trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
Loạt bài: Sách xuất bản tại miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95 
8.7.2008
Hồ Hữu Tường
Kể chuyện
 1   2   3 
 
Mục lục
  • Tựa
  • Xuân An Hải
  • Răng đen
  • Dưa hấu Đồng Nai
  • Cọp hú
  • Thuỷ hoàng và thuốc trường sanh
  • Ngày chót của một nữ sứ quân
  • Nàng mọt sách
  • Những chuyện tiếu lâm về "quặp râu"
  • Đồng bào ơi, quả thật là đại biến

Tựa

Vào thế hệ của tôi, nhất là ở nơi cái xứ thuộc địa Nam kỳ, mà viết được tiếng mẹ, thật là một việc khá hiếm. Trong số khá hiếm nầy, số lớn nhờ cha anh đỡ đầu, như ông bạn già Đông Hồ; số nhỏ hơn nhờ gặp thuận cảnh mà tự học, như anh bạn quá cố Phan Văn Hùm. Sanh trong một gia đình nông dân nghèo, chẳng nhờ cha anh đỡ đầu, lớn lên, mặc dầu bạn tôi, anh Phan Văn Hùm, khuyến khích và chịu khó năn nỉ dạy không công cho tôi viết văn, tôi lại lười biếng. Thế mà tôi cũng được xem là có chân trong làng văn. Việc tuy lạ, song có nguyên nhân của nó. Bởi vì tôi học làm văn từ thuở bé tí hon, moi trong ký ức, có thể nói ngay từ lúc biết nghe, biết hiểu mà nói chưa rành.

Giáo sư dạy văn chương cho tôi là chị tôi, ngày ngày ầu ơ mấy lần để ru cho tôi ngủ; là mấy người chèo ghe bơi xuồng trong rạch, đêm đêm đối đáp nhau bằng những câu hát, bài ca; là tía tôi, một nông dân nghiêm nghị, đoan trang nhưng tài nói tiếu lâm tôi chưa gặp ai ăn đứt nổi, là mấy chú “Huế” theo ghe bầu đem cái giọng lớ lớ của đàng ngoài vào; là công gặt, công đập, khi nghỉ trưa đãi lẫn nhau một vài chầu trào phúng; là công thợ làm việc cho chủ đất tôi; và khi tôi biết đọc, là thơ, tuồng, truyện. Những giáo sư ấy tạo cho tôi có một sắc thái riêng biệt. Anh Hùm khuyên tôi học làm văn, để có thể “làm văn hào”. Tôi không cần cái danh dự văn hào, bởi tôi mến tiếc cái bản sắc nông dân của tôi. Đọc tiểu thuyết hay của các nước, tôi rất hiểu tiểu thuyết, mà chỉ bám vào lối văn “kể chuyện”. Triều Sơn thường phê bình tôi: “Óc tưởng tượng anh phong phú lắm. Anh mà rán lên, viết tiểu thuyết được, thì nước Việt Nam có thể đếm anh là một Dostoievsky hay một Tolstoi” Tôi không đáp. Tôi nhường danh dự làm Dostoievsky, làm Tolstoi lại cho người khác. Tôi chỉ muốn “kể chuyện” cho hoang đường, cho hóm hỉnh cho trào phúng và cho quê mùa, như những giáo sư văn chương của tôi mà thôi. Con nhà trăm anh thế phiệt, ông, bác, cha, anh thảy đều khoa hoạn, thì viết văn điêu luyện như Nguyễn Du, việc ấy hợp lý hợp tình. Con nhà nông như tôi, mà viết văn nông dân, việc ấy cũng hợp lý, hợp tình nữa.

Con vua, thì đặng làm vua,
Con sãi ở chùa thì quét lá đa.

Có cái văn tâm như thế, nên trong chín năm theo chủ nghĩa Mác–Lê, giáo điều của chủ nghĩa nầy dạy phải viết theo đường lối của “tả chân xã hội” (realisme socialiste), thà tôi nhịn viết văn, chớ tôi không chịu phản lại giai cấp của tôi. Trong cuộc tranh biện về “nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sanh” (1935), tôi đứng ngoài, vì trận thế lúc ấy không cho phép tôi binh vực thứ văn chương mà tôi mến. Cái văn tâm như thế đem những văn tứ “cổ điển” lại. Chuyện “ma”, chuyện thần tiên, chuyện hoang đường, chuyện tiếu lâm châm biếm… “cổ điển” là cổ điển của thứ văn chương nông dân ta vào thế hệ của tôi.

Về chuyện ma, kỷ niệm của tôi là kỷ niệm chung của tất cả, tất cả trẻ con Việt ở nhà quê. Một đêm tối om, bên cạnh ngọn đèn dầu leo lét, ba bốn người ngồi mà nghe kể chuyện, một thằng nhỏ giỏng tai nghe. Một lát nó nhảy vào giữa, run sợ. Mà càng run, thì nó càng có lý thú. Nhà văn gốc ở nhà quê, là Sơn Nam, có lẽ cũng có cái kỷ niệm ấy. Thế mà, vào nhà trường, học khoa học của Tây phương, thầy cấm đứa nhỏ ấy tin chuyện ma, cho đó là dị đoan. Năm 1924, học nội trú tại Cần Thơ, tôi ấm ức không được đi xem ma hiện về nhà của một ông giáo sư trung học dạy về khoa học. Chúng bạn đi xem rần rần, sáng vô lớp kể nhau chẳng ngớt những chi tiết của việc ma về. Ông giáo sư ấy nay còn sống và vẫn ở tại Cần Thơ. Ai có học trường trung học ở tỉnh lỵ nầy đều biết ông: Nguyễn Văn Trọng. Khi nhập vào chủ nghĩa Mác–Lê, thì giáo điều của duy vật luận biện chứng pháp lại càng nghiêm khắc với chuyện ma hơn nữa. Thế mà, sự thật lại khác hẳn. Năm 1932, nhà của một người bạn của Tạ Thu Thâu là trạng sư Blaquiere, ở đầu đường Taberd (nay là Nguyễn Du) xéo xéo Nhà thờ Lớn, lại có ma, dời bàn, khiêng ghế, dựng ván đứng lên, làm “trò khỉ” (mượn lời của cựu Thủ tướng Hương). Nhà Mácxít Tạ Thu Thâu tức quá, luôn ba đêm đến đó ngủ, để nghiên cứu bọn ma có quyền lực gì, mà làm cái công việc mười người lực lưỡng chưa chắc làm nổi… Nhưng mà quyền lợi của chủ nghĩa duy vật, mà chúng tôi đương vác cờ, không cho phép chúng tôi nói đến… Ít nữa là trước công chúng.

Năm 1930, tôi rời chủ nghĩa Mác–Lê. Ở tù bốn năm xong, tôi bị dời qua An Hải. Tết năm ấy, có hiện tượng “ma dấu”. Người bị ma dấu là một “cộng sản duy vật”. Sống việc ma dấu nầy, gần hai trăm người, mà kẻ duy vật là tối đại đa số. Phần đông, nay là “lãnh tụ” cả (Người bị ma dấu, lúc tôi bị án tử hình, còn gặp lại tại Côn Sơn, sau khi anh ra hoạt động trong mười năm, rồi bị bắt lại). Ra tù, có cơ hội viết, tôi thuật chuyện ma dấu nầy, không phải để thuật chuyện ma, mà cốt để tuyên bố rằng “nhà văn nông dân”, bấy lâu nay bị ràng buộc bởi giáo điều Mác–Lê, nay đã cởi mở hoàn toàn. Đó là một tuyên ngôn. Vì vậy mà bài “Xuân An Hải” được đăng ở địa vị của nó trong tập nầy. Từ ấy mà tha hồ “kể chuyện”, hóm hỉnh, trào phúng, châm biếm. Độc giả ắt nhận thấy nơi mỗi bài cái sắc thái “chuyện tiếu lâm” mượn một cái tứ xa xôi mà công kích một chuyện trái cựa.

Bài “Cọp hú”, là một bài chửi vào mặt bọn ăn tiền thực dân mà vọng ngoại, trở lại đánh đập kẻ đồng huyết thống của mình. “Răng đen” có mục đích tố cáo sự láo dối của thực dân, đồng thời châm biếm tục nhuộm răng của đồng bào ở Bắc… Đến như những “Chuyện râu quặp”, thì thú thật, là những chuyện do tía tôi kể, để nhạo những ai lập trang mà thờ bà còn sống. Riêng có bài “Nàng mọt sách” là một câu chuyện thần tiên mà tôi xây dựng ra để ca tụng thú vui của kẻ sống trong “vạn quyền thơ lâu”.

Khi bạn thân của tôi, là anh Đông Hồ, cho ra tờ Nhân Loại, tôi có đem cái tứ của câu chuyện thần tiên nầy mà hiến cho bạn, để cho bạn mở một loạt bài “Tóm tắt mỗi kỳ một sách hay” và ký cái tên mới là Nàng Mọt Sách. Ngay trong số I (8-VI.1953) chị Mộng Tuyết, thất tiểu muội, đã kể lại cái tứ, và đánh dấu nguồn gốc của tứ bằng nhân vật Hồ Sinh. Văn của chị Mộng Tuyết rất điêu luyện, do đó mà mất sắc thái quê mùa, nên chỉ năm 1955, Hồ Sinh thuật lại trên mặt của Truyền Tin. Vậy nhờ Mõ Làng Văn rêu rao cho làng hay rằng, mười năm đã qua, chị Mộng Tuyết không kiện Hồ Sinh về tội “đạo tứ”, thì ngày sau, có ai buộc tội cho Hồ Sinh về “đạo văn”, thì oan cho Hồ Sinh lắm lắm.

Nay gom một mớ chuyện kể, đã in từ 1948 đến 1955 - rất tiếc là tôi không tìm lại được quyển sách con Quả trứng thần [1] trong ấy còn chép nhiều truyện cổ tích thần tiên - mục đích của tôi là lập một cuộc lễ tạ ơn những vị giáo sư đã dạy tôi viết văn nhà quê, hoang đường, hóm hỉnh, trào lộng và châm biếm, đặc biệt của nông dân miền Tây vào đầu thế kỷ XX nầy.

Sài Gòn, I-VI-1965.


Xuân An Hải

Kể ra tôi đã ăn được nhiều cát Tết ly kỳ, ngoài những Tết như mọi người, với pháo tạch đùng, với quần áo mới, với ăn uống ngỏa nguê, tôi còn sống những cái xuân lạ lùng. Cần chi đến những cái; một cái thôi, cũng đủ làm cho đời người khác thường rồi.

Có cái xuân ở Pháp, anh em hội lại gây lấy bầu không khí nước nhà, rồi có người – nay cũng là tai mắt của xã hội – đứng lên ca một bài Tứ đại giọng xưa không nhịn cười được.

Lại cái xuân cũng ở Pháp, một lần ăn Tết mà không có tiền đã hơn hai ngày rồi, mà ngày ấy, mừng ông bà bằng nước lạnh, khi mà ngoài trời tuyết rơi trắng đất.

Cũng cái xuân trốn tránh không cho người biết nhà, thế mà có năm gã thanh niên yêu văn rình theo được, hôm ấy lén đến “dâng” cho một bó hoa với mấy cái bánh chưng.

Và cũng trốn tránh mà không tiền vì không muốn cho hai bên hàng xóm để ý, phải bắt chảo, bỏ nước vào cho nó nổ xèo xèo, tỏ ra nhà mình cũng ăn Tết bằng những cao lương mỹ vị!

Cũng có những cái xuân ở khám lớn, bà con ở ngoài gởi đủ món ăn vào, làm tiệc ê hề rồi anh em bay ra hát bội, cải lương, múa lân đấu võ, thú vui còn gấp mấy lần ngoài “đời”.

Và trong cảnh tù tội ở Côn Đảo, ăn Tết mà bị còng chân cả tháng bên cạnh nhà văn Phan Văn Hùm, tha hồ buông tư tưởng đằng phi trong lãnh vực thơm tho của văn chương nghệ thuật, khi mà lỗ mũi để khít bên mấy cái ti-nết không đậy nắp. Có cái xuân vừa bị bắt trong một cuộc hành quân, đưa về Hà Nội sau cuộc đánh nhau 19-12-1946, trong túi vắng hoe, đến không có một mảnh mù soa, trong lúc mà ăn gạo hai ngàn rưởi một tạ và ngoài đường không có bóng người đi…

Nhưng không có một cái Tết nào để vào tâm hồn tôi một ấn tượng mãnh liệt bằng cái xuân ở An Hải. An Hải là tên một cái làng xưa ở Côn Đảo. Nay làng ấy không còn, bởi vì thường dân không được ở ngoài ấy nữa. Tuy vậy, hãy còn một vài di tích như mấy cây dừa sống đã hơn trăm năm, như cái miểu Bà mà người ta trùng tu mãi mãi, hoặc mấy cái nền nhà xưa…

Làng An Hải không còn nhưng nơi ấy vẫn được kêu là An Hải và làm trại giam những tù lưu. Năm 1943, trại giam dời vào nơi ấy. Và khi tôi ở mãn hạn tù bên Côn Lôn, thì bị đưa lội bộ bốn cây số vào trại giam An Hải nầy. Đời trại giam không cần phải kể. Vả lại, bài nầy là thuật cái xuân ở An Hải mà thôi. Vậy hãy bước ngay vào đề.

Ở tù thì biết lúc nào mãn! Ở trại giam lại càng không biết hạn. Ngày mai, cũng phải, trọn đời không biết chừng. Nên năm ấy anh em định tổ chức một buổi ăn Tết thật long trọng để quên bớt những cảnh khổ. Nào đốn đủng đỉnh về bông rạp, nào làm bánh, nào nấu thập cẩm, nào tổ chức nhiều cuộc chơi: tranh vô địch cờ tướng, hát sơn đông, mãi võ… Và anh em ngày ấy để cho tự do một chút, vài người bày cuộc đỏ đen như ở “đời”…

Đến sáu giờ tối “lập binh” để đếm coi số người ở trại còn đủ không, đếm ba lần thấy còn thiếu một người.

Kiểm điểm lại coi, thì là thiếu anh Xa.

“Xa trốn rồi à?"

"Vượt ngục à?"

"Không đâu! Hồi chiều, tôi thấy nó thua cờ bạc, có lẽ nó buồn…"

" Rồi nó đi tự vận", một anh thường trào phúng, nói giễu.

"Biết chừng đâu Xa tự vận thiệt. Đâu ta kiếm xem!"

Trại giam ở cạnh chân núi, núi có cây mọc um tùm. Một trăm mấy chục người chia nhau đi tứ phía. Từ sáu giờ tối trời hãy còn thấy rõ, cuộc tìm kiếm kéo dài đến đốt đèn lên, kiếm tới chín giờ tối.

Nơi nào có dấu chân người có thể để đến được là tìm đến. Nhiều người đã nản, kéo về trại nghỉ.

Bổng có tiếng hú vang, tiếng hú xa tít từ trên chót núi Chùa đưa xuống, lẫn với tiếng cây cối rung chuyển ào ào, như cơn bão rừng, như đạo kỵ binh rần rộ từ trên cao kéo xuống, nghe lạnh xương sống. Trông theo tiếng hú, thì thấy anh Xa mắt nhắm nghiền, hai tay đưa ra trước như nắm một dây cương ngựa tưởng tượng, từ trên cao phóng xuống như bay. Điều mà giữa ban ngày không ai dám làm, nữa là ban đêm, cái đêm cuối năm đen như mực xạ. Vì dốc hẩm đứng, đá lồi lõm, sa chân một cái thì nhào lăn, lăn luôn, rồi chắc chắn là xương tan ra từng mảnh.

Thế mà Xa cứ chạy, chạy như bay, lướt trên mặt đá chơm chởm.

Có người tỉnh trí gan dạ chặn đường. Một người lấy tay quất ngang giò Xa cho bổ nhào, mấy người khác đón ôm liền, đừng cho ngã đầu vào đá. Rồi trói lại khiêng như khiêng thịt săn. Miệng Xa cứ nói lung tung. Về đến trại giam, thả Xa ra thì Xa lại vụt chạy. Giữ anh lại, thì anh ngồi, cong hai đầu gối lại, tay rút như rút gò cương ngựa, miệng làm xàm :

“Làm gì cầm ta lại đây, để ta đị, đi với ông… ông … đội mão vàng, mặc giáp bạc…”

*


Trong trại giam chánh trị, một nữa là anh em theo duy vật, không tin thần thánh. Một nữa là các ông đạo rất mê tín. Phái duy vật thì cứ cười bảo :

“Xa nó thua cờ bạc, nó giả điên cho khỏi trả nợ.”

“Mầy nói nhỏ nhỏ. Để nó nghe nó càng làm điên thêm.”

“Mầy hỏi nó ăn tiệc với thần núi có gì lạ? Đồ ăn thần có hơn đồ ăn tù không?”

“Chắc tệ hơn, nên nó chịu không nổi mới về đây chớ. Nếu ăn sướng, dại gì mà nó ‘phi ngựa’ chạy về.”

Còn các ông đạo thì tin lắm, khấn vái liền miệng để cho thần linh tha cho Xa.

Ky giục tôi :

“Mầy lại dụ nó, xúi nó đòi các ông đạo cùng cho… giáp bạc.”

*



Sáng hôm sau, nhìn lên chỗ Xa chạy đêm rồi, người ta còn thấy những ngọn cây ngã rạp, cành lá tả tơi, từ trên ngọn núi chạy thẳng xuống một đường đánh dấu một ngàn thiên binh vạn mã vừa trải qua.

*


Trong trại giam… một lít rượu, tụi mình ké với thần chơi…

Xa điên như vậy cả tuần, mà chưa biết điên thiệt hay điên giả để làm đối tượng cho cuộc tranh luận về duy tâm và duy vật.

*


Tôi nhắc lại chuyện nầy không phải để bàn về cuộc tranh biện về duy tâm hay duy vật đã ồn ào ở trại cả tuần lễ. Nhân việc ấy mà phái tinh thần quyền bảo rằng các ông thần mà Xa thấy đó chắc là các ông tướng đã theo phò Nguyễn Phúc Ánh trú tại Côn Đảo…

Trong lịch sử tẩu quốc của chúa Ánh, có hồi bị Tây Sơn đuổi, chạy ra Côn Đảo. Chính chúa Nguyễn đã trú tại làng An Hải nầy. Ngày nay hãy còn nhiều dấu tích…

Nhơn chuyện anh Xa mà cả tuần tôi phải bị nghe nhắc tới chuyện vua Gia Long và các vị đại thần. Nào chuyện kho vàng của chúa Nguyễn chôn một nơi nào trên núi Chúa. Nào chuyện quật mồ của mấy vị đại thần để lấy áo mão đai cân bằng vàng ngọc…

Ky cứ trào phúng mãi. Được một mảnh ché to, Ky đưa cho tôi và nói :

“Cất để dành đi! Di tích ché rượu của Nguyễn Phúc Ánh đấy!”

Câu chuyện nầy, hồi đó đã làm cho tôi mang một mối buồn vô biên. Người xưa cũng gặp năm vận bĩ. Một trăm rưỡi năm trước đây, người đã đến lánh nơi An Hải nầy. Nhưng sau người ta lại lập được một sự nghiệp lớn, còn mình gặp một vận bĩ hơn. Đến An Hải không là ông vua tẩu quốc tự do, mà là thân tù tội.

Nay chép lại chuyện này giữa buổi năm tàn lại càng buồn hơn nữa là tám chín năm đã trải qua rồi, đời sống bây giờ chỉ là việc chạy cơm ngày hai bửa, mà không tròn!

(Ánh Sáng, số Xuân Kỷ Sửu)


Răng đen

Năm ấy tôi đã học xong và sắp sửa mua giấy tàu về xứ.

Anh Ali, người Maroc, đã mấy năm cùng tôi chung một trường, một lớp, mà vẫn không nói chuyện với nhau, nay lại đến gần tôi. Rồi cố dằn sự cảm động của anh, cái cảm động quá dồi dào phải tiết lộ bằng giọng run run, anh Ali, người Maroc nói:

“Trước khi anh về, anh hãy để cho tôi mời anh ăn với tôi một bữa cơm.”

Một bữa cơm yên lặng và nghiêm trang giữa hai chúng tôi, không có mọt việc chung để làm đề cho câu chuyện. Tôi muốn giở một ít câu sáo, về thời tiết, về phong tục của xứ anh hay xứ mình để bán, hầu đánh tan sự im lặng. Nhưng thấy anh Ali nhìn tôi với cặp mắt, vừa đầy yêu đương vừa đầy sợ sệt, và đầy ngạc nhiên, tôi biết nỗi lòng của anh Ali chan chứa lắm, nên tôi đành để cho anh tha hồ mà sống với những tình cảm nồng nàn ấy.

Cơm xong, anh Ali mở lời:

“Tôi không hiểu sao hôm nay tôi có nhiều nghị lực mà ngồi ăn cơm với anh như thế?”

“Việc gì mà khó dữ vậy? Chỉ có ăn cơm mà!”

“Thú thật với anh rằng mấy năm chúng ta ăn học chung với nhau, không biết tại sao, tôi yêu anh lắm, mà không dám gần anh.”

“Sao vậy?”

“Tôi sợ anh lắm.”

“Tôi đã làm gì đến đỗi anh sợ như thế?”

“Thì đây…”

Rồi anh Ali, người Maroc mới kể cho tôi mẩu chuyện nầy.

*


Năm ấy, tôi được tám tuổi. Bên xứ tôi, dọc theo dãy núi Riff liền với đồng sa mạc, tưởng Abd-el-krim khởi loạn, kéo dân đứng lên chống trả lại sự thống trị của thực dân. Người Maroc chúng tôi gan lắm, liều lắm, đánh du kích hay lắm, nên đạo quân của Abd-el-krim luôn luôn được thắng.

Rồi một ngày kia…

Bên đối phương tung ra rất nhiều truyền đơn. Đại ý như thế nầy:

“Quân phiến loạn đừng vì một ít thắng lợi nhỏ mà sinh kiêu căng. Họ phải hiểu rằng lâu nay họ chỉ gặp phải những toán quân nhân từ.

Nay họ phải sớm hiểu mà qui hàng. Bằng không thì phải biết: Họ sẽ gặp phải đạo binh của các ‘Tirailleurs Annamites’ thì coi chừng đa! Những người nầy ăn thịt người, ăn sống, ăn rất nhiều, ăn cho đến đỗi máu đóng răng, khô thành đen đi!”

Ăn thịt người, răng dính máu máu khô làm cho răng đen đi! Những người ấy ai mà không sợ?

Đạo quân Annamites kéo đến đâu, loạn quân vì sợ mà rã trước rồi. Abd-el-krim vì vậy mà cô thế, bị bắt. Cuộc nổi loạn từ ấy bị dẹp.

Và cũng từ ấy, con nít ở xứ tôi có khóc thì chúng liền bị nhát.

“Nín đi! Nín đi! Kẻo Annamites răng đen đến ăn thịt bây giờ!”

*


Ngày nay, anh bạn Ali của tôi ở tận gốc trời kia, dầu bị thực dân doạ nạt thế nào, ắt cũng không sợ nữa. Bởi vì từ ba năm nay, đâu còn người “Annamites”! Từ ba năm nay, chúng ta là người Việt Nam, và người nhà quê Việt Nam cũng bỏ tục nhuộm răng đen… Để cho thực dân không còn tuyên truyền láo nữa.

(Ánh Sáng, số 161, ngày 15-9-1948)


Dưa hấu Đồng Nai

Đây là một bức thơ của một độc giả gởi cho:

Sài Gòn, ngày……..

Kính ông Lân Trinh,

Tôi là một người từ miền Bắc vào. Tôi có đọc hai bài “Răng đen” và “Cá gỗ”. Bài châm biếm tục nhuộm răng và tính hà tiện của một số đồng bào. Cũng tốt! Nhưng sao lại ông ngừng ngang đó mà không thuật một chuyện “Dưa hấu” để giải thích cái danh từ mà người vùng Bắc đã dùng để gọi anh em miền Nam? Hay là ông có óc địa phương, không muốn chế tính xấu của vùng mình?

Chào ông và…

Và đây là bài chúng tôi kính dâng cho vị độc giả có cảm tình tốt đối với “Lân Trinh”.

*


Ngài muốn nghe tôi kể chuyện DƯA HẤU à?

Tôi nào có tài đặt ra những chuyện trào phúng và đủ sức đền đáp lòng chiếu cố của ngài? Hai lần trước tôi chỉ thuật lại những từ của người khác. Nói vậy để “của ai trả cho nấy” bởi vì tôi không ưa cóp văn.

Còn việc ngài bảo tôi có óc địa phương, thì có lẽ ngài nghĩ lầm. Ngài có biết tôi là người gốc ở vùng nào trên đất Việt Nam chăng? Nhưng không sao, ngài muốn, thì tôi xin trả lời nhưng ít ra, ngài cho phép tôi cắt nghĩa cho độc giả miền Nam cái danh từ DƯA HẤU ít thông dụng và có hiểu nó, hoạ là một ít ông đốc, ông thầy thuốc, cựu sinh viên trường cao đẳng. Tôi nói cao đẳng để chỉ cái thời xưa xa lắc kia. Chớ bây giờ người ta gọi là trường đại học.

Thuở ấy, đồng tiền ở Bắc rất đắt giá. Người ta còn xài đồng trinh. Một người ở trọ đi học, mỗi tháng đóng tiền cơm một đồng bạc là sang lắm. Đi xe ta một cuốc thật xa, mà trả hai xu, thì anh phu xe, mình đầy mồ hôi, chìa hai tay rước lấy và cảm ơn lia lịa.

Trong tình cảm ấy, các cậu sinh viên ở miền Nam ra, ăn xài theo cách người Sài Gòn, với số tiền chục tiền trăm của các vị điều chủ Cần Thơ, Bạc Liêu, Rạch Giá gởi ra, thì ông phán, ông ký cũng phải thua. Đã vậy, họ mang theo một mớ tính tình của người Nam, gan dạ, liều lĩnh, có trong bụng cái gì thì nói hết, không sợ ai. Cái giàu có và ngang tàng của họ làm cho nhiều người mến, và một ít trận đánh lộn với người thừa quyền thế làm cho dân chúng khâm phục.

Lẽ tất nhiên hạng người giàu tình cảm là hạng dễ bị chinh phục. Các cô thiếu nữ đẹp ở Hà Thành đều dành trong trái tim một chỗ cho một cậu sinh viên Sài Gòn. Phần đông đủ giáo dục, có thể nén tình cảm bồng bột của mình. Một số ít để cho tiếng nói của trái tim quyết định và dan díu với các cậu xa quê nhà muốn tìm một tâm hồn bạn để an ủi mình. Câu chuyện cũng là câu chuyện thường ở các nơi nào có trường đại học.

Cái phải đến tất nhiên đến. Các cậu học xong, nghỉ việc, lo trở về. Biết đâu ở nhà cha mẹ đã chọn sẵn một chỗ môn đường hộ đối, hay là một vị hôn thê đương chờ từ mấy năm? Còn các cô lãng mạn đã đoạn tuyệt với gia đình để đến sống nơi những cái ổ ấm áp kia cũng chưa hay gì ráo. Có lẽ họ cũng nuôi cái mộng cùng người yêu xuống tàu về Nam. Nhưng đã mấy ai thấy mộng ấy thực hiệ ? Thế là các cô… bây giờ đã già rồi, đành căm giận, mà mắng xéo những chàng bề ngoài coi đẹp đẽ, mà trong lòng cũng xấu như ai. Muốn tượng trưng cái tương phản giữa bề ngoài và bề trong, các cô mượn hình ảnh của cái ngoài xanh trong đỏ, tức là quả dưa hấu mà ám chỉ các bạc tình lang của mình. Rồi danh từ “dưa hấu” từ đó tràn lan, nhưng chỉ trong vòng các tiểu thư đài các ở Hà Nội và các sinh viên miền Nam. Ngoài ra công chúng trong Nam và ngoài Bắc ít ai biết tới…

Danh từ “dưa hấu” cũng như danh từ “cá gỗ” theo cái quan niệm thông thường, thực không có gì là tươi đẹp. Đã trót thuật hai câu chuyện răng đencá gỗ với một luận điệu khác, thì cũng nên theo cái luận điệu ấy mà sơn đẹp lại danh từ dưa hấu bằng câu chuyện như thế này:

Khi ông Nguyễn Huệ kéo binh ra Bắc lần thứ nhất, xô ngã thế lực của chúa Trịnh làm cho vua nhà Lê kinh hồn sợ cái ngai vàng mình sụp luôn, thì Cống Chỉnh dân kế xin đem gả cho Huệ nàng Chúa Tiên là Ngọc Hân công chúa. Huệ bằng lòng cưới. Bởi vì kế hoạch của người trong giai đoạn này đâu có chạm đến ngai vàng của vua?

Ngay đến Cống Chỉnh mà người còn không ý động đến nữa mà! Và chính đó là tài chính trị vô song của vị anh hùng Gò Găng. Mà Huệ cũng biết Ngọc Hân công chúa không phục mình, và việc hôn nhân đây chỉ là việc tùng quyền, hay là dùng mỹ nhân kế để lựa lúc say tình, mê ngủ, mà nàng chúa Tiên sẽ cho mình một mũi dao có tẩm thuốc độc? Con diều bễ Cống Chỉnh đang gấm ghé ngai vàng này đâu phải là tay không mưu mô sâu độc! Thế nên công việc đầu tiên là chinh phục trái tim của nàng công chúa sắc tài có một.

Trái với tục truyền, cho rằng đám cưới long trọng lắm, hôm lễ rước Ngọc Hân công chúa, Nguyễn Huệ ăn mặc theo quê mùa, vải bộ và chỉ có đem đến vỏn vẹn một quả dưa hấu. Vua và triều đình sợ oai vị anh hùng bách chiến bách thắng, không ai dám bắt lỗi, chỉ có Ngọc Hân công chúa, khi động phòng mượn tình thân mật mà hỏi:

“Sao chàng đối với bên phía thiếp như thế?”

“Tôi là người nông dân xuất thân, nương nơi một phong trào nông dân mà lập sự nghiệp. Thế nên ăn mặc vải bộ luôn luôn để chỉ rõ chân tướng của tôi và cái ý muốn luôn luôn đi sát với dân quê.”

“Vì sao chàng nạp lễ bằng một quả dưa hấu?”

“Để tỏ rằng tôi đây như một quả dưa hấu. Tuy bề ngoài có màu xanh của một anh nông dân, màu của ruộng xinh tươi, nhưng trong lòng tôi nuôi chí lớn, phiên đảo vũ trụ, lập một sơn hà mới, và tự ví mình với vua Xích Đế là Lưu Bang đã bại Tần, thắng Sở mà xây dựng nhà Hán chói lọi mấy trăm năm cả một vùng trời… Nàng không thấy sao? Tôi đã lựa ngọn cờ đào làm cờ tranh đấu kia mà! không biết Ngọc Hân công chúa có nuôi ý ám sát Nguyễn Huệ chăng? Nhưng đến sau khi Quang Trung hoàng đế chết, Ngọc Hân có khóc chồng mấy câu :

… Áo vải cờ đào
Cứu dân dựng nước biết bao công trình

Đó, sự tích của dưa hấu là vậy đó.

(Ánh Sáng, số 200, ngày 30-10-1948).


Cọp hú

Năm nay là năm con cọp, mà không nói chuyện cọp hú, thì thấy chừng như có gì thiếu sót. Chẳng khác gì các cô sắm thức ăn Tết, mà quên món “bánh của dân tộc” là bánh tét vậy.

Năm ấy, chúng tôi ở Côn Lôn, mà bị cấm cố, nghĩa là không được món quà gì hết, đến ra sân hưởng không khí cũng không được. Nhưng đã là người Việt Nam, mà gặp dịp Tết mà không ăn Tết, thì nghe đâu như mình đã hoá ra kẻ vong bản. Thế nên trong khám riêng của tôi, vài anh em ăn Tết với nhau… bằng tưởng tượng.

Thay vì quà bánh, chúng tôi có lối riêng, là nhờ một anh kể ra một món ăn trân mỹ nào đó, từ lúc bắt con thịt, làm cách nào, xào nấu làm sao, gia vị cách nào và dọn theo kiểu nào. Nói nghe mà thêm nhểu nước miếng. Hay nhất là chỗ nầy, trong lúc nói, anh hứng quá, thành ra anh kể nhiều món tỉ mỉ, mà thật ra anh chưa từng thấy bao giờ, và có lẽ miệng anh nói, lỗ tai anh nghe cũng rất thú vị như những người khác.

Mà ăn Tết, lại không có một số báo mùa xuân đọc giải trí, thì sao dám gọi là ăn Tết? Chúng tôi ở vào cảnh tù, thiếu thốn mọi bề, thì tấm lòng không khác nào trẻ con nên bốn năm. Nó không có con ngựa cỡi chơi à? Thì có khó gì? Nó cặp một khúc sậy vào giữa hai chân, tay cầm cương, tay quất phía sau, miệng hự hẹ om sòm, thì con ngựa cũng chạy vậy. Và cũng chưa chắc gì người cỡi ngựa thiệt được sung sướng hơn nó cỡi con ngựa tưởng tượng của nó đa, các ông các bà ạ! Còn chúng tôi không có một tập báo mùa xuân với những bài của những ngọn bút có tài, thì chúng tôi xuất bản miệng tờ báo xuân tưởng tượng.

Nếu các món quà bánh có thể không ngon bằng các thứ ăn thiệt, thì độc giả nên tin rằng “tờ báo miệng” của chúng tôi hay lắm. Các bạn đồng nghiệp nếu không bằng lòng lời phê phán của tôi, rất khó mà chứng minh rằng họ có tài hơn bọn tù chúng tôi. Bởi họ viết thì cái nhảm nhí còn đó, mà tờ báo miệng của chúng tôi nghe qua rồi, bay mất chỉ để lại một kỷ niệm đẹp đẽ mà thôi. Và sau đây là bài “Cọp hú” của một anh bạn gốc ở Cà Mau. Độc giả chớ quên rằng vì là báo miệng nên thỉnh thoảng có kẻ xen vô cãi.

*


Mấy anh có biết cọp hú là cái gì không? Nếu không, thì về sau, có mở miệng mà thề, thà thề cái gì còn có cơ tránh được, chớ đừng thề cọp hú nhé!

Hồi xưa có một người nọ tánh hay mèo chuột, nên khi đi ra Huế để thi, thì vợ gọi vào buồng nói thỏ thẻ rằng :

"Tôi nghe đồn các cô gái Huế vừa đẹp vừa đa tình, đến đỗi ca dao có câu:

Học trò ở Quảng ra thi,
Thấy cô gái Huế ra đi không đành.

Nay mình ra Huế, mình thề với tôi đi, thề rằng mình sẽ luôn luôn trung thành với vợ."

Anh chàng nầy vốn biết tánh mình, nên chọn một lời thề, mà chàng cho là ít độc địa hơn hết, để thề cho vợ tin, hầu đi cho mau mà hưởng thú vị của sông Hương với bao nhiêu mỹ nữ gieo những giọng mê hồn trên mặt nước lờ đờ. Thế là anh ta thề:

"Tôi mà không trung thành với mình thì cọp hú."

Trong trí chàng ta tưởng rằng dầu cọp có hú, mình có nghe mà không đến, thì lại có hề hống gì mà sợ? Còn bà vợ gốc người Khánh Hoà, là nơi cọp nhiều có tiếng, nghe lời thề độc địa như vậy, nên vui lòng cho anh ra đi “lập chữ công danh”. Anh ấy cũng lập chữ công danh vậy. Nhưng là chuyện phụ thuộc, còn việc chánh là anh đã để bao nhiêu thì giờ, tiền bạc và tâm trí, để thí nghiệm xem câu ca dao mà vợ vừa nhắc đó có quả như vậy chăng?

Trong mười lăm năm, hai vợ chồng anh ta sống ở các thành thị lớn, nên lời thề kia chưa có dịp ứng nghiệm được…

Nói đến đây một thính giả xen vào cãi:

"Mầy là duy vật, mà tin chuyện dị đoan nữa à?"

Mấy bạn khác chặn lại:

"Để nó nói hết cho mà nghe. Ai biểu mầy phải tin. Nghe cốt là tìm cái thú vị thôi, chớ nó có duy tâm hay duy vật gì trong câu chuyện hoang đường.”

Người nọ yên lặng ngồi, để nghe kể tiếp.

Một hôm kia, bà vợ về Khánh Hoà thăm quê nhà, rủi bị cọp bắt ăn đi, thì bữa sau, ứng mộng liền cho chồng mà nói rằng :

“Hôm kia tôi mới bị cọp bắt ăn, thành cái cô hồn thứ chín mươi tám của con cọp đó. Nếu nó ăn được thêm hai mạng người nữa, thì nó thành con hùm xám, đã dữ dằn, lại hú được. Hồi đó mình có thề láo với tôi rằng khi ra Huế, mình sẽ trung thành với tôi, không thì bị cọp hú. Bấy lâu nay, tôi tưởng là mình giữ lời hứa, nào dè nghe bọn cô hồn ấy nói chuyện, tôi mới hay rằng mình mắc lời thề."

Chàng ta nghe nói như vậy, sợ hãi hỏi:

"Bọn cô hồn ấy nói cái gì?"

"Khi hồn tôi vừa lìa khỏi xác, thì tôi thấy chín mươi bảy cái hồn khác đương nhảy múa reo mừng rằng: ‘Được một nữa rồi, còn thêm hai, thì cọp nầy thành hùm xám, rồi nó sẽ hú thằng cha gạt vợ cho mình coi chơi!’ Tôi nghe lấy làm lạ hỏi chúng nó, thì bọn cô hồn ấy bảo: ‘Lời thề cọp hú độc địa lắm, nên không ai dám mở miệng mà thề: mà rủi có nói lỡ, thì lại rán giữ đừng cho mắc vào. Thành ra từ xưa tới giờ chưa có ai bị cọp hú lần nào cho biết. Lần nầy lại được xem thì thích lắm!’”

Dừng lại một chút, để nhìn chồng với vẻ mặt thương hại, bà vợ nói tiếp :

"Ban đầu tôi giận mình lắm!"

Anh chồng ngạc nhiên hỏi:

"Làm gì mà giận?"

"Tôi giận mình sao có lén tôi mà đi mèo chuột, đến nỗi mắc lời thề. Tôi muốn để mặc kệ cho cọp nó hú mình, tôi coi chơi cho đã hư."

"Chuyện đã mười lăm mười bảy năm mà còn ghen nỗi gì?"

"Mình không biết tánh của đàn bà sao? Chuyện bóng chuyện gió còn ghen được, huống chi là chuyện thiệt, dầu nó cũ mười mấy năm…"

Anh chàng nghe nói buồn dàu dàu, thì vợ nói tiếp:

"Nhưng tôi nghĩ lại. Người không bị cọp hú mà chỉ bị ăn suông, thì về sau còn khỏi cái kiếp bị cọp ăn. Chớ bây giờ mình bị cọp hú một lần rồi, thì sau đời đời kiếp kiếp, mình sẽ làm người bị cọp hú và ăn thịt."

Nghe nói vậy chàng ta hoảng hốt, trách mình sao có quá ham vui mà mắc phải lời thề độc địa như vậy. Vợ lại nói thêm:

"Mà khổ là mỗi lần bị cọp ăn như vậy, nào phải như người thường bị ăn đâu! Cọp nó hú lên, rồi mình làm cái trò gì lạ lùng cho đến đỗi, bao nhiêu cô hồn còn nán lại xem cho thoả con mắt một lần cho biết…”

Nghe thuật chuyện đến đây, một người gọi nhỏ bạn ngồi kế bên nói:

"Mầy cũng hảo ngọt: đó, thấy chưa? Nhớ đừng thề với mấy lời thề cọp hú nghe!"

"Chuyện dị đoan như Liêu trai chí dị, hơi đâu mà tin, mà sợ."

Mấy người kia xì xịt:

"Nín mà nghe có được không?"

Người thuật nói tiếp:

Nhưng mà hồn vợ anh nọ cũng lành, nên lần lần thương hại chồng và nói rằng:

"Bây giờ tôi nghĩ có kế nầy, hoạ may cứu mình được. Việc thứ nhất là hai cha con mình dắt nhau đến Bình Định mà tìm ông Đào Duy Quân. Ông đó là cháu tám đời của ông Đào Duy Hiến, là thầy dạy nghề văn nghiệp võ cho Nguyễn Huệ thuở trước. Ông còn giữ lắm ngón bí truyền của tổ tiên. Hai cha con rán năn nỉ khóc lóc, để nhờ ông truyền chút ít nghề mà giữ mình. Mình già yếu rồi, đi đâu phải dắt con theo, rủi cọp có hú, thì vừa mình đỡ, vừa con chống cự, hoạ may cọp không làm gì được. Còn phần tôi, tôi sẽ chịu khổ, luôn luôn mách trước cho người ta hay; để cho con cọp đã ăn tôi, lại không thể ăn thịt hai mạng nữa. Thế là nó chưa ăn đủ số trăm mạng tức là chưa thành hùm xám, thì nó không thể hú mình được."

Tỉnh giấc dậy, chàng ta nhớ lời vợ dặn, sợ quá. Và gọi con lại mà tính đi học nghề võ. Bởi con va là con gái; nên va giấu việc lời thề nọ, mà chỉ nói rằng vợ về mách rằng có huông cọp ăn nên phải đề phòng. Khi đến Bình Định, tìm phủ Tuy Viễn mà hỏi thăm thì quả có ông già tám mươi tuổi tên là Đào Duy Quân, làm nghề thầy thuốc, chớ không phải là thầy nghề võ. Tìm mãi chẳng có ai khác, mà không lẽ lời vợ ứng mộng lại không linh, anh ta mới dắt con tới ông già, khóc lóc, mà xin cứu mạng. Ông già động lòng hỏi có bịnh gì, thì hắn ta mới kể chuyện có huông cọp ăn, vợ ứng mộng bảo đến cầu học mà giữ mình.

Ông thầy thuốc mới nói thiệt rằng tổ tiên mình đã truyền lắm ngón hay, nhưng căn dặn rằng: "Chớ dạy cho kẻ khác, họ dùng đó mà làm nghề ăn cướp. Cứ giữ ngón bí truyền của nhà, dành đó cho những vị anh hùng nào như Nguyễn Huệ mà dạy tần tình cho, hầu cứu dân giúp nước. Nếu không nghe lời mà truyền cho những kẻ không lương tâm, thì sẽ bị cọp hú." Hắn ta nghe nói khóc lóc năn nỉ rằng:

"Tôi học đây, chỉ để giữ mình thôi. Nếu hai cha con tôi không giữ bí truyền của thầy, thì sẽ bị cọp hú nữa!"

Ông già thấy thề độc địa như vậy, nên cũng dạy cho tất nhiên không hết nghề của mình, nhưng đủ sức một mình đánh nổi ba con cọp vậy.

Mọi việc tưởng đã êm rồi, không dè đêm nọ hắn ta chiêm bao, thấy vợ về nữa, mà chuyến nấy có vẽ lo sợ, buồn thảm lắm. Hắn ta hỏi, thì bà vợ đáp:

"Lâu nay, tôi lén bọn cô hồn mà đi báo trước cho người ta hay cọp đến để trốn. Không dè, sau bọn cô hồn chia nhau mà canh tôi, giữ tôi lại không cho làm như vậy nữa. Thành ra con cọp đã ăn được thêm hai mạng người. Nó đã thành hùm xám rồi. Chín mươi chín cô hồn kia giục nó bỏ rừng Khánh Hoà, mà đi tìm mình, để hú mình cho chúng nó xem chơi. Chúng nó lại biết rằng hai cha con mình học võ giỏi lắm, nên cứ bảo nhau: ‘Chuyến nầy vừa coi được một trận đấu võ tuyệt trần lại thêm được một cuộc cọp hú nữa!’ Tôi lo quá, lén đến trước cho mình hay. Không thể nào trốn được việc cọp hú đâu, dầu là mình giỏi nghề võ. Trốn đi thì hơn."

Giựt mình dậy, chàng ta đổ mồ hôi hột. Trốn đâu bây giờ? Từ Khánh Hoà thẳng tới bên Tàu, rừng núi liên tiếp, thì ở đâu con hùm xám cũng tới được. Nếu bây giờ xin đổi qua miền Hậu Giang, thì hoạ may nhờ sông Cửu Long rộng ba bốn ngàn thước nó ngăn cách, hùm xám đến không được chăng. Nghĩ vậy chàng ta xin phép đổi, và được đi Cà Mau; không dám đi đường bộ, chàng ta đi tàu vào Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn đi tàu thẳng tới sở.

Hắn ta làm sở dây thép, ở tại sở chật hẹp. Vậy mà đứa con năm nay mười chín tuổi rồi, hắn chỉ bằng lòng gả ở mà thôi. Cô ấy không đến đỗi đẹp lắm, mà hắn ta không giàu gì, thì có cậu nào đến đỗi bằng lòng ở rể nơi nhà cửa chật hẹp của sở đâu! Hắn thấy cũng tội nghiệp con, nhưng an ủi rằng:

"Thôi con rán giữ giùm cho cha đến già, chết cái chết tốt một chút."

Một hôm hai cha con có việc đi Khánh An, thì trên đường vắng, nghe mùi tanh tanh ở đâu đưa lại. Cọp rồi! Bỗng nghe tiếng người ta nói ồn ào, như giữa chợ, nhưng chẳng có ai hết. Mà từ trong bụi, nhảy ra một con cọp to như con bò, lông lá xám hết. Hắn ta sợ hết hồn la lên:

"Hùm xám!"

Con cọp hự một cái, gật đầu, rồi bỏ bộ ngồi xuống, chậm rãi liếm râu, nhích mép như là cười mỉm chi, chứ không nhảy tới vồ.

Đứa con gái lật đật kéo vạt áo dài mà quấn chung quanh lưng, nhét mối cẩn thận cho gọn để giữ chừng, rồi nói:

"Cha tháo lui để cho con cản nó.”

Hắn ta nghe lời lùi lần. Cọp thấy vậy nhảy phóng tới, đưa móng để chụp. Thì cô gái lẹ chân đá ngang hông cọp. Con cọp té nhào một bên không chụp được. Cọp vừa đau, vừa tức mình, con mắt đỏ như lửa, hự hẹ om sòm. Còn đàng kia hắn ta co giò chạy như bay, có mấy phút đã xa lắc. Bỗng từ đâu không biết, tiếng người ta nổi lên ồn ào, mà chẳng thấy một tâm dạng ai. Thì con hùm xám hình như nghe, cười hắt hắt lên, ngồi lại đàng hoàng, cất tiếng hú to nghe rùng mình. Chàng kia chạy đã xa rồi nghe tiếng hú, quay đầu lại cất tiếng cười dòn dã, rồi trở lại, bộ mặt hân hoan lắm. Đứa con gái hỏi:

“Sao cha không chạy cho xa, còn lại đây làm chi nữa?”

Hắn ta không đáp lại, cười khanh khách, chạy nhào đến chỗ cọp ngồi. Đứa con hoảng hồn, nhảy tới vận quyền mà thoi vào mặt cọp, để nó hoảng chạy đi mà đừng có thì giờ bắt cha nàng, thế là cọp và nàng ấy đấu nhau. Cọp đấu không lại, nhảy ra vòng ngoài. Thì nàng ấy lại kéo cha đi. Nhưng anh ta vừa lách vừa cười, cứ nhằm con cọp mà xốc tới. Nàng ấy cản lại không được, nên cứ phải rượt theo đánh đuổi con cọp. Cọp thua chạy, thì hắn ta cũng chạy theo, bộ tịch mừng rỡ lắm. Đứa con không biết làm sao.

Có người xen vào hỏi:

“Tại sao cô ấy không bắt cọp quách đi cho rồi?”

Bộ cọp dễ bắt lắm sao chớ? Bởi vậy cứ giằng co như vậy mãi. Bỗng đâu tiếng ồn ào nổi lên nữa. Cọp liền hú nữa, thì hắn ta gật đầu, đắc chí lắm, dùng miếng lưỡng long quá hải mà thoi ngay vào mặt con gái mình hai quả đấm một lượt. Đứa con lật đật đỡ rồi chạy, không dám đánh lại cha. Bây giờ mới khổ cho cô ta. Vừa con hùm xám, vừa cha nàng xông đến mà cự với nàng. Đối với con hùm xám nàng thoi đá tưng bừng mà đối với cha, nàng chỉ có nước tránh đòn mà thôi. Lẽ tất nhiên nàng phải thua, nhảy ra ngoài mà thở. Thì cọp hú một tiếng nữa. Hắn ta ríu ríu nhảy vào lòng cọp, để cho cọp móc họng.

Cứu cha không kịp, người con gái chỉ còn lại một nước là đánh đuổi con cọp để giành cái xác đem về. Nhưng lạ thay, con cọp cứ lẽo đẽo theo chực cướp lại. Và tuy hắn ta đã chết, song mỗi lần cọp hú, thì cười sặc sặc và có ý trì lại, không để cho con kéo đi.

Rê một cái xác khó nết như vậy, mà còn phải cự với con hùm xám to tướng kia, thì cô ta xem chừng không kham. Nên cô ta cố sức đánh lui con cọp, rồi bứt dây rừng cột thúc kẻ ông già lại, treo tòn ten trên cây cao, khỏi mặt đất mấy chục thước cho cọp nhảy không tới. Rồi cô về xóm, gọi người lực lưỡng, hèo gậy đàng hoàng thật đông, để cự với cọp và đem xác cha về. Khi ra đến nơi, ai cũng lấy làm lạ mà thấy rằng dưới nầy, cọp đi qua đi lại, nhìn lên mà hú, thì ở trên lão ấy nhào qua lộn lại giữa không trung cười dòn dã, như muốn cỡi dây xuống giỡn với cọp mà không được…

Khi đuổi con hùm xám đi rồi, ai nấy giúp sức đem cái xác kia về chôn cất tử tế. Thì tối lại nghe mùi hôi tanh của cọp và tiếng hú rùng rợn, tiếng cười dòn dã, tiếng reo hò như của hàng trăm người hoan nghinh một việc gì. Nhưng đêm tối chẳng ai dám ra. Riêng cô con gái nghi là hùm xám đến quật mồ của cha mình để ăn xác, nên đánh liều gọi người ta đốt đuốc sáng giúp cho. Và cô xông ra một mình. Nhưng trễ quá, cọp đã ăn hết thịt và đương gặm bộ xương. Cô xông tới đánh cọp, cọp thua chạy đi. Cô cướp được bộ xương đem vào.

Hàng xóm sáng đến xem, thì không có dấu cọp moi. Hùm xám chỉ hú một cái, là hắn ta tung mồ lên nạp mạng. Có mấy ông già biết chuyện mới dạy:

“Cha cô hồi trước chắc có thề cọp hú, mà không giữ, nên mới bị như vậy. Và có đầu thai mấy ngàn đời thì vẫn bị cọp hú. Tội nghiệp thì thôi! Tốt hơn là đừng cho ông ấy đầu thai nữa. Chớ đi đầu thai, mà mỗi lần đều bị cọp ăn như vậy thì thảm biết chừng nào!”

Cô nọ mới hỏi:

“Làm sao đừng cho hồn cha tôi đi đầu thai được?”

Ông già đáp:

“Bây giờ cô thiêu hết bộ xương nầy đựng vào cái lọ nhỏ, đem vào chùa nào có hoà thượng giỏi, dùng phép ngũ hành của Phật mà nhốt hồn lại. Tài biến hoá như Tôn Hành Giả mà thoát ra còn không được kia!”

Cô ta nghe lời làm y theo.

Từ ấy trong rừng có tiếng cọp hú, thì trong bình có tiếng cười dòn dã rồi cái bình lúc lắc như muốn đi. Ông hoà thượng phải lật đật tụng một phi kinh Kim Cang, mới êm được.

Đó chuyện cọp hú vậy đó!

Thuật xong thì anh chàng khi nãy nói:

"Chuyện dị đoan mà, làm gì có!"

Người kể chuyện đáp:

"Nếu hiểu nghĩa đen, thì hẳn là không có. Nhưng nếu xem câu chuyện vừa kể đây là một bài văn tượng trưng thì trong đời thiếu chi kẻ bị cọp hú ríu ríu vâng lời kẻ thù nghịch mà thù nghịch lại dòng họ mình… Những kẻ nông nổi, những kẻ không biết văn chương là cái quái gì, mới dám nói tôi nói chuyện dị đoan…"

(Sài Gòn Mới, số xuân Canh Dần)



[1]Bạn nào còn giữ Quả trứng thần, xin cho tác giả mượn (nguyên chú của Hồ Hữu Tường).
Nguồn: Hồ Hữu Tường, Kể chuyện, Huệ Minh xuất bản năm 1965. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.