trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
29.7.2008
Vũ Quốc Thúc
Nhận định về hai cuộc vận động ngoại giao của chính quyền Hà Nội
 
Từ cuối tháng 5/2008 tới hạ tuần tháng 6/2008, chính quyền Hà Nội đã mở hai cuộc vận động ngoại giao cấp cao ở Trung Quốc và Hoa Kỳ. Hai cuộc vận động này xẩy ra liên tiếp chỉ mấy tuần lễ trước kỳ họp thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá X của Đảng Cộng sản Việt Nam, rõ ràng là để chuẩn bị những nghị quyết sẽ được đưa ra bàn luận và chấp thuận trong kỳ họp của cơ quan có quyền quyết định tối hậu dưới thể chế chính trị hiện hành. Điều này cho ta ý thức được tầm quan trọng của các biến cố ấy: Phải chăng nước ta đang đứng trước một khúc quanh lịch sử?

*


Để tìm hiểu tại sao nhà cầm quyền Hà Nội phải thực hiện "gấp rút" hai cuộc vận động ngoại giao vừa kể, ta cần nhớ rằng từ đầu năm nay (2008) Việt Nam được bầu làm hội viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với nhiệm kỳ 2 năm. Ở vị trí này, nước ta dễ tranh thủ được cảm tình của các nước trong Liên Hiệp Quốc, do đó có hoàn cảnh thuận lợi để giải quyết những vụ tranh chấp quốc tế còn tồn đọng, ngõ hầu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình: Trong số những tranh chấp ấy có việc xác định chủ quyền của ta trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đối phương chính là Trung Quốc: cường quốc khổng lồ ở phương Bắc đã ỷ thế mạnh, cưỡng chiếm các quần đảo này. Hiển nhiên, chính quyền Hà Nội hy vọng có thể viện dẫn tình liên đới cộng sản để yêu cầu Trung Quốc xét lại lập trường. Phái đoàn được gửi đi Bắc Kinh do đích thân Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cầm đầu, gồm hầu hết các đảng viên cao cấp đang chủ trì các ban trong bộ máy Đảng. Phó trưởng đoàn Phạm Gia Khiêm vừa là uỷ viên Bộ Chính trị, vừa là đệ nhất Phó Thủ tướng chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Phía Trung Quốc, những nhân vật được ủy nhiệm thương thuyết với phái đoàn Việt Nam chỉ là những đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản: Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng như Bộ trưởng Ngoại giao công khai vắng mặt. Còn Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thì chỉ dự buổi tiếp tân, theo đúng nghi lễ mà thôi. Qua cách xử sự này, ta thấy nhà cầm quyền Bắc Kinh phân biệt rõ ràng hai tư cách Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc.

Do đó, các vấn đề lãnh thổ như Hoàng Sa, Trường Sa… phải dành lại cho chính phủ hai nước điều đình với nhau trong khuôn khổ công pháp và tục lệ quốc tế. Để tránh sự đổ vỡ trong quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Hoa, bản thông cáo chung đề ngày 1/6/2008 nhắc lại khẩu hiệu 16 chữ đã được hai bên long trọng chấp nhận làm cơ sở giao hữu: "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng về tương lai". Một điều đáng để ý là ngay trong phần nhập đề, bản thông cáo chung đã gián tiếp xác định một nguyên tắc rất quan trọng: Đó là mỗi bên, Trung Quốc cũng như Việt Nam, có quyền tùy theo hoàn cảnh đặc thù của nước mình chọn một đường lối riêng để tiến tới đích chung là thực hiện một xã hội xã hội chủ nghĩa. Nói rõ hơn là Việt Nam không bó buộc phải theo đúng kiểu mẫu cũng như các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc (miễn là không chống Trung Quốc). Nếu theo đúng nguyên tắc này, quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc rồi đây có thể giống như một tiền lệ lịch sử là quan hệ giữa Nam Tư cũ (Yougoslavie) với Liên Xô cũ. Không những Nam Tư theo thể chế tự quản mà lại còn công khai đứng trong hàng ngũ các quốc gia không liên kết (nghĩa là đứng trung lập trong cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô).

Cuộc vận động ngoại giao ở Bắc Kinh đã mang lại cho chính quyền Hà Nội một bài học, đó là: các nhà lãnh đạo Trung Quốc dù theo ý thức hệ cộng sản vẫn đặt những quyền lợi cụ thể của nước họ lên trên hết.

*


Chỉ mấy ngày sau khi phái đoàn Nông Đức Mạnh trở về nước, một phái đoàn chính phủ Việt Nam do đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu đã lên đường sang Hoa Kỳ, cùng đi có Phạm Gia Khiêm, người đã tham dự cuộc vận động ngoại giao ở Bắc Kinh. Dựa trên điều này, ta có quyền tin rằng cả hai nhân vật, Nguyễn Tấn Dũng và Phạm Gia Khiêm, đều biết rõ cần và có thể đi xa tới mức nào trong sự hợp tác với Hoa Kỳ.

Các quan sát viên vô tư không khỏi thắc mắc: Tổng thống Hoa Kỳ G .W. Bush sắp hết nhiệm kỳ. Người kế vị có thể là John McCain (thuộc Đảng Cộng hoà) hay Barak Obama (thuộc Đảng Dân chủ). Dù sáng kiến cuộc gặp gỡ Mỹ - Việt này do phía nào chăng nữa, ta vẫn phải tìm hiểu tại sao người ta không đợi tới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ? Phải có một nguyên nhân nào đó đã khiến cho cuộc gặp gỡ trở nên khẩn trương. Tất nhiên nguyên nhân này liên can tới cả hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam. Tôi chợt nhớ lại câu nói của cổ nhân: "cứu binh như cứu hỏa" và dưới nhỡn quan đó, duyệt lại một số sự việc liên can tới thế quân bình quân sự hiện thời tại Biển Đông (Mer de Chine).

Trước hết về phần Việt Nam, việc nổi bật dĩ nhiên là vụ Trung Quốc coi quần đảo Trường Sa như là đất của họ rồi. Ngoài việc phái nhiều ngàn quân tới nơi này để xây dựng doanh trại và một phi đạo Trung Quốc không giấu dự định sáp nhập các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và một quần đảo nữa thành một đơn vị hành chính là huyện Tam Sa, trực thuộc tỉnh Hải Nam. Mặc dù Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo phản đối và phía Trung Hoa cải chính tin đồn này, người ta vẫn nghi ngờ: Biết đâu cả hai phe Bắc Kinh và Hà Nội đã chẳng tương kế tựu kế để Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự trong vùng bể này? Những sự phản đối bằng thông cáo ngoại giao ở Hà Nội và cải chính của chính quyền địa phương Hải Nam rất có thể chỉ là hỏa mù để che giấu sự thật. Rồi ta lại thấy một số cơ quan truyền thông tiết lộ là Trung Quốc đã thiết lập tại đảo Hải Nam một căn cứ hải quân tối tân có thể dùng làm cứ điểm cho nhiều tầu ngầm và cả hàng không mẫu hạm. Như vậy Trung Quốc không che giấu tham vọng khống chế toàn khu vực Biển Đông, là một đường tiếp tế có tầm quan trọng chiến lược đối với họ. Có người còn tính xa hơn nữa: Biết đâu đám quân nhân hiếu chiến Trung Quốc chẳng bắt chước nhóm quân phiệt Nhật Bản hồi Thế chiến 2, thực hiện một cuộc chiếm đất bất ngờ, ở vùng Trường Sa theo kiểu Pearl Harbour, nhân lúc Hoa Kỳ đang bận rộn với cuộc bầu cử Tổng thống? Dĩ nhiên đây chỉ là một giả thuyết ức đoán: tuy nhiên ai cũng biết ngừa bệnh vẫn hơn trị bệnh.

Bản thông cáo được phổ biến sau cuộc gặp gỡ giữa hai ông G. W. Bush và Nguyễn Tấn Dũng rất ngắn ngủi và mơ hồ. Tuy nhiên, có một điểm khiến chúng tôi chú ý đặc biệt, đó là: Hoa Kỳ xác nhận nguyên tắc tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Khẳng định lập trường này, rõ ràng là ông G. W. Bush muốn gửi một tín điệp cho Trung Quốc: Các ông đừng vội coi quần đảo Trường Sa là đất của các ông, trong khi chủ quyền quần đảo này còn đang là nội dung tranh chấp giữa các ông với nhiều nước trong vùng đó.

Một sự kiện khác đáng chú ý: sau khi gặp Tổng thống G. W. Bush, Nguyễn Tấn Dũng và phái đoàn đã đến Ngũ giác Đài để hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ.

Mặt khác, các hãng thông tấn loan tin một nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở vùng Đông Nam Á tiết lộ là Hoa Kỳ đang tiếp xúc với hai nước Lào và Cam Bốt để bàn về vấn đề hợp tác quân sự.

*


Những sự việc vừa duyệt lại đưa chúng tôi tới kết luận: tình hình chính trị - quân sự ở vùng Biển Đông (Mer de Chine) đang trở nên nghiêm trọng. Một lần nữa, quê hương chúng ta lại lâm vào thế kẹt, giữa hai lực lượng quốc tế đối nghịch. Đã đến lúc không thể úp úp mở mở được nữa mà phải minh bạch hóa thế đứng của mình. Những người Việt tha thiết với tiền đồ của dân tộc, có trách nhiệm làm mọi cách để ngăn ngừa thảm họa chiến tranh tái diễn trên quê hương đã quá đau khổ của chúng ta.

Paris ngày 24 tháng 7 năm 2008

© 2008 talawas