trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 124 bài
  1 - 20 / 124 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
16.6.2008
Vương Trí Nhàn
Một cách nghĩ khác về Nguyễn Khải
 
Tôi biết rằng nhiều người có cách nghĩ tương tự như Dương Tường khi đọc Đi tìm cái Tôi đã mất - Tùy bút chính trị của Nguyễn Khải (xem bài phỏng vấn trên talawas số ra 11-6-08). Và tôi tin chắc ở dưới suối vàng, tác giả Xung đột cũng muốn người đọc và đồng nghiệp nghĩ về mình như vậy.

Nhưng với tôi, tác phẩm này gợi ra những suy nghĩ khác, xin sơ bộ trình bày như sau.


1.

Gọi là Đi tìm cái Tôi đã mất cho sang. Ở đây tác giả không định đi tìm cái gì cả. Ông chỉ có nhu cầu trình bày một số ý tưởng. Những ý tưởng này đã sẵn có từ khi viết Thượng đế thì cười. Nhưng lúc đó tính rằng viết ra không tiện. Mà để không dùng làm gì thì cứ tiếc mãi. Nên nảy ra một hình thức tận dụng gọi là bổ sung hay phụ lục như vừa thấy.

Có thể ông cũng biết rằng đời mình có những thứ bị đánh mất. Nhưng như chúng ta đều biết, việc đi tìm những cái đó bao hàm một nguy hiểm: Nó sẽ dẫn tới xu thế phủ nhận những gì ông đã có. Một người khôn ngoan và thực dụng như Nguyễn Khải chẳng đời nào bỏ công cho việc đó làm gì.

Rút lại, định hướng chủ yếu của tác giả trong cả hai trường hợp chỉ là kể lại sự khôn ngoan tài ba “biết lui biết tới” của mình trong đường đời, bao gồm suốt quá trình lập nghiệp.

Thế tại sao Nguyễn Khải lại viết Đi tìm cái Tôi đã mất? Theo tôi, trường hợp này cũng giống như Chế Lan Viên viết Di cảo thơ, và Tố Hữu tâm sự với Nhật Hoa Khanh. Thực chất cái việc các ông “cố ý làm nhòe khuôn mặt của mình” như thế này là cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).


2.

Dương Tường rất thích cái câu Nguyễn Khải nói về giải thưởng, ấy là khi nhà văn “nhận ra ngay đây là cái bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc.”

Nhưng như mấy anh em làm báo kể với tôi, những năm cuối đời, thấy ai khi nhắc tới mình mà quên nói thứ bậc giải mình đã được nhận là Nguyễn Khải đã không bằng lòng.

Tôi tin điều đó vì còn nhớ một đầu việc hồi 1986-88. Đó là khi Nguyễn Khải có làm vài điều khiến anh em đồng nghiệp, nhất là lớp trẻ, thấy không phải. Trong tinh thần đổi mới, họ đối xử với ông thế nào đó khiến ông cảm thấy cũng chỉ cá mè một lứa như anh em chứ chẳng thuộc loại đấng bậc như mọi khi. Thế là ông kêu ầm lên, rằng người ta không được nói hỗn với tôi như vậy, rằng chẳng gì tôi cũng là cỡ Thường vụ Hội (một thứ quan chức chủ chốt, cái lõi của Ban chấp hành thuở còn thịnh trị; người có chân trong Thường vụ đứng còn cao hơn người chỉ là thành viên Ban chấp hành một bậc).

Lại như khi Nguyễn Khải nói về toàn bộ sự nghiệp ông. “Cái tài sản tinh thần thâu góp một đời” ấy “về già nhìn lại”, ông nhận ra “chỉ là một cái kho chứa đủ tạp nham chẳng có một chút giá trị gì.

Mấy chục năm trước ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi cũng thường được nghe Nguyễn Khải nói bằng cái giọng tương tự và cũng đã tin thật, tin hết mình. Nhưng càng ngày, tôi càng thấy đó chỉ là một nửa cái bánh mì. Và nửa kia của cái bánh chính là những lời đường mật người ta thường rót vào tai khi đối diện với chính mình “Ồ, mình chẳng kém ai!” “Liệu có ai sánh ngang mình? Không và không!”

Câu nói đánh dấu phút tự bằng lòng của L. Tolstoi “Lão già ghê thật!” có thể dùng làm đề từ cho cuốn Thượng đế thì cười.

Bên cạnh lời tự thú nhũn nhặn mà Dương Tường tin và dẫn ra, lúc nào cũng còn một Nguyễn Khải tự mê mình như vậy. Cả hai hợp lại mới làm nên thái độ của Nguyễn Khải với sự nghiệp của bản thân.


3.

Đúng như Dương Tường nói, trong Nguyễn Khải có hai con người. “Một Nguyễn Khải khôn khéo giả dối và một Nguyễn Khải thành thật trắng trợn. Một Nguyễn Khải hèn nhát và một Nguyễn Khải khinh ghét tay Nguyễn Khải hèn nhát kia. Và sự tranh chấp giữa hai con người ấy không bao giờ ngã ngũ.”

Tôi chỉ muốn bổ sung: Sự tranh chấp ở đây thực ra chỉ là bề ngoài, trên sàn diễn, trước mặt bàn dân thiên hạ. Chứ ở hậu trường Nguyễn Khải yêu cả hai con người đó ở mình. Ông sống hòa hợp với cả hai. Tùy trường hợp mà ông đưa con người này hay con người kia ra để làm hàng. Lối nghĩ này đã giúp ông thành công chói lọi trong suốt đường đời, và cho đến giai đoạn chung cục của đời sống, ông vẫn giữ, không tự khác mình đi đến một mi-li -mét!


4.

Nếu được phép thành thực, tôi muốn nói rằng những nhận xét về xã hội và đời sống mà Nguyễn Khải viết trong tùy bút chính trị này không mấy đặc sắc, không phải là cỡ Nguyễn Khải mới nghĩ được, người ta vẫn nói giăng giăng với nhau ngoài quán nước. Điều kiện để một nhà văn khi trình bày những ý nghĩ loại này không trở thành chung chung mà có sức thuyết phục là tác giả phải sống với nó một cách sâu sắc. Tức là nó phải được viết nên như vừa được tác giả tìm ra, chỉ có nó duy nhất đúng, nhà văn đã lấy cả đời mình ra bảo đảm cho nó, tất cả những gì ngược với nó phải bị xem như đáng xấu hổ, đáng băm vằm hủy bỏ. Đến chỗ này phải nói Nguyễn Khải – cũng như số đông chúng ta – đã dừng lại, dù không cố ý, thì sự thực đã dừng.

Thời Xôviết, ở Nga có nhà văn J. Trifonov (1925-1981). Năm mới 26 tuổi (1951), ông được Giải thưởng Stalin với cuốn Những sinh viên. Sau này ông viết những truyện vừa hoặc tiểu thuyết như Đổi trao, Giã từ, Ông già, Ngôi nhà khu bờ sông… với cảm hứng hoàn toàn “phi chính thống”, nên được bạn đọc trong ngoài nước đặt nhiều kỳ vọng và nhiều nhà xuất bản lớn ở Anh, Pháp, Đức cho dịch. Có người bảo rằng họ thích ông cả hai, tức cả thời Những sinh viên lẫn thời sau. Trifonov bảo như thế là vô liêm sỉ. Và trong các tuyển tập có sự đồng ý của ông, cuốn tiểu thuyết đầu tay không bao giờ được phép xuất hiện.

Ở Việt Nam gần như không thể tìm thấy một nhà văn nào có cách cư xử tương tự. Cùng lắm, khi làm các tuyển tập, người ta có thể bỏ một số bài thơ trang truyện quá “chối”, quá “lộ diện”. Chứ còn toàn bộ tư tưởng thời trẻ thì người ta xin cứ được giữ, không ai là không muốn giữ.


5.

Khi viết về tiểu thuyết Thượng đế thì cười, tôi đã nói rằng hồi ký không phải là những cuốn sách ở đó người viết ca công tụng đức mình. Mà yêu cầu chính đặt ra với các cuốn hồi ký theo nghĩa hiện đại là nhà văn phải lấy toàn bộ con người mình ra làm đối tượng khảo sát, sẵn sàng “lật tẩy”, “xét lại” chính mình, “lật lại cả vụ án” là chính cuộc đời mình. Chỉ có làm như thế người ta mới thực sự làm cuộc phiêu lưu mới và viết được những trang cần cho nhân quần thế sự.

Đến nay tôi vẫn có ý nghĩ đó. Tùy bút Đi tìm cái Tôi đã mất cũng như tiểu thuyết Thượng đế thì cười đều có dáng dấp hồi ký nhưng vẫn không phải thực là hồi ký theo nghĩa tôi đề nghị.

Hầu như người viết hồi ký nào cũng hứa hẹn rằng ông ta sẽ viết rất thật. Nhưng tôi cho rằng cần có một sự phân biệt rạch ròi giữa kỳ vọng và hiệu quả mà tác phẩm mang lại. Trong nghệ thuật thành thực không hề là chuyện dễ mà là việc khó, không phải chuyện tối thiểu mà là việc tối đa. Không phải người ta cứ muốn rồi là thành thực ngay được đâu, phải có tài năng và bản lĩnh thế nào mới thực sự đạt tới cái hiệu quả tuyệt vời kia.


6.

Một lần nữa trở lại với cái tên Đi tìm cái Tôi đã mất. Chắc không chỉ riêng tôi mà nhiều người cảm thấy nó là tiếng vọng từ Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust. Hồi trẻ, giá thấy ai làm thế, hẳn Nguyễn Khải sẽ gọi tên chỉ mặt ra mà giễu cợt, hoặc nếu không cũng tự mình cười thầm. Nay thì Nguyễn Khải cũng hồn nhiên mà làm cái việc nương tựa vào ánh vinh quang xa lạ kia. Thế mới biết sức mạnh của thời gian. “Ôi khủng khiếp thời gian ăn cuộc sống.” Đâu có một lần Xuân Diệu đã dẫn ra một câu thơ Pháp như vậy và ông bảo là của C. Beaudelaire. Còn mới hôm nọ thôi, đọc báo Văn Nghệ trẻ 18-5-08, thấy có bài viết riêng về tác giả Người Trung Quốc xấu xí nhân việc nhà văn này qua đời. Đây là một câu của Bá Dương được người ta nhắc tới: “Lòng tham lam gặm nhấm nhân tính.”


7.

Bài viết này chủ yếu là viết về Nguyễn Khải, nhưng nó được gợi ý từ những câu trả lời của Dương Tường. Ở cuối bài, Dương Tường kể là dạo này ông thường đi lại chơi bời cùng lớp trẻ. Và khi được hỏi Văn chương hôm nay, điều gì đang làm cho ông quan tâm nhất?, ông bảo đó là Sự khao khát vạch những con đường mới của lớp trẻ, rũ bỏ mặc cảm và phá vỡ những khuôn khổ kìm hãm sáng tạo. Đọc giữa hai hàng chữ, tôi hiểu có một điều Dương Tường chưa tiện nói ra, đó là với lớp trẻ, ông đang đóng vai một thứ sếp sòng, một người cổ võ nồng nhiệt, người hướng đạo. Hẳn nhiều cây bút trong lớp đi trước cũng cảm thấy thơm lây vì có một Dương Tường như vậy.

Nhưng từ trường hợp của Nguyễn Khải nói ở đây, có thể thấy còn một cách làm nữa mà tôi muốn ngày càng có thêm người thử bắt tay làm. Đó là chúng ta hãy mang mình ra phân tích. Hãy thật sự tỉnh táo trong việc nhìn lại mình. Hãy đối chiếu mình với yêu cầu của cộng đồng và tự vạch ra cho chung quanh thấy hết những lầm lỡ và cả những cơ hội hèn hạ kiếm chác ngu muội man trá của thế hệ mình… Có nghĩa làm chính những việc Nguyễn Khải làm, chỉ có điều với nhiệt tình khác hẳn, hoặc có thể nói với tinh thần quyết liệt hơn, sòng phẳng hơn và cũng vô tư hơn. Khi ấy những ê chề đau đớn mà chúng ta trải nghiệm không biết chừng sẽ đóng vai một bài học cho lớp trẻ. Họ sẽ tránh được những vết xe đổ.

Hà Nội 15-6-08

© 2008 talawas