở một hội nghị do Viện Triết học tổ chức ở Sài Gòn sau 1975 không lâu, có anh tham dự, và hiện nay tôi biết anh đã “sưu tầm” được và giữ rất kỹ trong “hồ sơ” của anh. Tôi chắc chắn rằng những gì tôi viết ở đó không thể nào gây ra hiểu lầm được; nhưng tôi đã ngạc nhiên đến độ bàng hoàng, không hiểu sao với bài “Trường hợp Lữ Phương” mà anh cho biết anh có thể sẽ gửi đăng trên Văn học ở Mỹ, anh lại có thể viết ra câu sau đây: “Những tố cáo ‘Cách mạng xã hội không cộng sản’ của Lữ Phương cũng góp phần đưa tôi vào nhà tù, nằm cả tháng trong một cachot mờ mờ, chỉ mong được đi thẩm vấn để thấy ánh sáng mặt trời và nghe tiếng người”! Anh chẳng thấy như vậy là đổi trắng thay đen, là vô ơn bạc nghĩa hay sao? Cái gì khiến anh phải như vậy? Chẳng lẽ anh đọc mà không hiểu rằng những gì mà tôi trình bày trong bài tham luận ấy và cả trong cuốn Cuộc xâm lăng văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã được viết ra với mục đích cố ý bao che cho anh khỏi bị cái “tội CIA” mà bấy giờ ở Sài Gòn không thiếu gì người (không nhất thiết là cộng sản) đã cho là như thế, mà về phần tôi, tuy chẳng biết đúng sai như thế nào, nhưng do không quên những gì đã đọc sách của anh hồi tôi còn đi học, tôi cứ nhất định không tin. Tôi đã nói với anh rằng những bịa đặt (phải nói là trắng trợn) mà anh đã dựng nên, đầy dẫy trong hai bài đã viết của anh, có thể sẽ tiếp tục trong các bài viết khác, tôi không cần phải đính chính làm gì, nhưng do cái việc tù đày mà anh nói trên đã đụng chạm trực tiếp đến sự quen biết giữa tôi và anh như một con người với một con người, theo cái truyền thống miền Nam này, nên buộc lòng tôi phải nhắc lại một chút thế thôi – gửi kèm theo đây đoạn tôi đã phát biểu trong hội nghị nói trên về cái gọi là “cách mạng xã hội không cộng sản” của anh. Anh có nhớ hay làm bộ không nhớ, chấp nhận hay chối dài để tiếp tục cái phương pháp đã dùng để thực hiện cái chương trình gì đó của anh, cũng chẳng sao. Chỉ xin yêu cầu anh khi về Việt Nam, nếu đàng hoàng, anh hãy dẫn tôi đến gặp cái cơ quan “chức năng” nào đã bỏ tù anh suốt mấy tháng trời để nghe họ khẳng định xem có phải anh bị bắt vì bài “tố cáo cách mạng không cộng sản” của tôi hay không? Anh hãy trả lời tôi: anh có làm được điều đó hay không?

Tôi nhận thấy là kỳ cục khi phải nói với một người đã từng quen biết với tôi về văn chương chữ nghĩa những lời như vậy, nếu viết tiếp chắc sẽ khó tránh khỏi buồn bã thêm. Tôi xin ngưng lại và muốn nhắc lại với anh điều tôi đã nói: anh hãy cứ tiếp tục công việc của anh một cách thoải mái và hãy giả định rằng từ nay trở đi mối quan hệ giữa tôi và anh sẽ không còn như xưa nữa, nên không cần phải hỏi han, hù doạ nữa. Không phải tôi tức giận và chơi trò “đoạn tuyệt” với anh đâu – những gì anh viết về tôi là “quá sức tưởng tượng” đến nỗi tôi chưa thể tức giận được – mà vì bây giờ (qua hai bài viết của anh) dường như tôi có vẻ hơi “khôn” ra một chút (dù có hơi muộn màng), nhất quyết không để anh tiếp cận, chơi bời, nhậu nhẹt, ở trên mảnh đất này, để rồi sau đó khi rời bỏ nó, anh đã sử dụng sự quen biết đó như một một thứ bảo chứng phục vụ cho những toan tính văn hoá và chính trị của anh. Dù sao cũng cám ơn anh về việc anh đã gửi cho tôi hai bài anh viết về tôi. Chúc anh sức khoẻ và thành đạt nơi quê người.

Lữ Phương

*


Lữ Phương
Mấy ý kiến về các xu hướng gọi là “cách mạng xã hội không cộng sản” ở miền Nam trước đây

(…)

Khác với Lập trường là cơ quan tranh đấu, Hành trình chỉ là một tạp chí mang màu sắc trí thức, suy nghĩ đặt vấn đề hơn là vạch ra chương trình hành động thực tế. Đây là nơi quy tụ một số cây bút trí thức trẻ – chủ yếu là Công giáo có khuynh hướng tự do – có ảnh hưởng trong quần chúng thanh niên, sinh viên, giáo chứ trẻ. Ngoài các bài viết về các vấn đề tôn giáo, văn nghệ, tạp chí này đã có một loạt bài đề cập liên tục đến vấn đề “cách mạng xã hội không cộng sản” một cách có hệ thống, trong đó quan trọng nhất là nhiều bài của Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung. Tuy hai tác giả này có nhiều điểm không giống nhau về lập luận nhưng cả hai đều khởi đầu từ tình trạng bất công, nghèo đói, thối nát của xã hội miền Nam để đặt vấn đề cách mạng, coi cách mạng như là nhu cầu bức thiết của quần chúng. Chính vì đặt vấn đề như vậy mà họ thừa nhận tính chất hợp lý của phong trào cộng sản, cho đó chỉ là phản ứng tất yếu của của xã hội. Từ quan điểm căn bản ấy, họ không chấp nhận cơ cấu tổ chức bất bình đẳng của xã hội, không đồng tình với biện pháp can thiệp của Mỹ, thuần quân sự và xâm phạm chủ quyền của miền Nam, những biện pháp ấy chỉ càng hợp lý hoá cho đường lối cách mạng cộng sản, càng đẩy quần chúng về phía “bên kia”. Những người “quốc gia” không chấp nhận cách mạng cộng sản – vì cho đó là “độc tài”, “trả giá đắt” – chỉ có một con đường tự cứu là tiến hành một cuộc cách mạng xã hội: cách mạng xã hội sẽ triệt tiêu nguồn gốc phát khởi các phong trào cộng sản, sẽ tranh thủ được nhân tâm, tạo được thế lực để giành lại chủ động với Mỹ trong trường hợp phải thương lượng chấm dứt chiến tranh. Nói tóm lại là để khỏi hoàn toàn nô lệ Mỹ nhưng cũng khỏi mất tất cả về tay cộng sản. Phương hướng nói chung thì như vậy, còn đi vào những vấn đề cụ thể như vấn đề lãnh đạo, lực lượng tổ chức… thì các tác giả ấy lại tỏ ra hết sức lún túng. Người thì giao sứ mệnh cho từng lớp thanh niên, trí thức, người thì nói phải dựa vào những người lao động và kêu gọi tinh thần khoan dung. Cái tên gọi cũng không đồng nhất: lúc thì “cách mạng không cộng sản”, lúc thì “cách mạng xã hội chủ nghĩa không cộng sản”, “cách mạng của người nghèo”… không từ ngữ nào được giải thích đầy đủ, cụ thể. Đúng chỉ là những suy tưởng nặng về tự biện và ước mơ.

Tôi nhận thấy dấu vết của quan điểm tiểu tư sản đã biểu lộ rất rõ nét trong thứ “cách mạng không cộng sản” này. Ở đây có những bất bình vì bất công áp bức, có sự phẫn nộ vì đất nước bị quân đội viễn chinh Mỹ tràn ngập, nhưng ở đây cũng có rất nhiều nhận thức mơ hồ về chính sách xâm lược kiểu mới của Mỹ mặc dù đã biết cảnh giác, nhiều nhận định sai lạc, ngộ nhận về chủ nghĩa cộng sản. Nhưng chính những điều đó đã phản ảnh cái chỗ đứng không vững chắc của từng lớp trung gian trước các thế lực căn bản của xã hội, phản ánh nhiều ảo tưởng cải lương của nhiều người trí thức còn đứng bên ngoài cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân lao động, chưa hiểu được quy luật phát triển của lịch sử và chưa bắt kịp được những chuyển động của lịch sử. Tất cả những giới hạn này, chỉ trong một thời gian không lâu sau đó đã tự phơi trần trước thực tế khiến một số người chủ trương thứ “cách mạng” này phải đặt lại những duy nghĩ của mình từ một thế đứng thiết thực hơn.

(…)

(Trích bài phát biểu tại Hội nghị do Viện Triết học tổ chức tại Sài Gòn năm 1978)


© 2008 talawas