trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
16.6.2008
Đào Hiếu
Những “Lã Bất Vi” thời đại mới
 
Khi cuốn tự truyện Lạc đường của tôi được công bố, dư luận khá xôn xao. Khen chê lẫn lộn. Có người còn mắng mỏ: “Anh cũng chỉ là một tên Việt cộng ngu xuẩn như 35 năm trước mà thôi…”

Ai cũng có lý của mình. Nên tôi im lặng. Cho đến khi tình cờ đọc bài viết của Tiêu Dao Bảo Cự đăng trên talawas, thấy anh lại nhắc đến cuốn Lạc đường. Anh khen tôi không tiếc lời nhưng anh cũng trách tôi: “Đào Hiếu không hề có ý phản tỉnh về chuyện đúng sai của việc mình đã ‘tham gia cách mạng’ trong quá khứ.”

Lời trách ấy không bất ngờ đối với tôi nhưng nó vẫn làm tôi suy nghĩ, không phải suy nghĩ về việc “không hề có ý thức phản tỉnh” mà suy nghĩ xem tại sao một người cũng đã từng sống một tuổi trẻ “dấn thân” như tôi lại đòi hỏi ở tôi một thái độ rạch ròi như thế?

Trong thời đại ngày nay, thật khó mà nhìn ra bộ mặt thật của bất cứ một vấn đề nào vì nó bị giấu kỹ trong nhiều lớp vỏ bọc ngụy trang tinh xảo. Nhưng thời đó, chuyện đúng hay sai của sự dấn thân rõ ràng quá. Vì kẻ thù đã chường mặt ra cùng với bom đạn, máy bay, xe tăng, đại bác...

Những người có tấm lòng không thể không tìm kiếm một chọn lựa.

Nhưng chọn lựa ai?

Ngô Đình Diệm? Ông vốn là quan Thượng thư Bộ Lại dưới triều Bảo Đại, sau đó sang Mỹ núp bóng Hồng y Spellman rồi được Mỹ đưa về thay Bảo Đại. Ông ta có công lao gì với đất nước?

Những vị anh hùng như Nguyễn Trung Trực, Hoàng Hoa Thám bị giặc Pháp bêu đầu giữa chợ, Hoàng Diệu tuẫn tiết theo thành Hà Nội… còn Ngô Đình Diệm, ông ta đã đổ giọt mồ hôi nào cho cái đất nước này?

Thế còn Big Minh, ông Khánh, ông Thiệu, ông Kỳ? Họ là sĩ quan của Pháp, nói tiếng Pháp, cầm cây súng Pháp và... ăn lương của Pháp.

Làm sao những chàng trai đầy nhiệt huyết của thế hệ anh và tôi có thể chọn lựa họ, đi theo ngọn cờ của họ?

*


Ngày nay chính quyền cộng sản Việt Nam đã tự hủy hoại “thanh danh” của mình bằng sự độc tài và lòng tham vô độ, đã phô bày lộ liễu cả một guồng máy tham nhũng xù xì, lông lá...

Nhưng cái thời ấy, những trí thức trẻ như Trần Quang Long, Trần Triệu Luật, Trần Bội Cơ, Hồ Hảo Hớn, Dương Thị Xuân Quý... và cả những người như anh như tôi đã đi theo cụ Hồ, cụ Giáp, những người hùng đã làm nên một chiến thắng Điện Biên rực rỡ mà không ai, kể cả kẻ thù, có thể phủ nhận được.

Những thần tượng đó về sau này có thể có nhiều sai lầm thậm chí rất nghiêm trọng, nhưng ở thời điểm lịch sử đó họ vẫn là những gương mặt sáng giá bên cạnh một Ngô Đình Diệm, một Khánh, một Thiệu, một Kỳ... kém cỏi, cũ kỹ, xám xịt, lu mờ.

Thế thì sự chọn lựa của anh và tôi lúc ấy có gì đáng tiếc? Vậy tại sao anh lại đòi hỏi tôi phải “phản tỉnh” về việc mình đã tham gia cách mạng trong quá khứ?

Những người cầm quyền cộng sản ở Việt Nam hiện nay đã phản bội quá khứ, phản bội xương máu của đồng bào đồng chí mình. Họ là những người phải hổ thẹn (nếu họ còn biết hổ thẹn) chứ không phải tôi, cũng không phải anh, không phải những người lính đã ngã xuống ngoài mặt trận.

Tôi hiểu không phải chỉ có anh hay Bùi Minh Quốc, mà phần lớn trí thức miền Bắc, nhà văn miền Bắc cũng phủ nhận quá khứ. Thắng lợi ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã làm họ bừng tỉnh khi nhận ra rằng cái xã hội mà trước đây họ vẫn sống là quá lạc hậu, quá tồi tệ, quá khốn cùng. Chính vì thế mà sự “quay lưng 180 độ” của họ là rất dễ hiểu.

Một nhà văn nổi tiếng miền Bắc trong lúc ngà ngà say đã nói với tôi: “Ông viết cuốn Lạc đường hay lắm, nhưng đọc xong tôi ghét ông quá. Tại sao ông lại chửi Mỹ thậm tệ đến như vậy? Nếu không có thằng Mỹ thì bây giờ anh em mình đang ngồi trong Hỏa Lò hết rồi.”

Anh ấy là một nhà văn lớn. Chắc anh không sùng bái Mỹ một cách ngây ngô như vậy đâu, nhưng tôi biết câu nói ấy biểu lộ sự ê chề về cái xã hội mà anh đã từng sống suốt quãng đời ấu thơ và thời trai trẻ.

Tôi sống ở miền Nam. Tôi không nếm trải sự ê chề ấy. Và tôi cũng không lóa mắt trước những phù hoa của người Mỹ.

Tôi tin rằng mình có sự tỉnh táo hơn để nhìn ngắm cuộc sống. Sự tỉnh táo ấy cho phép tôi nói: "Tôi không có gì phải phản tỉnh về việc mình đã làm trong quá khứ. Đó là một quá khứ đẹp, một chọn lựa đẹp."

Có thể anh không đồng ý với tôi nhưng ít nhất cũng có một người đồng ý với tôi khi ông nói: "Hai mươi tuổi mà không theo cộng sản là người không có trái tim." Người đó là nhà văn Milovan Djilas, ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Nam Tư.

Nhưng cái câu nói nổi tiếng đó còn một nửa sau, cái nửa đó là: "Bốn mươi tuổi mà không bỏ cộng sản là người không có cái đầu."

Câu nói đó của ông không hề mang ý nghĩa chối bỏ quá khứ.

Vậy cái cần phải chối bỏ là gì?

*


Đó chính là "cái hiện tại". Nhưng Milovan Djilas đã chậm một bước. Vì hiện tại ở Việt Nam những người cầm quyền đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản " từ khuya" rồi!

Nhưng sự từ bỏ ấy không như mong đợi của Djilas.

Đúng ra ở Việt Nam đang có một sự thay thế. Thay thế chủ nghĩa cộng sản bằng một thị trường chính trị mang tính toàn cầu.

Được điều khiển bởi các tập đoàn tài phiệt khổng lồ trên thế giới, cái thị trường ấy coi các chính khách, các nhà lãnh đạo quốc gia là những món hàng. Họ tung các "nhân viên tiếp thị" của họ đi khắp nơi để mua bán, ký gởi, trao đổi... các chế độ chính trị, các tổng thống, thủ tướng, các chủ tịch, các nhà lãnh đạo tôn giáo... để kiếm lời.

Thực ra cái kiểu kinh doanh chính trị ấy cách đây hơn hai ngàn năm ở Trung Quốc đã có người làm rồi. Người đó là Lã Bất Vi, một gã lái buôn. Hắn bán tơ lụa, nhu yếu phẩm từ nước này sang nước khác và trở nên giàu có.

Khi đến nước Triệu, hắn gặp thái tử nước Tần là Tử Sở đang bị bắt làm con tin. Lúc ấy nước Tần đang mạnh dần lên và có triển vọng biến thành một "con rồng châu Á". Một ngày nào đó vị thái tử này hoàn toàn có khả năng trở thành vua Tần. Họ Lã nói : "Món hàng này lạ, có thể buôn được đấy."

Hắn bỏ tiền ra vỗ béo thái tử nọ. Rồi đem cô bồ nhí yêu quý của mình là Triệu Cơ ra làm quà. Trước khi dâng tặng, Lã Bất Vi không quên "ký gởi" trong bụng cô nàng một bào thai mang ADN của dòng họ Lã.

Đúng như dự đoán, Tử Sở về làm vua nước Tần, phong cho Lã Bất Vi làm thừa tướng. Ba năm sau, vua mất. Con tinh trùng của Lã Bất Vi đã được mười ba tuổi, có tên là Doanh Chính lên ngôi, lấy hiệu là Tần Thủy Hoàng, phong cho Lã Bất Vi làm trọng phụ.

Trên thực tế Lã Bất Vi đang cai trị nước Tần.

Doanh Chính bị Lã Bất Vi chèn ép trong 9 năm, mãi đến năm 22 tuổi mới lật ngược thế cờ, ghép Lã Bất Vi vào tội phản loạn, cách chức và sau đó ép uống thuốc độc chết.

Ngày nay, sách lược của Lã Bất Vi đã được các tập đoàn kinh tế khổng lồ trên thế giới hiện đại hóa một cách sáng tạo, khôn ngoan và hiệu quả hơn nhiều.

Họ Lã đã dùng tiền túi của mình để "buôn vua", còn các trùm tư bản ngày nay lại dùng tài sản của các nước đang phát triển để MUA các nhà nước, các vị lãnh đạo, các bộ trưởng... Đổi lại, các chính phủ bản xứ cho họ ký hợp đồng khai thác tài nguyên, xây dựng các khu đô thị, các hệ thống đường sá, các khu công nghiệp, các nhà máy, các công trình công cộng... với giá thường là gấp 5 lần giá trị thực tế của chúng.

Số tiền dôi ra cực kỳ lớn. Và hai bên chia chác nhau. Nhờ thế chẳng những các quý ông Lã Bất Vi mang quốc tịch Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Hàn Quốc vơ vét hàng nghìn tỉ đô la từ tài nguyên trên khắp thế giới mà giới cầm quyền bản xứ cũng trở thành những ông chủ tư sản cực kỳ giàu có.

Hiện nay ở Việt Nam những tập đoàn tài phiệt nội địa đã lác đác xuất hiện.

Thế giới đã thay đổi.

Mà thay đổi ngoạn mục nhất là cái cách mà các nước giàu thôn tính các nước nghèo.

Trước đây kẻ xâm lược đến Việt Nam bằng các binh đoàn, bằng tàu chiến, xe tăng, đại bác... Ngày nay cũng những kẻ đó, nhưng họ đến với chiếc cặp Samsonite xinh xắn, trong đó có các dự án xây dựng hoành tráng, các kế hoạch đầu tư hấp dẫn.

Trước đây kẻ thù đến để mở các cuộc hành quân tàn sát, để rải thảm bom B52, để đốt các làng mạc, để san bằng các thành phố. Ngày nay kẻ thù đến để xây dựng cầu đường, các khu đô thị mới, các nhà máy lọc dầu, các dây chuyền lắp ráp ô-tô, ti-vi, tủ lạnh, máy vi tính...

Trước đây khi kẻ thù đến thì chính phủ cùng toàn dân tay nắm tay, có gươm dùng gươm, có súng dùng súng, nằm gai nếm mật, hy sinh xương máu đánh đuổi chúng, Ngày nay khi kẻ thù đến thì chính phủ và kẻ thù ôm hôn nhau, tâng bốc nhau, nâng ly chúc tụng nhau rối rít. Lại còn quay phim chụp ảnh, đăng báo ca ngợi rùm beng...

Trời ơi, sao lại có loại kẻ thù nhân hậu và đáng yêu đến như vậy!

Ngày nay nhân dân nhìn thấy gì ở kẻ thù? Những ông chủ sang trọng, đẹp đẽ. Những vị ân nhân, đến để mang lại công ăn việc làm, đến để xây dựng đất nước "với tốc độ chóng mặt".

Ngày nay nhân dân nhìn thấy gì ở nhà cầm quyền? Những lãnh đạo tài giỏi, có công xây dựng các công trình, làm cho đất nước phát triển "sánh vai cùng thế giới".

Đấy! Tình cảnh của chúng ta là như vậy đấy! Sự thật bị bao vây, bị bọc nhiều lớp lụa là gấm vóc. Giống như cô gái bị bệnh giang mai nhưng ra đường vẫn cực kỳ quyến rũ. Vẫn có thể làm những trái tim thổn thức.

*


Không có gì quý hơn độc lập tự do. Câu đó đúng tuyệt đối ở các nước nghèo, các nước chậm tiến và các nước đang phát triển. Vì ở những nơi đó KHÔNG BAO GIỜ CÓ ĐỘC LẬP TỰ DO. Cái gì không có thì vô cùng quý báu.

Không cần phải lý luận dài dòng mất thì giờ. Vì ai cũng biết rằng bạn không thể vừa ngửa tay nhận tiền của người ta vừa buộc người ta phải tôn trọng ý kiến của mình được. Quy luật muôn đời vẫn là: kẻ nào nắm đồng tiền, kẻ đó ra lệnh. Thậm chí ca dao Việt Nam còn cay độc hơn:

Vai mang túi bạc kè kè
Nói bậy nói bạ, người nghe rần rần

Thế thì chúng ta nghèo, chúng ta dốt, chúng ta cần vay hàng trăm tỉ đô la để xây dựng đất nước, chúng ta cần sự giúp đỡ kỹ thuật để vực dậy nền kinh tế... thì chẳng những chúng ta không thể độc lập tự do được, mà còn phải làm tay sai, làm tôi tớ cho ngoại bang mà thôi.

Thế nhưng bề ngoài, các chế độ chính trị ở vùng Đông Nam Á vẫn thường tỏ ra rất quyền lực, rất tự chủ. Thực chất họ chỉ giỏi ăn hiếp dân nghèo của họ mà thôi.

Trong số các độc giả góp ý với tôi về cuốn tự truyện Lạc đườngTS Minh, hình như đang sống ở Mỹ hay Canada gì đó. Tôi tìm thấy những dòng này của ông trên trang web của đài BBC:

Lâu lắm tôi mới tìm được người chia sẻ quan điểm rằng World Bank, Asian Development Bank, IMF, và nhiều tổ chức tài chính quốc tế khác "viện trợ" cho VN chỉ nhằm (1) khống chế tài chính, (2) ảnh hưởng chính trị, (3) làm VN nghèo đi và nếu có thể làm VN vĩnh viễn xếp hàng ngay ngắn theo trật tự mà các quốc gia giàu mạnh muốn xếp đặt.

Cho đến nay, đã thấy rõ họ rất thành công, nhất là về chính trị, vì họ đã ép buộc - mà không cần nói ra - để phe cải cách cho phép VN gia nhập WTO, thành lập thị trường chứng khoán, và theo lịch trình WTO trong một vài năm tới sẽ có nhiều ngân hàng, công ty thành lập vốn 100% nước ngoài.

Chính quyền VN thật ra bị bó tay trong tình hình thế giới hiện nay, không thể tự chủ. Không cho các tổ chức tài chính này thao túng thì sẽ bị cô lập chính trị, kinh tế ngay. Nói khác đi, con nợ VN bị "ép buộc" mượn nợ, thế chân bằng các thế hệ mai sau, sẽ mang công mắc nợ không bao giờ trả nổi, trả hết. Mượn thì "kéo dài sự đau khổ", trong khi không mượn thì sự đau khổ sẽ xảy ra lập tức, vậy thôi.

Rõ ràng là các tập đoàn kinh tế nước ngoài, ngoài miệng thì họ tâng bốc "các thành quả kinh tế to lớn" của Việt Nam, nhưng thực tế họ coi chúng ta như lũ con nít.

Lập luận này một lần nữa lại được tác giả Trần Đông Chấn củng cố thêm trong bài viết "Việt Nam Đồng đang ở đâu và sẽ đi về đâu?" như sau:

Những tháng cuối 2006 đến 2007 các quỹ này đã rót khoảng 160 ngàn tỷ đồng (tương đương với 10 tỷ đô-la Mỹ) vào thị trường chứng khoán, bơm giá cổ phiếu tăng đến chóng mặt, tạo ra một ma lực cuốn hút người dân đổ tiền vào cổ phiếu. Ước tính đã có hơn 350 ngàn tỷ đồng bị hút vào chứng khoán từ nguồn tự có, vay mượn và thế chấp của người dân. Giá cổ phiếu ít thì tăng vài ba lần, nhiều thì đến vài chục lần, vượt xa hoàn toàn khả năng tạo ra giá trị thực tế của nó.

Khi mọi người đã đạt đến cơn say ghim giữ cổ phiếu bởi giấc mộng làm giàu nhanh thì tai họa ập xuống. Nhưng tai họa không chỉ đến một lần. Mỗi khi các cổ phiếu được đầu cơ bị bán ra ồ ạt để thu lợi, chỉ số chứng khoán sụt giảm thì ngay sau đó sẽ xuất hiện những thông tin hỗ trợ từ chính phủ, từ nước ngoài và được tuyên truyền quá nhiệt tình bởi các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống. Người dân lại được hâm nóng bằng những hy vọng mới, bầy thú tiếp tục nhồi tiền làm mồi nhử, cổ phiếu lại lên giá, dân lại hồ hởi mua vào. Cái vòng xoáy hút – nhồi ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt năm ngoái đến nay. Tiền trong dân tuôn ra ngày càng nhiều, guồng máy hút – nhồi này lại càng tăng công suất, các ngân hàng trong nước càng nhiều nguy cơ. »

*


Viết đến đây tôi chợt nhớ đến tình cảnh của tướng Dương Văn Minh trong những giờ phút cuối cùng ở dinh Độc Lập trên cương vị Tổng thống Việt Nam Cộng hòa:

Vào sáng sớm có một đơn vị thiết giáp đến vây quanh dinh, viên chỉ huy đề nghị tướng Minh tử thủ. Ông từ chối và thuyết phục họ rút đi. Ông cũng làm như vậy với nhóm biệt kích Lôi Hổ đằng đằng sát khí. Cuối cùng, một số sĩ quan cao cấp hải quân đến mời tướng Minh xuống tàu chạy đi, ông cũng từ chối. Lát sau viên tướng Pháp đội lốt ký giả Vanuxem hối hả vào xin gặp tướng Minh và nói với ông: “Hãy rút về Cần Thơ, cố thủ Vùng 4 chiến thuật, chỉ vài ngày nữa thôi thì Trung Quốc sẽ áp đặt giải pháp trung lập hóa miền Nam”. Tướng Minh than: “Hết Tây đến Mỹ, chẳng lẽ bây giờ còn đi làm tay sai cho Tàu nữa sao!” (trích bài "30/4/75, Dương Văn Minh và tôi" của Nguyễn Hữu Thái)

Cám ơn tướng Minh đã nói được một câu cảm động như vậy. Giá như bây giờ chúng ta có thể nói: "Hết thắng Tàu, thắng Tây, rồi thắng Mỹ, chẳng lẽ bây giờ lại đi làm tay sai cho những thằng Lã Bất Vi thời đại mới hay sao?"


© 2008 talawas