trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
9.6.2008
Nguyễn Trọng Văn
Ba người bạn
 
Trước mặt tôi là ba ý kiến của Nguyễn Viện, Nguyễn Vy KhanhDương Phẩm. Tôi rất vui mừng vì vấn đề liên quan tới ông Nguyễn Văn Trung do tôi nêu ra được nhiều người quan tâm, trong nước cũng như hải ngoại. Tuy nhiên, tôi hơi thất vọng vì có người tới giờ hình như vẫn không nhìn ra vấn đề.

I. Trả lời Nguyễn Viện

Thưa anh Nguyễn Viện,

1. Anh “chưa dám kết luận việc ông Nguyễn Văn Trung tố cáo tôi là đúng hay sai?”. Nhưng ông Nguyễn Văn Trung được “cảm ơn” - nghĩa là “mất dạy” từ 1975, thì làm sao ông có thể “hiện hữu” tại các lớp chính trị (tổ chức sau 1975) mà tố cáo với không tố cáo (chứ chưa nói tới đúng/sai)!


2. Anh cho rằng việc tôi “mang chủ nghĩa lý lịch mắng ông Trung (trí thức Công giáo) xem ra rất có ‘Đảng tính’”.
  1. Chữ “chủ nghĩa lý lịch” do một người bạn hay do tôi đưa ra, tôi không nhớ rõ, nhưng nói tôi “mắng” ông Trung thì không đúng, tôi đòi hỏi sự công bằng, nhận trách nhiệm của ông Trung chứ không mắng hay khen hay yêu cầu bỏ qua, cho từ từ chìm xuồng như một số người bạn Công giáo có ý muốn làm.

  2. Rất đồng ý là nên tách ông Nguyễn Văn Trung ra khỏi khối trí thức Công giáo, khi đó có nói tới con-chiên-ghẻ-cố-ý-lạc-đàn cũng không ai hiểu lầm là ám chỉ Công giáo, trí thức Công giáo. Không cảm thấy bị vơ đũa cả nắm.

  3. Rất nhiều người thắc mắc về vấn đề “Đảng tính” này. Tôi khẳng định tôi theo lập trường 4 KHÔNG, nghĩa là: i) không cộng sản (không vào Đảng) nhưng cũng không chống cộng (vì cộng sản và dân tộc có thời kỳ đồng hành với nhau); ii) không quốc gia nhưng cũng không chống đảng phái quốc gia (nước nào có luật pháp nước đó, dám làm dám chịu, không kêu than trách móc ai); iii) không tôn giáo (không theo tôn giáo nào) nhưng không bao giờ chống tôn giáo; iv) không theo Mỹ (những cái dở, cái tiêu cực) cũng không chống Mỹ (mặt mạnh, mặt tích cực). Đó là lập trường xuyên suốt, trước sau như một từ những năm 60, 70 đến nay. Thành ra cụm từ “xem ra rất có ‘Đảng tính’” có vẻ xa lạ và buồn cười, xin dành cho những nhà trí thức, nhà văn, nhà báo bị chứng thong manh, nhìn mà không thấy hoặc nhìn gà hoá cuốc.

3. Về “trí thức lương thiện”:
  1. Anh cho rằng“Người trí thức lương thiện khi phán xét người khác chỉ nên phán xét trên phương diện cá nhân”. Cách hiểu về “lương thiện” và “không lương thiện”, “trí thức lương thiện” và “trí thức không lương thiện” này xem ra quá đơn giản? Đố Nguyễn Viện kiếm được mẫu người đó.

    Chỉ nên phán xét trên phương diện cá nhân là sao? Tại sao lại chỉ nên xét trên khía cạnh cá nhân, thế nhỡ có người muốn xét trên khía cạnh xã hội, nhân loại thì sao? Tiêu chí chỉ nên phán xét trên khía cạnh cá nhân do ai đưa ra vậy? Có phải là độc tôn, độc quyền tư tưởng không? Trong khi “khen” người khác độc tôn độc quyền, có khi nào Nguyễn Viện tự hỏi không chừng mình cũng có những đức tính trên?

  2. Anh cho rằng “không thể nói theo kiểu A, kiểu B, kiểu C...” Cái này cũng mâu thuẫn ngớ ngẩn như vừa nói trên. Tại sao lại không thể? Ai cấm, ai cho phép? Nếu sự thật có chuyện thằng A - con chiên của Chúa - giết người, thằng B - Phật tử - hiếp dâm phụ nữ, cô C - đảng viên cộng sản - làm đĩ..., mà không nói như sự thực xẩy ra thì phải nói như thế nào?

4. Nguyễn Viện mong tôi “tự chứng tỏ mình là trí thức thực sự (còn ông muốn khoác thêm cho mình danh hiệu “xã hội chủ nghĩa” hay không thì tuỳ”.

Thứ nhất, về sự cần thiết phải chứng tỏ mình là trí thức thực sự: Tôi thích sống một cách tự nhiên, ung dung tự tại, chẳng việc gì phải lên gân, chứng tỏ mình là thế này, thế kia - việc này nếu cần xin dành cho Nguyễn Viện.

Thứ hai, trí thức thực sự hay không thực sự không phải chỉ cần chứng tỏ một hai lần là đủ để người ta tin mình, đôi khi cả đời cũng chưa chắc, nhất là đối với hạng trí thức con chiên ghẻ như chúng ta đã lưu ý ở phần trên.

Thứ ba, tuỳ ý khoác “danh hiệu xã hội chủ nghĩa” đâu có đơn giản như vậy: Có lắm điều muốn mà không được; có lắm điều được mà không muốn; muốn hay không cũng tuỳ theo quan điểm (người bất đồng chính kiến muốn hoặc không muốn khác: a) dân thường, b) khác nhau, c) khác với chính quyền, d) trước và sau đổi mới, e) trước và sau WTO v.v…) Tóm lại, muốn hay không muốn tuỳ thuộc tự do cá nhân và những quy định xã hội, chính trị, tâm lý, văn hoá... Không có chuyện “muốn hay không tuỳ ý”. Trong nước hay hải ngoại cũng vậy.


II. Trả lời Nguyễn Vy Khanh

Có thể tóm tắt mấy ý chính của Nguyễn Vy Khanh như sau:
  1. Nguyễn Vy Khanh là một nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, ở Canada, quen biết ông Trung;
  2. Vấn đề đã trôi qua, 13 năm rồi;
  3. Không nên vơ đũa cả nắm;
  4. Gs Trung đã nhắc đến các bài báo cáo khi viết bài trên tạp chí Văn Học năm 1995;
  5. Về việc thi Cao học;
  6. Không nên kiện tụng, trở ngại về mặt địa lý và pháp lý;
  7. Nếu vấn đề có gốc rễ quá khứ thì cũng xin cho biết.
Tôi sẽ trả lời những điểm 1, 2, 3 và 4, còn các điểm 5, 6, 7 hơi xa đề tài, xin để dịp khác.

1. Hân hạnh được làm quen với anh là một nhà biên khảo văn học Việt Nam, đồng thời được biết anh cũng được ông Trung đỡ đầu luận án Cao học Triết. Anh có cái may mắn ở gần ông Trung nên có cơ hội thấy con người thật của ông; tôi không may ở xa nên chỉ có cơ hội thấy con người giả của ông Trung. Thực giả lẫn lộn rất khó phân biệt.


2. Theo tôi vấn đề không phải là đã trôi qua hay còn dừng lại mà là biết /dám nhận trách nhiệm về lời nói và hành động của mình hay không. 13 năm hay 130 năm vấn đề còn nguyên. Trung thực, can đảm hay hèn nhát, vô trách nhiệm.


3. Rất đồng ý là không nên vơ đũa cả nắm. Đố bạn biết ai muốn “được” vơ đũa cả nắm không? Khi bạn giải đáp được câu đố tức là bạn hiểu hết vấn đề.


4. Anh Nguyễn Vy Khanh viết: “Chúng tôi được biết ông Nguyễn Trọng Văn là tác giả bài tham luận ‘Chủ nghĩa Xã hội KHÔNG Cộng sản tại miền Nam Việt Nam thời Mỹ-ngụy: nội dung và ảnh hưởng’, phụ chú ghi là ‘bản báo cáo’ tại ‘Đại học Tổng hợp, cơ sở 2, Thành phố HCM, tháng 6 năm 1978. Trong bản báo cáo này, tác giả Nguyễn Trọng Văn đã tố cáo tờ Hành Trình của nhóm Gs Nguyễn Văn Trung (và các nhóm Thái Độ, Lá Bối, v.v... nhưng bị nặng nhất vẫn là nhóm Hành Trình, ông Nguyễn Văn Trung và Hành Trình được trưng và trích dẫn nhiều nhất) đủ thứ sai lầm, tai hại, tiêu cực, là ‘làm cách mạng xã hội với Mỹ’ (tr. 11) và ông Văn cho rằng chỉ có những cơ cấu đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Mặt trận mới đáp ứng được nhu cầu xã hội miền Nam lúc bấy giờ!”

Bạn có nhiều văn bản trong tay, tưởng là hàng độc, hàng hiệu, bạn Nguyễn Vy Khanh ơi, hiện tôi có trong tay những bốn bản khác nhau, dễ lẫn lộn hàng thực, hàng giả, hàng nhái lắm.
  1. Một bản của Nguyễn Văn Bẩy, “Phê bình quan điểm cách mạng xã hội của hai ông Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung”, tr. 14-39, tạp chí Sinh viên, số 6 (10/1967). Bài này tôi viết gửi Trần Triệu Luật, Uỷ viên Báo chí Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Sau số báo này anh thoát ly trong dịp Tổng Tấn công và Nổi dậy Mậu Thân 1968 với tư cách đại biểu Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Nam Việt Nam. Anh hy sinh, cùng với Trần Quang Long, trong một trận bom của không quân Mỹ ngày 19/11/1968.

  2. Một của Nguyễn Trọng Văn, “Chủ nghĩa Xã hội KHÔNG Cộng sản tại miền Nam Việt Nam thời Mỹ-ngụy: nội dung và ảnh hưởng”. Nội dung bản báo cáo gồm những điểm sau: Đặt vấn đề và giới hạn đề tài; Nội dung chủ nghĩa xã hội không cộng sản; Ảnh hưởng; Một vài nhận định, tr. 1-24, 8/6/1978. Đối chiếu với bản Nguyễn Vy Khanh dẫn trên, ta thấy có hai khác biệt: về đề tài, nguyên bản chữ in /hoa /đứng chứ không in nghiêng, chữ to, chữ nhỏ; về xuất xứ, ghi rõ 8/6/1978 chứ không chỉ ghi tháng mà thôi.

  3. Sau cùng là hai bản của ông Trung, một bản giống bản của Nguyễn Văn Bẩy nhưng được đánh số trang khác đi, thay vì tr. 14-39 lại thành 180-211, bản kia giống bản của Nguyễn Trọng Văn nhưng cũng được đánh số trang khác đi, thay vì tr. 1-24 lại biến thành 220-245. Vậy làm sao phân biệt hàng thực và hàng nhái? Rất đơn giản, nguyên bản có bút tích của chủ nhân của nó còn bản nhái chỉ có dấu tích của bản photocopy. Thí dụ bản của Nguyễn Văn Bẩy là một số báo Sinh viên bìa mầu xanh, có chữ ký và ba ghi chú của Trần Triệu Luật. Không thể lẫn lộn được. Tóm lại, hai bản của ông Trung chỉ là bản photocopy chụp từ hai bản của Nguyễn Văn Bẩy và của Nguyễn Trọng Văn (...)

III. Trả lời Dương Phẩm

5. Trước kia chống đối quyết liệt nay im lặng hơi lâu, có phải là “khôn quá” không?


1. Về sự ngộ nhận và tình thầy trò:
  1. Ngộ nhận là hiểu lầm rồi nói hoặc làm những điều sai trái, trong ngộ nhận những yếu tố ý thức, chủ ý không phải là chính. Còn vu khống là đặt điều sai trái, không có thực gán cho người khác, yếu tố ý thức, chủ đích rất rõ ràng, vấn đề trách nhiệm cũng được đặt ra. Tôi nghĩ việc làm của ông Trung có ý thức, tự do, chủ đích, ông phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình.

  2. Trò không nên kết án thầy dù thầy có làm điều gì sai trái? Đó là trên bình diện đạo đức chứ về măt pháp lý, xã hội người ta quan niệm khác. Trong loạt bài về ông Nguyễn Văn Trung sắp tới, tôi có nói chính ông thầy ông Nguyễn Văn Trung tố cáo Nguyễn Văn Trung, mong các bạn đón đọc.

2. Về cái gọi là “Công thần nổi tiếng ở miền Nam của chế độ mới”: Cụm từ này nhiều nghĩa, liên hệ tới nhiều hạng người, nhiều vùng địa lý, nếu anh Dương Phẩm nói rõ ràng hơn thì việc trả lời cũng sẽ dễ dàng hơn. Trước mắt tôi tạm dùng lối nói rất quen thuộc trong dân gian “chó sủa mặc chó, đoàn người cứ đi”, mong anh thông cảm.


3. Về thủ tục kiện cáo: Rất cám ơn anh Dương Phẩm. Tại Việt Nam cũng có nhiều người đã chỉ cho tôi.


4. Về “Phạm Duy đã sống như thế nào?”:
  1. Tôi viết cuốn Phạm Duy đã chết như thế nào? năm 1971, ngay trong Lời nói đầu tôi đã xác định rõ ý nghĩa các từ Phạm Duy, chết, như thế nào... Có nhiều Phạm Duy, Phạm Duy bằng xương bằng thịt, Phạm Duy cha và chồng trong gia đình, Phạm Duy bạn bè với anh em văn nghệ sĩ ngoài xã hội, Phạm Duy của những kháng chiến ca, tâm ca, tình ca, vỉa hè ca... Chữ chết có thể làm nhiều người khó chịu, nghĩ rằng tôi nguyền rủa, trú ếm Phạm Duy, tôi không có ý đó và tôi cũng không tin rằng chỉ đọc kinh là có hoà bình, chỉ cần nguyền rủa là có thể làm chết một người. Chết đây hiểu là xa lìa, phản bội lý tưởng của mình, của dân tộc. Phạm Duy đã chết như thế nào nghĩa là tìm hiểu thái độ của ông thời kháng chiến ca, tâm ca, tục ca, hát với Mỹ... đã biến chuyển như thế nào.

  2. Bạn Dương Phẩm muốn “chọc quê” tôi nên hỏi muốn biết Phạm Duy đã sống như thế nào? Câu hỏi cũng hay hay nhưng không rõ ràng nên trả lời dễ lạc đề, dễ làm người ta tưởng mình muốn né tránh vấn đề. Đã sống như thế nào tại Mỹ trước kia hay tại Việt Nam hiện nay?

  3. Sự trở về của Phạm Duy đặt ra một câu hỏi dễ trả lời nhưng khó cắt nghĩa: Tại sao lại bỏ nước Mỹ để về Việt Nam? Ông cũng thường hỏi tại sao sự trở về của ông làm nhiều người không vui. Nghĩ cho cùng những vấn đề đặt ra cho Phạm Duy có ý nghĩa rộng lớn hơn chúng ta tưởng. Có thể chúng ta chưa có giải đáp thoả đáng cho vấn đề nhưng chỉ nguyên việc nêu vấn đề tự nó đã có ý nghĩa lớn, rất đáng trân trọng.

5. Về câu hỏi “Sao trước chống đối quyết liệt bây giờ im lặng hơi lâu?”

Lẽ thường, khi quyết liệt khi ôn hoà, khi cứng khi mềm thì tốt, còn thường xuyên quyết liệt hay thường xuyên ôn hoà coi chừng có vấn đề đấy. Xin tặng bạn Dương Phẩm một câu chuyện vui:

Trong giờ giải phẫu sinh lý học, giáo sư kêu một nữ sinh viên lên bảng.

“Em hãy vẽ bộ phận sinh dục nam trong tư thế bình thường.”

“Em không thể vẽ được vì em chưa thấy bộ phận sinh dục nam trong thư thế bình thường bao giờ!”

*


Như đã nói ở phần đầu, tôi rất vui khi nhận được ý kiến của anh em, tuy nhiên hơi thất vọng vì có những hiểu lầm, hiểu sai vấn đề. Cần khẳng định rõ ràng:
  1. Ông Nguyễn Văn Trung đã làm những điều sai trái, bây giờ ông phải nhận trách nhiệm về việc làm sai trái trên.

  2. Bạn bè, dư luận trong nước và hải ngoại chờ đợi sự dũng cảm của ông.

7/6/2008

© 2008 talawas