trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
27.11.2003
Nguyễn Viết Thảo
Về chuyện dịch ngọng và những lời bênh vực
 
Bài Văn chương của Borges biến thành "rap" nói ngọng? của ông Lê Đình Khoa đăng trên talawas từ đầu tháng 11. Sau đó người đọc không thấy ông Thường Quán trả lời cấp kì như lần "Eminem". Dẫu sao đã có hai người khác trả lời giùm và bênh vực bản dịch Mãnh cọp cuối cùng của tôi của ông Thường Quán, đó là ông Đỗ Kh. (nhà thơ) và ông Phùng Nguyễn (nhà văn). Vì không thấy ông Lê Đình Khoa trả lời hai ông nhà thơ, nhà văn, tôi mạn phép góp vài ba ý.

Trong bài "Con ve của ông Vĩnh" của ông Đỗ Kh., tôi thấy ngoài những câu nói giống như mơ ngủ chỉ có một câu tôi để ý đến: "tiếng Việt là của chung, chẳng có mẫu mực nào và không của riêng ai cả." Ngay trong câu này ông Đỗ Kh. đã tự mâu thuẫn quá trớn. Nếu tiếng Việt đã là của chung, không riêng của ai cả, thì nó phải có những mẫu mực chung để mọi người đều hiểu, chứ tại sao lại nó đã là của chung mà ai muốn viết sao cũng được, bất cần qui tắc. Có phải ông Đỗ Kh. muốn đem thứ văn hoá "nhà vệ sinh công cộng" vào ngôn ngữ Việt Nam? Ở Việt Nam người ta ngại vào nhà vệ sinh công cộng vì nó là "của chung", "không của riêng ai cả", nên thiên hạ mặc sức phóng uế mà không cần phải bận lòng vì những tấm biển "Xin đừng đái bậy", "Dùng xong nhớ dội cầu", vân vân. Nhưng tiếng Việt không phải là cái nhà vệ sinh công cộng.

Đối với kiểu nói bừa của ông Đỗ Kh. như vậy, tôi xin miễn bàn dài dòng, chỉ xin gửi tặng ông Đỗ Kh. cũng như ông Phùng Nguyễn và ông Thường Quán vài ba nhận định của giáo sư Cao Xuân Hạo, một trong số người đã bỏ ra cả đời để nghiên cứu tiếng Việt. Vào tháng 9 vừa qua, báo Tuổi Trẻ có đăng bài Thị trường văn học dịch tùy tiện và bát nháo, trong đó có nhắc đến một câu của giáo sư Cao Xuân Hạo: "Có những bản dịch văn học khiến người đọc băn khoăn: không biết người dịch có học qua tiếng Việt bao giờ chưa?" Vào đầu tháng 11 này, báo Lao Động có đăng một bài phỏng vấn giáo sư Cao Xuân Hạo (Dịch giả Cao Xuân Hạo: Tiếng Việt đang lâm nạn). Trong bài ấy, giáo sư có nói những nhận định như sau: "Quả thật hình như người ta coi thường công việc nghiên cứu và trau dồi tiếng Việt..."Nhược điểm" có viết thành "yếu điểm" thì cũng đã chết ai chưa?" Đọc câu này, tôi nhớ ngay đến lối tiếng Việt của ông Thường Quán, như ông Lê Đình Khoa đã vạch ra: "xiển dương" mà nhầm với "hiển dương", những cái "đốm" mà ghép chung với "lốm đa lốm đốm" thành ra "những đốm lốm đa lốm đốm", vân vân.

Giáo sư Cao Xuân Hạo còn nói: "Tôi tin rằng nếu ngay bây giờ chúng ta bắt đầu dạy tiếng Việt thật ở nhà trường phổ thông, cái quá trình bi thảm ấy hoàn toàn có thể bị chặn đứng, chậm nhất là sau 20 năm."..."Tôi thấy buồn trước tình hình dạy, học và viết tiếng Việt hiện nay." Đọc những câu này tôi tự hỏi nếu cái ý tiếng Việt "chẳng có mẫu mực nào" của ông Đỗ Kh. là đúng, thì việc gì các trường phải dạy tiếng Việt cho mất thì giờ? Và việc gì mà giáo sư Cao Xuân Hạo phải lo buồn đến thế?

Giáo sư Cao Xuân Hạo nói thêm: "Thỉnh thoảng xem tạp chí Văn học nước ngoài tôi thấy hình như các dịch giả quá ít chú ý đến câu văn. Hình như họ dịch quá sát nguyên bản mà không đọc lại cho kỹ xem văn Việt của bản dịch có ngô ngọng quá không." Đọc những câu này, tôi lại nhớ tới lối dịch của ông Thường Quán, văn Việt của bản dịch đã là ngô ngọng, mà lại còn có nhiều chỗ quá xa rời nguyên tác, ngay cả sai hẳn so với nguyên tác. Không hiểu nếu giáo sư Cao Xuân Hạo tình cờ đọc được các bản dịch gần đây của ông Thường Quán, thì giáo sư sẽ hốt hoảng đến thế nào nữa?

Còn bài Dịch phiệt? của ông Phùng Nguyễn thì ngay từ đầu đã lủng củng. Ông nhập đề: "Tôi đã có thể đồng tình với Lê Ðình Khoa (LÐK) ở một số trích dẫn về nghĩa đen của từ tiếng Anh trong bài viết trịch thượng và hằn học một cách không cần thiết của tác giả này nếu-giả-như "My Last Tiger" là môt bản tin về tình hình chiến sự ở Iraq." Tôi không hiểu "một số trích dẫn về nghĩa đen của từ tiếng Anh" nghĩa là gì. Đọc kỹ bài của ông Lê Đình Khoa, tôi không thấy có cái gì gọi là "một số trích dẫn về nghĩa đen của từ tiếng Anh", vậy thì ông Phùng Nguyễn đồng tình với cái gì? Ông có hiểu "trích dẫn" nghĩa là gì không?

Ông Phùng Nguyễn sẵn sàng đồng ý với ông Lê Đình Khoa nếu My Last Tiger là một bản tin, vậy chắc ông đồng ý với lời phê bình của ông Lê Đình Khoa trong bài Một bản dịch khiến độc giả kinh hãiEminemently, Nobel praise for rap's Mr Nasty chính là một bản tin. Và nếu vậy, ông Phùng Nguyễn có thấy ông Thường Quán dịch một bản tin và một bài thơ theo cùng một cách giống nhau không? Thậm chí, bản dịch tin của ông Thường Quán còn "thơ" hơn bản dịch thơ nữa! Nghĩa là ông ấy cứ tự ý chêm bừa bất cứ thứ gì ông muốn vào một bản tin, tự ý xuyên tạc, thay đổi ý nghĩa của bản tin, múa may chữ nghĩa bằng thích. Xin ông Phùng Nguyễn cho biết ý kiến của ông về bản dịch tin "Eminem" của ông Thường Quán. Dịch tin như vậy là dịch bậy, hay là còn "độc đáo" hơn cả dịch thơ?

Đối với Mãnh cọp cuối cùng của tôi ông Phùng Nguyễn không ngớt dùng chữ "độc đáo" để ca ngợi ông Thường Quán: "cách đọc/cảm nhận độc đáo "My Last Tiger" của ông trong dạng tiếng Việt (cũng độc đáo không kém của TQ, tất nhiên rồi)", và "Bằng cách không để nghĩa đen của câu chữ từ bản tiếng Anh trói buộc, TQ đã mang vào bản dịch không chỉ cảm nhận độc đáo của mình mà cả cái dáng dấp/hình thể của nguyên bản: thơ." Không chỉ ca ngợi, ông còn cổ vũ ông Thường Quán cố thủ trong cái lối dịch ấy, cái lối tiếng Việt ấy: "Tôi e rằng sự giận dữ của LÐK không chỉ đến từ cái khoảng cách không thể vượt qua được giữa ông và nhà thơ Thường Quán về cung cách và khả năng tiếp cận "The Last Tiger" mà còn vì TQ đã bướng bỉnh không chịu nghe lời khuyến cáo/răn dạy của ông về đường lối dịch thuật. Tôi cho là một điều may mắn TQ đã không ngoan ngoãn như LĐK trông đợi."

Tôi không biết ông Phùng Nguyễn muốn ông Thường Quán cố thủ trong cái lối "Eminem", cái lối "Mãnh cọp" ấy vì thiện ý hay ác ý. Chứ tôi thì tôi không tin chính ông Phùng Nguyễn sẽ học tập từ những cái "độc đáo" ấy. Tôi không tin ông Phùng Nguyễn cũng như ông Đỗ Kh. thành thật xem chữ "mãnh cọp" cũng như nhiều chữ khập khiễng khác của ông Thường Quán là bằng chứng của sự sáng tạo, làm giàu cho tiếng Việt, để mà đem vào sử dụng trong tác phẩm của mình.

Còn một điều mà cả hai ông Đỗ Kh. và Phùng Nguyễn đều cố tình tự bịt mắt để khỏi thấy, khỏi nói đến, là những chỗ ông Thường Quán hiểu sai trong các bản dịch. Những chỗ ấy đã được ông Lê Đình Khoa và một số độc giả đem ra ánh sáng. Hai ông Đỗ Kh. và Phùng Nguyễn cứ phớt lờ những cái sai rất căn bản ấy để ra bộ ngồi trên cao giảng giải cho "đại chúng" về những cái mà các ông ráng cho là hay, là "độc đáo".

Theo thiển ý của tôi, để dịch hay, thì trước hết phải dịch đúng cái đã. Không có lí do gì người ta đem một bản dịch sai bét ra mà khen lấy khen để là hay, là "độc đáo" cả. (Ở đây tôi xin mở cái dấu ngoặc để cảm ơn bức thư độc giả ngày 15.11.2003 của K.Y. Lê đã chỉ ra việc ông Thường Quán trông gà hoá cuốc, biến ông Cuttini nói ngọng thành con cọp!). Tôi cho là để dịch đúng thì phải: 1/ hiểu đúng bản văn tiếng nước ngoài, 2/ dùng tiếng Việt một cách đúng đắn để diễn tả chính xác cái hiểu đúng ấy. Dịch tin tức thì chỉ cần dịch đúng là đã đạt yêu cầu. Còn dịch văn chương thì lại cần dịch cho hay nữa. Nếu bản tiếng Viêt vừa diễn tả chính xác ý nghĩa của bản chính, lại vừa có câu chữ thanh bai, trôi chảy, lôi cuốn, gợi cảm, và phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của tác giả bản gốc, thì có thể gọi là "hay".

Tất nhiên để thực hiện được một bản dịch hay, người dịch nhiều khi cần phải "thoát". Chẳng hạn, "blue eyes" có thể biến thành "đôi mắt hồ thu", "black eyes" thành "mắt huyền", chứ không thể xuyên tạc thành "mắt bét" hay "mắt lé" hay "mãnh mắt". Dịch giả Trịnh Y Thư chuyển "The Unbearable Lightness of Being" thành "Đời Nhẹ Khôn Kham" thì thật là thoát, mà thật là hay. Bùi Giáng dịch "Le petit prince" thành "Hoàng tử bé" thì thật là hay, còn một dịch giả khác ở Việt Nam đã dịch "thoát" thành "Cậu bé con nhà trời" thì hỏng bét, vì trong truyện không có điều gì nói đến cái "nhà trời" cả.

Tôi cho rằng My Last Tiger là một bài không khó dịch. Ông Tâm Nguyên đã biểu diễn 5 cách dịch, cách nào cũng có vẻ dễ dàng, kể cả dịch theo giọng thơ Bùi Giáng. Dù 4 cách dịch đầu tiên của ông không mấy khác nhau, ông đã cho thấy dịch đúng nghĩa là điều căn bản để giới thiệu tác phẩm nước ngoài đến với độc giả Việt Nam.

Tôi xin hỏi: một nhà thơ Việt Nam phát hiện đâu đó có đăng một bài thơ của mình được dịch ra tiếng Anh, nhưng người dịch vừa tự ý thêm thắt, xuyên tạc ý nghĩa bài thơ, vừa dùng một thứ tiếng Anh ngô ngọng, sai bét, thì nhà thơ Việt Nam có mừng không? Hay là phải văng tục cho đỡ tức?

© 2003 talawa