trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
14.7.2008
Hữu Loan
Phê bình “Thơ chiến sĩ” của Hồ Khải Đại
 
1956 là một năm bản lề đối với toàn bộ khối XHCN trước đây. Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô cuối tháng Hai 1956 với “Báo cáo mật” của Nikita Khrushchev về những tội trạng của Stalin mở ra một giai đoạn “tan băng” ngắn ngủi nhưng cũng đủ để dẫn đến những biến động quan trọng trong các nước XHCN. Tháng Tám 1956, Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức một lớp học 18 ngày về đường lối cải cách chống tệ sùng bái cá nhân tại Liên Xô. Trong chừng mực nào có thể xếp phong trào Nhân văn-Giai phẩm tại Việt Nam vào bối cảnh quốc tế do sự kiện nói trên mở ra, đó là đề tài còn cần được nghiên cứu. Trong loạt tư liệu do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số bài đăng trên báo Văn nghệ trong khoảng thời gian từ tháng Tám 1956 đến đầu năm 1957, với thư kí toà soạn là Nguyễn Đình Thi. Đây cũng là giai đoạn mà các số Giai phẩm và 5 số Nhân văn ra đời. Số Giai phẩm mùa Xuân đầu năm 1956 bị tịch thu cũng được in lại trong thời gian này.
talawas
Lâu nay, khi đánh giá một tập thơ người ta chỉ thiên về nội dung, − nội dung hiểu theo nghĩa đề tài. Người ta cho rằng tập thơ này hay tập thơ kia hay là vì trong đó đã ca tụng cách mạng, ca tụng Tổ quốc, ca tụng các lãnh tụ, đã nói đến người nông dân, người công nhân, người bộ đội… đã nói đến những phong trào lớn, đến những chính sách lớn như chính sách đại đoàn kết, chính sách thuế nông nghiệp, chính sách CCRĐ, v.v… Và tập thơ nào bỏ sót không nói đủ ngần ấy mục là một tập thơ còn có khuyết điểm. Nói thế cũng là đúng vì nội dung tư tưởng của một tập thơ là một vấn đề căn bản để đánh giá nó và những nhân vật và những phong trào nói trên đều là những đề tài lớn của thời đại, những đề tài có thể cho ta những xúc cảm lớn, những xúc cảm mãnh liệt đang lôi cuốn cả một dân tộc đứng lên làm nhiệm vụ lịch sử, đang tạm thời lấn át các tình cảm khác trở thành thứ yếu. Nhưng nếu chỉ kiểm điểm những đề tài đó trong một tập thơ và bằng vào đó để đánh giá tập thơ ấy thì ta có thể nói rằng trong kháng chiến tất cả mọi tập thơ đều hay vì nội dung đều giống nhau hết, đều ca tụng Tổ quốc, ca tụng lãnh tụ, ca tụng chính sách… Vả lại nếu làm khác đi thì cũng không ai để cho nó sống, không ai để cho nó được in ra, được phổ biến trong nhân dân…

Nếu đánh giá một tập thơ theo quan niệm nói trên, thuần túy về đề tài thì tập Thơ chiến sĩ của Hồ Khải Đại cũng là một tập thơ hay và được giải thưởng cũng đáng vì trong 14 bài thơ Hồ Khải Đại cũng đã nói gần đầy đủ đến mọi việc lớn trong kháng chiến; nói về cải cách ruộng đất như những bài “Nhờ chính sách cải cách ruộng đất”, “Bắt được thư em”, “Nước về”; nói đến Nam Bắc như “Bà mẹ thành Hồ”, “Nước về”; đến tình người mẹ yêu nước như trong bài “Con vô bộ đội”; đến tình người vợ biết đặt nhiệm vụ lên trên tình riêng như trong bài “Tình thực”, “Bắt được thư em”; đến Đảng, đến Bác… Đã đành trong tác phẩm văn nghệ cần chú trọng đến nội dung tư tưởng, nhưng cái phần không có thể không có được, cái phần mang được bản sắc riêng biệt của một tác phẩm văn nghệ, đó là phần nghệ thuật của tác phẩm. Người ta chỉ chú ý đến viết cho ai, viết về ai mà coi nhẹ hẳn, hầu như quên hẳn việc viết như thế nào? Nếu cái phần nghệ thuật, cái phần viết như thế nào này thiếu thì tác phẩm không thành tác phẩm nghệ thuật nữa mà có thể chỉ là một tập chép lại chính sách, hay là chính sách diễn ca (nếu là thơ) hoặc là một tập tin tức của đài phát thanh. Cũng làm nhiệm vụ như báo như đài phát thanh, như những tài liệu chính trị, là tuyên truyền cho chính sách, nhưng cái sở trường của tác phẩm văn nghệ là đánh về mặt nghệ thuật, dùng nghệ thuật để đi sâu vào tình cảm, người đọc không thấy chán nản vì sự việc khô khan, vì cái chặt chẽ, cái hệ thống hóa phát nhức đầu của lý luận. Người đọc bị lôi cuốn mà không biết. Ta chưa đòi hỏi được một độ nghệ thuật quá cao như thế ở tập Thơ chiến sĩ, nhưng thật ra ở tập này giá trị về nghệ thuật hầu như không có. Từ những vấn đề nhỏ như dùng danh từ văn phạm cho đến những vấn đề lớn khác trong tập Thơ chiến sĩ theo tôi đều có thiếu sót và cần phân tích kỹ đến, nhưng ở đây tôi chỉ muốn nêu lên mấy điểm mà tôi cho là rõ nhất: Sự việc trong từng bài thơ, con người và chính sách.

Sự việc trong thơ cũng là những sự việc đặc biệt. Nó phải diễn ra bằng những hình ảnh, bằng những xúc động mạnh mẽ. Thiếu những khía cạnh này thì sự việc của thơ cũng không khác gì những sự việc thường. Vì vậy cho nên không phải bất cứ sự việc nào cũng mang vào thơ được, cũng như không phải bất cứ sự việc nào cũng mang vào kịch được. Cái gì sáo, bằng phẳng, nói lên không ai để ý đến vì nó xảy ra trong những trường hợp tẻ ngắt thì không thể nào là thơ là kịch được. Cũng là việc ra tòng quân, việc nhận được thư nhà nhưng không phải là xảy ra ở trường hợp nào, ở tâm trạng một người nào đó mà đã thành thơ được. Người ta hay nói đến trường hợp điển hình sự việc điển hình là ý như thế. Trong thơ Hồ Khải Đại, tôi không muốn nói đến những khía cạnh đặc biệt những tính chất khá cao nói trên của sự việc (vì thật ra nó không có). Tôi chỉ nói đến cái tính chất đơn giản nhất, thô sơ nhất của sự việc là những sự việc trong từng bài thơ có thật hay không, có xuôi tai hợp lý hay không? Theo tôi thì những sự việc của thơ Hồ Khải Đại đều là những sự việc chắp vá không đúng với thực tế. Không ai cấm nhà thơ không được sửa chữa, gọt rũa thêm bớt sự thật nhưng công việc đó Hồ Khải Đại đã làm quá vội vàng. Người ta có cảm giác là Hồ Khải Đại gặp đâu làm đấy, gặp giai đoạn nào làm thơ ngay được giai đoạn đó. Để hưởng ứng phong trào tòng quân thì có bài "Con vào bộ đội"; để tỏ ra là người bộ đội chiến đấu không khô khan cũng biết yêu đương tình tứ chung thủy thì có những bài thơ nói về vợ (“Xa em”, “Bắt được thư em”, “Tình thực”); muốn cho thơ có mầu sắc công nhân thì có ngay bài gửi đồng chí lái xe (“Xe đi”). Đây tôi chưa có ý kiến gì về phục vụ giai đoạn, nhưng dù có cấp bách mấy đi nữa, có cần thiết phục vụ mấy đi nữa mà phải gò ép sự việc (chưa nói là gò ép tình cảm) cũng không nên. Như trong bài "Tình thực" bên dưới ngoặc thêm “Thư nhà”. Lúc mới đọc bài ấy mà cả nửa phần bài cũng thế, người ta thấy đó là thư anh bộ đội gửi về:

"Em đang ngồi dệt cửi
Thoang thoáng đến bên tai
Thư anh về, bữa nay
Tin bay vào cửa sổ…"

Như thế mà đến nửa sau bài thì lại lộn trật ra là thư chị vợ sắp hỏi gửi cho anh bộ đội định hỏi mình:

"Em vẫn mong ngày mai
Tuổi mười chín, đôi mươi
Trong lòng ta trở lại
Bút ngượng ngùng viết vội
Tình thực của tấm lòng
Tái bút câu cuối cùng
Chúc anh chăm học tập…"

Cuối thư lại còn ký: “Em Hải gửi anh Hòa…"

Những trường hợp như thế ở bài thơ nào của Hồ Khải Đại cũng đều có. Nhà thơ không biết giới hạn mình trong sự việc, tiện đâu đi đấy. Từ việc mẹ tiễn đưa con đi bộ đội, chạy sang chuyện cải cách ruộng đất, từ chuyện bà mẹ nuôi tiễn con đi đến chuyện trở về Nam…

Khuyết điểm về sự việc này kể cũng là một khuyết điểm khá phổ biến trong kháng chiến. Sở dĩ có như vậy là vì trong kháng chiến việc đưa thơ làm xong cho anh em phê bình rồi thêm thắt mãi vào theo ý muốn của từng người cho nên mới xảy ra tình trạng chắp vá như vậy. Xem xong một bài thơ, người thì bảo còn thiếu chính sách đối với phú nông, người thì bảo phải thêm miền Nam vào, thêm Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc vào, người thì bảo còn thiếu nông dân, thiếu công nhân; người thì bảo còn khô quá, cho thêm bà mẹ vào chưa đủ, phải có bóng người con gái kia. Ác một cái là những người có ý kiến như thế lại toàn là cán bộ cấp trên nắm chính sách thuộc đầy đủ, tác giả không cho vào cũng không được. Nhưng cái nguyên nhân chính mà người sáng tác phải nhận lấy là do mình thiếu cá tính, thiếu tinh thần trách nhiệm. Nếu xét thấy mình là đúng thì nhất định phải tranh đấu cho nghệ thuật. Phải nhớ rằng mình phải học quần chúng nhưng trái lại mình còn có trách nhiệm giáo dục quần chúng, nâng cao trình độ hiểu biết về văn nghệ của quần chúng….

Sự việc đã giả tạo, chắp vá, con người trong thơ Hồ Khải Đại là những con người mang tình cảm giả tạo, gò ép. Trong thơ Hồ Khải Đại có nhiều con người. Những người nổi nhất là bản thân tác giả, người con gái định hỏi, vài bà mẹ, anh lái xe…

Trước hết tôi nói đến con người tác giả. Đứng trước những trường hợp lớn, những tình cảm lớn: khi tác giả vào bộ đội, bà mẹ tiễn đưa ta thấy tác giả không có một xúc động gì, tinh thần lên cao quá, tác giả đã ra ngoài thường tình, thành siêu nhân quá xa chúng ta.

Đối với vợ cũng thế, khi đi cũng như khi viết thư về người ta thấy tâm trạng anh thẳng một đường như tầu mực, không chút gì thắc mắc:

"Ngày về thực có xa
Giặc đã bỏ đất là
Tuổi xuân ta có già
Bảo nhau rằng: chả kể!
- Vì Cách mạng hy sinh!

Trừ những lúc nào khách quan thờ ơ, tác giả cũng có khi sôi nổi, nhưng diễn tả không có khía cạnh gì riêng biệt của từng hoàn cảnh, từng cá nhân, mà chỉ chung chung rất tự nhiên như bất cứ một người nào:

"Những thằng địa chủ làng tôi
Nông dân đấu gục, gục rồi sướng chưa!"
"Đứa nào mà còn mơ
Cướp đoạt cả tuổi thơ
Ta vạch mặt chúng ra
Ta chặn tay chúng lại
Để em ta vui ca
Thôi buông tay anh ra
Cho anh đi công tác:

Con người tác giả lại còn có những ý nghĩ thật là không ai ngờ đến khi tự nhiên tác giả bảo em bé nói trêu:

Này! Cho chiếc kẹo lạc…

Có thể có những cảm xúc như thế nhưng nếu có thì cũng là cảm xúc gây buồn cười hơn là gây tứ thơ.
Người con gái định xây dựng với tác giả cũng thế. Thật là một người giác ngộ "quá cao", trả lời cho người yêu cũng thao thao tinh thần không kém gì người yêu:

Đồng ý câu anh nói:
Chưa thống nhất nước nhà
Thì hạnh phúc đôi ta…
Nhớ anh đi hôm nớ
Anh cũng đã dặn dò:…
Việc nước anh chăm lo
Việc làng em sốt sắng
Càng vui càng cố gắng
Canh cửi rồi chăm đồng
Lo đóng góp thuế nông…

Những nhân vật khác cũng tương tự như thế. Có người cho rằng những lớp người mới ít bị ảnh hưởng phong kiến đế quốc, ảnh hưởng nô lệ nên họ "tinh thần" một cách dễ dàng như kiểu nhân vật Sản trong Xung kích của Nguyễn Đình Thi hoặc nhân vật Đinh Núp. Quan niệm như thế thật là quá đơn giản. Cách mạng chỉ làm cho con người phong phú thêm và có tinh thần không phải là trở thành những người gỗ, người máy làm cho người đọc khó chịu. Những nhân vật trong thơ Hồ Khải Đại làm tôi nhớ đến những nhân vật có thật trong kháng chiến, những thứ người công thức hiện thân. Trong thâm tâm họ thì họ sống với những ham muốn giông bão nhưng bề ngoài thì vuông vắn, chán ngắt như một cái vỏ thùng sắt rỉ. Ở ngoài đời con người không thật, đã là khó chịu, trong văn nghệ những con người không thực còn mất cảm tình hơn nhiều.

Nói về thể hiện chính sách trong thơ thì thật ra bài nào không có nhiệm vụ thể hiện chính sách. Nhưng thể hiện không phải chính sách có thế nào thì cứ chép nguyên văn như thế và ở bài thơ nào cũng nhắc lại chính sách như nhau. Trái lại thể hiện chính sách là phải biến chính sách thành tình cảm, phải thể hiện tình cảm vô cùng phong phú của nhân dân đối với chính sách. Trong thơ của Hồ Khải Đại sự phản ảnh về chính sách còn nguyên chất quá. Trong 14 bài thơ mà đến mười bài trong đó có nói đến Đảng đến Bác. Một nhà thơ, dùng đúng phương tiện của mình để ca ngợi Đảng ca ngợi Bác thì không cần phải nhắc đến Đảng đến Bác nhiều lần mà người ta vẫn cảm thấy sâu sắc. Văn nghệ là lĩnh vực mà sự giải thích thuyết minh là một điều kỵ nhất. Phải giải thích ở một bài cũng là việc bất lực, nhưng ở đây lại phải nhắc đi nhắc lại ở nhiều bài. Như thế thì chỉ cần đọc một bài cũng đủ:

"Nhờ ơn Đảng với cụ Hồ
Lúa năm này tốt, bông ngô vàng rồi"

(“Con vô bộ đội”)

Nhờ ơn Đảng với bác Hồ
Mang bao nguồn sống về cho gia đình
Tôi đi mỗi bước chập chùng
Giẫm bao thằng giặc, Đảng mong, Bác chờ
… Quyết đi theo Đảng vững đà đấu tranh

(“Nhờ chính sách C.C.R.Đ.”)

Đọc thư thấy Đảng hiện hình
Nhớ quê, nhớ Bác, lúc mình xa xôi
… Đảng nay đem lại cho phần sướng vui

(“Bắt được thư em”)

Nhắc con nhìn lá cờ bay
Theo lời Bác gọi, càng say giết thù

(“Bà mẹ Thành Hồ”)

… Theo Bác Hồ kêu gọi
Được Đảng dạy ân cần…
Yêu Bác Hồ, yêu Đảng…
… Của Bác Hồ, của Đảng
… Nhưng được Đảng dìu dắt

(“Lớn lên”)
v.v…

Từ đầu bài tôi toàn nói đến khuyết điểm, như thế không phải là không có ưu điểm. Thí dụ trong bài "Lớn lên" tác giả có một tứ thơ rất đẹp, rất hùng tráng, là thấy mình cùng với những người con dân tộc khác đang lớn lên qua từng giai đoạn của Cách mạng:

Giờ đây không thể nói
Hết cái lớn mênh mông
Của quân dân anh hùng…
… Đêm qua thức gần sáng
Hồi tưởng mình lớn lên…

Tứ thì đẹp nhưng diễn tả còn mỏng quá, chưa đưa lên được những xúc cảm thật sâu sắc. Nhưng những ưu điểm còn thưa thớt quá, chưa đủ để đánh dấu cá tính của một tác giả, và chưa đủ để tặng giải văn học.

Về giải thơ thì quần chúng dị nghị nhất là về tập Ngôi sao của Xuân Diệu rồi đến tập Thơ chiến sĩ là tập gây lên nhiều thắc mắc bực nhì. Có người phản ảnh lại rằng chính tác giả tậpThơ chiến sĩ cũng lấy làm lạ lùng và lo lắng thấy tác phẩm mình xấp xỉ sắp được bằng tác phẩm Ngôi sao của nhà thơ đã từng nổi tiếng Xuân Diệu.

Thật ra thì tập Thơ chiến sĩ có phần giá trị của nó nhưng đứng về giải thưởng thì chưa xứng đáng được giải.

Đưa nó vào giải thưởng ban chấm giải của Hội Văn nghệ Việt Nam đã phạm những khuyết điểm sau đây:
  1. Làm cho tác giả chủ quan cho tài nghệ mình đã đạt không cần trau dồi thêm và chủ quan thì không thể nào tiến bộ được mà chỉ đứng chừng lại hoặc càng ngày càng tụt.
  2. Làm hại cho phong trào thơ văn vì một tác phẩm được giải thì quần chúng sẽ coi đó là khuôn vàng trước ngực để noi theo trong khi sáng tác. Nhưng nói chung thì quần chúng hoang mang nhiều hơn, ngơ ngác không hiểu thế nào là đáng tin, thế nào là đáng nghi.
  3. Ban chấm giải đã khinh quần chúng. Thiếu trách nhiệm trước quần chúng, trước văn học. Nắm toàn quyền định đoạt giải thưởng, ban chấm giải cho rằng mình muốn làm thế nào cũng được, muốn làm thế nào quần chúng cũng phải chịu…
Những giải thưởng như thế ban chấm giải cần nên xét lại. Đó là tôi phản ảnh dư luận rất xôn xao của quần chúng và cũng là ý kiến riêng của tôi.
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hà Ná»™i, s. 142 (11.10.1956), tr. 3. Lại Nguyên Ân biên soạn.