trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Phong trào cánh tả và vấn đề Việt Nam
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
24.6.2008
Nguyễn Hoà Mai
Mấy suy nghĩ nhân một vụ tranh cãi ồn ào
 
Tôi xin khẳng định tôi không phải là một “cán bộ cộng sản” (như ông Nguyễn Văn Lục đã nói bừa như ông hay nói bừa trên DCV) khi ký chung một bài “Ý kiến ngắn” trên talawas với Lê Duy Khoa là người có tham gia bộ phận “đọc và phân loại” sách đã nói đến trong bài viết ngắn đó. Là một người dạy học ở miền Nam trước 1975, đã đọc hầu hết tác phẩm của các ông Nguyễn Văn Trung, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, tôi thấy chuyện căng thẳng (mâu thuẫn, xích mích?) giữa các vị trí thức (già) nói trên, diễn ra vài tuần nay, coi bộ đã trở nên lùm xùm quá rồi. Nhất là với sự thổi phồng của một số bình luận gia ăn theo, ồn ào thì nhiều nhưng vụ việc ra sao thì, với người đọc, vẫn chưa có gì rõ rệt cả.

Theo chỗ tôi theo dõi thì bài viết khởi đầu của ông Nguyễn Trọng Văn, tiếp theo đó là bài công bố một tư liệu của ông Lữ Phương đều có mục đích rõ rệt là không chấp nhận sự xuyên tạc của Nguyễn Văn Trung với một số việc mà các ông ấy cho là mình không làm. Hiểu theo sự trình bày của ông Nguyễn Trọng Văn thì việc ông Nguyễn Văn Trung trên tạp chí Văn học ở Mỹ năm 1995 kết tội ông Nguyễn Trọng Văn cấu kết với ông Lữ Phương để thực hiện chính sách mà ông Nguyễn Văn Trung gọi là “khủng bố có tính chất nhà nước trí thức và văn nghệ sĩ miền Nam sau 30-4-1975” là bịa đặt, vu khống.

Người đọc sẽ không hiểu gì thêm về điều đó, nếu không có sự tham dự của những người đứng bên ngoài khởi đầu trên mục “Ý kiến ngắn” của talawas, sau đó là hai bài viết dài của ông Nguyễn Văn Lục trên DCV và ông Nguyễn Vy Khanh trên talawas với những lời kết tội ngược lại đối với hai ông Nguyễn Trọng Văn và Lữ Phương (nhất là bài của ông Nguyễn Văn Lục với những lời mạt sát hết sức nặng nề). Nhưng cũng chính qua mấy bài viết này, người đọc mới thấy những khúc mắc giữa ông Nguyễn Văn Trung với các ông Nguyễn Trọng Văn và Lữ Phương được bộc lộ phần nào.

Với ông Nguyễn Trọng Văn, đó là những phê phán của ông sau ngày 30-4-1975 vớí quan niệm gọi là “cách mạng xã hội chủ nghĩa không cộng sản” mà ông Nguyễn Văn Trung đã đưa ra trên tạp chí Hành trình vào năm 1966. Với ông Lữ Phương thì nhiều hơn. Ngoài bài phê phán có chủ đề nói trên, ông còn là người “được giao phó” chỉ đạo bộ phận “đọc và phân loại” mà Lê Duy Khoa có được mời tham gia và có nói qua một ít điều đã chứng kiến. Ngoài ra ông Lữ Phương còn là tác giả một cuốn sách mang tựa đề là Cuộc xâm lăng văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam xuất bản năm 1981.

Tất cả những gì mà người đọc bên ngoài có thể biết được cho đến giờ về mặt sự kiện chỉ là như thế. Và nếu chỉ là như thế thì hàng loạt những câu hỏi sẽ không thể nào không được nêu ra để giải thích tại sao lại có đối nghịch hoàn toàn giữa hai cách nhìn về một số sự việc đã được nêu ra như trên. Thí dụ như:
  1. Những việc làm được kể ra như trên của các ông Nguyễn Trọng Văn và Lữ Phương đụng chạm tới cá nhân ông Nguyễn Văn Trung (phê phán “cách mạng xã hội không cộng sản”) có thể gọi được là “thực hiện chính sách khủng bố mang tính chất nhà nước trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam sau 75” hay không?

  2. Việc ông Lữ Phương mà ông Nguyễn Văn Trung gọi là “đứng đầu một ban phân loại tác phẩm” và sau đó với cuốn sách của ông mang tên Cuộc xâm lăng văn hoá… nội dung của những sự kiện ấy (đặc biệt với cuốn Cuộc xâm lăng văn hoá…) là gì để có thể gọi đó là một chính sách “khủng bố” về mặt văn hoá?

  3. Những việc làm nói trên của các ông Nguyễn Trọng Văn và Lữ Phương quan hệ đến chính sách văn hoá nói chung của chế độ cộng sản mới thiết lập ở miền Nam là gì để có thể gọi đó là “khủng bố”? Và khủng bố là gì và lấy gì làm tiêu chuẩn để xác định đó là “khủng bố” và “một chính sách khủng bố”?

  4. Một câu hỏi hết sức quan trọng cũng đã đặt ra với người đọc về ông Nguyễn Văn Trung. Có thật sự là ông Nguyễn Văn Trung bị cộng sản bắt giam mấy tháng là vì các bài phê phán của các ông Nguyễn Trọng Văn và Lữ Phương về quan niệm gọi là “cách mạng không cộng sản” của ông?

  5. Tại sao vụ ông Nguyễn Văn Trung bị bắt và được cột vào việc bị ông Lữ Phương phê bình “cuộc cách mạng xã hội không cộng sản” của ông lại bị ông Lữ Phương trong bức thư gửi ông Nguyễn Văn Trung xem là “đổi trắng thay đen”, “vô ơn bạc nghĩa”, để cùng với điều này cho rằng tất cả những gì mà ông Nguyễn Văn Trung viết trong bài “Văn học hải ngoại?”) để tố cáo ông đều chỉ là sự “dựng đứng” để thực hiện một chương trình văn hoá chính trị nào đó khi ông Nguyễn Văn Trung đi định cư ở Canada?
    v. v…

Cùng với nhiều bạn đọc khác đang ở Việt Nam (mà có lẽ cũng ở hải ngoại) tôi thấy mọi việc còn quá mù mờ, nếu cứ để sự mù mờ này kéo dài tạo cớ cho những người đứng ngoài nhẩy vào suy đoán vô tội vạ, thì những vấn đề cụ thể sẽ bị đánh tráo hết và thay vào đó sẽ là những mạt sát, chửi bới và như vậy sẽ càng làm cho mọi việc diễn ra theo một chiều hướng không thể gọi được là “trí thức chân chính” được.

Đọc hai bài của ông Nguyễn Văn Lục (mà ai cũng biết là em ruột của ông Nguyễn Văn Trung) và bài của ông Nguyễn Vy Khanh (ông tự nhận là học trò của ông Nguyễn Văn Trung) tôi thấy chiều hướng ấy đã bộc lộ khá rõ. Hai bài viết này không làm rõ được vấn đề cụ thể để phán bác điều mà các ông Nguyễn Trọng Văn và Lữ Phương cho rằng mình đã bị ông Nguyễn Văn Trung vu khống (đơn giản chỉ là một thái độ đạo đức cụ thể), mà lại chuyển vấn đề cụ thể ấy sang việc thiết lập một bản án tổng quát của các ông với chủ nghĩa cộng sản (một luận tội chính trị mang tính chất tư tưởng hệ) rồi cột các ông Nguyễn Trọng Văn và Lữ Phương vào đó như một tội đồ.

Theo tôi nghĩ thì vấn đề chủ nghĩa cộng sản và sự đúng sai của nó ra sao, người ta đã nói nhiều rồi (trong đó có cả những bài của ông Lữ Phương sau này) các ông Nguyễn Văn Lục và Nguyễn Vy Khanh có nói thêm để thuyết phục những người cộng sản từ bỏ nó thì các ông hãy cố mà làm chứ đừng kết án khơi khơi. Nhưng tôi cho rằng công việc ấy (dù hay hoặc dở) ở đây lại không thích hợp lắm, nó không thể thay thế cho việc làm rõ mối quan hệ về mặt đạo đức của ông Nguyễn Văn Trung với các ông Nguyễn Trọng Văn và Lữ Phương.

Tôi cho rằng đó mới thật sự khởi đầu của mọi vấn đề và vấn đề ấy là câu hỏi sau đây: có thật ông Nguyễn Văn Trung là một người theo một thứ chủ nghĩa chống cộng cuồng tín và nhân danh chủ nghĩa chống cộng đó để kết án các ông Nguyễn Trọng Văn và Lữ Phương với tội danh mà ông gọi là “chính sách khủng bố mang tính chất nhà nước trí thức văn ngnhệ sĩ miền Nam sau 1975” như ông đã viết trong Văn học ở Mỹ năm 1995? Tôi có thể nêu ra câu hỏi đó với một sự hoài nghi mà không cho rằng mình sai lầm lắm khi nương theo sự chỉ dẫn của ông Lữ Phương, tôi tìm đọc được tờ Phụ bản Tin Nhà (Paris Décembre 1995) mang ký hiệu ISSN 1154-6204 và mang tựa đề: “Bên lề cuộc đối thoại dân chủ Lữ Phương - Nguyễn Kiến Giang và Nguyễn Văn Trung”.

Với tôi, các ông Nguyễn Văn Trung, Lữ Phương và Nguyễn Trọng Văn đều là những trí thức miền Nam, trong đó có người là thầy tôi về mặt khai mở tư duy, tôi xin nói thật rằng, khi viết những dòng này tôi chưa thật hiểu tại sao lại có những “xích mích” (nếu có thể nói như thế) quá gay gắt với nhau đến như thế. Và tôi phải nói thêm đó là một nỗi băn khoăn đau lòng nhưng chính đáng. Với những cảm nghĩ ấy, tôi xin mạo muội đề nghị mấy điều sau đây:
  1. Đề nghị các vị nào muốn bàn luận tiếp tục chủ đề này nên tìm đọc cho được tờ Phụ bản Tin Nhà tháng 12 năm 1995 nói trên để có được một cái nhìn tổng quát hơn về các thái độ của những người trí thức Việt Nam trước sự chuyển động của xã hội vào lúc bấy giờ. Có rất điều đáng quan tâm: như chủ nghĩa hiện sinh, thực chất của những người gọi là “đối lập” hiện nay ở Việt Nam…

  2. Đề nghị Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Trọng Văn và Lữ Phương vốn là những người trực tiếp liên quan đến vụ việc nói trên, các ông cần lên tiếng làm sáng tỏ mọi việc với tinh thần trách nhiệm để tránh bớt đi những khai thác lợi dụng có tính chất phản văn hoá như đã diễn ra và có thể tiếp diễn. Dù sao các ông cũng là những người tiêu biểu cho một xu hướng dấn thân của trí thức miền Nam trong một thời đáng nhớ với những hậu sinh như chúng tôi.

  3. Tôi cũng mong mỏi nơi talawas một sự điều hợp nào đó để cho những tiếng nói khác nhau lên tiếng rọi sáng những vụ việc nói trên theo một tinh thần tôn trọng sự thật đi kèm một thái độ có trách nhiệm mang tính trí thức, không phải để bôi bác nhau qua đó bôi bác “lịch sử” mà chính là để nhìn lại lịch sử một cách nghiêm túc hầu có thể rút ra những điều bổ ích nào đó cho cuộc sống hôm nay.

© 2008 talawas